Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Minh Thủy - NGÀY LỄ MẸ LẺ LOI

10 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 57741)
Nguyễn Thị Minh Thủy - NGÀY LỄ MẸ LẺ LOI



Nguyễn Thị Minh Thủy


Ngày Lễ Mẹ lẻ loi


le_loi-large-content


Còn nhớ năm đó, tin má tôi qua đời ở Việt Nam bay đến tai tôi vài hôm trước ngày Chủ Nhật “Mother’s Day,” lúc mà trên những tờ quảng cáo gửi tới tận nhà, mấy cái gợi ý về quà tặng cho mẹ chiếm đầy trang giấy. Còn Ngày Lễ Mẹ nào buồn hơn Ngày Lễ Mẹ đó, kể từ ngày tôi rời nước và biết được cái phong tục của người văn minh Âu Mỹ này.

Ở tuổi tám mươi, má tôi từ giã cõi trần kể cũng không quá sớm, và cũng không quá bất ngờ vì mấy tháng sau này sức khỏe của má đã suy kém rồi. Nhưng với tôi, có lẽ cũng như đối với bất cứ người con nào, một cảm tưởng chới với hụt hẫng phủ chụp lấy tôi khi nhận được hung tin ấy: “Sao má không sống thêm vài ngày, vài tháng, vài năm, vài mươi năm, (và thậm chí tham lam tới mức tối đa) sống luôn với con cho hết đời con, má ơi!”

Khi chị tôi gọi điện thoại báo tin buồn cho tôi, vừa nghe giọng chị là tôi đoán được liền nội dung. Mười mấy năm về trước, chuyện liên lạc điện thoại viễn liên Mỹ-Việt không dễ dàng, phổ thông như bây giờ, năm khi mười họa người trong nước mới gọi ra hải ngoại vì lệ phí còn quá mắc. Ba năm trước đó, tôi cũng nhận được điện thoại của anh tôi vào lúc sáng tinh mơ, báo tin ba tôi đã vĩnh viễn ra đi. Ôi, những cú điện thoại hãi hùng! (Một người bạn cũng từng chia sẻ với tôi về niềm lo sợ này. Bạn ấy cũng còn cha mẹ già ở Việt Nam, và không gì hồi hộp hơn khi nghe những hồi chuông điện thoại nửa đêm.)

Rút kinh nghiệm lần ba tôi mất mà tôi không về dự đám được để rồi sau đó phải đau khổ bứt rứt triền miên ngồi đứng không yên, tôi quyết định phải có mặt trong đám ma má tôi, dù với bất cứ giá nào. Vì thế, một mặt tôi lo xin phép sở làm, một mặt lo mua vé máy bay, xin visa khẩn cấp cho hai mẹ con, tôi và con gái út vừa lên tám tuổi, để chuẩn bị lên đường vào hôm sau. Phần tôi thì giản dị thôi, nhưng con bé mong manh yếu đuối của tôi thì cần nhiều thứ nhiêu khê lắm. Nào là thuốc say xe, thuốc xịt trừ muỗi, thuốc thoa chống ngứa, thuốc mỡ trụ sinh chống nhiễm trùng da, thuốc trị tiêu chảy, vân vân.

Tôi làm sao quên được, buổi trưa đó tôi đã đứng khóc ngon lành khi lựa thuốc cho con trong tiệm thuốc tây Sav-on gần nhà. Có gì đâu, chỉ cần đọc mấy cái mẩu rao quảng cáo như “Quà lý tưởng cho Mẹ,” “Bảo đảm Mẹ bạn sẽ thích món này,” “Đem niềm vui cho Mẹ mà không quá 20 đô,” vân vân đăng trong mấy trang giới thiệu hàng sale trong tuần của cửa tiệm này là tôi đã chạnh lòng thương thân tủi phận rồi. Tuy cố trấn áp sự nhạy cảm của mình bằng cách lý luận, “Dân Mỹ giỏi tiếp thị quá, lễ lạc gì cũng là cớ để bán được hàng, thu được nhiều tiền,” tôi cũng không khỏi nao nao nhớ tới cảnh côi cút mất mát của mình.

Bước qua dẫy hàng bán thiệp, cho dẫu không đứng lại hay quét mắt nhìn ngắm những tấm thiệp tuyệt đẹp như trước kia tôi vẫn làm dù mua hay không, một hồi tưởng đau lòng lại hiện về trong tôi. Từ lâu tôi mê lắm những cái thiệp dành cho mẹ với những câu in sẵn rất hay tuy có vẻ “cải lương” một chút. Thật ra gửi cho mẹ một cái thiệp với những câu “cải lương” đó vẫn đỡ “quê” hơn là cầm tay mẹ mà nói ra những lời đại loại như vậy vì không hiểu sao tôi hay cảm thấy mắc cỡ, xấu hổ khi bộc lộ tình cảm cho người mẹ thương yêu nhất đời của mình. Ấy vậy mà tôi chưa bao giờ làm được cả hai việc ấy, cho dù là việc mua thiệp và gửi đi nào có khó khăn gì. Tôi viện dẫn nhiều lý do để không gửi thiệp, nào là “Thiệp viết bằng tiếng Anh làm sao má hiểu được,” nào là “Văn vẻ quá đâu có hợp với tâm hồn bình dị của má,” nào là “Mình gửi cho má, rồi còn má Sáu, má Bảy (là người mợ và người dì rất thân thương của tôi) làm sao? Má có thiệp mà mấy má kia không có, họ buồn làm sao? Mà nếu mỗi má đều nhận được thiệp Mẹ thì thấy cũng “sao sao” đó, không ổn. Hay là thôi, không gửi cho ai hết là tốt nhất.” Ôi, khi người ta đã chần chừ thì có muôn ngàn cái lý lẽ để người ta lui bước. Bây giờ thì quá trễ rồi để một tấm thiệp dành cho mẹ được gửi đi và quá trễ được mẹ hiền hiểu thấu rằng con đã thương mẹ như thế như thế.

Đang sẵn bồi hồi, khi trông thấy hai người đàn bà Á Đông có vẻ như hai mẹ con mà người trẻ hơn cũng cỡ tuổi tôi, đang chụm đầu xì xào với nhau nơi một dãy kệ, tôi không kềm nổi cơn cảm xúc. Tôi nhớ má tôi, nhớ mãnh liệt lạ lùng. Bà cụ ấy cũng bới đầu, cũng áo bà ba choàng khăn đầu cho ấm kiểu người già Việt Nam, nghĩa là y hệt như má tôi. Trái tim tôi như có bàn tay vô hình bóp lại, lần đầu tiên thấy mình thật lẻ loi trên đời: mình không còn mẹ nữa. Từ đây về sau, muôn đời muôn kiếp, không còn dịp nào để đứng bên cạnh mẹ, lựa cho mẹ chai thuốc bổ, nói với mẹ một điều gì đó hay chỉ đơn thuần đứng bên cạnh mẹ thôi, như người thiếu phụ kia hay như bao nhiêu người diễm phúc còn mẹ khác.

Cái cảm giác lẻ loi, đơn độc của một người con vừa mất hết cha mẹ thật khó tả. Vào thời điểm đó, tôi đã sống xa đất nước, xa người thân, xa cha mẹ hơn hai mươi năm, nghĩa là gần phân nửa đời rồi. Tôi đã từng lủi thủi cô đơn trên đất khách quê người, từng nuốt lệ bao đêm bẽ bàng duyên phận, từng một mình phấn đấu vượt qua bao khó khăn để ngắc ngoải sống còn. Nhưng biết song thân, nhất là mẹ, vẫn còn sống, dù là cách xa mình ngàn dặm đi nữa, dù không thể dễ dàng một sớm một chiều quay gót chân lữ thứ để trở về mái nhà xưa và ngồi bên cạnh mẹ đi nữa, người ta vẫn thấy không hoàn toàn lẻ loi đơn độc như khi mẹ đã vĩnh viễn ra đi.

Xa rời tổ ấm gia đình, trong cuộc sống cam go, tôi nếm trải đủ mùi vui buồn vinh nhục. Khi vui, khi vinh thì thuật lại, chia sẻ cho cha mẹ vui theo; khi buồn, khi nhục thì cắn răng chịu đựng cho cha mẹ khỏi phải lo âu thương xót. Nhưng dù thế nào đi nữa bao nhiêu năm qua tôi cũng đâu thật sự được kề cận cha mẹ hoàn toàn. Vậy mà khi còn cha còn mẹ vẫn khác, khác lắm với lúc không còn cha mẹ trên cõi đời này nữa.

Tôi mù mờ, không hiểu tại sao khi mất cha mẹ rồi tôi có cảm tưởng tựa hồ như mình là một thân cây đã bị chặt rời, không còn nơi nào để bám rễ trên mặt đất này. Nhưng điều tôi biết rõ, rất rõ, là khi má tôi không còn trên đời này nữa thì đồng nghĩa người thương tôi nhất trên đời cũng không còn.

Ngày Lễ Mẹ một lần nữa lại về cùng với những kỷ niệm đau buồn năm cũ. Nhưng sẽ không đầy đủ lắm nếu tôi kể cho bạn nghe mà quên không thêm vào những chuyển biến của tâm tư mình. Cái ý tưởng “mẹ mất rồi thì không còn ai thương mình nữa” đã làm tôi khốn đốn như kẻ mắc bệnh trầm cảm cho dù ông xã tôi luôn hết lòng kề bên ủi an nâng đỡ. Phải mất một thời gian lâu xa sau đó tôi mới “làm hòa” được với ý tưởng này. Có những cơ duyên trong đời đã giúp tôi, thay vì cứ nhớ “Không ai thương mình,” tôi đã biết tự vấn, “Mình có thương ai không, mình có từ bi được với ai không? Thật xấu hổ khi tự nhận mình đã trưởng thành, đã biết Đạo, mà cứ đòi được người thương chứ không nghĩ đến chuyện thương người.”

NTMT

 

17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76750)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!
16 Tháng Sáu 2008(Xem: 42573)
Images/upload/IMG_3784_s.jpg
26 Tháng Năm 2008(Xem: 28069)
Thắm thoát đã gần 9 năm kể từ ngày hội ngộ Ngô Quyền lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 03 năm 1995 tại nhà hàng " Ánh Hồng " thành phố Westminster.