Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - VỢ LÍNH

17 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 101549)
Nguyễn Thị Thêm - VỢ LÍNH

   VỢ LÍNH

vo_linh-large-content

 

Tôi quen biết chàng khi anh ấy đã là lính. Cái lon chuẩn úy chẳng là cái thá gì với tôi, một người con gái đầy nam tính. Tiếng nói miền Trung lơ lớ khó nghe, mặt chẳng đẹp trai và nhìn qua là biết chẳng phải con nhà giàu. Mấy cái đó và cả con người đó đáng lý ra chẳng dính dáng gì với tôi. Thế nhưng, trời bất dung gian cái tên chuẩn uý người Huế đó không biết bằng cách nào lại có thể xin vào dạy giờ ở cái trường Trung học tư tôi đang dạy. Tôi thì phớt tỉnh ăng lê, tới giờ dạy, hết giờ về không chuyện trò tào lao với người khác phái. Cái nhược điểm của tôi bây giờ tôi mới biết là ở chỗ này. Thế là cứ tới giờ tôi đang dạy thì hắn lại sai học trò sang mượn khăn lau bảng, mà dạy toán thì lau bảng thường xuyên. Lại qua mượn phấn, hết phấn thường xuyên. Hết giờ lại tới chào và xin lỗi. Ngày khác lỗi vẫn hoàn lỗi, lại mượn phấn, mượn khăn.

 

Từ đó tôi ghét hắn.Mấy đứa học trò cũng biết tôi không thích hắn. Thế là tôi bảo học trò để sẳn một mớ phấn trong cái hộp và một cái khăn lau bảng. Học trò hắn qua mượn, tôi đưa luôn hộp và nói hãy giữ lấy tôi tặng luôn, khỏi trả. Hắn tìm tôi xin lỗi và xin chở tôi về sau giờ dạy. Tôi từ chối, mặt lạnh như tiền đi thẳng. Buổi chiều, hắn tìm tới nhà để xin lỗi. Hôm sau, không giờ dạy hắn lại tới nhà mượn sách và ngồi lì nói chuyện không đâu ra đâu. Cứ hễ có dịp là hắn tới nhà tôi ngồi đồng, hắn nói đủ thứ chuyện bằng âm hưởng miền Trung nặng trình trịch. Một thời gian sau, tôi nghe miết rồi quen cái giọng khó nghe. Không tới trả sách thì lại thấy thiếu vắng một cái gì không phải là sách. Cái chiến thuật “mưa lâu thấm đất.” "Nói hay không bằng ngồi dai” đã khiến tôi phải lên xe hoa về nhà hắn và làm vợ hắn cho tới bây giờ.

 

Ông xã tôi là con trai một trong một gia đình hiếm hoi con trai. Cha chồng tôi là con trai một và đã mất sớm khi mẹ chồng tôi mới hơn 30 tuổi. Một nách 3 đứa con côi và cha mẹ chồng già yếu, mẹ chồng tôi đã ở vậy một nắng hai sương làm tròn nhiệm vụ làm dâu và làm mẹ. Do đó cái ao ước và hoài bảo của bà là có người thừa tự . Tôi cô gái miền Nam tánh tình bộc trực, lại là một nữ hướng đạo hội họp , đi cắm trại liên miên, không nằm trong danh sách những người bà lựa chọn. Thế nhưng khi cậu con trai đã quyết thì bà phải bằng lòng. Vì trong thời buổi chiến tranh, người lính không thể biết trước ngày nào bỏ thây ngoài trận chiến. Và thế mẹ chồng tôi đã bỏ cái làng quê chôn nhau cắt rốn vào miền Nam để cưới vợ cho con, hầu mong tìm một mống cháu nội sau này.

Thế nhưng sau 3 năm cưới nhau tôi vẫn trơ trơ cho mẹ chồng tôi ngày đêm không yên giấc. Tôi biết trong tận cùng bà buồn lắm. Đôi khi bà nhìn tôi với đôi mắt thiếu tin tưởng . Câu “Cây độc không trái, gái độc không con'' mà một lần tôi tình cờ nghe từ miệng bà khiến tôi buồn không ít. Thế nhưng là lính, vợ chồng không gần gũi nhau, làm sao có con được. Thế là bà bỏ Biên Hoà theo con trai ra Đà Nẳng và tuyên bố sắp đặt chỗ ở để tôi phải thuyên chuyển theo chồng. Kỳ nghỉ tết năm 73, sau buổi họp cuối cùng, tôi đón xe đi Sài Gòn và lên chuyến bay đi Đà Nẳng thăm chồng. Đến đón tôi không phải mẹ chồng mà là người lính tùy tùng của anh. Thế là chiều hôm đó tôi có mặt ở nơi đóng quân của anh. Một ngọn đồi cao của vùng núi Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên tôi chính thức sống đời vợ lính nơi tiền đồn.

 

Chúng tôi trú ngụ trong căn hầm chỉ huy đầy súng đạn và trang bị truyền tin. Tôi đang đan dang dở một tấm khăn trải bàn. Thế là tôi phải hoàn tất gấp tấm khăn đó để làm chiếc màn cách ly. Cuộc sống vợ chồng trong đồn lính thì có nhiều chuyện không thể cười mà cũng không thể khóc của một cô giáo kín đáo, nghiêm túc với cuộc sống xô bồ lính tráng ở đây. Tôi chỉ biết những ngày ở đó tôi thương lính hơn, tôi thông cảm nỗi cô đơn của chồng hơn và nhất là thật sự biết lo sợ cho chồng trong cuộc sống mà nơi đâu cũng có tai mắt của kẻ thù rình rập. Hết ngày lễ, chồng tôi giao đồn cho Đại đội phó đưa tôi về Đà Nẵng thăm mẹ chồng và ngay chiều đó tôi lên máy bay về lại Sài gòn vì ngày mai đã bắt đầu niên học mới.

Thế là tôi có mang đứa bé đầu lòng và tôi phải làm đơn xin thuyên chuyển để thật sự bắt đầu một cuộc đời mới. Mùa hè năm đó miền Trung đã thật không yên. Nhà tôi ở gần Phi Trường nên hàng đêm pháo dội về từng chập. Mẹ chồng tôi về lại Biên Hoà để lo cho con gái sinh nở. Tôi mang cái bụng bầu chui hầm thường xuyên. Mỗi lần có tin từ tiền đồn là tôi lo lắng hồi hộp. Những cuộc đụng độ xảy ra liên tiếp. Đại đội phó, Hạ sĩ Quan, rồi lính bị thương liên tục. Cuối cùng người Đại đội phó mới đổi về cũng bị thương. Tôi như ngồi trên lửa nóng. Nỗi cô đơn, lo sợ, hồi hộp, mất ngủ khiến tôi xuýt bị sẫy thai. Thế rồi mẹ chồng tôi cũng về kịp trước ngày tôi sinh nở. Con tôi mở mắt chào đời ở một nhà hộ sinh tư. Tôi mệt nhoài sau cơn vượt cạn, mẹ chồng tôi đón con bé với nụ cười gượng gạo. Bà chỉ mong là trai để nối dõi tông đường. Còn anh, được tin tôi đã sinh con, anh về cùng người lính tùy tùng. Vào nhà thương, xoa đầu tôi, bồng con hôn vài cái là xe hậu cứ đã chờ để đưa anh lên lại đơn vị. Ngày đầy tháng con bé, họ hàng, bà con đầy nhà. Anh bươn bả bước vào, chào mọi người rồi tới bên tôi cười cười. Bồng con bé lên hỏi tôi: ''Sao mặt nó như dài ra” hôn con, ăn vội vã vài miếng. Xe hậu cứ trờ tới và anh lại lên đường. Tôi ứa nước mắt, không thể giận anh, mà cũng không thể không trách anh. Chẳng nói gì được với tôi một câu ngọt ngào khi tôi vật lộn trong cơn đau đẻ, lại chịu sự chăm sóc cực kỳ quái đản của mẹ chồng tôi trong những ngày nằm cữ. Tôi nhắm mắt lại, thương con và thương mình quá đổi.

Thế là cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Anh được đổi về làm ở trung tâm hành quân. Tôi nghe thôi chứ cũng không biết ở đâu? Chỉ biết ít nguy hiểm tính mạng hơn ở Đại đội. Chồng tôi là một người sống chân thành và tốt với bạn bè, đồng đội. Tôi nhớ có một lần anh dẫn về nhà một người lính và một người phụ nữ. Anh nói với tôi đây là lính trong đơn vị, vợ nó tới thăm. Anh cho nó nghỉ phép và nói nhỏ với tôi lo ăn uống cho tươm tất. Đến tối, anh bảo tôi ôm con xuống nhà sau ngủ, nhường giường chúng tôi cho hai vợ chồng kia. Anh nói:

''Tội nghiệp tụi nó, gặp nhau như vầy nó mừng lắm. Hãy để nó trọn vui. Đời lính không biết sống nay, chết mai.''

Và như vậy, sáng hôm sau anh lên đơn vị, người lính cùng vợ có 3 ngày phép đoàn tụ tuyệt vời. Một lần thấy anh không còn bộ đồ civil nào cho ra hồn, tôi bảo anh đi may một bộ đồ mới. Anh vốn là người khó tính và kén chọn. Mãi sau mới chọn được màu vải vừa ý mà may. Lấy đồ về chỉ một lần mặc thử cho tôi ngắm rồi mãi bận hành quân không có dịp mặc. Đại đội phó của anh gia đình ở tận miền tây, anh ta lại phải lòng cô gái Đà nẵng. Thế là một hôm anh về bảo tôi mở tủ lấy bộ đồ mới may, tặng cho anh chàng đại đội phó của mình. Anh nói với tôi: ''Nó cũng trạc với anh. Nó mặc vừa đó em. Thôi tặng cho nó đi hỏi vợ. Hỏi vợ chỉ một lần chứ may đồ thì mình còn nhiều lần khác. Tội nghiệp gia đình nó ở xa, không có bộ đồ civil nào mặc cho ra hồn để coi cho được trong ngày quan trọng.''

Tôi vừa tiếc vừa phục tấm lòng tốt của chồng. Không còn lời nào để nói tôi đành gói lại đàng hoàng, bỏ trong túi xách và bảo đem cho chú ấy. Ngày Đà Nẵng sắp mất, người người bỏ chạy ra ngoài bến tàu để thoát vào Sài gòn. Chồng tôi ở Trung tâm hành quân, biết sự sụp đổ đã đến, không liên lạc được với đại đội cũ của mình. Anh cấp tốc lên tận nơi trú đóng và kéo lính về trong làn sóng di tản khổng lồ của Đà Nẵng. Chúng tôi, mẹ già, con dại chờ đợi anh mõi mòn. Trông thấy anh về với đoàn quân tan tác mà muốn xỉu. Chồng tôi ruột để ngoài da. Lúc nào anh cũng lo cho bạn bè, đồng đội, anh em, ít khi nào lo lắng chuyện nhà. Mọi thứ mẹ chồng tôi cán đáng, điều khiển và tôi là người tuân lệnh thi hành. Có lẽ nói ra không ai tin, nhưng đối với tôi, tôi chưa hề cầm trong tay một đồng lương lính. Ngày chưa theo anh, tôi đi dạy, có lương, có nghề nghiệp, tiền ai nấy xài. Mà tiền lính thì tính liền anh cũng chẳng có gì dư dã. Theo chồng ra Đà Nẵng tiền lương anh có đưa cho mẹ chồng tôi không thì tôi không biết, còn tôi chẳng hề nghe nói đến tiền bạc. Ngày Đà Nẵng mất lẽ dĩ nhiên anh không có lương và anh đi cải tạo suốt 8 năm trời chấm dứt một thời kỳ lính tráng.

 

Như vậy thì làm vợ lính vui hay buồn, sướng hay khổ? Thưa các anh, người vợ lính chịu mọi thiệt thòi. Có chồng mà cũng như không trong suốt thời kỳ chinh chiến cũng như hòa bình. Những ngày tù tội đã đành không thể trách ai. Các anh trong bốn bức vách lao tù, số phận ai cũng như ai. Nhưng người vợ lính ở nhà cái vòng đai rộng hơn, bẫy rập nhiều hơn, con người tàn ác quỷ quyệt hơn đe doạ thân phận đàn bà. Tôi có những người bạn vì thương chồng, lo lắng chạy chọt để lo cho chồng về, để rồi sụp bẫy. Cả cuộc đời danh tiết, hạnh phúc bị mất tất cả. Có người lạc bước khi bươn chải kiếm đồng tiền lo cho con, lo cho chồng cải tạo. Thương tâm lắm, đau đớn lắm cho những cánh hoa trong biển lửa tàn ác của chiến tranh ý thức hệ.

Xin lỗi các anh cho tôi nói thật. Khi ở tù về, các anh có thật sự quên đi tất cả, đem hết sức mình cùng sát vai vợ mà lo cho gia đình không? Đàn bà chúng tôi, ăn trắng mặc trơn, học hành trí thức, nhưng đến lúc phải lo miếng ăn cho con, cho chồng thì bất chấp sự cực khổ. Bán chợ trời, chạy hàng xuôi ngược Bắc Nam, bán hàng rong, cày thuê, cuốc bẫm, bán thuốc tây, thuốc hút, làm công nhân…. Bất cứ nghề nghiệp nào lương thiện để kiếm ra tiền thì không quản ngại khó khăn. Các anh nhận những món quà đơn sơ, nhưng biết đâu rằng trong hoàn cảnh cả nước cùng đói, chúng tôi phải tính toán muốn bạc tóc mới đem được đến tay các anh một ít quà, nhưng là một biển yêu thương, một trời thương nhớ. Khi các anh được về nhà sau những tháng ngày bán đời mình cho đói khát, bệnh tật. Các anh không biết là đã mang theo trong mình một nỗi chán chường, một tâm hồn đầy bất mãn và nghi kỵ mọi thứ. Các anh lính hào hoa, yêu đời, coi thường sinh mạng đã mất. Các anh bây giờ đã bỏ lại trên núi đồi Việt Bắc phân nửa cuộc đời hùng tráng của mình. Chồng tôi cũng vậy, anh chán đời, bất mãn và tự ái với vợ, với con và chính bản thân mình. Tôi đã khóc nhiều đêm, nhiều ngày mà không biết làm sao kéo anh ra khỏi cái ám ảnh tàn khốc đó. Tôi công nhận CS thật quỷ quyệt, những bài học nhồi nhét cho các anh, nó như con ma kéo trì những chí hướng phấn đấu của chồng tôi. Người lính của tôi đã thật sự thất trận thảm thương.

Khi được sang Mỹ định cư, mẹ chồng tôi mang nhiều bệnh tật. Chồng tôi vui buồn, khoẻ mạnh hay suy nhược theo căn bệnh của mẹ chồng tôi. Anh có cảm giác mình phải làm cái gì trả hiếu cho mẹ mà bất lực. Ngày mẹ chồng tôi mất, chồng tôi như thân cây không còn mầm sống gục xuống đau đớn. Anh bị trụy tim, bị strock và đầu óc càng ngày càng suy nhược theo căn bệnh Parkinson.

Bây giờ sau 38 năm chồng tôi không còn làm người lính, nhưng tôi vẫn làm người vợ lính hằng ngày theo từng sinh hoạt của chồng. Anh đang sống trong hồi ức những ngày bên anh em, bạn bè, đồng đội. Có món gì ngon là anh bảo kêu mấy đứa tới ăn. Đừng tưởng anh kêu bầy cháu tôi. Không đâu, bạn bè lính tráng của anh đó. Khi thì kêu tôi chuẫn bị đồ nhậu, mấy thằng em tới chơi. Khi thì bảo thay đồ cho anh để anh đi họp Tiểu đoàn. Khi thì vui cười kể chuyện huyên thuyên như có người trước mặt.

Và như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời cho chồng tôi. Mỗi buổi sáng lạy Phật tôi đều nguyện cầu bình an cho chồng, cho con cho tất cả mọi người xung quanh tôi. Cầu nguyện cho những anh hùng chiến sĩ đã nằm xuống được nhẹ nhàng siêu thoát.

Tôi rất ái mộ những chị cầm cờ theo chồng trong những cuộc biểu tình, hay sát cánh bên anh trong những lần sinh hoạt đơn vị. Màu áo các chị tung bay xinh xắn, gương mặt các chị rạng ngời hạnh phúc, đôi mắt các chị rực lửa đấu tranh. Những người vợ lính ấy đã làm đẹp cuộc đời cho chồng, cho xã hội. Tôi không được may mắn ấy, chồng tôi bây giờ là một thương binh thật sự. Anh không thể sát cánh cùng đồng đội sinh hoạt, nhưng trái tim anh và đầu óc anh đầy ắp tình đồng đội và quê hương. Và tôi dù gì và cho thế nào đi chăng nữa tôi vẫn mãi mãi là người vợ lính không bao giờ thay đổi.

 

Nguyễn thị Thêm.

14/03/13

 

 

 

 

05 Tháng Bảy 2010(Xem: 96339)
(Cảm xúc nhân ngày Hội Ngộ Ngô Quyền, Hè 2010) Thầy Nguyễn Xuân Kính
05 Tháng Bảy 2010(Xem: 97624)
NGÔ QUYỀN TRƯỜNG CŨ GẶP NHAU ĐÂY THÁNG 7, MỒNG BA, HỌP MỘT NGÀY BÈ BẠN KHẮP NƠI VỀ HỘI TỤ CÔ THẦY MUÔN NẺO ĐẾN SUM VẦY
05 Tháng Bảy 2010(Xem: 97271)
Áo trắng niềm vô tư Nét bút dệt mộng dài Trời xuân lòng phơi phới Chưa nghĩ chuyện tương lai
04 Tháng Bảy 2010(Xem: 80749)
Lật trang lưu bút bồi hồi Hè sang gợi nhớ quãng đời học sinh Phượng hồng nhuộm nắng lung linh Lòng em thầm lặng một mình nhớ ai…
02 Tháng Bảy 2010(Xem: 82282)
Tháng Tám bên nầy vẫn không mưa Ở đây buồn nhớ hướng quê xưa Nhớ chuyện tình yêu ngày tháng cũ Còn trong ký ức chẳng phai mờ
30 Tháng Sáu 2010(Xem: 92416)
Không Ai biết Ai và Ai rất trẻ Nhìn ngực nhau thấy phù hiệu Ngô Quyền Ai muốn trao Ai nụ đời vừa hé Đâu biết mình đang độ tuổi thần tiên
29 Tháng Sáu 2010(Xem: 89315)
Vào hạ tuần tháng 5/2010, từ Cali em đã gửi email báo trước cho tôi biết tin em sẽ về thăm quê nhà ở Nha Trang khoảng hai tuần lễ kể từ ngày 23/05/2010, nhưng trong email em đã kín đáo không cho tôi biết là thân phụ em vừa mất và mục đích chuyến về Việt Nam lần này của em là để lo tang Cha.
29 Tháng Sáu 2010(Xem: 97384)
Vẫn là anh, làn gió mát xôn xao Thổi êm ái lời tình đầu thuở trước Em xin mãi là mưa ngày bão rớt Rơi xuống anh nghìn giọt nhớ quê nhà.
27 Tháng Sáu 2010(Xem: 81191)
Xưa em tóc xỏa vai gầy Áo dài vải trắng thơ ngây đến trường Tôi theo sau bước ngập ngừng... Sợ con bướm trắng lạc đường bay xa
27 Tháng Sáu 2010(Xem: 72933)
Biển có nỗi niềm riêng Trải ra cùng với sóng Sóng chính là tim biển Thiên thu vẫn trào lòng.
27 Tháng Sáu 2010(Xem: 73120)
Đã qua rồi, ngày xưa bé nhỏ Anh và em, đôi ngả đôi đường Chuyện học trò, còn mãi vấn vương Ta đã mất: Con đường phượng tím
27 Tháng Sáu 2010(Xem: 69527)
Tâm Kinh Bát Nhã tiễn anh đi Tan nát lòng em - chẳng nói gì Em nguyện hồn anh về cõi Phật Giữa trời thanh tịnh khói mây bay.
26 Tháng Sáu 2010(Xem: 69403)
Yên giấc ngàn thu biệt bạn vàng Đau lòng em lắm… quấn vành tang Còn đâu năm tháng cùng anh bước Qua khúc gian truân, nỗi đoạn trường
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 92224)
Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.
18 Tháng Sáu 2010(Xem: 33476)
Tiêu đề : Trăng Bên Kia Sông Artist : Thanh Duyên Composer: Phạm Chinh Đông Harmonist : Đỗ Hải Lyricist: Phạm Chinh Đông
13 Tháng Sáu 2010(Xem: 32138)
Tiêu đề : Quê Nhà Artist : Thanh Hoa Composer :Phạm Chinh Đông Harmonist: Đỗ Hải Lyricist : Phạm Chinh Đông
13 Tháng Sáu 2010(Xem: 67881)
Sáng bố thức dậy sớm Làm bữa sáng thật ngon Hai quả trứng gà tròn Thành ốp la thơm phức.
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 74531)
Tháng Sáu lễ Father’s Day Trong lòng nao nức đến ngày giổ Cha Nỗi niềm thương nhớ thiết tha Con nhìn di ảnh xót xa lệ sầu
12 Tháng Sáu 2010(Xem: 152625)
Cùng với Mẹ, Cha là người có công sinh thành nuôi nấng và dạy dỗ các con dù trải qua nhiều khó nhọc. Nhưng khác với Mẹ, Cha là đàn ông nên tính trầm lặng, ít biểu lộ tình cảm hay gần gủi con cái, nói chung, nên con cái thường ít cảm nhận lòng thương yêu từ Cha như cảm nhận tình thương từ trái tim người Mẹ. Xin bấm vào các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 91796)
chợt nhớ ba tôi đã qua đời hơn 23 năm qua, tôi chỉ là một đứa con bất hiếu để quảng đời còn lại của tôi bao ân hận và tiếc nuối vì chưa một lần nói với ba rằng “con thương ba lắm ” trong việc làm hay trong tâm tưởng…
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 77654)
Một mình đêm dài, một khúc nhạc êm Nhớ vầng trán Ba với năm dòng kẽ Những chấm đen như nốt nhạc buồn không lệ Nhìn vào trán Người thấy những âm giai
10 Tháng Sáu 2010(Xem: 65742)
Dáng anh buồn thật buồn... Áo bụi đường còn vương Với đàn ghi ta cũ Mênh mang sầu tha hương.
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 101190)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 78166)
Những nỗi niềm xếp theo sóng nằm nghiêng Cho cái nhớ rơi theo chiều thẳng đứng Biên Hoà ơi! Làm ơn giữ trường tôi ngàn năm đứng vững Chờ kim đồng hồ quay lui về mái ấm Ngô Quyền.
04 Tháng Sáu 2010(Xem: 64126)
Vài năm nữa bằng lăng rồi sẽ lớn Hoa tím đầy cành gợi nhớ cho ai? Trong tất bật vội vàng người thành phố Có ánh nhìn nào âu yếm cho hoa?
25 Tháng Năm 2010(Xem: 75773)
Ôi mẹ VIỆT NAM một đời khốn khổ Tảo tần vì chồng, vất vả vì con Cuộc chiến bao năm âm thầm chiụ đựng Sao đến bây giờ mẹ vẫn cô đơn???
22 Tháng Năm 2010(Xem: 63974)
Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.