Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Thu Lê - TẢN MẠN VỀ "CHO'' VÀ ''NHẬN''

23 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 152239)
GS. Thu Lê - TẢN MẠN VỀ "CHO'' VÀ ''NHẬN''


 Tản mạn về

 

  “CHO” và “NHẬN”

GS. Thu Lê

 

chovanhan-large-content

 

 

Nói đến kỹ nghệ tặng quà thì có lẽ không có nơi nào được “thịnh” như ở xứ Mỹ này. 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên sang Mỹ được một gia đình bảo trợ du học sinh mời đến dự lễ Giáng Sinh trên đất Mỹ. Tôi đã vô cùng “choáng ngộp” khi nhìn thấy những gói quà to nhỏ chồng chất dưới cây thông, gói giấy thật đẹp, băng vải kim tuyến long lánh. Mỗi người đều phải có quà cho mọi người trong gia đình. Nhà có 5 người thì một người mua quà cho 4 người kia, vị chi có ít nhất 20 món quà không kể những gói quà định tặng cho hàng xóm, hoặc người quen nào sẽ gặp trong dịp này. Cũng nhân dịp này mua sắm thêm cho gia đình một cái TV mới, một cái máy hút bụi, hay một cái đèn v.v... Tất cả đều gói ghém thật đẹp, gom dần để dưới gốc cây thông, chờ đến tối 24 hay sáng sớm 25, trong sự vui mừng hối hả, xé toạc những tờ giấy gói đồ lộng lẫy để mở quà và cuối cùng lúc tàn cuộc là một túi rác khổng lồ cùng các hộp nằm lổng chổng ở một góc nhà.

 Tôi cứ tiếc những tờ giấy gói đồ quá đẹp mà tôi chỉ muốn nhìn chứ không muốn xé rách. Một ngày “cho” như thế đi quá nhanh, quả có đem lại niềm vui cho mọi người, nhưng sau bao nhiêu công trình vất vả, áp lực phải đi mua sắm cho một danh sách dài. Tặng quà cho tất cả mọi người đã trở thành một thói quen và cũng không nhiều thì ít đã làm cho nhiều người lo lắng, phiền muộn, nhất là khi tình trạng tài chính eo hẹp. Có lẽ vì vậy nên mới có cái gọi là “Christmas blue”. Không có tiền thì dùng thẻ tín dụng chứ sao, nhưng khi cà thẻ thì lại tăng thêm cái áp lực, cái lo lắng nghĩ đến tờ giấy nợ gửi đến tháng sau. Người ta gọi dịp Giáng sinh là dịp để “cho” và để “vui” (the time of giving and the time of joy) và trong sự bận rộn, hối hả làm công việc đi cho đó, ít ai nghĩ đến việc Chúa sinh ra đời, hoặc nhìn kỹ là ai cho, ai nhận và ai vui hay không vui. Bình thường thì khi cho ai cái gì, làm cho ai cái gì thì chính người cho, người làm phải cảm thấy vui trước vì mình đã làm được một điều tốt, điều thiện. Niềm vui nhẹ nhàng đến với mình khi trao món quà cho người thân, nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ hân hoan của người nhận tỏ sự cảm kích đã nghĩ đến họ. Đó là niềm vui “được cho”, được đem lại cái vui cho người khác. Nhưng khi việc “cho” vào dịp Giáng sinh đã bị thương mại hóa một cách máy móc thì hành động “cho” - một thúc đẩy từ tâm - đã bị chìm xuồng, mờ đi và bị choáng ngợp bởi các món quà, các vật thể - phó sản của một xã hội vật chất, dư thừa. Và sự chú ý vào vật thể làm người ta quên đi cái tình cảm đi theo hành động “cho” mà chỉ nghĩ đến món quà đẹp hay xấu, có đáng giá không, có dùng được hay không, hay mình có cần hay không. Và ngày hôm sau lể Giáng sinh, khi mọi sự trở lại bình thường cho một đời sống bận rộn vội vã thì người ta cũng quên hết cái tình cảm gắn bó với món quà mà người cho cũng như người nhận đã trao cho nhau.

 

Từ chỗ cho nhau quà là những cái cụ thể có thể nhìn thấy, tôi tự hỏi “cái cho không nhìn thấy” như tình cảm, tình thương yêu của con người đối với nhau được cảm nhận ra sao?

Người mẹ nhìn con bằng ánh mắt thương yêu, bàn tay mềm vuốt ve mái tóc và tay kia ấn núm vú vào miệng đứa trẻ là một hình ảnh “cho” vừa đủ cả tinh thần lẫn vật chất. Một người vợ cặm cụi nấu cơm, dọn sẵn chờ chồng con về ăn cùng, một đứa con đi học về cho mẹ một miếng bánh xin được của bạn, hay một người mẹ tìm thấy sau một trận động đất ở Trung Hoa đã nằm đè lên con để che cho con được sống, hay một người qua đường thấy một mảnh kiếng vỡ đã nhặt lên bỏ vào thùng rác - tất cả đếu không ít thì nhiều đã diễn tả hành động “cho”. Làm một điều gì có ích cho ai, không cần ai biết (nếu cả làng biết thì không kể) là để chính mình cảm thấy vui trước. Thật đúng như cái câu tôi đã đọc được khi đứng xếp hàng để đổi tiền ở một nhà băng, “To do something good for somebody is like to pee in your pants. Nobody knows it but you feel warm inside!”

Kinh điển nhà Phật nói rất nhiều đến “hạnh bố thí”. Cho, cho, và cho. Bất cứ lúc nào, ở đâu, cho ai. Làm ơn, làm phước mà không nghĩ ai phải biết việc mình làm, cũng không nghĩ đến việc “có đi có lại” hay “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Một trong 10 điều tâm niệm của Phật có nói “Thi ân như đôi dép bỏ”, làm mà không bao giờ nghĩ cần có sự đền đáp. Trong tinh thần bố thí đó thì người cho phải cảm ơn người nhận bởi vì nhờ có họ mình mới có cái vui của người “được cho”. Thỉnh thoảng chúng ta thấy các thầy tu đứng khất thực ở ngoài đường, chúng ta chẳng là phải cảm ơn các thầy đã cho mình một cơ hội để tạo phước, để chúng ta thực thi hạnh bố thí đó sao?

 

Từ chỗ “biết cho” đến chỗ “biết nhận” không xa là mấy nhưng có nhiều người không làm được. Nhiều người tôi biết quả là bồ tát, biết cho rất nhiều. Nhưng họ có cá tính mạnh, và rất độc lập và hiếu thắng, không bao giờ muốn nhận của ai, muốn chịu ơn ai hay để cho ai làm gì cho mình. Hình như trong họ có một cái gì bất ổn, chạm đến tự ái hay cái tôi của họ, không cho phép họ lụy ai hay chịu nhận cái gì của người khác. Họ biết cho và vui với cái “cho” của họ nhưng không nghĩ dến việc để cho người khác cũng được cái vui đó, không biết rằng khi mình “biết nhận” là mình cũng làm cho người khác vui. Một người bạn thân cuả tôi viết thư về chuyện “biết nhận” như thế này:

 ...Có một lần đọc được một chuyện ngắn của chị bạn viết là hồi Thầy Thiện Ân sắp mất, chị thường hay lại thăm thầy và rất buồn khi thấy bênh làm thân thể Thầy đau đớn. Chị thường khắc khoải không biết làm gì để thầy vui, để thầy bớt đau. Một hôm chị hỏi “Thầy muốn con làm gì” thì Thầy bảo chị đi mua cho Thầy nột cái mũ đội cho ấm đầu. Hôm đó là ngày cuối tuần. Đã 7 giờ tôí. Các tiệm lớn đều đóng cửa. Nhưng Thầy muốn chị đi mua ngay. Chị đành chạy ra tiệm Thrifty lúc đó còn mở cửa mua chiếc mũ đem về. Thầy nhận và tỏ vẻ vui. Còn chị thì rất vui vì làm được một việc vừa lòng Thầy. Sau đó ít lâu Thầy qua đời. Và khi chị tới giúp dọn dẹp phòng Thầy ở cũ, chị thấy trong tủ của Thầy có cả tá mũ đủ loại rất đẹp. Chiếc mũ chị mua biếu Thầy hôm đó trông tầm thường nhất. Chị chợt tỉnh ra. Nhìn thì tưởng chị làm CHO Thầy vui. Chị là người làm phước. Thực ra chính Thầy cho chị cơ hội để chị được vui lần chót với Thầy. Để chị được phước báu. Chính chị là người NHẬN, người được thụ ơn. Từ kinh nghiệm đó chị nhận và biết là trong cuộc đời khi nghĩ tới cùng thì nhiều khi người cho lại chính là người nhận. Người nhận là ngươì cho. Không biết ai là ai. Và ai phải cám ơn ai. Thôi thì cứ cám ơn nhau vậy. Và cám ơn Đời....” (thư cuả Du Li)

Tôi nhớ mãi câu chuyện trên và khi một người bạn khác của tôi ốm –chị ấy ở một mình không chồng con anh em – mà không chịu để tôi lái xe chở chị đi bác sĩ, lặng lẽ đi một mình. Tôi phải đem câu chuyện thầy Thiện Ân ra kể cho chị nghe và nói với chị là tôi rất buồn, là chị biết cho (chị đã làm cho tôi và cho mọi người rất nhiều) nhưng chưa biết nhận. Đôi khi vì sợ phải chịu ơn, không muốn chịu ơn lâu nên phải vội vã trả ơn, theo tôi, cũng là một hình thức bội bạc vì vội vã để “làm cho nó xong” và quên đi thì chẳng là bội bạc thì là gì? Hoặc là cứ để sự ‘không muốn phiền đến ai”ngăn chặn tình thân hay nương tựa đáng lẽ có thể có giữa mọi người.

 

Thói quen tặng quà ở xứ này lâu dần thành lệ, đi đâu gặp ai cũng gói ghém một chút gì mình có để cho nhau, một thói quen tôi thích hơn là những quà tặng gói đẹp đẽ để cho nhau trong các dịp lễ lớn. Nó gói ghém một chút tình nho nhỏ nhưng chân thành. Bạn bè ai cho cái gì tôi cũng quí cũng nâng niu. Các con cho cái gì cũng suýt xoa và đem ra dùng để các con nhìn thấy. Nhưng cũng không khỏi hơi buồn lòng thấy các con với cuộc sống dư giả, cái gì cũng có nên nhìn cái gì cũng thờ ơ, không thấy có sự quí hoá. Tôi thấy tôi lụm cụm trong vườn, hái một mớ rau tươi hay một túi hoa quả mình có công trồng và lấy làm kiêu hãnh, cất kỹ để đến chiều đợi các con về chơi là đem ra khoe rau ngon và quả đẹp hiếm, để chỉ thấy đời sống bận rộn ồn ào đã làm các con tôi không chậm lại được, hay lắng nghe hoặc nhìn kỹ thấy những niềm vui nho nhỏ của sự cho và nhận. 

Một người bạn già cũa tôi kể lể: “Tôi nghĩ thật chẳng bao giờ quên được, chị ạ. Vào đầu mùa Xuân vườn nhà tôi không biết là bao nhiêu đóa hồng nở rộ, nào Blue Girl, Imperial, Double Delight, Brigitte... Buổi sáng dậy sớm lui cui cắt một bó hồng đủ mầu để chiều đem đến cho vợ chồng đứa con gái ở cách nhà 30 phút. Đến nhà không gặp, chỉ để lại bó bông. Sáng hôm sau lại có việc phải đi về phía đó qua hướng nhà nó, lại nhìn thấy mấy bông hồng mầu coral mới nở hàm tiếu còn long lanh những giọt sương đêm mà hôm qua chưa cắt được, tôi bèn cắt thêm nữa để cho con. Vừa đem đến cho, cô con gái vừa nhìn thấy đã cau mặt: “Mẹ đã cho rồi thôi.”

nhưng cũng bảo anh chồng lấy lọ cắm. Nghe giọng hơi sẵng, tôi biết nó đang bận cái gì, hay đang bực mình cái gì, nhưng tôi cũng nói: “Thôi để mẹ cắm cho.” và đang lúc cắm bông vào bình, tôi lại lấy bông hồng mầu coral ra đưa cho cô con gái đang đứng gần rửa chén: “Con xem cái mầu này đẹp không?” Cô gái gắt: “ Sao lại cứ dí vào mặt con vậy?” làm tôi chưng hửng, đứng ngẩn mặt ra và thấy lòng rưng rưng... Thì ra ở một cái xứ văn hoá dư thừa, cái gì cũng có, chắc chẳng còn gì đáng quí, phải không chị? Hay là phải cái gì gói ghém đẹp đẽ, lịch sự mới có giá trị chăng?”

Có sự “cho” nào như thế này mà không gói ghém tình cảm và người nhận, nếu lưu ý được rằng mình biết nhận cũng là một cách cho, và trong trường hợp này, để làm cho người mẹ vui, dù là trong nhà đã có nhiều hoa lắm rồi, hay hoa này không phải là thứ hoa cô gái thích.... Tôi chỉ còn biết an ủi người bạn già là đừng đặt nặng vấn đề, chắc tại cái tuổi già cuả mình nó làm cho mình dễ xúc động, dễ tủi thân đấy thôi.

Trên phương diện ngôn ngữ, chữ CHO trong tiếng Việt được dùng rất nhiều và diễn tả nhiều điều khác hơn là làm điều thiện, hay một dịch vụ, hay gửi gấm tình thương yêu tình cảm. Thử đọc câu này “Cha mẹ mong nuôi cho con khôn lớn, cho thành người, cho tiền cho bạc. Con chẳng chịu vâng lời, ăn chơi cho lắm vào, bây giờ trong vòng tù tội. Cho đáng đời!” thì quí vị có thấy những chữ CHO này có cùng một nghĩa không?

Rồi còn bao nhiêu cái CHO tình cảm, hãy nghe Xuân Diệu viết

 

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em, kèm với một lá thư,

Em không lấy, và tình anh cũng mất

Tình đã cho không lấy lại bao giờ.

 

Trong cuộc tình, cái cho này là thú đau thương, và luôn luôn đòi hỏi phải được nhận chứ không phải “cho để mà cho” như hạnh bố thí của nhà Phật. Vì vậy, nên người nào yêu là người khổ vì “cho tuy nhiều mà chẳng được bao nhiêu” nhất là những mối tình thầm lặng, một chiều.

 Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt, không cả sự phân biệt giữa người và ta, để tất cả những tương quan: cho nhận, được thua, phải trái, mất còn, đầu cuối, huyễn thực, trắng đen, sống chết chỉ là những biến số của vô thường trong vòng đời luân lưu chuyển hoá.


THU LÊ 

11 Tháng Giêng 2021(Xem: 12578)
Những chiều buồn lưa thưa Lời ngọt ngào chưa ngỏ Thành cổ tích ngày xưa… Ngày xưa…ngày xưa……
04 Tháng Giêng 2021(Xem: 11900)
... chợt ngưng vẽ môi điểm nụ cười mắt long lanh. sáng dường như V đang có điều bí mật thì ra “điều bí mật” luôn ẩn nấp trong tim đợi tiếng. thầm thì...
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 13838)
Lời tôi chỉ gió thoảng hư không Nghĩ đến tương lai cũng chạnh lòng Đàn con cháu Việt trên đất Mỹ Có còn hạnh phúc như ước mong?
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12589)
Hân hoan chào đón năm mới sang Pháo mừng Xuân đến nổ rền vang 2021 nhiều hy vọng. An Bình, Hạnh Phúc tiếng cười vang.
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10924)
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là năm 2021 đến với chúng ta. Xin hãy mang đến niềm vui, an lành, hạnh phúc và thịnh vượng đến với thế giới này. CHÚC MỪNG NĂM MỚI
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 13949)
Năm nay với những ngày ‘cấm cung’ vì dịch Covid-19, tôi mới nghĩ đến việc ngồi xuống viết về “Tỉa Thủy Tiên” để chia sẻ với bạn bè thân hữu ở xa những kinh nghiệm và hiểu biết (có thể chỉ là căn bản) về thủy tiên.
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11061)
. Mùa Giáng Sinh đã về thực sự trong căn nhà bấy lâu đã mất nụ cười. Ngày mai họ sẽ trang trí cây thông. Ánh đèn rực rỡ, thiên thần và những quả bóng nhỏ sẽ lấp lánh niềm vui hạnh phúc gia đình .
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12641)
Những bông tuyết trắng nhẹ buông Là lòng của mẹ yêu thương gửi về Chúc con người lính xa quê Sống vui khỏe mạnh ngày về bình an.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11990)
Em như loài hoa dại Mọc trên đá khô cằn Vẫn vươn mình lớn dậy Thơm ngát cùng gian nan.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12448)
Thương người, nhớ nước nhớ non. Nay nơi đất mới, tuyết còn đang rơi... Đông,Tây xa cách đôi nơi Đôi dòng gửi Bạn người ơi thấu tình?
13 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10700)
Bài hát Giáng Sinh thật hay đó không phải được phát lên ở Mỹ hay Âu Châu lạnh lẽo giữa mùa đông tuyết giá. Mà được phát ra tại quê hương tôi giữa nhiệt độ nóng nực 112 độ F Sài Gòn.
12 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11499)
Và cuối cùng tôi yêu Trái tim nhỏ mỹ miều Xin em đừng ngừng đập. Để tôi hoài được yêu.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12471)
Xin cúi đầu tri ân Tiên Tổ Những Anh Hùng Liệt Nữ Việt Nam Mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan Xương máu thành phù sa bồi đắp.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11808)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
27 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13775)
Mưa rơi trên lá vàng thu Tiếng mưa như tiếng mẹ ru thuở nào Giọt thánh thót, giọt nghẹn ngào Tràn dâng nỗi nhớ, lời ca dao buồn
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10465)
Mong rằng nhà giáo sẽ được tôn vinh thật sự, chứ không phải tạo ra để tặng hoa và liên hoan. Hãy tôn trọng những Thầy Cô đứng đắn đứng trên bục giảng và cũng nên thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục để xây dựng, củng cố văn hóa Việt Nam..
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13029)
Nguyện cầu Trời, Phật, ơn trên...? Làm cho thế giới trở nên An Lành.. Cản ngăn kẻ ác tung hoành. Giúp người yêu nước hoàn thành ước mơ.
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13992)
Một nén hương lòng tiễn đưa nhau Tử sinh tái hợp có gì đâu Cánh hoa phiền muộn giờ khép lại Phiến lá sầu chìm giữa mưa ngâu.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11200)
Vì đại dịch COVID-19, chừng như nhân loại đang phải có một thời gian ngủ đông như loài gấu trắng ở Bắc cực. Hy vọng đây là lần “ngủ đông” duy nhất của loài người trong thế kỷ 21.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12810)
đêm tàn lạnh giấc mơ hoa tiếng mưa ngày cũ xót xa nỗi niềm hàng cây trút lá ưu phiền tiễn thu lặng lẽ, đầy thềm gió mưa....
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10949)
Lá bàng ở sân xoay vòng rồi rơi xuống. Đời mụ cũng như chiếc lá vàng còn nằm ở trên cây sẽ rụng bất cứ khi nào. Tại sao mụ phải sợ.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12992)
Từ ấy đông Biên Hòa trở lạnh Trăm năm sông vẫn mịt mờ sương Lối quen sao đường về lạc hướng Người ơi người quanh quất buồn tênh.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13252)
Năm nay bầu bán thật là buồn Virus giờ này chẳng chịu buông Xã hội hô hào binh với chống Gia đình tranh chấp ghét và thương
08 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10507)
Anthony và chủ các nhà hàng khác vẫn cầu nguyện và hy vọng ở một mùa xuân năm tới khí hậu ấm lên, và sẽ có thuốc ngừa đại dịch. Người ta có nghị lực tranh đấu để tồn tại nhờ hy vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn. Sau cơn mưa trời lại sáng...
07 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11454)
Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần… tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này. Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11268)
Tin hay không tin có ma tùy bạn. Nhưng xin các bạn đừng ghét ma vì họ rất tội nghiệp. Các bạn đừng chọc phá hay làm bạn với ma quỷ. Hãy để ma sống yên bình với thế giới của riêng họ.
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11788)
Hóa mã... cô cười vui tợn nhỉ? Thành ngưu... cậu nhảy thích ghê mà! Bù cho thuở nọ... ta còn bé Chỉ chộ hình ma đã khóc òa!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13422)
Đêm Halloween đốt hương em thủ thỉ Ma năm nay không xin kẹo "Trick or Treat Ba ngày tới bầu Tổng Thống định kỳ Mà kết quả sao lần này đáng sợ.