Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Thu Lê - TẢN MẠN VỀ "CHO'' VÀ ''NHẬN''

23 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 152282)
GS. Thu Lê - TẢN MẠN VỀ "CHO'' VÀ ''NHẬN''


 Tản mạn về

 

  “CHO” và “NHẬN”

GS. Thu Lê

 

chovanhan-large-content

 

 

Nói đến kỹ nghệ tặng quà thì có lẽ không có nơi nào được “thịnh” như ở xứ Mỹ này. 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên sang Mỹ được một gia đình bảo trợ du học sinh mời đến dự lễ Giáng Sinh trên đất Mỹ. Tôi đã vô cùng “choáng ngộp” khi nhìn thấy những gói quà to nhỏ chồng chất dưới cây thông, gói giấy thật đẹp, băng vải kim tuyến long lánh. Mỗi người đều phải có quà cho mọi người trong gia đình. Nhà có 5 người thì một người mua quà cho 4 người kia, vị chi có ít nhất 20 món quà không kể những gói quà định tặng cho hàng xóm, hoặc người quen nào sẽ gặp trong dịp này. Cũng nhân dịp này mua sắm thêm cho gia đình một cái TV mới, một cái máy hút bụi, hay một cái đèn v.v... Tất cả đều gói ghém thật đẹp, gom dần để dưới gốc cây thông, chờ đến tối 24 hay sáng sớm 25, trong sự vui mừng hối hả, xé toạc những tờ giấy gói đồ lộng lẫy để mở quà và cuối cùng lúc tàn cuộc là một túi rác khổng lồ cùng các hộp nằm lổng chổng ở một góc nhà.

 Tôi cứ tiếc những tờ giấy gói đồ quá đẹp mà tôi chỉ muốn nhìn chứ không muốn xé rách. Một ngày “cho” như thế đi quá nhanh, quả có đem lại niềm vui cho mọi người, nhưng sau bao nhiêu công trình vất vả, áp lực phải đi mua sắm cho một danh sách dài. Tặng quà cho tất cả mọi người đã trở thành một thói quen và cũng không nhiều thì ít đã làm cho nhiều người lo lắng, phiền muộn, nhất là khi tình trạng tài chính eo hẹp. Có lẽ vì vậy nên mới có cái gọi là “Christmas blue”. Không có tiền thì dùng thẻ tín dụng chứ sao, nhưng khi cà thẻ thì lại tăng thêm cái áp lực, cái lo lắng nghĩ đến tờ giấy nợ gửi đến tháng sau. Người ta gọi dịp Giáng sinh là dịp để “cho” và để “vui” (the time of giving and the time of joy) và trong sự bận rộn, hối hả làm công việc đi cho đó, ít ai nghĩ đến việc Chúa sinh ra đời, hoặc nhìn kỹ là ai cho, ai nhận và ai vui hay không vui. Bình thường thì khi cho ai cái gì, làm cho ai cái gì thì chính người cho, người làm phải cảm thấy vui trước vì mình đã làm được một điều tốt, điều thiện. Niềm vui nhẹ nhàng đến với mình khi trao món quà cho người thân, nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ hân hoan của người nhận tỏ sự cảm kích đã nghĩ đến họ. Đó là niềm vui “được cho”, được đem lại cái vui cho người khác. Nhưng khi việc “cho” vào dịp Giáng sinh đã bị thương mại hóa một cách máy móc thì hành động “cho” - một thúc đẩy từ tâm - đã bị chìm xuồng, mờ đi và bị choáng ngợp bởi các món quà, các vật thể - phó sản của một xã hội vật chất, dư thừa. Và sự chú ý vào vật thể làm người ta quên đi cái tình cảm đi theo hành động “cho” mà chỉ nghĩ đến món quà đẹp hay xấu, có đáng giá không, có dùng được hay không, hay mình có cần hay không. Và ngày hôm sau lể Giáng sinh, khi mọi sự trở lại bình thường cho một đời sống bận rộn vội vã thì người ta cũng quên hết cái tình cảm gắn bó với món quà mà người cho cũng như người nhận đã trao cho nhau.

 

Từ chỗ cho nhau quà là những cái cụ thể có thể nhìn thấy, tôi tự hỏi “cái cho không nhìn thấy” như tình cảm, tình thương yêu của con người đối với nhau được cảm nhận ra sao?

Người mẹ nhìn con bằng ánh mắt thương yêu, bàn tay mềm vuốt ve mái tóc và tay kia ấn núm vú vào miệng đứa trẻ là một hình ảnh “cho” vừa đủ cả tinh thần lẫn vật chất. Một người vợ cặm cụi nấu cơm, dọn sẵn chờ chồng con về ăn cùng, một đứa con đi học về cho mẹ một miếng bánh xin được của bạn, hay một người mẹ tìm thấy sau một trận động đất ở Trung Hoa đã nằm đè lên con để che cho con được sống, hay một người qua đường thấy một mảnh kiếng vỡ đã nhặt lên bỏ vào thùng rác - tất cả đếu không ít thì nhiều đã diễn tả hành động “cho”. Làm một điều gì có ích cho ai, không cần ai biết (nếu cả làng biết thì không kể) là để chính mình cảm thấy vui trước. Thật đúng như cái câu tôi đã đọc được khi đứng xếp hàng để đổi tiền ở một nhà băng, “To do something good for somebody is like to pee in your pants. Nobody knows it but you feel warm inside!”

Kinh điển nhà Phật nói rất nhiều đến “hạnh bố thí”. Cho, cho, và cho. Bất cứ lúc nào, ở đâu, cho ai. Làm ơn, làm phước mà không nghĩ ai phải biết việc mình làm, cũng không nghĩ đến việc “có đi có lại” hay “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Một trong 10 điều tâm niệm của Phật có nói “Thi ân như đôi dép bỏ”, làm mà không bao giờ nghĩ cần có sự đền đáp. Trong tinh thần bố thí đó thì người cho phải cảm ơn người nhận bởi vì nhờ có họ mình mới có cái vui của người “được cho”. Thỉnh thoảng chúng ta thấy các thầy tu đứng khất thực ở ngoài đường, chúng ta chẳng là phải cảm ơn các thầy đã cho mình một cơ hội để tạo phước, để chúng ta thực thi hạnh bố thí đó sao?

 

Từ chỗ “biết cho” đến chỗ “biết nhận” không xa là mấy nhưng có nhiều người không làm được. Nhiều người tôi biết quả là bồ tát, biết cho rất nhiều. Nhưng họ có cá tính mạnh, và rất độc lập và hiếu thắng, không bao giờ muốn nhận của ai, muốn chịu ơn ai hay để cho ai làm gì cho mình. Hình như trong họ có một cái gì bất ổn, chạm đến tự ái hay cái tôi của họ, không cho phép họ lụy ai hay chịu nhận cái gì của người khác. Họ biết cho và vui với cái “cho” của họ nhưng không nghĩ dến việc để cho người khác cũng được cái vui đó, không biết rằng khi mình “biết nhận” là mình cũng làm cho người khác vui. Một người bạn thân cuả tôi viết thư về chuyện “biết nhận” như thế này:

 ...Có một lần đọc được một chuyện ngắn của chị bạn viết là hồi Thầy Thiện Ân sắp mất, chị thường hay lại thăm thầy và rất buồn khi thấy bênh làm thân thể Thầy đau đớn. Chị thường khắc khoải không biết làm gì để thầy vui, để thầy bớt đau. Một hôm chị hỏi “Thầy muốn con làm gì” thì Thầy bảo chị đi mua cho Thầy nột cái mũ đội cho ấm đầu. Hôm đó là ngày cuối tuần. Đã 7 giờ tôí. Các tiệm lớn đều đóng cửa. Nhưng Thầy muốn chị đi mua ngay. Chị đành chạy ra tiệm Thrifty lúc đó còn mở cửa mua chiếc mũ đem về. Thầy nhận và tỏ vẻ vui. Còn chị thì rất vui vì làm được một việc vừa lòng Thầy. Sau đó ít lâu Thầy qua đời. Và khi chị tới giúp dọn dẹp phòng Thầy ở cũ, chị thấy trong tủ của Thầy có cả tá mũ đủ loại rất đẹp. Chiếc mũ chị mua biếu Thầy hôm đó trông tầm thường nhất. Chị chợt tỉnh ra. Nhìn thì tưởng chị làm CHO Thầy vui. Chị là người làm phước. Thực ra chính Thầy cho chị cơ hội để chị được vui lần chót với Thầy. Để chị được phước báu. Chính chị là người NHẬN, người được thụ ơn. Từ kinh nghiệm đó chị nhận và biết là trong cuộc đời khi nghĩ tới cùng thì nhiều khi người cho lại chính là người nhận. Người nhận là ngươì cho. Không biết ai là ai. Và ai phải cám ơn ai. Thôi thì cứ cám ơn nhau vậy. Và cám ơn Đời....” (thư cuả Du Li)

Tôi nhớ mãi câu chuyện trên và khi một người bạn khác của tôi ốm –chị ấy ở một mình không chồng con anh em – mà không chịu để tôi lái xe chở chị đi bác sĩ, lặng lẽ đi một mình. Tôi phải đem câu chuyện thầy Thiện Ân ra kể cho chị nghe và nói với chị là tôi rất buồn, là chị biết cho (chị đã làm cho tôi và cho mọi người rất nhiều) nhưng chưa biết nhận. Đôi khi vì sợ phải chịu ơn, không muốn chịu ơn lâu nên phải vội vã trả ơn, theo tôi, cũng là một hình thức bội bạc vì vội vã để “làm cho nó xong” và quên đi thì chẳng là bội bạc thì là gì? Hoặc là cứ để sự ‘không muốn phiền đến ai”ngăn chặn tình thân hay nương tựa đáng lẽ có thể có giữa mọi người.

 

Thói quen tặng quà ở xứ này lâu dần thành lệ, đi đâu gặp ai cũng gói ghém một chút gì mình có để cho nhau, một thói quen tôi thích hơn là những quà tặng gói đẹp đẽ để cho nhau trong các dịp lễ lớn. Nó gói ghém một chút tình nho nhỏ nhưng chân thành. Bạn bè ai cho cái gì tôi cũng quí cũng nâng niu. Các con cho cái gì cũng suýt xoa và đem ra dùng để các con nhìn thấy. Nhưng cũng không khỏi hơi buồn lòng thấy các con với cuộc sống dư giả, cái gì cũng có nên nhìn cái gì cũng thờ ơ, không thấy có sự quí hoá. Tôi thấy tôi lụm cụm trong vườn, hái một mớ rau tươi hay một túi hoa quả mình có công trồng và lấy làm kiêu hãnh, cất kỹ để đến chiều đợi các con về chơi là đem ra khoe rau ngon và quả đẹp hiếm, để chỉ thấy đời sống bận rộn ồn ào đã làm các con tôi không chậm lại được, hay lắng nghe hoặc nhìn kỹ thấy những niềm vui nho nhỏ của sự cho và nhận. 

Một người bạn già cũa tôi kể lể: “Tôi nghĩ thật chẳng bao giờ quên được, chị ạ. Vào đầu mùa Xuân vườn nhà tôi không biết là bao nhiêu đóa hồng nở rộ, nào Blue Girl, Imperial, Double Delight, Brigitte... Buổi sáng dậy sớm lui cui cắt một bó hồng đủ mầu để chiều đem đến cho vợ chồng đứa con gái ở cách nhà 30 phút. Đến nhà không gặp, chỉ để lại bó bông. Sáng hôm sau lại có việc phải đi về phía đó qua hướng nhà nó, lại nhìn thấy mấy bông hồng mầu coral mới nở hàm tiếu còn long lanh những giọt sương đêm mà hôm qua chưa cắt được, tôi bèn cắt thêm nữa để cho con. Vừa đem đến cho, cô con gái vừa nhìn thấy đã cau mặt: “Mẹ đã cho rồi thôi.”

nhưng cũng bảo anh chồng lấy lọ cắm. Nghe giọng hơi sẵng, tôi biết nó đang bận cái gì, hay đang bực mình cái gì, nhưng tôi cũng nói: “Thôi để mẹ cắm cho.” và đang lúc cắm bông vào bình, tôi lại lấy bông hồng mầu coral ra đưa cho cô con gái đang đứng gần rửa chén: “Con xem cái mầu này đẹp không?” Cô gái gắt: “ Sao lại cứ dí vào mặt con vậy?” làm tôi chưng hửng, đứng ngẩn mặt ra và thấy lòng rưng rưng... Thì ra ở một cái xứ văn hoá dư thừa, cái gì cũng có, chắc chẳng còn gì đáng quí, phải không chị? Hay là phải cái gì gói ghém đẹp đẽ, lịch sự mới có giá trị chăng?”

Có sự “cho” nào như thế này mà không gói ghém tình cảm và người nhận, nếu lưu ý được rằng mình biết nhận cũng là một cách cho, và trong trường hợp này, để làm cho người mẹ vui, dù là trong nhà đã có nhiều hoa lắm rồi, hay hoa này không phải là thứ hoa cô gái thích.... Tôi chỉ còn biết an ủi người bạn già là đừng đặt nặng vấn đề, chắc tại cái tuổi già cuả mình nó làm cho mình dễ xúc động, dễ tủi thân đấy thôi.

Trên phương diện ngôn ngữ, chữ CHO trong tiếng Việt được dùng rất nhiều và diễn tả nhiều điều khác hơn là làm điều thiện, hay một dịch vụ, hay gửi gấm tình thương yêu tình cảm. Thử đọc câu này “Cha mẹ mong nuôi cho con khôn lớn, cho thành người, cho tiền cho bạc. Con chẳng chịu vâng lời, ăn chơi cho lắm vào, bây giờ trong vòng tù tội. Cho đáng đời!” thì quí vị có thấy những chữ CHO này có cùng một nghĩa không?

Rồi còn bao nhiêu cái CHO tình cảm, hãy nghe Xuân Diệu viết

 

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em, kèm với một lá thư,

Em không lấy, và tình anh cũng mất

Tình đã cho không lấy lại bao giờ.

 

Trong cuộc tình, cái cho này là thú đau thương, và luôn luôn đòi hỏi phải được nhận chứ không phải “cho để mà cho” như hạnh bố thí của nhà Phật. Vì vậy, nên người nào yêu là người khổ vì “cho tuy nhiều mà chẳng được bao nhiêu” nhất là những mối tình thầm lặng, một chiều.

 Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt, không cả sự phân biệt giữa người và ta, để tất cả những tương quan: cho nhận, được thua, phải trái, mất còn, đầu cuối, huyễn thực, trắng đen, sống chết chỉ là những biến số của vô thường trong vòng đời luân lưu chuyển hoá.


THU LÊ 

12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 79995)
Về bên dòng Đồng Nai Thăm người em xứ bưởi
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 91501)
Mưa ngày xưa, môi ướt - mắt cười Mưa bây giờ, mắt ướt - môi đẫm lệ cay!
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 97293)
Vậy là con bé út của tôi đã đi học được hai hôm. Mọi học khu đều đã khai giảng niên khóa mới từ đầu tháng 9 mà mãi tới giờ, đầu tháng mười một, con gái tôi mới “cắp sách” đến trường cũng bởi nó bị “lọt sổ”.
06 Tháng Mười Một 2009(Xem: 67381)
Chủ nhật, ngày 6 tháng 9 năm 2009 vào lúc 1 giờ trưa, Hội An Việt tại Vương Quốc Anh đã tổ chức Đại Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Người Việt Tị Nạn Đến Anh Quốc. Buổi lễ dưới sự chủ toạ của ông Vũ Khánh Thành, cựu Giáo Sư Trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, Giám Đốc Sáng Lập và Điều Hành Hội An Việt, Nghị Viên Thành Phố Hackney;
06 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82063)
Lâu lắm mới về  thăm Xứ Bưởi Thăm NGÔ  QUYỀN trường cũ dấu yêu
05 Tháng Mười Một 2009(Xem: 91538)
Thu xưa áo trắng tan trường Mưa rơi ướt tóc người thương đợi chờ
04 Tháng Mười Một 2009(Xem: 94698)
Tôi không là họa sĩ Chì biết lặng lẽ nhìn Sợ...mùa thu thức giấc Sợ...lá vàng rơi nhanh.
02 Tháng Mười Một 2009(Xem: 210371)
Mùa Thu, mùa của tình yêu, của nhớ nhung, lãng mạn và là… của em.
01 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100425)
Lại thêm một lần đi giữa đường Thu Mưa đau lòng những ngã tư lá chết
30 Tháng Mười 2009(Xem: 100903)
Đã vài năm qua, kể từ ngày lễ Halloween năm 2005, lúc nào bà Jenna cũng nhớ hình ảnh người giao pizza rất trẻ, chắc chưa đến tuổi hai mươi lúc đó, nhưng có thái độ chững chạc của một người đã đi hơn nửa cuộc đời, và có tấm lòng của một ông tiên trong những truyện cổ tích.
17 Tháng Mười 2009(Xem: 96021)
“Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một, như đường mía lau"
17 Tháng Mười 2009(Xem: 69590)
biển chiều, bãi vắng, sóng dồn nghe đời như đã hoàng hôn ít nhiều
17 Tháng Mười 2009(Xem: 71404)
Không thể thấy được nhau nữa rồi Nắng rơi xuống nhạt nhòa trắng xóa
17 Tháng Mười 2009(Xem: 67003)
  Má ốm rồi hàng cau buồn trước ngõ   Hoa cau vàng rơi lả tả xuống sân
17 Tháng Mười 2009(Xem: 68815)
Đêm quỳ bên ảnh Mẹ Lại thấy xa thật xa Xa như hồi thơ trẻ Ôm chân Mẹ đòi quà Nhấn vào đây để xem
17 Tháng Mười 2009(Xem: 68134)
Con dài gót tha hương Như có mẹ bên đường
17 Tháng Mười 2009(Xem: 69564)
Còn cơn bão nào không Từ khi con mất Mẹ Đêm vẫn đen vô cùng Theo sau chiều bóng xế Nhấn vào đây để xem
17 Tháng Mười 2009(Xem: 68974)
Thưa Mẹ ! Đêm rồi con chiêm bao Thấy Mẹ trẻ như Mẹ thuở nào Nhấn vào đây để xem
17 Tháng Mười 2009(Xem: 65692)
bao nhiêu bài thơ viết chẳng nhắc đến mẹ hiền vì sao? con chợt hiểu – vì tình mẹ vô biên!
17 Tháng Mười 2009(Xem: 73208)
Tiễn má đi trong nhang khói nhạt nhòa Chỉ vắng một người sao quạnh hiu đến vậy
17 Tháng Mười 2009(Xem: 82435)
Lớn rồi con vẫn nhớ lằn roi Mẹ dắt con qua ngưỡng cửa đời Nhấn vào đây để xem
17 Tháng Mười 2009(Xem: 66340)
Giả biệt Tây Thành, xa cố hương Còn đâu Ba Mươi Sáu Phố Phường Ngàn năm văn vật mờ sương khói Hà Nội từ đây, cách dặm trường
17 Tháng Mười 2009(Xem: 87573)
Theo thời gian Biên Hòa ba trăm tuổi Ba trăm năm một vùng đất hào hùng Không thể nghĩ đó chỉ là đất ở Mà là hồn thiêng nguồn cội non sông.
12 Tháng Mười 2009(Xem: 34756)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung...
14 Tháng Tám 2009(Xem: 67030)
Bốn mươi năm trôi qua Hương tình chưa phai nhòa Biên Hòa em về lại Hẻm cũ bóng người xa
14 Tháng Tám 2009(Xem: 70072)
Ngô Quyền họp bạn thiết tha Hương thơm hoa Bưởi Biên Hòa thoảng bay
08 Tháng Tám 2009(Xem: 69361)
Sao em nỡ vội lấy chồng Tim anh rớm máu cõi lòng nát tan
08 Tháng Tám 2009(Xem: 66574)
Ngày của tôi xưa, hạnh phúc cả bốn mùa. Ngày bây giờ rất vội, hạnh phúc lại bay xa.