Quái lạ! Thật là điên cái đầu! “Đầu vào” đủ đôi đủ cặp, mà “đầu ra” mất tiêu đi một chiếc. Chiếc vớ còn lại nằm tênh hênh lẻ loi trong rổ quần áo sau khi mọi thứ đồ đoàn đã được xếp gọn chờ cất vào ngăn tủ. Chẳng lẽ máy giặt hay máy sấy đã nuốt nghiến một chiếc vớ của ta? Ngày nào còn mới tinh tươm, được chủ nhân xỏ vào chân với niềm vui sướng, đến nay đôi vớ đã trải qua nhiều thăng trầm, nhuốm màu thời gian, sờn rách, sắp thủng gót chân, mà một đứa lại nỡ nào bỏ đi không lời từ giã? Chiếc vớ lẻ bạn bỗng không còn giá trị gì nữa, nằm lẻ loi một mình thật vô duyên.

Hiện tượng này hầu như xuất hiện mọi nơi mọi chốn, nhà nào cũng có vớ đi lạc, không phân biệt màu da chủng tộc. Có lần tôi hỏi anh chàng người Úc trong sở: “Này, cậu có bao giờ bị thất lạc vớ không?” Được lời như cởi tấm lòng, anh ta thở ra hậm hực: “All the time! Drives me crazy!” Thế là mình cũng được dịp trút bầu tâm sự cho vơi bớt nỗi niềm… vớ lẻ!

Lần khác đến chơi nhà chị bạn cũng thấy một rổ vớ lẻ nằm trên máy giặt của chị, chờ một ngày đẹp trời nào đó châu về hiệp phố. Nhưng bóng chim tăm cá, “kẻ phản bội” đã một đi không trở lại, còn rổ vớ lẻ của chị ngày càng gia tăng dân số!


blank

 

Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao? Bỏ thì thương, vương thì tội. Vứt vào thùng rác nhỡ hôm nào chiếc kia lò mò quay trở lại thì chỉ biết trách mình chứ trách ai. Thôi thì cứ giữ đó, biết đâu! Quy luật bảo toàn vật chất cho ta biết vật chất không biến mất đi đâu được. Chúng chỉ biến ra một dạng khác thôi, như nước hồ bốc hơi thành mây, mây nhỏ giọt xuống đất thành mưa, nước mưa theo triền dốc chảy trở lại mặt hồ v.v... Đúng vậy, nhưng ở đời lúc nào cũng có ngoại lệ, và một trong những ngoại lệ là… những chiếc vớ không cánh mà bay! Chẳng biết chúng biến dạng đi đâu mà không chịu bảo toàn vật chất!

 

Ta đã từng đi dự nhiều khóa tu học, đã biết đời là vô thường, của cải vật chất không đáng kể, đến ngày ra đi không mang được gì theo mình sất v.v... Ta đã từng hoan hỷ viết ngân phiếu ủng hộ những công cuộc từ thiện ý nghĩa, trồng được rau củ gì ngon thì sẵn sàng cắt đi mang biếu bạn, nấu được món gì ngon thì nhất quyết buộc khách bỏ hộp mang về… Việc lớn lao không tiếc, vậy mà sao vẫn cứ níu kéo những chiếc vớ lẻ bạn, mong chúng có ngày tìm được nửa kia của mình?

Để đối phó với hiện tượng vớ đi lạc phổ biến này, con người nghĩ ra nhiều diệu kế khác nhau. Một chị bạn bảo khi xếp quần áo mà gặp phải vớ lẻ là phải rà soát hiện trường ngay lập tức, thanh tra ngay đống quần áo vừa mang ra khỏi máy. Giũ tung những tấm màn cửa, những tấm trải giường to rộng ra xem có chiếc vớ nào nằm kẹt trong góc kín không. Đây là một mẹo hay, nhưng đôi khi người trần mắt thịt vẫn bỏ sót, cho đến một ngày mang tấm trải giường ra phủ giường mới bắt gặp một cục gì tròn tròn cộm cộm. Thế rồi reo lên mừng rỡ: “A! Đây rồi!” Bà cụ tôi khi còn khỏe và còn đảm nhiệm việc nhà giúp con cháu thì không bao giờ đánh mất chiếc vớ nào. Bà bỏ tất cả vào trong một túi lưới, kéo dây kéo lại để giữ chân không cho chúng vượt phép đi giang hồ, rồi mới bỏ vào máy giặt. An toàn! Đầu ra luôn đủ quân số. Thế nhưng mình phải tập cho có thói quen tốt, chứ cứ vội vàng tống hết vào máy giặt, bỏ xà bông, vặn nước, rồi mới chợt nhớ đến túi lưới thì đã quá muộn!

blank

Một chị bạn khác không muốn cất công tập thói quen và không muốn phải dây dưa với những cuộc truy tìm vô vọng thì đề ra biện pháp ngừa hậu hoạn “bất bại” của chị: cứ mua tất cả các vớ cùng một kiểu, cùng một màu là chẳng phải đương đầu với vớ lẻ. Khi nào cần cứ việc thò tay vào ngăn tủ lôi ra 2 chiếc mang vào chân, bảo đảm chúng sẽ là cặp đôi hoàn hảo. Có chiếc vớ nào khác màu khác kiểu đâu mà sợ lẻ bạn! Ôi nếu phải làm như vậy thì cuộc đời buồn tẻ biết bao! Tưởng tượng quanh năm bốn mùa, ngày nào, lúc nào cũng mang vớ trắng (hay đen) chẳng hạn, chẳng được màu sắc bông hoa gì sất, chẳng được kiểu cao cổ, kiểu thấp cổ, kiểu “không cổ” (no see socks, nằm nép kín dưới cổ giày, không ai biết mình có mang vớ), v.v. Ngày còn ở nhà với ba mẹ cô con gái tuổi teen đại lười của tôi  không cần thể diện: nó thản nhiên mang râu ông nọ cắm cằm bà kia: màu đỏ cặp với màu xanh, hoa lá cành cặp với sọc lập thể, cứ thế mang vào chân lê la khắp nơi. Bạn bè nó chẳng chê bai, bố mẹ lên tiếng thì càng phản tác dụng. Cuộc đời ngắn ngủi phù du, có bao lâu mà phải vất vả khổ thân!

 

Có lẽ các nhà sản xuất nên bán vớ một bộ ba chiếc thay vì hai chiếc? Đề phòng lúc nào đó một chiếc biến mất không khai báo, người ta cũng vẫn còn đủ đôi đủ cặp mang diện xênh xang? Con buôn Mỹ đủ các mưu kế moi tiền khách hàng, sao họ lại không nghĩ ra kế này nhỉ?

Cũng có thể họ đã khôn lỏi rồi đấy: họ chỉ bán vớ từng đôi. Khi nào có một chiếc tếch đi, để lại bạn đời đơn lẻ, thì chủ nhân phải vất đi chiếc còn lại mà mua đôi vớ mới. Thế là nhà buôn bán được 4 chiếc thay vì chỉ bán 3 chiếc như kế đã hiến. Chưa biết ai khôn ai dại nhỉ?