Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Võ Hương Phố - HOA QUỲNH VẪN NỞ TRONG ĐÊM

11 Tháng Ba 20232:50 SA(Xem: 3594)
Võ Hương Phố - HOA QUỲNH VẪN NỞ TRONG ĐÊM
HOA QUỲNH VẪN NỞ TRONG ĐÊM

Võ Hương Phố 


quynh 2

Như một thói quen, đến ngày nghỉ trong tuần tôi lại rủ con gái đi ăn tối ở ngoài, thay vì nấu ăn vào ngày cuối tuần. Cuối tuần của tôi, không phải ngày thứ bảy hay chủ nhật, mà là vào hai ngày giữa tuần, một cuối tuần không có nghiã cuả một weekend nhưng cũng thật thư giãn. Tường Vi thường hưởng ứng lời mời là phóng vội lên phòng thay nhanh chiếc quần jean, nhảy chân sáo từng hai bậc của thang lầu, xuống phòng tôi đang trang điểm sơ, vỗ hai tay vào nhau, miệng la lớn: "... go... go... me ".

Vừa mới xong khóa thi của học khóa năm đầu tiên tại một đại học , con bé trông thư giãn quá độ, bơi, chạy, trượt skate, xem phim … hầu như muốn nuốt trửng những món ăn dễ tiêu ấy. Thời gian đến sẽ là một khóa thi khác đang gần kề, không cách nhau mấy, nên cô bé như chạy đua với thời gian.

Hai mẹ con thường đến một quán ăn nhỏ, nằm bên ven hồ cách thành phố khoảng mươi dặm đường, có các món ăn hương vị quê hương của miền tây nam bộ, lại có thêm một vài món của miền quê tôi nữa, con tôi thích lắm, thường thường trước khi rời quán, bụng no cành, đôi má bừng hồng vì vị cay của món ăn Huế, con bé xuýt xoa: "Không nơi nào bằng nơi này." Chọn chiếc bàn cố hữu có khuôn cửa sổ nhìn ra mặt hồ, hàng cây trúc đào nở rộ chen chúc những bông hoa hồng, trắng, đây đó rải rác những gốc hồng điệp ẻo lả như liễu rủ được trồng dọc hai ven bờ, những tàng cây sà xuống, nhánh lá đong đưa theo gió thổi trên mặt hồ. Vốn ít nói nhưng hình như xúc cảnh sinh tình, con bé cũng buột miệng thốt lên: "Đẹp quá ...! "

Khung cảnh như vậy cũng đủ là một ấn tượng đẹp cho hai mẹ con tôi trong một chiều cuối tuần đơn điệu, khi chồng tôi xa nhà vì khóa tập huấn của hãng.

Buổi chiều loáng thoáng bóng của hoàng hôn. Chọn xong những món mà cả hai mẹ con đều cảm thấy là thật hợp khẩu vị cho một buổi cơm tối đầy an vui của hai mẹ con. Đêm đến gần đâu đây, khi cô bé con bà chủ quán đem đến riêng cho những khách quen cây nến màu vàng để trên cái giỏ mây nhỏ rải rắc những bông hoa trắng nho nhỏ, và những chiếc lá xanh, tím sẫm bao quanh chân nến. Gọi thêm cho tôi một ly rượu chát đỏ để thêm một chút men cho một buổi tối thư giãn, lắng đọng, và để quên... Khoảng không gian ấm áp riêng biệt cho mẹ và con như vậy, tôi không muốn nghĩ đến một điều gì khác nữa, kể cả đến chồng và con trai lớn của tôi đang học năm cuối đại học ở một thành phố lạnh và xa nơi tôi ở. Quán ăn này ngoài những món ăn sở thích của tôi, tôi thích hơn nữa là cái tính cách gia đình của quán, mẹ vừa là chủ vừa là đầu bếp, các con đều lớn vừa học vừa phụ mẹ. Mỗi khi vắng khách, những đôi mắt kiếng lại chúi vào cái laptop màu trắng để trên một góc bàn khuất trong xa, gần với cái tủ đựng các ly chè có đủ ba màu. Người mẹ, tôi đoán đã vào cái tuổi của thờI kỳ hồi xuân nên vẫn còn đọng lại những nét xuân trên làn da trắng mịn, thỉnh thoảng ra chào khách quen lại thấy đôi má hồng lên vì bếp lửa, đôi mắt to đen lại thêm những viền chì đen quanh mắt, tạo nên một vũng tối sâu cuốn hút trên gương mặt . Những lần đến quán một mình cho buổi ăn trưa vội vã trong thời gian “lunch time", một đôi lần gặp ông chồng, dáng dấp cao, phong trần, mái tóc bồng bềnh phủ trán, màu da hơi rám nắng nam tính, đứng lau những chiếc ly thủy tinh trong veo mắt nhìn vợ say đắm, như ngầm hẹn với vợ một đêm mưa ngâu sau khi tan quán. Bất giác như có một chút lay động, một chút rạo rực trong tôi, chắc tại hơi men của chút rượu chát mà tôi vừa mới thấm môi.

Đêm buông mình. Những chùm đèn pha lê được bật sáng, màu vàng sáng nhẹ của những bóng đèn làm căn phòng ăn trở nên ấm cúng riêng tư cho những đôi thực khách. Các món ăn chưa được mang ra, hơn nữa chúng tôi đều chưa cảm thấy đói, nên không vội hối thúc... Chút rượu làm tôi muốn nói chuyện, cố giữ giọng nhẹ nhàng tôi hỏi:

- Dạo này con và David thế nào? Thật lâu rồi me không thấy nó đến?

Một chút im lặng gần như không muốn trả lời, rồi Tường Vi cũng đành phải trả lời mẹ:

- Tụi con vẫn thường gặp nhau.

Vẫn thường theo tôi hiểu là vẫn còn quan hệ bồ bịch, vẫn còn đi với nhau, vẫn còn hẹn hò dấu diếm mỗi khi có chồng tôi ở nhà. Hai đứa quen nhau trong một prom ra trường của con bé. David và người bạn cũ có em gái cùng lớp với con tôi được mời, dù đã ra trường trước 2 năm nhưng được mời như những cựu học sinh, nay thì đã xong năm thứ hai của đại học. Gặp nó lần đầu tiên khi đưa con tôi về, ngang bậc cửa tôi đứng chờ con, thấy tôi nó gật đầu chào một cách ngại ngùng vì thấy rõ ngay sự khác biệt của người mẹ bạn khác màu da, rồi chào về. Dưới ánh đèn hắt ra từ cổng trước nhà tôi, mái tóc nâu vàng ánh, phủ ót hất ngược từ trước ra sau, chiều dài đủ để cột lại thành một đuôi tóc nhỏ, kiểu của tụi trẻ chơi trong ban nhạc, đôi mắt xanh choáng ngợp cái nhìn, sóng mũi cao thẳng tắp, da trắng hồng, dáng dấp cao thanh tú thêm một chút căng phồng của thể thao, thôi rồi … đúng là một chàng trai Mỹ chính gốc không pha trộn. Cái mẫu mã này đã cuốn hút con gái tôi rồi, thật vậy, Tường Vi đã nếm được một tình yêu đầu đời vào năm học đầu tiên ở đại học. Một chút lo sợ vẩn vơ trong tôi mỗi khi David đưa đón con tôi về từ trường, và những lần con bé xin phép đi chơi với nó. Riêng chồng tôi vốn đã có nhiều thành kiến về những cuộc hôn nhân dị chủng từ thời xa xưa ở quê nhà, nay lại còn được biết thêm về đứa bạn trai của con gái mình: - Cha tử nạn trong một cuộc đua xe lúc David lên mười, mẹ lãnh tiền bồi thường nuôi con cho đến hết trung học, cho đến khi một người đàn ông khác bước vào nhà bà, thì David bị đẩy ra đời một cách dửng dưng như một lẽ thường. Cuộc sống tự lập của David bắt đầu từ đó, vừa học vừa làm không cam nổi đành bỏ học một thời gian, và rồi nó gặp Tường Vi.

Vậy thì cả ngàn lần không, chồng tôi lại có thể chấp nhận cuộc tình dị chủng này được. Một lần, David đến, gặp cả tôi và chồng tôi, cúi đầu rồi nói tiếng chào, tôi thì gật đầu đáp trả, mặt anh ấy lạnh băng, nếu có một tảng băng nào từ bắc cực trôi về thì tôi dám cuộc là không có tảng băng nào lạnh nhất bằng gương mặt chồng tôi khi đó, thằng nhỏ ngượng ngập, lúng túng, và rồi từ đó không bao giờ thấy nó đến lại. Thế là hai đứa hẹn hò đây đó. Tiên thánh nào trong tôi để biết được cái thế giới của tuổi trẻ yêu nhau ở đâu trên một đất nước quá tự do này.

Cố giữ giọng nhẹ nhàng hơn:

- Con cũng biết là ba không thích nó, vì ba biết là nó không có tương lai cho con, và còn thêm những điều khác nữa mà me nghĩ là con đã hiểu.

Một thoáng giận trên gương mặt thanh tú, trắng hồng của nó, giọng nói nghe gay gắt, bực tức mà tôi chưa lần nào nghe:

- Con và David sẽ đi làm, ba me đừng bận tâm.

Không muốn phá vỡ một buổi tối êm đẹp, gần gũi của tôi và con, thôi, đành im lặng khi các món ăn được đem ra. Hình như con bé không vui, tôi cảm thấy mình có chút vụng về khi nói ra một điều không vui trong bữa ăn. Các thức ăn hình như không còn ngon miệng như những lần trước. Tôi bỗng dưng ngượng ngập trước mặt con.

Trở về nhà trong một buổi tối thung lũng thơm ngát hương hoa cam ở hai bên ven đường, dãy núi trước mặt và hai bên bỗng dưng trở thành những khối đen khổng lồ bí ẩn, những ánh đèn nhấp nháy của những tòa nhà đồ sộ khi ẩn khi hiện trên sườn núi.

Hình dung đến những vì sao lạc lõng như mẹ con tôi đêm nay, lang thang như quên lối về, lòng thật nhẹ vì đã nói ra điều muốn nói với con. Tường Vi tính khí như trẻ con, muốn được dỗ dành, lại nhạy cảm, chuyện gì nói không được là nước mắt quanh tròng.

Tôi cưng nó hơn trứng, nên không dám đập vỡ những mảnh vỏ mỏng manh bao quanh ngăn cách giữa con và tôi. Nhớ lại lúc ấy, mười năm trời tôi dạy học xa nhà, còn chồng tôi đi từ thất bại này sang thất bại khác trong những kinh doanh nhỏ vì vốn không phải ở chốn thương trường, thế là mẹ tôi "dành" con nhỏ lúc 3 tháng tuổi, tất cả những gì cho con bé cũng là bà, ngay cả đôi vú da gầy guộc, không sữa, con bé cũng bú mê say.

Cái mặc cảm thiếu sót cứ vướng vất trong tôi. Điều quý giá hơn hết để bù đắp sự thiếu vắng tình thương thời ấy, thì nay, tôi chỉ còn cách là dùng hết tình thương mình có đem cho hết con tôi. Tôi thương con bé từ chân tơ đến kẻ tóc, như không còn ai để thương hơn, nó biết điều đó nhưng bà ngoại trong nó vẫn là một bà tiên mẹ.

Tường Vi cố tình tránh gặp mặt chúng tôi trong bữa ăn tối, ngay cả thường lệ chào tôi khi tôi trở về nhà từ sở, bữa ăn tối ngoại ô ven hồ của hai me con cũng không còn là một thường lệ cuối tuần. Tôi cũng cố tình đợi con bé đi đâu chơi, hay hẹn hò với David, để nhìn con, con bé thật xinh, dù chỉ với một chiếc quần jean bó sát ống chân thon, chiếc áo vải thô, dài, hở ngang bờ vai, chiếc thắt lưng vải trắng có chút viền ren thắt lơ lửng nhẹ nhàng đổ xuống ngang hông cũng đủ làm tôi ngắm say sưa trong vóc dáng thanh tú mảnh mai rất hợp thời. Mái tóc đen láng mịn êm ả đổ xuống qua bờ vai thon thả, đôi mắt to đen sáng với bờ mi được cố tình chuốt cong, da trắng hồng tự nhiên chưa hề thoa một loại kem mặt nào, chỉ trừ đôi môi có chút son bóng nhẹ nhàng thanh tân. Chồng tôi thỉnh thoảng nịnh tôi: "Bé Vi là một nhị bản của em." Thảo nào David không thể buông tha con tôi được. Cả hai đứa như cũng xứng đôi với nhau, mặc dù có những dị biệt trớ trêu.

Một chiều, tan sở sớm, một chút lang thang trong thương xá, cái mê say mua sắm cứ cháy bỏng mãi trong tôi mỗi khi chân cố tình lạc vào chốn mê ấy. Trở về với những túi xách căng bóng, một vài thứ cho con tôi nữa, biết nó đã về nhà sau khi tan lớp, nhẹ chân mang quà bước lên phòng con, cánh cửa quên đóng vì chủ quan ba me không ở nhà. Tường Vi đang đứng trước gương của tủ phấn, ngẩng đầu nhẹ ra sau, những ngón tay thon thả trắng nuốt trẻ thơ xoa nhẹ, chăm chút, đê mê lên những vết đỏ hồng của yêu đương còn in trên cổ nõn nà như đọt chuối non. Một tiếng thở dài trong tôi và chân tôi như đóng đinh, toàn thân như hóa đá. Con tôi đã là đàn bà rồi? Tự lúc nào? Ở đâu? Một thảm cỏ xanh dày đặc bóng tối khuất ở một góc trường đại học, một căn phòng của đứa bạn thân đồng lõa sau những buổi tiệc tan, hay là căn chung cư tình tứ của David.

Bước chân tôi nhẹ tênh, lơ lửng, thần trí mơ mơ tỉnh tỉnh, trở về phòng và tôi khóc, khóc như khóc cho chính tôi một thời mất cái thanh tân của đêm hoa chúc.

Tường Vi có phần ngượng ngập, lúng túng khi gặp mẹ, thường vắng mặt trong những bữa cơm tối, trốn biệt trong phòng. Tôi mơ hồ nhận thấy một điều gì thay đổi trong nó, thỉnh thoảng đôi mắt nhìn có vẻ xa xăm. Và rồi nó bỏ đi. Như một chọn lựa dứt khoát.

Buổi chiều đó, một chiều mùa hạ, thật nóng, thung lũng như muốn bốc khói, cơn mưa mùa hạ lại đến bất chợt, ngắn ngủi, lượng mưa nhỏ, ít ỏi nước không đủ làm dịu làn gió nóng cháy rát, làm mềm rũ những cụm bông vải vừa mới ra hoa trắng xóa trên những cánh đồng xa xa. Tôi lái xe dọc theo con đường dài một chiều dẫn về nhà, hạ cửa xe xuống thật thấp để ngọn gió đồng lùa vào, phảng phất mùi ẩm của hơi đất, mùi ngai ngái của súc vật từ những nông trang rải rác quanh đây. Cái nóng của miền quê sa mạc này sau cơn mưa mùa hạ quả thật như trong lò nướng, ngay cả những bụi xương rồng trên sườn núi cũng bị nướng vàng. Tôi lại liên tưởng đến những đám cháy khổng lồ của thế kỷ trên đất nước này, và hình như trong tôi có linh tính một điều gì không ổn.

Tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa phòng khách, một vệt nắng của hoàng hôn hắt hiu lách vội vào phòng đủ cho tôi thấy là cả một sự đập vỡ, đổ nát, tan hoang. Chồng tôi ngồi im lìm hút thuốc, nhả tung những cụm khói mù mịt, như ám chướng cả căn nhà. Những khung ảnh đã bị đập vỡ kiếng, những tấm ảnh con gái tôi đã bị xé nát vương vãi dưới nền đá, những lọ độc bình quý bị hất tung nghiêng ngả, những cuốn sách cùng chung số phận cũng bị ném quanh phòng. Bước vội vào phòng ngủ, thì ra tai họa là đây, đã làm cho anh ấy nỗi cơn ba đào. - Tờ thư để lại của Tường Vi. - Viết ngắn gọn với ý chính là ra đi thật xa để sống chung với David, để khỏi làm bận lòng ba me. Lần này thì toàn thân tôi tê lịm, muốn ngã quỵ xuống như những khung ảnh vô tội kia, những nến, những hoa, những áo mão mệnh phụ của hoàng gia Huế, chiếc xe cô dâu mui trần với chùm vỏ lon kéo tung tăng trong tôi bỗng chốc cháy rụi. Nỗi đau đớn lần nầy thực sự đang dâng đầy trong tôi như một cơn lũ lớn để nhấn chìm tôi vào một thảm họa.

Chồng tôi bỗng trở nên lặng lẽ, im lìm như thóc. Phần tôi, tìm quên trong công việc ở sở, cố thu mình vào trong cái vỏ mặc cảm là không chăm sóc được con, cố kềm những giọt nước mắt trước mặt chồng, để rồi òa vỡ một mình trong đêm khuya.

Con tôi bỏ đi, như một chim non đủ lông đủ cánh, như một vị tiên non bị thần ái tình bủa lưới. Với chúng nó, bỏ nhà ra đi không có nghĩa của một trốn chạy vô vọng, của một tình nguyện lưu đày cho tình yêu, mà là một háo hức tìm kiếm, một bắt đầu hiện hữu của sự hòa nhập hai con người. Còn với tôi quả là một điều đã hiện hình trong lo âu, sợ hãi của một con chim mẹ. Tôi chỉ biết phải chúc phúc, cầu nguyện cho chúng nó. Từng đêm, sau khi thắp hương lạy Phật, tôi khấn nguyện với mẹ tôi, xin hãy về bên săn sóc nó, những chăm sóc như nước trong nguồn mà mẹ tôi đã từng cho. Tôi lại cầu cho thời gian hãy là một thần dược để chữa lành vết thương cho hai chúng tôi, nhưng thời gian lại là một tàn phá cho tôi, mái tóc hai bên dần dần nhạt màu theo những đêm dài nhớ con, những dấu chân chim như vô tình, dửng dưng hiện ra. Niềm vui còn lại cho chúng tôi là Khải Minh, anh trai của Tường Vi. Đỗ đạt, công danh đến thật nhanh, cuộc sống đang bước lên những bước cao, lại cầu tiến, đó là điều làm cho chúng tôi an tâm. Nó đang dự tính làm một điều gì đó cho tương lai với công việc , hỏi thì chỉ trả lời với mẹ là, mai mốt con sẽ cho ba me biết. Thật muốn cười cho cái lối trả lời tiếng mẹ đẽ thiếu đầu thiếu đuôi. Một đứa con trai phóng chiếc mui trần thể thao đời mới nhất, chưa hề biết ngài Khổng, ngài Lão gàn gàn, dở dở, siêu việt nào đó mà tôi nhớ có lần đã kể sơ cho nó, thế mà cũng hiểu được cái lý lẽ của “Thiên cơ bất khả lậu." Thôi thì tôi cứ đợi cái “mai mốt” của nó. Những lần con trai về thăm nhà là những lần chúng tôi cảm thấy hình như Thượng đế cũng còn thương đến gia đình tôi, cũng còn cho chúng tôi một chút ánh sáng của hạnh phúc.

Chuyến bay nhỏ, chuyển tiếp, đưa tôi về một phi trường nhỏ của một tiểu bang lạnh thuộc miền Đông. Nhóm hành khách đi rời rạc, chầm chậm, hình như mệt mỏi sau những phút chao lượn vì thời tiết xấu trước khi đáp cánh. Theo đoàn người bước đi trên đường băng nhỏ để vào cửa sau của phòng khách phi trường, làn gió lạnh của những ngày cuối đông còn vướng vất những sợi tuyết nhỏ, trắng mỏng, như cắt nhẹ vào da thịt tôi. Những vạt cỏ khô như đã chết sau những tháng mùa đông dày tuyết phủ hình như đã nhú ra những mầm xanh con gái, hàng cây cũng đã như chuyển mình để không còn khô gầy đơn độc. May mà tôi đã chuẩn bị áo mũ, khăn len, lại thêm một số đồ ấm trẻ con đã mua vội vàng ở phi trường tạm dừng O’Hare Chicago, một chốn đô hội của bận rộn, vội vã vào bậc nhất.

Đưa địa chỉ đến cho người tài xế taxi, tôi mệt mỏi ngã đầu lên thành ghế của băng sau, tôi như muốn thiếp ngủ, nhưng trí óc cứ chao đảo theo những lạ lùng kỳ diệu, như một phép lạ đã đưa tôi đến đây, - Một nơi xa lắc, tuyết phủ trắng nhiều hơn nắng vàng, không được liệt kê vào danh sách du lịch liên bang của chúng tôi. -

Nhớ lại ngày hôm kia, đã hết giờ giải lao, nhưng tôi cũng nán lại thêm vài phút để xem một vài “ Breaking news “ ở phòng căn tin của sở, sau những tin nào là bắn nhau, nào là cảnh sát rượt kẻ gian, rồi là xâm phạm tình dục, rồi trẻ bị chìm trong hồ tắm, những đưá trẻ bị bắt cóc... . Kế đến là phần tin nóng hổi về những chiến trường đang đổ máu, bổng một luồng điện lạnh như chạy vào cơ thể tôi khi nghe cái tên David Thompson, một hạ sĩ quân đội Mỹ đã tử nạn trên chiến trường sa mạc nắng cháy thuộc một quốc gia đang có nhiều máu chảy, nhiều sát khí thù hằn. Hàng chữ chạy ngang dưới tấm ảnh một binh sĩ với mái tóc vàng ngắn cũn cỡn, vẻ mặt thanh tân còn đọng nhiều nét sinh viên của gương mặt David mà lần đầu tiên tôi gặp ngày nào. Thêm vào, màn hình lại chiếu sơ qua về gia đình của người lính tử trận, hình ảnh của vợ và con. Tường Vi, con tôi đó. Hiển hiện, thật nét và không một hư ảo nào, tay bồng đứa bé gái tóc vàng như tơ.

Một nhói đau từ tận tim can khi đứng trước căn hộ của dãy chung cư lếch thếch nghèo nàn, ngón tay run run khi bấm vào nút chuông, Tường Vi hiện ra như một tiên non mắc nạn, như một tội đồ của tình yêu bị xét xử. Mái tóc xõa dài, rũ rượi, đôi mắt lơ láo thâm quầng, một bé gái đôi mắt xanh như màu trời, tròn xoe như bi, tóc vàng óng, thân hình gầy gò, tay níu áo mẹ, tay kia ôm chặt con búp bê da màu nâu đen. Tôi nhớ con búp bê này mẹ tôi đã quà cho bé Vi khi lên ba, nó yêu con búp bê này lắm và luôn ôm theo bên mình nó . Tiếng kêu nhỏ, ngỡ ngàng: " Me !..." cũng đủ làm tim tôi nhảy múa, và hình như nó lịm đi trong cơn xúc động cùng với tiếng khóc. Con bé con nhỏ xíu tròn xoe mắt ngơ ngác, lạ lùng nhìn tôi.

Bước vào nhà, trên giá sách bức ảnh của David trong bộ quân phục đập mạnh vào mắt, đủ để tôi không còn nghĩ là mình nhầm, cạnh bình hoa nhỏ, lại có một ly nhỏ cắm một vài cây nhang. Ôi! Con tôi cũng biết thờ chồng. Trên tường tấm ảnh hai đứa trong ngày lên tòa hành chánh làm giấy hôn thú trước khi David tòng chinh. Tường Vi như một thiên thần mặc áo đầm trắng, cười tươi rạng rỡ bên chồng áo mũ hiên ngang, bồng con bé Lilian tí hon mới lên một. Rồi từ đó con tôi đã là một chinh phụ trông chồng, và nay lại là một cô phụ khóc chồng. Con thạch sùng trên trần nhà hình như đang tắc lưỡi cho một số phận, một bất hạnh phủ lên hai vai yếu ớt của con tôi.

Như còn đang mê sảng với cơn đau, Tường Vi nói như nấc:

- David hứa với con là sẽ về trong chuyến phép đến, anh ấy đã có được một số tiền, rồi dẫn con và bé Lilian về thăm ba mẹ... Và xin lỗi... Và làm đám cưới... Và con đang đợi anh ấy. Me đừng bắt con về.

Con tôi đã chờ đợi trong vô vọng và David đã ra đi vĩnh viễn. Được biết cái chết của nó thật thảm khốc, còn hơn cái chết của cha nó. Một chiều định mệnh, chiếc jeep chở 4 binh sĩ đi thám sát thường lệ trong thành phố nơi mà chiến sự tiếp diễn hàng đêm hàng ngày, nơi mà những hận thù cao vút đẩy tung những xác người vô tội, nơi mà những người đàn bà áo chùng phủ kín tuổi xuân, mạng khăn đen u ẩn choàng kín mái tóc, nụ cười, âm thầm lặng lẽ như những bóng ma u uất. Thay thế người đồng đội bị bệnh, David tình nguyện. Tên cảm tử và quả bom lao thẳng vào chiếc xe, bốn binh sĩ không còn một mảnh thịt vụn, một lóng xương nguyên, tất cả đều nát vữa, ngay cả một vài áo chùng đen vô tội lẫn quẫn trên đường lộ quanh đó cũng cùng chung số phận.

Giọng tôi nhẹ, vỗ về, như một lời ru:

- Ba me đợi con trở về, ba hình như bệnh từ ngày con đi, xin nghỉ bệnh dài hạn, me muốn con về thay me chăm sóc ba, lại còn con bé nữa, nó cần có thêm sự săn sóc của ông bà ngoại.

Rồi tôi ru thêm một cung thật buồn, thanh âm dường như đã lắng xuống từ ngày nào trong hồn tôi:

- Về với me đi con, me cần có con.

Tiếng khóc to, vỡ òa, hòa tan trong giòng nước mắt đang lăn trên gò má hóp trũng, không màng chi đến trang điểm của tôi.

Tối đó, tôi đưa hai mẹ con Tường Vi đến một nhà hàng khá sang trọng của thành phố theo sự giới thiệu của người tài xế taxi. Lại khung cảnh ấm cúng của hai mẹ con tôi như thuở nào, thêm bé Lilian, nó quả thật là đứa trẻ bị đói, đồng lương bán thời gian vào ban đêm của một thâu ngân viên tại tiệm bán xăng, lại thêm tiền gửi con ngủ nhờ nhà hàng xóm thì hai mẹ con phải bị đói và làm sao mà có những bữa ăn mắc tiền như thế này. Há cái miệng nho nhỏ như những con cá vàng đớp mồi, nuốt thật vội những muỗng soup làm tôi phải nhanh tay bón mồi, lại có phần lúng túng vì cảm xúc dâng lên ngập lòng. Nhìn thấy, mắt Tường Vi như một chút lóe sáng, và rồi nó quyết định, như một loài chim sợ những ngày giông bão, như một chim non tập bay sợ những viên sỏi cố tình.

Khải Long, chồng tôi thật sáng suốt và chu đáo, đã liệu trước nên đã mua thêm 2 vé máy bay cho 2 mẹ con Tường Vi, và, thật tự nhiên, tôi đưa con tôi về lại tổ ấm, bỏ lại đàng sau một đống gạch dở dang, vỡ vụn. Anh ấy đón chúng tôi ngay tận hàng rào kiểm tra an ninh của phi trường. Anh ấy ngẩn người, lúng túng, hai vũng mắt đong đầy nước của ngày đoàn viên. Phần tôi, như một chiến sĩ ca khúc thắng trận, đem chiến công về cho cả nhà, nụ cười tươi đã trở lại trên môi. Đến bây giờ tôi mới tin được hạnh phúc của gia đình tôi là những viên kẹo ngọt, mà không là những viên thuốc bọc đường.

Sau những ngày đầu lạ lùng, sợ sệt, bé Lilian đã đeo cứng lấy ông ngoại, rồi tối đến lại ngủ vùi trên tay ông. Những bận bịu của tôi không thể để con bé đeo cứng như ngày nào bé Vi đeo dính mẹ tôi ngày xưa. Hai ông cháu cứ quấn lấy nhau như những đám rễ cỏ dại. Khải Minh cũng lái xe về thăm em và cháu, nó cột chặt con bé vào ghế xe, rồi lái thật chậm khắp vùng hàng xóm. Tôi như đang bơi trong biển chiều nhấp nhô những con sóng hạnh phúc. Tuổi trẻ chóng quên, dễ lấy lại sự thăng bằng, Tường Vi đã ghi danh lại những lớp Văn bỏ nữa chừng, bắt đầu viết bài cho một vài tờ báo nhỏ địa phương, thời trung học nó là cây Văn của trường và cũng đã có lần nói với mẹ về những hoài bão muốn dấn thân vào sự nghiệp văn chương. Số tiền tử tuất của David cũng đủ một đời ăn học cho bé Lilian đến hết bậc đại học .

Bầu trời đêm thật đậm như một tấm thảm đen nỗi lên ngàn vì sao lấp lánh, ngọn gió đêm thoảng nhẹ như những giải nhung tơ mướt chạm khẽ vào những khuôn mặt đỏ hồng của đám bạn trẻ cùng những ly bia cụng vào nhau. Lại một tiệc sinh nhật cho cô bạn nhỏ làm cùng phòng với tôi. Tôi trở về nhà muộn hơn thường lệ, âm vang những tiếng cụng chai như còn đâu đây, chợt nhận thấy căn nhà im vắng lạ, tôi đoán chắc mọi người đã ngủ. Bước những bước thật nhẹ, tháo vội đôi giày, định bước vào phòng, chợt nghe một giọng nói nhỏ nhẹ, vướng vất những ngại ngùng trẻ thơ của Tường Vi:

- Ba có còn giận con không?

Một chút lặng thinh, rồi nghe một giọng ấm áp, có hơi hướm lúng túng của Long:

- Trước đây thì ba có buồn bực, nhưng từ khi ba có con bé này, mọi sự đều thay đổi.

Bằng một giọng hối lỗi của người con gái đã thực sự trưởng thành khi tôi nghe:

- Cho con và anh David xin lỗi ba vì đã làm ba buồn.

Nhìn qua cánh cửa phòng khép hờ, thấy hai mẹ con Tường Vi đứng cạnh chiếc ghế bành mà anh ấy thường ngồi đọc báo trước khi đi ngủ, nay cũng dáng điệu ấy, màn hình computer vẫn mở, con bé Lilian vẫn cứ níu lấy ống quần ông ngoại, vẫn là đôi mắt mở to, tròn xoe như đang muốn tìm hiểu một điều gì kỳ bí xảy ra của hai người lớn.

Vẫn nghe một giọng đều đều, thật ấm:

- Con gắng quên đi để lo cho con bé... và để bắt đầu lại.

Không muốn phá vỡ một khoảnh khắc ngàn vàng ấy, tôi nhẹ nhàng bước vội ra thềm nhà sau như một vườn hoa nhỏ với những nụ hồng đang khoe sắc, những giò lan hoang dại trở thành một loài hoa quý phái, lủng lẳng đẩy đưa, cây sứ nở đầy hoa vàng thơm ngát trong đêm.

Theo thói quen hàng đêm tưới ướt những chậu hoa, rồi lẩn thẩn hôn lên những nụ Quỳnh mượt mà sắp khai hoa. Cây Quỳnh trắng được Khải Long mua tặng tôi trong ngày sinh nhật vừa qua, đã làm tôi vui hơn một thứ quà mắc tiền nào khác. Tìm mua cho được một chậu sứ men màu lục sậm, nổi lên những hình chim chóc, hoa lá cùng màu, đi với màu xanh thẫm của lá, rồi hoa sẽ là trắng. Tôi đã yêu cái gam lạnh này từ lúc có chậu Quỳnh, và phát hiện mình vẫn yêu Quỳnh hơn một loài hoa nào khác. Tôi không dám bắt chước cái thú chơi Quỳnh tao nhã, cầu kỳ của các cụ Tú trong “Vang bóng một thời “ “Ngậm những viên cuội trắng ướp đầy mật lúa, thấm đẫm hương trinh của hoa vừa nở, vừa ngắm hoa vừa nhả những vần thơ đẹp như ngọc”. Tôi chỉ yêu và thích ngắm một loài hoa trắng, cánh hoa mong manh, chỉ nở giữa đêm khuya, hương thơm nhẹ nhàng trinh nữ, để rồi ngày mai rủ úa, vội vàng bỏ cuộc khoe màu. Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya. Bầu trời đêm đang xuống thật thấp, thật đen. Đêm nay thật nhiều vì sao, dày đặc, nhấp nhóa như một biển sáng, sao trời như những ánh đèn của biển có đủ màu sắc của chiếc cầu vồng sau cơn mưa chiều. Tấm lưới trời, đất, vạn vật, cỏ cây, hoà lẫn những tinh hoa của hương đêm như đang được nhẹ nhàng vén lên cùng tấm màn số phận của con tôi: - Nguyễn Thụy Tường Vi, vẫn là một loài hoa Quỳnh, một loài hoa cao quý luôn được nở và vẫn cứ nở mãi trong đêm.

Phoenix , AZ - Võ Hương Phố.

* Đọc "Hương cuội " trong tập truyện ngắn "Vang bóng một thời " của nhà văn tiền chiến Nguyễn Tuân.


12 Tháng Chín 20142:15 SA(Xem: 29496)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
12 Tháng Chín 20141:12 SA(Xem: 31417)
Mùa thu sang em áo dài nón lá Đi trong mưa náo nức buổi tựu trường Thôi tạm biệt những ngay Hè thư thả Đi trở về cùng sách vở thân thương
11 Tháng Chín 20142:39 SA(Xem: 38320)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
06 Tháng Chín 20141:42 SA(Xem: 27789)
Thuở còn bé Mẹ chỉ vầng trăng sáng, Bảo Hằng Nga đẹp lắm ngự trên trời Một vầng nhỏ đen đen là chú cuội. Bỏ trâu ăn lúa bởi ham chơi.
05 Tháng Chín 20143:36 CH(Xem: 29552)
Nhân mùa trăng Trung Thu, xin gửi đến quý vị một vài hình ảnh họa theo dòng nhạc của thời xa xưa, những ngày còn ấu thơ thường đùa vui ca hát dưới ánh trăng
05 Tháng Chín 20142:09 CH(Xem: 18999)
Tính đến nay, Gia Phả cựu hướng đạo sinh Ngô Quyền – Biên Hòa đã lên đến 408 thành viên rồi anh chị em ơi!...
05 Tháng Chín 20143:04 SA(Xem: 28330)
Nắng lang thang góc phố Ghé vào trang sách thơm Sợi treo dòng thác đỗ Cho thơ chảy thành nguồn
30 Tháng Tám 20147:43 CH(Xem: 29311)
Bây giờ khi bay về ngang khung cửa Ngôi trường Ngô Quyền một thuở thân thương Mây có dừng lại thiết tha trìu mến Như ngày xưa theo áo trắng đến trường
29 Tháng Tám 20142:05 CH(Xem: 28249)
Tháng tám, mưa nặng hạt tuôn. Dòng sông nước cuộn xa nguồn về xuôi. Lũ mang nguồn sống cho đời. Bập bềnh hai tiếng khóc cười trầm luân.
28 Tháng Tám 20149:19 CH(Xem: 29704)
Bước chân lạc giữa hư không. dẫm vào vạt nắng cuối dòng nhân gian ngẩn ngơ đếm những lá vàng Dòng đời muôn mối ngổn ngang ưu phiền
23 Tháng Tám 20143:27 SA(Xem: 32558)
Bởi Sinh Nhật anh rơi vào tháng tám buồn Giọt mưa Ngâu nát lòng Ngưu Lang Chức Nữ Nhưng mưa đã cột hai mình từ hai nửa Thành một mình nên tháng tám tình thân
23 Tháng Tám 20142:57 SA(Xem: 30378)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 201411:42 CH(Xem: 33399)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 201410:39 SA(Xem: 27929)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
16 Tháng Tám 20142:34 SA(Xem: 33799)
Lạy Mẹ mùa Vu Lan đến rồi. Từ bao tiền kiếp của luân hồi Phước báo tái sinh làm con Mẹ Ơn đức cù lao tựa biền trời
15 Tháng Tám 201411:58 CH(Xem: 28302)
Chuyện cổ tích của con kể bắt đầu bằng ngày xưa con có ba, ngày xưa con có má, ba má là mãi mãi ... là cho đi không đòi lại bao giờ ...
15 Tháng Tám 201410:16 SA(Xem: 25000)
Biết đến bao giờ tôi lại trở về? Để được sống yên bình ngắm hàng phượng vĩ vào mỗi mùa Hè, và sống lại thời xưa cùng các bạn vui chơi những ngày Hè thong thả....
14 Tháng Tám 20141:30 CH(Xem: 27389)
vẫn chiều tôi ngồi garage vẽ cả bầu trời mênh mông mênh mông bỗng thấy một đàn chim cánh nhỏ lượn chao rồi mất hút khi nào …
13 Tháng Tám 20144:29 CH(Xem: 25441)
"Mẹ mày có khỏe không?' Ông ơi! câu hỏi ngọt ngào này của ông làm tôi vui biết mấy. Tôi khỏe lắm ông à! Tôi sẽ nắm tay ông, cùng ông đi cho hết đoạn đường trần gian.
09 Tháng Tám 20141:26 SA(Xem: 29243)
Xin mượn những dòng này để làm món quà dâng lên Mẹ của chúng con. Cầu mong Mẹ luôn được thân tâm an lạc để tụi con có dịp đền bù phần nảo những hy sinh Mẹ đã dành cho tụi con.
08 Tháng Tám 20143:16 CH(Xem: 40538)
Tháng Bảy mưa Ngâu sắp đến rồi. Nhân mùa báo hiếu gửi Mẹ tôi. *Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÀ MẸ QUÊ - Nhạc Phạm Duy - Đặng Thế Luân trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
08 Tháng Tám 201411:37 SA(Xem: 34885)
Dòng sữa mẹ nuôi con tấm bé Len vào lòng vạn nẻo tình thương. Dù cho dòng sữa cạn nguồn, Tình thương trời biển còn vương hương đời. *Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức TÌNH MẸ - Thơ vhp - Nhạc Huỳnh Trọng Tâm - Ca sĩ Thùy An
06 Tháng Tám 201410:39 CH(Xem: 23372)
Những ước muốn thật xanh, thật đẹp đã dường như liên kết “mây khói” với hiện thực cuộc đời. Ai bảo”Người đi trên mây” dửng dưng? Kính thăm Thầy – xin cầu chúc mọi sự an lành thanh thản.
02 Tháng Tám 20143:01 SA(Xem: 29320)
Về nghe tháng bảy mùa chay. Thương cha nhớ mẹ vòng quay định tuần. Cũng là hệ mẫu số chung. Nào ai tránh khỏi hòa cùng luật chơi.
02 Tháng Tám 20141:50 SA(Xem: 30711)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÊN THỀM TRĂNG SÁNG - Hà Thanh trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube. Vu Lan về con bâng khuâng nhớ lắm Nhớ Mẹ Cha đã cho con vào đời...
02 Tháng Tám 201412:37 SA(Xem: 28537)
Khi tôi viết những dòng này thì đại diện gia đình đang chuẩn bị để lên những chuyến bay về tham dự buổi lễ gắn lon Chuẩn Tướng cho Việt
27 Tháng Bảy 20141:02 CH(Xem: 16282)
Mù Sương, Sinh Nhật vọng lời Khu Rừng Hực Lửa chiều trôi đỏ chiều Kẻ Tà Đạo tiếng lòng xiêu Căn Nhà Ngói Đỏ dắt dìu nhớ sang...
26 Tháng Bảy 20144:21 SA(Xem: 36443)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Vẫn Biết Là Thế Đó. Trình bày: Thuỳ An. Nhạc: Bằng Giang Hòa âm: Cao Ngọc Dung. Lời: Hoàng Ánh Nguyệt
26 Tháng Bảy 20143:42 SA(Xem: 22051)
Tôi đã từng mơ, sẽ đưa anh chị em cựu HĐS. Trấn Biên – Bửu Long cùng tôi dự trại. Đến hôm nay, giấc mơ xưa của tôi đã thành sự thật. Cả hai gia đình Trấn Biên – Bửu Long của anh chị em tôi đã được đoàn tụ tại Thẳng Tiến 10.
26 Tháng Bảy 201412:50 SA(Xem: 41272)
Von véo khúc tình rộn nhạc ve! Đỏ màu hoa phượng trổ sang hè Còn không tuyết khuất, trăng thầm đợi Vắng trống chiều xa, chim lắng nghe
22 Tháng Bảy 201411:05 CH(Xem: 23292)
Nguyễn Xuân Hoàng là người nghệ sĩ đích thực, nhưng tư chất nhà giáo đặt ra những giới hạn không thể vượt qua cả trong cuộc đời lẫn trong nghệ thuật. Hình như A. Camus bảo nghề giáo là chỗ sa lầy ...
17 Tháng Bảy 201410:15 CH(Xem: 29829)
buổi trưa nhà Lữ Quỳnh buổi chiều nhà Nguyễn Xuân Hoàng ôi một ngày hạnh phúc ở San Jose một ngày Hoàng rất vui…
17 Tháng Bảy 20149:58 CH(Xem: 30252)
Mừng anh thêm một tuổi, anh thương yêu, bây giờ tháng bảy, Hồn em, quà mừng sinh nhật, tay anh giữ đã từ lâu.
12 Tháng Bảy 20143:04 SA(Xem: 17149)
Đã hai ngày mà tui vẫn còn lừ đừ. Nửa như say sóng xe, nửa thật mệt và buồn ngủ, nhưng niềm vui vẫn cứ như in trong đầu. Cho nên nhiều lúc đang nấu cơm lại bật cười một mình.
11 Tháng Bảy 20143:34 SA(Xem: 31313)
Hai ngày theo phái đoàn Nam Cali xuôi về miền Bắc dự Hội Ngộ Ngô Quyền lần thứ 13 đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều tình thương và quyến luyến. Nếu tôi có thêm hai tay nữa, tôi cũng sẽ bấm hết ra, viết hết ra...
11 Tháng Bảy 20142:29 SA(Xem: 29517)
"Hãy đem niềm vui đến cho gia đình mình, bạn bè mình, những người chung quanh mình ". Sự góp mặt và đóng góp những gì mình có thể làm được cho những lần Hội Ngộ Ngô Quyền trong tương lai cũng là điều mà tôi sẽ và phải làm.
04 Tháng Bảy 20147:48 CH(Xem: 26249)
Lần nào thăm anh về lòng cũng nặng bầu trời mây những đám mây không có dấu chân Hoàng cầu mong anh vượt qua, vượt qua, vượt qua được ...
04 Tháng Bảy 201412:55 SA(Xem: 30190)
Tháng Bảy này Ngô Quyền mình họp bạn Có nhiều người lại vắng mặt nữa đây Xiết tay nước mắt đong đầy Mừng vui hội ngộ khóc hoài cố nhân
03 Tháng Bảy 20142:54 SA(Xem: 26809)
"Để ghi ơn Thầy cô đã một thời đem hết nhiệt tình dạy dỗ chúng em nên người, và cùng nhớ lại kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.
03 Tháng Bảy 20142:21 SA(Xem: 28575)
Ngày vui tháng bảy nở hoa. Chúc mừng họp mặt đậm đà tình thân. Thầy tôi đi trọn đường trần. Cô tôi thắt chặt nghĩa ân học trò. Bạn tôi cười nói vui đùa. Ngô vương dậy sóng trường xưa theo về.
28 Tháng Sáu 20144:13 SA(Xem: 30782)
tìm trong ngọn sóng triều lên dấu chân người bước qua miền phù vân chiều nay chợt nhớ bâng khuâng chút hương mùa cũ bỗng chừng đâu đây ngày xuân, tháng hạ hao gầy thuyền xưa, bến cũ đã đầy tuyết sương!
28 Tháng Sáu 20142:00 SA(Xem: 31024)
• Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua có ba điều bất hạnh xảy ra trùng hợp:... Trong ba cái bất hạnh ấy, cái thứ ba là nguy hiểm và tồi tệ nhất.
27 Tháng Sáu 201410:58 CH(Xem: 29030)
Tôi rất thương cánh cổng trường mở rộng Đón bạn bè áo trắng bước chân chim Thật hồn nhiên và tràn đầy mơ mộng Ngô Quyền xưa bao dấu ấn êm đềm.
21 Tháng Sáu 20147:43 SA(Xem: 30088)
Giữa văn chương và dạy học Hoàng thấy thế nào. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết Văn là ý nghĩa chính của cuộc đời. Đi dậy chỉ là phụ. Cô Vy nói thêm. Nhưng cái phụ nuôi cái chính.
20 Tháng Sáu 201410:17 CH(Xem: 29630)
Hoàng thì đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy, nên tôi cũng hiểu rằng bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, bạn tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho dặm cuối của một chặng đường cheo leo trên con dốc tử sinh.
13 Tháng Sáu 20149:31 SA(Xem: 29961)
Ở Mỹ, ngày “Từ Phụ” “Father’s Day” thường tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần Lễ thứ ba trong tháng Sáu. ...Mục đích của ngày lễ là để con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh cha mình.
13 Tháng Sáu 20144:12 SA(Xem: 24145)
Mỗi khi nghĩ đến cha thì hình ảnh hiện ra trong đầu tôi là một người cha đạo mạo và nghiêm khắc. Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn ông cười, nụ cười thật từ ái và hiền lành.
12 Tháng Sáu 20141:56 SA(Xem: 33669)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: CHÚT TÌNH AI GỬI CHO AI - Thơ Trần Kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm
07 Tháng Sáu 201412:48 SA(Xem: 32614)
cùng lúc xem trên web. Ngô Quyền vừa mới post tấm ảnh thầy trò xưa thầy Hoàng dạy triết cravate thả lỏng rất Don Juan. làm sao không nhớ thời yêu Vy làm sao không nhớ thời ĐàLạt
07 Tháng Sáu 201412:39 SA(Xem: 30721)
Dù sinh hoạt cuộc sống hằng ngày với bao lo toan, trách nhiệm gia đình và xã hôi. Nhưng chúng tôi vẫn luôn dành những ngày cuối tuần cho những buổi họp mặt để có những niềm vui.
06 Tháng Sáu 20141:01 CH(Xem: 30815)
Cha là bóng cả trên cao, dưỡng dục cù lao nghĩ nặng sâu Tình Cha non Thái như biển rộng Còm cõi nắng mưa bạc mái đầu
06 Tháng Sáu 201411:41 SA(Xem: 29242)
Chúc mừng đại hội Ngô Quyền. Các anh các chị đoàn viên một nhà Họp mặt vang tiếng hát ca Thầy xưa trò cũ mặn mà tình thân
31 Tháng Năm 20143:22 SA(Xem: 28460)
Còn 2 ngày nữa là hết tháng năm. Mùa hè đã về. Các cháu được hưởng những ngày hè vui vẽ bên gia đình.... Hình như tháng Sáu đang gỏ cửa . Còn 2 ngày nữa mới tới. Tháng Sáu ơi.
31 Tháng Năm 20141:55 SA(Xem: 23604)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: HẢI NGOẠI THƯƠNG CA - Nhạc Nguyễn Văn Đông - Trình bày Hà Thanh
29 Tháng Năm 20142:11 SA(Xem: 23458)
Bao nhiêu năm qua, chị Kim Kết vẫn nhớ như in lời chúc của thầy Nguyễn Xuân Hoàng ghi trong quyển Giai phẩm Xuân Tứ 2 của chị : “ Chúc cô bé có bím tóc dài nhất và lâu nhất luôn học giỏi…”