MGTT 45 - TẠ ƠN THẦY CÔ - THANKSGIVING 2017
Mỗi năm một lần, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ cuối tháng 11 luôn nhắc chúng ta tri ân các bậc sinh thành, và những người đứng trên bục giảng vì Cha Mẹ cho chúng ta hình hài, nuôi ta khôn lớn, quý Thầy Cô cho ta kiến thức, giúp chúng ta thành những công dân tốt của xã hội .
Ở một góc của tâm hồn, vẫn có một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ quý Thầy Cô đã về với hạc nội mây ngàn...
Bài viết: NQK5 Trần Ngọc Danh, NQK9 Nguyễn Thị Cúc, NQK10 Nguyễn Thị Ngọc Sương, NQK9 Bùi Thị Lợi, NQK9 Nguyễn Mỹ Châu, NQK9 Phạm Thị Hữu Hạnh, NQK9 Trần Thị Lan, NQK10 Võ Quách Thị Tường Vi, NQK6 Nguyễn Thị Thêm, NQK15 Nguyễn Trần Diệu Hương
Hình ảnh: NQK15 Lê Minh Tâm, NQK9 Phạm Thị Hữu Hạnh.
NHỚ MÃI ƠN THẦY CÔ
Người ta ví von nhà giáo với người chèo đò
Khách vừa qua sông, đã vội hững hờ quay mặt
Đưa nhận chút tiền công, dây thân tình bỗng khác
Đường ai nấy đi mặc cho thế sự ngược xuôi
Những đứa học trò học xong rồi cũng vậy thôi
Qua sông rồi quên nhanh, hướng về bờ bến khác
Thầy trò lạ nhau nhìn nhau như đã từng đi lạc
Tình nghĩa gì đâu chỉ một chút nắng sân trường
Đâu ai biết rằng Thầy trò nặng lắm chữ THƯƠNG
Ngày bế giảng Thầy Cô ôm đám học trò sướt mướt
Con đò đưa nước mắt không xuôi mà chảy ngược
Chảy về trường xưa nơi xuất phát một hành trình
Học trò qua sông không bao giờ cố ý lặng thinh
Cũng chưa bao giờ xuống đò xong là ngoảnh mặt
Thầy Cô mang theo mình lời “Lương Sư Hưng Quốc”
Trò cũng đau đáu trong lòng câu “Nhất Tự Vi Sư”
Những đêm gió lạnh trở mùa khuya lắc khuya lơ
Thầy Cô không ngủ, những tâm hồn non cũng thức
Cô nghĩ về tương lai, Thầy lo lương tâm chức nghiệp
Trò tự hỏi lòng mình làm gì cho Thầy Cô vui
Vào Đông rồi, gió bấc mang về cái lạnh mồ côi
Đôi tay yếu bây giờ cầm mái chèo còn vững?
Tóc màu phấn, kính hai tròng, run đôi chân đứng
Vẫn ngày đêm âm thầm qua lại chuyến đò đưa
Những đứa học trò không còn trẻ như ngày xưa
Nếu đứng cạnh Thầy Cô soi gương chung màu tóc
Ước chi một ngày ngồi lại lớp xưa mà khóc
Chất kho kỷ niệm vàng cho khẳm chuyến đò ngang
Ơn Thầy Cô sớm trưa, đêm ngày mãi mãi còn mang!
TRẦN KIÊU BẠC (khoá 5 Trung Học Ngô Quyền, Biên Hoà)
NQK9 Thy Lệ Trang Nguyễn Thị Cúc - Massachusetts
Chúng tôi luôn bàn cãi với nhau những bài toán khó về Hình Học lớp đệ Nhị của Thầy Kỷ, về toán Lượng giác của Thầy Nguyễn Thất Hiệp, và toán Lý của Thầy Mai Kiến Phúc, toán Hóa của Thầy Lê Quý Thể và Tân Toán của Thầy Tôn Thất Để lớp đệ Nhứt.
Tôi luôn kính trọng các bậc Thầy Cô dạy mình từ lúc học i tờ cho đến khi lớn lên, nhưng năm lớp đệ Tam B1, Cô Mỹ dạy Pháp Văn chúng tôi đã cho tôi ấn tượng sâu sắc khó quên về Cô. Dáng vẻ thanh lịch với chiếc áo dài cổ tròn không có bâu đứng, tóc cắt ngắn kiểu Sylvie Vartan, phong cách dạy nhẹ nhàng dễ hiểu, tiếng Pháp của Cô phát ra tự nhiên ngọt ngào, đã ảnh hưởng đậm đà trong ánh mắt của tôi lúc đó và nghề nghiệp của tôi sau nầy. Sau nầy tôi làm công việc dạy học trò môn Sinh Ngữ như Cô, tôi thường tự nhủ khi đứng trên bục giảng rằng mình được phân nửa như Cô về hình thức lẫn kiến thức giảng dạy là mừng lắm rồi.
Có vài lần tôi gặp và đi chung xe với Cô Bạch Thị Bê, dạy Quốc Văn, lần nào Cô cũng trả tiền xe cho cả đám nữ sinh chúng tôi trên xe dù có người học với Cô hoặc không học với Cô như tôi. Tôi còn nhớ và cảm động không ít khi gặp Thầy Nguyễn Minh Mẫn, dạy tôi Pháp Văn năm lớp đệ Ngũ, chạy xe ngang nhà thờ, thấy tôi Thầy dừng xe lại, mở cửa, gọi tôi: "Sương, lên xe đi con". Trong lúc Thầy chạy đến sân trường và có tôi ngồi bên, Thầy hỏi thăm tôi một cách chậm rãi bằng tiếng Pháp, tôi chú ý lắng nghe và đáp lại cũng bằng tiếng Pháp, Thầy cười hiền hòa. Cho nên tôi khó quên Thầy và kính Thầy như Cha. Sau nầy, qua web NQ, tôi biết Thầy đã qua đời tôi buồn lắm vì chưa có dịp kiếm thăm Thầy để cúi đầu chấp tay tạ ơn Thầy thì Thầy đã qui tiên.
NQK10 Nguyễn Thị Ngọc Sương - Minnesota
Thế hệ học sinh thời chúng ta luôn có 365 ngày trong năm để tri ân Thầy Cô. Cổ nhân có câu: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả những ai từng cắp sách đến trường.
Hồi đó tôi là trưởng lớp mà Thầy Phạm Ngọc Quýnh là Giáo Sư Hướng dẫn nên những chuyện sinh hoạt trong lớp Thầy thường gọi tôi để dặn dò, nhắc nhở. Nên vô tình tôi cứ tưởng mình được Thầy ưu ái hơn, thật ra Thầy thương mến tất cả chúng tôi đều như nhau. Thầy không phân biệt đứa nào học giỏi hay dở. Thầy nghiêm nghị nhưng không nghiêm khắc. Thầy giảng bài với giọng nói miền Bắc thật lôi cuốn, lớp tôi nổi tiếng có nhiều bạn nghịch phá nhưng giờ dạy của Thầy lúc nào cũng nghiêm túc. Có thể nói tôi yêu thích học môn Việt văn là nhờ những bài giảng của Thầy. Đầu năm lớp Đệ Ngũ khi nghe thông báo Thầy không tiếp tục dạy lớp tôi nữa, tôi nhớ lúc đó tôi buồn đến phát khóc. Đối với một cô học trò nhỏ như tôi Thầy là một thần tượng.
NQK9 Bùi Thị Lợi - Saigon
Buổi học đầu tiên Thầy bước vào, đứng trên bục Thầy nhìn cả lớp qua đôi kính, khẽ mĩm cười và khoát tay bảo chúng tôi ngồi xuống. Giọng Thầy rất ấm áp, hiền từ nói: “Các em đã có quyển sách Le Français Élementaire chưa? Chúng ta bắt đầu Leçon 1 !”…
Trung Thu năm đó, tôi sang nhà Thầy với hộp bánh Trung Thu trong tay, tôi đặt bánh lên bàn thờ, thắp một nén hương cung kính tưởng nhớ đến Thầy, tấm ảnh Thầy trên bàn thờ vẫn nụ cười nở trên môi như thuở nào ...
Ngô Quyền ơi, dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm đi chăng nữa thì ơn nghĩa Thầy Cô vẫn luôn in sâu đậm trong tim của mỗi chs Ngô Quyền hiện còn sinh sống trên đất Biên Hòa hoặc bên kia nửa vòng trái đất.
NQK9 Nguyễn Mỹ Châu - Biên Hòa
Suốt bảy năm trung học, biết bao nhiêu Thầy Cô đã tận tâm dạy dỗ, truyền đạt những kiến thức để chúng tôi làm hành trang bước vào đời cùng với lòng tự tin của tuổi trẻ. Riêng với Thầy Đinh Văn Sái, vị giáo sư đã dạy tôi môn Pháp Văn lớp Đệ Thất 1, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của Thầy gắn liền với chiếc xe Velo Solex đen của ngày xưa ấy.
Thầy là một vị giáo sư nghiêm khắc nên tôi và các bạn trong lớp rất sợ và kính nể. Trong giờ Pháp Văn của Thầy là cả lớp im phăng phắc, lắng nghe lời Thầy giảng. Pháp Văn lại là môn ngoại ngữ đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào ngưỡng cửa lớp Đệ Thất nên rất háo hức với môn “tiếng Tây” nầy.
Cho dù đã xa rời Biên Hòa từ năm 1971 và trí nhớ đã bị bào mòn bởi thời gian qua những thăng trầm của cuộc sống, nhưng hình như trong tận cùng sâu thẳm ký ức của tôi vẫn còn những kỷ niệm thân thương, chờ đợi khi có cơ hội là hiện về thật rõ ràng như chỉ mới hôm qua!
Thầy là một trong ba vị giáo sư đầu tiên của trường Ngô Quyền thành lập năm 1956. Theo định luật của tạo hóa, Thầy cũng đã ra đi, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh Ngô Quyền. Những người học trò Ngô Quyền năm xưa luôn trân quý và nhớ ơn Thầy Cô đã từng là "Người Lái Đò" bao nhiêu năm học là bấy nhiêu chuyến đò đưa khách sang sông. . .
NQK9 Phạm Thị Hữu Hạnh - Washington
Trong tiềm thức mình cũng hãnh diện có một sự nuôi nấng và bao bọc của Cha Mẹ, sự dạy dỗ tận tụy và hiền hòa của Thầy Cô từ lớp Năm đến Đệ Nhất. Từ lớp Nhì ở trường Nữ Tiểu Học với Cô Xuân Lan, lớp Nhất với Cô Lệ Hoa. Trung học Ngô Quyền với Thầy Đinh Văn Sái, Thầy Hà Tường Cát, Thầy Lâm Tấn Văn, Thầy Phạm Văn Tiếng, Cô Phạm Thị Nhã Ý, Cô Khương Thị Bàn và những Thầy Cô khác từ Đệ Thất đến Đệ Nhất...
Thầy Mai Kiến Phúc và Thầy Lê Quý Thể với môn Vật Lý và Hóa Học, hai Thầy tận tâm chỉ dạy. Năm Đệ Nhất A1 học Triết với Thầy Nguyễn Văn Lục, Thầy là người đầu tiên cho thi được mở sách, nhưng không ai dám để sách trên bàn.
Chúng ta nên hãnh diện và tự hào đã có một căn bản vững chắc dưới sự dạy dỗ tận tụy của Thầy Cô cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở xứ lạ quê người hay nhập vào nền văn hóa cùng giáo dục ở quê hương thứ hai.
Thầy Cô ơi, con biết rằng con không thể đền công ơn dạy dỗ của Thầy Cô, không biết bao giờ con gặp lại đượcThầy Cô để tỏ lòng tri ân.
NQK9 Trần Thị Lan – Florida
Lời Xưa Thầy Cũ
Tháng Tám xuôi Nam thăm trường,
Ve kêu rộn rã phượng đường đỏ hoa
Cổng xưa con dốc vào ra
Tóc thề áo trắng thướt tha dịu dàng
Song cửa thầy giảng tiếng vang
Âm thanh trầm bổng lời vàng là đây!
Công ơn dạy dỗ tháng ngày
Ghi tâm khắc cốt không tày nào quên
NQK10 Võ Quách Thị Tường Vi – Texas
NQK6 Nguyễn Thị Thêm - California
Thời chúng tôi vô lớp 6 Ngô Quyền, đã có rất nhiều Thầy Cô là chs NQ về lại trường xưa giảng dạy các thế hệ đàn em. Chúng tôi được học với quý Thầy Huỳnh Quan Phận (NQK5), Cô Hà Thị Nhung (NQK5), Cô Liêng Tuấn Tài (NQK5), Cô Phan Kim Hoa (NQK5), cô Phạm Thị Hạnh (NQK6), Thầy Diệp Cẩm Thu (NQK7). Nhưng mãi về sau sau này, khi Hội chs NQ có web site,chúng tôi mới biết quý Thầy Cô kể trên là chs NQ . Tôi không được học ở Ngô Quyền những năm cuối Trung học. Các bạn cùng lớp học đủ 7 năm Trung học ở trường xưa, còn được học Toán với hai GS Toán là chs NQ: Thầy Nguyễn Thành Dũng (K1), Thầy Đào Đức Thiện (K4).
Các Thầy Cô là chs NQ dễ dãi với chúng tôi hơn các Thầy Cô khác. Có lẽ là từ trên bục giảng nhìn xuống lớp học, quý Thầy Cô nhìn thấy mình ngồi ở chỗ học trò ngồi ngày xưa. Mà cũng có lẽ vì so với các lớp cùng khóa, với các lớp đàn anh, đàn chị, chúng tôi thuộc loại "em hiền như ma soeur", chưa bao giờ chọc phá Thầy Cô, nên kỷ niệm "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" không nhiều như các lớp khác.
Nhưng vì chân chỉ hạt bột, “chỉ biết học thôi chằng biết gì” (lớp 6/1 chúng tôi có thủ khoa kỳ thi vào lớp 6 của khóa 15, có các bạn đậu hạng 4, 5, 8, và 10, bạn tệ nhất lớp cũng đậu hạng 86 trên tổng số 700 học sinh được tuyển vào 12 lớp sáu của khóa 15) nên quý Thầy Cô rất thích dạy lớp chúng tôi, chấm bài không tốn nhiều thì giờ.
Năm 1992, lần đầu tiên gặp Cô Trần Thị Minh Tâm ở California, Cô đã nhớ ngay chúng tôi và lớp 7/1 học hành xuất sắc của một thủa NQ .
Vì chăm chỉ học hành, nên mãi đến bây giờ, cũng còn nhiều điều chúng tôi giữ lại được trong đầu dù năm tháng đã lấy mất nhiều thứ, kể cả một số Thầy Cô và bạn bè.
Thưa quý Thầy Cô, tụi em không nổi tiếng lẫy lừng, nhưng cũng không có tai tiếng, chưa bao giờ làm điều gì cho quý Thầy Cô và các bậc sinh thành buồn lòng. Những bài học Công Dân giáo dục ngày xưa vẫn nhắc nhở tụi em luôn sống gương mẫu, biết nghĩ đến người kém may mắn hơn mình. Bài học từ Gia Huấn Ca "trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời đức hạnh làm câu trau mình" vẫn theo tụi em mãi đến bây giờ. Cách suy luận của môn Toán, cùng lối chứng minh chặt chẽ giúp tụi em tự cố vấn chính mình, tự suy nghĩ tìm giải pháp mỗi lúc gặp khó khăn. Môn Vạn vật giúp tụi em chọn được hoa nào tươi lâu, không phải dày công chăm sóc. Môn Hóa học giúp tụi em tự tìm được món ăn thích hợp cho sức khỏe của chính mình, cho những người thân yêu. Môn Vật Lý giúp tụi em biết cách sắp xếp đúng vị trí và giữ gìn đồ vật chung quanh...
Xin tri ân các bậc sinh thành, xin tri ân quý Thầy Cô đã ít nhiều góp phần đào tạo những công dân tốt của xã hội, những người đàng hoàng, có trách nhiệm.
Tận lòng thành, xin thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ quý Thầy Cô trực tiếp dạy chúng tôi đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời: Thầy Đinh Văn Sái (Pháp Văn),Thầy Bùi Quang Huệ (Sử Địa), Thầy Trần Thiện Cơ (Toán), Thầy Nguyễn Minh Mẫn (Pháp Văn), Thầy Nguyễn Văn Tỵ (Nhạc), Thầy Nguyễn Hữu Lợi (Lý Hóa), Thầy Huỳnh Kim Thân (Toán), Thầy Phạm Văn Mẫn (Hội họa), Thầy Hồ Bá Vạn (Toán), Cô Ngô Bích Liên (Nữ Công), Cô Lê Thị Mỹ (Sử Địa), Cô Phạm Thị Khang (Vạn Vật), Cô Nguyễn Thị Kim Cúc (Vạn Vật), Cô Phạm Thị Hạnh (Anh Văn).
Trong một góc tâm hồn của tụi em, vẫn có một vị trí rất đặc biệt, và lòng biết ơn chân thành dành cho quý Thầy Cô của Ngô Quyền yêu dấu ngày xưa.
NQK15 Nguyễn Trần Diệu Hương - California
*Xin bấm vào phần Audio bên dưới để thưởng thức: