Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - NGƯỜI LÁI ĐÒ GIÀ TRÊN BẾN SÔNG XƯA

01 Tháng Mười Hai 20231:52 SA(Xem: 12443)
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - NGƯỜI LÁI ĐÒ GIÀ TRÊN BẾN SÔNG XƯA

NGƯỜI LÁI ĐÒ GIÀ TRÊN BẾN SÔNG XƯA…



2023_THAM THAY CO (1)

 

Khi tôi đến thăm thầy Lê Hoàng Long đang nằm ngủ, cô Hoàng định đánh thức thầy nhưng may mắn tôi đã kịp ngăn. Cô Hoàng cho tôi biết trí nhớ thầy Long bây giờ xáo trộn rất lung, cả nhà phải vận dụng toàn bộ “siêu thần công lực” mới đoán được ý muốn của thầy. Ấy vậy mà thầy giáo - nhạc sĩ trường tôi vẫn có thể nhớ ra “Ah, là học trò của trường Ngô Quyền...” mỗi bận vợ của thầy nhắc đến “cô học trò Hoàng Mai ở Biên Hòa…” tôi nghe cô Hoàng kể vậy.

 

Có thể cái tên của tôi còn sót lại chút xíu trong ký ức của thầy, chứ nhìn khuôn mặt của tôi chắc chắn thầy giáo - nhạc sĩ “Gợi giấc mơ xưa” quên tuốt. Đến cả cô Hiền, người tình trong giấc mơ xưa của thầy mà thầy còn quên bẵng, huống chi đứa học trò “ba, bảy, hai mốt… nốt nhạc” như tôi. Thầy Lê Hoàng Long năm nay đã 93 tuổi Tây và 94 tuổi Mụ, chỉ vài mươi ngày nữa thôi là thầy giáo - nhạc sĩ trường tôi “được” tăng thêm tuổi mới. Thầy Lê Hoàng Long hiện là “cánh chim đầu đàn” trong tất cả thầy cô giáo cũ của trường Ngô Quyền xưa, mà tôi hiện còn giữ được liên lạc.

 

Trông hình ảnh các em dìu thầy Đoàn Viết Biên từng bước yếu ớt bước ra, chắc hẳn những chs.NQBH đều chung cảm xúc giống tôi, thương thầy quá  đỗi… Đợi bố yên vị một lúc, các em mới “ la hét” thật to hỏi bố:

- Bố nhớ cô Mai ở Biên Hòa không?

Thầy Biên nhìn tôi một hồi lâu, rồi cười cười bảo “ Bố nhớ, nhớ chứ!…” nhưng tôi chắc chắn thầy không nhớ được tôi đâu. Thầy Đoàn Viết Biên năm nay 92 tuổi - kém thầy Lê Hoàng Long 1 tuổi - và cũng tương tự thầy Long, thầy Biên lẫn lộn nhiều lắm. Bắt chước các em, tôi cũng phải “vừa la, vừa hét” thật to thầy mới có một chút phản ứng:

- Thầy ơi, cô Nhã Ý gửi quà tặng thầy nè! Thầy nhớ cô Nhã Ý không?…

Tôi nhắc đi nhắc lại tên cô Nhã Ý mấy lần, thầy mới gật đầu nhè nhẹ và cười:

- Cô Nhã Ý, thầy nhớ chứ!…

- Cô Mai đến thăm bố em vui lắm, bố còn cười còn nói chuyện được đôi câu, chứ thường thì bố em cứ ngủ hoài. Tụi em đỡ bố ra ngoài ngồi thế này để bố “vận động” chút xíu, cô Mai đừng ngại…

Tôi ngại bởi hai đứa con của thầy phải dìu bố nhấc từng bước chân hơi cực, nhưng các em đã nói như vậy nên tôi cảm thấy đỡ áy náy phần nào…

 
2023_THAM THAY CO (2)

 

 

Mỗi bận đến thăm thầy Lâm Tấn Văn là tôi “khuấy đảo” rộn ràng, bởi lúc còn chạy được xe máy tôi vẫn thường đến thăm thầy. Có lúc gặp bữa, tôi ở lại dùng cơm với thầy cô luôn không chút ngại ngùng. Lần này cô Nhung cũng bảo tôi ở lại dùng cơm với gia đình thầy, nhưng tôi đành thoái thác bởi tôi còn sang thăm thầy Hải nữa:

- Thăm thầy Hải xong Mai trở lại nhà dùng cơm với thầy cô, hôm nay cũng là sinh nhật Thiện Khoa con của Út Hậu…

Tôi đành hứa “hàng đôi” với cô Nhung, bởi hành trình của tôi còn phải quay về thăm thầy cô ở Biên Hòa nữa.

 

Thầy Văn vẫn nói chuyện tếu lâm được, tuy giọng nói khó khăn sau ba lần thầy bị tai biến. Chậm rãi từng tiếng một, thầy kể tôi nghe:

- Thầy Dũng than thở với thầy, bây giờ nó “đui” hết thấy đường rồi…

- Thầy Hải bây giờ cũng… điếc lắm rồi. Thầy nói với thầy Dũng đi, tụi bây “đứa đui, đứa điếc” là huề. Thầy cứ nói vậy cho thầy Dũng “hết than, khỏi thở” luôn…

 

Câu nói đùa khiến cả nhà thầy Văn cười ầm, vui hẳn lên. Đứa cháu ngoại của thầy Văn đang ở nhà sau phụ mẹ Út Hậu làm cơm, cũng chạy lên cười hùn. Thế là có người để tôi nhờ cháu chụp hình ông bà ngoại và cô Mai. Đang là sinh viên năm II đại học khoa Y học cổ truyền, nên cháu Thiện Khoa cũng thường xuyên đến châm cứu duy trì sức khỏe cho ông bà ngoại…

 

 

Thầy Trần Thái Hùng vừa xuất viện, sau 11 ngày điều trị chứng tắt nghẽn khí quản khiến thầy xém ngưng thở (?!…) nếu như gia đình không kịp đưa thầy đến bệnh viện cấp cứu. Thầy cười như tự trách:

- Đó là hậu quả do thầy hút thuốc lá quá nhiều.

Tuy đã khỏi bệnh, nhưng thầy Hùng trông vẫn còn yếu lắm. Các bác sĩ từng là học trò của thầy Hùng khi xưa, nay vẫn tiếp tục ghé thăm khám và theo dõi bệnh của thầy.  

 

Thầy Trần Thái Hùng dạy lớp 12B3 (niên khóa 1974 -1975) của tôi môn Tân Toán, thầy cũng là cậu của anh Tô Anh Tuấn - một đàn anh chưa từng “ xưng danh, xưng tánh” nhưng lứa đàn em chúng tôi ai cũng biết, anh Tuấn chính là linh hồn của Hội AHCHS.NQBH hải ngoại từ những ngày mới thành lập đến tận bây giờ - Và cũng nhờ thầy Hùng cung cấp thông tin, mà tôi được biết để tìm tư liệu viết bài về cố GS. Dương Hồng Duyệt, cũng là thầy giáo - nhạc sĩ của trường tôi từng nổi tiếng với Đường Chiều, nhạc phẩm duy nhất để đời của thầy Dương Hồng Duyệt.

 

Hai “quý tử” của thầy Trần Thái Hùng - đang định cư ở tiểu bang Maine USA - cũng vừa bay về tới VN thăm bố từ tối hôm trước. Khi tôi giới thiệu:

- Bố của em dạy học chị Mai môn Toán từ năm 1974 - 1975…

Trần Thái Bình, trưởng nam của thầy Trần Thái Hùng cười lớn:

- Lúc đó em chỉ mới ba tuổi, sắp vô mẫu giáo…

 


2023_THAM THAY CO (3)

 

Năm nay sức khỏe của thầy Trịnh Hồng Hải bất ổn, thầy chuyển hẳn lên tầng ba để yên tĩnh nghỉ ngơi và thuận tiện trong sinh hoạt. Tôi bám tay vịn cầu thang cao cao nhà thầy, từ từ “bò” qua ba tầng lầu mà lúc trước tôi có thể nhảy lóc chóc như cheo như sáo. Thầy Hải đang nằm trên giường, tôi bước vào phòng và cũng phải hét thật to:

- Thầy ơi thầy, học trò đến chúc mừng Thầy nhân ngày nhà giáo nè thầy...  

Cũng may âm lượng giọng nói của tôi khá tốt, nên tôi vẫn có thể trực tiếp chuyện trò với thầy mà không phải nhờ cô Hương thông dịch:

- Thầy ơi, đây là quà của học trò chúc mừng thầy. Còn đây là quà của cô Nhã Ý gửi tặng thầy. Thầy chụp với học trò tấm hình kỷ niệm, để đồng nghiệp cũ của thầy xem “dung nhan ấy bây giờ ra sao” nha thầy…

Cô Hương định đi lấy lược để chải tóc cho thầy, tôi ngăn vội:

- Thôi khỏi cô ơi! Chỉ cần bàn tay năm ngón, mái tóc của thầy sẽ bồng bềnh đẹp như mơ mà…

Cô Hương cười, dùng phone của cô chụp hình hai thầy trò rồi chuyển lại cho tôi. Sau lần thầy Hải bị tai biến, thính lực của thầy giảm dần rồi không nghe tiếng nói qua phone được nữa. Từ lúc đó, tôi chỉ liên lạc với thầy Hải qua số phone của cô Hương…

 

Vẫn như mọi năm, tôi đến thắp nhang viếng thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo và thăm cô Tồn trước khi trở lại Biên Hòa. Mặc dù cô Tồn kém thầy hiệu trưởng đúng 12 con giáp, thế nhưng năm nay cô Tồn cũng đã bước qua số tuổi 90 rồi. Tuy còn minh mẫn, nhưng cô Tồn không thể nào tránh khỏi những chứng “bệnh của người già” đeo đẳng quanh năm…

 

@

@       @

 

Trở lại Cù Lao Phố, tôi đến thăm thầy Nguyễn Ngọc Ẩn và thắp nhang viếng cô Đào Thị Nga trước tiên. Thầy Ẩn hỏi thăm tôi về những đồng nghiệp cũ, và tôi có đầy đủ thông tin để kể thầy của tôi nghe. Từ lúc tiễn đưa cô giáo Đào Thị Nga về bến vô thường, tôi không thường xuyên đến thăm thầy cô và xin rau cải mà em Ngọc Sơn - con trai của thầy cô - trồng ở vườn nhà về ăn như trước nữa. Bởi dạo sau này tôi thường xuyên ở phố núi để gần gũi vợ chồng con trai và cháu nội nhiều hơn, nên thi thoảng tôi mới trở về thăm phố Biên xưa.

 

Tôi rất mừng khi sắc diện cô Khương Thị Bàn đã tươi tắn hơn, bớt tiều tụy hơn rất nhiều so với những lần trước tôi đến thăm cô. Cô Bàn cho tôi biết, em Minh Trang - người con trai thứ của cô -  nay đã chuyển về sống bên cạnh cô. Vậy là cô giáo của tôi đã có chỗ dựa, giúp cô giáo của tôi thôi sầu não băn khoăn, không còn lo lắng về quãng đời chiều của cô sẽ bị (?!…) lẽ loi đơn chiếc nữa...

 
2023_THAM THAY CO (4)

 

 

Cô Hoa - vợ của thầy Nguyễn Xuân Kỳ - suýt xoa tiếc nuối vì tôi đến thăm mà thầy lại vắng nhà:

- Thầy vừa mới nhắc cô Mai hồi sáng này nè, ổng đi đâu chừng hơn 15 phút thì cô tới…

- Gọi điện thoại cho thầy được không cô?

- Không nghe được đâu, mà thầy cũng không mang theo điện thoại nữa…

 

Quanh ngôi nhà từ đường cổ kính bên sông Đồng Nai của thầy Nguyễn Xuân Kỳ, là vườn hoa mai rộng lớn khoe sắc vàng tươi mỗi độ xuân về rất tuyệt. Món “trà hoa mai” mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức, là do thầy cất công chế biến để thỉnh thoảng, thầy lại cho đứa học trò hay đến thăm thầy.

https://www.ngo-quyen.org/a4837/diep-hoang-mai-tra-hoa-mai

 

Chuyện trò với cô Hoa một lúc thầy vẫn chưa về, tôi nhờ cô Hoa chuyển đến thầy Nguyễn Xuân Kỳ món quà tri ân hằng năm của nhóm cựu học sinh trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Cô Hoa nhận món quà và nói vui:

- Không làm nghề dạy học, vậy mà cô cũng được hưởng ké quà của thầy nè!..

 

 

Lần này thầy Nguyễn Viết Long “có vẻ” khỏe hơn chút xíu, nên đích thân thầy đi pha hai ly cafe đậm đặc cho hai thầy trò vừa nhâm nhi vừa nhắc chuyện trường xưa. Thật ra sức khỏe tuổi hoàng hôn của thầy Long cũng thất thường mưa nắng (?!…) lắm, bởi thầy có thể làm mệt và khó thở bất cứ lúc nào. Chính vì vậy trong nhà thầy Nguyễn Viết Long luôn trang bị đầy đủ y cụ, thuốc men dự phòng cho thầy trong tình huống cấp thiết. Rất hiếm khi tôi gọi điện cho thầy Long, thường thì tôi nhắn tin rồi đợi thầy chủ động gọi lại. Với âm thanh bất chợt của phone, dễ khiến thầy Long giật mình làm mệt bất tử rất thiệt thân thầy. Thầy Long hỏi tôi:

- Tết này em có về Biên Hòa hay không?

- Dạ có Thầy ơi! Em đến chúc Tết thầy nha, thầy trò cafe giải khát nha thầy…

 

 

Cô Võ Thu Thủy đón học trò bằng nụ cười tươi vui hiền hòa muôn thuở, cô ôm chặt tôi vào lòng bằng đôi tay dịu dàng ấm áp của cô. Cận kề số tuổi 90 nhưng cô Thủy vẫn minh mẫn lắm, mặc dù thuốc men luôn phải gắn bó với cô giáo hàng ngày

 

 

Với chiếc Ipad xinh xinh cố định trên cái cặp cũng xinh xinh, cô Thủy tìm được niềm vui tuổi già bằng những clips hướng dẫn dưỡng sinh nhẹ nhàng cho người cao tuổi; những triết lý nhân sinh thông qua nhiều câu chuyện kể tương quan giữa đạo và đời. Nét chữ của cô Thủy vẫn rắn rỏi, khi cô cẩn thận ghi chép lại “những điều trông thấy” mà cô tâm đắc vào từng quyển vở 100 trang giấy trắng học trò. Hay quá cô ơi! Cũng là một cách “thể dục trí tuệ” rất riêng của cô giáo Võ Thu Thủy, một người thầy xưa của ngôi trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu ngày xưa…

 

2023_THAM THAY CO (5)

 


Thầy Nguyễn Thành Dũng có ý trách khi gặp học trò:

- Thầy gọi cho em nhiều lần mà không được…

- Con của em không để em dùng phone, trong thời gian em đang vật lý trị liệu thầy ơi!…

Thầy trò tôi nay đã già… đều, có thể vì vậy mà khoảng cách thầy xưa - trò xưa dường như được thu ngắn lại, bởi sức khỏe thầy với trò không còn bị so le (?!…) như hồi năm nẵm. Thêm nữa thầy Dũng vừa là thầy xưa - trò xưa trung học NQBH, vừa là cựu hđs. BH nên thầy trò có nhiều đề tài chung để tương tác…

- Thầy ơi, nói chuyện bệnh đau chi cho não nề u ám cái… cuộc đời già. Thầy trò mình nói chuyện lạc quan tếu cho vui đi thầy, bộ thầy “khoe khoang” với thầy Lâm Tấn Văn là thầy bị … đui rồi hả?..

 

Thầy Dũng cười lớn, cô Mai vợ của thầy cũng mắc cười theo. Mắt của thầy Dũng bị thoái hóa điểm vàng đã mấy năm nay, dù thầy chữa trị tích cực nhưng mắt trái vẫn bị hỏng hoàn toàn, thị lực mắt phải còn 1/10 nên bây giờ thầy chỉ có thể thấy lờ mờ bóng nắng. Nhờ duy trì thể dục đều đặn hằng ngày, nên sức khỏe tuổi già của thầy Dũng cũng tạm ổn, mặc dù việc đi lại của thầy vẫn cần đến sự hổ trợ của cô Mai. Tôi kể thầy Dũng nghe chuyện thầy Hùng, thầy Hải, thầy Văn… mà vui nhất là:

- Em đã “tư vấn” cho thầy Văn rồi!…  Bây giờ “tụi mình đứa đui, đứa điếc, đứa… què nè. Chuyện thương tật như thế cũng bình thường thôi, không việc gì phải lo nghĩ rầu rĩ chi cho mất công. Đứa nào mà còn than, là đứa đó hết thở tức thì ráng chịu…

Thầy trò - anh em tôi và cô Mai cùng cười, tiếng cười rộn rã vang khắp khu vườn rộng bên sông Đồng Nai thơ mộng nhà thầy…

 

Chỉ duy nhất “thầy giáo xưa - học trò xưa” Diệp Cẩm Thu - người anh cùng họ với tôi - tuy số tuổi vào khung U.8 nhưng “anh Thu” vẫn tương đối trẻ trung (?!…) chút xíu, chứ thầy cô của anh chị em chúng tôi đều đã U.9 - U10 hết trọi hết trơn. Hai anh em tôi dạo sau này ít có dịp cafe, để nhắc nhớ về trường cũ - thầy xưa như trước. Món quà anh Diệp Cẩm Thu tặng tôi trước khi tạm biệt là tác phẩm “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một món quà tinh thần đầy ý nghĩa mà giờ đây quá thích hợp với màu lá úa tuổi tôi…

 

 

Tất cả thầy cô tôi đến thăm trong năm 2023 này đều già nua ốm yếu, đều vương mang trong người những căn bệnh quái ác mệt mỏi không ngờ. Cười vui để tạm quên sầu đời trong phút chốc vậy thôi, nhưng liệu rằng khóc có ích lợi gì hơn không? Một khi đã là qui luật nhân sinh, thì đời người đâu ai tránh khỏi? Vì vậy tôi luôn dặn lòng, cố gắng hết sức giữ vững niềm tin cho tâm thanh tịnh cho đời an yên…

 

Ngày xưa thầy cô tôi đã tận tụy lèo lái những con đò ngang, đưa từng lớp học trò nối tiếp nhau băng qua dòng sông tri thức. Để rồi ngày nay thầy cô lại tiếp tục trao cho những học trò xưa niềm tin bền chặt bởi nghĩa ân sư. Dẫu đã xa rời sông xưa gần cả đời người - hay vẫn còn lưu lạc muôn phương vạn dặm - thì những học trò cũ kỹ của trường trung học Ngô Quyền ngày xưa, vẫn vô vàn hạnh phúc khi còn cơ hội hiếm hoi được lắng nghe tiếng nói, được nhìn thấy nụ cười của những người lái đò già trên bến sông xưa…

Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai

Tháng 11/2023

 


Phụ đính: Người lái đò già trên bến sông xưa:


THAY XUA_TRO XUA (1)THAY XUA_TRO XUA (2)THAY XUA_TRO XUA (3)THAY XUA_TRO XUA (4)THAY XUA_TRO XUA (5)THAY XUA_TRO XUA (6)THAY XUA_TRO XUA (7)THAY XUA_TRO XUA (8)

13 Tháng Ba 2024(Xem: 6995)
Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1800)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
08 Tháng Hai 2024(Xem: 7157)
Tôi cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời tôi có được, đó là tình thương yêu của thầy cô giáo trường xưa - cho dù thầy cô đã từng trao tôi con chữ hoặc không -
05 Tháng Hai 2024(Xem: 2443)
Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 3539)
Nhưng së sang sông Đồng Nai về thăm lại trường cũ, gặp lại Thầy xưa, để biết mình từ đâu và biết chốn để quay về. Ngô Quyền như tiếng gọi trường xưa
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 11601)
Với bề dầy tuổi tác, kiến thức đa dạng và vốn sống vô cùng phong phú … thầy hiệu trưởng là kho tư liệu tuyệt vời cho tôi tha hồ khai thác và học hỏi.
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 7396)
Vui nhất và hạnh phúc nhất, là khi anh Phạm Đình Trung báo tin đã đặt ấn phẩm NQTT lên bàn thờ cố GS. Phạm Thị Khang, cùng lời cảm ơn trân trọng của anh Trung
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5670)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4313)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3759)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
11 Tháng Tám 2023(Xem: 4070)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 4314)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
30 Tháng Bảy 2023(Xem: 2684)
Vài bữa nữa về lại SaiGon tôi sẽ giới thiệu cho thêm nhiều bạn bè biết đến trang BHQT và trang ngoquyen ở xa 1/2 vòng trái đất có nhiều trái tim vẫn cùng đập chung một nhịp.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2481)
Đây là những hình ảnh về ngày Hội Ngộ Ngô Quyền rất đẹp . Thầy cô, học trò và những kỷ niệm. Xin gửi đến các bạn một chút bâng khuâng.
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3818)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương