Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm -VU LAN XIN TẠ LỖI MẸ CHA

26 Tháng Tám 202310:10 CH(Xem: 3496)
Nguyễn thị Thêm -VU LAN XIN TẠ LỖI MẸ CHA
VU LAN XIN TẠ LỖI MẸ CHA NTT


       Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ  trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .

       Có lẽ chưa. Biết mình có lỗi nhưng vẫn tìm đường binh để vớt vát. Bạn có thể từng nâng tay người vợ thân yêu của bạn, hôn lên đó và tha thiết xin nàng tha lỗi. Nàng nhìn bạn bằng đôi mắt bén như gươm. Nàng nguýt, nàng háy, nàng ngoe ngoảy bỏ đi. Bạn kéo lại, ôm vào lòng, tìm cách hôn dù nàng chống trả để cứu vãn tình hình. Ôi! Đêm đó là đêm chuộc tội, là đêm bạn cạn tàu ráo máng để tỏ hết tình yêu tha thiết trong bạn. Bạn sẽ hết sức yêu chiều vợ, làm mọi cách để vợ bạn tha thứ. Bạn sẽ dẹp tự ái đàn ông để chuộc lại lỗi lầm. Cũng có thể  bạn sẽ nói.” Đó là cái mánh của đàn ông.” Thế nhưng chẳng phải cũng xuất xứ từ tình yêu đó sao. Chẳng phải lúc đó bạn tỏ chút hối hận thật lòng để níu kéo lại hạnh phúc gia đình sao.

      Thế còn cha mẹ thì thế nào? Khi phạm lỗi tôi nhớ không lầm khi đó ta trốn biệt người cha đáng kính. Ta lén lén về khi bố  không có ở nhà. Hay nếu có thì bà mẹ già đã tay trong làm gián điệp. Khi đó mẹ đã tỉ tê hát bài ca con cá với bố nên ông cũng nguôi ngoai cơn giận. Bố làm lơ cho ta đột nhập và ta cũng làm lơ. Thế rồi vài ba ngày sau mọi sự như không có gì xảy ra. Mọi sự vẫn quay lại  bình thường như ta chưa hề phạm lỗi, như bố chưa bao giờ phiền lòng, buồn bã vì ta. Đôi lúc, có ông bố nghiêm khắc gọi ta vào, giảng vài câu giáo huấn. Ta lí nhí :”Con biết lỗi rồi” để an định cơn thịnh nộ của cha hơn là chân thành thấy lỗi mình.

Đứng trên cương vị một người đã trưởng thành có khi nào bạn ngồi lại nắm tay bố nói lời xin lỗi thật lòng hay chưa? Có khi nào bạn để ý thấy tóc bố đã bạc, những nét nhăn ưu tư hằn trên trán. Thấy bố ăn ít đi hay bước chân đã yếu. Có khi nào bạn ôm lấy bố nắm bàn tay nhăn nheo khô cằn mà thương thương lắm, nghĩ đến ngày gần nhất bố có thể ra đi. Vâng! Bố có thể ra đi thật bất ngờ không biết trước. Vậy bây giờ ta làm gì để bố được vui. Có khi nào bạn hôn lên bàn tay đó, bàn tay đã nuôi bạn khôn lớn, đưa bạn vào đời và tận đáy lòng bạn tri ân. Bạn có thể chết sống vì tình yêu trai gái, nhưng bạn có khi nào tận lực hy sinh vì tình yêu với bố bạn hay chưa?

Bây giờ bạn đã lớn tuổi, đã có con, có cháu. Hãy dành một vài phút quay lại quá khứ xét lại mình những ngày còn bố. Bạn có muốn nói một lời tận trái tim một người con đối với bố mình dù đã muộn hay không?. Những câu nói mà bây giờ bạn rất  muốn con trai, con gái bạn làm với bạn bây giờ.

 

       Còn mẹ thì sao? Tôi không biết nói sao những lầm lỗi chúng ta đã làm cho mẹ. Thật không biết là bao nhiêu lần ta phạm lỗi, không có thể đếm cho xuể, thế nhưng có bao giờ ta nắm tay mẹ  ân cần nói một câu xin lỗi hay chưa?. Có bao giờ ta ôm mẹ thật chặt mà xin mẹ tha lỗi cho ta hay không?

Mẹ đến với ta như không khí bao quanh trái đất, như ban ngày mặt trời rọi sáng, ban đêm mặt trời đi ngủ. Sự thật hiển nhiên, bình thường và không có gì mới lạ. Cái mới lạ là ta được mẹ sinh ra và hiện hữu trong cuộc đời này.

Mẹ sinh ra ta, mẹ phải bồng ẵm, mẹ phải cho ta bú, mớm cho ta ăn, thay tã, rửa đít, tập cho ta đi, nuôi ta lớn, lo cho ta ăn học. Mẹ nào chả thế, làm mẹ là phải vậy. Đó là cuộc đời của mẹ để ta lớn lên.

Từng chiếc áo ta mặc, từng chén cơm ta ăn, từng bước ta đi có cái gì của ta không có bàn tay mẹ chăm chút lo lắng. Có cái gì của ta mà không có trái tim của mẹ đặt vào đó thương yêu. Nước mắt của mẹ đã rơi xuống vì ta biết bao lần. Trái tim của mẹ nhiều lần co thắt lại vì những biến động trong cuộc đời của ta. Mẹ cười cho chúng ta an lòng nhưng dấu trong đó là những lo âu cả đêm không ngủ được, thao thức không hề chợp mắt. Bước chân ta vấp ngã trên đường đời, nhưng vết thương đau nhức đó bóp nghẹt trái tim mẹ hàng đêm. Không ai nói ta phải yêu mẹ bằng cách nào cho đúng vì lỗi lầm mỗi người không giống nhau và tình yêu thương về mẹ không hề giống nhau.

 

Bạn sẽ nói tôi  làm gì mà đặt vấn đề nghiêm trọng dữ vậy. Mình đều có học Công Dân Giáo Dục, học rất kỹ mấy câu “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thế nhưng học là một chuyện, thực hành mới là chuyện khác. Lứa tuổi chúng ta là lứa tuổi đã đem lại cho cha mẹ nặng lòng hơn cả. Chính chúng ta cũng không nghĩ đến làm một việc gì để bù đắp cho cha mẹ. Không tin ư!  cứ rà xét lại xem.

     Có phải thời kỳ chúng ta trưởng thành là thời kỳ VN đang leo thang chiến tranh. Chúng ta đi học mà tiếng pháo đêm đêm vẫn vọng về. Chúng ta đến trường mà tâm tư trĩu nặng với bao nhiêu tin chiến sự nóng bỏng và hình ảnh một  ngày lăn mình vào lửa đạn. Chúng ta ưu tư với tương lai và số phận của mình hơn là nhìn về cha mẹ. Cũng từ đó bà mẹ già nhìn con trai bằng đôi mắt lo âu, thương cho một ngày con đeo nặng ba lô bước vào cuộc chiến. Bị thương tật hay vĩnh viễn ra đi. Lo cho con gái lấy chồng lính sẽ sớm thành góa phụ, cháu ngoại mồ côi. Không cần biết mẹ cực khổ thế nào, đồng tiền làm ra vất vả ra sao, ta đi học, cha mẹ phải lo. Bấy nhiêu thôi là đủ. Bao nhiêu lần chúng ta cúp cua trốn học, bao nhiêu lần vòi mẹ xin tiền để cùng bạn bè du hí, ăn chơi.

        Bạn làm chàng trai hào hoa dẫn em lang thang trên những con đường ngợp lá me bay, rồi kéo nhau và quán, vào vũ trường, chìm mình vào những dòng nhạc êm như ru để quên đời, quên số phận. Bạn bỏ giảng đường ngồi hàng giờ nhìn cà phê phin rơi từng giọt. Là cà ở những rạp chiếu phim mà làm con trai thời thượng, đúng mốt và chịu chơi. Có bao giờ bạn để ý đến  cha mẹ làm sao ra tiền, đến mẹ mấy giờ mới ngủ, đến mẹ ăn mặc ra sao. Mẹ hàng đêm chắp tay cầu nguyện cho chúng ta thi đậu tú tài, cầu nguyện cho chúng ta yên lành học tập nơi giảng đường đại học để khỏi đi lính, để khỏi phơi thây ngoài trận địa.

 

        Ba má tôi đều mất cả rồi. Vu lan về, thấy thiên hạ dâng hoa cho mẹ mà tôi xấu hổ. Tôi thấy mình quả là đứa con bất hiếu.  Còn tuổi cắp sách đến trường thì áo cơm do cha mẹ cung cấp. Cần thứ gì thì cha mẹ cũng bằng mọi cách làm vui lòng. Vào quân ngũ thì mẹ già thường xuyên thăm viếng. Nắm tay con nước mắt lưng tròng, thương con ốm, đen, tập luyện gian khổ, lo lắng mọi điều. Mãn khoá ra trường, Alpha le lói cứ mãi tìm vui với bạn bè, với người yêu, không biết mẹ  ở nhà cơm nước thật ngon, chờ con mỏi mòn. Muốn vợ thì cha mẹ lo sính lễ trầu cau cưới hỏi. Sinh con thì ông bà chăm lo từng chút một. Chưa một lần nấu cho vợ một chén cơm hay giặt cho con cái tã. Mọi việc mẹ làm như một thói quen, như một điều đương nhiên phải vậy.  Đi lính xa nhà bỏ vợ con cho  mẹ lo lắng. Nói cho có tình nghĩa là để vợ con ở bên để sớm hôm phụng dưỡng. Thế nhưng mẹ lại một nắng hai sương chăm chút cho cháu nội và ngó chừng con dâu. Tàn cuộc chiến, bị tù đày tận Hoàng Liên Sơn đèo cao gió hú. Mẹ cho con dâu và cháu vượt biên để tìm chút ánh sáng tự do. Mẹ lại lưng gùi tay nãi nuôi con cải tạo. Ngày được thả về, mẹ như khúc xương khô còm cõi và ra đi một sớm như chiếc lá xa cành. Tôi ngồi bên quan tài, khóc  mẹ thì ít, khóc cho thân phận con người thì nhiều. Chợt nhớ mình chưa một lần xin lỗi mẹ.

      Bây giờ ngồi đây nghĩ lại, tôi thấy mấy đứa con có hiếu hơn tôi. Nó thường hôn mẹ trước khi đi đâu. Nó mời mẹ nó đì ăn những ngày lễ mẹ hay sinh nhật. Vu lan nó biết ăn chay ngày rằm để cầu cho mẹ sức khoẻ. Thỉnh thoảng nó mua quà tặng mẹ hay dẫn mẹ đi shopping. Còn tôi, chưa một lần mời mẹ mình đi  ăn hay mua một món ăn ngon riêng dành cho mẹ. Trái lại, mẹ luôn nấu những món tôi thích nhất, ngồi một bên để gắp vào chén mỗi lần tôi về phép.  Tôi cũng chẳng nhớ ngày nào là sinh nhật mẹ. Tôi mù tịt về mẹ mình như người mù đứng trong căn phòng mà không biết nó có gì.
Giả sử ngày xưa, có một lần tôi ngồi lại hỏi mẹ tôi về thời con gái, về cuộc sống làm dâu, về chúng tôi hồi nhỏ thì có lẽ tôi sẽ có nhiều điều rất đẹp để nhớ về mẹ. Để khoác lên hình ảnh già nua còm cõi của mẹ bằng hình ảnh tươi đẹp, rạng rỡ của tuổi xuân thì. Tôi là đứa con trai bất hiếu.Chắc chắn như vậy, rõ ràng như vậy.

Nhưng nếu mẹ tôi có ở bên cạnh lúc này, mẹ sẽ ôm lấy đầu tôi, vuốt lên mái tóc hoa râm bị hói một phần mà thương yêu, tha thứ. Bởi mẹ không cần những câu sáo ngữ rườm rà, mẹ chỉ cần tôi vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ là như vậy nên lúc nào tôi cũng thờ ơ, chỉ nhận tình thương từ mẹ mà không bao giờ hồi báo.

Mẹ như không khí bao quanh tôi,

Hít thở tự do suốt cả đời,

Không thể ôm vào bằng tay nắm,

Không thể xa rời đến tàn hơi.

        Khi mẹ nhắm mắt, con tim ngừng đập thì lúc đó mẹ mới chịu rời xa ta.  Có phải biết như vậy mà ta quên hết những vất vả gian lao và sự hy sinh âm thầm của mẹ hay không? Tôi cũng không rõ ràng chỉ biết là tôi rất nhớ mẹ, cần mẹ những lần vấp ngã trong đời. Tôi thèm mẹ một bên để nghe tôi trút hết những câu nói giận đời, những chán chê, bất mãn. Trong cơn say, tôi mơ màng thấy mẹ cúi xuống lau mặt cho mình. Dáng mẹ lờ mờ, bước đi xiêu vẹo. Tôi, cái thằng con trai ngã ngựa vô tích sự trên đời chẳng làm điều gì để mẹ vui, mẹ hạnh phúc. Tôi là thằng con bất hiếu, một thằng con có vô số lỗi lầm nhưng chưa một lần xin lỗi mẹ.

Mùa Vu Lan đã về, cuối tuần này các chùa đều làm lễ Vu Lan, cúng Xá Tội Vong Nhân. Người con Phật sẽ đến chùa cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tứ thân phụ mẫu. Ngày xưa còn bé, đến chùa cho vui. Bước theo chân cha mẹ quỳ lạy mà chưa hiểu đạo hiếu là gì. Bây giờ tuổi cao, sức yếu tôi đến chùa lạy Phật, sám hối lỗi lầm với cha mẹ và lạy cho chính tôi. Cha mẹ quy tiên lâu rồi, tôi xin quỳ xuống tạ ơn và hồi hướng công đức.
Riêng tôi, chữ hiếu còn là biết đối đãi đàng hoàng, tôn trọng lẫn nhau. Hãy sống với nhau thật tốt, thật biết ơn vì mọi người xung quanh đều góp phần, góp sức tạo nên cuộc sống này.

Ngày lễ Vu Lan xin nguyện mười phương chư Phật độ trì cho thế giới bình an. Đất trời mưa thuận gió hòa. Con người loại bớt sân si và tàn hại lẫn nhau. Cầu nguyện cho nước Mỹ, VN và toàn thế giới an lạc, hòa bình, hạnh phúc.

 

Nguyễn thị Thêm
8/2023

tho ve Vu Lan 3  
tho ve Vu Lan 2

01 Tháng Ba 2024(Xem: 1254)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1332)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 973)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1196)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1238)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1493)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1443)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1939)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1747)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1762)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1758)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1714)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1361)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 2455)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1324)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 1342)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2959)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 1594)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
28 Tháng Giêng 2024(Xem: 1596)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...