Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Tất Nhiên - VÌ TÔI LỚN CHẬM

26 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 15083)
Nguyễn Tất Nhiên - VÌ TÔI LỚN CHẬM

NGUYỄN TẤT NHIÊN

 

VÌ TÔI LN CHM


(Đăng trên tuần báo Tuổi Ngọc số 127. Truyện được chính tác giả sửa chữa từ truyện

“Hột Mè”đã đăng trên một tạp chí văn học trước đó)

 

 ntn_-_vi_toi_lon_cham_-tn_127-1-large-content

 

 

Cổng nhà chị Trinh được gài bằng hai cái ống khóa chéo vào nhau. Tôi cố ý rú mạnh ga cho máy xe nổ lớn, chị Trinh đã hay nhưng không thèm bước ra, chị đang giận – sau cánh cửa sổ tóc chị hơi lay động, tôi thấy. Tôi kiên nhẫn trong phút giây chờ đợi tuyệt vời, hình như khói xe vừa mù mịt, phải rồi, khói xe vừa mù mịt bởi nắng chiều màu cam bỗng đục và uốn éo trông đẹp lạ lùng. Chị Trinh vẫn không chịu bước ra. Những mảng khói đang là là trườn đầy sân, len lỏi quyện mấy cụm hoa “công chúa” rất tình tự. Và tiếng gió vàng bên lá xanh âu yếm.

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa – mỗi người con gái có một đoạn đường hoa trời dành – tôi muốn nói chị tôi đang tuổi mơ tuổi mộng, đang cầm trên tay con dao cùn ấn từ từ xuống từng trái tim bọn con trai chúng tôi, dĩ nhiên, cái chết sẽ đau oằn đau oại. Tôi làm sao trách cứ được gì, bởi đó là họa chung trên cõi trần bụi bặm này, bởi đó là thử thách là chiến bại nuôi lớn kinh nghiệm đời người. Gần chị, nhiều lúc tôi xưng hô ngượng ngập, tôi gọi chị bằng “chị” xưng “em”, một ông thầy học cũ khuyên tôi đừng nên dối lòng – chị Trinh người Bắc, tôi người Nam – thật ra, tôi nào đâu muốn dối lòng. Thầy đã nghe tôi nói, có thể có tình yêu phơ phất chung quanh, nhưng thưa thầy em sẽ cố giữ, những lần đưa nhau đi chơi em sẽ cố tạo không khí hồn nhiên của gia đình, rồi mai, khi theo chồng, chị Trinh sẽ nhắc hoài kỷ niệm, vì con gái rất thích kỷ niệm. Thầy cười khà khà như cắt từng đoạn ánh mắt cương quyết tôi lúc đó, tự nhiên tôi hồi hộp – thứ hồi hộp lạ kỳ, hình như phát sinh từ lòng mắc cỡ. Chị Trinh lớn hơn tôi một tuổi, năm nay tôi mười chín, đôi nhân tình bằng tuổi nhau thấy đã kỳ, đằng này “chàng” lại nhỏ hơn “nàng”! Tôi định hôn chị Trinh mấy lần, mà sợ tội, không biết tội gì.

 

Chút lâu, thằng nhỏ chậm chạp bước ra mở khóa. Chị Trinh hơi ghé đầu nhìn tôi đẩy xe, tôi mỉm cười. Lúc dựng xe, chợt khựng, vì trong nhà còn có Thảo, cô bé Thảo mà tôi thầm yêu sau lần gặp đầu tiên ở nhà chị, lần ấy tôi hứa cho cô bé quyển sách, cô bé bảo tôi gởi lại nhà chị Trinh và tôi tự nhủ nếu tình cờ ngày Thảo tới lấy sách cũng là ngày anh tới thăm chị Trinh, để mình lại gặp nhau lần thứ hai, thì chắc tại “nhân duyên”, anh sẽ không thể phản bội mình – hôm nay là “nhân duyên” trời ơi! Thảo nhìn tôi thật dễ thương, khẽ gọi anh Hiểu, tôi gật đầu cười. Chị Trinh chỉ quyển sách trên tay cô bé nói, Thảo tới giờ mới đến lấy sách đó. Tôi vừa kéo ghế vừa thấy trên bàn dĩa kẹo mè vừng dở dang. Chị Trinh đi rót nước, cố tình lâu lắc. Thảo cúi xuống mân mê từng sợi tóc dài.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, đó là khoảng thời gian trời chuẩn bị đày đọa mỗi nàng con gái, tôi muốn nói sau đoạn đời hoa gấm ấy chị Trinh sẽ trở thành gái già nếu chị chưa về với ai – chắc chắn không phải với tôi. Chị vẫn khoe bàn tay chị là bàn tay cầm quyền, tôi gật đầu qua quít chứ bụng chẳng hề tin, tôi vốn rành cái tính dễ mềm lòng dễ rơi nước mắt của chị. Bao giờ tôi cũng tự hào tôi là người duy nhất dỗ chị Trinh thôi khóc.

 

Thảo hỏi anh Hiểu tới chơi, tôi trả lời từ Sài Gòn về chưa kịp ghé nhà đã lên đây, trong khi chị Trinh đặt ly nước ướp lạnh xuống bàn khua lách cách. Tôi theo dõi từng cử chỉ bằng đôi con mắt buồn buồn, lo ngại, chị thản nhiên kéo ghế ngồi cạnh tôi như không có chuyện gì. Tôi mở lời, hôm qua… Chị vội cắt, thôi đừng nhắc tới nữa Hiểu. – Nhưng em nghĩ chị đã buồn. – Buồn chi cho mệt xác? – Chị đừng chối. – Đã bảo Hiểu đừng nói nữa mà. – Nhưng em vẫn không yên tâm chút nào. – Đã bảo Hiểu đừng nói nữa mà. Chị Trinh ôm đầu, mái tóc để rơi xuống lưng ghế dựa thảm não như bật thành tiếng rên, mái tóc từng bị cắt ngọn chôn dưới gốc mấy chậu kiểng nhiều lần để đánh dấu, để có thái độ cùng mỗi chuyện tình đau. Tôi đưa tay thật nhanh như động tác phản xạ, vuốt. Chị Trinh nhanh hơn, đã vội vàng vén mạnh, tôi hụt hẫng, tội cho năm ngón tay que diêm chới với chạm vào cô đơn. Chị quay lại nhìn thằng tôi, mặt chị bây giờ dính thêm vài hột mè.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, tôi khuyên chị nếu có người tình thì hãy cố mà lừa lọc, cố tạo quanh mình những huyền thoại, cố tàn nhẫn, cố coi chừng sự trả thù bỉ ổi của con trai. Chị nghe chăm chú và ngây thơ, tôi hỏi chị đã tặng hình cho ai chưa? Chị cúi đầu đáp nhỏ, có. Tôi chắt lưỡi thất vọng, trách móc, chị nên biết mỗi cuộc tình là một đoạn đời lầy lội phải băng qua, chị sao quá mạnh chân đến như vậy? Chị Trinh sợ sệt nhìn tôi thầm thì, chị mới lỡ lần thứ nhất. Tôi nhếch môi cười bằng tiếng thở phát ra hai lỗ mũi, thái độ kẻ cả khó ưa.

 

Thảo hỏi gì đó anh Hiểu? – Hôm qua, anh đưa chị Trinh đến một phòng trà ở Sài Gòn, anh có quen với ông trưởng ban nhạc, ông ấy mời chị Trinh ngâm thơ, vô tình ông ấy lại để các cô ca sĩ coi thường chị Trinh, vậy thôi. – Vậy thôi à? Chị Trinh gắt. Tôi giã lã, ừ thì tính con trai khác tính con gái khác. Thảo liếc nhẹ, nói ngoe nguẩy, cha bộ anh nói tính con gái ti tiện hả? – Anh nói vậy hồi nào? Tôi bào chữa, anh chỉ nói tính con gái hay giận hờn thôi. – Giận hờn cái gì, chị Trinh nói, Thảo coi, mình là khách, đáng lẽ chúng phải trọng mình chứ, nếu chị sống hẳn với nghề ca hát cho cam! Nước mắt chị Trinh bắt đầu ứa ra trên gương mặt điểm hột mè. – Khổ thân em chưa. – Hiểu mà khổ gì? – Khổ chứ chị. Nỗi khổ tôi lồng trong nỗi tấm tức đang dày vò chị Trinh, nỗi khổ tôi lồng trong những đốt xương tay rụt rè chưa dám thẳng thắn đưa lên lượm mấy hột mè đang làm vô duyên mặt chị.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, mơ ước gần nhất của chị là tìm thấy người chồng hiểu nhiều về con gái như tôi – chị Trinh vẫn phục lăn tôi khi tôi phân tích tâm lý con gái – nhưng nếu chị biết rõ tôi là thằng ba hoa mồm mép, ăn nói tía lia, còn phần thực hành chưa được vài ba phần ngàn, chắc chị sẽ não nề thất vọng.

 

Nắng xao xác ngoài sân, chợt mát, chợt lòa, như lòng tôi xao xác. Tôi bạo dạn, tôi nhút nhát, tôi bồn chồn tôi rán giữ thăng bằng trái tim, tôi… loạn! Cậu đừng nên dối lòng, ông thầy học cũ tôi nói, coi chừng khổ sở cả hai đấy nhé – hình như ông nói bằng kinh nghiệm. Đốt ngón tay tôi bây giờ sao giật nhiều, giật lạ. Còn cánh tay tôi, muốn giở lên, sao cứ như ai đè nặng xuống. – Thảo thấy mình bị coi thường vậy có tức không? Bất chợt chị Trinh hỏi. – Em đang tức giùm chị nãy giờ đây. – Chị nên chịu đựng hết Thảo à, đời còn bao nhiêu thứ nữa đáng lưu tâm, quen chịu đựng là hơn. Thảo ngó chị Trinh cười trông khờ khạo. Tôi nhăn nhó, gì đâu mà phải chịu đựng chị? – Chịu đựng chứ! – Chuyện chút xíu… tôi bỏ lửng câu, thở dài. – Chị tự ái ghê lắm, với Hiểu thì chút xíu, còn với chị thì trở thành sự bại trận lớn, nhưng dù sao cũng chẳng gì đáng lưu tâm, bọn người tầm thường ấy mà… – Thôi chị, tôi vừa nói vừa quay sang Thảo cười, Thảo binh anh chút đi. – Khỏi thèm, Thảo còn lâu mới binh anh. – Khổ thân tôi! – Ai biểu! – Biểu gì, anh có muốn rắc rối đâu! Tôi vói bốc miếng kẹo trên dĩa, mè rây lấm tấm hai đầu ngón tay.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, chị tìm cách ngồi lại đôi giờ để nhìn mây bay lãng đãng nhìn chim hót tiếng vu vơ nhưng thời gian cứ xô cứ đẩy. – Hiểu thấy chị bây giờ có khác xưa nhiều không? Năm tháng có để lại dấu vết gì trên mặt chị không? – Không chị, nếu có chàng trai giang hồ lãng tử nào đó bốn năm năm trước bỏ xứ ra đi, bốn năm sau chàng ta trở về, nhìn chị, hắn sẽ kinh ngạc kêu lên: Trinh của ngày xưa đây rồi! – Hiểu không an ủi chị chứ? – Chị hãy tin em! Con mắt chị Trinh bấy giờ, dưới ánh đèn mờ mờ quán tối, long lanh màu thủy tinh ươn ướt, muốn khóc, nỗi mừng pha chút ít hãnh diện vừa tung tăng, rơi xuống êm dịu, nồng nàn. Hình bóng ai đó chắc cũng đang hiển hiện lung linh, tôi giây phút này chắc đang từ từ tan loãng, xin tội nghiệp những thằng con trai mới lớn, xin tội nghiệp tôi giây phút này!

 

Tôi nhai kẹo qua loa, tìm mãi một câu duyên dáng mong vuốt ve chị, cuối cùng nín thinh, uống nước. Mùa thu miền Nam hanh từ cọng nắng trên tóc Thảo, tôi nhóm khép cửa sổ cho có việc làm, Thảo cản, thôi anh Hiểu coi chừng tối nhà. Tôi đành ngồi, những hột mè trên mặt chị Trinh còn lấm tấm lay theo xúc động da mặt, những ngón tay tôi còn bất lực rõ ràng. Hành động lượm hột mè quá minh bạch, tại sao tôi không thể làm cử chỉ săn sóc này được? Tại sao tôi không thể bỏ qua được? Hột mè hột mè, ôi mi bỗng trở thành “oan gia” rồi! – Cũng may đêm ấy băng của cô Thục không đi xem. – Nếu đi xem thì sao? – Quê chết! Cô ấy về loan tin ầm lên. – Nó làm vậy em táng nó trẹo hàm, tôi chợt dữ dội khủng khiếp. Thục là người tình cũ thuở mười lăm, hai đứa cùng mười lăm ngồi chung lớp, dĩ nhiên thằng con trai mười lăm rất ngờ nghệch trước tình yêu, Thục vờn tôi quay quắt, nàng đã biến tôi thành tên bại tướng căm thù.

Thảo đang nhìn tôi như muốn nói, mà không nói. Tôi dịu lại khi chạm ánh mắt cô bé, ánh mắt khó diễn tả bằng thiên nhiên hay bằng tình cảm, diễn tả bằng linh hồn lại càng khó hơn. Chị Trinh chặm nước mắt, tôi khuyên chị khóc nhiều đi để rồi đêm nay ngủ ngon, chị Trinh ôm đầu mếu máo, Hiểu về đi, đừng nói nữa, để chị yên. – Chị đuổi em à? – Ừ, đuổi đó, về đi! – Chị đuổi em, em không về! – Người ta bảo về đi, đồ… ngu! Tôi phá cười, dữ hôn, chờ chị chưởi nãy giờ, chị cứ chưởi tiếp, để rồi đêm nay ngủ ngon. – Trời ơi, đã bảo đừng nói nữa mà! Hiểu không về thì chị đi vậy!

Còn tôi và Thảo ngồi nhìn nhau, con gái mới lớn rất dễ xao động, tôi muốn nói với cô bé bất cứ chuyện gì ngoài chuyện tình yêu, chuyện tình yêu nói lúc này sợ sớm, sợ mất khoảng thời gian im lặng đậm đà. Ngọn gió tình cờ xô ngàn sợi tóc cô bé tung bay, thu miền Nam chỉ có bấy nhiêu. – Sao anh làm chị Trinh buồn? – Khổ quá, anh đã nói chuyện xui ai ngờ trước được! Thảo thấy tội nghiệp chị Trinh quá… – Thôi, chị Trinh xuống kìa. Chị Trinh hỏi, nói lén gì đó? Xong quay sang Thảo, Thảo về chưa? Năm giờ rồi, chị đưa. – Chơi chút nữa chị. – Còn ông này, chịu về chưa? – Chị đưa Thảo về thì em về. Chị Trinh ghé ngồi, tôi lại thấy hột mè lấm tấm.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, tôi thề có trời chẳng bao giờ làm chị thất vọng, dù thất vọng nhỏ nhoi. Nghe chị nói chị có nhiều sinh viên kỹ sư đeo đuổi, tôi cũng mừng giùm chị, cũng lo giùm chị: những thằng học nhiều quá đâm khù khờ với tình yêu, đâm kiêu hãnh trẻ con, làm khổ vợ ghê gớm. Tôi cố giữ vai trò người nô bộc chăm sóc khu vườn hy vọng chị xanh tươi, tôi làm sao dám nói nhiều, ôi vai trò người nô bộc!

 

– Hiểu chụp hình được không? – Khá lắm. – Tối nay đến nhà chị, khoảng mười hai giờ, chụp giùm mấy cành hoa “công chúa” nhé, tối nay chúng nở đấy. – Máy chị có đèn chứ? – Có… Tôi thử đưa tay lên một lần, hai lần ba lần vẫn nhột nhạt ngượng ngùng. Hột mè dính nơi trán chị vừa rớt xuống, uổng quá! Còn hai hột trên má, làm sao đây? Chúng thế nào rồi cũng rớt xuống! Tim tôi đập mạnh, làm sao đây? Làm sao đây? Chị Trinh lại chặm nước mắt, tôi thót người. Mấy ngày trước trời hay mưa dầm, chiều nay mong ngóng hoài mà nắng vẫn nắng, lát nữa tôi phải về, làm sao đây? Tôi đưa tay lên, thu hết bạo dạn, làm việc làm minh bạch, sự có mặt của Thảo phải chăng là nguyên do ngượng ngùng trong tôi? Không? Nhất định không phải, vì đây là việc làm minh bạch, cần người chứng kiến. Có tiếng mẹ chị Trinh trên nhà trên vọng xuống hối chị đi chợ mua bánh trái về cúng, tôi như kẻ vùng vẫy trước khi chìm sâu giữa dòng, càng chiến đấu càng sặc sụa nước, muốn điên lên. – Chờ con tí mẹ, cúng kiến muộn cũng chả sao, chị Trinh nói vói lên, hột mè rung rẩy. – Năm giờ rưỡi Thảo về nghe chị. - Ừ, năm giờ mười lăm, Hiểu hôm nay trông hiền tệ, ăn chỉ mỗi miếng kẹo. – Chị sắp nói xấu em chuyện gì đây? – Đâu dám. – Chị Trinh muốn nói anh thường ngày cố ăn đó Thảo, tôi gượng làm tỉnh cười với Thảo, cô bé cười theo, tôi khôi hài làm duyên, chị Trinh thường khen anh ăn giỏi nè. Trời vẫn chẳng đoái thương cho vài giọt mưa.

 

Chị Trinh đang bước trên con đường hoa, mùa xuân đầy dưới gót, tôi âm thầm men theo nhặt từng chấm kỷ niệm đời xanh xanh. Nếu thời gian cứ xô cứ đẩy chị ngả nghiêng, tôi xin làm kẻ nhặt từng hạt bụi hồng trên người chị đánh rơi mà chị không còn cách nào quay lưng bắt lại. Tôi chạnh lòng thương cho những người dì tự xưng là “gái già hippy” của tôi, ngày xưa các dì đẹp lắm, ngày xưa các dì kén lắm, để rồi các dì chẳng hay mình đã ra khỏi khu vườn thượng uyển cuộc đời, nuối tiếc nhiều chỉ đem lại nét nhăn nheo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Dưới ánh đèn mờ mờ quán tối, mắt chị Trinh long lanh màu thủy tinh, bọn con trai lêu lổng bàn bên cạnh thỉnh thoảng nhìn chị Trinh hít hà, có lẽ chúng đang chiêm ngưỡng cặp “nhân tình”. Chị Trinh kể lể hết cho tôi nghe chuyện sóng gió khởi từ năm chị học đệ ngũ: những cậu tú say mê bằng cấp, những ông giáo sư đa tình làm chị khóc ấm ức suốt năm. Tôi vừa trả lời bằng những cái gật đầu vừa thưởng thức nhạc tình sầu phát thanh từ cuốn băng nhựa lăn đều trong góc quán. Mười giờ, chị Trinh sợ khuya, đòi về, tôi cố nán lại để nghe hết bản nhạc của tác giả nào đó, có một câu khó quên: “ta cám ơn tình nhân đã dìu ta tới mộ phần”.

 

Tiếng mẹ chị Trinh lại vọng xuống hối chị mua bánh trái về cúng kẻo tối, chị Trinh hỏi mấy giờ rồi mẹ? – Năm giờ rưỡi con à. Thảo đứng lên, em về, anh Hiểu ở chơi. Tôi nghe từng thớ thịt đang chơi trò “u kéo mọi”. Hột mè trên mặt chị, trời ơi! Chị Trinh đưa Thảo ra tới cổng, tôi còn ngồi. Thảo chào vói tôi lần cuối, tôi vụt phóng ra, đưa tay hùng dũng lượm hột mè trên má chị Trinh, chị vẫn đứng yên, hai đầu ngón tay tôi dội mạnh.

Nắng chợt tắt, mây đen ùa tới, chuyển mưa. Thì ra tôi đã lượm hột mè cuối cùng trên mặt chị, trước khi chết sững.

 

NGUYỄN TẤT NHIÊN

 

26 Tháng Ba 2013(Xem: 13888)
Khi tôi quay lại thì dáng lưng Chiều Xưa mờ mờ, nàng sắp tới đầu đường, nàng sắp thành dĩ vãng. Hai hàng cột đèn bỗng dưng biến thành hai hàng nến lụn…
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 49448)
Tùy bút “Học Trò Già”, được viết vào đầu năm 1973, là một trong những bài văn chưa từng đăng báo...