Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Tất Nhiên - ĐỘ LƯỢNG NẮNG XUÂN

06 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 16339)
Nguyễn Tất Nhiên - ĐỘ LƯỢNG NẮNG XUÂN
Truyện ngắn

ĐỘ LƯỢNG NẮNG XUÂN


NGUYỄN TẤT NHIÊN

(đăng trên báo Xuân Làng Văn 1987)

 

nang_xuan-content


Tháng mười hai dương lịch, mới 5 giờ rưỡi chiều mà trời đã tối mịt, ở Cali. Vợ tôi đi với chị Hiền mất biệt từ sáng đến giờ, bỏ hai cha con tôi ở nhà ăn trưa bằng mì gói. Tôi đã quen cảnh này từ bốn năm nay, nên chẳng màng trông đợi, miễn trong nhà lúc nào cũng sẵn rượu, bất kể rượu gì, bia cũng được. Vài anh em bạn nhậu cùng với tôi, khi thằng này lúc đứa kia, thay phiên nhau gục lai rai cho chó ăn chè tại chỗ hay kéo một đường từ bàn đến phòng vệ sinh, hôi rình nhà cửa, nằm la liệt tới trưa trờ sáng hôm sau chưa mạng nào ngóc đầu nổi thì lấy ai dọn dẹp? Ngoài ngõ ai cũng nghe tiếng rêu rao của vợ tôi về sự chịu đựng khốn khổ của nàng với một thằng chồng chẳng ra gì. Ai biết được sự chịu đựng của tôi, ê chề nhục nhã từ đầu tới chân! Tôi biết khắp Orange County này ai cũng khinh tôi. Mặc cảm khiến tôi trở nên ù lì, sống ngày nào say ngày ấy thôi, cho qua, một cách lạnh lùng.

Tuy say sưa be bét, tôi vẫn nhìn thấy vợ tôi hết, loại đàn bà sống về đêm. Ả muốn đi đâu thì đi về đâu thì về tôi không nói nổi, vì nếu mở miệng là bị ả nạt tưới lên đầu: “Tôi một thân một mình yếu đuối phải chạy ngược chạy xuôi mới có chuối nuôi cưỡng, đất Mỹ này có thằng đàn ông nào ngày ngày nằm há miệng cho vợ đút cơm như anh không?” Ả khinh tôi ra mặt. Tôi cũng khinh ả, nên biến thành thằng câm. Lúc ả vắng nhà, tôi phải nhấc điện thoại ghi “nốt” cho hàng tá đàn ông gọi tới nhắn nhe, bực riết cũng quen, tôi làm việc như một cái “job” nhẹ nhàng có một không hai trên đời này, nhẹ nhàng kỳ cục!

Lấy nhau ở Việt Nam sau 75 nhờ tôi là con một chủ tiệm vàng may mắn qua mắt được Việt Cộng chôn dấu được phần lớn của cải. Tôi si mê Bích lúc nàng đã có người yêu, là một thằng bạn thân nhất của tôi, tên Hòa. Hắn đàn giỏi hát hay, mặt mũi khôi ngô, sức học trong vòng mười hạng đầu, làm trưởng ban văn nghệ lớp. Sau “giải phóng” gia đình hắn lụn bại thảm thương vì cha là dân biểu quốc hội “ngụy quyền” đi học tập không hy vọng ngày về, chẳng có hộ khẩu ở thành phố phải sống lây lất chợ trời. Nhà tôi giữ được nhờ có ông chú đi tập kết còn sống trở về. Tôi là đứa con trai có khuôn mặt giống cha, da ngăm sậm, hàm răng mái hiên. Ba đứa ở cùng một dãy phố, Hòa thỉnh thoảng vẫn nhận tiền của tôi đưa cho gia đình hắn sống đắp đổi, lần nào nhận vài chục bạc tiền “xã hội chủ nghĩa” của tôi hắn cũng rụt rè và xúc động ra mặt. Bích cũng đôi lần viện trợ người yêu, nhờ mẹ nàng tháo vát khéo tìm mối mua đi bán lại nữ trang. Nàng có đôi mắt đen nhánh với hai rèm mi rậm vút cong, mũi dọc dừa thẳng tắp, môi mọng dầy nóng bỏng, lưỡng quyền cao mà những bà mẹ Việt Nam thường rất sợ, vì cho là gò má sát phu. Nhưng trên khuôn mặt nàng tất cả các bộ phận đều phối hợp đường nét rất khéo léo, hài hòa, khiến mỗi lần mắt liếc lảo đảo cả chim trời! Tôi thường xách Honda rủ Hòa và Bích chở ba đi chơi xa, ăn xài phong lưu rất mực trong lúc bao nhiêu người hớt hơ hớt hải chạy lương thực từng ngày, trước sự khó chịu gay gắt của ông chú “cán bộ”. Ban đầu hai người còn ngần ngại lợi dụng bạn bè nên thường buông lời từ chối yếu ớt cho có chối từ, nhưng dần dà cũng quen nhìn tôi chi từ đầu tới cuối, và tôi thấy ánh mắt đăm đăm của họ nhìn những tờ giấy bạc xanh đỏ cả xấp trên tay tôi. Ban đầu còn gặp cả hai người, sau tôi tìm cách lân la gặp riêng Bích. Cuối cùng xé lẻ được với Hòa, những tối tụ họp mở “bum” chui giữa đám con nhà còn của tôi chỉ mời Bích, lấy cớ Hòa không biết nhảy.

Khi đến Mỹ này tôi mới biết Anh ngữ chỉ có chữ love bao gồm cả “yêu” và “thương” của tiếng Việt. Yêu khác, thương khác. Tôi rất thương Hòa. Điều ân hận suốt đời tôi trong những khi cô đơn là làm mất người bạn thân duy nhất chỉ vì “yêu”. Tình yêu đến với một kẻ nam nhân mang nặng tính chất khát khao chiếm hữu, bây giờ sau tám năm tôi mới biết, mới hay ra mình đã vô cùng mù quáng, muộn rồi! Vừa học dở vừa xấu trai, tôi lúc ấy 21 tuổi lấy được vợ đẹp nhờ của cải “gia đình cách mạng”, sướng chết! Nếu biết khôn, tôi không nên tìm cách vượt biên, tôi đã nhận ra cô vợ 17 bẻ gẫy sừng trâu của mình “mua” được rất ư là thực tế mới đành đoạn dứt tình với người yêu. Hòa uống liền tù tì hai xị đế giữa bàn tiệc cưới chúng tôi, gục tại chỗ, tôi thấy vừa thương hại bạn thân vừa có một niềm vui kỳ lạ quái ác lóe lên trong lòng, giờ nhận định ra đó là niềm vui bạo ngược bẩm sinh của đứa trẻ này khi ăn miếng bánh giật được của đứa trẻ khác!

Tiếng khóa cửa mở lách cách lúc 8 giờ ngoài. Thì ra hôm nay là tối weekend, Bích phải về nhà giờ này để son phấn áo quần khêu gợi đi tới phòng trà ca nhạc hoặc vũ trường nào đó, sinh hoạt ngả ngớn bắt đầu lúc chín giờ mỗi ba đêm cuối tuần. Tôi không được quyền đi theo làm cái đuôi, vì ả là ca sĩ “trẻ đẹp đang lên” phải vắng chồng mới hấp dẫn, mới tiện cho đường tiến thân “sự nghiệp”!

Cửa mở, hai người đàn bà tươi tắn bước vào, trên tay chị Hiền có xách bọc thức ăn, tôi nhận ra nhờ mấy cọng hành lá xanh lè vượt ngọn ra ngoài miệng bọc. Trong khi Bích theo thói quen hấp tấp bước vào phòng riêng của ả, chị Hiền tươi cười hỏi:

- Sao, cha con ăn gì chưa?

- Rồi!

Tôi gật đầu, chỉ miếng mì gói dở dang nằm nửa trong nửa ngoài bao giấy kiếng bị xé banh, nói:

- Thằng Giang nó thích gặm mì khô lắm.

- Hai cha con gặm chung gói mì này đây?

- Không, chỉ mình nó ăn, còn tôi chưa đói. Uống bia đầy bụng ít thấy đói lắm.

Chị Hiền ái ngại:

- Này, ăn uống thất thường dễ bị đau bao tử lắm đấy!

Tôi khui một lon bia mới, trong khi chị đi thẳng tới bếp. Nhà Mỹ sắp xếp bếp lò với phòng ăn sát sạt nhau, phân cách có một cái quầy, cho người đứng bếp chỉ cần nhón tới là đưa được thức ăn ra bàn, vừa nhanh, vừa khỏi lẻ loi trong lúc nấu ăn vì có thể trong nói ra ngoài nói vào không gì ngăn cách, thật là tiện lợi một cách ngộ nghĩnh. Chị Hiền nói:

- Tôi với Bích vừa đi chợ về, để tôi làm cơm cho mà ăn.

Tôi bỏ học ngang sau “giải phóng”, chưa kịp thi tú tài, mà nếu có thi chắc cũng phải nhờ ông già chạy chọt mới mong thấy tên trên bảng. Những ngày đầu, sau 30-4-75, trong khi cả nhà ai cũng nhớn nhác tính toán rối beng trí óc trong việc tẩu tán tài sản sao cho hợp lý, tôi tà tà đi chơi rong sớm cà phê chiều nhậu nhẹt hàng quán vỉa hè bằng những xấp giấy bạc 500, 1000 trong tủ sắt xếp thờ ơ như giấy lộn. Từ nhỏ đến lớn tôi chẳng hề biết chút chi về hoạt động kinh tế gia đình, chỉ biết xòe tay xin tiền lúc cần. Chẳng qua tôi là đứa con trai út cầu tự sau bốn bà chị gái. Mất miền Nam ai khổ đâu chẳng biết, chứ tôi thì tự nhiên được thả lỏng thoải mái tiêu xài tự do hẳn đi. Vì vậy nên tôi là đứa không biết giá trị của đồng tiền. Khi khốn đốn trong hoàn cảnh đổi thay tôi vô phương xoay sở ra cắc bạc nào, cũng phải. Học hành thi cử trong lớp tôi toàn cọp dê Hòa, vì tôi tên Hoàng, xếp theo mẫu tự năm nào cũng được ngồi gần hắn hoặc cùng bàn rồi sau đó tôi tìm cách đổi chỗ. Tiếng là trình độ Anh ngữ lớp mười hai, nhưng đã ở Mỹ bốn năm mấy tháng mà trình độ Anh ngữ của tôi chưa qua khỏi lớp hai, lấy gì đi kiếm việc làm! Tôi chán học đã quen, bị vợ khinh cũng đáng!

Trong khi Bích vừa đặt chân lên trại tị nạn hai ngày đã ghi tên vào học lớp Anh văn ngay. Mặt khác nàng lợi dụng sắc đẹp chạy chọt ban đại diện trại cho vào ban văn nghệ ca hát cuối tuần, vừa được hưởng thêm phần thực phẩm phụ trội vừa được đàn ông con trai có tiền tiếp tế bao ăn uống phủ phê. Và tài hơn nữa là Bích ôn lại được một bài thơ bất mãn cộng sản của Hòa làm tặng nàng, mang ra ký tên tôi, dự thi giải “Văn Chương Chống Cộng” hàng tuần do một nhà hảo tâm người Thái gốc Việt tài trợ, đoạt giải nhất hiện kim là 300 pat tiền Thái cho tôi lai rai rủng rỉnh thuốc lá cà phê. Công việc của tôi hàng ngày ở trại là sắp hàng lãnh gạo, nước mắm và cá sống về làm cơm, nhìn vợ tôi nhởn nhơ cặp kè “bè bạn” với đàn ông mang đồ hộp về cho gia đình ngon miệng! Vợ tôi khinh tôi từ đó!

Đặt chân lên đất Mỹ tuần lễ thứ hai, sau tuần lễ đầu lo giấy tờ thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, Bích đã la cà làm quen với các nhạc công của các ban nhạc phòng trà, vũ trường Việt Nam địa phương để bon chen chường mặt lên sân khấu. Tôi đành phải làm thinh chấp nhận trong tình thế no choice! Nhà ở của vợ chồng tôi hay là nơi đàn ông hẹn hò đến rước ca-sĩ-vợ-tôi đi? Tôi hết biết! Ban đầu tôi còn được khách gật đầu chào, sau gật đầu cho có lúc chạm mặt, sau cùng là tôi phải lui vào phòng lánh mặt khi giờ hẹn khách đến gõ cửa, bấm chuông! Tôi đưa mắt nhìn vợ tôi lặn lội nuôi chồng từ những ngày đầu lưu vong như thế đấy! Còn biết nói gì nữa bây giờ?

Từ bốn năm nay tôi làm thinh uống rượu, đã quen. Lần đầu tiên nghe chị Hiền nói Bích đi chợ, tôi bật “ủa” lên một tiếng, rồi im. Chị Hiền tẩn mẩn lôi từng món ra khỏi bọc bày đâu đấy, xong đến bồn rửa chén vừa loay hoay vừa nói:

- Chờ đấy, tôi nấu miến cho mà ăn.

Tôi hỏi:

- Chị đã ăn gì chưa?

- Chưa. Bích rủ tôi ăn tiệm, nhưng tôi lại thích làm bếp và ăn cơm nhà hơn, nên chị em từ sáng tới giờ chưa ăn gì cả!

Tôi bỗng chua chát:

- Vợ tôi nhịn đói hay lắm chị ạ. Nó đi shopping cả ngày không ăn gì cũng no!

- Này, mắng xéo tôi đấy hả? Tôi cho nhịn đói luôn bây giờ.

Tôi cười với chị Hiền. Chị có nụ cười thật là duyên hợp cùng ánh mắt thật hiền từ, tương phản với làn môi gợi tình và sóng mắt sắc lẻm của Bích. Chị đến ở nhà tôi hai tuần nay, con tôi bỗng có bàn tay săn sóc, nó dường như có mẹ mà trước đó dường như không. Căn nhà tôi sáng hẳn lên, chẳng phải bởi mặt trời, mà do những ngón tay thuôn dài ngăn nắp của chị dọn dẹp, thu vén. Chị thích quanh quẩn việc nhà, trái ngược với vợ tôi thích cả ngày đánh bóng.

Có tiếng chuông cửa. Tôi quen phận, lẳng lặng nhích ghế đứng lên bước lánh. Tiếng của Bích nói vang ra:

- Chị Hiền mở cửa dùm em, nói khách ngồi chờ em chút xíu.

Chị Hiền rời bếp, chưa đi mở cửa vội, đến thẳng chỗ thằng bé bốn tuổi đang nằm ngủ mòn lê la trên sàn nhà bế nó mang vào giường trước đã. Khách là một gã đàn ông mặt thịt, tóc hoa râm, mắt húp híp ranh mãnh, có hàm ria mép không làm nên người đứng tuổi mà tô điểm vẻ mặt cho ranh mãnh hơn. Hắn là một nhạc sĩ “đàn anh” trong làng nhạc thời trang, nói nôm na là nhạc sến, từng nổi danh trước 75 với những bản nhạc đại loại “100 em ơi chiều nay 100 phần trăm”, “nếu tôi đừng đưa em sang ngang”. Thời mới lớn tôi cũng thích nghe những bản nhạc ấy lắm. Thời mới lớn, dù là một cô gánh nước mướn, một thằng đánh giày, hay một cậu học sinh trung học thì trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật cũng tương đồng, vì tâm hồn vào lứa tuổi ấy đều đơn giản và nhạy cảm như nhau. Hắn gật đầu chào chị Hiền rồi xăm xăm bước vô nhà, tới ghế nệm móc thuốc ra hút, ngồi ngã người dật dựa đợi vợ tôi một cách tự nhiên. Lúc gần đây hắn tới lui đưa rước Bích đều đều. Hắn đang phụ trách mục sinh hoạt âm nhạc trên nhiều tờ báo lá cải phát không ở đây, Bích đang cần hắn mà! Khỏi nói chắc ai cũng biết hắn đang cần Bích thứ gì! Tôi làm sao kiểm soát được vợ tôi, làm sao kháng cự được ong bướm dập dìu trên cái xứ vật dục này khi tôi là một thằng chồng trong tình trạng tự nuôi thân còn không nổi!

- Em khổ quá anh ơi, em thương chồng mà chồng em dường như không biết. Em một thân đàn bà yếu đuối lặn lội phấn đấu với đời sống khắc nghiệt này để nuôi cha con Hoàng. Mà Hoàng thì càng ngày càng lạnh lùng với em như hai người bạn “share” phòng, chỉ biết nhậu nhẹt rồi ngủ tối ngày, nhiều khi Hoàng còn ói mửa tới tận giường làm nhọc thân em thêm nữa. Hoàng đã rất ít nói rồi, mà lúc này còn sinh tật nói nặng em nữa, mở miệng ra là mắng em con đàn bà thế này con đàn bà tồi bại thế kia… Nhiều khi uất ức phát điên lên em muốn ly dị quách cho xong đời hai đứa nhưng em lại nghĩ đến con em nó sẽ không có cha, em lại không dám trái luật Công giáo bỏ chồng!

Tôi tình cờ nghe Bích than thở với anh chàng nhạc sĩ sến này tại nhà, lúc họ đi “dợt nhạc” xong đưa nhau về giấc bốn năm giờ sáng, tưởng tôi ngủ say rồi. Nghe Bích than như thế tôi còn xót xa nổi máu anh hùng nữa huống chi bất cứ khách hào hoa đa tình dư ăn dư mặc nào. Tội nghiệp cho Bích quá, còn tôi, chẳng biết ai tội nghiệp cho tôi đây!

Bích yểu điệu nhún nhẩy bước ra, mặc áo trần vai gần như phơi cả ngực nếu cái nịt “mini” kia không cần có đầu nhũ hoa để bám. Áo một mảnh mỏng dính, trắng, lộ da thịt và quần lót, phủ từ một phần ba phía dưới ngực đến bắp chân phất phơ mềm mại lắm, tôi chẳng biết tiếng Mỹ gọi thứ y phục này là gì. Lần nào cũng vậy, Bích lần lữa chọn tới chọn lui áo quần lâu lắc cả mấy tiếng đồng hồ khi có hẹn với ai, sao cho vừa vặn khách đến rước vội vàng đỏng đảnh đi ra, chưa xong phần trang điểm, phải lụp chụp son phấn lúc ngồi trên xe đánh rớt khi thỏi son, lúc cây bút chì kẻ mắt, phải lom khom mò mẫm kiếm tìm. Cẩm nang phụ nữ có mục làm duyên bằng cách trang điểm dưới mắt đàn ông mà! Tôi không nhớ tôi biết được điều này nhờ đọc mục “mẹo mặt” hay mục “tâm lý bạn trai” trên tờ báo phụ nữ nào. Biết thêm được điều gì là khổ thêm với điều ấy.

Gã nhạc sĩ hỏi thăm chị Hiền qua loa trong khi đợi Bích. Chị mỉm cười trả lời ậm ừ. Trực giác tôi cho biết hắn rất ghét chị, vì hắn tự xưng bậc thầy tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc, chị Hiền cũng tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc còn giữ được bằng cấp đàng hoàng để chứng minh nhờ chị rời nước cùng chồng bằng phi cơ năm 75 vào mấy ngày sau cùng. Hắn không có gì để chứng minh, bởi cớ vượt biên làm thất lạc hết giấy tờ, trong khi hắn lại là loại nhạc sĩ rẻ tiền, nên ngoài tôi ra chẳng biết còn bao nhiêu người nữa nghi ngờ ông nhạc sĩ Trần Ngân Nga này Quốc Gia Âm Nhạc bịp. Nếu sự thật là hắn bịp thì hắn ghét cay ghét đắng một người đàn bà bao giờ cũng đến với mọi người bằng tấm lòng nhân hậu từ ái như chị Hiền là phải rồi! Trần Ngân Nga đứng lên cúi đầu chào chị Hiền thật gentlemen, mỉm một nụ cười linh hoạt bộ ria thật tươi giả tạo, xong sánh vai vợ tôi tỉnh bơ xoay tay nắm cửa rời nhà trông rất mực nhân tình! Tôi chịu đựng nhìn cảnh ấy đã quen, quen đến đỗi không cần biết người đàn ông nào đã tiếp xúc với vợ mình, người đàn ông nào đến nhà mình đưa vợ mình đi.

Chị Hiền là người đàn bà có cái đam mê làm bếp. Không con trong mười lăm năm với chồng, chị thương trẻ con người và thôi mong mỏi có con cái nữa. Vợ chồng chị vừa xong thủ tục ly dị. Chị bảo chuyện chắp nối là của đàn ông, chứ đàn bà khi lòng đã nguội lạnh rồi thì khó biết yêu trở lại, chắc chị sẽ ở vậy cho đến mãn đời nếu kiếp trước chị không tạo nên nghiệp quả nặng nề, cũng mong thoát vòng nhân duyên hệ lụy. Chị vẫn nhắc đến chồng chị một cách bình thản, tự nhiên như hai người còn chưa thôi chồng vợ. Chị chưa là đấng giác ngộ, chị chẳng phải là gỗ đá vô tri, nên tôi nghĩ rằng chị phải khổ mặc dù chị điềm nhiên vui vẻ như không. Chị vẫn còn hỉ, nộ, ái, ố nhưng phải là người thân lắm mới thấy, bởi chị lúc nào cũng dùng hỉ và ái để trấn áp nộ với ố. Tôi thấy, vì chị vẫn cau mày cằn nhằn tôi trong khi dọn dẹp các thứ tôi bày bừa cả ngày. Tôi thấy, và tôi cười với chị những nụ cười thương yêu.

Chị Hiền dọn thức ăn lên. Lúc còn ở Âu châu, vợ chồng chị từng mở nhà hàng Việt Nam và thay phiên nhau đứng bếp. Ai khen chị hát hay đàn giỏi chị không thích bằng khen món ăn của chị ngon tuyệt.

- Này, ra mà ăn đi, không có chết bây giờ.

- Say rồi, chỉ muốn nằm thôi, ăn không vô đâu chị.

- Thì cũng cố mà ăn tí súp cho có cái gì trong bụng chứ, toàn sâu rượu trong ấy mà sống à?

Tôi chiều ý chị, bước thấp bước cao ra thả người xuống ghế, tì hai khuỷu tay trên bàn ôm đầu hết muốn ngước lên. Sáng nằm bết bát trên giường trong cơn đau đầu, hoạt động dật dờ như rỗng óc, sợ rượu phát tự hứa chừa luôn, nhưng chừa được nhiều lắm hai ngày là cùng. Cuộc đời tôi cứ thế. Vợ tha hồ đi hoang. Lời đồn nhơ nhuốc về Bích tới tai tôi tê dại cả đôi vành. Đàn ông ghen tuông giành giật vợ tôi với nhau, oái oăm thay chẳng ai màng nhớ đến tôi để mà giành giật. Lúc đầu còn có kẻ đặt giả thuyết rằng tôi với Bích đã ký hợp đồng thỏa thuận với nhau trong cách sống dị kỳ này, là tôi được nuôi và được giải quyết sinh lý với điều kiện phải giữ con và làm bình phong gia cang để Bích tự do sống phóng túng theo bản tính. Bây giờ tôi là một vai kịch-đời-sống-bị-lãng-quên. Chúng tôi không gần nhau kể cũng hai năm nay rồi, nhờ rượu! Nhờ rượu, ẹp luôn, khỏi trằn trọc cho con vợ đi thâu đêm suốt sáng. Nhờ rượu, ẹp luôn, sức đâu mà đòi hỏi… Vợ chồng tôi ai lạnh lùng với ai?

Tôi gượng gạo húp một hai muỗng súp miến gà. Tiếng đàn tranh bỗng réo rắt trỗi lên đan kín không gian những đường tơ lóng lánh. Chị Hiền vẫn hay ngồi xõa tóc trong chiều chăm chú nhìn mặt gỗ hình cung với mười sáu dây thanh âm văn võ, trong đôi mắt hàng mi mảnh nhu mì của một mệnh phụ Á Đông chăm chú kia sao như đang thoát hồn vời xa, mặc cho mười ngón tay măng trôi theo dòng suối nhạc. Sóng thanh âm chụp tới khi gần, lụa thanh âm phơi phới vẫy khi xa, hay tôi đang say tai bắt âm ba không đều? Tôi đã chẳng biết gì về âm nhạc rồi, lại thêm nhạc khí cổ truyền nữa thì tôi càng mù tịt. Nhưng âm nhạc rung những đường tơ không gian, tơ không gian truyền động những tơ hồn. Mỗi lần nghe tiếng đàn của chị Hiền, tôi cảm, tôi xuất thần thấy lại quê hương với những vầng trăng thiếu thời thơ mộng vắt trong, lắm khi tôi cũng thấy những vầng trăng thu trong truyền thuyết vua Đường… Vua Đường đang gục đầu bên tô miến gà khổ sở say bia!

Tiếng đàn chợt im.

- Ủa, dậy rồi hả con? Đói bụng không con?

Thằng Giang nói ngọng dễ thương trong lòng chị:

- Cô Hiền giàn .

- Ừ, cô Hiền giàn. Thằng cha mày!

Chị nắm tay thằng nhỏ dắt tới bàn ăn của nó, choàng khăn ăn cho, xong múc từng muỗng súp thổi cẩn thận trước khi đút. Trẻ con không kén ăn nhưng lại kén người đút. Giang ngày ngày ăn được nhiều hơn nhờ bàn tay nội trợ mềm mại của chị Hiền. Mai mốt cô Hiền đi rồi con lười ăn trở lại, làm sao khỏe mạnh lớn đây con? Cô Hiền đến cho con tình cờ hưởng chút hơi ấm tình thương của người mẹ, cô Hiền đi con có mẹ đấy cũng như không!

Bích đưa chị Hiền về từ một phòng trà ca nhạc. Từ phương trời thẳm xa nào chị đến với hành lý là mấy chiếc áo dài và một cây đàn tranh. Vài tờ báo địa phương đăng hình chị với tư cách một nhà nghệ sĩ biệt tích giang hồ trong mười năm mất nước bỗng tái xuất hiện. Chị thích trình diễn ở phòng trà hơn vũ trường, vì tài năng của chị để người ta ngồi trầm ngâm thưởng thức chứ không phải để ôm nhau từng cặp nhảy nhót lung bung lùng bùng. Chị nói: “Tôi đã bỏ hát mười mấy năm rồi, từ khi có chồng, nhưng chẳng hiểu sao cứ còn nặng nghiệp. Ngón đàn tranh cổ truyền giữa không khí New Wave này bọn trẻ có đứa nào thích nghe đâu! Còn tân nhạc thì những ca khúc bất tử của Việt Nam ở đây cũng hiếm người thưởng thức. Tôi rất là cô đơn giữa những tiếng vỗ tay lịch sự hơn là hoan nghênh thật tình. Nhưng mỗi cuối tuần vẫn phải ra trước đám đông kiếm tí tiền đi chợ!” Chẳng hiểu loại ca sĩ mầm non ngựa bà như Bích lại hợp với chị Hiền ở điểm nào? Nói mầm non là mầm non trong nghề ca hát, chứ ả cũng 25 tuổi, bắt đầu có ít sợi tóc bạc trên đầu rồi, so với bọn choai choai mười bảy, mười tám khoe đùi khoe rốn nhảy tưng tưng như khỉ mắc phong sao nổi. Nhưng ngựa là ngựa. Tôi chẳng có thời kỳ tốn bao nhiêu công sức, bạc tiền để cướp giật ngựa đó sao?

Từ phương xa chị Hiền tới ở tạm nhà tôi mang theo thời tiết bốn mùa ôn hậu của Âu châu, mang theo nhịp sống từ hòa và lòng nhân của dân tộc Pháp, mang theo hơi thở đời ung dung của đạo Lão Trang. Dù gì đi nữa, nghề ca sĩ cũng trói buộc chị vào đời phấn son, vẫn là lý do cho chị sống bám lấy hình thức bên ngoài. Nên tôi vẫn có cái gì không tin nơi chị. Khi Bích đưa chị về nhà, tôi dửng dưng chào lạnh trước nụ cười tươi tắn khả ái của người khách da dẻ trẻ hơn tuổi đời gần bốn mươi. Hôm trước hôm sau là khách đã tự nhiên chê nhà cửa sao bê bối quá rồi thẳng tay dọn dẹp. Đến bây giờ, sau hơn hai tuần, vợ chồng tôi rất quí chị, con tôi đã mến tay mến chân chị, nhưng sao tôi vẫn không khởi ngờ ngợ một cái gì khi nhìn chị cùng Bích đi với nhau tới chỗ đàn ca.

Say gần chết rồi nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn còn nhớ hỏi:

- Ủa, hôm nay chị không đi hát sao?

- Không.

- Sao vậy?

- Phòng trà đủ ca sĩ. Mình không phải loại ăn khách nên tuần này bị hoãn.

Theo Tây phương, tuổi bốn mươi là tuổi hoạt động mạnh của người đàn ông. Chồng chị Hiền là một nghệ sĩ sáng tác nằm trong trường hợp này. Ông hoạt động trong hai lãnh vực thi ca và hội họa, bỗng sáng tác mạnh, cuộc triển lãm chung với ngoại quốc nào cũng bán được tranh với giá cao. Ông lại bỗng mạnh về mặt tình dục nữa, gái Pháp chẳng tha gái Việt không từ, già trẻ lớn bé. Chung sống mười lăm năm chị Hiền đã đuối sức chịu đựng cảnh chồng lang chạ con rơi con rớt, chồng chị cũng khó chịu lắm rồi cảnh mèo mả gà đồng còn có kỳ đà cản mũi. Thế thôi.

Đau khổ, hoặc khiến người ta ích kỷ ghê gớm, muốn kẻ khác cũng đau khổ như mình hay hơn càng tốt; hoặc khiến người ta thông cảm khổ đau mà sống cùng, sống với khổ đau kẻ khác. Trường hợp sau hiếm hơn trường hợp đầu. Hình như chị Hiền là con người của trường hợp sau. Nhưng chị vẫn chưa thoát khỏi tính dị đoan đàn bà, vẫn hay thắp nhang và đốt vàng bạc cúng vái các vong linh. Dù sao, đàn bà hiểu được lẽ phù du vô thường của kiếp sồng cũng chẳng phải nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.

Gục tại bàn không biết là bao lâu. Chỉ nhớ trước đó là tôi ôm đầu kêu nhức, chị Hiền pha nước chanh và mang hai viên Tylenol tới tận miệng tôi. Tỉnh dậy lúc nghe tiếng hai người đàn bà chuyện trò rủ rỉ với nhau:

- Em đi đêm về hôm hoài mất sức lắm, bệnh chết!

- Giao thiệp nghề nghiệp mà chị. Hát xong người ta mời đi ăn khuya. Không đi với họ làm sao nhờ vả được chị!

- Đồng ý là như vậy. Nhưng chị thấy em đi gần như mỗi ngày. Em không nghĩ đến danh giá ở xã hội này, thì ít nhất em phải nghĩ đến sức khỏe của em, sức khỏe rất quan trọng cho việc giữ gìn sắc đẹp và tiếng hát.

- Em biết. Nhưng chị ơi, chị không hiểu hoàn cảnh của em đâu!

- Chị hiểu! Em cần đi “shopping”, tiền hát không đủ cho em mua quần áo. Em cần tất cả mọi người biết đến tiếng hát của em. Nhưng em ơi, đàn ông họ ghê lắm.

- Em thấy họ rất nice với em. Nhiều người theo mình, mình đi chơi với họ có mất mát gì đâu?

Tiếng thở dài của chị Hiền nghe rất rõ.

- Mình còn thời xuân phải biết hưởng chứ chị. Em khổ với chồng con quá nhiều rồi, chị thấy không?

- Chị biết, chị hiểu em. Nhưng em cũng nên thấy Hoàng là người chồng chịu đựng và rộng lượng với em.

- Hoàng là người bạn tốt của em, nhưng là người chồng vô trách nhiệm.

- Em nên giúp Hoàng có trách nhiệm.

- Giúp hết cách rồi chị. Em đưa Hoàng tới trường học Anh văn lần nào ổng cũng học được cao lắm là một tuần lễ rồi bảo chán, học không vô. Em bảo Hoàng phải biết chút ít tiếng Mỹ mới tìm được việc làm nuôi vợ, lo tương lai cho thằng Giang. Hoàng hỏi lẫy lại em chứ có muốn thấy chồng đi bưng hủ tiếu mì cho các nhà hàng Việt Nam không?

Im lặng một lúc.

- Em còn thương Hoàng không?

- Khi còn, khi hết.

- Tám chín năm vợ chồng dù sao cũng là cái nghĩa. Em hãy sống bằng kỷ niệm nhiều hơn để thương chồng hơn, có thương mới nâng đỡ tinh thần cho nhau được. Hoàng là người bất lực trước cuộc sống chứ chẳng phải là người xấu. Chị tin một ngày kia Hoàng sẽ qua tình huống nếu em còn thương Hoàng mà chịu khó kiên nhẫn.

Tiếng thở dài, lần này chắc của Bích.

- Chị ơi, em là một người đàn bà đẹp, có nhiều đàn ông theo. Nếu không vì luật đạo, em chịu bỏ chồng, thì giờ này em ngồi dũa móng tay làm bà chủ mấy dãy apartment cho thuê! Một người bạn trai em khuyên em hãy nghĩ đến hạnh phúc của mình trước tiên, đừng vì hạnh phúc của người khác mà tự làm khổ lấy mình!

- Cưng ơi, chị vẫn lo cho hạnh phúc của người khác và lấy đó làm hạnh phúc của mình. Như thế hạnh phúc sẽ bao la khắp đất trời! Hạnh phúc ích kỷ riêng tư chỉ là hạnh phúc nhất thời, hạnh phúc ấy là hạnh phúc của sự thỏa mãn tham vọng, thỏa mãn tham vọng này sẽ còn tham vọng khác tiếp theo làm mình đau khổ nữa! Em hiểu không?

- Chị nói gì cao xa quá em không hiểu được!

Nhưng tôi hiểu. Tôi không ngờ những lời lẽ thâm trầm ấy lại có thể thốt ra từ đôi môi của một người đàn bà có cái bề ngoài tươm tất ngỡ như ngoài mấy bản dân ca quê mùa chỉ còn biết nội trợ tề gia như thế.

- Hy vọng ngày kia em sẽ hiểu!

Bích sẽ chẳng có “ngày kia” như chị Hiền hy vọng. Tôi biết chắc!

- Em thấy Trần Ngân Nga như thế nào?

- Anh ấy tốt lắm chị. Nhờ ảnh giới thiệu em mới được phòng trà Casino nhận cho hát. Ảnh với ông chủ phòng trà là bạn văn nghệ thân nhau từ Việt Nam. Ảnh còn hứa với em một thời gian nữa, lúc nào đúng dịp ảnh sẽ viết bài “lăng xê” em trên báo thật mạnh.

- Em biết tại sao ổng tốt vậy không?

- Ảnh đang theo em!

- Chị biết khá rõ về cặp bạn thân đó ở Sài Gòn. Trần Ngân Nga chỉ học lớp nhạc tư của một ông thầy dạy Quốc Gia Âm Nhạc. Cặp bài trùng ấy nhờ lốt nhạc sĩ đã gạt gẫm không biết bao nhiêu là đàn bà con gái.

- Em lớn rồi chị. Em biết giữ gìn.

- Nhưng lúc nào em cũng đi kè kè với ông ta thì làm sao tránh khỏi điều tiếng?

- Tụi nữ minh tinh màn bạc Mỹ nhờ báo chí khai thác chuyện đời tư giật gân mà nổi tiếng như cồn, hốt bạc triệu!

- Em cũng quan niệm vậy sao?

- Không chị. Nhưng em không sợ dư luận. Nanh vuốt dư luận là của những ma quỉ khi mình còn trong bóng đêm, mặt trời thành công sẽ làm chúng tan ra mây khói!

Và tôi thiếp ngủ đi một lúc. Khi tỉnh giấc thì ánh sáng hừng đông đã trắng nhờ nhờ tấm màn khung kính cửa sổ. Đêm qua nhờ say bia nên sáng nay chỉ hơi rêm đầu chút ít chứ cơ thể thần xác thần hồn còn ở chung với nhau. Tôi vươn vai rời ghế đi nấu nước pha cà phê. Từ bàn ăn ngó qua phòng khách nối liền nhau không vách ngăn, tôi thấy chị Hiền đắp chăn nằm ngủ ngoan thoải mái trên chiếc sofa dài đủ cho một người ngủ bụi! Chị Hiền khác người ở chỗ ăn ngủ dễ dàng như đàn ông không câu nệ. Chẳng hiểu sao hôm nay chị không vào giường ngủ chung với thằng Giang như mọi khi. Nước reo sôi. Tôi còn đứng tần ngần chiêm ngưỡng. Chẳng biết chiêm ngưỡng cái gì. Đàn bà ngủ, tôi biết rồi. Lần đầu tiên chị Hiền ngủ sofa cho tôi đứng ngắm. Hình như lúc còn lơ mơ làng màng tôi có nghe Bích nói nhạc sĩ Trần Ngân Nga cũng định “lăng xê” chị Hiền! Trời đất!

Khuôn mặt đầy đặn phúc hậu kia sao dần dần phương phi hẳn lên. Vì trời sáng dần hay vì ánh mắt chiêm ngưỡng của tôi ánh lên theo nhịp tim dần đập nhanh hơn? Không còn nghe tiếng nước reo sôi nữa, chắc cạn ấm rồi. Cái gì xô tôi từ từ cúi xuống hôn nhẹ nhàng lên má phương phi ấy, nhẹ nhàng như hơi thở đều đều người nhẹ nhàng đang ngon giấc. Thế nhưng chiếc má nhạy cảm kia đã giật mình, quay nhanh vào mặt lưng ghế, rồi cả người cũng trở theo, tay chị quơ lấy chiếc gối dựa che kín mặt đi. Tôi phát ngượng.

Chị Hiền thức dậy đi vào phòng trang điểm lúc 8 giờ, khi những tia nắng mai mới dệt thảm vừa đầy trên vạn vật. Xong chị tới máy điện thoại gọi cho ai đó nhờ mang xe tới rước đi lúc 9 giờ hay sớm hơn càng tốt. Sau đó chị cẩn thận nâng niu cho cây đàn tranh vào chiếc túi may bằng gấm nay đã bạc màu.

Tôi hỏi:

- Chị định đi đâu sớm vậy chị?

Chị Hiền mỉm một nụ cười khả ái, nheo mắt đáp:

- Đi xa. Tiếp tục bước giang hồ!

Tôi nghĩ ngay tới nụ hôn. Lòng nghe sao đầy hổ thẹn. Mắt phải nhìn xuống.

Chuông cửa. Chị Hiền ra mở. Tôi chưa kịp thấy khách là ai, đã nghe chị Hiền nói:

- Đi!

Tôi bước theo ra ngoài khung cửa sổ. Sương mù còn mong manh. Chị Hiền quay lại nhìn tôi mỉm cười từ giã. Những tia nắng dịu đầu ngày ánh long lanh trong đôi vòm mắt bao dung cười. Hình như nắng xuân thì phải. Tôi vừa thấy ấm áp một mùa xuân trong mắt chị - mùa xuân của sự sống trong hơi thở tình người – thì mùa xuân đã vội rời xa. Nhưng tôi được biết rằng đất trời luôn còn độ lượng nắng xuân, người luôn còn người thương để sống…

NGUYỄN TẤT NHIÊN

(1987)

 

29 Tháng Ba 2010(Xem: 8178)
gian truân lắm mới hôn người chiếc hôn tình lớn đem đời nhau theo hôn em phớt nụ hôn liều bỗng nghe trật tự khá nhiều đổi thay!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 9185)
phu thê nếu đã buộc ràng thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng… tôi, quanh năm sống hoang đàng cũng xin nhỏ lệ hoàn lương khóc tình!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 8263)
em gầy guộc, em mong manh em chưa đủ sức long đong cùng chàng em ngây thơ đến rỡ ràng em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
29 Tháng Ba 2010(Xem: 9649)
nắng ấm chan hòa trên lá biếc sớm mai, anh bỗng thấy vui vui đêm qua có phải em ngồi học cố ý dành riêng chút ngọt bùi?
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7603)
từng dòng hạnh phúc tôi tan cây đau đớn đã rộng tàn đớn đau! tiếng cười huyên náo đêm thâu có tôi khuân vác tôi-sầu đến đây
29 Tháng Ba 2010(Xem: 8383)
người mới lớn cửa hồn chưa bám bụi vội vàng chi mở rộng cánh tin yêu? biết đâu ta lẩn quẩn một đời, liều chuyên đội lốt thánh nhân đi… lường gạt!
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7500)
mùa đông đã về rồi đó nhỏ đồng bằng miền nam trở trời trái gió anh chợt nghe hồn thánh thót tiếng chuông vừa đủ hồi sinh miền giáo đường buồn
29 Tháng Ba 2010(Xem: 6885)
khi không tình não nùng buồn gót chân ai bỏ con đường nhớ nhung gót chân ai nhẹ vô cùng dẫm lên xác-lá-tôi từng tiếng kêu
29 Tháng Ba 2010(Xem: 7829)
mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài ta với người, bắt buộc, phải chia hai làm sao em biết trời đau đớn
11 Tháng Ba 2010(Xem: 13458)
tình đau về với ta buồn buồn ta cũng tạt như nguồn mưa đông mắt em có thấm lạnh hồn? mưa ta có lệ ngoằn trên kiếng đời?
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11581)
đặt tên con là Vi Diệu vì đời bố là kích thích phẫn nộ liên miên cuộc người ôi cuộc người quá ngắn cho vài phút đôi khi
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11655)
ừ, tôi đổ quạu đến… trời ơi! nhiếc móc cho ai tức đáng đời ngày mai em cũng chưa thư nữa đáng đời ai vậy? chắc đời tôi!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 12517)
em ham chơi chưa hết mùa con gái cười như hoa vui tiếng gọi mặt trời nghịch như chim ăn dở trái chín cây cây chín trái lòng ăn rơi lăn lóc
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11441)
vì chẳng được cầm tay nhau kể lể nên chuyện tình cứ thế, thảm hơn Chúa cũng cau mày ngắm nỗi cô đơn của một kẻ đóng tim mình trên thập giá!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11951)
trên đường đến nhà em trời tháng ba mưa nhỏ mưa lóng lánh nắng vàng nắng mưa đùa ướt phố
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11127)
tình cho nhau những lượng buồn những dông tố sập xuống đường-chung-đôi đường-chung-đôi chẳng chung vui như trong thêu dệt thiếu thời mắt xanh
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11188)
tết, gần rồi đó nhỏ chim núi của lòng anh tội tình chi thế, nhỏ mắt, lệ còn long lanh?
11 Tháng Ba 2010(Xem: 10054)
lúc gần sáng bỗng ầm ầm tiếng đất chàng đang mê ngỡ pháo kích hôm khuya thì ra hồn vía đã quen rung chuyển trên quê hương thường nhật cảnh chia lìa
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11054)
hãy ngồi yên lặng đó ta về nhé em yêu tình xa như bóng nắng bên kia quả địa cầu
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11721)
áo em trắng cả sân trường trắng tan học chiều nay có ngẩn ngơ? chiều nay anh ở xa lăng lắc không cách chi về đón tiểu thơ!
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11725)
chở em đi học mưa nhòa đường loang loáng nước lập lòa loáng cây lạnh vừa đủ siết vòng tay run đi em để sau này… nhớ nhau…
11 Tháng Ba 2010(Xem: 10593)
tâm hồn tôi có một dòng sông chảy qua nhà cô bạn chung trường chiều sông dâng sóng miên man gió bay tóc bay hồn tôi thanh tân…
11 Tháng Ba 2010(Xem: 11528)
những tưởng học làm Vũ Hoàng Chương nào hay uống rượu suốt đêm trường em ơi rượu chẳng say người chết đời vắng em rồi say nhớ thương!
09 Tháng Ba 2010(Xem: 10437)
vì áo quần lâu giặt vì hay mang dép mòn vì hay quên rửa mặt vì hay quên chải tóc
09 Tháng Ba 2010(Xem: 11215)
mưa nắng hai mùa trên xứ nội vun trồng từng luống mạ vồng khoai mấy dây trầu “lẹt” tươi màu lá ôm ấp hàng cau với tháng ngày
08 Tháng Ba 2010(Xem: 10557)
bắt đầu những cơn mưa mịn vỗ vai mặt trời bắt đầu những chiếc lá nhẹ dạ nhất
08 Tháng Ba 2010(Xem: 10352)
đò qua sông, chuyến đầu ngày người qua sông, mặc áo dài suông eo sông hiền sóng lạ lùng reo trời bao la cũng nhìn theo… ái tình
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12359)
Nếu tập thơ nhỏ này có được cái danh dự đóng góp một phần khiêm tốn nào đó trong trời văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi tưởng, chính những bàn tay của các anh đã ra sức đẩy nó vào, bằng tình thương quý nồng nàn dành cho tác giả.
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12340)
Cơn bão đã qua. Ô hô sống còn! Còn sống. Quê hương đã lìa. Người tình đã xa. Bạn bè đã tản… Mọi thứ đã rã tan cùng đại dương xanh, đã mù chìm theo thời gian mướt, lún .
01 Tháng Ba 2010(Xem: 12795)
từ anh cất bước chinh nhân nàng làm thiếu phụ thương con xót chồng một mùa đông… chín mùa đông biên khu cách trở hơn… đồng giấy xanh
01 Tháng Ba 2010(Xem: 11675)
quê hương gốc tích ngàn năm sao nhìn gia phả… ôi, toàn câu kinh?!
01 Tháng Ba 2010(Xem: 14074)
tình đã đến trong những ngày địa ngục trong những ngày người, thú phải như nhau trong những ngày ác quỷ tọa ngai cao phô nanh vuốt bày gươm đao xiềng xích
01 Tháng Ba 2010(Xem: 14657)
*Xin bấm vào tựa bài muốn tìm để đọc.
01 Tháng Ba 2010(Xem: 13765)
Tôi không đủ kiên nhẫn đọc hết cuốn truyện dài vì truyện dài không thể đọc vội vã người chắc cũng không đủ kiên nhẫn yêu tôi
01 Tháng Ba 2010(Xem: 16055)
tình mới lớn phải không em rất thích? cách tập tành nào cũng thật dễ thương thuở đầu đời chú bé soi gương và mê mải dĩ nhiên làm lạ
01 Tháng Ba 2010(Xem: 17026)
*Xin bấm vào tựa bài muốn tìm để đọc.
25 Tháng Hai 2010(Xem: 8241)
ta là ta bất tử thơ khởi tự hồn oan cám ơn ai đào huyệt vùi dập giấc mơ phàm!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 11074)
đôi mắt tròn, đen, như búp bế cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ anh vái trời cho cô dễ dạy để anh đừng uổng mớ tình si!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 38842)
mình nếu chọn đời nhau làm dấu chấm mỗi câu văn đâu được chấm hai lần!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 11049)
cô Bắc kỳ nho nhỏ mắt như trời bao dung hãy nhìn anh thật rõ trước khi nhìn đám đông
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10862)
chiều này ngang cổng nhà ai nhủ lòng, tôi chỉ nhìn cây trúc đào! nhưng mà không hiểu vì sao gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 10328)
năm năm trời… có một tên Duyên ta ca tụng, rồi chính ta bôi lọ tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ nên lỗi lầm đã đục màu sông
25 Tháng Hai 2010(Xem: 24664)
em nhớ giữ tính tình con gái bắc nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang nhớ duyên dáng, ngây thơ… mà xảo quyệt!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 13798)
hai năm tình lận đận hai đứa cùng xanh xao mùa đông, hai đứa lạnh hơi thở dài như nhau (?)
25 Tháng Hai 2010(Xem: 12976)
ta phải khổ cho đời ta chết trẻ phải ê chề cho tóc bạc với thời gian phải đau theo từng hớp rượu tàn phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9625)
chiều em đi hai hàng bính tóc gieo xuống đôi vai nhỏ thiệt thà còn bao nhiêu dấu hài khuê các sao đành gieo xuống phố-đời-ta?
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9356)
đưa em về dưới mưa nói năng chi cũng thừa phất phơ đời sương gió hồn mình gần nhau chưa?
25 Tháng Hai 2010(Xem: 12654)
tôi bắt đầu yêu hay bắt đầu dự tính? (dự tính nào cũng thật ngây thơ!) tôi bắt đầu ngây thơ hay bắt đầu già? (khi mặc cả tình yêu cùng thù hận!)
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9753)
người yêu tôi khóc ngất chiều Quân Đội nghĩa trang rạt rào hơi gió nóng cho đau tà áo tang
25 Tháng Hai 2010(Xem: 9668)
hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm sông chở phù sa về ươm lộc mới chàng chở tình về cho mắt em ngoan
16 Tháng Hai 2010(Xem: 8833)
bất thần sáng mắt yêu ai khác chi mời người bứt ruột
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9919)
nhìn em buổi chiều mất trinh vì có người nắm tay lẽ ra tôi phải rất buồn và hát bài con quì lạy Chúa trên trời
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9661)
những cọng cỏ bay điên tung tăng ngoài đồng nội một người tình thiêng liêng trong vòng đua vận hội
16 Tháng Hai 2010(Xem: 9955)
nghe trong hồn cỏ em còn trời xanh đuối mộng, mưa mòn tóc, thu (hỡi ơi tình đã sương mù bỏ tôi hiu quạnh mái đầu trông mong)
16 Tháng Hai 2010(Xem: 8458)
cho nên mưa mãi không ngừng
16 Tháng Hai 2010(Xem: 16805)
sao thiên thu không là chôn sâu ? nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu tôi đứng như xe tang ngừng ngập và một họ hàng khăn trắng buồn đau
10 Tháng Hai 2010(Xem: 9648)
tôi có chỉ cho gia đình người tôi yêu là một nàng con gái bắc
10 Tháng Hai 2010
(Xem: 10428)
nỗi tự kiêu tôi chính là nỗi tự kiêu của giọt sương sắp tan
10 Tháng Hai 2010(Xem: 19946)
(thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá thà như giọt mưa khô trên tượng đá có còn hơn không mưa ôm tượng đá)
10 Tháng Hai 2010(Xem: 15120)
em mùa thi diện cũng xênh xang á o mới còn bay mùi tơ hàng ta tiếc dùm ai từng sợi tóc rụng lẻ loi sầu trên vai ngang
10 Tháng Hai 2010(Xem: 16426)
tình một hai năm chưa phải tình dài cũng không thể gọi là tình mới tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi
10 Tháng Hai 2010(Xem: 8810)
sớm, trưa, chiều, tối, ra, vào người chưa yên nỗi thầm xao xác lòng nên thời gian ấy ngùi trông khô như hạt bụi trưa ngừng ngập bay
10 Tháng Hai 2010(Xem: 23228)
nắng bờ sông như màu trang vở cũ thuở học trò em làm khổ ai chưa ? anh muốn khóc trong buổi đầu niên học bàn tay xương cầm hờ hẫng văn bằng
10 Tháng Hai 2010(Xem: 18055)
vì tôi là linh mục không biết rửa tội người nên âm thầm lúc chết tội mình còn thâm vai ...
09 Tháng Hai 2010
(Xem: 10423)
Nhằm giúp cho những người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên và lớp hậu duệ còn có dịp thưởng thức tài năng của người thi sĩ bạc mệnh này, BBT hân hạnh được sưu tập và lần lượt đăng tất cả các bài thơ của anh cũng như những bài viết có liên quan đến tác giả trên trang nhà trong mục “Thơ Nguyễn Tất Nhiên”