Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

NGÔ QUYỀN KHÓA 6 VĨNH BIỆT BẠN LÊ VĂN TỚI ( 1947 - 2020) - Nguyễn Trần Diệu Hương tổng hợp

03 Tháng Năm 202011:29 CH(Xem: 8595)
NGÔ QUYỀN KHÓA 6 VĨNH BIỆT BẠN LÊ VĂN TỚI ( 1947 - 2020) - Nguyễn Trần Diệu Hương tổng hợp


Ngô Quyền Khóa 6 Vĩnh Biệt Bạn LÊ VĂN TỚI (1947-2020)


image003image002


Khóa 6 Ngô Quyền có nhiều điều đáng tự hào. Cùng nhau, họ đã đóng góp rất nhiều cho xã hội từ quê nhà đến quê người (Canada, Mỹ, Nhật, Pháp...), trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Có thể nói đó là khóa khoa bảng nhất của Ngô Quyền.


Đáng ngưỡng mộ nhất là "tình bạn Lưu Bình Dương Lễ" của họ.

Họ có nhau, nâng đỡ cho nhau từ lúc còn là một học sinh lớp Đệ Thất Ngô Quyền, đến khi là những sĩ quan QLVNCH, kéo dài đến lúc tóc pha màu sương khói, lúc nào họ cũng có nhau trong mọi vui, buồn.


Mùa Xuân năm nay, NQK6 Lê Văn Tới "bỏ cuộc chơi”. Không thể đưa tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối cùng, các anh chị khóa 6 đã cùng tưởng niệm bạn với những vui buồn kéo dài hơn nửa thế kỷ.


Tiễn anh Tới về với hạc nội mây ngàn, có những giọt nước mắt khóc bạn rất thật, rất chân tình từ các cựu học sinh Ngô Quyền khóa 6.



blank

                     NQK6 :Tới- Xương- Minh- Phẩm- Tuấn - San Jose 2013 - Tình bạn 60 năm


Thế là Bạn đã ra đi. Bạn đi trong an lành, thảnh thơi theo ý nguyện Bạn đã chọn. Bạn đi để lại sự tiếc thương ngàn trùng của những người ở lại.


Tôi quen biết Tới đầu tiên vào năm 1961 ở Trường Trung Học Ngô Quyền, chúng tôi ngồi cùng bàn, gần dãy cuối cùng của lớp Đệ Thất 4.  Hai đứa cùng học chung, cùng chia sẻ nhau bài vở và kể nhau nghe  những chuyện vui buồn thời đó. Sau khi vào Đại học, đường đời vạn nẻo, chúng tôi không có dịp gặp nhau .


Đầu thập niên 1990, Bạn qua Mỹ diện HO 1; đám bạn cũ Ngô Quyền chúng tôi  gặp nhau và cùng sinh hoạt chung từ đó. Bạn là người rất nhiệt tình, thân thiện, trách nhiệm và thận trọng trong tất cả mọi việc làm, thẳng thắn trong cư xử và không bao giờ muốn làm phiền người khác. Nụ cười luôn nở trên môi ngay cả lúc mệt mỏi. Thật là hạnh phúc cho cá nhân tôi khi đã có được một người  Bạn như Tới.


Căn bệnh kinh niên do thời gian cơ cực  thuở nhỏ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn sau 1975, và nhất là sau ngày chị Xinh mất, sức khỏe của Tới suy giảm dần. Tôi với tư cách là một người Bạn và cũng là người chăm sóc sức khỏe của Tới, tôi biết  Tới hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và cuối cùng Tới  đã lựa chọn sự ra đi trong thanh thản.


 Cơn gió vô thường thổi qua đời Bạn và đã trở thành hiện thực. "Đứa con xưa đã tìm về nhà."

 "Trời đất kia, có hay ta về... Đường lên cao, bước chân nhè nhẹ, Sương, ô kìa, sương rơi bềnh bồng..." (Trịnh Công Sơn)


Thành tâm cầu mong Hương Linh  Bạn  sớm về miền Cực Lạc.


NQK6 Huỳnh Quan Minh 

San Jose, California


blank

                                      Ca sĩ Tới/ Nhạc sĩ Minh  


***


Buồn không nói được lời, chúc bạn thanh thản ra đi... 

Biết đâu có ngày nào đó chúng mình sẽ gặp lại...


NQK6 Đỗ Cao Thông

Rouen, France


***


Dù biết rằng cuối cùng ai cũng phải ra đi, nhưng không hiểu sao tôi không thể cầm được nước mắt khi hay tin anh Tới đã vĩnh viễn từ biệt chúng ta.

Chỉ một vài tuần trước đây, chúng tôi có bàn về việc đi thăm anh Tới khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Nào ngờ hôm nay anh đã thật sự ra đi !!!

Xin thành thật chia buồn cùng các con, cháu trong gia đình anh Tới.

Cầu xin hương linh Anh Lê Văn Tới được siêu sinh, xa lìa mọi khổ đau.


NQK6 Lương Thị Sao

Huntington Beach, California


blank

          Cô Thu & NQK6 ở hội ngộ Ngô Quyền toàn thế giới 2011 - Westminster, California
 

***



Tới mất, đã để lại một khoảng trống có thật trong lòng những người bạn cùng khóa và các anh chị khóa đàn anh và các em khóa sau này. Tới lúc nào cũng nở nụ cười dễ dãi trên môi và sẵn sàng giúp bất cứ ai trong khả năng của mình. Mở đầu cho một câu chuyện, Tới thường nhẹ nhàng nói "Tui nói cho bạn nghe , ..." .Cái giọng nói đó, cái điệu nói đó, bây giờ đã trở thành xa vắng. 


blank

                     Thầy Hiệp và NQ San Jose thăm Thầy Hoàng bệnh nặng- Milpitas 2014


Tới và gia đình qua Mỹ muộn màng, sau khi "được" đi "cải tạo" 5-6 năm trời, được Xương, 

người bạn thân và gần nhất, cũng như giúp đỡ Tới nhiều nhất, bảo lãnh qua Mỹ. Lỡ thầy, lỡ thợ, nhưng Tới đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng một cuộc sống mới trên vùng đất hứa này, và đã thành công. Cũng có một tổ ấm cho gia đình và con cái học thành tài. 

 
Khoảng một tuần hay 10 ngày trước khi có lệnh "shelter-in-place" của Cali (3/17/2020), Xương và tôi mời Tới đi ăn bánh xèo. Tới chỉ ăn được khoảng 1/3, rồi không ăn nữa. Tới bảo là mệt, không ăn nổi. Tôi đi order nước mía cho Tới và Xương. Thấy Tới uống được tôi cũng mừng. Ăn uống xong, Xương và tôi định dẫn Tới đi uống cà phê, nhưng Tới nói bị mệt, nên Xương đưa Tới về nhà. Dáng người dong dỏng cao, Tới bước ra khỏi cổng Century Mall mệt nhọc lên xe. Đó là lần cuối, tôi nhìn thấy Tới.


Sau đó thì lệnh shelter- in- place, chỉ liên lạc với Tới qua phone. Một hôm, tôi nói với Tới là "tôi kho thịt kho nước dừa ngon lắm, tôi sẽ kho một nồi thịt đem xuống cho bạn nghe". Tới không trả lời, nhưng tôi nghe tiếng nghẹn ngào trong phone. Nồi thịt kho ân tình mà định đãi bạn không bao giờ thực hiện được. Có một vị mặn nào trên môi ....


Dù biết cuộc đời là vô thường, người đến, người đi. Nhưng trong lòng vẫn có những nỗi xót xa. 


"There are so many songs in me that won't be sung

I feel the bitter taste of tears upon my tongue"

(Yesterday I was Young)

https://www.youtube.com/watch?v=og8dVo2WY1U

 


NQK6 Nguyễn Anh Tuấn

Livermore, California



blank


                                 Thầy Hùng và Thầy Long với NQ Bắc Cali  - Tân Niên 2012
 
***


Đêm thứ sáu ngày 17 tháng 4/2020, thông thường thì mình đi ngủ lúc 10 giờ đêm, tuy nhiên đêm đó người mình bị bồn chồn và không thấy buồn ngủ nên xem trên YouTube nhưng vẫn không buồn ngủ nên mình đổi sang bằng cách tự tập thể dục.  Tập thể dục xong, mình cảm thấy buồn ngủ và vừa lên giường khoảng một chút thì có text của Jimmy (con út Tới) nhắn là Ba con đã vô bệnh viện lúc đó là khoảng 2:00 AM sáng. Hay tin như vậy mình nghĩ chắc Tới sẽ gặp nguy hiểm. Hồi còn đi học chung với Tới, Tới rất thật thà chất phác, siêng năng. Gia đình ba Tới mất sớm và đông anh em, gia đình nghèo. Tới tâm sự với tôi: Tới là anh cả trong gia đình và đông anh em cho nên nhu cầu vật chật bị giới hạn. Tới nói với Xương “Mày và tao đều tuổi con heo sao mày sướng quá . Đi học thì có xe Honda, sáng ăn hủ tiếu gần rạp Biên Hùng” .


Từ khi quen thân với Tới, tự nhiên mình rất có cảm tình với Tới, có gì mình cũng chia sẻ với Tới, giúp đỡ Tới. Nhiều lúc mình cũng muốn Tới như mình. Tới nói “hoàn cảnh của tao không như mày”. Sau này, Mỹ có chương trình HO. Xương đã bảo trợ gia đình Tới sang Mỹ qua diện HO. May mắn thay gia đình Tới đi diện HO 1. Vài năm với sự cần cù, cố gắng Tới đã trở thành chuyên viên địa ốc. Con cái cũng thành công. Làm mình cũng hãnh diện lây. 


Đến ngày thứ hai 20/4/2020 nghe phone gọi từ Jimmy. Cháu nói là ba con đã trút hơi thở lúc 2:18PM, lòng mình như đau nhói và tự nhiên giòng lệ trào ra. Ngày 19 tháng 4/2020,  mình có text cho Tới lúc trưa thì Tới có text lại có vẻ trối trăn nói là “Cám ơn mày“. 


Bây giờ mày đã ngủ yên, tao xin cầu linh hồn mày sớm siêu thoát và gặp lại chị Xinh .


NQK6 Trương Kiến Xương

San Jose, California


blank

                     Nam sinh K6 cùng Thầy Hùng ở nhà Thầy Hiệp - 2012
 
***



Thư gửi các con của Tới và chị Xinh


Các con ơi,

Hai bác đã khóc khi đọc thư của con, Jimmy! Các con và ba Tới vừa mất Mẹ hơn một năm mà bây giờ các con lại mất cha. Mất mát cha mẹ trong thời gian ngắn là một sự đau khổ không thể nào diễn tả được. Tuy nhiên các con nên vui vì các con là niềm hãnh diện của ba mẹ con nên các con cố gắng sống tốt thương yêu đùm bọc lẫn nhau thì đó là cái hiếu mà các con dành cho ba mẹ con đó. 


Tình cảm thầy cô bạn bè dành cho ba Tới không phải tự nhiên mà có mà do cách cư xử ba con đã dành cho tất cả mọi người. Ngay cả từ lúc ở Việt Nam, dù trong hoàn cảnh gia đình eo hẹp túng thiếu, nhưng mỗi lần bạn bè đến nhà thì ba con lấy tất cả bánh trái hoa quả đem ra thết đãi khách dù là có thể không còn thức ăn cho bữa ăn tối. Tình thương ba con dành cho bạn bè vẫn còn cho đến khi sang Mỹ. Khi ba con bệnh hai bác đến thăm thì không lúc nào ba con chịu ngồi yên để nói chuyện với khách mà cứ loanh quanh tìm thức ăn nước uống đãi khách và thậm chí còn lục lọi tìm quà cáp cho khách mang về. Hiện nay nhà bác vẫn còn hai cây bưởi ngọt mà ba con đã lấy hột từ VN mang về, gieo hột ra cây xong ưu ái đưa bác đem về trồng. Cây bưởi ấy bây giờ cũng đã lớn và hy vọng sẽ cho trái trong vài năm nữa. Cây ấy bác sẽ gọi là cây bưởi Tới để nhớ đến người bạn tốt của bác.


Nói về ba con thì có bao nhiêu chuyện phải kể đến. Ba con rất thích nói và nói nhiều khi đúng "tần số". Tần số ấy có thể là về chiến tranh thời xưa, chính quyền Việt Nam hiện nay, thời đi học Ngô Quyền, kỷ niệm ở lớp tứ hai khi trai gái học chung nhưng đề tài hấp dẫn nhất vẫn là chuyện trai gái của tuổi học trò mà bác Xương lúc nào cũng là người bắt đầu câu chuyện! Nhà ông bà nội con ở trong ga xe lửa còn gia đình ba mẹ bác thì ở gần chợ nên bác và ba con thường đi bộ về nhà. Nhiều lần trên đường về nhà ba con kể lại niềm ao ước của ba con là học giỏi, có cơ hội sang Mỹ để có tiền giúp đỡ ông bà nội con và các cô chú. 


Vào khoảng 1965-1966 thì chiến tranh diễn ra khốc liệt và quân đội Mỹ ở Biên Hòa rất đông nên ba con đề nghị với bác là xin vào căn cứ Long Bình làm thêm trước là có thêm tiền và sau đó là được dịp trau dồi Anh văn. Số tiền làm hè ba con đã dùng để nhờ mua hàng của PX bán ra để giúp gia đình. Làm việc mùa hè chưa được bao lâu thì phải nghỉ làm vì chiến tranh tới hồi khốc liệt mà ba con và bác Xương đã tới tuổi quân dịch nên nếu đậu tú tài sẽ được học trường sĩ quan.  Ba con, bác Xương và bác sau một thời gian "tu học” thì tất cả đã thi đậu tú tài hai nhưng vui ít mà buồn nhiều, buồn vì không biết bạn bè còn có dịp gặp nhau nữa không vì sự sống và chết không thể nào đoán trước được trong thời chiến tranh. 


Chiến tranh tuy khắc nghiệt nhưng cũng vì chiến tranh mà ba con được chọn vào quân chủng Không quân anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa và được tu nghiệp tại Mỹ. Cuộc đời của ba con đã thay đổi từ lúc ấy và cuộc sống của  bà nội con cũng tương đối khá hơn so với ngày xưa. Đến 30 tháng 4, 1975 thì vận nước xoay vần, sâu bọ lên làm người, ba con và bác Xương vào lao tù cộng sản trong nhiều năm.


blank

                                  NQK6 : Tới, Phẩm, Lynh, Thi @ họp mặt truyền thống NQ
 

 Sau cùng thì ba con, bác Xương, và bác có may mắn gặp lại nhau tại San Jose, California. Trong thời gian sang đây ba con làm bất cứ việc gì để tiến thân và có tiền lo cho vợ con. Nhiều lần ba con nói với bác là "mình tuy nghèo nhưng được cái là các con đều ngoan nên là điều an ủi lớn nhất của mình". Làm ngành địa ốc là niềm hãnh diện của ba con vì có văn phòng làm việc, được giao dịch với nhiều người và được là người đem niềm vui đến khách hàng khi chọn được nhà hay bán nhà cho họ. Trong bạn bè Ngô Quyền nhiều người trong đó có bác là khách hàng của ba con. 


Realtor thì có nhiều lắm nhưng tìm được người làm việc tận tình, thành thật lo cho khách hàng hơn là nhắm vào commission thì chỉ có ba con là một. Một loan officer trong văn phòng ba con nói với bác là "ảnh làm quên ăn, quên ngủ mà tiền commission lãnh ra thì chia lại cho khách hàng vì ảnh nói ai mới mua nhà đều cần ít tiền để mua sắm vật dụng trong nhà!” 


Tính thương người sẵn sàng dấn thân đã được bạn bè tín nhiệm đề cử ba con làm thủ quỹ cho hội cựu học sinh Ngô Quyền ở Bắc Cali . Làm việc không công này, tuy bận rộn với sinh kế, nhưng ba con vẫn vui vẻ nhận lời và không lần nào vắng mặt trong tiệc tùng hay hội họp của nhóm. Đến khi mẹ con lâm bệnh lúc ấy ba con mới xin từ chức thủ quỹ sau hơn 20 năm “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Tuy vắng mặt nhưng ba con vẫn thường xuyên liên lạc với bác khi nghe tin trong nhóm có bạn bè hay thân nhân qua đời, nhắc nhở bác đăng báo chia buồn hay gửi vòng hoa phúng điếu.


Vào tháng 8 năm 2013 thì hai bác, vợ chồng bác Tuấn Vân có dịp du lịch Bắc  Âu với Ba Mẹ con. Bác nghĩ đó là lần du lịch có nhiều kỷ niệm vì những bạn học thời trung học có dịp đi chung với nhau thăm nhiều quốc gia ở Bắc  Âu, có dịp thưởng ngoạn những cảnh đẹp thiên nhiên và nhất là có dịp sinh hoạt với nhau trong nhiều ngày. Sau chuyến đi ấy thì ba con lại ghi danh cho chuyến đi thăm hoa anh đào tại Nhật vào năm sau nhưng tiếc là chuyến đi ấy đã bị hủy bỏ do mẹ con bị căn bệnh ngặt nghèo phải điều trị tại nhà thương. Bác có nhiều tấm ảnh chụp với ba mẹ con trong chuyến du lịch Bắc  Âu mà bác gửi kèm theo đây để các con nhớ lại ngày vui của ba mẹ con với bạn học thời trung học.


https://photos.app.goo.gl/CE9JTog62mBVsxqK9


Ba con đã lo rất nhiều cho bạn bè và được nhiều người thương mến nhưng cuộc đời quá bất công đã cướp lấy ba con từ gia đình và bạn bè ngay trong mùa dịch cúm COVID-19! Ba con không bao giờ vắng mặt trong những tang lễ của bạn bè nhưng bây giờ hai bác cùng các bác, cô chú khác sẽ không thể nào đến để thắp nén hương, được nhìn ba con lần chót, và được đưa ba con đến nơi an nghỉ cuối cùng. Một người bạn lúc nào cũng sống cho gia đình, bạn bè và cộng đồng mà bây giờ lúc nằm xuống chỉ có tối đa 10 người trong gia đình được gặp mặt mà thôi. Hai bác và nhiều bạn bè thất vọng vì không được đến với ba con nhưng bác biết chắc là ba con sẽ mỉm cười vì được gặp mẹ con và biết là bao nhiêu bạn bè thầy cô đã thương yêu ba con, đã khóc khi nghe ba Tới ra đi. Nhưng bác biết chắc là ba mẹ con sẽ vui khi các con đã cùng nhau lo hậu sự cho ba con một cách chu đáo dù trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của xã hội trong mùa COVID-19.   


NQK6  Phan Kim Phẩm & NQK6 Nguyễn Thị Tường Lynh

Fremont, California



blank

                                             NQ Bắc Cali -  Sunnyvale, California -  2012

***


Đêm thứ bảy Apr 19 /2020, tự nhiên mình thấy bồn chồn trong lòng chợt nghĩ đến Tới. Cách đây một tuần nghe Xương báo là Tới nó yếu lắm rồi, ăn không được. Đi vệ sinh thì phải có các con giúp! 


Khoảng 8:30 PM, Tâm gọi cho Tới để hỏi thăm. Nhưng không thấy bạn mình trả lời. Tôi liền gọi cho Xương, không thấy Xương bắt phone, gọi cho Phẩm thì may mắn là Phẩm còn thức. Trong lúc đang nói chuyện với Phẩm thì Xương gọi lại, câu chuyện mình trao đổi chính là tình hình sức khoẻ của Tới. Và sau đó thì thông báo cho nhau là tình hình anh em ở Nam Cali cũng nhờ ơn trên là hoàn toàn vô sự cho đến giờ phút này vì mình đã điểm danh tất cả miền Nam rồi kể cả quý thầy cô. Được Phẩm cho biết trên miền Bắc Cali cũng vậy. 


Sau đó mình gọi lại cho Xương và cũng nội dung chánh là sức khoẻ của Tới, sức khoẻ của quý đồng hương và đồng môn NQBH, và tình hình phức tạp của cơn đại dịch này. Hai đứa tâm sự với nhau qua hơn 10 giờ đêm mới dứt.


Thật ra đến giờ phút cuối đời này mà các bạn già còn lo lắng cho nhau thì mới thật là đáng quý! 


Cách đây năm ngày mình có gọi cho Tới cũng vào ban đêm khoảng 8:00PM và hai đứa tâm sự với nhau rất lâu, khoảng gần nửa giờ. Tôi có lo lắng cho sức khoẻ của Tới và nói với bạn rằng “Tao nghe Xương nói mày không nói chuyện lâu được quá 5 phút, mày nói như thế này có mệt không?”.  Tới trả lời “Không sao! Lâu lắm rồi mình mới có dịp tâm sự!”


Tôi nói với Tới: “Tất cả anh em BH. NQ ở Nam Cali rất thương mến Tới. Nhiều khi trong những lần tụ họp cuối tuần ngày thứ bảy tại cà phê Tiptop ở Nam Cali, họ thường nhắc nhở đến Tới với một tình cảm thật đặc biệt.” 


Nhớ lại lần đám cưới con trai của Tới, anh em tham dự đến 15 người! Tôi làm tài xế chiếc xe 15 chỗ ngồi từ miền Nam  thẳng đến San Jose lúc 12:30 đêm thì đã thấy Tới đã có mặt ở đó lo đầy đủ chỗ ở cho anh em. 


Họp mặt Tân niên BH kỳ rồi (2020), có vợ chồng Phẩm Linh tham dự, anh em dưới này tính dự trù sẽ tổ chức lên thăm Tới , nhưng Xương đề nghị không nên vì tình trạng sức khỏe Tới rất yếu. Chỉ một tuần sau đó thì lệnh stay home của Cali được ban hành.


Trong tình cảm bạn bè, Tới đã đối xử với anh em thật chân thành và nhiệt tình. Tất cả anh em đều quý mến Tới. Con người của bạn thật là tình cảm!


Khi vợ bạn mất, chúng tôi cũng vượt mưa bão đến chia buồn cùng gia đình bạn, Tới cũng thường nhắc nhở và cũng có dịp chia sẻ với sự xúc động.

Để chấm dứt câu chuyện của bạn, tôi có nói là bạn “cố gắng lên nha”! nhưng Tới nói với vẻ xuống tinh thần là “lúc này Tới chỉ còn có 100 pounds, thôi thì tới đâu tính tới đó”.


Nhưng không ngờ  đó có lẽ là lần chia sẻ sau cùng! Sáng nay khi nhận được message của Xương, tôi gọi liền cho Xương thì được biết Tới  đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu lúc 2:47AM. Khi Tới còn tỉnh thì bác sĩ có cho biết là tình hình sức khỏe rất tệ  cho gia đình biết có hai lựa chọn về bệnh trạng :

1-  là đút ống trợ thở, nhưng sẽ sống trong tình trạng thực vật!

2- sẽ đưa vào hospice, và bác sĩ sẽ không giúp gì cả cho bạn mình chờ ngày giờ ra đi, và Tới khi còn tỉnh đã chọn option 2.


Cuối cùng bạn mình chọn giải pháp ra đi. Tôi biết tính tình của Tới luôn là như thế!

Trong tình trạng đại dịch Coronavirus  này! Tuỳ theo niềm tin tôn giáo, chúng ta hãy cầu nguyện cho bạn mình được bình an.


NQK6 Lữ Công Tâm  

Garden Grove, California


blank

                                    Cô Trí và  chs NQ các khóa 5,6,7,8 @ San Jose 2013


***


Điều gì khiến tôi nhớ về Tới nhiều nhất?  Có lẽ đó là nụ cười.

Nụ cười của Tới không phải để xã giao mà rất chân thành và tự nhiên.

Con người Tới rất tốt và chân thành giúp đỡ mọi người. Tới là một thành viên tích cực trong Ban Tổ Chức họp mặt Ngô Quyền tại Bắc Cali. Mọi người quý mến Tới vì sự tốt bụng và nhiệt tình. Tới là một người rất có lòng với Thầy Cô và  bạn bè Tới luôn luôn có mặt khi cần thiết và tận lực làm việc không nề hà khó nhọc với một nụ cười và một trái tim thân ái. Tới là một cựu sĩ quan Quân lực VNCH  đã góp một phần đời mình cho hai chữ tự do. Trong gia đình, Tới là một người chồng tốt, một người cha gương mẫu rất đáng kính trọng.

 Con người sống ở trên đời khi xuôi tay nhắm mắt tất cả đều phải bỏ lại, theo thời gian mọi việc đều đi vào quên lãng. Chỉ duy nhất điều mà mọi người sẽ nhắc đến là những ký ức tốt hoặc xấu mình đã làm khi sinh tiền để lại tâm trí mọi người.

Tôi tin chắc khi nghe tin Tới ra đi, thầy cô, bạn bè và những người quen biết đều xúc động và tiếc thương. Họ đều nhớ về Tới với những gì tốt đẹp nhất.

Lê Văn Tới ra đi ngay giữa mùa đại dịch. Lệnh "ở tại nhà" được ban hành. Cho nên chúng tôi không thể đến để đưa bạn một đoạn đường. Bạn cũng hiểu điều đó và thông cảm cho chúng tôi.

Thôi! Hãy yên nghĩ đi Tới.

Chúng tôi luôn nhớ tới bạn với tất cả tình cảm đẹp, việc làm đẹp và nụ cười thật hiền.

Vĩnh biệt Tới, người bạn khóa 6 của tôi.

Nguyện Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn hương linh Lê văn Tới pháp danh Nhật Minh về nơi Cực Lạc Quốc.

Thành kính phân ưu cùng gia đình Lê Văn Tới.

NQK6 Nguyễn Thị Thêm

Riverside, California


hinh cuoi



***

  

Thay mặt gia đình tôi xin chân thành gởi đến tang quyến của bạn Tới lời phân ưu chân thành.

Nguyện cầu bạn ngủ yên trong vòng tay của những người thân và bằng hữu trong Đại Gia Đinh Ngô Quyền của chúng ta.


NQK6 Nguyễn Thy Ân

Utah


***


Buồn quá lại thêm một người bạn ra đi.

Thành kính phân ưu cùng gia đình anh Lê Văn Tới.

Cầu nguyện cho hương linh anh  sớm siêu thoát, về cõi Tịnh Độ.


NQK6 Bạch Thị Hồng

Houston, Texas


***


Thành kính phân ưu cùng tang quyến. 

Nguyện cầu hương linh Anh sớm tiêu diêu nơi miền an lạc.


NQK6 Nguyễn Văn Ngàn

Houston, Texas


***


blank

                     Các nam sinh Ngô Quyền khóa 4,6,8,9 - Tân Niên 2015 @ San Jose 

***



Lại thêm một người đã ra đi! 

Buồn thật ! Xin góp phần cầu nguyện cho hương linh Anh được siêu thoát.


NQK6  Ngũ Ánh Vân 

Houston, Texas




blank

               Anh Tới trong ban hợp ca NQ @ Hội ngộ NQ toàn thế giới 2011 @  Nam Cali




*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để chia sẻ:

LÊ VĂN TỚI NHỮNG NGÀY VUI

Nguyễn Thị Thêm thực hiện youtube



28 Tháng Giêng 2011(Xem: 104180)
Ngô Quyền ngói đỏ ngôi trường Tìm về kỷ niệm nắng vương sợi hồng Lớp xưa ánh mắt sáng trong Đường xưa tà áo bay vòng ngày xa
28 Tháng Giêng 2011(Xem: 113984)
Sau khi công việc xong, nhóm thường ghé quán bún riêu gần nhà Tùng để cùng chung vui. Từ đó hình thành Nhóm Bún Riêu
31 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 120203)
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng , tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi.
29 Tháng Mười Một 2010(Xem: 43017)
Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...
26 Tháng Mười Một 2010(Xem: 95929)
Có dịp nào gặp lại bạn bè cùng lớp ngày xưa....ngồi bên nhau nhắc nhở về những kỷ niệm của Ngày xưa thân ái....bên ly cà phê,ly bia....thì vui biết chừng nào ! Một thời học sinh trong sáng....nhiều mộng mơ....nhiều ước vọng....dã qua....!
22 Tháng Mười Một 2010(Xem: 86118)
...Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Pháp văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa,
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 96767)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 95388)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 94856)
Gặp lại Võ Hải Vương, Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Hóa và nhiều bạn cũ của lớp 1968, lòng tôi đầy những xúc cảm nghẹn ngào. Những hình ảnh của trường Ngô Quyền năm xưa bỗng đâu lại hiện về. Những kỷ niệm của ngày tháng cũ tưởng đã yên nghĩ trong một quá khứ xa xôi nào của tiềm thức.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 44873)
Trong một buổi sáng đầu tháng Bảy đẹp trời và ấm cúng, cùng dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày họp mặt truyền thống kỳ 9 của hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền, Biên Hòa (3 tháng 7, 2010) đã tưng bừng khai diễn với gần 200 thầy cô và cựu học sinh NQ về tham dự
05 Tháng Sáu 2010(Xem: 100302)
Tôi là học sinh trung học Ngô Quyền, BH từ NK 1970-71 đến nay, 2010, cũng 40 năm rồi, nếu có chi tiết nào sai sót về ngày tháng, họ tên xin các anh, chị khóa trước và các bạn cùng khóa 1970 -77 giúp sửa lại cho chính xác.
08 Tháng Hai 2010(Xem: 39801)
C hưa có “cơ duyên hạnh ngộ” với Thầy Lê Quý Thể ở quê người, nhưng các CHS NQ, nhất là các anh chị đã từng là vận động viên của trường Ngô Quyền luôn nhớ đến ông Thầy trẻ vừa có nhiệt tâm của một nhà giáo, vừa có tinh thần quyết thắng của một người mê thể thao cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của trường xưa.
19 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 31953)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.
11 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 95157)
Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?
28 Tháng Năm 2009(Xem: 12582)
Thế mà đã một năm trôi qua. Cũng đúng vào thời gian này như năm ngoái - để tiếp nối truyền thống từ bao năm qua - trưa Chúa nhật ngày 1 tháng 7, 2007 một buổi họp mặt của Hội Ái Hữu CHSNQ Biên Hòa đã được tổ chức tại nhà hàng Seafood Kingdom ở thành phố Anaheim / Nam Cali