Cảm Nghĩ về “Ngô Quyền Toàn Tập”
Thân chào các em trong Ban Biên Tập “Ngô Quyền Toàn Tập”
Cuối cùng, sau những ngày chờ đợi, “Ngô Quyền Toàn Tập” đã đến tay tôi sáng nay. Cảm động và mừng vui lắm. Chỉ tiếc là chúng tôi đã không về dự ngày “Họp Mặt Truyền Thống NQ” ở Nam Cali hôm đầu tháng Bảy vừa qua, để thấy được khung cảnh tưng bừng của ngày “Hội Ngộ” và nhận tận tay quyển ĐS này, nên mãi đến hôm nay mới có sách để đọc… Tuy nhiên đã được nghe bạn bè khen ngợi Đặc San dày 472 trang, in trên giấy bóng, hình màu rất đẹp đã làm tôi nôn nao. Tôi email cho Ngọc Dung và Ngọc Huệ hỏi hoài, cứ như là đòi nợ, chắc các em cũng buồn tôi lắm? Thành thật xin lỗi hai em nhiều nhé.
Cầm quyển sách dày cộm và nặng chịch trên tay, chưa kịp đọc, chỉ vội vàng, lật sơ những trang đầu và xem một số hình ảnh … Ôi! Thật là công trình và tốn rất nhiều thời giờ, các em đã bỏ qúa nhiều tâm huyết, cùng chung sức hoàn thành một “Tập San” để đời, gom góp đầy đủ tài liệu và hình ảnh Thầy, Cô cùng học sinh các khóa, quý giá vô cùng… Rất ngưỡng mộ!
* * *
Nhìn lại những hình ảnh thân thương: cổng trường với bờ tường vôi rêu mọc giữa hai hàng cây phượng vĩ mà lòng tôi nao nao tưởng nhớ… Nhớ những ngày xưa cũ, nhớ kỷ niệm bên thầy, cô cùng bạn bè chân qúy, mà hơn nửa thế kỷ qua tưởng đã quên dần, mà nay tất cả như hiện về trong tâm thức của tôi. Càng ngậm ngùi khi giở từng trang sách, nhìn hình ảnh các Thầy, Cô bây giờ tuổi đời đang chồng chất, cùng tên Thầy, Cô trong “Danh Sách Thầy, Cô Quá Cố” mà lòng tôi không khỏi bồi hồi, xót xa.
Ngay trang đầu, sau bài “Lời Ngỏ” là chân dung của Thầy Phạm Đức Bảo, bức ảnh thời son trẻ của Thầy Hiệu Trưởng đáng kính của chúng tôi. Đọc bài viết của Thầy, nghe ấm cúng làm sao! Gợi nhớ biết bao kỷ niệm. Rất may là Thầy đã viết để lại cho chúng ta một bài viết thật đầy đủ và rõ ràng vào năm 2004 trước khi thầy ra đi vĩnh viễn (2016). Bút tích của Thầy đã ghi dấu thật nhiều kỷ niệm của những chuỗi ngày thơ mộng nơi mái trường yêu qúy. Giờ đây, tuy Thầy đã đi xa, thật xa, nhưng trong lòng mọi người--các Cựu Học Sinh NQ-- vẫn còn luôn ghi mãi hình ảnh thân thương, đáng kính của Thầy. Xin kính chúc Thầy luôn được bình an nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Cứ lần lượt từng trang, xem lại hình ảnh Thầy, Cô, bạn bè tôi càng lâng lâng nhớ về quá khứ. Nhớ những ngày Hè hanh nắng, ngậm ngùi chia tay bạn bè, hẹn hò sau 3 tháng Hè qua sẽ cùng nhau trở lại sân trường tung tăng chân sáo. Nhớ những mùa Thu, vành nón che cơn mưa phùn bay lất phất. Chiều tan trường rủ nhau mua bắp nướng nóng hổi trét mỡ hành ngồi nhai nhóp nhép. Rồi cuối năm, tưng bừng bích báo, văn nghệ đón Xuân… Ôi chao, bao nhiêu là kỷ niệm đẹp! Lật sang trang sách, nơi có hình ảnh các bạn Khóa 5 của tôi, thật dễ thương, nhớ từng khuôn mặt, những nàng “Vành Khuyên” (tên do Thầy Nguyễn Thế Văn đã đặt cho lớp Tứ 2 lém lỉnh và phá phách của chúng tôi ngày xưa)… Bây giờ các nàng đang là những bà, nội ngoại, già lẩm cẩm hủ hỉ bên đàn con cháu, da thì lấm tấm đồi mồi, và tóc lại bạc trắng như tơ.
Điểm sang danh sách bạn bè, giờ đây mỗi người một phương. Tôi đã rời xa thành phố Biên Hòa hơn 40 năm rồi, bỏ lại sau lưng một trời kỷ niệm, nơi ấy có căn nhà thân yêu do Mẹ tôi gầy dựng để chị em chúng tôi cùng quây quần sống chung đầm ấm… Nơi có ngôi trường và đôi hàng phượng thắm, với 2 dẫy lầu và cột cờ đứng sừng sững giữa sân trường, mà mỗi sáng Thứ Hai--chúng tôi đều mặc áo màu thiên thanh nghiêm chỉnh chào cờ và đồng ca bài “Quốc Ca”. Mắt ngước nhìn lên lá cờ vàng, ba sọc đỏ đang từ từ được kéo lên cao, rồi theo gió tung bay phất phới trên nền trời xanh biếc. Những dấu yêu đó bây giờ còn đâu nữa? Có chăng! Chỉ còn lại trong mơ? Riêng bạn bè của tôi, một vài người đã vĩnh viễn ra đi: Nguyễn Thị Bạch Nhật đã mất trong một chuyến vượt biên năm nào, và rồi Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Điểu cũng xuôi tay sau những cơn bịnh ngặt nghèo.
Và mái trường NQ bây giờ cũng đã đổi thay, chẳng còn như xưa nữa. Kể từ chuyến về thăm quê nhà 1 lần duy nhất vào năm 2001, tôi có đến thăm trường cũ, đứng tần ngần trước cửa trường, nhìn sao xa lạ quá, lạ nhất là tấm bảng mới: “Trường Trung Học Phổ Thông Ngô Quyền”, tôi chợt buồn, vội vã rảo bước bỏ đi. Chỉ một lần đó thôi và cho tới bây giờ tôi cũng chưa có dịp trở về thăm Biên Hòa thêm lần thứ hai, không biết bây giờ hình dạng ngôi trường cũ của chúng ta ra sao? Chắc chắn không còn là “Trung Học Ngô Quyền” ngày nào của chúng tôi nữa đâu, ngay cả thành phố Biên Hòa bây giờ cũng khó lòng nhận diện. Tất cả đều rất bỡ ngỡ, bao nhiêu dấu tích xưa không còn thì có về cũng không tìm lại được kỷ niệm.
Hôm nay cũng vào một ngày Hè hanh nắng, tôi ngồi đây, lật từng trang sách của “Ngô Quyền Toàn Tập”, đọc bài viết của các Thầy-Cô kính mến, đọc văn thơ, của các anh chị em thân thương, tình Thầy trò, huynh đệ như chợt bừng lên trong tâm tư tôi. Bồi hồi và xúc cảm vô cùng, tôi cứ mân mê, giở đi, giở lại từng trang sách, săm soi từng bức hình, xem hoài không chán. Có lẽ vì cuốn sách dày quá nên nặng, tôi cứ lật qua, lật lại đến nỗi những trang sách không dính vào bìa được nữa bị sút ra hơi nhiều. Tôi phải tìm keo dán dính lại.
- Xin Tri Ân sự đóng góp của Thầy, Cô đã ra công ôn về ký ức để ghi lại Tiểu Sử và cung cấp đầy đủ tài liệu về ngôi trường thân yêu của chúng em.
- Cám ơn các anh, chị, em đã chung sức góp bài, tìm tòi hình ảnh để chúng ta có được một quyển sách giá trị vô cùng; và
- cuối cùng, cám ơn Ban Điều Hành (Mai Trọng Ngãi), Ban Biên Tập (Tô Anh Tuấn, Tưởng Dung), các em trong Ban Phát Hành (Ngọc Huệ, Huỳnh Xuân Mai) đã bỏ công sức, sắp xếp, điều hành để thực hiện một quyển sách nhớ đời và gửi đi khắp nơi cho mọi người có được một món qùa tinh thần thật đáng quý. (*)
Vài dòng ưu ái từ tấm lòng cảm mến của CHS Trịnh Văn Kiều (Khóa 3) & Lê Kim Oanh (Khóa 5) thân thương gửi đến Thầy, Cô, các anh chị, bạn bè lòng yêu thương nồng nàn, trìu mến.
Kiều & Oanh rất tiếc là chưa có dịp được về họp mặt hằng năm, nhưng cũng luôn luôn theo dõi sinh hoạt và đóng góp bài vở thường xuyên trên trang nhà của Trường.
Thân kính chúc quý Thầy, Cô luôn được dồi dào sức khỏe, vạn sự hạnh thông. Thương mến chúc các anh, chị, em một mùa Hè vui đẹp, mong rằng chúng ta sẽ mãi mãi có những buổi họp sinh hoạt đoàn kết bên nhau… Xin kính tặng Thầy cô cùng các bạn “Bài Thơ Cám Ơn” của Kiều Oanh, và mời thưởng thức một youtube hình ảnh mùa Hè…
(*) Báo cáo với các em trong BBT là “NQTT” đã về đến Biên Hòa. Thật vô cùng cảm động. Do Cô Đặng Thị Trí đã không ngại nặng nề, cô đem về làm quà tặng Lê Thị Kim Kết 1 quyển. KK mừng qúa đã viết lên FB gửi cho Lê Thị Dung, chị gửi các em đọc nhé: