THẾ NÀO LÀ THIỀN CHỈ?
Thích Nữ Hằng Như
I. DẪN NHẬP
Phật sử ghi nhận Thiền đã có từ lâu đời, trước khi Bồ-tát Siddhartha Gautama xuất gia cầu đạo giải thoát. Cụ thể là đầu tiên Bồ-tát đã lần lượt học thiền với hai vị đạo sĩ Ãlãra-Kãlama và Uddaka- Ramãputta. Họ là hai vị thiền sư nổi tiếng ở Ấn Độ thời đó. Và mặc dù Bồ-tát đã chứng đắc các tầng thiền Bát định (Vô Sắc), đã kiểm soát và khắc phục được tâm loạn động, nhưng Ngài cảm thấy tình trạng chứng đắc này chưa giải quyết được vấn đề sinh tử luân hồi. Trong khi đó mục tiêu cứu cánh của Ngài là giác ngộ chân lý tột cùng về con người và vũ trụ, tìm ra phương pháp khắc phục nỗi khổ về sinh, lão, bệnh, tử. Trải qua sáu năm dài tu khổ hạnh đì thân suýt chết, Bồ-tát ngộ ra thân người là quý, cần có thân khỏe để tu tập, nên Ngài quyết định thay đổi phương thức hành trì, từ bỏ hai thái độ sống cực đoan. Đó là lối sống lợi dưỡng sung sướng như thời còn là Thái tử ở trong hoàng cung, và lối sống khổ hạnh, tự hành hạ thân xác khốc liệt bằng nhiều cách trong thời gian tu tập, vì tin theo quan niệm thời đó, cho rằng cái thân này gây ra những tội lỗi, là nguyên nhân của sinh lão bệnh tử. Mong rằng nếu thân càng khổ thì tâm càng mau giác ngộ. Nhưng mà kết quả thì không như vậy! Bấy giờ, Ngài chọn lấy nếp sống trung đạo, nghĩa là không lợi dưỡng cũng không quá khắc khổ. Kết quả, sau bốn tuần lễ thiền quán dưới cội Bồ đề, tâm Bồ-tát bừng sáng, ánh sáng tâm linh đã phá tan màn vô minh từ vô lượng kiếp, lần lượt chứng ngộ ba tuệ: Tuệ thấy biết quá khứ của chính mình từ vô lượng kiếp trước, tuệ thấy rõ chúng sinh luân hồi trong sáu cõi do nghiệp lực của chính họ thôi thúc, tuệ biết luân hồi sinh tử của chúng sanh là do dục lậu, vô minh lậu, hữu lậu tác động. Đồng thời ngay lúc đó, Ngài cũng chứng ngộ bốn chân lý về khổ, nguyên nhân khổ, diệt khổ và con đường đưa đến giác ngộ giải thoát chính là con đường thiền trong Bát chánh đạo.
Thiền tiếng Pali là “bhavana” dùng để chỉ những pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm, đưa tâm về với thực tại, chấm dứt mọi vọng tưởng điên đảo, gạn lọc tham, sân, si trong nội tâm, làm chủ tư tưởng cũng như bản thân trong đời sống hằng ngày, đem an lạc lại cho chính mình và cho mọi người xung quanh....
Thiền theo từ nguyên gốc Ấn Độ là “dhyãna” (tiếng Sanskrit ), “jhãna” (tiếng Pãli). Người Trung Hoa dịch âm là “Ch’ana”. Người Việt dịch theo âm “Ch’ana” là Thiền hay Thiền-na.
Thiền-na có hai nghĩa. Thứ nhất là suy tư, tĩnh lự. Tĩnh là yên lặng, lự là tư duy, suy nghĩ. Nghĩa thứ hai là đốt cháy. Đốt cháy cái gì? Đó là đốt cháy các bất thiện pháp, cụ thể là các triền cái và các kiết sử phiền não. Nội dung cơ bản của Thiền Phật giáo gồm Thiền Chỉ (Samatha bhavana) và Thiền Quán (Vipassana bhavana).
II. THẾ NÀO LÀ “THIỀN CHỈ” ?
Thiền Chỉ, tiếng Pali là “Samatha”. Nó có một từ nữa mang nghĩa tương đồng gọi là “Samadhi”, tức là Định.
“Chỉ” là dừng lại. Tịnh Chỉ là dừng sự suy nghĩ, lăng xăng, tán loạn, chấm dứt sự đuỗi bắt đối tượng, khi một trong sáu căn tiếp xúc với ngoại cảnh. Khi tâm yên lặng vững chắc thì gọi là định.
“Định” có nghĩa là nhiếp tâm, gom tâm, định tâm vào một đối tượng và không để bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố nào khác.
Tại sao cần phải gom tâm lại? Bởi vì tâm con người thường hay suy nghĩ lung tung, ít khi chịu yên lặng. Sở dĩ tâm hay dao động, là vì hằng ngày, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ... xem như sáu cánh cửa đều được mở, và như thế khách trần của mỗi căn được tự do vào ra căn nhà tâm không trở ngại. Như mắt nhìn hình ảnh, vật chất. Tai nghe âm thanh. Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm , Ý suy nghĩ. Tiếp xúc với đối tượng đẹp, hợp với ý mình, thì có ngay cảm giác yêu thích. Hễ yêu thích thì muốn giữ lấy.
Thí dụ như đi siêu thị thấy cái áo đẹp thì muốn mua. Đến quày khác thấy đôi giày vừa ý, cũng muốn mua. Cái gì vừa ý cũng muốn. Khi khởi tâm muốn, tức là khởi niệm tham. Còn như tiếp xúc với đối tượng xấu, bản ngã không ưa không thích, thì đó là tâm sân. Tham và sân là nguyên nhân gây ra phiền não khổ đau cho con người.
Muốn dẹp phiền não thì tâm phải đình chỉ tham và sân. Muốn đình chỉ tham hay sân, thì Ý phải yên lặng khi nhận thông tin từ năm giác quan gởi đến. Yên lặng bằng cách trói buộc Ý vào một đối tượng duy nhất, chẳng hạn như gom tâm vào hơi thở ra vô, hay trú tâm vào hình tượng đức Thế Tôn, hoặc ánh sáng của một ngọn đèn v.v... để tâm không chạy lang thang theo ngoại cảnh. Đó là pháp hành Thiền. Đối tượng là hơi thở, hoặc hình ảnh được xử dụng để nhiếp tâm hay cột tâm trong lúc hành Thiền gọi là “đề mục”.
Tóm lại, khi hành giả dừng suy nghĩ và để tâm theo dõi một đối tượng duy nhất với niệm biết, thì gọi là thiền Chỉ. Thiền Chỉ là pháp tu tập giữ tâm ý ở trạng thái yên tĩnh, có tác dụng dẹp các vọng niệm thường khởi lên những ham muốn, những ưu tư. Hành thiền Chỉ, giúp thân an, tâm an. Từ đó tâm dễ đi vào định.
III. CÁC ĐỀ MỤC CỦA THIỀN CHỈ (ĐỊNH)
Sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), do Luận sư Buddhaghosa (ngài Phật Âm) người Ấn Độ soạn thảo. Tác phẩm này được Trưởng lão Nànamoli Thera người Anh tu tại Tích Lan dịch sang Anh văn. Sau này, Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch từ bản tiếng Anh sang Việt ngữ. Sách Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến 40 đề mục hành thiền và phân loại như sau: Mười biến xứ, mười bất tịnh, mười tùy niệm, bốn phạm trú, bốn vô sắc xứ, một tưởng và một phân tích.
- 10 biến xứ: Đất, nước, gió, lửa, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hư không.
– 10 bất định tướng: Là 10 giai đoạn trong tiến trình phân hủy của một tử thi. Đó là thây trướng phình, thây xám xịt, thây máu mủ, thây nứt nẻ, thây bị thú ăn, thây phân lìa, thây rã rời, thây chảy máu, thây bị sâu dòi đục, bộ xương.
– 10 tùy niệm: Là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm Giới, tùy niệm bố thí, tùy niệm chư Thiên, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở và tùy niệm sự bình an (Niết-bàn).
– 4 phạm trù Từ, Bi, Hỷ, Xả không giới hạn. Những đề tài thiền này còn được gọi là Tứ Vô Lượng Tâm.
– 4 Vô sắc là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là những đối tượng đưa đến bốn thiền chứng tương ưng gọi là thiền Vô sắc.
- Một đề mục tưởng: Quán tưởng thức ăn bất tịnh
– Một đề mục phân tích: Là sự phân tích tứ đại, tức phân tích thân này thành bốn yếu tố đất, nước, lửa, gió.
IV. NĂM TRIỀN CÁI
Triền nghĩa là trói buộc. Cái là ngăn che, cản trở. Năm triền cái là năm chướng ngại cản trở sự thành công trong hành thiền và phát tuệ giải thoát. Đức Phật liệt kê những pháp chướng ngại đó là: Tham, Sân, Hôn trầm/Thụy miên, Trạo cử/Hối quá, Hoài nghi. Hành giả tu thiền cần phải nhận diện nó rõ ràng để diệt trừ nó.
1) Tham dục : Là trạng thái mong cầu dục lạc qua năm giác quan của hình dáng, âm thanh, mùi hương, vị nếm và cảm xúc. Thí dụ đơn giản như đang lúc ngồi thiền, mà muốn đứng dậy xem tivi, muốn đi ngủ, muốn tìm cái gì để ăn khi cảm thấy đói, hoặc mũi ngửi thấy mùi hương trầm, tâm thích thú theo dõi mùi hương thơm đó, khiến quên luôn chủ đề đang thực tập. Đang ngồi thiền, tâm khởi muốn này cái, muốn cái kia, những mong muốn này chính là tham dục, nó khiến cho mình không thích ngồi thiền nữa. Cho nên tham dục là triền cái thứ nhất ngăn trở việc hành thiền.
2) Sân hận: Chỉ trạng thái bực bội, không chấp nhận, muốn chối bỏ. Chẳng hạn như ngồi thiền đau lưng, đau chân, hoặc ngồi lâu cảm thấy mệt, bực bội, nổi sân, không muốn ngồi thiền nữa. Cái sân này cản trở khiến hành giả không hành thiền được.
3) Hôn trầm/Thụy miên: Hôn trầm là trạng thái uể oải, lười biếng, chán chường. Thụy miên là trạng thái rủ rượi, thụ động, buồn ngủ. Hai chi pháp hôn trầm, thụy miên này có chung tính chất là không thích nghi với đề mục, nó khiến cho niệm biết của hành giả trở nên lỏng lẻo, yếu ớt, rời rạc, và từ đó đưa đến sự ngủ gục ngay trong khi thiền mà hành giả không hề hay biết.
4) Trạo cử/ Hối quá : Chỉ trạng thái tâm lăng xăng, bồn chồn, lo lắng, suy nghĩ lung tung, như con “khỉ chuyền cành” không bao giờ chịu ngồi yên. Khi ngồi thiền chúng ta mới thấy cái tâm mình quá loạn động, nhớ nghĩ lung tung , đó là tâm phóng dật. Còn hối quá là trạng thái đặc biệt của trạo cử, là nghiệp quả do chúng ta ăn năn những việc sai trái mình đã gây ra. Khi chúng ta ngồi yên thì những điều sai trái đó trồi lên khuấy động cái tâm. Trạo cử và hối quá có chung tính chất là khuấy động tâm khiến tâm không được an.
5) Hoài Nghi: Là trạng thái nội tâm đặt nhiều câu hỏi rối ren trong lúc hành giả cần yên lặng để tiến sâu hơn vào tâm thức. Thông thường hoài nghi 4 điều: Phật, Pháp, Tăng và học giới. Về đức Phật thì ít nghi. Về Pháp thì hoài nghi tự hỏi “không biết có pháp đang tu tập có đưa đến kết quả tốt không?” Nghi ngờ học giới do Thầy mình truyền dạy “không biết vị Thầy dạy mình đã đắc thiền chưa? Thầy dạy có đúng không?” Lại còn hoài nghi lo sợ “không biết mình tu tập như vầy có đạt được kết quả gì hay không?” Những thắc mắc nghi ngờ đặt không đúng thời đúng lúc khiến tâm dao động, làm lu mờ tánh biết thanh tịnh trong lúc tọa thiền.
Năm triền cái này là những pháp chướng ngại khiến hành giả không thể hành thiền được. Trong kinh ví năm loại triền cái giống như năm dạng nước vẩn đục như: - Tham dục giống như tô nước bị pha lẫn các màu xanh, vàng, đỏ, trắng - Sân giống như nồi nước bị đun sôi sùng sục. – Hôn trầm thụy miên giống như hồ nước bị rong rêu che phủ. – Trạo hối giống như mặt nước bị gió thổi chao làm cho gợn sóng. - Nghi được ví như hồ nước bị quậy bùn đục ngầu. (Tương Ưng Bộ Kinh, Chương II, phẩm VI, mục 55, tr.126-129)
Một thau nước hay một hồ nước bị năm thứ này vẩn đục, thì không thể soi mặt, không thể thấy gì dưới đáy thau. Cũng vậy khi tâm bị năm triền cái ám thì tâm bị ô nhiễm không thể vào định được. Trong kinh Đức Phật ví tâm người ô nhiễm là hồ nước đục. Muốn cho tâm yên lặng trong sạch. Hành giả tu tập làm xuất hiện năm thiền chi, mỗi nhân tố thiền chi sẽ chế ngự được một triền cái.
V. “NĂM THIỀN CHI” LÀ GÌ?
Nhân duyên khiến năm triền cái bị triệt tiêu là năm thiền chi. Năm thiền chi đó là: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định (Nhất tâm). Ý nghĩa của các thiền chi như sau:
1) Tầm (vittaka): Nghĩa đen là “tư duy”, là “suy nghĩ ” thường xuất hiện với chữ Tứ trong kinh. Tầm là tâm sở có nhiệm vụ hướng tâm, mang tâm đến đề mục thiền định. Giống như một con bướm, con ong tìm thấy một bông hoa và hăng hái bay về hướng bông hoa, đó là Tầm.
2) Tứ (vicãra): Tứ thường có nghĩa là rà soát, kiểm tra. Ở đây tâm sở Tứ có nhiệm vụ rà soát, neo tâm, duy trì tâm gắn kết trên đề mục thiền. Như vậy Tầm đem tâm đến đối tượng thiền. Còn Tứ neo chắc, dán chắc tâm trên đối tượng thiền ấy. Canh chừng giữ cho chú bướm đậu trên đóa hoa đó là nhiệm vụ của Tứ.
3) Hỷ (pĩti): Hỷ là một tâm sở, không phải cảm thọ. Hỷ là sự hứng thú, hân hoan, vui thích trên đối tượng. Như chú bướm hứng thú hút nhụy hoa, đó là Hỷ.
4) Lạc (sukha): Lạc là tâm sở có trạng thái dễ chịu, thỏa mãn hài lòng, bình yên, an ổn... trên đề mục thiền định. Hút mật hoa thoải mái, chú bướm thỏa mãn hài lòng đó là lạc.
5) Nhất tâm (Ekaggatã) hay là định: Là trạng thái an chỉ, yên lặng, bất động trên đề mục khi tất cả các triền cái vắng mặt.
Mỗi thiền chi có chức năng và nhiệm vụ để chế ngự và đoạn trừ mỗi triền cái tiêu biểu. - Chi Tầm hoạt động hướng tâm đến đối tượng, nên chế ngự tâm lười biếng không muốn để ý đến đối tượng, đó là triền cái hôn trầm thụy miên. - Chi Tứ rà soát, thấy rõ tâm đang dán chặt vào đối tượng, nên đoạn trừ triền cái hoài nghi. - Chi Hỷ là sự hân hoan vui thích trên đối tượng. Hân hoan vui thích đối nghịch với triền cái sân là bất mãn, không ưa. - Lạc là tâm sở hài lòng, bình an, đoạn trừ triền cái trạo hối là dao động và hối hận là hối quá. - Nhất tâm hay định, là trụ tâm vững chắc vào đối tượng, không còn quan tâm đến những gì khác nên đoạn trừ triền cái tham dục.
Bên cạnh chức năng và nhiệm vụ chính là mỗi thiền chi đoạn trừ mỗi triền cái tương ứng. Các thiền chi cũng làm nhân làm duyên, để hỗ trợ nhau trong việc đoạn trừ năm triền cái. Như Tầm tạo duyên cho Tứ. Tứ tạo duyên cho Hỷ. Hỷ tạo duyên cho Lạc. Lạc tạo duyên cho Định.
VI. BỐN TẦNG THIỀN HỮU SẮC
– Sơ thiền: Muốn chứng Sơ thiền, trong kinh dạy hành giả phải “ly dục, ly bất thiện pháp” và có đủ 5 yếu tố xuất hiện trong tâm, đó là: “Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm”. Thế nào là ly dục? Ly dục là lìa xa ham muốn, không riêng những ái nhiễm đam mê thể xác, mà tất cả những đam mê của mắt, tai, mũi, lưỡi đều phải xa lìa hết. Nói cách khác khi hành giả ngồi thiền với tâm tĩnh lặng không ham không muốn, không mong không cầu gì hết, thì đó là ly dục. Còn ly bất thiện pháp, là khi ngồi thiền, tâm hành giả chỉ đặt trên đề mục hành thiền, không nghĩ ác, thân ngồi yên một chỗ, không làm phiền hay tổn hại đến bất cứ ai. Nhờ vậy mà có hỷ lạc. Hỷ lạc này có được là do Tầm do Tứ mang đến.
- Nhị thiền: Từ Sơ thiền tiến lên Nhị thiền, hành giả tịnh chỉ Tầm và Tứ, chỉ còn Hỷ, Lạc, Nhất tâm, chứng và trú thiền thứ Hai. Một trạng thái Hỷ Lạc do định sanh, không Tầm không Tứ, nội tĩnh nhất tâm. Sở dĩ bây giờ hành giả không cần Tầm Tứ nữa, là vì tâm hành giả đã gắn chặt vào đối tượng, không bị hôn trầm hay trạo cử kéo tâm đi lang thang, nên không cần đến Tầm Tứ nữa. Phải buông bỏ Tầm Tứ đi!
- Tam thiền: Từ Nhị thiền, muốn đạt được tầng thiền thứ Ba, hành giả phải ly Hỷ trú Xả. Nghĩa là hành giả buông yếu tố Hỷ, trú vào tâm Xả tức trú vào tâm Định (Nhất tâm). Bây giờ chỉ còn Lạc và Nhất tâm. Trong kinh ghi hành giả ly Hỷ trú Xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ, mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm, lạc trú” chứng thiền thứ Ba.
- Tứ thiền: Hành giả xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu, đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Đến tầng thứ tư có 4 yếu tố để xả. Thứ nhứt là Lạc. Thứ hai là Khổ. Thứ ba là Hỷ, và thứ tư Ưu. Bốn yếu tố này thuộc về cảm thọ. Cảm thọ thân thì có Lạc thọ và Khổ thọ. Cảm thọ tâm thì có Hỷ thọ và Ưu thọ. Lạc là sung sướng. Khổ là đớn đau. Hỷ là mừng vui. Ưu là buồn bả. Khi thân tâm hoàn toàn yên lặng sâu lắng, thì những cảm thọ có từ trước của thân và tâm trồi lên. Thiền gia cũng phải buông bỏ luôn. Trạng thái Tứ thiền là trạng thái tâm tập trung tuyệt đối. Có thể nhập định liên tục bảy ngày không ăn, không uống, không ngủ nghỉ, bởi vì vị đó có “Thiền duyệt thực” duy trì được đời sống.
Vậy thì 4 cấp độ thiền hành giả tu tập đã đi qua đó là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Chúng ta nhớ: Sơ thiền thì có đầy đủ 5 thiền chi. Nhị thiền bỏ Tầm Tứ. Đạt đến Tam thiền thì bỏ thêm Hỷ. Đạt tứ thiền thì bỏ luôn cả Lạc, chỉ còn đúng Định thôi. Chính cái định này nó giúp thiền gia lắng đọng được tâm tư cắt đứt mọi phiền não. Bốn tầng thiền này gọi là Tứ thiền Hữu Sắc.
Sau khi đắc bốn tầng thiền hữu sắc. Nếu muốn hành giả có thể chọn tu tập tiếp: - Một là chứng bốn tầng thiền vô sắc. – Hai là phát triển các thần thông. – Ba là phát huy trí tuệ bằng thiền Quán (Vipassana) để đoạn trừ các lậu hoặc và giải thoát khỏi luân hồi (samsãra)
VII. BỐN TẦNG THIỀN VÔ SẮC
- Không vô biên xứ: Hành giả nhận thức ở đây là không gian bao la, vô biên, bất tận... không có một ranh giới khởi đầu cũng như tận cùng nào, để có thể nhận thức về nó.
– Thức vô biên xứ: Sự phát triển của tâm thức không bị giới hạn bởi bất cứ một áp lực nào. “Nhận thức không vô biên xứ” của tầng thiền vô sắc thứ nhất, là đề mục của tầng thiền vô sắc thứ hai, nên tự thân của tầng thiền thứ hai này là “Thức vô biên xứ”
– Vô Sở hữu xứ: Nghĩa là nơi “không có gì cả” (vô sở hữu xứ). “Không có gì” là do hành giả không hướng tâm đến đề mục “Thức vô biên xứ” mà chỉ tác ý đến sự phi hữu (không có gì), sự vắng mặt của Thức và tất cả mọi thứ. Thực hành như vậy, hành giả trú vào chỗ “không có cái gì” hết!
- Phi tưởng phi phi tưởng: “Không tưởng, nhưng không phải không có tưởng” nghĩa là một mặt không có tưởng thô, nhưng vẫn còn tưởng vi tế. Với bậc thiền vô sắc thứ tư này, tâm đạt đến mức phát triển tột bực trong thiền Định.
VIII. NĂM PHÁP THẦN THÔNG
Hành giả khi đắc Tứ thiền, nếu muốn có thần thông, vị ấy câu hữu với pháp tu “Tứ Như Ý túc” gồm các yếu tố: Dục, Cần, Tâm (định), Tuệ (quán)...lần lượt hướng đến Túc mạng thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhỉ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông, sẽ có khả năng đạt các loại thần thông đó.
1) Thần thông: Một thân biến thành nhiều thân, độn thổ (đi xuống lòng đất), bay trên trời (đằng vân), đi xuyên qua tường, đi xuyên qua núi v.v...
2) Thiên nhãn thông: Mắt nhìn xa không hề bị ngăn ngại. Có thể ngồi một chỗ mà thấy nhiều nơi khác không trở ngại.
3) Thiên nhỉ thông: Tai có thể nghe được tất cả các loại âm thanh. Nghe tiếng của chúng sanh ở cảnh giới trời, cảnh giới người. Nghe gần nghe xa không trở ngại.
4) Túc mạng thông: Thấy biết được những kiếp quá khứ của chúng sanh.
5) Tha tâm thông: Biết được những suy nghĩ, tâm tư của người đối diện..
Người tu thiền Định có thể đắc ngũ thông. Những người khác đạo Phật cũng có thể đạt được năm loại thần thông này. Nhưng thần thông thứ sáu gọi là Lậu Tận Thông, thì chỉ những ai tu theo đạo Phật mới có thể chứng được. Chỉ có Lậu Tận Thông mới dứt trừ phiền não và thoát khỏi luân hồi sinh tử. Đây là điểm đặc sắc chỉ đạo Phật mới có. Tu Thiền Định câu hữu với Tứ Như Ý Túc thì có thể chứng được Ngũ thông, nhưng chưa giải thoát khỏi Tam giới. Phải tu thêm Thiền Tuệ, tức tu Quán (Vipassana) thì mới thành tựu được Lậu Tận Thông đắc quả Vô sanh.
IX. TÓM KẾT
“Thiền Chỉ” hay “Thiền Định” là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, tạo sự an vui (sukkha) hỷ lạc cho hành giả. Nhưng phiền não (dukkha) và bản ngã vẫn có mặt sau khi xuất định. Như vậy định chưa hoàn toàn triệt tiêu phiền não. Định chỉ mới đè nén phiền não thôi! Giống như tảng đá lớn đè lên đám cỏ. Rể vẫn còn nằm dưới đất. Khi dời tảng đá đi chỗ khác, thì cỏ có khả năng mọc lại. Cho dù hành giả đạt được các tầng thiền hữu sắc, vô sắc, hay luyện tập đắc các thần thông cũng chưa thể thành tựu sự chứng ngộ Niết-bàn, là mục tiêu tối hậu của đạo Phật. Đó là lý do tại sao mà đức Thế Tôn không dừng lại ở bốn tầng thiền Hữu sắc hay Vô sắc.
Muốn xuất ly sinh tử, thoát khỏi luân hồi, hành giả phải bước qua giai đoạn thứ hai đó là thiền Tuệ. Thiền Tuệ tức là thiền Quán. Nhờ thiền Chỉ, hành giả đạt được Tâm giải thoát. Nhờ thiền Tuệ, hành giả sẽ đạt được Tuệ giải thoát. Chúng tôi tạm ngưng chủ đề thiền Chỉ nơi đây. Lần sau chúng ta tìm hiểu về thiền Quán. Chúc tất cả quý thiền sinh một ngày an lạc trong tâm Chỉ. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(May 09.2024)