Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Thích Nữ Hằng Như - THÁNH NI KHEMA, ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ TRONG HÀNG NI GIỚI

08 Tháng Mười Một 202211:48 CH(Xem: 2999)
Thích Nữ Hằng Như - THÁNH NI KHEMA, ĐỆ NHẤT TRÍ TUỆ TRONG HÀNG NI GIỚI




Nhân vật Phật Giáo:

Thánh Ni Khema, đệ nhất trí tuệ trong hàng Ni giới

ThichHangNhu

Thích Nữ Hằng Như

 


I. DẪN NHẬP

Kể từ khi thành đạo cho đến lúc đức Phật nhập Niết-Bàn.  Trong thời gian 45 năm hoằng pháp, xung quanh Ngài tỏa sáng hào quang thành tựu của nhiều đệ tử cả nam lẫn nữ, cả người xuất gia lẫn tại gia. Đặc biệt, về phía Tăng đoàn, có 10 vị được kinh điển nhắc nhở đến rất nhiều, được xưng tán là “Thập Đại Đệ Tử của Đức Phật”. Dưới sự giáo giới của đức Phật, mười vị Đại đệ tử đó tinh tấn tu tập và nêu cao đạo hạnh cùng sở trường ưu tú nhất, được xem là 10 tấm gương sáng trong Tăng đoàn. Vị nào cũng tràn đầy năng lượng, đã đắc quả A-la-hán khi còn tại thế. Đó là: 1) Tôn giả Xá-Lợi-Phất (Sariputta): Trí tuệ đệ nhất.  2) Tôn giả Mục-Kiền-Liên (Moggallana): Thần thông đệ nhất. 3) Tôn giả Ma-Ha-Ca-Diếp (Mahakassapa): Đầu đà đệ nhất. 4) Tôn giả A-Nâu-Đà-La (Anurauddha): Thiên nhãn đệ nhất. 5) Tôn giả Tu-Bồ-Đề (Subhuti): Giải Không đệ nhất. 6) Tôn giả Phú-Lâu-Na (Punna): Thuyết pháp đệ nhất. 7) Tôn giả Ca-Chiên-Diên (Katyayana-Kaccayana/Kaccana): Hùng biện đệ nhất. 8) Tôn giả Ưu-Bà-Ly (Upali): Trì giới đệ nhất. 9) Tôn giả Anan (Ananda): Đa văn đệ nhất. 10) Tôn giả La-Hầu-La (Rahula): Mật hạnh đệ nhất.

Bên hàng Ni chúng cũng có các nữ tôn giả xuất sắc được đức Phật ấn chứng khen ngợi như: Tỳ-khưu-ni Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Mahã Pãjãpati Gotamĩ) người Trung Hoa dịch là Đại-Ái-Đạo, là Di mẫu Kiều-Đàm-Di của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta. Bà là vị Ni trưởng thánh hạnh đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, được đức Phật tuyên dương là vị Tỳ-khưu-ni có kinh nghiệm bậc nhất trong việc lãnh đạo Ni chúng. Nữ tôn giả Khema là vị thánh ni có Đại Trí tuệ tối thắng bậc nhất. Thánh ni Uppalavanna (Liên Hoa Sắc) tối thắng về  thần thông. Thánh ni Patacara là vị nổi tiếng Trì luật tối thắng. Thánh ni Sakula được xem là vị có thiên nhãn tối thắng nhất trong hàng Ni chúng v.v… và v.v…

Trong chương trình học của Thiền Tánh Không, qua chủ đề “Tiến trình tu chứng và thành đạo của Đức Phật Thích Ca”, chúng ta đã quen thuộc với hai danh xưng Kiều Đàm Di là di mẫu của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta và Da-Du-Đà-La là hôn thê của Ngài. Có dịp chúng ta sẽ tìm đọc về cuộc đời tu tập của hai vị thánh ni này. Hôm nay chúng ta cùng nhau lật lại trang cổ sử tìm hiểu về cuộc đời vô cùng thú vị và xuất chúng của vị Tỳ-khưu-ni lỗi lạc, vang danh bậc nhất về Đại Trí Tuệ trong Ni giới. Đó là nữ tôn giả Khema. Đặc biệt là Khema đã chứng quả Thánh cao thượng, chỉ sau một thời pháp của đức Phật, ngay khi bà còn là một hoàng phi cao sang quyền quý, chưa hề xuất gia, chưa hề quy y Tam Bảo, chưa phải là đệ tử của đức Phật Gotama.

 

                                   II. KHEMA, BÀ QUÝ PHI XINH ĐẸP CỦA HOÀNG ĐẾ BIMBISARA

 Từ  Khema mang ý nghĩa là “an lạc”, là “điểm tỉnh”. Tỳ-khưu-ni Khema xuất thân từ gia đình hoàng tộc ở vương quốc Ma-Kiệt-Đà. Cô có nhan sắc vô cùng diễm lệ, là quý phi được hoàng đế Bimbisara (Tần-Bà-Sa-La) sủng ái nhất. Bà quý phi này rất say mê sắc đẹp của bản thân. Bà luôn tự hào và hãnh diện về nhan sắc của mình.

Đức vua Bimbisara là một vị vua rất kính ngưỡng Tam Bảo, vua và chánh cung hoàng hậu Videhi đều là đệ tử thuần thành của đức Phật. Cả hai đã đạt quả vị Nhập Lưu, nên hiểu rõ về lý Nghiệp-Quả, nhận thức rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, vô ngã. Tuy yêu nhan sắc chim sa cá lặn của quý phi, nhưng sau khi học và hiểu giáo pháp, đức vua có nhận định rằng sắc đẹp mỹ miều của quý phi hiện tại trông giống như đóa hoa xinh đẹp đang tỏa hương thơm ngào ngạt quyến rủ ong bướm, nhưng theo thời gian đóa hoa sẽ tàn, nhụy hoa sẽ rửa. Sắc đẹp đó, sao bằng vẻ đẹp của tâm hồn! Khi tâm người có tu tập thấm nhuần hương vị chánh pháp, thì hương vị đó còn mãi và ngày một thăng hoa khởi sắc từ đời này sang đời khác. Đức vua muốn thức tỉnh cơn mê của quý phi, không muốn để nàng chìm đắm vào nhan sắc giả tạm của mình mãi như thế! Nhiều lần đức vua cố gắng tạo duyên cho quý phi Khema đến đảnh lễ đức Phật. Nhưng tất cả những cố gắng của đức vua đều bị bà quý phi yêu dấu này từ chối thẳng thừng. Nàng vẫn cương quyết cho rằng trên đời này không có gì quý bằng nhan sắc của chính nàng. Trả lời đức vua, bà nũng nịu nói rằng:

- Tâu đại vương, thần thiếp đồng ý và tin lời đại vương nói! Rằng là đức Thế Tôn ấy có 32 quý tướng, 80 vẻ đẹp. Rằng là Ngài ấy toàn hảo về mọi đức hạnh, quyền năng và trí tuệ. Thế gian xưng tán Ngài ấy là Thầy của chư thiên và loài người, thần thiếp cũng không hồ nghi! Nhưng thực tâm mà nói, thần thiếp không muốn gặp Ngài  ấy!

Gặn hỏi còn lý do nào khác mà nàng nhứt định không chịu đến đảnh lễ đức Phật, thì bà trả lời:   

- Tâu đại vương,  thần thiếp còn nghe nói rằng đức Thế Tôn ấy thường có lời khiếm nhã coi thường nữ giới, đôi khi mỉa mai, chê cười sắc đẹp của phụ nữ. Nghe nói nhiều lần Ngài ấy giảng cho đệ tử: đẹp gì, quý gì, mỹ miều gì… cái túi da chứa đựng những thứ bất tịnh bên trong, mà suốt ngày lo xông hương, ướp phấn. Hiện tại thần thiếp rất hạnh phúc với nhan sắc trời ban và được đại vương hết mực yêu thương. Thần thiếp không mong muốn điều gì khác. Nếu còn yêu thần thiếp thì cầu xin đại vương đừng ép thần thiếp đến đó được không?

Nghe bà quý phi xinh đẹp nói như vậy, đức vua biết được điểm yếu của ái phi mình rồi! Cái gì đối nghịch với nhan sắc của bà là không được! Bà không đến viếng thăm đức Thế Tôn là tránh không muốn nghe những lời bình phẩm về nhan sắc của bà trước mặt nhiều người, rồi sau đó lại nghe lời rao giảng hãy buông bỏ đam mê ngũ dục, hãy sống đời thiểu dục thanh cao. Những điều này ngược với sự mong muốn của bà, bởi hiện tại bà đang hưởng một cuộc sống mỹ mãn, đang ngồi trên ngôi vị cao sang, sở hữu một nhan sắc tuyệt trần, được hoàng đế sủng ái, và đang là một ngôi sao sáng chói trước những đôi mắt thèm thuồng của thế nhân!

Bấy giờ đức vua không hối thúc hoàng  phi nữa, mà triệu tập quân sư hiến kế. Quân sư đề nghị triều đình tổ chức các cuộc tuyển lựa sáng tác những bài thơ, bản nhạc… nhằm ca ngợi khu vườn thượng uyển Veluvana do đức vua cúng dường lên đức Phật và giáo hội. Nơi đó có hương thất, có giảng đường, có nhiều loại trúc trồng trong khu vườn nên đức Thế Tôn đặt tên là Trúc Lâm, là chỗ trú ngụ của đức Phật và Tăng đoàn. Thế là có nhiều sáng tác ca ngợi Trúc Lâm  đại tịnh xá là một nơi khả ái, khả hỷ, khả lạc, là một khung cảnh nên thơ hữu tình vô cùng xinh đẹp. Bất cứ ai bước vào khu đất thánh đó, chắc chắn tâm hồn người ấy sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát,  mát mẻ, dễ chịu… Tiếp theo là những bài hát vẻ vời, ca ngợi tôn vinh cảnh trí Trúc Lâm không thua kém gì vườn Hỷ Lâm (Nadavana) là thắng cảnh đệ nhất trên khung trời Đao Lợi, là nơi mà Đế Thích Thiên Chủ rất yêu thích, thường hay cùng các thiên nữ đến đó du ngoạn. Những mô tả quá sức tưởng tượng này, ngày một nhiều, và được mọi người truyền tụng ca vang, khiến hoàng phi Khema nổi tính hiếu kỳ, nhưng cũng chưa muốn đến viếng thăm Trúc Lâm đại tịnh xá.

 

                                                             III. QUÝ PHI KHEMA ĐẮC QUẢ THÁNH

Dù quý phi Khema không muốn, nhưng một ngày nọ hoàng đế Bimbisara ra lệnh các hoàng phi phải tháp tùng cùng Ngài và hoàng hậu Videhi đến tịnh xá Trúc Lâm viếng thăm đức Thế Tôn. Đến tịnh xá Trúc Lâm, quả như lời ca tụng, nơi đây là một khung cảnh xanh tươi, trong lành, mát mẻ. Cả không gian, đâu đâu cũng yên lặng, êm ả, thanh bình. Một niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa trong tâm hồn quý phi Khema.

Đức vua Bimbisara cùng đoàn tùy tùng tiến vào giảng đường đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đang trầm tĩnh tọa thiền trên bục đá.  Nơi Ngài toát ra vẻ vừa uy nghi, vừa an nhiên thoát tục. Vua Bimbisara cùng hoàng hậu và các hoàng phi tiến đến cung kính đảnh lễ Người. Nhà vua thăm hỏi Thế Tôn, bày tỏ niềm mong nhớ Thế Tôn khi Người vắng mặt suốt ba tháng qua, và thỉnh đức Thế Tôn thuyết pháp.

Trong lúc Thế Tôn đang giảng cho đại chúng. Ngài đọc được tâm ý của quý phi Khema và biết đã đến lúc có thể chuyển hóa tâm tư của vị quý phi này. Ngài bèn dùng thần thông tạo ra hình ảnh một cô thiên nữ đẹp tuyệt trần đứng hầu quạt cạnh Ngài. Nhìn thấy cô thiên nữ, Khema sững sờ kinh ngạc vì không ngờ bên cạnh đức Thế Tôn lại có một giai nhân tuyệt sắc như thế! Trước giờ, bà nghĩ chỉ một mình bà là người xinh đẹp nhất, đẹp hơn cả chánh cung hoàng hậu. Nhưng hôm nay, sánh với nhan sắc của nàng thiên nữ, thì nét đẹp của bà chỉ ngang với ánh sáng lập lòe của những con đom đóm trong đêm. Còn nàng thiên nữ kia thì rạng rỡ như trăng rằm trùm khắp. Khema thầm nhủ: “Từ trước đến nay, ta chưa hề thấy một mỹ nhân nào tuyệt sắc như vậy, so với nàng ta thật xấu xí !”.

Hoàng phi Khema quay sang nói với tỳ nữ bên cạnh: Em trông người con gái đứng bên cạnh Thế Tôn kìa! Ôi chao, cô ấy từ đâu đến, mà đẹp tuyệt trần đến vậy?

Người nữ tỳ trả lời trong sự ngạc nhiên : “Dạ thưa hoàng phi, con chỉ thấy có một mình đức Thế Tôn mà thôi ạ!”

Hoàng phi ngỡ ngàng khi nghe tỳ nữ nói thế!  Bà dán chặt ánh mắt của mình vào cô gái và tự hỏi:  “Cô ấy thật là đẹp, đẹp tựa như một thiên thần, vậy mà không có ai nhìn thấy nàng sao? Thế Tôn bảo thân thể này là đáng chán mà lại có một tuyệt sắc giai nhân đứng bên cạnh Người. Xem ra Người không hề khinh thường sắc đẹp như lời thiên hạ đồn đãi”.  Bản tánh kiêu ngạo của bà hoàng phi, bị vẻ đẹp thần thánh của thiên nữ lung lay, và dường như bà có vẻ tự hạ mình chịu thua!

Hoàng phi Khema chăm chú theo dõi không rời từng cử chỉ nhẹ nhàng phe phẩy quạt của thiên nữ.  Đôi má hồng mịn, cặp mắt long lanh, mái tóc óng ánh bồng bềnh, đôi môi mộng ngọt chúm chím nửa như mỉm cười lộ hàm răng trắng đều như ngọc, nửa như lại mím môi nủng nịu, trông thật đáng yêu làm sao? Thời gian vừa đủ cho bà hoàng phi mê mệt với nét đẹp thanh tân của tiên nữ, đức Thế Tôn tiếp tục biến hóa hình ảnh mỹ nhân này, từ một thiếu nữ thanh xuân, dần dần thành thiếu phụ trung niên, rồi thành một bà lão già nua lưng còng, má hóp, môi thâm. Đôi mắt long lanh trong sáng ban nãy giờ trông tối tăm mờ đục.  Hàm răng trắng đều như hạt bắp giờ rụng hết chỉ còn lại một hai chiếc nhọn quắc và vàng quánh chỉa ra ngoài, nước miếng, nước dải, rỉ hai bên mép trông thật gớm ghiếc. Làn da trắng nõn nà ban nảy giờ nhăn nheo xám xịt. Mái tóc đen óng ả giờ chỉ lưa thưa vài chùm tóc bạc còn dính lại trên da đầu nhăn nhíu. Cuối cùng thân hình còm cõi, yếu ớt, xấu xí đó gập ngã xuống mặt đất lăn lộn đau đớn, rồi chết dưới chân đức Thế Tôn. Chưa hết, xác chết mau chóng trương xình, thối rửa, tan rả chỉ còn bộ xương khô. Rồi bộ xương ấy cũng tan thành tro bụi, bay mất trong hư vô.

Mục kích cảnh này, Khema sợ hãi, kinh hoàng, toàn thân bủn rủn. Bà thầm nghĩ: “ Ôi, một hình hài trẻ trung đẹp đẽ trước mặt ta, chỉ trong phút chốc lại tàn hoại, biến mất nhanh chóng như thế sao? Thân xác của ta rồi cũng không thoát khỏi cảnh này, ôi ghê rợn quá!”

Đức Phật thấy bà hoàng Khema  đã nhận ra bài học vô thường, Ngài  hướng về bà cất lời trầm ấm nhưng đầy xác quyết: “Này Khema, thân này là giả tạm, vô thường không thể tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Thân này là bất tịnh, chỉ là cái túi da mỹ miều, chứa đựng bên trong những thứ hôi thối, dơ bẩn. Chỉ những kẻ si mê mới đắm say thân xác ấy”.

Ngay phút giây ấy, gương mặt hoàng phi chợt sáng hẵn ra, bầu trời chân lý bỗng hé mở huy hoàng trong tâm trí bà. Bằng niềm tôn kính Tam Bảo tột cùng, bà chấp tay quỳ xuống đảnh lễ và thổn thức thưa với đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con đã thấy pháp, con đã ngộ pháp. Phàm tất cả những gì có sinh thì phải có diệt.

 Biết rằng hoàng phi đã chứng quả Dự Lưu. Thế Tôn dịu dàng nói tiếp: “Này Khema, người đắm say ái dục. Giống như ruồi sa lưới nhện. Chịu đau khổ ràng buộc. Rồi cuối cùng cũng tiêu tan. Chỉ có bậc trí tuệ tột cùng đã đoạn trừ ái dục, mới có thể giải thoát viên mãn, đạt đến hạnh phúc tối thượng”.

Thế Tôn vừa dứt lời, toàn thân hoàng phi rung lên, phát ra ánh sáng kỳ diệu. Ngay khi ấy hoàng phi Khema chứng ngộ thánh quả A-la-hán.

Đức vua Bimbisara, các vị hoàng phi, tỳ nữ, cận vệ, cư sĩ và ngay cả  hàng Tăng chúng chứng kiến cảnh này vô cùng kinh ngạc không tin vào sự kiện xảy ra trước mắt mình là sự thật.

Bấy giờ đức Thế Tôn lên tiếng xác chứng:

- Này vua Bimbisara, Khema đã giải thoát, chỉ có thể sống đời xuất gia, hoặc nhập Niết-bàn, chứ không thể sống đời thế tục thêm nữa!

Nghe đức Thế Tôn tuyên bố như thế,  vua Bimbisara vô cùng sửng sốt, ông vội quỳ xuống cầu xin trong niềm xúc động:

- Kính xin Thế Tôn hãy khoan để hoàng phi nhập Niết-bàn! Xin hãy để hoàng phi được xuất gia trong Ni đoàn của Người ạ!

Đại chúng bắt đầu xôn xao, thắc mắc, không hiểu vì sao hoàng phi chưa tu hành ngày nào, chỉ gượng ép đi cùng nhà vua đến nghe Pháp mà chứng được quả vị giải thoát tột cùng như thế!

 

                  IV.  CÂU CHUYỆN TIỀN THÂN CỦA HOÀNG PHI KHEMA

Không phải hoàng phi Khema chứng quả A-la-hán dễ dàng do bởi bà được may mắn gặp đức Phật Gotama như đại chúng nghĩ, mà do bà có căn duyên với Phật Pháp trong nhiều kiếp quá khứ. Kiếp nào bà cũng tu tập hành trì bố thí, tinh cần thiền định, thiền tuệ, giữ gìn giới đức và đã được đức Phật Padumuttara ấn chứng sẽ có ngày bà thành tựu viên mãn trở thành vị Tỳ-khưu-ni đại trí tuệ. Nay đủ duyên lành đức Phật Gotama đã dùng thần thông vén màn tử sinh, cho bà thấy sự vô thường của một kiếp người, và đã rót vào tâm bà bài pháp khai ngộ tâm trí. Khema vốn có căn tu sâu dày từ thời cổ Phật Padumuttara cho đến kiếp vừa qua. Vì thế, bà mới thành tựu được đại nguyện chỉ trong chớp mắt ở đời hiện tại này!

Câu chuyện về các kiếp quá khứ của hoàng phi Khema được kể lại trong  Kinh Bổn Sanh, truyện Tiền Thân Đức Phật (các bài số 354, 397, 501, 502, 534 v.v…)

 Chuyện kể rằng: Cách đây 100 ngàn kiếp, từ thời cổ Phật Padumattara, Khema sinh ra là một nô tỳ cho một gia chủ trong thành phố Hamsavati. Đời sống của cô rất nghèo nàn và cơ cực, nhưng dung nhan cô vô cùng diễm lệ, nhất là mái tóc dài thả xuống tận gót chân. Một hôm cô gặp được trưởng lảo Sujatà vốn là đại đệ tử của đức Phật Padumuttara (Thắng Liên Hoa) đang thong dong trì bình khất thực. Cô phát lòng tịnh tín, nhưng không có tiền, chỉ có vài xu lẻ, đủ để mua một chiếc bánh ngọt, cô thành kính đảnh lễ đặt bát cúng dường.  Thấy cô có tấm lòng tịnh tín nên trưởng lão Sujatà gợi ý:

- Bánh thí tuy nhỏ nhoi, nhưng tâm cô tịnh tín và vô cùng thành kính thật đáng quý. Cô có ước nguyện gì không?

- Thân phận con thấp hèn, nào dám ước nguyện gì, chỉ mong ở một kiếp nào đó trong tương lai, có cơ duyên được sống đời xuất gia, nhẹ nhàng thanh thoát như tôn giả vậy!

Trưởng lão Sujatà khích lệ:

- Cơ duyên tốt đẹp sẽ tới và cô sẽ được toại nguyện!

Được sự khích lệ động viên như thế, nên khi nào có dịp, cô lại hoan hỷ đặt bát cúng dường, dù ít ỏi nhưng không bao giờ mệt mỏi. Trong một buổi lễ cúng dường lên đức Phật và chư Tăng, có sự tham gia của vua chúa, quan lại, thương gia, triệu phú. Người ta đua nhau chuẩn bị thực phẩm, thuốc men, tứ sự nhiều vô số kể!

Thấy vậy, cô rất tủi thân, bởi bản thân không có gì quý giá dâng lên đức Thế Tôn và chư Tăng trong dịp này. Chợt nhớ đến mái tóc hiếm có của mình. Cô bèn tìm đến cửa hàng trang điểm bán mái tóc, được một số tiền nhỏ nhoi. Cô nhanh chóng sắm lễ phẩm để chung hội thí cúng dường với mọi người... Bằng thiên nhãn, tha tâm thông, đức Phật Padumuttara thấu rõ tấm lòng của cô, nên hôm ấy, đức Ngài đã không dừng lại ở chỗ phú quý sang trọng của vua chúa, quan đại thần, hay của các triệu phú, thương gia, mà ôm bình bát tiến thẳng tới mâm vật thực nghèo nàn của cô gái. Ngài cho trải tấm tăng-già-lê xuống mặt đất, rồi nhẹ nhàng thanh tịnh ngồi xuống độ thực ngay tại chỗ. Cô gái quỳ xuống chấp tay hầu một bên, trên mặt tràn đầy nước mắt cảm động. Đức Phật hỏi cô có ước nguyện gì? Cô trình ước nguyện của mình lên đức Phật là sau này được trở thành một Tỳ-khưu-ni có sở đắc về trí tuệ.  Đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho bà được như nguyện!

 Sau kiếp sống ấy, do nhờ tâm tịnh tín và phước báu thù thắng, cô gái tái sanh luân chuyển trong các cõi trời và người, luôn được làm hoàng hậu, vương phi của các vị vua trời và các đức Chuyển luân thánh vương, sống một đời hạnh phúc.

Tương truyền rằng trong thời đức Phật Vippassi cách đây 91 đại kiếp, Khema từng là một Giáo thọ Tỳ-khưu-ni xuất chúng. Và trong thời kỳ giáo pháp của ba vị Phật trước đức Phật Gotama là đức Phật Kakusandha, Konagamaba và Kassapa (Ca-Diếp),  Khema là một nữ cư sĩ sanh trong gia đình cự phú đã phát tâm cúng dường xây cất nhiều Tu viện cho Tăng già.

Trong bất cứ thời nào, có sự hiện diện của một vị Phật, mặc cho chúng sanh u mê bám vào đời sống thế tục trôi lăn trong vòng luân hồi sáu cõi, thì Khema luôn luôn tìm cách tiếp cận với cội nguồn trí tuệ bằng cách nỗ lực tô bồi đức hạnh, làm lành tránh dữ, thanh lọc tâm ý. Đặc biệt dưới thời đức Phật Kassapa, bà tên là Samani, là trưởng công chúa, con đức vua Kiki nước Kasi, kinh thành Baranasi đã khẩn khoản xin xuất gia nhưng phụ hoàng và mẫu hậu không đồng ý. Tuy nhiên do căn duyên tu nhiều đời, trưởng công chúa và các công chúa em thường hay đi nghe pháp, sống rất có giới hạnh và bố thí cúng dường không mệt mỏi.

Còn trong những chu kỳ không có chư Phật, Khema tái sanh cùng thời với các vị Phật Độc Giác hoặc ở các vùng lân cận với Bồ tát là tiền thân của đức Phật Gotama. Kinh Bổn Sanh, Tiền Thân Đức Phật truyện số 354 có ghi một kiếp Khema là vợ của đức Bồ-tát, được Ngài khuyến khích mọi người trong gia đình nếu muốn sống hòa thuận an vui thì nên: “Tùy thứ mình có hãy năng bố thí, hành trì bố tác, giữ giới trong sạch, quán tưởng sự chết, suy niệm sinh diệt. Vì trong hoàn cảnh chúng sanh như ta, sống là bất định chết là nhứt định. Mọi pháp hữu vi đều phải hoại diệt, Hãy nên tinh cần tỉnh giác ngày đêm”. Và Khema đã nghe lời phu quân sống như vậy!

Tóm lại, do căn duyên tu tập chín muồi nhiều kiếp quá khứ như vậy, cho nên kiếp này khi gặp đức Thế Tôn lần đầu tiên tại tịnh xá Trúc Lâm,  chỉ trong chớp mắt sau khi được đức Phật khai ngộ qua hình ảnh vô thường vô ngã của một con người với nhan sắc thiên kiều bá mộng phút chốc tan hoại biến mất vào hư vô, đã giúp Khema chứng ngộ được sự thực tuyệt đối, chứng đắc thánh quả A-la-hán cao thượng.

Sau đó, hoàng phi Khema được nữ tôn giả Da-Du-Đà-La làm lễ xuất gia.  Ngày Khema phủi đi mái tóc dài thướt tha và thay bộ y phục lộng lẫy quý phái, cởi bỏ vòng vàng trang sức, để khoác lên mình tấm y hoại sắc giản dị, chính thức gia nhập Ni đoàn, là ngày tôn giả Khema bắt đầu một cuộc đời mới vô cùng thiêng liêng, với vô số hạnh nguyện của bậc A-la-hán vĩ đại.

 

                                V. “TRONG CÁC VỊ NỮ ĐỆ TỬ CỦA NHƯ LAI,

                      CÓ ĐẠI TRÍ TUỆ TỐI THẮNG LÀ TỲ-KHƯU-NI KHEMA”

Những vị A-la-hán là những vị đã đạt trí tuệ giải thoát tột cùng phủ trùm pháp giới. Mỗi vị có công hạnh, sở trường tối thắng và hành đạo theo cách riêng của mình. Tôn giả Khema được mệnh danh là đệ nhứt trí tuệ bởi Ngài có khả năng thấu hiểu mọi điều trong ba cõi. Nhờ thâm nhập giáo pháp vi diệu của đức Như Lai và nhờ có tha tâm thông thấu hiểu tâm trạng căn cơ của người đối diện, nên những lời  giảng dạy của Người đã giúp cho chúng sanh tin hiểu và chấp nhận được những điều sâu xa vi tế trong giáo pháp. Những hình ảnh ẩn dụ được Ngài khéo xử dụng để diễn tả những điều trừu tượng khó hiểu. Nhờ vậy mà có nhiều chúng sanh cảm phục, hoan hỷ tuân hành theo chánh pháp. Đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Trong các vị nữ đệ tử của Như Lai, có Đại trí tuệ tối thắng là Tỳ-khưu-ni Khema.”

Một cuộc pháp đàm được kể lại trong Tương Ưng Bộ Kinh bài số 44 giữa vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) và Khema đã chứng minh trí tuệ tối thắng của tôn giả Khema như sau:

 Vào một ngày nọ, vua nước Kosala là hoàng đế Pasenadi trên đường du hành, nghỉ lại một đêm ở vùng quê Toranavatthu. Nhân dịp này đức vua sai người hầu đi tìm một vị đạo sĩ trí tuệ hay một vị Bà-la-môn trong vùng để Ngài hỏi Pháp. Người hầu tuân lệnh, đi tìm khắp Toranavatthu, không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào cả. Người ấy trở về tâu lên vua:

- Tâu đại vương, tại vùng này không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để Đại vương có thể yết kiến. Nhưng được biết có vị Tỳ-khưu-ni, đệ tử của đức Thế Tôn đang cư trú trong vùng. Đó là nữ tôn giả Khema nổi tiếng là người có trí tuệ quảng bác về pháp học, pháp hành thâm sâu, và là một luận giả tài ba. Đại vương có thể yết kiến vị ấy!

Đức vua đến gặp, sau khi đảnh lễ Tỳ-khưu-ni Khema, Ngài đưa ra 4 câu hỏi về trạng thái sau khi tịch diệt của đức Như Lai. Cuộc đàm đạo diễn ra như sau:

- Thưa Nữ tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

- Tâu Đại vương, Thế Tôn không trả lời: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”.

- Vậy thưa Nữ tôn giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?

- Tâu Đại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: “Như Lai không tồn tại sau khi chết”.

- Thưa Nữ tôn giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

- Tâu Đại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: “Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết”.

- Vậy thì thưa Nữ tôn giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

- Tâu Đại vương, điều ấy cũng vậy, Thế Tôn không trả lời: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”

Tôn giả Khema từ tốn đáp lời ngắn gọn như thế, bởi Ngài hiểu đức Thế Tôn cũng không muốn chúng sanh lẩn quẩn trong những câu hỏi huyền hoặc. Vì tranh luận những câu hỏi giống như vậy, chỉ làm hao tổn thân tâm, gây phiền não mê muội, đồng thời cũng chẳng có lợi ích gì cho việc tu hành chấm dứt luân hồi khổ đau. Thế nhưng nhà vua vẫn tiếp tục nêu thắc mắc:

- Thưa Nữ tôn giả, do nhân duyên gì mà Thế Tôn không trả lời bốn thắc mắc trên?

Tôn giả Khema nhìn nhà vua lòng đầy thương cảm, nếu vua cứ dính mắc với những câu hỏi ấy, muốn tìm đến tận nguồn tận gốc, thì sẽ rơi vào cố chấp, tà kiến. Trong khi đó hành trình tu tập đi đến giải thoát giác ngộ, thì phải tự tu, tự chứng. Như một người uống nước, nóng lạnh, chỉ người đó biết, dùng lời giải thích người khác không hiểu. Với lòng bi mẫn, tôn giả mong muốn tháo gỡ những điều hỗn tạp ấy trong tâm nhà vua. Trước tiên Ngài hỏi vua Pasenadi:

- Đại vương nghĩ sao? Nếu có một nhà Toán học tài ba, hay nhà thống kê thiện xảo, người ấy có thể ước tính được cho vua có bao nhiêu hạt cát dưới đáy sông Hằng, và số lít nước trong lòng đại dương hay không?

- Vua trả lời: Điều này chắc chắn là không thể được, vì hạt cát sông Hằng nhiều vô số kể không thể đếm hay ước tính được, và đại dương thì bao la, sâu thẳm, làm sao dò đến tận đáy!

Bây giờ Nữ Tôn giả Khema mới trình bày rõ hơn:

- Cũng vậy, đức Thế Tôn là bậc toàn giác. Ngài cũng như đại dương bao la, sâu thẳm vô cùng tận. Ngài vượt ngoài mọi đo lường hữu hạn của thế gian. Nếu có ai muốn hiểu Thế Tôn qua sắc thân, cảm thọ, hành, thức, thì sớm muộn cũng đi vào bế tắc, bởi đức Thế Tôn đã đoạn tận rồi ngũ uẩn ấy , giống như cắt lìa gốc rễ của cây Sa-La, làm cho nó không thể sanh khởi trong tương lai được. Vì vậy không thể tìm thấy và cảm nhận bản thể của đức Thế Tôn nơi những thuộc tính danh sắc ấy! Nếu có ai nói rằng Thế Tôn “tồn tại” hay “không tồn tại”, hay “vừa tồn tại, vừa không tồn tại”, hoặc “không tồn tại hay không không tồn tại” sau khi nhập Niết-bàn, đều không phải là tri kiến đúng đắn!

Nhà vua hoan hỷ, tin thọ lời giải thích thâm sâu của Tỳ-khưu-ni Khema, Ngài đảnh lễ Tỳ-khưu-ni rồi ra về!

Một thời gian sau đó, vua Pasenadi có dịp đến đảnh lễ đức Thế Tôn, nhà vua cũng thỉnh cầu đức Thế Tôn trả lời bốn câu hỏi như thế. Thế Tôn đã trả lời với ngôn từ và ý nghĩa không khác gì với nữ đệ tử Khema. Điều này, khiến đại vương Pasenadi hết sức ngạc nhiên. Nhà vua liền kể lại cuộc đàm luận với tôn giả Khema cho đấng đại giác, và không hết lời tán thán bậc thánh ni có trí tuệ tối thắng trong giáo đoàn của đức Phật.

 

           VI. “TỲ-KHEO-NI KHEMA” ĐÁNH BẠI SỰ CÁM DỖ CỦA “MA VƯƠNG”

 Trong kinh có ghi lại ma vương thường hiện đến dụ dỗ phá rối các đệ tử của đức Phật. Thánh ni Khema cũng không thoát khỏi cảnh này! Trong Trưởng Lão Thi Kệ có đoạn ghi lại câu chuyện giữa ma vương và thánh nữ Khema. Đại ý là vào một buổi sáng đẹp trời có một chàng trai trẻ với dáng vẻ thanh tao, mặt mày sáng sủa, quần áo bảnh bao. Trên tay cầm một cây đàn, ngồi xuống ở gốc cây cách tôn giả không mấy xa. Mắt hắn ta lim dim, bàn tay lướt nhẹ trên dây đàn, dạo lên khúc nhạc gợi tình lả lơi. Dạo xong một dòng nhạc, hắn dừng lại và tiến tới gần tôn giả Khema, cất giọng quyến rủ: “Này hỡi nàng tu sĩ trẻ đẹp xinh tươi như đóa hoa mùa Xuân. Ta cũng tràn đầy nhựa sống thanh niên. Cớ gì chúng ta không cùng nhau rong chơi hưởng thụ khoái lạc. Hỡi giai nhân, hãy cùng ta chấp cánh phiêu bồng khắp nơi cho thỏa lòng mong ước”.

Với đạo nhãn thanh tịnh, Khema nhìn thấy rõ đó là một ma vương đội lớp người. Gương mặt hắn dử tợn và hung bạo, đôi mắt đỏ rực tràn đầy dục vọng. Tôn giả cất giọng trầm tĩnh trả lời: “Này ác ma, hãy dừng lại mọi sự mời gọi. Ta đã nhàm chán từ lâu thân thể mỏng manh, ô uế, chứa đầy bệnh tật. Tâm ta đã nhổ sạch cây ái dục. Ái dục như gươm giáo, bén nhọn, chặt vào tấm thân năm uẩn, làm đau đớn thân xác và tâm hồn. Cái ngươi gọi là khoái lạc, với ta chẳng gì vui thú. Hãy đi vào rừng núi mà tìm gặp các đạo sĩ thờ thần mặt trời, thần mặt trăng, thần lửa. Những người này nhầm tưởng và cố chấp cho rằng mình đã thanh tịnh, hiện ở trong quyền lực của nhà ngươi đấy! Còn ta, thì đừng hòng! Ta đã là đệ tử của đức Thế Tôn bậc Toàn Giác, Ngài là vị Thầy tôn quý nhất trong tam giới. Giáo pháp của Thế Tôn như ánh mặt trời phá tan màn đêm tăm tối của vô minh ngã chấp, dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi luân hồi khổ đau. Ta nay đã chấm dứt tất cả lậu hoặc, đã ở ngoài quyền lực của ngũ ma, trong đó có cả ngươi. Ác ma, hãy tan vào bóng tối đi!”

Ma vương biết rằng mình bị thất bại, hắn gầm lên giận dữ rồi biến mất. Cảnh vật nơi đây vẫn vắng lặng như không có gì xảy ra. Tôn giả Khema vẫn ngồi đó trong tư thế kiết già thanh thoát, bình an và tự tại.

 

                                          VII. BÀI HỌC TỪ THÁNH NI KHEMA

Để trở thành một vị thánh ni vĩ đại, bậc đệ nhất trí tuệ trong Ni đoàn của đức Thế Tôn, Tỳ-khưu-ni Khema đã trải qua hàng trăm ngàn kiếp tu tập hành trì theo giáo pháp của chư Phật. Chung quy là bố thí cúng dường, thiền định, thiền tuệ, thanh lọc thân tâm trong sạch. Nhiều đời Ngài được sanh ra cùng thời với chư Phật và thánh tăng, trực tiếp được các Ngài động viên khuyến khích tu hành. Những chu kỳ không gặp Phật thì lại gần gủi các vị Độc giác Phật hoặc Bồ tát là tiền thân của đức Phật Gotama. Đời nào kiếp nào Ngài cũng kiên trì quyết chí tu tập miên mật, tạo biết bao nhiêu công đức và phước đức. Cho tới thời đức Phật Gotama, đại duyên chín muồi Ngài đắc quả A-la-hán cao thượng và sau đó được đức Phật giao cho nhiệm vụ giáo huấn Ni đoàn. Tuy đã là một A-la-hán nhưng Ngài vẫn luôn công phu hành trì để phát huy trí huệ ngày một sâu sắc hơn. Từ trí tuệ của Ngài, những đạo lý thâm sâu đã được giảng giải chi tiết, tường tận, khiến cho mọi tà kiến mê lầm bị dập tắt. Ngài đã đưa vô số chúng sanh đến với chánh đạo, và để lại cho chúng sanh bài học cao quý về “sự vô thường của xác thân và sự nguy hiểm của ái dục”.

Là Phật tử chúng ta noi theo hạnh tu của Ngài. Đó là tin sâu vào Tam Bảo, nỗ lực trên hai phương diện pháp học và pháp hành. Ngoài ra trong cuộc sống hằng ngày chúng ta nên chuyên cần thực hiện các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Chúng ta hiểu rằng vạn pháp là vô thường. Thân thể hiện tại khỏe mạnh, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, chồng, vợ, con cái hôm nay là mình, là của mình, nhưng mai kia mình chết đi, tất cả sẽ không còn gì nữa! Như vị thiên nữ xinh đẹp kia chỉ trong thoáng chốc biến thành tro bụi biến mất trong hư vô. Đọc qua lịch sử của Tỳ-khưu-ni Khema, chúng ta biết rằng chết không phải là hết! Cho nên đời này may mắn gặp Phật pháp chúng ta nên sớm tỉnh thức chọn con đường sống trung đạo đúng đắn, không quá tham đắm vào thế gian hư ảo, sống tử tế đối với bản thân và những người xung quanh để không tạo ác nghiệp!

Trước khi khép trang sử lại, chúng con thành kính tri ân các bậc Thầy Tổ, các nhà nghiên cứu Phật sử, đã ghi chép lại những câu chuyện cổ xưa giá trị về cuộc đời của các bậc thánh tăng, thánh ni, để đời này, chúng con được noi gương tu học nơi các Ngài. Sau cùng và mãi mãi chúng con nguyện cầu tôn giả Khema gia hộ cho Phật tử chúng con: tâm Bồ đề kiên cố, chí tu học vững bền, có đủ sức mạnh chiến thắng những cám dỗ ái dục, giữ tròn giới hạnh, sống đời an vui trong chánh pháp nhiệm mầu của Như Lai. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật; Nam Mô Thánh Nữ Đệ Nhất Trí Tuệ, Ngài Khema.

 

                                                                                THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

                                                            (Thiền thất Chân Tâm, November 5/2022)

 

                        

 

 

28 Tháng Tám 2015(Xem: 17833)
Liệu Đế quốc Trung Cộng có "may mắn" thoát được số phận tan vỡ ra từng mảnh hay không và phe nào sẽ thắng thế trong cuộc tranh chấp quyền lực đẩm máu ?
07 Tháng Ba 2015(Xem: 43194)
Và mặc dầu còn có những bất cập đủ thứ, tôi vẫn phải nhìn nhận rằng, những năm tháng còn lại, kể từ ngày ấy, mỗi giây phút năm tháng sống, học hành, lớn lên thành người thời đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam vẫn là những năm tháng ân sủng cho tuổi trẻ của tôi và những bạn bè cùng trang lứa.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19621)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 27164)
Phần người viết nhìn bức hình cũ kỹ đã gần nửa thế kỷ với tâm trạng đầy... xúc động. Bởi vì đúng như ông bà mình thường nói rằng nghe cả hàng ngàn lời nói đọc cả hàng vạn chữ viết mô tả cũng không sao bằng...
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 22195)
Sức mạnh của chúng ta là phải biết họ là ai và cho họ biết chúng ta là ai? Sau đó phải biết cất lên tiếng nói. Nói thì sống, không nói thì chết.
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 29762)
Vào ngày chủ nhựt qua mùng 9 tháng 11 , nước Đức và Âu Châu đã ăn mừng kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá Linh Sụp Đỗ (1989 - 2014) .
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38184)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
05 Tháng Bảy 2014(Xem: 36781)
Đọc sách báo ngày nay viết về cái chết của Hai Bà Trưng tôi hay bị "tẩu hỏa nhập ma" và phân vân tự hỏi: Hai Bà Trưng chết kiểu nào?
28 Tháng Sáu 2014(Xem: 30903)
• Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua có ba điều bất hạnh xảy ra trùng hợp:... Trong ba cái bất hạnh ấy, cái thứ ba là nguy hiểm và tồi tệ nhất.
23 Tháng Tư 2014(Xem: 21907)
Gabriel Garcia Marquez, 87 tuổi, văn hào người Colombia nổi danh khắp thế giới với tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn,” qua đời hôm Thứ Năm 17 tháng 4, 2014, tại Mexico City, nơi ông đã sống 30 năm cuối đời.
20 Tháng Ba 2014(Xem: 39101)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
02 Tháng Ba 2014(Xem: 16319)
Ôn lại Lịch Sử nước ta với hơn 4000 năm từ Họ Hồng Bàng với truyền thuyết con Rồng Cháu Tiên qua chương trình "Việt Nam Quê hương tôi" vào mỗi tuần với Phương Anh
27 Tháng Hai 2014(Xem: 39881)
Mới đây đọc báo Reader’s Digest thấy người ta nói đến những ích lợi của cái CƯỜI, trong đó có nói là cười nhiều có thể làm cho người ốm bớt đi. Lý do gì mà các nhà khảo cứu lại quả quyết như vậy?
31 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14135)
Không kể những cuộc xâm lấn nhỏ, đã có 13 lần phương Bắc xua đại quân xâm lấn phương Nam, đặc biệt Việt Nam. Nhưng trong tất cả 13 lần đó, Dân Việt đều đại thắng các đoàn quân Phương Bắc. Đã mười ba lần, Dân ta đại thắng !
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50687)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
13 Tháng Sáu 2013(Xem: 29035)
Có nhiều hình thức phản biện lại một xã hội tùy theo hoàn cảnh mỗi người và tùy hoàn cảnh xã hội và ngày nay tùy thuộc vào tình hình thế giới nói chung.
30 Tháng Tư 2013(Xem: 31522)
Chúng ta hy vọng rằng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận đã đi bước tiên phong tiết lộ những bí ẩn về biến cố 30.4.1975 và trong tương lai sẽ được giới truyền thông báo chí chú tâm nghiên cứu khai triển tích cực
19 Tháng Tư 2013(Xem: 91006)
Trong tầm mắt của tôi thì Tây Nguyên là một Amazon của Việt Nam thu nhỏ lại về mọi mặt. Về mặt lịch sử, nó là di sản của con người Tây Nguyên từ bao đời nay...
06 Tháng Tư 2013(Xem: 70497)
Đọc xong tập sách mỏng, gấp sách lại, tôi cảm thấy một cái gì nhẹ nhõm len vào tâm hồn. qua những dòng tâm bút của một cô gái trẻ..
29 Tháng Ba 2013(Xem: 96252)
Chắc chắn và không thể chối cãi được sự có mặt trong Hoàng Cung của Bà đã thay đổi bộ mặt Hoàng Cung. Nhưng điều quan trọng hơn cả, Bà trở thành biểu tượng, mẫu hình lý tưởng ...
22 Tháng Ba 2013(Xem: 103332)
Phạm Duy là một con người, như mọi người. Ông đã sống tận cùng đời sống của ông, ông đã hiến tận cùng những gì ông có trong trái tim ông và thân xác ông.
30 Tháng Giêng 2013(Xem: 139810)
Nhưng câu hỏi cuối cùng được đặt ra: từ đâu Nguyễn Tất Nhiên lại có tánh lãng mạn đa tình quá vậy để dễ dàng "phóng bút" sáng tác thơ tình cho nhiều nhân vật nữ?.
25 Tháng Giêng 2013(Xem: 154219)
Mới đây, tôi có dịp đọc cuốn ''Bên thắng cuộc'' của Huy Đức do một người bạn trẻ- giáo sư đại học ở Canada- với lời giới thiệu khá nhiệt tình- :Đọc cuốn này chưa? Rất hay, còn nóng hổi.
29 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 120806)
Hầu hết những bé gái sinh ra đều quấn trong một tấm tã... Nhưng có những bé gái ra đời được quấn trong tã bọc điều, biểu tượng của giàu sang phú quý.
08 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 159871)
Xin gởi đến quý vị lời chia sẻ của một triệu phú 40 tuổi là bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ, bị ung thư phổi thời kỳ 4, về kinh nghiệm sống của mình vào ngày 19/1/2012. Anh qua đời vào ngày 18/10/2012.
31 Tháng Mười 2012(Xem: 149099)
Kể từ đó, miền Bắc không có văn học nữa. Đảng qua Tố Hữu, Trường Chinh đã chôn sống các nhà văn như chôn sống địa chủ.
27 Tháng Bảy 2012(Xem: 165137)
Nhưng nói chung, ngồi chuyện ăn uống cẩn thẩn, tập thể dục hàng ngày, chúng ta cần giữ được cho tinh thần thoải mái, ít lo phiền, biết nghỉ ngơi, biết đủ, là thấy mình đi trên con đường tới hạnh phúc.
16 Tháng Bảy 2012(Xem: 157975)
Bài Văn Tế sau đây do cố Kiến Trúc Sư Đỗ Hữu Nam (vừa mệnh chung ngày 13 tháng 7 năm 2012, tại Biên Hòa) viết và đọc nhân ngày Sinh Hoạt Truyền Thống của nhóm Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh, để thành kính dâng lên các vị Thầy đã khuất.
19 Tháng Năm 2012(Xem: 160382)
Bài viết sau đây của tôi là để chỉnh sửa và bổ túc thêm thêm vào một bài viết trước đây về Phạm Duy. Đó là bài Phạm Duy còn đó hay đã chết?
04 Tháng Năm 2012(Xem: 168930)
Đây là, chẳng phải ai khác, mà là những người di tản, những rác rưởi 37 năm trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo. Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
03 Tháng Năm 2012(Xem: 164340)
Những ngày đầu tiên đi dạy trường trung học tráng niên Ventura, tham dự những sinh hoạt khác lạ của học trò Mỹ, tôi không khỏi so sánh với những ngày tôi còn dạy ở Việt Nam.
23 Tháng Tư 2012(Xem: 27693)
Sự bộc phát hình như là một định mệnh, không thể ngờ trước được, khi tập Thiên Tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa 18 tuổi, bỗng nhiên tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên bừng vỡ một cách ngoạn mục.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 42774)
Triết lý giáo dục tìm ở đâu ra? Thưa nó nằm ngay trong bộ Sách Dân Tộc, gọi là KINH ĐIỂN tức là Lĩnh nam Trích Quái, Việt Điện U Linh, Ca dao tục ngữ, Tứ Thư Ngũ Kinh.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 44031)
Tôi rời mái trường đại học Đà Lạt để “xuống núi” hành hiệp giang hồ vào giữa năm1963. Năm với nhiều biến động nhất thời tuổi trẻ của tôi. Vậy mà nay đã ngót nghét non nửa thế kỷ trôi qua.
15 Tháng Tám 2010(Xem: 39412)
Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó.
28 Tháng Năm 2010(Xem: 30111)
Phải nói rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên là một đóng góp hồn nhiên vào đời sống thi ca của chúng ta, mặc dù chữ nghĩa trong thơ anh - nhiều bài - vẫn còn ở thể quặng mỏ của ngôn ngữ. Nó là một thứ nham thạch ròng chưa bị tính bác học của ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu và tác hại như một vài dòng thơ Việt Nam đã và đang chảy ra trong thi ca chúng ta.
06 Tháng Ba 2010(Xem: 43270)
Viết bài này, người viết bày tỏ ở đây một sự nuối tiếc là: Bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về Nguyễn Tất Nhiên đã không nói lên được tính chất phối hợp đến kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Đó là điều quan trọng nhất cần được nói tới.
18 Tháng Hai 2010(Xem: 87301)
Xuân Con Cọp lại sắp đến rồi. Mà ở cái nơi "phong trần luân lạc" nầy, Tết nhất cũng chả có gì vui. Thôi thì xin mời bạn cùng tôi nhâm nhi dăm ba câu thơ cũ, để gọi là tạm "mua vui" trong khoảnh khắc chờ đợi đón giao thừa nơi xứ lạ.
25 Tháng Giêng 2010(Xem: 97504)
Tôi nhớ câu nói của một ông anh trong vùng tôi đang sống, rằng sau khi hoàn tất một công việc, bao giờ người ta cũng thấy hai túi áo chứa đầy những lời cảm tạ và những lời xin lỗi.
06 Tháng Mười Một 2009(Xem: 67308)
Chủ nhật, ngày 6 tháng 9 năm 2009 vào lúc 1 giờ trưa, Hội An Việt tại Vương Quốc Anh đã tổ chức Đại Lễ Kỷ Niệm 30 Năm Người Việt Tị Nạn Đến Anh Quốc. Buổi lễ dưới sự chủ toạ của ông Vũ Khánh Thành, cựu Giáo Sư Trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, Giám Đốc Sáng Lập và Điều Hành Hội An Việt, Nghị Viên Thành Phố Hackney;
25 Tháng Sáu 2009(Xem: 93308)
Việc thi cử ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời truyền lại. Miền Nam sau này việc thi cử phần nào cũng tiếp nối cái tinh thần của truyền thống ấy. Thật vậy, nước ta đã có gần 20 thế kỷ dùng chữ Hán kể từ thời Bắc thuộc. Và 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử tính ra cũng được ngàn năm.
23 Tháng Năm 2009(Xem: 32643)
Trong đại gia đình Ngô Quyền hầu như ít nhiều ai cũng biết đến Thầy Vũ Khánh Thành. Thật vậy, ngoài lãnh vực giáo dục, từng là Giáo sư dạy môn Triết học tại trường Ngô Quyền chúng ta năm xưa. Từ lúc định cư tại Anh Quốc đến nay, Thầy không ngừng tích cực dấn thân hoạt động trên bình diện xã hội, văn hóa và chính trị cho cộng đồng Việt Nam tại đây.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 78066)
  Riêng dòng sông Đồng Nai, với nguồn nước thanh khiết từ trên thượng nguồn đổ xuống, đã tạo nên một môi trường sống cho người dân tỉnh Biên Hòa và các tỉnh lân cận.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 74538)
Bài sưu tầm này được viết vào tháng 4 năm 2004, tức là 48 năm sau ngày trường Ngô Quyền được thành lập vào năm 1956, và chỉ được căn cứ vào trí nhớ của các ông Phan Thanh Hoài, Kiều Vĩnh Phúc, Lê Hồng Sanh, và cựu học sinh Đào Văn Công (khóa đầu tiên). Do đó, không khỏi thiếu sót về thành phần nhân sự giảng dạy, văn phòng v.v…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39324)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39738)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 47189)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 46323)
Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.
01 Tháng Mười Một 2008(Xem: 146958)
Ngô Quyền ( chữ Hán : 吳權 ; 898 – 944 ) là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô . Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng,
26 Tháng Năm 2008(Xem: 23398)
Nếu không tính nền giáo dục duới thời phong kiến thì Truờng tiểu học Nguyễn Du, Truờng trung học Ngô Quyền, Truờng bá nghệ Biên Hòa là những ngôi truờng đầu tiên trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.