Tô Nguyễn Đăng Khoa: KỶ NIỆM CÓ THỂ CỨU RỔI MỘT LINH HỒN
(Tặng bác Võ Đình Tuyết)
“Khơi chút lửa tàn hong kỷ niệm
Khi hoàng hôn nhạt ý hoài xuân”
(Ngọc Quế)
Nói đến kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm của tuổi thơ, thường làm cho chúng ta liên tưởng đến những bảo vật được chôn kĩ dưới nếp gấp của thời gian. Trảy qua bao phong ba của cuộc đời, và bao sự náo nhiệt của tồn hoạt, tâm hồn tinh khôi thuở nào tưởng đã tàn lụi trước những toan tính thiết lập mưu sinh. Nhưng chính trong cuộc lữ đầy gian nan đó, kỷ niệm chính là dòng sông là quán trọ đón người lữ khách một lần về lại chốn thần tiên xưa, để một lần nghe ra tính huyễn mộng của cuộc đời và thời gian. Những kỷ niệm êm đềm thơ mộng ngày xưa, tưởng đã chìm khuất theo bóng thời gian, nay chợt về lãng đãng trong trí người hồi tưởng khiến ta bất chợt nhớ đến câu chuyện xưa:
“Rằng xưa có kẻ từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”
(Phạm Thiên Thư)
Phải chăng hội ngộ trùng phùng nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường Ngô Quyền năm nay đã khiến cho bao kẻ từ quan mơ lại giấc mơ ngọt ngào ngày nào trong động hoa vàng của một rừng kỷ niệm? Phải chăng đó là cố gắng của những người lữ khách muốn khơi lại chút lửa tàn của những kỷ niệm thương yêu tuổi thơ và để cùng nhắc nhở nhau một điều rằng: Tất cả những người lớn đều đã từng là trẻ con, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều đã quên đi điều đó.
Và rồi cuộc sống cứ tiếp tục, cho thời gian cứ phô diễn sức mạnh bào mòn và tẩy xóa của nó. Nhưng những kỷ niệm của tuổi thơ và những kỷ niệm của cuộc hội ngộ trùng phùng năm nay sẽ kết tụ lại trong trong ký ức của mổi người như những viên đá sỏi lớn. Đá nằm yên trong kỷ niệm cho ta cảm niệm mơ hồ về một cõi trời miên viễn, vuợt ngoài thời gian và vô thường.
“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi”
(Tuệ Sỹ)
Người ta nói kỷ niệm có thể cưú rổi một linh hồn có lẻ là thế.