CHIẾC XE VAN CỦA YMCA
Hình như tôi mang sẵn một cái nghiệp – nói theo kiểu nhà Phật - nên hầu như suốt cuộc đời của tôi đã gắn liền với những công việc nghe ra đều dính dáng đến chuyện “làm việc thiện” “làm thiện nguyện”... hay nói cách khác – như lời phán của ông “Lai Chưn Hoang” là kiếp trước tôi làm “việc ác” nên kiếp này phải làm “việc thiện” để trả nghiệp.
Hồi nhỏ sinh hoạt Hướng Đạo thường làm những việc thiện nhỏ như đưa người già qua đường, nhặt rác nơi công cộng hay tham gia các lần cứu trợ nạn lụt, nạn đói, giúp bạn bè chòm xóm… Lớn lên khi bước chân vào đại học thì sinh hoạt với những tổ chức của người lớn - thanh niên sinh viên - như Đoàn Thanh Niên Thiện Chí (1964 - 1966), Đoàn Công Tác Chí Nguyện Quốc Tế (IVS - của sinh viên Hoa Kỳ sang làm công tác thiện nguyện tại Việt Nam 1965-1966) cũng như tham gia công tác xã hội qua “Chương Trình Hè 1965”, “Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường”, “Chương Trình Phát Triển Quận 8”, dự các trại công tác giúp các cộng đồng người nghèo tại Suối Thông - Đà Lạt, Gio Linh - Quảng Trị), Thạnh Lộc Thôn - Gia Định…Về sau đi làm, khi được chuyển về Sài Gòn công tác, tôi lại có dịp cộng tác với một tổ chức thiện nguyện của Tin Lành có tên là The World YMCA Services In Viet Nam. Tên chính của hội này là The World Alliance Of Young Men’ s Christian Associations có trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Tôi tham gia nhiều công tác thiện nguyện của YMCA để giúp cho đồng bào tị nạn cộng sản hay các cộng đồng người Việt sống ở các vùng xa đô thị đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống. YMCA cung cấp cho các cộng đồng “khốn khó” này những chương trình dài hạn để sau một thời gian, họ có thể tự lập, tự quản lý cộng đồng của họ nhằm tạo một cuộc sống an vui, đầy đủ theo hướng phát triển chung của xã hội.
Tôi nhớ lại chuyện như thế này: Vào những tháng đầu năm 1970, chính quyền Cam Bốt khuyến khích dân chúng tìm người Việt Nam đang sinh sống trên đất nước của họ để giết, sau đó đem xác thả trôi sông. Tiếng Cam Bốt gọi hành động dã man này là “Cáp Duồn”. Những xác chết thả dọc theo dòng sông Mê Kông trôi về miệt bờ sông Hậu. Một số đông người Việt thoát được nạn “cáp duồn” lũ lượt kéo nhau chạy về Việt Nam để được an toàn và được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiếp đón họ như những người tị nạn, cung cấp cho họ chỗ ở trong các trại tị nạn, sau đó cấp đất đai và một số phương tiện để giúp họ dựng nhà cửa, ổn định lại cuộc sống. Tỉnh Châu Đốc lúc bấy giờ là nơi nhận nhiều người Việt “tị nạn cáp duồn” và cho họ định cư dọc theo chân Núi Dài. 90% người định cư tại đây làm nghề nông và nông sản chính là lúa. Lúa cần nước để tưới nhưng do thiếu nguồn nước nên họ rất vất vả với việc làm cách nào để tìm nguồn nước để đưa vào ruộng lúa.
Lúc bấy giờ tại thành phố Cần Thơ có một chi nhánh của YMCA do anh Nguyễn Chiến Thắng đại diện trông coi một thư viện nhằm cung cấp kiến thức đời sống cho các bạn trẻ tại thành phố Miền Tây này. YMCA Cần Thơ cũng dự tính có một cuộc điều nghiên những nhu cầu của giới nộng dân nhằm giúp họ áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới vào việc canh tác nông phẩm. Biết vậy nên một số sinh viên thuộc khoa nông nghiệp của viện đại học Cần Thơ thỉnh cầu YMCA giúp phương tiện để họ có thể đến tận các vùng nông thôn tiếp xúc với giới nông dân hầu khuyến khích họ gieo trồng một số loại rau quả mà xưa nay chỉ được trồng ở vùng cao nguyên như Đà Lạt, Bảo Lộc.
Có một lần nhân chuyến đi công tác về Cần Thơ, tôi ghé trụ sở YMCA gặp anh Thắng đang nói chuyện với mấy sinh viện đang học về ngành nông nghiệp tại đại học Cần Thơ. Được biết họ đến đây để nhờ YMCA giúp phương tiện để họ có thể đi khảo sát nhu cầu đích thực của đồng bào “tị nạn cáp duồn” đang sinh sống ở khu vực Núi Dài thuộc dãy Thất Sơn Châu Đốc. Họ cho biết là đồng bào nơi đây cần có nước để tưới lúa. Muốn có nước thì phải làm một con đập chứa nước để đưa vào ruộng. Khi về lại Sài Gòn tôi đến gặp ông Yamashita là giám đốc và ông Ronald Luce là phó giám đốc YMCA Services In Viet Nam để trình bày việc các sinh viên phân khoa nông nghiệp của đại học Cần Thơ yêu cầu. Sau khi nghe xong, trên nguyên tắc hai ông đồng ý cho sự hỗ trợ này. Sau một tuần lễ ông Ron Luce cho tôi hay là ông sẽ đi Cần Thơ vào ngày cuối tuần giữa tháng 9 và ngỏ ý mời tôi cùng đi.
Đó là ngày thứ bảy, 14 tháng 9 năm 1974. Năm giờ sáng tôi ghé văn phòng YMCA ở số 89 đường Tự Đức – Đa Kao quận nhất để cùng ông Ronald Luce lên đường. Điểm đến thực sự của chuyến đi này là Châu Đốc chứ không phải Cần Thơ nhưng trên đường đến Châu đốc, phải ghé lại trụ sở YMCA tại Cần Thơ để đón anh Nguyễn Chiến Thắng và bốn sinh viên đại học nông nghiệp để cùng đi đến Núi Dài Châu Đốc. Đoạn đường Sài Gòn – Cần Thơ dài chừng 100 km và từ Cần Thơ đi Châu Đốc cũng trên trăm cây số. Chiếc xe VAN thùng cũ hiệu Volkswagen chở bảy người do ông Ronald Luce cầm lái đến khu vực của “người Miên gốc Việt tị nạn cáp duồn” với những căn nhà bằng gỗ lợp tôle nằm dọc theo chân Núi Dài vào khoảng gần 12 giờ trưa cùng ngày. Đến nơi tôi được nhờ tiếp xúc với những thành phần dân chúng ở đây, từ các trẻ em, thanh niên cho đến những người lớn tuổi. Họ là những người Việt Nam đã sống trên đất Cam Bốt lâu năm nhưng tiếng Việt của họ vẫn còn nói sành sỏi nên những việc tìm hiểu nhu cầu của họ diễn ra rất thuận lợi và tôi biết được ý nguyện của họ là muốn có một con đập chứa nước để đưa nước vào ruộng cùng với một số nhu cầu cấp thiết khác như máy phát điện, máy bơm nước giếng để lấy nước uống…Trong khi đó các sinh viên nông nghiệp tìm hiểu một số vấn đề khác như trồng trọt và chăn nuôi.
Sau khi cuộc điều nghiên tạm đủ, đoàn chúng tôi lên xe từ giã Núi Dài để trở về. Khi đó vào khoảng ba giờ chiều. Chúng tôi dự định ghé Cần Thơ nghỉ lại đêm để sáng hôm sau về lại Sài Gòn. Ông Ronald Luce vẫn là người lái chiếc xe VAN. Xe rời chân Núi dài trên một chặng đường đất để vào chặng đường có trải nhựa. Trừ ông Ron Luce chăm chú lái xe, 6 người còn lại trên xe ngồi ngắm cảnh đồng lúa hai bên, xa xa là những làng mạc nằm ẩn khuất sau những rặng tre, hàng dừa, bờ ao, nương ruộng… Xe đang chạy ngon lành bỗng dưng mọi người nghe một tiếng rầm. Xe đã đụng vào đầu cầu sắt và không chạy được nữa nhưng không ai bị thương tích gì. Mọi người xuống xe và nhìn thấy xe đụng ở phía tay lái. Ông Ron Luce lên xe đề máy nổ nhưng vô lăng đã tê liệt không nhúc nhích. Trên mặt ông Ron Luce lộ vẻ hoảng sợ lo âu cũng như năm người bạn trẻ. Phần tôi, tôi không lộ vẻ lo âu ra mặt nhưng ngay trong đầu tôi đã nghĩ ngay những điều phải làm. Trước hết là làm cách nào để giấu “ông Mỹ” để không cho bất cứ ai nhìn thấy. Điều thứ hai là phải tìm cách di chuyển chiếc xe cũng không để cho bất cứ ai thấy được. Thấy một ông Mỹ và chiếc xe mang bảng số giao tế (bảng xanh) là điều hết sức nguy hiểm. Tôi vốn hiểu tình trạng các vùng nông thôn lúc bấy giờ là vùng tuy thuộc sự kiểm soát của Quốc gia ban ngày nhưng không có gì bảo đảm là vùng này không thuộc vùng của đám du kích cộng sản kiểm soát vào ban chiều ban tối? Tôi phản ứng khá nhanh khi bảo ông Ronald Luce cùng các sinh viên hãy vào ngồi núp trong các lùm cây rậm rạp bên đường. Họ nghe lời tôi. Sau đó tôi nghĩ ngay đến việc phải tìm cách giấu chiếc xe và cuối cùng là bằng mọi cách phải đưa ông Ronald Luce về Long Xuyên vì tôi biết chắc những khu vực nông thôn việt cộng thường hay xuất hiện vào buổi chiều tối để quấy phá và đi thu lương thực từ trong dân chúng, hơn nữa những khu vực “xôi đậu” như thế này là nơi mà một số người dân là “tai mắt” của việt cộng, những người này đóng vai trò “giao liên” để thu nhặt tin tức và chỉ điểm cho việt cộng.
Thực sự, mặc dầu ông Ronald Luce đã nấp trong bụi nhưng còn chiếc xe vẫn còn nằm chình ình ngay đầu cầu thì khó mà tránh được rủi ro vì chiếc xe đã chận lối đi từ cả hai phía, nhất là các loại xe như xe Lam ba bánh và xe đò không thể nào qua cầu được! Tôi nghĩ cách phải tìm mọi cách để đẩy chiếc xe đi nơi khác, ít nhất là để không làm cản trở lưu thông. Tôi vội vã đi bộ về hướng trước mặt một đoạn đường nhưng không thấy nhà cửa của dân chúng hai bên, đi thêm vài trăm thước nữa thì thấy phía bên trái có một ngôi chùa mái cong thuộc giáo phái nguyên thủy (phái khất thực) nằm sâu bên trong một vườn tre. Dân vùng này thường gọi các vị tu sĩ thuộc phái này là các “Ông Lục” và họ đều là những người Việt gốc Miên. Tôi mừng và mạnh dạn đi vào sân chùa khi đó đang có bốn năm vị sư, già có, trẻ có đang đứng nói chuyện trước sân. Tôi chắp tay cúi đầu chào và nói ngay việc chiếc xe xe bị hư vì đụng vào cầu. Tôi không quên trình bày ngắn gọn việc đi điều nghiên ở chân Núi Dài để trong tương lai sẽ làm làm một con đập cho dân chúng có nước làm ruộng và nhờ các sư giúp đẩy chiếc xe vào sân chùa để chờ gọi người đến sửa. Nghe thế các Thầy đều gật đầu đồng ý và ngay lập tức huy động cả chục vị ra cầu đẩy xe vào tận phía sau sân chùa. Tôi chưa yên tâm vì vẫn có nghi vấn: biết đâu trong số các vị tu sĩ này lại có vị “nằm vùng” thì sao? Có thể lắm chứ! Bởi thế phải làm mọi cách để về Long Xuyên ngay, chứ kẹt ở đây thì quá nguy hiểm, nhất là tính mạng của ông Ronald Luce. Tôi hỏi mấy vị sư về các chuyến xe từ Châu Đốc đi Long Xuyên thì được biết chuyến xe cuối cùng chạy ngang qua đây là khoảng 5 giờ chiều. Nhìn đồng hồ thấy bốn giờ nên tôi khá yên tâm. Tuy nhiên tôi quyết định là không ngồi chờ vì tôi vẫn nghi ngờ các vị sư…biết đâu có vị sẽ mật báo cho việt cộng…Tôi nghĩ “phải nghi ngờ như Tào Tháo mới được!”
Từ nơi này đi Long Xuyên chỉ chừng trên năm mươi cây số nên tôi bảo ông Ronald Luce và các sinh viên rời chùa để đi theo tôi bằng cách liên tục đi 50 bước, rồi chạy 50 bước cho nhanh theo kiểu Hướng Đạo, đồng thời giải thích cho mọi người biết tình hình an ninh tại các khu vực nông thôn rất nguy hiểm. Người nào cũng đồng tình nên răm rắp làm theo tôi. Tôi đề nghị bốn sinh viên chay phía trước, ông Ronald Luce chạy ở giữa, còn tôi và anh Thắng chạy phía sau để dễ bề quan sát. Trời nóng bức, mới chạy vài chục bước là mồ hôi đã nhễ nhại, vừa chạy vừa đi vừa quay đầu lại phía sau xem chừng có chuyến xe nào chạy về hướng Long Xuyên hay không. Thật là may mắn, chừng hơn mười phút sau, thấy có một chiếc xe đò nhỏ chạy về hướng Long Xuyên. Chúng tôi dừng lại đón xe và mọi người thót nhanh lên xe. Hành khách trên xe đều tỏ vẻ ngạc nhiên vì trong đám hành khách mới lên xe lại có cả một ông Mỹ. Tôi đã hoàn toàn yên tâm và thầm cám ơn các “Ông Lục” và nghĩ lại “nghi ngờ của tôi về các Ông Lục là không đúng”. Về đến Long Xuyên khoảng sáu giờ chiều, bảy chúng tôi ghé tiệm ăn hủ tiếu, sau đó ông Ronald Luce đưa chúng tôi đến một ngôi trường học của mục sư tên Linh để nghỉ qua đêm. Tôi không biết bằng cách nào mà ông Ron Luce liên lạc được với mục sư Linh. Tất cả chúng tôi vào bên trong một lớp học và cùng nhau kéo những chiếc bàn sát lại với nhau để làm chỗ nằm. Vừa ngả lưng xuống là tôi nghe có tiếng ngáy. Vì quá mệt suốt cả một ngày nên mọi người đều ngủ say. Riêng tôi, cơn ngủ chập chờn không yên giấc vì vẫn còn lo cho sự an toàn của ông Ronald Luce. Không nhớ rõ vào quãng thời gian nào tôi thấy mình như đang nằm mơ khi nhìn ra phía cửa sổ lớp học thấy bóng dáng của ba bốn người đang di chuyển chậm chạp. Rồi tôi lịm người ngủ say cho đến khoảng năm giờ sáng khi nghe tiếng lao xao của mấy chàng sinh viên tri hô lên là họ đã bị lấy mất hết đồ đạc trong đó có cả ví đựng giấy tờ. Tôi và ông Ron Luce, anh Thắng không mất mát gì cả vì khi nằm ngủ chúng tôi để túi đồ đạc ngay phía dưới đầu.
Sau khi kéo nhau đi ăn sáng, tôi và ông Ronald Luce đi bộ qua mấy con đường để tìm xem có garage sửa xe hay không. Anh Thắng và bốn sinh viên đi một hướng khác. Đi một hồi không thấy garage sửa xe cho đến khi đi ngang qua một doanh trại của quân đội thấy có mấy người lính đang đi bên trong nên tôi bước đến cổng trại xin gặp mấy người lính để hỏi xem họ có biết garage sửa xe nào ở gần đây hay không. Qua câu chuyện trao đổi mới biết đây là doanh trại của một đơn vị thiết giáp. Tôi trình bày với họ về việc chúng tôi đi khảo sát để dự định sẽ xây một con đập ở Núi Dài Châu Đốc và khi trở về xe bị đụng vào thành cầu và hiện được gửi bên trong một ngôi chùa ở Châu Đốc. Nghe thế họ bèn mời chúng tôi vào văn phòng gặp chỉ huy trưởng để trình bày. Trung tá chỉ huy trưởng tên Trường là người miền Nam và được biết ông “ăn chay trường”, người có vẻ mặt đôn hậu và vui vẻ nghe chúng tôi trình bày câu chuyện. Nghe xong ông quyết định rất nhanh là sẽ giúp chúng tôi kéo xe về đây để sửa. Liền sau đó ông ra lệnh cho bảy quân nhân leo lên chiếc xe Dodge Quatre (xe Dodge nhà binh 4 bánh) chạy ngay về hướng Châu Đốc đến ngôi chùa có chiếc VAN đang được giấu ở đàng sau ngôi chùa.
Chiếc xe VAN được kéo về doanh trại để sửa chữa trong lúc tôi và ông Ronald Luce đến gặp mục sư Linh. Tôi ngồi nghe Ông Ron Luce và mục sư Linh trao đổi về công việc của hội thánh và hoạt động của YMCA. Bốn sinh viên và anh Thắng lang thang đâu đó và chúng tôi có hẹn gặp nhau trong doanh trại thiết giáp khoảng ba giờ chiều như lời dặn của mấy anh lính thiết giáp.
Chúng tôi trở lại doanh trại, vào văn phòng để cám ơn trung tá Trường và xin được trả tiền công sửa xe.Trung tá Trường vui vẻ nói: “Trong doanh trại có bộ phận sửa xe nên quý vị không phải trả công gì hết, thôi thì cho mấy anh em sửa xe một chầu nhậu là xong”. Trung tá Trường vui vẻ bắt tay chúng tôi. Khi bước ra khỏi văn phòng đã thấy chiếc VAN màu xanh đậu ngay trước cửa. Các anh hẹn chúng tôi đến một quán ăn gần doanh trại. Đến nơi ông Ronald Luce trao cho các anh một số tiền và xin phép các anh cho chúng tôi vắng mặt để trở về Cần Thơ cho kịp trước khi trời tối…
Khoảng năm giờ chiều chúng tôi rời thành phố Long Xuyên để về lại Cần Thơ. Hơn tiếng đồng hồ lái xe trên đoạn đường 60 Km để trả lại anh Thắng và bốn sinh viên tại văn phòng YMCA. Ông Ronald Luce tiếp tục lái xe trên quãng đường một trăm cây số còn lại để về Sài Gòn. Tôi ngồi bên cạnh. Ông Ron Luce nói cám ơn tôi và cho biết ông ta rất thích lối làm việc của tôi khi tiếp xúc với người dân tại chân Núi Dài và hành động nhanh lẹ trong suốt thời gian chiếc xe VAN của YMCA gặp nạn. Tôi nói với ông Ronald Luce: sở dĩ tôi làm được như thế là vì tôi có hai điều: Một – Tôi vốn là một Hướng Đạo Sinh và Hai – Tôi là người rất am hiểu tình hình an ninh tại các vùng nộng thôn Việt Nam. Cũng trên đường về ông Ron Luce hỏi tôi: “Anh có biết tại sao xe bị đụng vào cầu chiều hôm qua không?”. Tôi trả lời ngay: “Ông ngủ gục”. Cả hai cùng cười…
Lái xe vào ban đêm nên ông Ron Luce không chạy nhanh. Mãi đến gần mười giờ đêm chúng tôi mới vào tới địa phận Sài Gòn. Thành phố được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Đông” – một thành phố chừng như không bao giờ ngủ – sáng rực ánh đèn đêm khắp nơi. Sau khi bỏ tôi xuống đầu một con trên đường Lê Văn Duyệt để vào nhà, ông Ron Luce nhắn: “Nếu được sáng mai mời anh ghé YMCA”.
***
Kể lại câu chuyện trên tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi làm việc thiện nguyện cùng với YMCA. Nhắc đến ông Ronald Luce tôi có hai điều đáng nhớ. Thứ nhất là ông rất thích nghe cải lương Việt Nam. Trên xe ông lúc nào cũng có sẵn bốn năm tapes cải lương thâu sẵn để nghe hết tuồng này đến tuồng khác. Thứ hai là ông rất thích ăn cháo lòng. Lúc nào có dịp đi Cần Thơ ông đều ghé Ngả Ba Trung Lương để ăn một tô cháo lòng…và trên đường đi đến trung tâm YMCA ở Rừng Lá (Long Khánh) ông đều ghé lại một quán ăn tại Hố Nai (Biên Hòa) để ăn cho được cháo lòng.
Ông Ronald Luce cùng tuổi với tôi. Sinh năm 1944 có vợ là người Nhật quê ở Osaka, Nhật Bản, có một người con trai tên là Tim. Năm 1974 ông có xin một đứa con trai Việt Nam để nuôi tên là Tom. Ngày 21 tháng tư – 1975 ông và gia đình di tản ra khỏi Việt Nam. Tôi mất liên lạc với ông từ đó. Năm 1981 tôi liên lạc được với văn phòng YMCA tại Genève (Thụy sĩ) để hỏi tin tức và được biết ông Ron Luce đang là giám đốc YMCA tại thành phố Houston, Texas và ông thường xuyên có mặt tại Philippines để giúp người Việt Nam vượt biên tỵ nạn. Khi tôi đến Mỹ đầu năm 1992 thì ông Ronald Luce đã chuyển sang Nhật làm giám đốc YMCA tại thành phố Osaka (quê nhà của vợ ông). Vài năm sau được tin vợ ông chết vì bệnh ung thư và một lần nữa tôi mất liên lạc với ông.
Tôi tìm cách liên lạc lại với ông qua việc lần tìm trên các trang facebook. Biết ông có cửa hàng bán hoa “Flowers by Yoshi” ở phía bắc thành phố Houston. Tôi đến địa chỉ cửa hàng hoa nhưng ông đã rời đi nơi khác từ lâu. Tôi tiếp tục tìm và biết ông đang ở thành phố Sioux Falls, tiểu bang South Dakota. Trên trang facebook của ông tôi chỉ thấy hình các chú mèo ông đang nuôi chứ không thấy bất cứ hình ảnh sinh hoạt nào của ông. Năm 2022 tôi tìm được số điện thoại và gọi nói chuyện với ông chừng năm phút, chỉ kịp chào hỏi và hỏi thăm sức khỏe. Hình như ông không còn nhớ tôi lắm vì bệnh già (tôi nghĩ thế!). Sau tôi có gọi thêm vài lần nhưng không thấy bắt điện thoại. Từ đó thỉnh thoảng tôi gọi nhưng cũng không nhận được trả lời. Sau khi viết bài “Chiếc Xe VAN của YMCA” tôi lại lần tìm trên các trang facebook thì thấy có một tấm ảnh của ông đứng với hai em trẻ tị nạn người Cambodian năm 1981 và bên trên một tấm hình khác có ghi “Ronald Luce’ Archives” với vài dòng chữ như sau:
October, 18 – 2017. YMCA’ Archives
We were delighted to spend today with Ron Luce, who shared stories (and photos and files, which will stay at the Archives for research use!) with us about his long and fascinating career with YMCA working with Vietnamese refugees - Vietnam, Japan and the US.
Tôi tự nhủ: Thỉnh thoảng gọi cho ông Ronald Luce và tìm trên trang facebook xem có liên lạc được nữa với ông hay không…
Phong Châu