Trong thập niên 1990s đến 2020s, nhiều người dân Biên Hòa (BH) biết đến Sư Thầy Thích Phước Minh, trụ trì Chùa Già Lam Thiện Sanh ở phường Tân Tiến, mọi người thường gọi Sư là Thầy Đức
Thầy là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng ở BH quê tôi, với những việc làm không mệt mỏi để cứu giúp chúng sanh trong những hoàn cảnh khốn khó. Bước chân của Thầy đã từng in dấu trên những vùng sâu, vùng xa nghèo khó nhất để giúp đỡ đồng bào. Thiên tai bão lũ trên mọi miền đất nước, đã không ngăn cản được hình bóng vị Sư già, mặc áo nâu sòng, đội nón lá cùng với đoàn Phật tử thiện nguyện đến tận nơi tâm bão, rốn lũ để cứu trợ đồng bào.
Với tôn chỉ “Phụng sự chúng sanh là báo đáp hồng ân chư Phật”, nên Chùa của Thầy luôn mở rộng vòng tay nhân ái đến với chúng sanh đang gặp khổ đau, mất mát, nghèo khó trong xã hội. Có lẽ do tấm lòng nhân đức yêu thương những người cùng khổ và tác phong giản dị của Thầy, nên mọi người thương kính gọi Thầy với tên tuy trân trọng mà gần gũi là "Thầy Đức".
Lúc sinh tiền, tuy là trụ trì một ngôi Chùa nhỏ, nhưng Thầy không có chủ trương kêu gọi Phật tử cúng dường để xây dựng Chùa to Phật lớn, mà chỉ vận động mọi người cùng chung sức để làm công tác từ thiện xã hội, để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng cái tâm trong sáng không vụ lợi và tấm lòng Bồ Tát hết lòng thương yêu chúng sanh, Thầy đã vận động được nhiều Mạnh Thường Quân khắp nơi ủng hộ, để cứu trợ đồng bào và thực hiện các chương trình từ thiện xã hội có ý nghĩa thiết thực như:
- Thành lập quán cơm chay 2,000 đồng tại Chùa phục vụ cho học sinh, sinh viên, người lao động nghèo và thân nhân thăm nuôi bệnh tại BV Tâm Thần Trung ương 2 (Ở gần Chùa)… để giúp cho họ phần nào giảm bớt gánh nặng cơm áo trong đời sống
- Thành lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Nhiều học sinh nhờ quỹ trợ giúp đã học hành đỗ đạt và thành công
- Thành lập trường dạy nghề may với nhiều máy may dân dụng /công nghiệp do các Mạnh Thường Quân khắp nơi quyên tặng.
Vào những năm 1993-1994, tôi có đứa cháu gái ở dưới quê lên thành phố tìm việc. Cháu hoàn toàn không có kinh nghiệm gì cả. Được người quen giới thiệu, cháu tập tễnh xin học may tại trường dạy nghề của Thầy. Một năm sau, cháu được nhận vào làm việc tại một Công ty may ở BH. Thời gian không lâu sau đó, cháu tôi trở thành một công nhân có tay nghề khá tại Công ty, đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Tương tự như vậy, những hoạt động từ thiện thiết thực của Thầy đã giúp đỡ và thay đổi cuộc đời của rất nhiều người.
Vào năm 2007, trong một lần về thăm quê hương, tôi đến thăm Chùa. Lúc ấy Thầy vừa có chuyến đi ủy lạo đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung về. Tôi có duyên được hầu chuyện cùng Thầy tại một góc sân Chùa.
Thầy kể cho tôi nghe một câu chuyện thương tâm mà Thầy chứng kiến ở vùng tâm bão:
“…Lúc ấy mưa to gió giật không ngừng,nước lũ lên cao, tứ bề mênh mông nước, đường giao thông tắt nghẽn, người dân tìm những nơi cao để ẩn náu. Đoàn từ thiện của Thầy đến nơi lúc cơn bão chưa dứt, nên chưa thể tiếp cận với người dân được. Lúc ấy, chính quyền địa phương chỉ có thể cứu hộ và đưa một số người dân đến nơi an toàn bằng ghe xuồng, còn các vùng quá xa xôi và địa bàn quá rộng lớn, chỉ có thể tiếp tế thực phẩm cho họ bằng phương tiện duy nhất là máy bay trực thăng. Các thùng mì được thả từ trên cao, rơi không trúng mục tiêu đã vỡ tung tóe, các gói mì trôi lơ lửng trên dòng nước. Một người phụ nữ với ba đứa con nhỏ trên một gò cao liều mình bơi ra dòng nước chảy xiết để lấy gói mì cứu đói, nhưng tay bà chưa kịp với đến gói mì thì bị dòng nước lũ hung hãn cuốn bà đi mất biệt, để lại ba cháu nhỏ mất mẹ bơ vơ đói rét … Sau đó, khi tình hình khả quan hơn, phái đoàn của Thầy đến gặp gỡ, ủy lạo và bàn cách trợ giúp lâu dài cho các cháu mồ côi mẹ ăn học, từ quỹ từ thiện của Chùa.
Qua câu chuyện thương tâm này, Thầy kết luận rằng người nghèo khổ và bất hạnh trong xã hội còn nhiều, nhiều lắm. Nếu ai nhận thấy mình còn may mắn hơn họ, nên có tấm lòng thương cảm và giúp đỡ họ với tình thần “Lá lành đùm lá rách”.
Rồi Thầy trầm ngâm nói:
“Nhưng làm từ thiện như thế nào lại là một việc không hề đơn giản, rất cần sự ứng xử văn minh, chân thành và tế nhị của người cho đối với người nhận. Ông bà xưa có câu “Của cho không bằng cách cho”, nên cách để giúp đỡ cho người khó khăn hoạn nạn cũng phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu, trách nhiệm chứ không thể nhân danh việc giúp đỡ ban phát để rồi bỉ bôi, khinh miệt họ.
Thầy cho biết thực tế có người đem tiền bạc vật phẩm đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt hoặc người dân nghèo ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhưng họ lại có tâm chê trách, khinh thường người dân là lười biếng, không chịu gắng sức vươn lên trong cuộc sống mà chỉ ỷ lại, trông chờ những đồng tiền, vật phẩm mà họ ban phát… Thầy biết nhiều người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh tội nghiệp lắm, cả đời họ chưa biết được miếng ăn ngon, mặc đẹp và những tiện nghi vật chất tối thiểu, cho nên đừng để họ phải chịu thêm tủi buồn, cay đắng bởi sự khinh miệt của người có tiền, có của… Nên người đi làm từ thiện cần nhất là phải có tấm lòng...”
Tôi cảm thấy buồn và hơi đắng lòng khi được nghe câu chuyện kể, cùng với nỗi trăn trở của Thầy.
Và đây cũng là lần cuối cùng tôi có duyên được hội ngộ và hầu chuyện cùng Thầy.
Năm 2021, do tuổi cao sức yếu, Thầy đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch, vãng sanh về cõi Phật, để lại niềm thương tiếc của Phật tử và những người đã nhận sự cứu giúp từ Ân Sư.
Một nén hương lòng để tưởng nhớ về một vị Sư Thầy thanh bạch, giản dị, suốt đời hoằng dương chánh Pháp và lấy công việc từ thiện cứu giúp chúng sanh, làm niềm vui trong cuộc sống tu hành.
Tấm gương đạo hạnh uy nghi, và tấm lòng từ bi thương yêu chúng sanh của một vị Chân Tu mãi mãi hằng hữu trong lòng mọi người.
Hiep Phan_SJ_ Mùa Vu Lan 2024