Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - HÀ NỘI ĐÃ SA LẦY SAU CHIẾN THẮNG VÀ PHẢN BỘI LẠI GIỚI TRẺ MIỀN NAM ... (Phần 1)

Tuesday, July 30, 202412:03 AM(View: 1164)
GS. Nguyễn Văn Lục - HÀ NỘI ĐÃ SA LẦY SAU CHIẾN THẮNG VÀ PHẢN BỘI LẠI GIỚI TRẺ MIỀN NAM ... (Phần 1)

Hà Nội đã xa lầy sau chiến thắng và phản bội lại giới trẻ miền Nam đã hy sinh trong chiến tranh biên giới với Kampuchia.

Nguyễn Văn Lục

 
Ha Noi Sa lay

 
Chiến tranh trước sau rồi cũng chấm dứt cách này cách khác như chúng ta đã thấy. Nhưng sau 1975, sự  thật mới chính là sự thật được phơi bầy.

Trong chiến tranh, họ đã dẫn đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh tàn phá vô tiền khoáng hậu. Con người trong XHCN những năm chiến tranh, theo nhà văn Nguyễn Khải chỉ biết có hai điều: Căm thù và Hy sinh.

Một cuộc chiến mà một bên dùng mọi kỹ thuật tân tiến nhằm đè bẹp đối thủ, khi không được thì rút lui. Một bên dùng mạng người đối chọi với vũ khí bằng mọi giá phải chiến thắng, phải hy sinh.

Lê Duẫn hãnh diện nói với người đại diện Trung quốc là nếu cần hy sinh một triệu người VN, ông cũng dám làm.

Võ Nguyên Giáp, trong dịp hội thảo tại Hà Nội về chiến tranh với người Mỹ mặc dầu nhìn nhận: "The most atrocious in human history". Đó là một cuộc chiến tàn khốc nhất của lịch sử nhân loại. Nhưng mặt khác, Võ Nguyên Giáp để trả lời Mc Namara vẫn tự biện hộ như sau:

"Lessons are important. I agree. However, you are wrong to call the war a"tragedy". Maybe it was a tragedy for you, but for us the war was a noble sacrifice. We đid not want to fight the United States, but you gave us no choice".(Tôi đồng ý là những bài học qua cuộc chiến này thật quan trọng. Nhưng ông đã lầm khi gọi đó là một bi kich.  Nó có thể là bi kịch đối với các ông. Nhưng nó không phải là một bi kịch đối với chúng tôi. Phần chúng tôi, cuộc chiến ấy vẫn là một hy sinh cao cả, măc dầu chúng tôi không muốn chiến tranh với người Mỹ, nhưng chúng tôi đã không có chọn lựa nào khác).(3)

(3) Mc. Namara đã đến Hà Nội vào năm 1995 để gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những câu trích dẫn trên được phát biểu trong dịp này. Cuốn sách gây tranh luận nhiều nhất của ông là cuốn In retrospect- The tragedy and lessons of Viet Nam. Tôi đánh giá viên Bộ trưởng quốc phòng này là cực thông minh, nhưng thiếu tính chuyên nghiệp.

Phần nhận định của vị đại tướng về cuộc chiến thiếu hẳn tính nhân bản.

Người cộng sản thiếu sự chân thật và củng thiếu tính nhân bản. Đó là những đức tính  cần  có nơi bất cứ con người nào như tôi sẽ dần dần chứng minh sau này.. Trong những yếu tố làm người miền Nam trở thành kẻ thua cuộc, ngoài chính sách thay đổi của người Mỹ, tình trạng rối loạn chính trị những năm cuối còn một yếu tố đạo đức ít được ai nói tới: cái tình con người, cái tính nhân bản trong cuộc chiến và thể hiện rõ nét nơi các nhà văn miền Nam.

Chúng ta thua cuộc, bởi vì chúng ta chân thật chính trị và quá con người trong chiến tranh.

Sự chân thật không có trong thuật ngữ người cộng sản. Cho đến bây giờ, họ vẫn làm film ca ngợi trận Điện Biên Phủ trên không. Ai cũng biết rằng bom đạn Mỹ có thể biến Hà Nội trong 12 ngày đêm thành một Hisroshima thừ hai. Vậy mà nó đã không xảy ra. Bom đạn quả là không có mắt. Jane Fonda đã có thể không còn có mặt trên trái đất này. Nhạc sĩ Tô Hải đã không thể ngồi ung uống cà phê nghe nhạc ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Chỉ vì ông thừa biết rằng không nơi nào an toàn hơn Hà Nội trong 12 đêm kinh hoàng ấy.

 Bây giờ họ mạnh miệng nói như thế đốí với người Pháp, người Mỹ. Họ đã thắng. Nhưng họ lại dấu cái đã thua.

Nhưng nay với đầy đủ tài liệu về cuộc chiến tranh-nhìn từ trong cuộc-. Người ta mới thấy lộ ra cái yếu kém và sự lệ thuộc viện trợ của Trung Quốc của cộng sản Bắc Việt như thế nào. Các cuộc tiếp xúc của họ với Trung Quốc qua những nhân vật lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Thái, Hoàng Văn Hoan, Hoàng Tùng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy hành xử như những học trò, kẻ bề dưới đối với bề trên và họ thay nhau lần lượt nhiều lần sang cầu cạnh, bợ đỡ, xin xỏ, nhận lời chỉ giáo của Mao Trạch Đông của Đặng Tiểuu Bình, Chu Ân Lai, Trần Nghị.

Đọc những thảo luận, trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ hèn.(4)

(4) Xem thêm loạt tài liệu Wilson Center, trên web anhbasam.

Cuộc chiến ấy với sự hy sinh vô bờ bến sức người, sức của không hào hùng, không lý tưởng như người ta mong đợi! Nó có nhiều mặt trái của nó và người ta mới hiểu được cái hệ lụy lệ thuộc Tầu phải trả giá như thế nào với 9 lần Trung Quốc gây chiến tranh lớn nhỏ.

Chính quyền đả dấu nhẹm những cuộc xung đột này ..Dân chúng hoàn toàn mù tịt.

Năm 1990, Nguyễn Văn Linh, như một hàng thần nối lại quan hệ Việt-Trung, bình thường hóa quan hệ với người láng giềng Trung Quốc. Dù được nối lại, cái quan hệ ấy không bình thường. Nó có tính áp đặt, tính lệ thuộc,lúc nào cũng ở thế phải nhẫn nhục, chịu thiệt thòi như trong các cuộc đàm phán về biên giới đất và biển.

Họ có thể đã thắng được Mỹ, nhưng thua Tầu.

Cuối cùng thì cái giá đắt nhất mà người cộng sản phải trả sau 1975 là những món nợ đối với Trung Quốc!  Nợ không thể trả và trả không bao giờ là vừa.

 Thế giới bên ngoài chỉ thấy họ đã thắng Pháp, thắng Mỹ. Người ta thấy họ đã làm nổi những điều "quá sức người" không ai làm được trong thời chiến. Trong thời bình, họ đã trả thù để bù đắp lại những hy sinh, những thiếu thốn mà họ họ đã chịu đựng trong thời chiến.

Trước chiến tranh, họ là những "chiến sĩ". Sau chiến tranh, họ tự biến mình thành những kẻ " hôi của".

 Cái giá của kẻ thua như người Mỹ phải trả đã là một nhẽ. Dù sao họ- người Mỹ- đã rút ra khỏi một cách an toàn. Kẻ thắng cuối cùng đưa đất nước vào chỗ mạt rệp. Hay nói nhẹ nhàng như Bùi Tín, thành tich thì ít mà lỗi lầm thì nhiều chẳng khác gì một phản bội. Phản bội ai? Phản bội những kẻ đã hy sinh, đã nằm xuống và phản bội cả môt thệ tuổi trẻ TNXP miền Bắc.

Phần bài viết này của tập sách đặt nặng vấn đề nhân bản trong chiến tranh và được xin kính tặng những người thanh niên, thiếu nữ miền Bắc. Vì họ là những người xác tín rằng cuộc chiến đã qua là một lý tưởng đời họ. Nhưng cuối cùng họ chẳng được gì. Họ thua thiệt và mất tất cả sau chiến tranh- nhất là mất tuổi trẻ-.

Cuộc chiến tranh thắng lợi ấy cuối cùng là một phản bội phũ phàng đối với tuổi trẻ miền Bắc. Thay vì  bắt tay xây dựng, đưa đất nước đi lên ngang tầm "chiến thắng thời đại"-. Họ dìm cả đất nước trong sự nghèo đói và một tương lai vô vọng trong suốt 11 năm triều đại Lê Duẩn.

Họ chỉ nhằm vơ vét và trả thù ở bình diện cá nhân và cả nhà nước. Cá nhân thì chiếm nhà, chiếm cửa. Nhà nước thu vén của cải ngân hàng, kho tàng, hãng xưởng, vật tư  ùn ùn chở về Bắc.

Nhưng việc trả thù Người miền Nam là đê tiện nhất. Người ta chỉ nói tới chuyện đi học tập của sĩ quan, công chức miền Nam.

 Nói thế là chưa đủ.

 Trong chiến tranh chống Mỹ, họ hy sinh và " nướng" thanh niên, thiếu nữ miền Bắc.

 Khi phát động chiến tranh sang Campuchia, họ đã xử dụng con em miền Nam như từ thành phố Hồ Chí Minh, chạy dài xuống Mỹ Tho, Long An, Trà Vinh, Long Xuyên vv.  Và Bùi Tín đã tiết lộ một cách bẽ bàng:

" Thì ra gánh nặng của cuộc chiến tranh này đè lên vai một tầng lớp xã hội nằm ngoài quyền lực ..! Con cái của các quan lớn nhỏ hình như không phải sinh ra để làm cái " nghĩa vụ quốc tế cao cả này như chính cha anh họ không ngớt loan truyền .."(5)

5) Trích Bùi Tín, Hoa xuyên tuyết, trang 3

Đây là điều ít ai lưu tâm để ý tới. Sách vở trong và ngoài nước hầu như không nhắc tới tên cuộc chiến này cũng như những tổn hại mà nó gầy ra.

Sự tiết lộ của Bùi Tín cho thấy cái dã tâm của Hà Nội. Trong số 16 binh sĩ bị thương trên cùng chuyến bay khởi hành từ sân bay Pochentong về thành phố Hồ Chí Minh cùng với Bùi Tín. Tất cả đều  là con em các gia đình nông dân miền Nam ..

 Không một ai là con đảng viên, cán bộ khác.

Chỉ 16 binh sĩ bị thương gốcc gác là miền Nam dĩ nhiên chưa đủ để kết đoán một điều gì.

Nhưng từ đó, người ta có quyền đặt vấn đề, tự hỏi có 52 ngàn liệt sĩ bị chết thảm và 200.000 bị thương tật trong cuộc chiến tranh làm "nghĩa vụ quốc tế" sang Campuchia với những mộ bia nằm rải rác từ Siêm Rệp đến Bat tam bang, ở Pai Lin, Xăm Lốt đến Bến Sỏi, Hồng Ngự, Long An, có bao nhiêu con em miền Nam đã làm vật hy sinh?

Có mộ bia nào của con cái cán bộ nằm ở phía Bắc? Tỉ lệ thiệt hại giữa binh đội cộng sản từ Bắc vào và binh lính mới tuyển mộ ở miền Nam là bao nhiêu?

Người miền Nam sau 1975 bị khai thác đến tuyệt sản, tuyệt gốc. Nếu người cha trong gia đình có chức tước thì đi tù cải tạo. Vợ con ở lại có nhiều phần bị lạm dụng, lấy làm bé quan chức, cán bộ miền Bắc. Con cái lý lịch " ngụy" không được tuyển chọn vào lớp 10 trung học. Gia đình còn tiên của thì  bị đánh tư sản hay đổi tiền cho trăng tay luôn.

Đồng bằng sông Cửu Long mà dưới thời Pháp thuộc đã được Sơn Nam nhận xét như sau:

"Thiên nhiên ưu đãi, lương thực và thực phẩm có thừa, công việc nhàn rỗi, áo quần nhà cửa chữ nghĩa còn thiếu, nhưng so sánh với một số địa phương khác thì đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi "lạc thô".

" Nhiều dìa cá ở xa đường giao thông, cá nổi đầu lên như " mù u chín rụng", nhưng chẳng ai khai thác, gặp năm cá sụt giá. Tát nước, khiêng hoặc gánh cá tới bến nước để bán thì tốn, kém, lỗ tiềng công. Dìa ây" để dành cho người vùng trên đến mót, lượm, tát chia hai với chủ. Vịt nuôi không cần cho ăn, mùa hạn, dưới rạch, đầy cá nhỏ, vịt thả rong, chiều tối về chuồng".(3)

(3) Trích Sơn Nam, Đồng Bằng sông Cửu Long, Nét sin h hoạt xưa, trang 36-37

Vậy mà chỉ sau 25 năm cuộc chiến, báo Đi Tới chạy dài một cái tít : 25 năm sau cuộc chiến, trẻ em đồng bằng sông Cửu Long vẫn chân ướt, chân không tới trường.

Tệ hơn nữa, các em bé gái 9, 10 tuổi thuộc các tỉnh dọc biên giới vơi Cao Mên bị bán sang Cam Pu Chia

Tôi cũng đọc Thiên Thần trong địa ngục, ký sự Cam Bốt của Ngô Tịnh Yên ... để thấy rằng tất cả trẻ nữ bị bán sang làm nô lệ tình dục ở Siemrap đều từ các tỉnh biên giới VN với Cao Mên.

Việc xuất cảng gái sang làm vợ dân Đài Loan, Trung Quốc, Nam Hàn đều phần lớn là con dân miền Nam cả.

Còn lại những thành phần  tương đối khá giả, không thuộc điện bị truy dập, thành phần công dân bậc 2  nhà nước cộng sản qua Bô Nội vụ cho xuất cảng sang các nước thứ ba, bất kể sự sống chết của họ.

Viết đến đây thôi, tôi phải tự thú và nhận thấy rằng người miền Nam của VNCH đều ít nhiều là những con người tử tế, bị hy sinh.

Trước khi bàn đến vấn đề gì sau 1975 thì việc trước tiên là phải nói đến hậu quả của cuộc chiến kéo dài 21 năm ấy. Nó khủng khiếp nhiều lần hơn Điện Biên Phủ mà nghĩ lại đến rùng mình. Dân tộc đã phải hy sinh nhiều quá.

 

Sự hy sinh ấy ngày nay xét về nhiều lẽ là không cần thiết. Nhưng người ta không thể làm một điều gì để có thể thay đổi được quá khứ và nhất là chuộc cái tội làm hàng triệu người vì thế đã phải nằm xuống.

 

 Trừ một điều là người chiến thắng làm mọi cách để cho đất nước lớn lên và người dân được an bình, hạnh phúc. Họ đã không làm được                                                      

 

Không làm được điều ấy thì chiến thắng nào đi nữa để làm gì? Đó là câu hỏi mà người cộng sản ngọng nghịu không trả lời được.

 

Biểu tượng trong chiến tranh là các thế hệ tuổi trẻ miền Bắc đã hy sinh trọn vẹn thông qua Nhật Ký Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc (4) cũng như những trang hồi ký của thanh niên miền Bắc đã hy sinh để lại trên chiến trường .

 

(4) Cùng thời với Nhật ký Đặng Thùy Trâm còn có cuốn : Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc, nxb Thanh niên. NVT, sinh viên trường Đại Học tổng hợp, Hà Nội. Trong một lá thư gửi cho gia đình, Thạc viết:" Đơn vị con toàn sinh viên và cán bộ giảng dạy. Hình như có cả một sư đoàn sinh viên. Trường Tổng Hợp đi hơn 300 người, chia thành 3 đại đội. Con nghe nói sắp lấy thêm một số nữa(khoảng 3 trung đội) ở trường và tháng 11-1971, lại tiếp tục thêm một đợt.."

 

 NVT được gửi vào chiến trường miền Nam từ 9-4-1972.

 

Chỉ một năm sau, một mảnh đạn đã cắt ngang đùi trái của NVT, nhưng vì không đủ phương tiện cầm máu, Thạc hy sinh trong chiến trường Quảng Trị.

 

Tôi cũng có được một mảng Hồi Ký mang tên Journal du Viet Cong inconnu và Nhật ký của Lê Văn Minh do nữ ký giả người Ý Oriana Fallaci ghi lại trong cuốn La vie, La guerre et puis Rien .. Những nhật ký này mà phần chắc là tác giả của nó đã chết và được người Mỹ thu nhặt rồi được phân phối cho các ký giả.

 

Trong đó Lê Văn Minh một người lính việt cộng viết những dòng cuối cùng vì biết chắc cái chết sẽ đến như sau|:

 

"Quand je serai mort moi aussi. Parce que désormais il ne me reste plus rien, Tuyet Lan. Tout m'est égal, Tuyet Lan. Ils m'ont demandé d'aller en patrouille et j'y vais. Pour mourir" (Rồi anh cũng sẽ chết như em. Bởi vì đối với anh bây giờ chẳng còn gì hết. Tuyet Lan . Anh bất cần tất cả. Người ta vừa ra lệnh cho anh phải đi tuần tiễu, anh đi ngay .. Để chết).(5)

 

 

(5) Trích Oriana Fallaci, La vie, la guerre et puis Fien .. trang 163

 

 Những trang Nhật ký của Lê Văn Minh, sinh ngày 25/3/ 1942 tại tỉnh Quảng Bình do một đội tuần tiễu của sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tìm thấy ở Quảng Trị.

 

 Đối với chính quyền cộng sản trong nước thì nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc được coi là biểu tượng cao cả và hy sinh của cuộc chiến tranh này.  Nó trở thành như một làn gió mát quét nhẹ những lớp bụi bẩn đã làm hoen ố khuôn mặt đất nước. Nói riêng Đảng và nhà nước đều mát lòng, mát dạ. Hãnh diện ra mặt.

 

Hai người thanh niên, thiếu nữ trên được coi là những anh hùng nằm trong danh sách anh hùng đủ loại. Và đất nước này có một nhà máy không đâu có: nhà máy sản xuất anh hùng.

 

Anh hùng thì nhiều. Nhưng liệu trong cả nước hiện nay, chúng ta có thể tìm ra được một người- chỉ một người thôi- sống trong sạch, không ăn bẩn? Chắc là không.

 

 Chỉ cần một nhà lãnh đạo thôi đủ để cứu đất nước này, nhưng tìm không ra, kiếm không thấy.

 

Vì thế, tôi đọc Nhật ký ĐTT, thay vì hãnh diện, tôi chỉ thấy ngượng cho những người lãnh đạo vì họ đã làm mất mặt Đặng Thùy Trâm.

 

Phần Đặng Thùy Trâm, tôi tội nghiệp cho sự hy sinh cao đẹp ấy và nay họ dùng nhật ký của cô như món hàng thế chấp tương lai cho chế độ. Tôi cũng chỉ nhận thấy sự bất nhẫn đối với con người, sự phản bội đối với tuổi trẻ miền Bắc đã bị hy sinh.

 

 Khi cuốn sách của Đặng Thùy Trâm được xuất bản, tôi đã có một ý tưởng ngộ nghĩnh là mang đối chiếu nó với cuốn Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu. (6)

 

(6) Đỗ Hoàng Diệu gửi truyện ngắn đầu tay ra Hải ngoại là chuyện Tình chuột, đăng trên Hợp Lưu số 74. Truyện ngắn Tình Chuột đã xác định được phong cách nhà văn của  ĐHD. Nhưng đến Bóng Đè thì cô dứt khoát đươc xếp vào thế hệ các nhà văn sau  Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài.

oãng Diệu Hoãng Diệu

 

Cả hai tác giả đều là những phụ nữ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Đều còn trẻ. Đều khát vọng mãnh liệt. Chỉ khác một điều ĐTT là một phụ nữ sinh trong thời chiến tranh. ĐHD sinh ra sau chiến tranh.

 

Nhưng Đặng Thùy Trâm phải gánh chịu cả một "quá khứ phi phàm", làm vật tế thần cho một cuộc hiến tế thần thánh cho lý tưởng " giải phóng miền Nam". Miền Nam có cần đến sự giải phóng đó không? Đó là câu hỏi thứ hai cần đặt ra trong lúc này.

 

Phần Đỗ Hoàng Diệu, thế hệ lớp sau phải gánh chịu "Cái tội tổ tông" của cha ông để lại. Đó là cái tội cộng sản, di sản để lại từ thời Staline, Mao Trạch Đông và mặt trái của các cuộc chiến thắng.

 

Nếu xét về mặt văn chương thì Đặng Thùy Trâm là người "đúc chữ", thuộc bài còn Đỗ Hoàng Diệu là người"phu chữ", sáng tạo.

 

Nếu ĐTT dấn thân không thắc mắc, tin tưởng thì Đỗ Hoàng Diệu lật ngửa vấn đề, bóc trần. Người ta gọi tên đó là dòng " Văn Học tự vấn" bằng một thứ ngôn ngữ trần trụi, thông minh đến đểu cáng:

 

"Ông nội bị đấu tố hồi cải cách ruộng đất chết thảm trên tổ kiến lửa. Sáng mai bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc ở nơi cột trói, xác không biết đi đường nào".(7)

 

(7) Trích Bóng Đè,  Đỗ Hoàng Diệu, trang 8

 

Thế cho nên cuộc chiến này phải được nhìn lại vừa bằng trái tim và vừa bằng cái đầu. Trái tim để chia sẻ và cái đầu để phân biệt thị phi.

 

Chúng ta sẽ phải đương đầu với hai thực tại chiến tranh với sát hại và lý tưởng hòa bình tưởng như trái cựa làm lương tâm con người phải bối rối và bất an.

 

Bởi vì tự cội gốc cuộc chiến tranh này cho đến bây giờ cũng chưa dứt khoát đặt được tên nó là gì? Nó dựng lên nhiều chiêu bài, nó đánh lừa dư luận thế giới sau đó, nó phản bội kháng chiến miền Nam. Sau chiến tranh, nó xử sự như những tên thuộc địa kiểu mới. Tập sách này đi lại những chặng đường lịch sử như chuyện kể từng ngày, từng biến cố lớn nhỏ và những lời lên tiếng phản biện của những nhà văn, những người bất đồng chính kiến. Nó là những trang sử cần được bật mở chẳng khác gì bật mở tấm nắp ván thiên của chiếc quan tài quá khứ  mà không thể nào tránh khỏi những mùi xú uế xông ra.

 

Đã có hằng trăm, hằng ngàn những người chính trực, những người còn có lòng với đất nước lên tiếng mỗi ngày. Tôi xin nguyện làm người chuyển giao những những ý kiến ấy theo thứ tự thời gian.Tiếng phản kháng của họ và tiếng kêu của dân oan đã thấu tới Trời Xanh!!

 

Nhưng nói về hai chữ cộng sản thì sẽ không bao giờ là cùng.

 

Cùng nhau nhìn lại vì thế cho thấy có hai thế hệ nhà văn như ở trên. Một người hy sinh, phục vụ " lý tưởng".  Quên mình.  Đánh mất tuổi trẻ. Mà họa chăng trong muôn người may ra có một vài người.

 

 Một người "sáng suốt", can đảm dám sẵn sàng nhổ vào mặt mặt cái quá khứ ấy. Và có hàng ngàn người như ĐHD vẫn nhổ như thế đều đều mỗi ngày trên các báo mạng.

Đỗ Hoàng Diệu ngang tàng. Khinh bỉ. Đòi lại tuổi trẻ đã bị vùi dập.

 

Một bên là thứ sách hồng, một bên là sách đen. Một bên là tô hồng, lý tưởng, một bên bôi đen.

 

Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện đá lăn chiêng những thần tượng dởm, mục rữa. Như một thứ văn chương ngược dòng. Nhà văn đào xới mồ mả quá khứ lên như một lời nguyền rủa.

 

Đỗ Hoàng Diệu viết như một trả giá, đòi một món nợ tinh thần mà xã hội ấy, lịch sử ấy đã một thời lừa dối, phỉnh gạt thế hệ thanh thiếu niên. Hơn 300 sinh viên cùng học với Thạc, tuổi 19 đôi mươi bị vứt ra chiến trường làm mồi cho bom Mỹ. Chính ước muốn viết lột trần xã hội, đánh tụt giá thị trường những điều phô trương phỉnh gạt của chính quyền cộng sản hiện nay mà Đỗ Hoàng Diệu viết Bóng Đè- Một chính quyền tự cho phép mình muốn làm gì thì làm- nhưng lại tự đóng cửa, tự bịt tai, bịt mắt, bất chấp  tiếng dân oan, chìm đắm trong sự tự cao vĩ cuồng và sự dốt nát.

 

Cho nên phần hồ sơ chiến tranh VN còn để lại nhiều điều nghi vấn, cần xét lại, cần khai quang vạch lối mở đường bằng sự cân bằng giữa lương tâm và lòng tự trọng trên nền tảng tôn trọng sự thật.

 

Cuộc chiến tranh ấy sau cùng bao giờ cũng để lại nhiều thứ, mà đa phần là những thứ thua thiệt và mất mát cả. Chiến tranh là hủy diệt mà kẻ yếu chết trước, chừa lại kẻ mạnh. Rồi người trẻ chết thay cho người già. Người dân giả chết thay cho kẻ làm chính trị và binh sĩ chết thay cho các viên tướng.

 

Chiến tranh cuối cùng là The Last resort, nơi hẹn hò của nhà làm chính trị và tướng lãnh. Chúng phởn phơ tự mãn và tự sướng với những thành quả gặt hái được. Chúng soi gương chỉ thấy có chính mình ..

 

Và họ đã quên những người đã nằm xuống.

 

 Phải quên mới sướng được. Vì thế đã có một dòng nào, một chương nào trong những cuốn sách của tướng  Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng dành đôi chút tưởng niệm những kẻ đã hy sinh vì họ, cho họ ..

 

Trong khi mọi vinh quang cuối cùng dành cho các ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn và đảng Cộng Sản.

 

Hãy cùng nhau nhìn lại cho thấy cuộc chiến tranh tàn bạo như thế nào từ hai phía và đồng thời rút ra được bài học cũng từ hai phía ..

 

 Mất mát trong chiến tranh chủ yếu là về người sau đó về của, về xã hội, về đạo đức. Mất mát có thể cả về phía người thắng lẫn người thua. Chỉ tính bằng con số ít ra hơn 2 triệu người Việt cả hai phía đã chết mà phần lớn là dân chúng.

 

 Dù sao, con số 2 triệu vẫn chỉ là những con số trừu tượng, nó không nói lên được điều gì. Nó không đủ sức gợi cho ta những thảm cảnh người chết đủ kiểu, đủ hoàn cảnh. Nó vô tình, vì nó chỉ là con số. Con số 01 và con số 2.000.000 xét về mặt toán học hay lượng tính thì lớn lắm như thể từ hai cực âm và dương.

 

Nhưng xét về mặt bản thể của cái chết như một bóng ma (ontological specters) thì một cái chết cũng đã đủ mang trọn vẹn ý nghĩa của cuộc nhân sinh như trong cảnh ma quái được diễn tả trong Chinh Phụ ngâm khúc là: Hồn tử sĩ gió vù vù thôi. 

 

Chinh Phụ Ngâm được coi như là tác phẩm "độc đáo" trong văn học Việt Nam nói về chiến tranh.

 

Nhưng đã có nhiều Chinh Phụ Ngâm khác trong cuộc chiến này.

 

Trước đây Bernard Fall với Hell in a very small place và nhất là Street Without Joy, Phố buôn hiu nói về trận Điện Biên Phủ trong đó 172.000 binh si bị thương hay để xác tại trận. Nó hao hao giống cái tâm cảnh Hồn tử sỉ gió vù vù thổi. Nó gợi nhớ đến những quang cảnh đồi trọc chỉ còn vương khói lửa đạn, những căn nhà cháy dở còn trơ trụi kèo cột, những khu phố, những con đường dẫn vào làng vắng bóng người, nhất là vắng tiếng nô đùa của trẻ thơ.

 

Nói cho cùng, dù viết dựa trên những con số và tài liệu, nó cho thấy hậu quả của chiến tranh vượt khỏi những tính toán của các nhà quân sự và sự bi thảm không thể nào tính toán hết được.

 

Đó là bi kịch của chiến tranh.

 

 Khi viết những dòng này, tôi lần dở lại các bút ký chiến tranh-đặc biệt từ phía miền Nam như một cách bù khuyết cho những tài liệu vô hồn để trực diện với chiến tranh.

 

Và đọc những hồi ký này, tôi nhận ra tính nhân bản trong chiến tranh về phía  miền Nam- một điều đi ngược với tinh thần gây hận thù từ phía miền Bắc.

 

Trong nỗi khốn cùng, trong những chết chóc đau thương, trong khói lửa mịt mùng vẫn lóe lên tình người, tình đồng đội và tình đông loại mà việc giết đối thủ chỉ là điều bất đắc dĩ.

 

Trường hợp Phan Nhật Nam và các tác phẩm của ông.

 

Chẳng hạn trước tiên là nhật ký chiến tranh của Phan Nhật Nam. Trong Dọc đường số 1, viết trong lúc ở tù, PNN có tham vọng viết được một truyện dài chiến tranh như tầm cỡ cuốn À L'Ouest, rien de nouveau hay như một La vingt cinquième heure. Mục đích của PNN khi viết cuốn sách là để cho những người vô danh và cho những người lính dù, đặc biệt là người lính già. Tại sao lại là người lính già nhỉ ?

 

Nhật ký ấy nói về chiến tranh mà bàng bạc tính nhân bản khác hẳn Những trui rèn trong lửa đỏ đầy hận thù và khát máu của những người phía bên kia:

 

"Người ta còn nhớ những viên đạn đích đáng của tuổi trẻ Sài gòn dành cho tên Từ Chung vào cuối năm 1965 và tên Chu Tử vào tháng tư/ 1966".(8)

 

(8) Trích Trui rèn trong lửa đỏ, Thành đoàn TNCS thành phố Hồ Chí Minh, trang 110

 

Vậy mà một người chưa bao giờ khoác áo chiến y như tôi đang đọc nghiền ngẫm để mà bất lực, mà chỉ để buồn, mà chia xẻ tâm trạng người lính nơi chiến trường.

 

 Tôi đọc câu chuyện Đứa bé ở Đông Hà, từ trang 147 mà "Cha đi lính, mạ bị thương nằm ở Quảng Trị mà tác giả nhìn chiếc "áo trắng học trò cùng hai khuôn mặt ngây thơ ngơ ngác giữa một đám lính ồn ào lòng chợt nhói lên một sót thương se sắt".

 

Cái người lính VNCH dù thế nào đi nữa vẫn còn một con tim.

  

Nói về chiến tranh  mà thực ra PNN nói tới rất nhiều về tình tự con người- về người vợ lính, về một thành phố hư hại, về hững ngày dài trên quê hương...

 

Nhưng chỉ ngay trang bên cạnh là cảnh trái ngược, một bộ mặt khác của chiến tranh cũng được PNN vẽ lại. Hai anh lơ xe đang " hành hạ" một người phụ nữ đi xe nhờ :"

 

"Xe chạy qua Đèo Cả lúc ba giờ sáng, ánh trang bạc thếch soi xuống lòng xe một khoảng nhỏ, dưới kia bãi Đại Lãnh đẹp như một cảnh thủy mạc.(...) Và tôi thức giấc không phải vì hơi gió lạnh luồn qua, nhưng vì tiếng nấc của ngươì đàn bà bị cưỡng ép phải làm tình quá độ, với tiếng cười khoái trá của hai gã lơ xe lực lưỡng.

-Đ..m, đĩ ở Quảng Ngãi chỉ có ba chục một cái, cho mày đi xe, tệ lắm cũng đỡ hai trăm, khóc cái con c...".(9)

 

(9) Trích Phan Nhật Nam, Dọc đường số 1, trang 11 và Đứa bé ở Đông Hà trang 148-149

 

 

Tôi cũng đọc PNN trong Mùa hè đỏ lửa nơi mà ông viết lại như sau:

 

"Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy ... Mùa hè năm 1972, mùa hè máu, mùa hè của sự chết và tan vỡ toàn diện, mùa hè cuối đáy điêu linh.

 

Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đầy... !!

 

Cộng quân chơi trò chơi máu, mở đầu những ngày hè đỏ lửa, trận cuối cùng đã kết thúc 12 năm chiến tranh " giải phóng" đã cạn lực"(10)

 

(10) Phan Nhật Nam, Mùa hè đỏ lửa, trang 7

 

Ở một chỗ khác, PNN mô tả cảnh tượng của cuộc chiến ở mức độ tàn bạo không bút mực nào tả xiết, nó vượt sự chịu đựng của con người. Ông viết:

 

"Tôi đang ở cây số 9 từ Quảng Trị kể đến, vùng thôn Mai Đẳng, xã Hải Lâm. Không thể dùng một chữ, một tĩnh từ, không thể nói, khóc, la, trước cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ môi chảy máu tươi, tay luống cuống mắt mờ nhạt, mũi phập phồng.. (..) Tôi không còn là người đang sống vì sống là sống cùng với người sống, chia sẻ vui buồn, đau đớn lo âu với người sống. Chung quanh tôi, trước mặt chỉ còn một hiện tượng, một không khí - chết . Phải chỉ có sự chết bao trùm vây cứng. Chỉ có nỗi chết đang phơi phới bừng bừng che kín không gian" .(11)

 

(11) Phan Nhật Nam, Mùa hè đỏ lửa, trang  173

(Còn tiếp)



Sunday, September 22, 2024(View: 598)
Riêng tôi khi mình lung túng không chắc chắn về những từ Hán Việt mà không hỏi ai được thì cứ ‘nôm na là cha mách qué” là hay nhất!
Saturday, September 21, 2024(View: 1152)
Nhìn vào tấm lịch treo trên tường, tôi thấy ngày Thứ Ba 17 Tháng 9 năm 2024 lại là ngày Tết Trung Thu năm 2024.
Friday, September 20, 2024(View: 1639)
Tháng chín Cali đón thầy cô Huỳnh Công Ân đến thăm. Thầy bây giờ cũng không khác học trò là bao, nhiều khi còn trẻ hơn là khác.
Friday, September 20, 2024(View: 806)
Lần lượt từng cuốn album được lật qua, nâng niu, từng kỷ niệm sống lại, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, để rồi ngẩn ngơ chép miệng, mới ngày nào!
Sunday, September 8, 2024(View: 1236)
Nghe nói cơn bão Yagi đang tiến vào Trung Quốc và VN. Xin cho cơn bão mau qua và đừng gây thiệt hại cho người dân tội nghiệp nước tôi. Cầu nguyện. Cầu nguyện.
Sunday, September 8, 2024(View: 5534)
BĐH Website NQBH xin chuyển lại nguyên văn bài viết của em Linh Vũ, là thứ nữ của Thầy Vũ Khánh Thành. Nội dung bài viết tựa lời ly biệt, như tiếng lòng của em Linh Vũ đối với người cha quá cố em yêu thương.
Sunday, September 8, 2024(View: 1167)
Chiều nay cũng như những buổi chiều hôm trước, những cơn mưa cứ rả rích liên miên bất tận. Mưa không lớn, mang theo gió lạnh buốt, hình như từ bên phía đồi cù tràn qua.“Mưa nhè nhẹ cho vừa nhớ thương”,
Saturday, September 7, 2024(View: 1893)
các quán cà phê nhạc được phổ biến những dòng nhạc thịnh hành ở hải ngoại lúc bấy giờ, qua phần trình diễn bởi các ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Boney M, Modern Talking, Bee Gees..
Friday, September 6, 2024(View: 2488)
Nó có khiếu kể chuyện vui. Câu chuyện tầm thường mà qua cách kể chuyện của nó, thiên hạ lắng nghe và cười. Nó là ngôi sao sáng, là trung tâm của bạn bè.
Wednesday, September 4, 2024(View: 1026)
Trong thời gian tôi học ở bậc trung học và đại học, đa số các ông thầy của tôi đều là “Bắc Kỳ”. Có lẽ vì ở miền Bắc, đời sống khó khăn hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn, ...
Wednesday, September 4, 2024(View: 1242)
Tôi không biết anh Nhật Tiến có sinh hoạt Hướng Đạo cho đến khi gặp Anh tại trại họp bạn Hướng Đạo Giữ Vững 1970 tại Suối Tiên Thủ Đức và được sinh hoạt chung với Anh từ năm 1971
Wednesday, September 4, 2024(View: 801)
Cám ơn người đã dừng chân ghé bến Bến yêu thương, bến quí trọng, thân tình Nếu ta cùng chung một kiếp nhân sinh Thì ta hãy thương yêu trong cuộc sống
Monday, August 26, 2024(View: 2843)
Và thế tôi xin mượn âm điệu bài hát 'NGÀN THU ÁO TÍM" của nhạc sĩ Vĩnh Phúc và Hoàng Trọng để diễn tả cuộc tình thật đẹp của những đôi tình nhân cùng học trường Ngô Quyền Biên Hòa.
Monday, August 26, 2024(View: 886)
Bước vào năm 2000 của thế kỷ 21 chúng tôi quyết định vào mùa hè đi thăm nước Mỹ bằng cách lái xe xuyên bang qua các vùng thuộc miền Trung và Đông Bắc của nước Mỹ ...
Sunday, August 25, 2024(View: 918)
Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.
Friday, August 23, 2024(View: 964)
Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng
Tuesday, August 20, 2024(View: 1025)
Ngày18/8/2024 tin tài tử đẹp trai huyền thoại của Pháp: Alain Delon không còn nữa khiến những người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Tuesday, August 20, 2024(View: 1190)
Kể lại câu chuyện trên tôi nhớ lại thời gian ngắn ngủi làm việc thiện nguyện cùng với YMCA. Nhắc đến ông Ronald Luce tôi có hai điều đáng nhớ.
Monday, August 12, 2024(View: 2021)
Chào tạm biệt, và cảm ơn Paris. Bốn năm nữa, tháng 7 năm 1928, Thế vận hội Los Angeles sẽ mang màu sắc của "thành phố Thiên thần" .
Sunday, August 11, 2024(View: 1274)
Ai nói mẹ chồng không thương con dâu. Bà mẹ chồng tôi viết ở đây là minh chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của một người mẹ. Hãy mở lòng ra và yêu thương chân thật, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn ta nghĩ.