KHÓ ĐI CON DẮT MẸ ĐI…
Tình cờ biết mẹ có lần ngất xỉu giữa sân ga Đà Nẵng, thằng con của Sáo Lý Luận bất chợt nhận ra bà mẹ của nó không còn trẻ nữa. Nó đâm ra lo lắng nhiều hơn cho cái sở thích lang bạt kỳ hồ (?!…) của mẹ:
- Mẹ thích du lịch những đâu, để con thu xếp công việc rồi đi với mẹ…
- Chỉ còn hai nơi mẹ ao ước viếng thăm, là thành cổ Jerusalem ở Israel và các thánh tích ở Nepal - Ấn Độ…
Vậy là mùa Vu lan năm 2019 con trai đã “tháp tùng” mẹ già trải nghiệm chuyến du lịch qua hai quốc này, đúng như ước mong của Sáo…
@ Hành hương viếng Tứ Động Tâm:
Trong thời gian 6 ngày, mẹ con nhà Sáo được đưa đi thăm 4 thánh tích nổi tiếng của Phật giáo được gọi là Tứ Động Tâm, bao gồm: Vườn Lâm Tì Ni (Lumbini – Nepal) nơi Đức Phật đản sanh; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya – Ấn Độ) nơi Đức Phật đắc đạo; Vườn Lộc Uyển (Sarnath – Ấn Độ ) nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên; Câu Thi Na (Kushinaga – Ấn Độ) nơi Đức Phật nhập Niết Bàn;
Ngoài 4 thánh tích kể trên, mẹ con nhà Sáo còn được: Đón ánh bình minh bên sông Hằng huyền bí; Cầu bình yên trên đỉnh núi thiêng Linh Thứu; Thăm tháp Trà Tỳ (Ramabhar) nơi hỏa táng kim thân Đức Phật; Thăm chùa Kiều Đàm Di, ngôi chùa Ni đầu tiên của Việt Nam trên đất Phật; Thăm đại học Nalanda, trường đại học tinh hoa của Phật giáo… Điều khiến cho Sáo ngạc nhiên là, tuy Ấn Độ được xem là nơi khởi nguồn tín ngưỡng Phật giáo, nhưng tín đồ Phật giáo tại quốc gia này lại rất khiêm tốn chỉ chừng 1% dân số mà thôi (*)
Chuyến đi ngắn ngày nên lịch trình dày đặc, xe di chuyển liên tục trên những cung đường lầy lội bất kể nắng mưa. Đúng là du lịch kiểu này không dành cho quý vị phụ nữ mang thai, hoặc người cao niên không đủ sức khỏe chịu đựng nhiều cú dằn xóc kinh hoàng. Bên cạnh đó tình trạng ách tắc tại cửa khẩu Ấn Độ - Nepal, gần như là “đặc sản” tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này. Nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh nơi đây có phong cách làm việc thong dong không nóng vội, mặc cho đoàn xe chở khách hành hương xếp hàng dài dằng dặc, mặc cho du khách đợi chờ mỏi mòn chỉ chực chờ để… lấy hơi lên.
Quãng đường giữa các điểm tham quan cách nhau khá xa, nhưng thời gian di chuyển co giãn thất thường tùy giao thông thực tế. Hướng dẫn viên cho biết, rất khó tính toán chính xác thời gian đi lại ở quốc gia có hơn 80% dân số tôn sùng đạo giáo Hindu này. Họ thờ thần, mà thần linh của đạo Hindu thì nhiều vô số kể. Ước tính có hơn một triệu vị thần để giáo dân Hindu thờ cúng, trong đó có cả thần… bò. Họ sùng đạo đến mức, có thể khiêng kiệu khuân thần diễn hành trên đường phố suốt tháng quanh năm. Cho dù không phải là mùa lễ hội, thì kiệu rước thần linh vẫn bất thình lình xuất hiện trên lộ trình các đoàn hành hương bất cứ lúc nào. Lái xe hầu hết là công dân Ấn Độ, tất nhiên họ phải dừng xe cung kính đợi những bầy bò, những đám rước lướt qua rồi mới tiếp tục hành trình.
Với những nguyên do ly kỳ như vậy, khách hành hương không thể tránh khỏi thảm cảnh (?!…) sáng dậy thật sớm tối thức thật khuya. Ngày nào về tới khách sạn cũng quá 10 giờ đêm tối tăm mù mịt, mẹ con Sáo ăn uống qua loa rồi về phòng vệ sinh ngủ nghỉ. Chừng 3 giờ sáng hôm sau đã được đánh thức, thu dọn hành trang mang xuống sảnh, dùng bữa sáng vội vàng rồi ra xe tiếp tục hành trình.
Sáo không phải là tín đồ Công giáo, cũng không phải là Phật tử thuần thành, nhưng Sáo trân trọng giá trị tinh thần của tất cả các tôn giáo. Bởi theo Luật và lời hứa Hướng Đạo, bất cứ một hướng đạo sinh nào đều phải có niềm tin tâm linh để tự giác hướng thiện cho bản thân. Trên các nẻo đường Sáo đã đi qua - bên cạnh những công việc cần làm - Sáo luôn tận dụng cơ hội thăm viếng các cơ sở tôn giáo trên quê hương mình. Từ Nhà Thờ đến Chùa Chiền, Miếu Mạo hay Đền thờ Hồi giáo… Sáo đều lặng lẽ tìm đến khấn nguyện bình an, cầu mong các đấng linh thiêng che chở dân mình thoát khỏi những cơn cuồng nộ thiên nhiên…
Cũng với niềm tin tâm linh ấy, Sáo thành tâm cầu nguyện bình an suốt hành trình viếng Tứ Động Tâm. Càng chiêm nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống vô thường, Sáo càng khát khao ước ao sự bình yên an lạc cho mình và tất cả những người thân.
@ Ngày xưa mẹ dắt con đi…
Sáo Lý Luận chưa từng tưởng tượng, sẽ có ngày được thằng con hơn ba mươi tuổi sẵn lòng “dắt” mẹ già hành hương đến miền đất Phật. Đứa con trai không may mắn mở mắt chào đời vào thời điểm thóc cao gạo kém, mà “giá - lương - tiền” tựa cơn chấn động địa cầu kéo theo bữa ăn hàng ngày thiếu gạo nhiều khoai. Con lớn lên bằng dòng sữa chắt chiu từ cơ thể suy nhược cấp tính của bà mẹ trẻ, thỉnh thoảng được dặm thêm chút nước cháo trắng pha đường. Thiếu thốn trăm chiều nhưng nhờ Phật Trời thương, mẹ càng sút kí gầy gò thì con trai càng phổng phao lớn mạnh. Chỉ biết lao lách nuôi con, bà mẹ gần như không đủ thời gian dạy con những kỹ năng sống, lại càng không manh nha ý nghĩ cậy nhờ con khi “mai này cha yếu mẹ đau…”
Đã nhiều lần ngược Bắc xuôi Nam cứu trợ đồng bào gặp thiên tai lũ lụt, cũng lắm phen kết hợp công việc độc hành thăm thú thắng cảnh thiên nhiên, vậy nến Sáo không chút ngán ngại hành trình du mục đường xa. Thế nhưng vào thời điểm sức khỏe đang tuồn tuột rơi bên kia triền dốc cuộc đời, thì sự đồng hành của con trai trong chuyến đi này khiến Sáo vô cùng xúc động. Sáo biết thằng con “chịu” đi hành hương chỉ vì thương mẹ, chứ nó chẳng mặn mòi gì với sở thích rong rêu của mẹ lắm đâu.
Điều Sáo băn khoăn nhất trước lúc lên đường, là làm cách nào “trèo lên” đỉnh núi thiêng Linh Thứu? Cháu Vũ Phong, hướng dẫn viên phụ trách nhóm giải thích cho khách yên lòng:
- Có kiệu đưa du khách dịch chuyển khó khăn lên núi, giá dịch vụ không đắt lắm đâu nhưng khoản chi phí này cô Mai phải chịu…
- Không sao đâu, mình được việc thì người ta được tiền. Vậy cũng tốt mà con…
Nhưng lúc tận mắt nhìn chiếc kiệu tre, thì Sáo không can đảm ngồi để người ta khuân cái thân già lên núi. Thằng con thấy vậy, khích lệ bà mẹ:
- Đường lên núi thoai thoải cũng dễ đi, mẹ ráng đi từ từ có gì con đỡ mẹ…
Sáo túc ta túc tắc vài mươi bước lại dừng chân nghỉ, thằng con khoác ba-lô
thong thả theo sát mẹ già. Cuối cùng hai mẹ con Sáo cũng lên đến đỉnh núi thiêng, bày vật phẩm làm quà lưu niệm chuyến đi Ấn Độ - Nepal: Những chuổi hạt gỗ bồ đề; Những hộp broche cài áo hình Phật tĩnh tọa trên lá bồ đề rất duyên; Cả quyển Kỷ yếu SBTT của gia đình cựu hđs.BH, đã cùng Sáo đến đỉnh núi thiêng Linh Thứu đón nhận những dòng năng lượng an lành và tinh khiết nhất…
Biết mẹ chậm chân con trai bảo mẹ nên rời núi sớm, kẻo đoàn khách khác kéo lên vướng hết lối đi. Từng hạt mưa nhè nhẹ rơi khiến Sáo đâm lo, nhưng hai mẹ con vừa ổn định chỗ ngồi trên xe là ngoài trời mưa tuôn xối xả. Ơn Trời, đã che chở mẹ con nhà Sáo…
Để kịp thời gian di chuyển, một số bữa trưa đoàn khách phải dùng tạm cơm hộp trên xe. Không kén ăn nhưng thiệt tình, thức ăn chay Ấn Độ hơi khó nhai khó nuốt (?!…) mà cũng có thể do mệt mỏi nên Sáo lười ăn. Biết mẹ già không nuốt trôi cơm, thằng con nhanh nhẹn nhặt nhanh trái cây nước uống cho mẹ già lót dạ. Thương con trai biết “thói quen ngược đời” của mẹ, càng uống cafe mẹ hắn càng dễ ngủ (?!…) hơn. Vì vậy bất cứ lúc nào có thể, là con trai pha nhanh tách cafe hòa tan mang theo để mẹ già duy trì năng lượng.
Một kiếp nạn kinh niên khác, mà không một vị khách hành hương Tứ Động Tâm nào tránh khỏi:
- Kéo nhau sang Ấn làm chi, để bi giờ bị… tiểu đường hàng loạt vầy nè?…
Nổi tiếng tầm cỡ quốc tế như ca sĩ Tuấn Ngọc, diễn viên Hữu Châu cũng đành tìm đường “xả nước cứu thân” nói chi đến thường dân như mẹ con nhà Sáo? Ban đầu mọi người còn ngại ngùng, nhưng với độ rung lắc liên tu bất tận của xe trên những chặng đường, mọi người đều ý thức phải tự cứu lấy thân.
Lúc này Sáo nhận ra, có thằng con đi cùng lợi hại (?!…) lắm luôn. Mỗi lúc xe dừng bên đường để hành khách xả bầu tâm sự, nó vội vàng đưa mẹ đến nơi thuận tiện rồi dang hai cánh tay quây chiếc khăn choàng thành cái WC mini, đợi mẹ thoải mái tưới Ure đám cỏ bên đường. Xong hắn đưa mẹ trở lại xe ổn định chỗ ngồi, rồi nhanh như chớp con trai mới lo tới phần mình. Khi đã “quen hiện tượng tiểu đường hàng loạt, mọi người có vẻ tâm đắc hơn với phương tiện vệ sinh “độc đáo” dường như chỉ phổ biến ở quốc gia đông đúc dân cư này.
Điều may mắn nhất, là những vị khách chung chuyến xe với mẹ con Sáo quá đỗi dễ thương. Tất cả đều vui vẻ suốt hành trình, không một ai buông lời phàn nàn hay than vãn. Mặc dù nhóm cũng gặp kiếp nạn bất ngờ, khi đoàn bị “vỡ trận” tại Bồ Đề Đạo Tràng vì khách hành hương quá đông, đơn vị tổ chức tour không kịp trở tay. Có khá nhiều khách bị lạc đoàn, trong đó có mẹ con nhà Sáo. Thằng con vội vàng ôm mẹ thoát ra lộ chính, bình tĩnh thuê xe Tuk Tuk đưa hai mẹ con trở về khách sạn ngủ nghỉ sớm hơn mọi ngày.
Ngày cuối của hành trình, khách chung xe mới có thời gian thong thả sẻ chia cảm xúc vui buồn trong chuyến hành hương. Cả đoàn bất ngờ khi biết con trai của Sáo đã lập gia đình, có đứa con gái đã hơn năm tuổi:
- Nếu mẹ của em không bị tai nạn giao thông cách đây vài năm, chắc là em không theo kịp mẹ đâu. Sau tai nạn, sức khỏe của mẹ không như trước nữa. Ba của em lại không thích du lịch, nên em đi cùng mẹ để cả nhà em được yên tâm…
Ca sĩ Tuấn Ngọc - vị khách hành hương hiền hòa dễ mến chung chuyến xe với mẹ con Sáo - ngạc nhiên:
- Chú không nghĩ cháu nhiều tuổi thế, con trai có gia đình ít người chịu khó đi theo mẹ giống như cháu. Con trai sống bên Mỹ lại càng không, cháu tốt lắm!…
Sáo xúc động nghẹn lòng, hạnh phúc bất chợt tràn dâng mi mắt… Cũng may khoảng lặng ấy trôi nhanh, khi nhóm fan trẻ vây quanh diễn viên Hữu Châu nhao nhao đòi chú Tuấn Ngọc “cúng dường” cho cả nhà bài hát:
- Đoàn hành hương mấy ngày nay cúng dường Đức Phật chư tăng tài vật nhiều rồi, bi giờ cả đoàn mong được chú Tuấn Ngọc “cúng dường” âm nhạc trước ngày tạm biệt…
Sân khấu “lạ đời” được thiết lập ngay trên chuyến xe rung lắc nghiêng ngã nhiều chiều, không một nhạc công nào phụ họa, mà âm thanh thì ôi thôi… hết nước chấm. Ca sĩ chuyên nghiệp tay cầm miro, tay bám chặt thanh vịn trên trần xe để không bị ngã… Vậy mà anh vẫn vui vẻ hay chay, hát mộc tặng đám khán giả “hầm bà lằng” một bài hát nhiều ý nghĩa về thân phận đời người ” Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ… Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già. Một ngày kia bến bờ, đời người như gió qua….” (**)
Một tiết mục văn nghệ quá chừng “độc đáo, độc bản, độc quyền… ” mà Sáo cam đoan, chỉ trình diễn một lần duy nhất trong chuyến hành hương Tứ Động Tâm Ấn Độ - Nepal nhân mùa Vu Lan 2019 mà thôi..
@ Hành trình khép lại ước mơ…
- Mẹ định thời gian thăm thành cổ Jerusalem, con đi với mẹ…
- Mẹ không đi nữa đâu con…
- Sao vậy mẹ?…
- Mẹ “ngán” đi rồi …
Thương đứa con dâu của Sáo vất vả gánh luôn phần việc của chồng, nếu con trai của Sáo chiều theo sở thích “rong rêu” của mẹ. Thêm cháu nội của Sáo nữa, ngày nào cũng đòi video call để “gặp” ba. Vậy mà đến lúc ba gọi được về nhà, thì con gái nhỏ đã ngủ say.
Sau chuyến hành hương Sáo tự nhủ lòng, thôi hãy “dừng bước giang hồ” để con trai đừng lo lắng cho mẹ già nữa. Được con quan tâm lo lắng, tất nhiên Sáo rất vui rồi. Nhưng để con dành thời gian lo cho vợ con của nó, chắc chắn Sáo vui nhiều hơn nữa. Nước mắt chảy xuôi mà, mình thương con mình nhiều bao nhiêu, thì con trai của mình cũng thương vợ con nó bấy nhiêu…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 7/2024
(*) Nguồn tư liệu Internet;
(**) Nhạc phẩm Phôi Pha - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn;