Tôi và Hà Thái Trường cùng dạy học tại trường tư thục Việt Anh mà hiệu trưởng là thầy Lê Phỉ, cũng là một Trưởng Hướng Đạo. Tôi là Thiếu trưởng Thiếu đoàn Lê Lợi, còn Trường là bầy trưởng Ấu đoàn Lê Lai. Sau khi thành phố Đàlạt giao cho Hướng Đạo Lâm Viên căn nhà bằng gỗ ở hồ Xuân Hương để đổi ngôi nhà lâu nay là Đạo quán ở số 28 đường Lý Thái Tổ thì tôi và Trường được anh Đạo trưởng lúc bấy giờ là Trưởng Phan Như Ngân và các Trưởng trong Đạo giao cho hai chúng tôi ở tại đó để trông coi Đạo quán.
Người Đàlạt và những ai đã từng đặt chân đến đây chắc chắn không thể nào không nhớ đến căn nhà màu xanh nằm ngay bùng binh gần Đồi Cù ở đầu con đường chạy lên Viện Đại Học Đàlạt, đường Phù Đổng Thiên Vương. Cũng có một con đường chạy từ bùng binh đến một ngả ba thì chia làm ba nhánh, nhánh trái là đường Phan Bội Châu chạy lên khu Hòa Bình, nhánh giữa là đường Cộng Hòa – một con đường thơ mộng chạy ôm theo hai bên sườn đồi lúc nào cũng rợp bóng mát của rừng thông. Đường Cộng Hòa được nhiều người Đàlạt cho là con đường đẹp và thơ mộng nhất của thành phố Hoa Anh Đào dẫn đến tư dinh của các vị thị trưởng thành phố. Nhánh thứ ba nằm dưới thấp là đường Võ Tánh, quanh co mấy khúc rồi chạy ngang đến trường nữ trung học Bùi Thị Xuân để giáp với đường Phù Đổng Thiên Vương nằm dưới chân đồi của Viện Đại Học Đàlạt.
Những khách nhàn du dạo Bờ Hồ đi từ khu Hòa Bình xuống hay từ trong chợ ra đều phải đi ngang qua nhà hàng Thanh Thủy nằm ẩn mình dưới những tàn cây tùng già vươn ra mặt hồ soi bóng nước. Đi thêm khoảng trăm mét sẽ là bùng binh phun nước và chỉ cần bước xuống mạn hồ chừng năm bước là đến Đạo quán của Hướng Đạo Lâm Viên sơn màu xanh và các cửa chung quanh đều được lắp bằng kiếng. Đứng bên ngoài Đạo quán nhìn vào cũng có thể thấy những hình ảnh hoa văn Hướng Đạo với nhiều màu sắc tươi vui được vẽ trên kiếng.
Các Trưởng Hướng Đạo thường có mặt tại Đạo quán trong những lần họp định kỳ hàng tháng hoặc những ngày lễ hội Hướng Đạo. Đặc biệt các Trưởng trẻ đồng thời với tôi và Trường thường xuyên ghé lại thăm chơi, trò chuyện, ăn uống và còn ở lại đêm với chúng tôi. Thật là một địa điểm lý tưởng để bọn trẻ chúng tôi túm tụ chơi đùa, nghịch phá và thỏa thích bày nhiều trò chơi trên mặt nước hồ Xuân Hương. Có hai người thường xuyên có mặt với chúng tôi tại Đạo quán là Nguyễn Đức Quang và Đoàn Chiêm. Quang là Akela bầy Ngàn Thông và Chiêm là Baloo. Bốn chúng tôi (Trường - Chiêm - Châu - Quang) là anh em kết nghĩa. Thực ra chúng tôi có đến năm anh em. Anh Cả là Nguyễn Ngọc Phước cũng từng là bầy trưởng Ngàn Thông trước khi nhập ngũ vào Thủ Đức. Chúng tôi tạo được một tiểu gia đình để sinh hoạt với nhau trong tình huynh đệ Hướng Đạo.
Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy nhằm ngày chủ nhật giữa tháng sáu – 1964, nhằm ngày mồng năm tháng năm âm lịch tết đoan ngọ năm Giáp thìn. Vào khoảng một giờ trưa, bốn anh em chúng tôi đang ngồi ăn cơm, vừa ăn vừa chuyện trò vừa nhìn ra ngoài khung cửa kiếng ngắm mặt hồ trong xanh. Bên kia hồ là con đường nhựa chạy về hướng sân vận động thị xã, con đường này còn chạy thẳng tới ga xe lửa và tiếp với con đường đưa đến ấp Cô Giang, đi tiếp sẽ đến ấp Chi Lăng, hồ Than Thở. Vào giờ đó người đi trên đường còn khá tấp nập dưới bầu trời mùa hè nắng ấm. Hơn nữa lại là ngày chủ nhật và cũng đúng vào ngày “tết đoan ngọ” nên người ta đi chợ mua sắm khá đông. Những chiếc áo dài và những chiếc dù đủ màu di động càng làm cho cảnh sắc ven hồ trở nên vui tươi sinh động thêm.
Ở Đàlạt dạo ấy rất nhiều gia đình còn giữ lệ cúng tết đoan ngọ nên các bà các chị đi chợ mua sắm lễ vật rất đông. Số lượng người đi chợ gia tăng thấy rõ và hầu hết là đi bộ. Từ nhà lội bộ đến chợ năm ba cây số là chuyện rất thường đối với các bà nội trợ vì thời gian đó chưa có phương tiện chuyên chở công cộng như xe lam chạy trên các nẻo đường đến năm 1965 mới có (chương trình của ông Nguyễn Cao Kỳ giúp dân có phương tiện xe lam để làm ăn). Riêng xe đò chỉ có các đoạn đường xa mới có như Chi Lăng, Tùng Lâm, Tùng Nghĩa. Chủ nhật cũng là ngày nam thanh nữ tú kéo nhau ra dạo phố, lại thêm các sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, trường Đại Học Quân Sự, các nữ sinh trường Couvent des Oiseaux, trường Franciscan…khiến cho ngày chủ nhật trở thành một ngày vui của đám trẻ thời bấy giờ. Họ đi để mà đi, thang lang quanh phố Hòa Bình hay vào lầu chợ, mua sắm thì ít mà để ngắm nhau thì nhiều. Có nhiều anh chị cứ đi vòng vòng khu Hòa Bình từ sáng đến chiều mà không biết chán, đi một mình cũng có, đi toàn phái nam cũng có, toàn phái nữ cũng có. Đi để ngắm nhan sắc của nhau là một điều thú vị. Họ đi như đang đuổi bắt nhau, chạm mặt nhau, nhìn nhau cười cười nói nói, liếc nhau hay ngắm trộm nhau cũng vui. Các cô thiếu nữ má hồng lúc nào cũng duyên dáng dễ thương và kín đáo trong những chiếc áo dài tha thướt với chiếc áo laine bên ngoài. Các bà nội trợ đi chợ lúc nào cũng áo dài tươm tất chẳng khác nào những cô gái đang tuổi thanh xuân.
Đối diện với căn nhà nhỏ của chúng tôi, bên kia hồ là ngôi biệt thự màu trắng ẩn mình trên triền dốc đồi thông. Đó là biệt thự của dược sĩ Trang Hai, sau trở thành dân biểu hạ viện. Trên đường chúng tôi thấy có nhiều bà nhiều cô đi chợ về tay xách những giỏ thức ăn đầy ắp. Trong đám người đó, có một bà trông chừng lớn tuổi mặc áo dài màu lam nhạt, tay phải xách giỏ thức ăn và tay trái xách một cặp vịt màu trắng. Bà đi về hướng sân vận động. Khi đến trước ngôi biệt thự thì bà dừng lại, để giỏ thức ăn xuống vệ đường và loay hoay với cặp vịt không hiểu để làm gì. Chúng tôi đoán có lẽ dây buộc cặp vịt bị lỏng sao đó nên bà phải dừng chân, ngồi xuống buộc lại cho chặt. Rồi chẳng biết bà làm ăn thế nào mà một chú vịt đã vuột khỏi tay bà, chạy vài bước rồi nhảy tỏm xuống hồ. Bà lính quýnh đứng dậy định rượt bắt chú vịt và chỉ trong giây lát, chú vịt thứ hai cũng “xổng chuồng” và nhảy tòm xuống nước luôn! Hai chú vịt kêu lên mấy tiếng cạp cạp, bơi lại gần bên nhau và cùng vỗ cánh ra điều khoái chí, quay đầu ra giữa hồ và bắt đầu bơi một cách khoan thai nhẹ nhàng. Trên hồ nước trong xanh của mùa hè Đàlạt có hai chú vịt trắng thong thả bơi tạo thêm cảnh nên thơ, an bình. Chúng tôi cũng vừa ăn cơm xong. Bên kia hồ có nhiều người hiếu kỳ bu quanh bà nội trợ mất vịt và dĩ nhiên họ chẳng làm gì được để giúp bà ta. Bà phân bua gì đó một lát rồi đành xách giỏ thức ăn đi lẩn vào trong đám đông.
Dạo đó chúng tôi còn quá trẻ. Tôi và Quang ở tuổi hai mươi, Chiêm hai mươi mốt và Trường hai mươi hai. Tất cả đều ham vui và hiếu động. Chúng tôi đoán già đoán non rằng thế nào bà nội trợ khéo tay này cũng về kêu con cháu ra hồ để bắt lại hai chú vịt nhưng chúng tôi đã đoán sai vì gần hai tiếng đồng hồ sau chúng tôi vẫn còn thấy hai chú vịt bơi nhởn nhơ trên mặt hồ trong xanh. Chợt Trường nãy ra ý kiến và nói: “Tại sao chúng ta không bơi ra hồ bắt cặp vịt lên để chiều nay có một bữa tiệc đoan ngọ nhỉ…”. Chiêm, Quang và tôi cười rộ lên như biểu đồng tình lời đề nghị “rất sáng suốt” và thực tế của Trường. Có một điều éo le là cả ba chúng tôi đều biết bơi, còn Trường thì không. Cũng chả sao! Ba tay bơi cũng đủ rồi. Thế là với sự hăng hái, ba đứa nhanh nhẹn cởi áo, mặc xà loỏng nhảy xuống hồ vào khoảng ba giờ chiều. Chúng tôi nhắm thẳng hướng giữa hồ mà bơi, nơi đó đang có hai chú vịt vừa thoát ra khỏi lưỡi dao “đoan ngọ” của bà nội trợ và đang nhởn nhơ trên mặt hồ. Lúc còn ở trên bờ chúng tôi những tưởng chỉ cần bơi ra là tóm cổ hai chú được ngay rồi bơi vào, sau đó sẽ ngửi thấy mùi thơm của nồi cháo trên bếp và những miếng thịt vịt vàng ngậy chấm vào chén nước mắm gừng…Ôi! khoái khẩu làm sao…
Nào ngờ đâu khi ba chúng tôi xoải tay bơi ra giữa hồ, khi gần đến đích, chỉ còn cách khoảng ba bốn sải tay thì hai chú vịt đồng cất tiếng kêu cạp cạp như thể chào đón chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau cười đắc chí và thấy đã chắc ăn như bắp! Chỉ cần một cái với tay nữa là chúng tôi vớ được cả hai chú ngay. Khi cả ba vừa đưa những cánh tay lên định vồ lấy cổ chúng thì lập tức…hai chú chúi đầu xưống nước và biến dạng. Cả ba chúng tôi vô cùng bàng hoàng, ngẩn tò te ra một lúc rồi cười ầm lên như ba gã khùng. Lúc đó chúng tôi mới chợt ngộ ra rằng loài vịt chẳng những biết bơi mà chúng là con vật biết lặn rất tài tình! Chẳng thấy hai chú vịt đâu cả. Chẳng lẽ chúng đã rủ nhau chui tọt xuống đáy hồ! Không phải thế! Chừng vài giây sau hai chú vịt đã trồi lên khỏi mặt nước cách chỗ chúng tôi độ chục thước. Cả ba quay đầu về hướng hai chú vịt rồi lại nhìn nhau cười vì bị hai chú vịt chọc quê. Hai chú lại cất tiếng kêu cạp cạp thật lớn như ra điều thách đố chúng tôi. Trên bờ, Trường nhìn chúng tôi và cười ngặt nghẽo, đưa tay ra dấu cho chúng tôi nhào tới. Thế là ba đứa nhắm hướng hai chú vịt sải tay vươn người tới. Chưa bao giờ chúng tôi lại bơi lẹ làng như thế. Cũng như lần đầu tiên, hai chú vịt mắc gió chờ cho chúng tôi đến gần chỉ còn vài sải tay, chúng lại chui đầu xuống nước và biến mất. Vài giây sau chúng ở ngay phía sau chúng tôi và cất tiếng cạp cạp để chọc quê và báo cho chúng tôi biết chúng đang ở đâu. Chúng tôi xoay mình lại và mặc dầu đang ngâm mình dưới nước, chúng tôi cũng cảm thấy nực nên cố trườn mình với tốc độ nhanh hơn trước, thế mà lần này chúng tôi vẫn phải nhìn hai chú vịt khuất dạng dưới làn nước trong xanh. Ba đợt tấn công đều thất bại! Ba thằng cùng có ý nghĩ bỏ cuộc vì mười phần đã thấy đến chín phần thua. Trời về chiều, gió hiu hiu, sóng lăn tăn trên mặt hồ đã khiến cho chúng tôi thấy lạnh. Mặt đứa nào cũng tái, môi bắt đầu chuyển sang “màu tím hoa sim”. Chúng tôi đã từng bơi ngang qua hồ Xuân Hương nhiều lần nhưng chưa bao giờ lại có cái kiểu bơi vòng vòng mãi trên hồ như thế.
Mặt trời chìm xuống đụng Đồi Cù. Còn nước còn tát! Còn nước còn bơi! Chúng tôi hội ý thay đổi chiến thuật là ba thằng không xuất phát cùng một chỗ mà chia ra làm ba mũi để tấn công, ngoài ra khi vịt lặn xuống nước thì chúng tôi cũng lặn theo rượt đuổi để uy hiếp tinh thần. Từ độ xa gần chục thước, chúng tôi đồng loạt sải tay bơi tới, hai chú vịt lại rúc đầu xuống nước, chúng tôi phóng theo. Nhờ nước trong nên chúng tôi nhìn thấy rõ hai chú đang đạp chân chúi đầu xuống, thân mình chúng hình như được thu nhỏ lại để lao xuống cho nhanh. Chúng thấy được sự an nguy cận kề nên cũng lách mình lia lịa, lúc về hướng phải, lúc về hướng trái, lúc trườn mình lên, lúc nhủi đầu xuống.
Cuối cùng thì hai chú vịt cũng trồi đầu lên mặt nước. Chúng tôi mừng vì thấy khoảng cách giữa chúng tôi và hai chú vịt khá gần. Rút kinh nghiệm, chúng tôi liên tục phóng mình rượt đuổi cốt gây ra tình trạng hoảng loạn và sau ba bốn đợt tấn công liên tiếp như thế, hai chú vịt mất tinh thần thấy rõ. Chúng vừa trồi đầu lên mặt nước là chúng tôi đã nhào tới khiến chúng bị tách ra làm hai. Đến lúc này chúng tôi nghĩ cách là phải dứt điểm từng chú một. Một số người đi đường thấy trò chơi bắt vịt lạ lùng nên dừng chân đứng xem và còn đưa tay chỉ chỏ như muốn bảo chúng tôi làm theo cách của họ. Vài người đang ngồi trong nhà thủy tạ cũng dồn ra phía ngoài đứng xem. Mặt trời đã khuất sau Đồi Cù, chẳng còn tia nắng nào rọi xuống mặt hồ, chúng tôi bắt đầu thấm lạnh. Chúng tôi ra dấu để cả ba cùng lao vào một chú đang kêu quang quác như để cầu cứu. Chú chúi đầu xuống nước, hai chân duổi thẳng, mình lách qua lách lại nhưng không còn nhanh như trước. Chỉ sau vài đợt liên tiếp tấn công, chúng tôi tóm được chú vịt đã đuối sức. Tôi cầm chú vịt nhấc lên cao ra dấu cho Trường đang đứng trên bờ vỗ tay. Nguyễn Đức Quang tải chú vịt vào bờ giao cho Trường. Tôi và Chiêm dứt điểm chú thứ hai.
Tội nghiệp cho chú này, thấy bạn mình bị hốt đưa lên cạn, chú lại càng gào to hơn nữa. Vẫn chiến thuật cũ, liên tục và nhanh nhẹn, chúng tôi lặn hụp rượt đuổi khiến cho chú càng lúc càng mất tinh thần, không còn định hướng được nữa để rồi phóng ngay vào hướng chúng tôi. Chú vịt đã dính chặt trong tay của Chiêm. Chúng tôi cười đắc thắng. Trời đã sụp tối. Sau khi trao chú vịt thứ hai cho Trường, ba chúng tôi mặc quần áo xong băng qua đường, leo lên Đồi Cù gom lá thông khô đốt lên để sưởi ấm.
Nhẩm lại, chúng tôi mất gần ba tiếng đồng hồ để quần thảo với hai chú vịt tưởng đã thoát được vòng dây oan khiên của bà nội trợ, nào ngờ đâu lại lọt vào thủy cung oan khiên của ba chàng “ngự lâm pháo thủ”! Tối hôm đó bốn đứa chúng tôi phải mất thêm cả tiếng đồng hồ nữa để cắt cổ nhổ lông hai chú vịt can trường.
Trời đã tối, những ngọn đèn rọi quanh hồ đã bật sáng. Hà Thái Trường được giao cho công việc là đạp xe đi gọi thêm ba bốn đứa bạn thân đến thưởng thức món vịt luộc chấm muối tiêu và những cà mèn cháo bốc mùi thơm của hồ nước Xuân Hương trong mùa tết đoan ngọ “vô tiền khoáng hậu”.
Phong Châu