Canada, ngày 30 tháng 4 năm 2024
THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG GỬI BẠN THÂN XƯA
Thầy Phạm Ngọc Quýnh
Cận kề niên kỷ Cửu thập cổ lai hy, tôi thấu hiểu qui luật tử sinh đời người không ai tránh khỏi. Vậy mà tôi không sao ngăn nổi tuyến lệ ngập tràn đôi mắt già nua, khi Phạm Huy Cường từ Houston gọi đến báo tin: “Đinh Quốc An vừa chết hôm qua 24/4/2024, cháu của An báo tin cho tôi biết...”
“Bác Dương thôi đã thôi rổi
Nươc mây man mác ngậm ngùi lòng ta!”1
Cải chết của ngưởi bạn già ngày cuối tháng tư năm nay khiến tôi lặng người. Niềm thương nỗi nhớ những bạn thân xưa lần lượt rời xa cõi tạm bất chợt ùa về, tựa cơn sóng dữ quăng quật tơi bời quặn thắt lòng tôi...
Đinh Quốc An là một bác sĩ giỏi, nhưng bạn lại có sức thu hút... nhất là đối với những bạn khác phái hơn hẳn bọn tôi. Nhờ vào tài lẻ không phải là... nghề. An có năng khiếu vẽ. An vẽ rất đẹp và rất nhanh. Một kỷ niệm về An mà nhóm bạn của tôi đến giờ vẫn nhớ mỗi lúc nhắc đến bác sĩ Đinh Quốc An, đó là lần họp mặt bạn học cũ đầu tiên vào năm 1973 ở Sài Gòn. Khi thấy An thường xuyên cầm chai dầu bé nhỏ trên tay, BS Đoàn Minh Quang (chuyên khoa mắt), cùng trong nhóm y khoa đã ngứa con mắt phải, ngứa con mắt trái phàn nàn: “Coi bộ ông An ghiền Nhị Thiên Đường dữ đa... Ông nền chuyễn nghề bào chế dầu gió thay vì làm BS cho đỡ tốn tiền mua dầu... ” Hahahaha...
Niềm vui thanh xuân những người bạn trẻ đơn giản thế thôi, đến lúc ngã bóng hoàng hôn thì kỷ niệm nhỏ nhoi ngày ấy đáng quý hơn cả sao trời lấp lánh. Nhất là vào thời khắc này đây, khi tôi hay tin người bạn xưa xa rời nhân thế. Đinh Quốc An ơi! Tôi đang nhớ bạn…
Chung khóa Trường Y với Đinh Quốc An và cùng định cư bên Úc còn có anh Trần Văn Thịnh, cũng đã rởi cõi tạm mấy năm rồi. Tôi nhớ mãi anh Thịnh. Vì sau khi tốt nghiệp Y Khoa, Anh được đổi về Biên Hoà và phụ trách Phòng Y-Tế Huyện Long Thành. Thời gian này, mỗi khi có dịp đi Vũng Tàu, tôi thường ghé thăm Anh ở phòng khám tư nhân (gần chợ Long Thành) với bãng hiệu : “Bác sĩ Thịnh. Chuyên khoa Nội, người lớn và trẻ con”. Tôi luôn luôn trân quí đức tính nhân ái, hiền hoà của anh Thịnh, bằng tâm đức nghề nghiệp. Anh cũng nhiều lần vô tư giúp đỡ người nghèo. Có lẽ nhờ Phước lành bác ái Trần Văn Thịnh gieo trồng nên khoảng năm 1980 Chúa đã cho gia đình Anh bình yên sang được Úc. Các con Anh có cơ hội học hành tới nơi, tới chốn và trưởng nam của Anh Chị Thịnh đã trở thành Linh Mục
Một người bạn thân xưa khác, sau này cũng là đồng nghiệp với tôi là Anh Trịnh Quang Lừng, anh nguyên là Hiệu Trưởng Trung Học Gò Công, còn Chị là giáo sư dạy lớp. Nhưng con đường tới trường hồi đó thường bi đấp mô, nên anh Lừng đã xin về Nha Trung Học. Rất may cho Anh Chị là sau 1975 anh có người em gái là Nữ Tu đã làm hồ sơ bão lãnh cho gia đinh Anh Chị sang định cư ở vương quốc Bỉ. Nhân chuyến đi du lịch Âu Châu, chúng tôi có dịp gặp nhau. Các con của anh chị Lừng đều thành đạt cả: trai, gái, dâu, rể có 5 người: 1 kỹ sư, 1 dược sĩ và 3 bác sĩ mà đều giỏi cả. Trong chỗ thân tình, anh Lừng đã kể về Trưởng nữ Trịnh Trần Thanh Phương, BS chuyên về gây mê. Trong một case đặc biệt, cháu đã cứu sống một bệnh nhân. BS Phương nổi tiếng, không phải chỉ có Phương giỏi, mà chồng của cháu, BS Thái, dân gốc Gò Công, cũng được các bệnh nhân tin cậy. Sự thành đạt của các cháu, tôi nghĩ không phải chỉ là hạnh phúc của riêng Anh Chị Lừng, mà còn là niềm tự hào chung cho người Việt đang sinh sống trên quê hương thứ hai này.
Nhân sinh hữu mạng, Anh Chị Lừng… rồi cũng ra đi: ngày 29/1/2023 chị qua đời, ngày 12/3/2023 anh mất.
Đây là những người bạn thân xưa của tôi, sau năm 1975 đã ở những Châu Lục khác, mà may mắn, chúng tôi vẫn còn gặp lại nhau trước khi chuyển bến vô thường. Còn đây là những bạn xưa, nay cũng đã già, nhờ hữu duyên chúng tôi còn có dịp gặp nhau nhiều lần nơi xứ Cờ Hoa: đó là các anh Phạm Bá Cát, Trần Văn Cảo, và Nguyễn Thành Nhơn.
Anh Cát là anh em bạn rễ, trong đại gia đình thân tộc nhà tôi, cùng chung công việc với anh Trần Văn Cảo tại Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân (NSDĐGD) miền Nam California. Anh Cát đặt biệt quan tâm đến sinh hoạt của cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hoà (CHSNQBH), nên lần đầu gặp lại anh Cát ở Toà Soạn, tôi bất ngờ về câu hỏi của anh: "Quýnh về Nam Cali dự đại hội CHSNQBH sắp tới phải không?" . Ngạc nhiên, nên tôi trả lời tức thì: "Sao anh biết? Đường giây nào mà anh nắm vững vậy?" Anh Cát chỉ cười. Hỏi vội để rồi khựng vội. Bởi tôi chợt nhớ ra: anh Phạm Bá Cát từng là Giám Đốc Đài Phát Thanh Quốc Gia VN thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau là đài Tiếng Nói Quân Đội VN. Bây giờ, trên nước Mỹ, anh lại tiếp tục làm công việc truyền thông, thì thông tin về đại hội CHSNQBH với anh Cát chỉ là chuyện nhỏ. Tôi tự hào rằng chắc do tuổi già nên tôi hoá ra lẩm cẩm vậy mà.
Anh Cát thường khen ngợi CHSNQBH tổ chức những kỳ đại hội đông vui, làm việc có bài bản và rất chỉnh chu. Đã có lần Anh nói “... không phải dễ dàng tổ chức được những buổi họp mặt, những kỳ đại hội có tới hàng trăm người như thế đâu. Vậy mà Hội CHSNGBH đã làm được và duy trì rất tốt sinh hoạt văn hoá đậm đà sắt thái dân tộc VN. Rất hay…”
Ngày 25 tháng 01 năm 2024, con tôi bên San Jose nhận được hung tin từ một người bác: “Quỳnh Thư ơi, báo tin con biết: bác Cát dưới Huntington Beach vừa về với Chúa rạng sáng thứ năm 25.01 vừa qua, sau một tuần nằm ở BV. Bác thọ 89 tuổi”.
Chưa hết bàng hoàng thì sau đó tôi nhận tiếp hung tin: bác sĩ Trần Văn Cảo lìa trần ngày 31.01.2024. Dồn dập tin buồn đã khiến cái tuổi cận kề 90 như tôi cạn dần sức sống... Mới hôm đầu tháng 1 năm 2024, anh Cảo con text cho tôi “...mới ở Hawaii tắm biển về, ngày mai vào BV khám lưng xem sao...”. Tôi nghĩ đơn giản anh là BS cho nên muốn theo dõi sức khỏe thế thôi. Nhưng mấy hôm sau anh Đinh Lưu Nhã báo tin: “... Cảo đã xuất viện về nhà rồi, nhưng điện thoại không được, phải trực tiếp lại thăm. Nói ít lắm...”. Ngay sau đó tôi nhận được text từ anh Cảo “..Cám ơn hai bác....” Đâu ngờ đây là nhắn gửi cho nhau lần cuối...
Anh Cảo ơi....
Anh Cảo và tôi cùng học ở trường Hồ Ngọc Cẩn ngoài Bắc, rồi di cư vào Nam. Đến khi xa rời đất nước, anh ở Mỹ, còn tôi ở Canada. Tuy cách nhau cũng khá xa, nhưng chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau, nhất là mỗi khi CHSNQBH tổ chức ĐH ở Nam hay Bắc Cali. Là BS, nhưng anh Cảo lại hữu duyên và nặng nợ với truyền thông. Anh nguyên là chủ nhiệm tờ NSDĐGD ở Nam Cali trên 10 năm trời.
Hình chụp với Thân Hữu Nguyễn Thành Nhơn năm 2007 tại SanJose
Anh Nguyễn Thành Nhơn là người bạn thân xưa cuối cùng tôi luôn nghĩ đến, cho dù anh đã tạ từ nhân thế. Có lẽ nhờ duyên nên tôi và anh Nhơn có chung với nhau đến bốn cái “cùng”:
1. Cái cùng thứ nhất: học chung với nhau năm Đệ Nhất ở Petrusky. Cùng thi vào ĐH Sư Phạm. Học được hai tuần, nhưng vì đậu cả hai nơi, nên anh xin chuyển qua QGHC khoá 6. Phải vất vã lắm và nhờ có thư can thiệp của GS Vũ Quốc Thông mới được khoa Trưởng ĐHSP Trương Công Cừu chấp thuận. Đến lúc ra trường, tuy có trước sau, tôi được bổ dụng GS Trung Học Kiến Phong (Cao Lãnh). Còn anh Nhơn, nhận sự vụ lệnh đi Chương Thiện. Kiến Phong và Chương Thiện là hai tỉnh tân lập thuộc Miền Tây, thời Đệ Nhất VNCH. Đến khi tôi được chuyển về Trung Học Ngô Quyền thì sau đó anh cũng được về Biên Hoà, thủ phủ của Miền Đông, làm Phó Tỉnh Trưởng. Đây cũng là thời gian chúng tôi cùng lập nghiệp ở Biên Hoà.
2. Cái cùng thứ nhì: đậm nét đen thui. Ngày 26.05.1975 anh Nhơn và tôi cùng một số Quân-Cán-Chính của các tỉnh Biên Hoà, Long Khánh và Bình Dương theo lệnh tập trung tại trường Khiết Tâm để rồi sau đó anh và tôi bị lùa lên xe GMC đi vào trại tù Tân Hiệp, gần Dưỡng Trí Viện Biên Hoà.
3. Cùng thứ ba: anh Nhơn và tôi tái ngộ sau 4 năm không gặp. Cái lần vui nhất là chiều thứ hai tại Ngã Ba Thành. Nghe chị Nhơn nói anh Nhơn đi theo diện H.O. Còn gia đình tôi, đang đợi vé máy bay sang Canada nhờ cô em gái của nhà tôi bảo lảnh gửi về.
4. Cái cùng thứ tư: là cái kết có hậu cho anh Nhơn và tôi. Khi được cùng sống chung bầu trời tự do ở Bắc Mỹ. Năm 2007, chúng tôi có dịp thăm nhau. Chị Nhơn kể cho tôi nghe việc điệu trì bệnh phổi của anh Nhơn. Thì ra người hướng dẫn điều trị cho anh Nhơn chính là BS Cảo. Tôi hỏi anh Nhơn: “anh có nhớ anh Cảo không?” Anh Nhơn chỉ lắc đầu cười hì hì, nụ cười tươi hiền hoà muôn thuở của anh làm tôi còn nhớ mãi.
Tính đến hôm nay, anh đã ra đi đúng một năm rồi.
(*) Trích bài thơ Khóc Dương Khuê của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến;
(**) Học sư phạm được 2 tuần lễ thì anh Nhơn xin chuyển sang học Trường Quốc gia hành chánh khóa 6, do anh Nhơn thi đậu cả 2 nơi. Việc chuyển trường của anh Nhơn khá khó khăn, phải nhờ đến thư can thiệp của giáo sư Vũ Quốc Thông, đơn xin chuyển trường của anh Nhơn mới được Khoa trưởng ĐHSP Trương Công Cừu chấp thuận.
(***) Tỉnh Kiến Phong được thành lập vào cuối năm 1956 thời đệ nhất VNCH, Tỉnh lỵ Kiến Phong là Cao Lãnh. Năm 1976 tỉnh Kiến Phong được sáp nhập vào tỉnh Sa Đéc thời VNCH thành tỉnh Đồng Tháp hiện nay.
(****) Tỉnh Chương Thiện được thành lập tháng 12/1960 thời đệ nhất VNCH, Tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh. Năm 1976 một phần tỉnh Chương Thiện nhập thành tỉnh Hậu Giang, phần còn lại của tỉnh Chương Thiện nhập thành tỉnh Kiên Giang ngày nay.