Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU CUỘC CHIẾN

28 Tháng Tư 20239:40 CH(Xem: 2925)
Nguyễn thị Thêm - NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ SAU CUỘC CHIẾN
Những người đàn bà sau cuộc chiến NTT

 

Hôm nay 29/4/2023 tôi ngồi một mình trong phòng, trước mặt là màn hình computer. Ngày mai là ngày mà ai là người VN lưu vong đều phải nhớ. Trong tôi ngập tràn nỗi nhớ chồng, thật tếu và mắc cỡ khi mình lại nói ra điều đó khi tuổi không còn trẻ. Hình bóng người lính đã bị bào mòn và không thể xuất hiện 48 năm rồi. Anh chàng đại úy phong sương ngày xưa của tôi đã chết. Chết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cái áo lính của chồng tôi mặc mỗi khi đi chăn trâu, cắt cỏ, cấy lúa trồng khoai ngoài đồng cũng đã rách nát không còn. Người lính đã tan hàng đã bị xóa sổ một cách bi đát, còn những người vợ lính thì sao? Nếu trẻ nhất họ cũng đã trên 65 tuổi, thời gian quá dài để thương đau đọng lại làm những tì vết không thể xóa mờ. Nước mắt không còn bao nhiêu để khóc cho cuộc đời còn lại.

Tôi lại nhớ đến những người phụ nữ của phe thắng cuộc. Chứng nhân có thật là những người trong gia đình chồng tôi. Họ được gì và mất gì sau khi tàn cuộc chiến.

......

Tôi đi theo mẹ chồng đến đốt hương bên ngoại. Ông bà ngoại của chồng tôi  có 5 cô con gái và một người con trai út. Mẹ chồng tôi là đứa con gái thứ hai trong gia đình. Cả 5 người con gái bây giờ đều đã già, con cháu thật đông, cuộc sống không giàu có lắm nhưng đều khá giả hoặc đủ ăn đủ mặc. Người con trai út của ông bà ngoại chồng tôi đi theo Cách Mạng chống Tây hiện là bộ đội phục viên mang quân hàm thượng úy.

Chồng tôi đại úy ngụy, cậu chồng thượng úy cách mạng. Hai chức ngang nhau ở hai chiến tuyến đối nghịch. Thật sự tôi chưa từng gặp mặt ông thượng  úy này chỉ nghe mẹ chồng mừng vui báo tin ông còn sống và  vội vã thu xếp về quê theo lời nhắn gửi của ông.

-Mụ yên tâm về làng, mọi việc có bầy choa lo. Không răng mô.

Tôi về quê chồng, chưa quen khí hậu nơi này, chưa biết tắm sông, chưa quen giặt đồ ở bến, chưa biết nấu cơm bằng rơm, chưa quen ăn nước ruốc, hai vai còn sưng to vì tập gánh nước từ dưới sông về nhà. Chỉ mới mấy ngày để tập tành mọi thứ mẹ chồng tôi đã dẫn tôi đến lạy bàn thờ bên ngoại. Nhà bên ngoại cách nhà bên nội chỉ qua một con đường, ngăn cách bởi cái ao hồ. Cho nên muốn qua ngoại phải đi con đường vòng, qua mấy nương vườn nhà người khác, cái chợ, cây đa, đình làng, ra đường lộ mới tới nhà. Nếu đứng ở bên nhà ngoại kêu to, ới một tiếng lớn là nhà bên nội có thể nghe.

Khi cha chồng tôi xin hỏi cưới mẹ chồng. Lễ hỏi đã xong mà cha chồng tôi phải đến nhà vợ làm rể ba năm mới được cho cưới. Làm rể ngày xưa không dễ, phải làm như việc nhà mình, tận tụy và siêng năng mới cưới được vợ. Cha chồng tôi là con con trai đích tôn, là con cầu con khẩn của dòng họ hiếm hoi con cái. Được cái cha chồng tôi rất hiền, bên đàng gái muốn gì ông cũng chìu để cưới được vợ. Mẹ chồng tôi giỏi giang, buôn bán tháo vát lo cho gia đình nên bên ngoại không muốn gả liền để còn nhờ cậy. Thật không may, cưới được mấy năm cha chồng tôi mất sớm. Dù tuổi đời còn trẻ, mẹ chồng vẫn ở vậy lo cho ba đứa con và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Nghe kể lại, mùa xuân năm nào đó ghe tàu của Tây chạy tuần tra dưới con sông Ô Lâu trước nhà bên nội, du kích quân núp ở nhà dân xả súng bắn tàu. Lính Tây nổi giận đổ bộ lên bờ đốt sạch nhà cửa, ruồng bố du kích. Lửa cháy khắp làng. Mẹ chồng tôi chỉ kịp lôi ba đứa con chạy núp dưới ao hồ, tính chạy lên dẫn cha mẹ chồng chạy trốn nhưng ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, lính Tây cầm súng ruồng bố la hét om trời. Mẹ chồng tôi ôm con không dám khóc, bụm miệng các con không cho la. Căn nhà của gia đình và những nhà lân cận cháy phừng phừng trước mặt. Tây rút đi, xác ông bà nội chồng tôi cháy co rút tội tình. Năm đó mùi thây người khét lẹt bao trùm không gian, ngày đại tang của cả làng. Nhà nào cũng có mất mát cũng có người chết thật thê lương.  Đó là ngày 12 tháng giêng năm nào tôi không biết. Chỉ biết đó là ngày kỵ giỗ ông bà  nội chồng.

 

Tôi đến đây để ra mắt tổ tiên bên chồng nên tôi đảo mắt tìm bàn thờ. Nơi thờ phụng tổ tiên nhà miền Trung không giống miền Nam. Miền nam ngay gian giữa nhà trang trọng đặt bàn thờ, bước vào nhà là thấy ngay như muốn nhắc nhở khách tới nhà phải biết lịch sự, phải tôn trọng tổ tiên gia chủ. Bàn thờ là một bộ tủ thờ rất đẹp chạm khắc tinh xảo (tùy tình trạng kinh tế gia chủ) tủ cao khỏi đầu người. Trên bàn thờ bộ lư đồng để giữa, bát nhang để phía sau, hai chân đèn bằng đồng để hai bên. Dĩa đựng trái cây khá to được đặt trên một cái giá ba chân thật đẹp. Hai bên là hai bình bông để cúng. Tủ thờ phía trước chạm trổ tinh vi, cửa mở ở hai bên hông dùng để chứa những vật trang trọng, quý giá. Ngày lễ hay Tết bàn thờ rực rỡ hoa trái, hương đèn.

Nhà người miền trung khác hẳn, vị trí bàn thờ cũng ở giữa nhà nhưng được được che bằng một tấm màn ngăn cách. Phía trước đặt một bộ bàn ghế dài dùng để tiếp khách. Chỉ trong những ngày kỵ giỗ tấm màn mới được kéo ra để gia đình làm lễ. Bàn thờ hơi thấp được đặt phía trong với nhiều bát hương đặt cao thấp khác nhau theo thứ tự vai vế gia phả trong gia đình. Bàn thờ miền Nam chỉ có một bát hương để cắm nhang, bàn thờ miền Trung có rất nhiều bát hương nên trông có vẻ âm u và hơi ...dễ sợ.

Tôi vén màn đi vào và đốt hương. Không biết bát hương nào là của ông bà ngoại. Thôi thì cắm hết và ...thật vô duyên không biết phải khấn gì với ai, tên họ gì. Tôi rất hồi hộp và lúng túng chỉ biết niệm lâm râm Nam Mô A Di Đà Phật.

Mẹ chồng tôi giới thiệu tôi chào Mợ Tuấn. Mợ thấp người, khắc khổ và nhìn rất lam lũ. Hai người đàn bà có chồng ở hai phía Quốc - Cộng chào nhau. Mợ Tuấn là một người phụ nữ xứng đáng được mẹ chồng tôi trân trọng. Mặc dù cậu là con trai độc nhất trong gia đình được cha mẹ và các chị thương yêu bảo bọc, nhưng cậu gạt bỏ tất cả gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống Pháp lúc mợ vừa cấn bầu đứa con trai đầu lòng. Mợ ở nhà làm ruộng, phụng dưỡng cha mẹ chồng cho đến ngày ông bà ngoại chồng tôi mất. Con trai mợ đã cưới vợ chuẩn bị có con thì được tin chồng vẫn còn sống và chuẩn bị trở về đoàn tụ. Mợ vui vẻ tươi cười với những tin vui chiến thắng. Ngồi nghe mợ nói chuyện, niềm vui chờ sum họp với chồng, tôi chạnh lòng nghĩ đến thân phận của mình. Đây cũng là gia đình nhưng người phụ nữ trước mặt chờ tin vui. Tôi và chồng là những người sẽ nhận những bất trắc, trả thù vì mình là Ngụy.

Gia đình thứ hai tôi đến để đốt hương và ra mắt là nhà của chú Minh, chú họ của chồng tôi. Ông cố chồng sinh được hai người con trai. Ba chồng tôi là con nối dõi của người anh, chú Minh là con nối dõi người em. Nghe thì xa nhưng với gia phả trong họ tộc thì rất gần vì cha chồng tôi và hiện giờ chồng tôi là trưởng tộc. Người chú họ này cũng bỏ nhà đi kháng chiến, người vợ mới cưới phải ở nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng và cũng sinh được một con trai độc nhất. Điều khác giữa mợ Tuấn và thím Minh là mẹ chú Minh vẫn còn sống nhưng hai mắt đã mờ. Con dâu của thím Minh vừa sinh đôi hai đứa cháu trai cực kỳ kháu khỉnh dễ thương. Bà cố đang đong đưa hai cái nôi mà người ở đây gọi là dứng. Đó là cái nôi trẻ con nhưng có bốn sợi dây được móc lên cao, muốn ru người ta nắm bốn sợi dây và lắc. Nghe tiếng má chồng tôi, mụ nghiêng người lắng nghe:

- Mụ Thi về khi mô rứa? Có vợ thằng Trai về khôn?

Tôi lên tiếng chào và bước tới nắm tay mụ. Bàn tay nhăn nheo của những người già lao động quanh năm. Mụ chỉ bàn thờ cho mẹ con tôi vào thắp hương và báo tin chú Minh đã liên lạc nhưng chưa về đến nhà. Tôi ngồi nhìn hai thằng bé, cưng quá là cưng với gương mặt bụ bẫm. Mẹ chồng tôi còn mê chúng hơn vì tôi chỉ sinh được con gái, còn đây là hai đứa cháu trai. Quan niệm " Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" đúng vô cùng ở gia đình này. Con trai cưới vợ đẻ con, con dâu mặc dù không có chồng bên cạnh vẫn chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi con duy trì huyết mạch nối dõi tông đường.

Những người  như mợ Tuấn, thím Minh hay mẹ chồng tôi là những người đàn bà điển hình trong xã hội VN. Khi đã lấy chồng họ sống và hy sinh cả đời cho gia đình nhà chồng. Đối với họ chăm sóc mồ mả gia nương nhà chồng, đẻ con trai và duy trì nòi giống là nhiệm vụ mà họ phải tuyệt đối làm tròn.

Vì gia đình bên chồng tôi chuyên về nghề mộc, nên dựng lại căn nhà với đầy đủ vật liệu là chuyện dễ dàng. Chỉ một tuần lễ trên nền nhà bỏ hoang ngôi nhà tôi đã được thành hình. Dựng lại căn nhà xong, chưa kịp xếp đặt mọi thứ,  chồng tôi được lệnh khăn gói đi học tập cải tạo. Từ đó không có tin tức, không thấy trở về để biết mặt và chào hỏi hai người thân cách mạng đã kêu gọi anh về đây: "Không răng mô, về làng  có bầy choa lo".

Chú Minh về làng trước, chú ra dáng là một bộ đội Bác Hồ. Chú không nói về cấp bậc trong quân đội nhưng để trả lời cho câu hỏi vì sao mấy chục năm chú không liên lạc với gia đình thì thím Minh được nghe sự thật đau lòng: " Chú đã lập gia đình với một nữ đồng chí bộ đội và đã được chi bộ đảng đứng ra tổ chức lễ cưới"

Chú Minh về thăm mẹ, thăm gia đình rồi vội vã về lại Bắc. Chú không thể can thiệp hay giúp đỡ gì thằng cháu sĩ quan Ngụy đang không biết được giam giữ ở đâu. Hành trang chú mang về Bắc là một số vật dụng của gia đình tôi khi chú ỉ ôi với mẹ chồng tôi; "Mụ về đây không có điện thì để lại làm gì, mụ cho lại các cháu của Mụ ngoài ấy."

Từ lúc chú Minh về rồi đi thím Minh như một người khác, thím gầy rạc đi trông thấy. Sự uất ức oán hận khiến người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó thay đổi. Chỉ cần ai đến nhà, hỏi thăm chú Minh thì cơn oán hận trong thím trỗi dậy. Người mẹ chồng tội nghiệp của Thím không thể làm gì hơn chỉ biết khóc và chấp nhận những cơn giận của con dâu. Gia đình ngày trước sống bình yên hạnh phúc bao nhiêu bây giờ chìm đắm trong bầu không khí oán hờn thiếu đi sức sống.

....

Rồi cậu Tuấn cũng về làng. Người con trai sinh ra cậu chưa một lần gặp mặt giống cậu như khuôn đúc. Hai cha con ôm nhau mừng rỡ. Mợ Tuấn được chồng chìu chuộng hết lòng. Mợ sống những ngày hạnh phúc nhất sau mấy chục năm vò võ nhớ mong. Mợ trẻ ra, tươi tắn và chăm chút bản thân hơn. Tôi đã thấy nụ cười và ánh mắt rạng ngời của mợ mà thật thương cho thân phận đàn bà. Mẹ chồng tôi và các người chị của cậu Tuấn dành cho cậu những đón tiếp yêu thương và long trọng nhất. Người em trai quý tử của gia đình đã trở về, làm chức lớn trong chế độ mới làm họ thấy mình hạnh phúc hẳn ra. Rồi thì những ngày về thăm quê cũng hết, như bong bóng lên cao sẽ vỡ, cậu Tuấn  trước khi về lại Bắc, thú nhận với các chị đã có một gia đình ấm êm với ba đứa con đã trưởng thành cả trai lẫn gái. Cậu chỉ về đây để thăm còn gia đình chính thức đang ở ngoài kia.

Ôi những người đàn ông bội bạc đã làm tan nát trái tim của những người vợ thủy chung son sắt. Mợ Tuấn ngất xỉu khi nghe sự thật. Mợ không hung hăng hờn giận như thím Minh, mợ chỉ khóc và lặng lẽ sống trong câm nín tủi thân. Mẹ chồng tôi và các dì, dượng không biết phải nói gì. Sự thật bây giờ cũng không thể làm gì khác. Những đứa cháu dù sao cũng ruột thịt, mấy chục năm xa nhà cậu cũng phải có người chăm sóc. Và thế các mụ đồng ý chấp nhận gia đình bên kia. Cậu về tay không nhưng khi cậu đi ê hề là quà cáp các mụ gửi về cho em dâu, cho cháu. Cậu Tuấn thành công đại thành công.

Khi mẹ chồng tôi nhắc đến đứa con trai tội nghiệp không biết bây giờ ra thế nào. Cậu Tuấn khuyên mẹ chồng tôi nên chờ đợi. Những người có tội với nhân dân phải nhận hình phạt. Nếu học tập tốt, thông suốt đường lối cách mạng sẽ được khoan hồng về sớm.

Từ ngày cậu Tuấn ra Bắc lại, mợ Tuấn và các chị bên chồng không còn khắng khít như xưa. Đối với mợ, các chị chồng chấp nhận bên kia là không công bằng với mợ.  Những gì mợ đã cống hiến cho gia đình coi như không còn giá trị. Gần như cả cuộc đời của mợ đã chờ đợi oan uổng. Bây giờ mợ đã thật sự mất chồng, chỉ toàn tâm toàn ý lo cho con trai và các cháu.

 

Chiến tranh tàn khốc đã chấm dứt nhưng những dư chấn cho cuộc chiến ý thức hệ mãi mãi vẫn còn. Tôi đã sống trọn vẹn với những thay đổi của chế độ mới. Những nhân vật chính tôi kể trên đây đều đã thành những người muôn năm cũ. Không ai đúng hoặc sai hoàn toàn. Mỗi người đều bị ràng buộc bởi vòng xoay của thời cuộc và vô thường trong cuộc sống.

Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi  hy sinh cho người mình yêu thương. Trái tim phụ nữ cũng bằng thịt nhưng sự dũng cảm nhiều khi sắt đá cũng phải chịu thua.

Nguyễn thị Thêm

29/4/2023

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 568)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 604)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 710)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 757)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 962)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 855)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 811)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1690)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 710)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1705)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 967)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri