Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - TẢN MẠN VỚI TÁC GIẢ "GIẤY BÚT LẦM THAN" (2)

13 Tháng Ba 20231:38 SA(Xem: 3793)
GS. Nguyễn Văn Lục - TẢN MẠN VỚI TÁC GIẢ "GIẤY BÚT LẦM THAN" (2)
TẢN MẠN VỚI TÁC GIẢ "GIẤY BÚT LẦM THAN" (2)



Nguyễn Văn Lục



Cái nghiệp của anh Uyên Thao, chính là làm báo dấn thân. Giấy bút lầm than đã làm nên cuộc đời anh.

Nhà văn Uyên Thao nhận xét về hai vị sư tiêu biểu nhất của miền Nam: Thích Tâm Châu và Thích Trí Quang

Nhân tiện nói về mối liên giữa các vị sư và nhà văn Uyên Thao, anh có dịp đưa ra một số nhận xét vắn tắt khá trung thực về hai vị sư lãnh đạo thời 1963 như sau:

“Ông Trí Quang là người có nhiều tham vọng, tham vọng ấy đã đẩy ông đi rất xa. Người ta có cảm tưởng ông chỉ nghĩ đến bản thân mình biết lợi dụng công việc, hoàn cảnh cho riêng mình.”

Uyên Thao nhắc lại chỉ một sự việc nhỏ sau đây thôi làm anh thất vọng. Và chỉ một sự việc nhỏ nhoi này làm anh mất tất cả sự kính trọng đáng lẽ phải có đối với nhà sư này. Anh cũng nhìn nhận có nhiều người tôn sùng ông Trí Quang như trường hợp, “thằng” Lý Đại Nguyên. Lý Đại Nguyên coi ông Trí Quang như một thần tượng, một bậc thầy không cần bàn cãi nữa. Nhưng đó là dựa trên những mối liên hệ tình cảm giữa hai bên.

Anh Uyên Thao kể lại trước 1963, đang ở đài phát thanh ở ngoài Huế về thì bị bắt không có lý do gì cả. Vì thế anh không có cơ hội theo dõi những biến động trước 1963 cũng như phong trào tranh đấu của Phật giáo. Tôi hỏi tại sao anh bị chính quyền bắt? Anh trả lời dấm dẳng:

“Tuyền những chuyện vớ vẩn. Giam vài tháng trong đó có cả Trần Quang Thuận, Vũ Tài Lục, Lý Đại Nguyên, Hư Chu (hoạt động cho cộng sản), v.v. thì đảo chánh. Sau đó, Thủy quân lục chiến vào khám, dùng súng bắn vỡ ổ khóa cửa nhà tù để thả tất cả

Anh được phóng thích. Khi mới ở tù ra, sau 1963, anh có dịp đến chùa Xá Lợi. Lần đầu tiên, anh được nhìn thấy ông Trí Quang xuất hiện. Nhìn thấy ông Trí Quang đứng trên khán đài mà ở dưới có hàng ngàn Phật tử đang đứng nghe, trong đó có Uyên Thao. Anh nhìn thấy ông Trí Quang chắp tay sau đít, mặt lạnh như tiền, mắt thì ngước lên nhìn trời như không thèm để ý gì đến đám đông đang đứng ở phía dưới chờ đợi để được nghe ông nói.
Anh nhận thấy con người đó không ích lợi gì cho đại cuộc.

Tôi thấy con người đó không được,” Uyên Thao chỉ nói tóm tắt như thế. Đó là những nhận xét trực giác nhậy bén bắt được do cảm nghiệm mà không cắt nghĩa được.

Anh nói thêm, “Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Con người ấy không thể làm nên chuyện lớn tốt đẹp được.

Sau này, để lên án nhóm Phật giáo Ấn Quang, anh Uyên Thao đã viết bài: Con ngựa gỗ Ấn Quang (Trích lại truyện Con ngựa gỗ thành Troie đưa đến tai họa mất thành). Bài viết này phải chăng bắt đầu từ cái cái cảm nhận của anh lúc lần đầu tiên gặp ông Trí Quang.

Về nhà sư Tâm Châu: Ông thầy Tâm Châu, theo Uyên Thao trái lại có thể gần gũi hơn, “người hơn” thực tế hơn, biết điều hơn, hiểu thấu công việc mà không có tham vọng nên không cực đoan. Đó là mẫu người lãnh đạo tốt, mặc dầu về bản thân có những giới hạn.

Chính vì hai người có những quan điểm nhìn, tính tình khác biệt và hành động khác nhau như thế nên đi đến chỗ bất đồng, những tranh chấp không tránh được đưa đến chia rẽ thành hai khối Phật giáo sau này.

Uyên Thao nhà báo đấu tranh

Cái nghiệp của anh Uyên Thao, chính là làm báo dấn thân. Giấy bút lầm than đã làm nên cuộc đời anh.

Từ tờ Cải Tạo khi ở miền Bắc, rồi tờ Mùa Lúa Mới (Đỗ Tấn làm tổng thư ký tòa soạn) đến các tờ Dân Chủ, báo Sống của Chu Tử đến Sóng Thần. Anh đã cộng tác và viết cho nhiều báo rồi làm đài phát thanh. Cũng chính vì thế, anh biết nhiều chuyện trong làng báo. Và điểm kết thúc nghiệp báo là khi anh làm chủ nhiệm tờ Sóng Thần vào đầu thập niên 1970.


image002

Uyên Thao
Nguồn: nhanam.multiply.com


Khi làm tờ Dân Chủ thì anh nhớ lại xảy ra câu chuyện “Ăn chè nhà Bè “của nhạc sĩ Phạm Duy. Anh kể là ngay sáng hôm sau, bà Thái Hằng đã đến tòa soạn yêu cầu, “Xin các anh đừng đăng chuyện gia đình của tôi.” Thật đúng là mẫu mực người phụ nữ VN. Tuy nhiên câu chuyện vẫn đổ bể lớn không bịt miệng được thiên hạ và cái scandale Phạm Duy trở thành giai thoại “ăn chè nhà Bè”.

Khi viết cho tờ Mùa Lúa Mới ở miền Trung có Võ Phiến cộng tác. Anh Uyên Thao cho biết lúc bấy giờ, Võ Phiến chưa nổi danh như khi ông cộng tác với tờ Bách Khoa sau này. Võ Phiến với “Chữ Tình” được kể là hay lắm. Văn Võ Phiến tỉ mỉ, chi ly từng chi tiết một, nhưng không rườm rà mà súc tích, đào sâu, hấp dẫn. Nó khác với lối viết của Mai Thảo bay bướm mà có phần hời hợt. Anh nói thêm, Mai Thảo có thể dễ dãi quá với mình nên viết trở thành nhạt, nội dung không có. Anh gọi Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan là thứ văn chương ưỡn ẹo còn nhà văn Túy Hồng ngược lại là ưỡn ẹo văn chương. Nhưng về lúc cuối đời, Mai Thảo viết xuất thần trong: “Ta thấy hình Ta những miếu đền”.

Khi kể về chuyện di cư của Kiều Chinh ‒ Không biết bằng cách nào, câu chuyện đàm đạo giữa chúng tôi lại dẫn đến cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam, trong đó có câu chuyện thật đặc biệt về Kiều Chinh. Phần tôi, chỉ tình cờ gặp nữ nghệ sĩ điện ảnh Kiều Chinh tại nhà một nhạc sĩ trong một bữa phở buổi trưa năm 2010.

Tôi còn nhớ khi viết về cuộc di cư, anh Nguyễn Duy Chính có gửi tặng cuốn: “50 năm Bắc Kỳ di cư, 1954‒2004”, trong đó Kiều Chinh có viết về cuộc di cư của bà. (Bài này bà đã phát biểu trong dịp phim tài liệu dựa trên cuộc đời Kiều Chinh: A Journey Home của Patrick Perez được giải thưởng Emmy 1996 tại Hàn Lâm viện khoa Học Truyền Hình Hoa Kỳ.)

Câu chuyện của Kiều Chinh là một bi kịch và đầy bất ngờ của cuộc di cư 1954. Xin ghi lại lời của KC:

“Là con út trong ba chị em, tôi được Bố thương nhất. Suốt thời niên thiếu, tôi chỉ biết có Bố. Bố tôi, ông Nguyễn Cửu, một Viên chức tài chánh Quốc Gia, Hà Nội, ngay khi cuộc di cư bắt đầu vào tháng tám, 1954, đã quyết định vào Nam. Bố sửa soạn cho chính mình và mỗi đứa con một túi vải đeo vai, gồm giấy tờ, thuốc men khẩn cấp, lương thực khô … Đêm trước ngày ra đi, anh tôi bỏ nhà trốn ra khu theo phong trào thanh niên cứu quốc. Anh Lân là con trai duy nhất của Bố, năm đó mới 20 tuổi.

Sáng hôm sau, chỉ còn hai bố con ra phi trường Bạch Mai, Hà Nội. Hàng ngàn người già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới nắng cháy, chờ đợi để được lên máy bay di cư vào Nam. Mãi tới cuối ngày mới tới lượt bố con tôi. Bố đẩy tôi lên máy bay rồi bất ngờ nói “Con vào Nam trước, Bố ở lại tìm anh Lân rồi sẽ vào sau”. Tôi la khóc cố nhào ra với Bố, nhưng bị đám đông xô lấn đẩy lui. Cửa máy bay xập xuống. Đó là lần cuối được nhìn thấy Bố.”

Kiều Chinh, 50 năm di cư tị nạn, trang 81‒82

Kịch bản đau thương của Kiều Chinh không dừng lại ở đó. Sau này, có dịp sang Pháp dự đại hội điện ảnh thế giới, gặp lại chị Tĩnh, người chị ruột sống ở Pháp Kiều Chinh mới được biết “Cả bố và anh tôi đều bị cầm tù ở miền Bắc nhiều năm không xét xử. Và sau 50 năm di cư: “Bố tôi đã chết, anh tôi đã chết. Nhiều người di cư thời 50 năm trước đã ra đi vĩnh viễn. Thế hệ tôi cũng sắp ra đi.Xin thắp một nén nhang cho những người quá cố.”

Tuy nhiên, có thể bà Kiều Chinh đã không thể biết sự thực đời sống của anh và Bố như thế nào ở miền Bắc. Ở đây, xin ghi lại trung thực đầy đủ những điều mà nhà báo Uyên Thao tiết lộ nhằm mục đích cho thấy thêm một lần nữa sự tàn bạo của chế độ cộng sản như thế nào.

Theo anh Uyên Thao kể lại thì “thằng” Quốc Văn có ra Bắc gặp Quốc Giao và Quốc Giao kể lại thì ông già Kiều Chinh sau ngày ra tù sống khốn khổ, vô nghề nghiệp, bị bỏ rơi đến phải đi ăn mày. Đây là một câu chuyện thương tâm có thật vì ai nên nỗi! Bố Kiều Chinh và người anh ruột bị đầy đọa nhiều năm tù rồi sống lang bang như thế ở ngoài miền Bắc. Trong khi Kiều Chinh ở miền Nam, coi như mồ côi cả cha lẫn mẹ lại có đủ các cơ hội trở thành một diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất miền Nam thời bấy giờ và tôi tự hỏi phải chăng những vai điện ảnh Kiều Chinh đóng là cớ sự đưa đến tù đầy của anh và bố?

Anh Uyên Thao có yêu cầu Quốc Văn viết lại chuyện này cũng như số phận một số nhân vật như Trương Tửu ở miền Bắc, “nhưng nó cứ lần lữa 10 năm chưa viết gì cả”.

Những mối giao tình giữa Uyên Thao và chủ nhiệm Nguyễn Quang Lãm và tờ báo Xây Dựng

image003

Linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ bút Báo Xây Dựng. Nguồn: Sully, Francois, Republic of Vietnam.
Date of Original 1965-01-03


Anh Uyên Thao đã thích thú kể lại kinh nghiệm làm báo và trường hợp Lm Nguyễn Quang Lãm. Lm Lãm là một người du học từ Pháp về, bạn bè của những Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Nguyễn Văn Ái về Việt Nam sau 1954. Những ai học trường Nguyễn Bá Tòng, đường Bùi Thị Xuân đều biết Lm Lãm là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Giám học là ông Nguyễn Đình Đầu.

Lm Lãm tướng cao lớn, nhưng gầy, mặt rỗ hoa cà, trán nhô và miệng rộng quá khổ. Sau khi rời chức vụ Hiệu trưởng trường Nguyễn Bá Tòng, ông ra đứng chủ nhiệm và chủ bút tờ báo Xây Dựng. Ông viết bài dưới bút hiệu Thiên Hổ. Tờ Xây Dựng cũng là nơi mà nhà văn Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp viết báo lấy bút hiệu Thương Sinh.

Theo anh Uyên Thao, anh không có mấy thiện cảm với Thương Sinh trong cung cách viết phóng sự.

Nó có phần “ma giáo” để làm tiền các nhân vật có tai tiếng. Nó lợi dụng ngòi bút. Sau này, khi làm chủ nhiệm báo Sóng Thần, anh đã đuổi mấy thằng ký giả hù người ta lấy tiền. Về những phóng viên làm tiền các ông Tỉnh trưởng cũng được ghi lại trong bài viết của Nguyễn Mộng Giác Sống và viết tại Hải ngoại, 1998, đăng lại trên Diễn Đàn Thế kỷ như sau:

“Trước khi vượt biên, tôi rất lơ mơ về nghề báo, cũng không thân thiết và xin thú thực, không mấy cảm tình với các ký giả. Có thể tôi không may mắn gặp được những ký giả chân chính và uyên bác. Tôi bị định kiến vì hồi còn dạy học ở Qui Nhơn, lâu lâu lại gặp những ký giả một tờ nhật báo nổi tiếng ở Sài Gòn ra thu tiền hụi mấy ông tỉnh trưởng quận trưởng, sau một bài báo thuộc loại điều tra phóng sự hứa hẹn nhiều khám phá động trời và sẽ đăng làm nhiều kỳ.”

Nhưng riêng với Lm Lãm, anh Uyên Thao quý mến cái tính xuề xòa và “tếu”, nhất là không chấp nhất, không thù vặt và có lòng của vị linh mục này nghĩ tới công việc chung. Ngồi đâu là Lm Lãm cũng có cái điếu cầy để hút thuốc lào với thái độ ngất ngưởng rất “nhà quê Bùi Chu”.

Anh nói mà không dấu được cảm động kể lại rằng khi thấy anh cứ hùng hục làm báo, suốt ngày ngồi ở tòa soạn. Lm Lãm trách nhẹ: “Thứ bảy, chủ nhật, mày phải dành thì giờ đưa vợ con đi chơi chứ. Không có xe, lấy xe của tao.”

Có lần Uyên Thao đùa hỏi cắc cớ, “Cha không đi nhậu làm sao làm báo?” Ông Lãm cười khà khà, nhe hàm răng rộng hỏi ngược lại, “Tao không đi nhậu nhẹt thì làm sao biết chúng mày tán gái ra sao để viết báo?”

Sau này, TT Nguyễn Văn Thiệu bắt đóng ký quỹ 20 triệu mới cho ra báo. Đối với các tờ như Thần Chung của ký giả Nam Đình thì nhằm nhò gì. Nhưng báo Xây Dựng của ông Lãm nghèo không đóng nổi đành đóng cửa.

Thế là Thiên Hổ, Trần Tấn Quốc, Ngọa Long về cộng tác với Sóng Thần.

Một giai thoại khác là tướng Nguyễn Cao Kỳ nhờ Lm Lãm giới thiệu một nhân vật Thiên Chúa giáo tham gia nội các. Lm Lãm giới thiệu một người quen biết từ hồi còn du học ở bên Tây, kỹ sư Võ Long Triều, người miền Nam, không dính dáng đến chế độ Đệ nhất Cộng hòa. Thế là Võ Long Triều bèn ôm gà chọi làm lễ ra mắt đứng chờ đợi để được diện kiến Nguyễn Cao Kỳ. Trong Hồi ký của ông, Võ Long Triều đã viết khác hẳn.

Lm Lãm còn kể những chuyện “vượt thẩm quyền giáo hội” khi biết được những đôi trai gái khác đạo muốn lấy nhau. Thay vì bắt học đạo, rửa tội, cha làm lễ đám cưới cho họ. Uyên Thao nói: “Tôi chịu cái tính của Thiên Hổ.”

Ông nói: “Mày thấy không, những ông cha khác từ chối làm đám cưới. Phần tao, tao làm hết, vì chúng nó yêu nhau.”

Anh Uyên Thao nhắc nhớ lại kỷ niệm lần chót gặp Nguyễn Quang Lãm vào ngày 27, 28 tháng tư gì đó. Uyên Thao đến thăm ông Lãm, ông buồn rầu hỏi: “Mày không đi à?”

Sau đó, Uyên Thao thấy Lm Lãm ôm mặt khóc. Ông Lãm là người lúc nào cũng cười khà khà bất cứ trong tình cảnh nào. Lần đầu tiên trong đời, Uyên Thao thấy một ông linh mục biết khóc. Khóc vì biết miền Nam sẽ không còn như trước nữa.

Câu chuyện tờ Chính Luận với bác sĩ Đặng Văn Sung‒Thái Lân và câu chuyện bà Ba

Góp mặt trong buổi trà đàm này quy tụ nhiều người, trong đó có anh chủ nhà Phạm Bá Cát, cựu giám đốc đài phát thanh ở Sài gòn, anh Hồng Dương, cựu ký giả báo Chính Luận, anh Trần Phong Vũ, chủ nhiệm Nguyệt san Diễn đàn giáo dân, anh Uyên Thao, chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương và tôi.

Buổi trà đàm rất náo động, vui vẻ, nhảy từ vấn đề này sang vấn đề kia, nhưng đều tập trung vào chuyện làm báo ở Sài Gòn.

Trước hết, chúng tôi xoay quanh cái chết của ký giả Từ Chung, báo Chính Luận vào cuối năm 1965. Chính Luận vốn được coi là tờ báo của CIA tài trợ. Đấy là dư luận, đúng hay sai nay chỉ có mình ký giả Thái Lân, nguyên là Tổng Thư Ký Chính Luận biết được.


image006

Xe của ký giả nhật báo Sống bị đốt ở Saigon
Nguồn ảnh: HoangHaiTHuy.Wordpress.com


Ký giả Từ Chung, báo Chính Luận và Chu Tử, báo Sống là đích nhắm, là những người cộng sản muốn trừ khử. Trong hai người, chẳng may Từ Chung bị bắn chết. Chu Tử, chủ nhiệm báo Sống chỉ bị thương.


Cho đến nay, không có tài liệu điều tra nào về phía chính quyền Quốc Gia để tham khảo. Chỉ có tài liệu phía cộng sản được viết trong “Trui rèn trong lửa đỏ” thừa nhận vụ ám sát này cũng như vụ đặt bom nổ tòa soạn báo Chính Luận.

Theo sách “Trui rèn trong lửa đỏ”, trang 111, tháng 9‒1969 khi Hồ Chí Minh qua đời, Chính Luận nhân dịp đó có viết bài “bôi xấu” Hồ Chí Minh. Thành đoàn Cộng sản cử hai tên Ba Gia và Ba Trung đến tòa soạn Chính Luận trên đường Lê Lai để một chiếc cặp da trên quầy báo trong đó có mìn gài sẵn. Tòa soạn của Chính Luận bị hư hại nặng.

Ký giả Hồng Dương báo Chính Luận chỉ nói về những sự việc liên quan xa gần đến đời tư của nhà báo Từ Chung. Nhưng không ai trong những người ngồi lại với nhau nói chuyện làm báo thời VNCH được biết hư thực về cái chết này như thế nào.

Tôi có đặt một câu hỏi tại sao cộng sản không nhằm ám sát ông chủ nhiệm Đặng Văn Sung mà nhằm ký giả Từ Chung cũng như đặt mìn tòa soạn Chính Luận? Hỏi để hỏi thôi. Không có câu trả lời.

Từ đó câu chuyện xoay quanh bác sĩ Đặng Văn Sung. Nhất là phần cuối đời của ông liên quan đến việc ông quyết định theo đạo Thiên chúa.

Anh Phạm Bá Cát có dính dáng đến chuyện này vì anh là người giới thiệu Lm Vũ Đình Trác đến giúp dạy giáo lý cho ông Đặng Văn Sung. Nhưng theo anh Phạm Bá Cát cái lý do nào đưa đến quyệt định cuối đời của bác sĩ Đặng Văn Sung là do một người phụ nữ tầm thường. Người phụ nữ này có tên là bà Ba vốn là người giúp việc lâu đời của gia đình ông Đặng Văn Sung. Bà ít học, quê mùa đến độ mà theo anh Phạm Bá Cát kể lại mỗi khi gặp tôi bà xưng bằng Ngài và con, “Thưa ngài, con…” Làm sao một người như thế, lại có thể có sức mạnh tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của ông Đặng Văn Sung?

Nghe câu chuyện này hay và có ý nghĩa, anh Uyên Thao đề nghị phải gặp bà Ba cho bằng được, ngoài phần thăm hỏi và giúp đỡ bà còn phải viết lại thành chuyện.

Đó là một câu chuyện lý thú. Mọi người đều hoan hỉ và hưởng ứng ý của anh Uyên Thao.

Anh Phạm Bá Cát đề nghị thêm cái người có thể biết mọi chuyện từ đầu tới cuối trong mấy chục năm không ai khác là ông Thái Lân, quản lý sau là Tổng Thư ký Chính Luận. (Trong thời gian tranh đấu của báo Chính Luận, Nguyễn Thái Lân và Ngô Đình Vận và nhiều ký giả khác đã bị mời lên bộ Tư lệnh Cảnh sát để lấy lời khai về việc làm báo của họ.)

Thế là như một đám thanh niên hăng say, cả đám ùn ùn quyết định phải đến ngay thăm ông Thái Lân và giao phó cho tôi trách nhiệm làm sao để thuyết phục ông Thái Lân. Chúng tôi vội vã đi trên hai xe hơi đến nhà ông Thái Lân.

(Ông Thái Lân, khi làm tờ Ngôn Luận ‒bộ mới‒ trong ba ngày liền viết bài kết án Uyên Thao là cộng sản nằm vùng. Dựa trên những bài báo của Uyên Thao viết về tình hình đất nước, trích riêng ra đoạn nọ đoạn kia để xuyên tạc, chụp mũ Uyên Thao. Nhưng sau đó có dịp hiểu nhau. Và mọi chuyện coi như bỏ qua . Sau này, ở hải ngoại biết Uyên Thao, ông Hồ Anh, chủ nhiệm báo Ngôn Luận mời anh Uyên Thao về làm báo Văn Nghệ Tiền Phong.)

Ông Thái Lân mặc dầu lớn tuổi, dáng còn khỏe mạnh đang làm vườn, tiếp đón bọn tôi một cách vui vẻ và cởi mở. Trong câu chuyện, mỗi người lần lượt yêu cầu ông phải nói hết mọi chuyện trong giai đoạn làm báo ở Sai Gòn và cho tôi được phỏng vấn ông.

Nói đủ thứ lý luận, nài ép cũng có, ông vẫn tìm cách tránh né không chịu mở miệng. Lý do duy nhất nêu ra là tôi già rồi, trí nhớ kém. Trong nay mai, có dịp gặp ông, tôi thử “thời vận” một lần nữa xem sao và tiếp tục hỏi anh Phạm Bá Cát xem về vụ bà Ba đi đến đâu rồi?


Giai đoạn làm báo Sóng Thần

image008

Tin UPI về vụ Hà Thúc Nhơn ‒ bệnh viện ở Nha Trang. Nguồn ảnh: Watertown Daily Times


Có lẽ đây là giai đoạn xôi động nhất trong cuộc đời làm báo của Uyên Thao và để lại trong anh niềm hãnh diện cũng có và nỗi đau cũng không thiếu.


Một người ra một tờ báo mà một đồng xu dính túi cũng không có. Chỉ có một tấm lòng, một lý tưởng tranh đấu chống tham nhũng bất công xã hội và sự hăng say.

Sóng Thần như tên gọi chẳng khác gì một cơn nước lũ muốn kéo đi tất cả những rác rưởi xã hội, cho một bộ mặt mới.

Miền Nam rơi vào tình thế mất còn với nhiều xáo trộn. Chính quyền TT Nguyễn Văn Thiệu xem ra bó tay trước áp lực của người Mỹ và tỏ ra thất thế, yếu kém về quân sự trong việc đương đầu với cộng sản.

Thật vậy, sau Hiệp Định Paris thì linh mục Cao văn Luận đi nước ngoài có ghé Roma và đã gặp hồng y Casaroli, Quốc Vụ Khanh tòa thánh. Hồng y Casaroli đã nhắn nhủ các giám mục VN qua Lm Luận là nên chuẩn bị giai đoạn để phải sống chung với cộng sản và chấp nhận cái thuận lợi hay không thuận lợi(oppotune, importune) khi phải đối đầu.

Điều đó chỉ ra rằng ở ngoại quốc người ta tiên đoán trước được những điều gì xảy cho miền Nam. Phong trào Nhân Dân chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh ra đời trong hoàn cảnh đó: Chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình bằng cách liên kết mọi thành phần Dân tộc sau cuộc phân hóa 1963.

Trong cáo trạng chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh đặc biệt có nêu ra một số vụ tham nhũng như: Vụ Còi hụ ở Long An, vụ gạo ở miền Trung, vụ buôn bán Bạch phiến (Thương số buôn bán Bạch phiến lên đến 88 triệu Mỹ kim, tương đương 57 tỷ bạc VN/một năm. Nếu tính 5 năm thì số tiền lên đến 285 tỉ bạc VN, chia đều cho 19 triệu dân miền Nam thì mỗi người được 13.000 đồng. Tài liệu cũng tố cáo trực tiếp TT Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cầm đầu những vụ này.

“The politics of Heroine in Southeast Asia” của Alfred W. Mc Coy, năm 1972

Tiếp đến là các vụ đầu cơ phân bón, đặc biệt vụ án Đồng ở Đà Nẵng có liên quan đến một vị tướng hiện còn sống như sau:

“Vụ án Đồng ở Đà Nẵng, chỉ kết án con buôn, nhưng những ông Tướng, những ông Tá nào bán Đồng cho họ thì không bị xét xử và của ăn cắp không được thâu hồi cho công quỹ.

Tài liệu được trích dẫn là tờ báo Pacific Star and Stripes phát hành ngày 13.6.1973 phanh phui vụ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm toa rập cùng một số Tướng lãnh và gian thương, xuất cảng lậu số đồng phế thải của Quân đội Mỹ trao lại cho Việt Nam Cộng Hòa, trị giá trên 17 triệu 300 ngàn Mỹ kim, mà Tổng thống cố tình ám nhẹm, không biết vì lý do gì?

Vẽ Đường Cho Hươu Chạy, Nguyễn Văn Trung

Riêng tờ Chính Luận trong số báo đề ngày thứ năm 04/7/1974, dưới hàng tít chạy 6 cột trang nhứt, Chính Luận có loan tin: “Một âm mưu xuất cảng lậu 15.000 tấn đồng phế thải trị giá lối 7.000 triệu bạc Việt Nam, tức 7 tỷ, bị Phủ Thủ tướng phát giác và một tham chánh văn phòng Phủ Thủ tướng, ông Huỳnh Huy Dương đã bị bắt để điều tra.”
Chỉ vì vụ này, ông Nguyễn Thái Lân bị gọi ra cảnh sát nhiều lần và bị Bộ Tư Lệnh Cảnh sát giải ra tòa.Rất tiếc, ông Thái Lân đã không cho phỏng vấn để biết rõ vụ này như thế nào?

Trong tinh thần và bối cảnh chính trị như thế, tờ Sóng Thần có mặt và hỗ trợ Phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh từ đầu.

Vì thế nay không lạ gì trong tập Tài liệu nhật báo Sóng Thần, các anh đã nêu cái tinh thần Hà Thúc Nhơn với lời ghi: Sóng Thần, đầu sóng ngọn gió có ghi: “Nhóm chủ trương Hà Thúc Nhơn chủ trương.”

Bác sĩ Hà Thúc Nhơn bị bắn chết ở Nha Trang do chống tham nhũng ở quân y viện NhaTrang trở thành biểu tượng của Sóng Thần.

Theo anh Uyên Thao, trong buổi tạ từ của báo Sóng Thần ngày 30 tháng 10 cho biết: “Gia đình Sóng Thần gồm những người trẻ đã được khai sinh và nuôi dưỡng bằng tình thương yêu và thắm thiết của đồng bào anh em khắp nước.”

Cụ thể là những trí thức, dân biểu, giáo sư, quân nhân các cấp đã đóng “hụi chết” để Sóng Thần có thể ra đời và tồn tại được mấy năm. Tuổi thọ của Sóng Thần kéo dài không được bao lâu, nhưng dư âm còn đọng lại và tiếng tốt vẫn còn để lại trong lòng nhiều người. Tôi có đọc một danh sách dài thườn thượt những người đã góp công của cho Sóng Thần ra đời vào 24/9/1971 khi Sóng Thần ra mắt tại Trung Tâm Văn Bút. Tôi nghĩ bụng Uyên Thao phải là con người để bạn bè tin tưởng như thế nào.

Theo lời kể của anh Uyên Thao, xin tạm không nêu tên, có một ông tướng nổi tiếng tham nhũng đã gửi một số tiền không nhỏ là 2 triệu đồng qua ông Chu Tử. Anh Uyên Thao đã từ chối nhẹ nhàng không nhận và gửi trả lại số tiền đó.

Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó.

Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.

Cái uy tín ấy tóm tắt trong lời của Lm Lãm, một đồng nghiệp của Uyên Thao viết:

image010

Nhật Báo Sóng Thần 11 tháng 5, 1974. Nguồn: Võ Phi Hùng là phó bản từ microfilm lưu trữ tại Đại học Cornell


“Tôi nghĩ đến vai trò của Sóng thần trong cuộc tranh đấu hôm nay, đến hành động của anh em Sóng Thần đốt báo rực đường phố, đốt sắc luật 007 làm rung chuyển Hội Trường Quốc Hội hôm nào.

Và mai đây vào sáng ngày 31‒10 này, hai chữ Sóng Thần lại sẽ thực sự được khắc vào bia đá của lịch sử đấu tranh.”

(Vẽ đường cho Hươu chạy, NVT)

(Còn tiếp)
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1904)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1697)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5441)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5703)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1922)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5011)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3697)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2290)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2241)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2618)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2657)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2554)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2586)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2813)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3054)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2934)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2744)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2854)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2759)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2857)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?