Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - ĂN TẾT

01 Tháng Hai 20237:20 CH(Xem: 3426)
Nguyễn Thị Thêm - ĂN TẾT
Ăn tết NTT

 

Không biết từ "Ăn Tết" có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết. Và chỉ hai chữ đơn giản đó đã nói lên cái Ăn là chính. Đồng thời còn gói ghém hết những gì người ta làm, vui và hưởng thụ trong mấy ngày Xuân. 

 

Từ khi tờ lịch cuối cùng treo trên vách được lột xuống là mọi người VN đều có cùng ý nghĩ "Sắp Tết rồi"

Sắp Tết rồi thì phải lo chuẩn bị chớ. Nghèo đến đâu, ba ngày Tết cũng phải có với người ta. Gì thì gì trong lu, trong khạp cũng phải có gạo. Bàn thờ phải có đủ hương, hoa, quả. Nhà cửa sạch sẽ, quần áo tinh tươm và trong vườn cũng nuôi vài ba con gà, con vịt.

 

Ăn Tết đối với người nghèo là một bi kịch, nhất là trong thời buổi gạo châu củi quế sau ngày đất nước sang trang. Đó là một gánh nặng mà những người chủ gia đình phải thao thức cả đêm.

Đối với phong tục VN ta, ngày Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. Con cái thế nào cũng phải có một bộ đồ mới. Nếu cũ cũng phải lành lặn, sạch sẽ. Nhưng nghèo quá, cái ăn không có thì làm sao có cái mặc.Tuy nhiên làm cha mẹ, đâu nỡ cho con quá thua thiệt với bạn bè, dù gì cũng để cho con có manh áo lành ngày tư ngày Tết với người ta.

 

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, thời kỳ tem phiếu sau 75. Mẹ tôi đi làm công nhân được mua hai mét vải theo tiêu chuẩn cả năm trong dịp Tết. Từ kho vật tư đem ra là chỉ còn 1 mét 9. May quần thì ngắn, may áo thì dư. Cầm xấp vải dở khóc dở cười. Vải này cũng không thể may cho em tôi quần hay áo. Thực là trớ trêu cho giai cấp công nhân.

 

Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm công nhân có vài lạng đường, vài gram bột ngọt, nửa lít nước mắm, nửa lít dầu hôi, vài lạng xà bông và nhất là được nửa ký thịt heo. Thật ra nửa ký thịt heo này có nhằm nhò gì với những nghi thức cúng kiến và ước mơ được ăn ngon no đủ trong ba ngày Tết của mấy em tôi.

 

Cho nên để chuẩn bị cho Tết, để có tí thịt ngày Xuân, má tôi đã chơi hụi heo bắt đầu từ tháng giêng năm trước.

Thế hụi heo là gì? Như thế này. Ở quê tôi, mấy gia đình thân quen hùn nhau chơi một chân hụi. Chân hụi đó được gọi là hụi heo. Nghĩa là hụi để mua heo ăn Tết. Một người được tin cậy sẽ đứng tên chân hụi đó. Hụi heo có thể đóng bằng tiền. Nhưng nếu không có tiền sẽ được quy ra bằng gạo. Tiêu chuẩn công nhân 13 kg gạo một tháng. Thôi thì độn thêm khoai vào với cơm, bớt ra 1 kg gạo để chơi hụi heo ăn Tết.

Tính toán thế nào để hụi dứt vào khoảng tháng 11 hay đầu tháng chạp . Khoảng 20 Tết cả nhóm tìm mua một con heo theo số tiền mình có. Heo được đem về làm vào 27 Tết. Tất cả thịt, lòng đều được chia đều. Như vậy mỗi nhà đều có thịt ăn trong ba ngày Tết

 

Chiều 28 Tết được lãnh lương, má tôi đi chợ mua vội vàng vài thứ cho có với người ta. Còn thì trong nhà cũng đã chuẩn bị trước. Lúa xen canh để dành chị tôi đem đi chà sạch. Gà, vịt cũng có vài con trong chuồng đề phòng có khách đường xa đến thăm và ở lại. Mứt nhà làm bằng mấy lạng đường tiêu chuẩn. Bông hoa, trái cây, cây nhà  lá vườn có gì chưng nấy. Cây mai trước nhà ba tôi lặt lá từ những ngày giữa tháng chạp. Bông vạn thọ má tôi trồng một đám trước nhà. Cắt vài nhánh mai chưng trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Bứng vài gốc vạn thọ trồng hai chậu để trước nhà. Chặt một quày chuối sứ dú cho kịp Tết. Chuối chưng với cam, quít, bưởi  cắt từ vườn nhà ngoại. Vậy là gia đình tôi đã có một cái Tết bĩ bàng hơn nhiều gia đình khác.

 

Ngày Tết đối với chúng tôi thật nhiều kỷ niệm. Cả nhóm ra đường chạy chơi thỏa thích. Một chiếc xe chạy qua, bụi mù trời vậy mà chúng tôi không thấy mất vệ sinh chút nào. Tết được ăn đặc biệt, có thịt kho tàu hũ, khổ hoa hầm, dưa giá... Má nấu một nồi kiểm chay ăn ngày mồng một  Mệ nội gói bánh Tét, bánh chưng ăn với dưa món ngon ơi là ngon. Cơm ba ngày Tết má không độn khoai nên quá ư là no bụng. Tết của nhà nghèo nhiều kỷ niệm hơn những người giàu vì nó in sâu trong ký ức không thể nào quên.

 

Qua Mỹ ngày Tết không thiếu quần áo hay thức ăn. Nhưng thiếu hương vị quê nhà và cái hồn của Tết.

Xóm tôi toàn là người Mỹ và Mễ. Tết VN vắng lặng buồn thiu. Mấy năm đầu chưa quen ai nhiều, chùa chiền không có. Chỉ gia đình quây quần vui Tết. Nếu không có mệ nội nhắc nhở và chuẩn bị cúng bái thì chắc chẳng ai nhớ Tết.

 

Vài năm sau ba chở gia đình đi hội chợ Tết ở vùng Little Sài Gòn. Không khí Tết bắt đầu sôi động. Chùa được một vài vị sư lập ra trong khu vực  gần nhà. Ngày đầu năm cả gia đình được dịp đi lạy Phật mừng Xuân rồi dẫn nhau đi chơi hội chợ.

Khi chúng tôi lớn hơn vào đại học. Chúng tôi tham gia các hội đoàn văn nghệ Tết sinh viên. Ngày Tết trở nên náo nức, bận rộn và có ý nghĩa hơn.

Bây giờ, chúng tôi đã lập gia đình và có con. Chúng tôi cố gắng tạo cho con chúng tôi quay về nguồn cội. Mà Tết là một hình thức về nguồn ý nghĩa nhất của người VN.

 

Đại gia đình tôi tháng 12 âm lịch là tháng bận rộn nhất. Kỵ giỗ dồn trong tháng này. Không hiểu sao gia tộc tôi lại rủ nhau về cõi vĩnh hằng trong những ngày cuối năm.

Khi mọi người coi ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời là bắt đầu chuẩn bị Tết, thì gia đình tôi phải chuẩn bị từ ngày 19. Bởi vì ngày 20 là ngày kỵ giỗ ông ngoại tôi.

Má tôi sẳn sàng mọi thứ để gói bánh tét vào ngày 18 tháng chạp hàng năm. Má mua lá chuối về rửa sạch lau khô. Má cẩn thận lau từng lá và sắp ra từng cái bánh. Thịt heo má ướp trước một ngày. Dây nhợ sẵn sàng. đậu xanh và nếp được ngâm trong đêm để sáng mai má dậy sớm bắt đầu.

Chỉ một mình má. Vâng chỉ một mình má tôi vật lộn với bao nhiêu là thứ. Có năm tôi phụ được, có năm không. Mà tôi có phụ được gì đâu , chỉ cột dây mà cũng không xong. Má rờ rờ, nắn nắn rồi tháo ra làm lại.

 

Bánh má tôi gói không giống bánh tét hay bánh chưng bán ngoài chợ. Tụi tôi hay nói đùa bánh này "Made in cô Chín". Bánh tét má gói chặt tay, rất dẻo. Đậu xanh và thịt vừa phải nên ăn không ngán. Đặc biệt má không dùng nước dừa nên để ngăn tủ đá cả năm cũng không sao. Cứ lấy ra bỏ vào Microwave hâm nóng là ăn như bánh mới.

Bánh tét má làm, ngoài để ăn với dưa món còn để chiên. Vâng!. Dùng một sợi dây nhỏ cắt bánh ra từng lát, bỏ vào chảo có tí dầu đang nóng. Chiên vàng lên ăn giòn rụm. béo béo, thơm thơm thật tuyệt vời. Bánh tét tự tay má gói là món độc nhất  em trai tôi rất mê không ăn bánh nào khác. Chỉ "Bánh tét cô Chín" mới có hương vị này. "Đậm tình quê hương xứ Huế, đậm tình mẹ con". Bây giờ em tôi đã lập gia đình và ở riêng. Nó nhờ má tôi chỉ cách gói bánh. Thế là cu cậu tự biên tự diễn gói bánh tét để ăn. Mấy cha con chiên bánh ngồi ăn ngon lành facetime cho bà nội thấy.

 

Có lẽ cách gói bánh của má tôi giống bà nội vì cách gói bánh của bà ngoại và bà nội tôi khác nhau.

Bà ngoại tôi dân miệt vườn miền Nam nên thường gói bánh tét có nước dừa. Nào là mứt dừa, bánh ít nhân dừa, bánh tổ, cà ri gà, kiểm, thịt kho tàu...Những món ăn thuần túy trong gia đình miền Nam trong dịp Tết đều phải có dừa.

 

Vườn nhà ngoại tôi nhiều cây ăn trái và lá chuối không phải mua. Cứ lấy một cái lưỡi liềm cột vào cây sào là ra vườn mặc sức lấy lá. Ưu tiên lá chuối sứ vừa to bảng, vừa chắc gói bánh lại thơm. Lá chuối lửa, chuối hột, chuối già, chuối chua cũng  dùng được nhưng không phải là lá tốt nhất. Lá cứ để nguyên tàu như vậy mà phơi. Lá vừa hơi se mặt là đem vào rọc. Lá tốt to bảng gói bánh tét. Lá nhỏ hơn gói bánh ít. Lá vụn gói bánh bột lọc, bánh nậm và còn lại là lót nồi hay để trên mặt cho giữ hơi. Cọng lá chuối được rọc ra, phơi héo để cột.

 

Má tôi đi chợ lựa thịt ba chỉ không quá nhiều mỡ cũng không nhiều thịt. Thịt cắt miếng dài theo đòn bánh, ướp tiêu hành, đường, muối cho đậm đà. Thịt được ướp trước một hoặc hai ngày cho thấm gia vị. Nếp ngâm qua đêm được vớt ra để ráo. Tới đây là giai đoạn hai cái khác giữa nội và ngoại. Ngoại tôi xào nếp với nước cốt dừa, còn nội tôi thì không, chỉ ướp tiêu hành hương và muối cho ngon. Phần đậu xanh, ngoại tôi để nguyên đậu xanh vút sạch để ráo mà gói, còn nội tôi thì nấu lên vắt từng vắt nhỏ.

 

Qua bên Mỹ lá chuối phải mua, dây cột bằng nylon hay dây nhợ nhưng các vật liệu không thay đổi. Cái khéo là gói chặt tay, hai đầu bằng nhau và khi cắt ra nhân nằm ngay ngắn ở giữa bánh. Bánh chín đều dẻo thơm, vừa miệng là thành công. Tôi không thích những cái bánh hoa hòe, cắt ra nhiều màu hay thành chữ. Chắc chắn là để đẹp chứ không ngon.

 

Má tôi gói bánh từ ngày 19 tháng chạp. Một nồi thật to, lửa nấu ga nên không cần phải canh hay thêm củi như thời ở quê. Nước được châm thường xuyên để bánh luôn được sôi trong ngập nước. Được phân nửa thời gian nấu là má lấy ra và trở đầu để bánh được chín đều.

Khi bánh chín, má vớt ra rửa sạch, lau khô và  bọc lại bằng plastic wrap rồi sắp lên bàn cho nguội. Lúc ở VN bà ngoại tôi vớt ra là treo trên sào cho rút nước. Ngày xưa, lúc chúng tôi còn nhỏ, lần gói bánh nào má hay bà nội bà ngoại cũng gói cho mỗi đứa một đòn bánh đeo. Bánh đeo cũng giống như bánh tét, nhưng nhỏ xíu vừa đủ một người ăn. Chúng tôi thức theo nồi bánh để chờ ăn đòn bánh đeo này. Kỷ niệm tuổi thơ háo hức, thèm thuồng chờ ăn cái bánh đeo trải dài theo từng nồi bánh tét mỗi dịp Tết về. 

 

Ngày 19 tháng chạp má đem bánh tét, hoa và trái cây đến nhà cậu tôi trước để chuẩn bị ngày mai làm giỗ. Ông ngoại tôi xuất gia nên gia đình cúng chay. Ngày 20 chúng tôi đến nhà cậu sớm để phụ mợ nấu nướng và cúng kỵ trước 12 giờ trưa. Ngày 21 tháng chạp má tôi đem bánh đi biếu bà con cho kịp cúng đưa ông Táo về trời. Má nói" Bánh mình ngon dở gì không biết, nhưng gói sớm bà con cúng ông Táo xong đem ra ăn sẽ thú vị hơn. Mai mốt tới Tết, bánh trái ê hề ăn sẽ không còn ngon nữa.

 

Má cũng hay làm những món như giò thủ, nem, dưa món, dưa chua, thịt kho tàu, khổ qua hầm thịt, chả giò, bánh ít, bánh bột lọc… khi nào có khách đến nhà là có sẵn để ba tôi lai rai cùng bạn.

Những ngày Tết rơi vào cuối tuần. Con cái về sum họp đầy đủ. Nhà tôi rộn ràng đông vui biết mấy. Ba tôi cùng mấy người bạn cùng sở làm, đồng đội ngày xưa, những người bạn tù CS họp nhau lại. Giữa tiết Xuân se lạnh xứ người, uống vài lon bia, nhâm nhi những món ăn quê hương, nhắc chuyện xưa ngẫm chuyện nay, thật đậm đà hương vị Tết

Quê hương bỗng thật là xa mà hóa ra gần. Gần như mình có thể chạm tay vào, ôm vào lòng và rơi nước mắt. Giọt nước mắt xúc động nhớ nhà của những người con lưu lạc xứ người.

…..

 

Bây giờ thì má tôi không còn gói bánh tét hay làm nhiều món nhậu mỗi khi Tết đến. Không phải vì má lười hay má quá già mà vì những lý do thực tế khác.

Thứ nhất ba tôi đã không còn, những bạn đồng tù và đồng đội không còn lại mấy người. Họ lại già yếu, lái xe xa không thể được nên nhà ai nấy ở. Chồng tôi không biết nhậu nên mấy món lai rai khỏi cần làm. Các con tôi không thích bánh tét, bánh chưng. Chúng chê quá béo, không  hợp khẩu vị. Chúng tôi cũng không dám ăn nhiều vì thành phần có nhiều thịt mỡ và nếp. Các loại mứt cũng vậy, mua chỉ để cho có để cúng kiến ông bà và ra vẻ Tết chứ trong nhà chẳng có ai ăn. Những món mứt sau những ngày Tết bày cúng tôi đem lên chỗ làm. Các bạn chung sở rất thích vì được thưởng thức những hương vị lạ.

Em trai tôi là lính Mỹ, đơn vị công tác ở nước ngoài. Hết đóng ở Ý lại được phân bổ đi Nhật rồi tới Đức. Mỗi nơi đóng quân 3 năm. Mỗi lần Tết đến em tôi đều trang trí nhà cửa như ở quê nhà. Em nấu những món ăn Việt Nam, mời đồng đội đến dự và cũng lì xì chúc Tết cho các con em họ. Sáng mồng một cả nhà Facetime chúc Tết mẹ và gia đình bên này. Thành viên trong gia đình đều mặc áo dài rất dễ thương.
Ngày Tết gia đình Duy

 

Ngày Tết Nguyên Đán ngày xưa, tôi nôn nao chờ đợi để được mặc đồ mới. Để cùng chúng bạn chạy chơi đốt pháo hay được ăn những món mà cả năm không có. Bây giờ các cháu ở Mỹ  không còn nôn nao "Ăn Tết". Những món đặc biệt ngày Tết thì cũng chẳng có gì lạ lẫm. Vào nhà hàng gọi một tiếng là có ngay. Nóng, ngon và hấp dẫn. Ngày Tết, làm thịt kho tàu ư? Chúng sợ mỡ. Khổ qua hầm ư? Chúng sợ đắng. Nem, chả, thịt đông thì còn lâu chúng mới động đũa. Vậy thì nấu một nồi phở, ăn lẩu hoặc làm một bữa thịt BBQ ngoài trời chúng lại thích hơn.
Má tôi biết ý cháu, bà biết con tôi thích ăn bánh bột lọc hay bánh bèo bà làm. Thế là bà lại lui cui làm bánh cho cháu ăn sau khi chúc Tết tổ tiên và gia đình. Những cái bánh bèo xinh xinh có xoáy ở giữa, thêm đậu xanh, tôm chấy, hành phi với chén nước mắm ngon không có gì là Tết nhưng thấm tình bà ngoại. 

 

Thật lòng trẻ con bên Mỹ thích ngày lễ Giáng Sinh hơn. Vì Giáng Sinh là hòa vào nhịp sống cộng đồng ở nơi này. Nhà nhà treo đèn kết hoa. Cây thông lấp lánh sặc sỡ. Quà cáp chất đầy gốc cây với bao nhiêu hăm hở vui tươi đầy kích thích. Ở xứ người, dù có đạo hay không người VN mình cũng chung hưởng niềm vui với người bản xứ. Một lễ Tạ ơn thật ý nghĩa trong tháng 11. Lễ Giáng Sinh vào tháng 12. Những buổi tiệc họp mặt gia đình đông vui và khoái khẩu. Các cháu nhỏ được tặng nhiều quà và có những ngày nghỉ lễ dài ngày. Đó là những ngày về với gia đình nên trong lòng chúng háo hức nhiều hơn.

 

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày đầu năm thiêng liêng. Ông bà cũng căn dặn con cháu đôi điều kiêng cử. Nghe xong, chúng sẽ trợn mắt ngạc nhiên và hỏi cho ra. Con nít bên đây chỉ chấp nhận những điều chúng thấy hợp lý. Cho nên giải nghĩa không thông thì chúng không hề phục. Chẳng hạn tục lệ xông đất chúng sẽ không bao giờ tin và cho rằng tên người chẳng có liên hệ, ảnh hưởng gì đến tốt xấu một năm trong gia đình.Tục lệ xuất hành chúng sẽ cho là không khoa học. Tục lệ đưa rước ông Táo chúng sẽ nói là dị đoan vì bây giờ nhà xài bếp ga hay bếp điện. Cơm ngon hay dở là do người nấu ăn. Tài lộc là do người siêng năng làm việc. Công ty điện, nước, gas chính là mấy ông bà Táo hay thổ địa. Trả tiền đúng hạn thì không sao, không trả tiền thì họ cắt. Nhất là chuyện xưa tích cũ, một bà Táo mà có tới hai ông chồng, chúng sẽ nói là phạm luật hôn nhân. 

 

-"Ủa! Như vậy thì còn gì là Tết. Không lẽ mình không Ăn Tết?" Má tôi hay ngậm ngùi nói như vậy và bà thở dài.

Tôi không biết trả lời sao với má. Bà đang nhớ lại cả một quãng đời ngây thơ vui Tết quê nhà. Bà đang lạc lõng với những tư tưởng rất mới của bầy cháu nhỏ đang học hỏi và hòa nhập với người dân bản xứ.

Tôi cũng vậy,  tôi rất buồn khi nghĩ đến những thế hệ đời sau có còn ai muốn Ăn Tết nữa không. 
Cho nên nơi đất nước văn minh này, người làm cha làm mẹ phải biết khôn khéo và thực tế. Sẽ Ăn Tết như thế nào để hợp với thời đại mới nơi xứ người và đem con cái về với cái đẹp của truyền thống VN. Không dị đoan mê tín, không áp đặt cổ hũ lấy sự gắn bó của gia đình để bảo tồn văn hóa, duy trì tình gia tộc. 

Gia đình chúng tôi giữ truyền thống VN. Ngày đầu năm con cháu đều đi chùa lễ Phật.

IMG_3393chùa Phật Tuệchùa văn thù
Đại gia đình tôi tập trung tại nhà cậu tôi vào sáng ngày mồng một để đón Xuân và chúc Tết. Phái nam mặc quần áo chỉnh tề. Phái nữ mặc áo dài truyền thống. Sau lễ cúng tổ tiên là chúc Tết và lì xì. Con cháu nhận những lời chúc lành lẫn khuyên bảo dặn dò của cha mẹ ông bà trong dịp đầu năm mới. Sau đó mới ăn bữa tiệc tân niên.

IMG_4327
IMG_4387
IMG_4391

 

Tết bây giờ không còn cái ăn, các mặc là chính. Tết là trở về nguồn cội. Là ghi nhớ công ơn tiền nhân, tổ tiên. Là sum vầy đoàn tụ. Tết là ngày khởi đầu một năm mới hạnh phúc, an lạc. Đón Tết mặc áo dài, quần áo tề chỉnh là chứng tỏ mình tôn trọng những bậc trên trước. Mừng tuổi là chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng nhau một năm bình an. Nhận lì xì là nhận tài lộc lấy hên, nhận lời chúc lành đầu năm mới. Đi chùa lễ Phật để hướng tâm về Tam Bảo mà làm điều thiện, điều lành. Không phải hì hục lạy để xin ông Phật cho mình nhiều tiền nhiều của. Không phải dị đoan xin xăm để cả năm lòng thấp thỏm không yên. Không phải bẻ cho hết hoa ở chùa hay ngoài đường để lấy lộc đầu năm là phước lộc đầy nhà. Tết là hòa vào khí Xuân tươi đẹp của đất trời mà sống tốt, hoan hỉ và an lạc.

 

Tôi lại nhớ mấy câu thơ của Vũ Đình Liên về ngày Tết.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

 

Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta. Đang lắng nghe ta tâm sự cùng ta vui Xuân đoàn tụ.

 

Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 567)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 602)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 708)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 754)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 962)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 852)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 810)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1686)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 708)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1703)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 966)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri