Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - THẦY CHU LÂM

29 Tháng Mười 20221:11 SA(Xem: 4818)
Phan Phú Hiệp - THẦY CHU LÂM

THẦY CHU LÂM


ThayChuLam

 

Vào những năm 1971-4/1975, phía bên trong chợ nhỏ Kỷ Niệm đối diện với trường Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa có một căn nhà nhỏ nằm ở góc ngoài bìa bên phải của dãy phố ngang. Trong phòng trước của căn nhà có kê 4 dãy bàn học, lúc nào cũng đông học sinh. Đó là lớp dạy Anh ngữ của Thầy Chu Lâm.

Thầy dạy Anh Ngữ theo bộ sách English for Today (EFT) từ lớp vỡ lòng Book 1 cho đến lớp nâng cao Book 5 theo sát với chương trình sinh ngữ chính bậc Trung học lúc bấy giờ. Tôi có theo học Thầy hai lớp Book 2 và Book 3.


EFT Books


Thầy có nhiều lớp học trong ngày, từ sáng đến tối. Mỗi lớp 2-3 giờ. Mỗi học sinh chỉ cần ghi danh tượng trưng cho một lớp và có quyền tham dự học tất cả các lớp khác của Thầy nếu có khả năng theo kịp. Do vậy, thời ấy có nhiều học sinh muốn trau dồi thêm tiếng Anh thường chọn cách học ”Thường Trực" , tức là học hết lớp này nối tiếp lớp khác từ sáng đến chiều, đặc biệt nhất là vào mùa hè. Ngoài ra, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Thầy miễn học phí hoàn toàn với điều kiện duy nhất: phải siêng học.

Nhu cầu học tiếng Anh thời ấy rất cao, học trò của Thầy đa dạng với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau: học sinh trung học, sinh viên đại học, quân nhân, công chức, nhân viên làm việc tại các công sở ngoại quốc … trong tỉnh Biên Hòa.

Phương pháp dạy của Thầy là tập trung vào ngữ vựng (Vocabulary), luyện nghe (Listening), luyện cách phát âm (pronunciation) và đọc hiểu (Reading Comprehension).

Mỗi đầu giờ, Thầy cho cả lớp viết chính tả (Dictation) trích từ một đoạn trong sách EFT. Điểm đặc biệt vui nhộn là thầy đề ra qui định, nếu viết sai một từ, thầy “khẽ “ cho 2 cây thước bảng vào cánh tay (Tuy nhiên Thầy chỉ áp dụng cho các học sinh nhỏ bậc Trung học như tôi . Riêng các học sinh lớn tuổi hơn thì được Thầy cho miễn trừ). Tuy qui định nghiêm khắc như vậy, nhưng cả lớp đều vui vẻ không ai trách giận Thầy vì nhờ vậy họ nhớ từ và viết cẩn thận hơn cho đúng chính tả.

Sau đó thầy cho học một đoạn văn mới trong sách và học thêm nhiều thành ngữ có liên quan đến nội dung của bài học .Với từ mới, mỗi học sinh phải đọc và viết nhiều lần trên giấy. Vừa đọc vừa viết nhiều lần cùng lúc là phương pháp Thầy khuyến khích học sinh thực hiện để nhớ ngữ vựng, những câu thành ngữ hoặc những áng văn hay.

Tuy dạy Anh ngữ, nhưng Thầy luôn nhắc nhở học sinh phải giữ nề nếp, khuôn phép, lễ giáo, tôn ti trật tự theo tôn chỉ “Tiên Học Lễ, Hậu học Văn” từ trong gia đình, nơi chốn học đường cho đến ngoài xã hội. Trong lớp học có kê một bảng viết 3 chữ lớn: “Quân -Sư- Phụ “cách điệu theo kiểu Thư Pháp để nhắc nhở học sinh luôn giữ gìn truyền thống “Tôn Sư Trọng Đạo”.

Ngoài ra, Thầy hay kể cho học sinh nghe những mẫu chuyện về đời thường rất hay về lợi ích của việc học ngoại ngữ qua kinh nghiệm sống của Thầy và những tấm gương thành đạt trong thực tế.

Ngoài lớp học chính tại chợ Kỷ Niệm, Thầy còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các học sinh vùng quê ở Quận Dĩ An và Công Thanh (Tỉnh Biên Hòa), đồng thời, Thầy cũng dạy thêm tiếng Pháp theo bộ sách “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” tại trường trung học Phan Chu Trinh (Đường Trịnh Hoài Đức-BH).

Đầu năm 1975, Thầy dự định mở một lớp luyện thi Proficiency Michigan để lấy chứng chỉ Anh ngữ có giá trị quốc tế cho một số học sinh của lớp nâng cao, nhưng dự định này đã không thành hiện thực khi miền Nam VN buộc phải chuyển sang một Chapter khác.

Vào những năm đầu thập niên 1990s, Thầy có dạy vài nơi tại các công ty và cơ quan nhà nước có nhu cầu bổ túc ngoại ngữ cho nhân viên.Tôi rất vui khi có duyên được học lại Thầy trong một lớp tiếng Anh tại Sở VHTT & TT Đồng Nai năm 1992.

Cho đến khi rời VN vào cuối thập niên 1990s, tôi không có cơ hội được gặp lại Thầy.

Ở hải ngoại, những tin tức về Thầy từ những người quen của tôi ở VN thường mịt mờ không rõ ràng.  

Tuy vậy, gần đây, tôi nhận được nguồn tin khả tín nhưng rất buồn từ một người bạn ở VN là thuận theo quy luật vô thường, Thầy đã rời bỏ cõi tạm, giã từ gia đình và tất cả các học sinh thân yêu để về yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.

Xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một người Thầy khả kính, uyên bác, mẫu mực hết lòng thương yêu học sinh. Thầy chính là người truyền lửa ham học cho học trò, và luôn khơi gợi lên trong họ những hoài bão, những ước mơ để vươn tới những khát vọng cao đẹp trong tương lai. Thời gian qua nhanh nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh uy nghi và giọng nói vang dội hào sảng, nhưng chan chứa tình cảm yêu thương học trò của Thầy.

 

Hiep Phan-- 9/2022

23 Tháng Bảy 2011(Xem: 124365)
... chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm trong yên lặng về ý nghĩa sâu thẳm của sự Hội Ngộ và Chia Ly.
22 Tháng Bảy 2011(Xem: 116554)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa âm: Đỗ Hải – Ca sĩ Thanh Duyên
20 Tháng Bảy 2011(Xem: 116608)
Chắc là những ai đã tham dự chuyến đi này và cả những ai được nghe kể lại sẽ thấy "vui nhất từ trước tới giờ chưa từng có"
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 109725)
Thấm thoát đã một tuần sau ngày họp mặt Ngô Quyền Hội Ngộ Toàn Thế Giới lần thứ 2 tại Nam California mà dư âm của ngày họp mặt vẫn còn vấn vương thoang thoảng trong đầu của tôi.
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 99919)
Cám ơn Ban Tổ chức Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền, Cám ơn Thầy Cô, cám ơn tất cả...
14 Tháng Bảy 2011(Xem: 105310)
Chúng tôi không bao giờ quên những nỗi nhọc nhằn của các Em để gíúp chúng tôi có được những ngày sum hợp vui đẹp vừa qua.
30 Tháng Sáu 2011(Xem: 115163)
Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải Ca Sĩ : Thúy An
17 Tháng Sáu 2011(Xem: 106805)
Bài này là một trong rất ít bài con viết cho Ba nếu có 1 thế giới nào khác thế giới này, mà Ba có thể nghe được thì xin ba hãy mỉm cười,
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 101459)
Kính dâng Ba Mẹ và xin lỗi Ba Mẹ, ai con cũng có thể viết cho họ đuợc, viết thư tình, viết công văn, viết thơ tán gái, viết... tùm lum, mà chả mấy khi viết được giòng nào cho Ba Mẹ.
10 Tháng Sáu 2011(Xem: 118954)
Em ạ, hết thảy mọi hoạt độngcủa con người là nhằm đến cái hạnh phúc, ngay cả những chuyện làm đau khổ hy sinh thiệt thòi rốt cuộc lại cũng chỉ vì hạnh phúc.
08 Tháng Sáu 2011(Xem: 138180)
"Bài này được viết và phổ biến từ năm 2009 nhưng được giới thiệu lại như một lời mời gọi chs NQ về Orange County California dự họp mặt chs NQ toàn thế giới lần II ngày 3 tháng 7 năm 2011."
05 Tháng Sáu 2011(Xem: 125959)
“Ngô Quyền ơi bao năm vẫn xanh màu kỷ niệm Ngô Quyền ơi bao năm vẫn tình cảm vẫn đong đầy”
30 Tháng Năm 2011(Xem: 110351)
Ba đã cho con một tuổi thơ đầy ắp hoa bướm, dù rằng con thiếu Mẹ. Ba đã cho con muôn ngàn tia nắng ấm từ trái tim yêu thương của Ba dù rằng trái tim Ba đang đau buốt.
30 Tháng Năm 2011(Xem: 107066)
Gương mặt Bố có những nét duyên dáng tráng kiện của một người đàn ông chung thủy và chịu đựng.
25 Tháng Năm 2011(Xem: 113580)
Bao nhiêu năm nay tôi không còn khóc nữa, tôi đã là “người khô nước mắt” rồi!
07 Tháng Năm 2011(Xem: 137544)
NUỐI TIẾC, TIẾC NUỐI - Nhạc và lời Đào Lê Văn, cảm tác từ truyện ngắn “NUỐI TIẾC” của Thiên Thu – Ca sĩ Tâm Thư .
06 Tháng Năm 2011(Xem: 143480)
Đứa con nào cũng vậy, luôn thờ ơ với Mẹ. Mẹ như một hiện hữu mà trời đã cho mình. Cứ nhận lãnh, hưởng thụ vô tội vạ. Cứ thấy mẹ chưa làm hết cho mình, chưa thương yêu mình đúng như mình muốn.
05 Tháng Năm 2011(Xem: 132794)
Trái tim của người Mẹ, từ một người mẹ non trẻ dại khờ, chưa đủ trí khôn, đến một người mẹ da mồi tóc bạc, đi gần hết cuộc đời lúc nào cũng chứa cả một đại dương tình thương cho các con của mình.
28 Tháng Tư 2011(Xem: 105215)
Tháng Tư, bạn có ngậm ngùi không? 35 năm về trước bạn đã thấy gì, bạn đã làm gì? Bây giờ bạn đang làm gì cho ngày 30 tháng Tư lịch sử.