NHẠC “SẾN” BẤT TỬ
Trong 21 năm tồn tại, miền Nam tự do đã để lại cho nền âm nhạc nước ta một gia tài đồ sộ gồm hàng ngàn tác phẩm của nhiều nhạc sĩ mà tên tuổi của họ không bao giờ quên trong ký ức của chúng ta.
Các nhạc phẩm đó đã được viết trong những thể điệu khác nhau: slow, boléro, rumba, tango, valse, twist…Những tác giả nổi tiếng của các nhạc phẩm đó là Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Thanh Sơn, Anh Bằng, Minh Kỳ , Lê Dinh, Phạm Duy, Anh Việt Thu, Vinh Sử, Hoàng Thi Thơ….và còn nhiều người nữa.
Nội dung các nhạc phẩm trước 1975 rất phong phú: tình yêu quê hương, tình bạn, tình yêu nam nữ, tình đời…
Nghệ sĩ Lộc Vàng
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam thất thủ “bên thắng cuộc” quyết huỷ diệt nền văn hoá của bên “thua cuộc” trong đó có âm nhạc. Họ gọi nhạc của miền Nam là “nhạc vàng” phản động, uỷ mị, yếu đuối, đồi truỵ nên cấm phổ biến. Hai nạn nhân nổi tiếng của chính sách cấm “nhạc vàng”: nghệ sĩ Lộc Vàng thập niên 60 ngoài miền Bắc và ca sĩ Chế Linh sau năm 1975 trong miền Nam.
Ca sĩ Chế Linh
Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, người Hà Nội bị bắt ngày 27/3/1968 về tội cùng một số bạn bè tụ tập hát “nhạc vàng”. Ông bị xử tù 10 năm nhưng được trả tự do trước 2 năm sau khi cộng sản chiếm được miền Nam. Còn Chế Linh năm 1978, khi đi hát chui được khán giả yêu cầu hát bản Thành phố buồn thì bị bắt đi cải tạo mất 18 tháng.
Mỉa mai thay, cũng những bản “nhạc vàng” mà Lộc Vàng và Chế Linh hát ngày trước để phải đi tù, ngày nay được trình diễn tự do khắp nơi ngay cả trên đài truyền hình của nhà nước .
Lời ca trong “nhạc vàng” đa dạng: có những bài hát đầy những từ ngữ trau chuốt hay có khi trừu tượng, triết lý (như nhạc của Trịnh Công Sơn) nhưng phần lớn các bài hát khác được diễn tả thật chân phương, mộc mạc và dễ đi vào lòng người.
Những nhạc phẩm dạng đề cập sau cùng đó ngày nay ở Việt Nam được gọi là “nhạc bolero” (dù không nhứt thiết viết theo điệu boléro) hay miệt thị hơn còn bị gọi là “nhạc sến”. Nhạc sĩ Vinh Sử, vừa mới qua đời cách nay không lâu, được mệnh danh là “ông vua nhạc sến”.
Tỉnh từ “sến” nằm trong danh xưng “Marie Sến” dùng để chỉ các cô gái ở mướn cho các gia đình giàu có. Người ta còn gọi họ là “ Marie Fontaine” vì các cô ở mướn đó phải gánh nước lấy từ các vòi nước công cộng về nhà chủ (thời xưa ít nhà có nước máy).
Nhiều người đánh giá dòng nhạc nói trên là tầm thường không có giá tri nghệ thuật nên ví von là chỉ dành cho các cô Marie Sền nghe. Họ cho rằng dòng nhạc của nhạc sĩ này, nhạc sĩ kia là sang, là trí thức…
Tôi không phải là người sành âm nhạc nhưng là người thích âm nhạc, mà ai lại không thích âm nhạc vì nó đem lại cho chúng ta những giây phút “relax” thoải mái xoá đi những phiền muộn trong cuộc sống. Thời mới lớn, tôi cũng tập tành chơi nhạc, mua một cây đàn guitar và những sách dạy đàn nhưng khi học đến cách đánh các hợp âm thấy quá phức tạp thì nản chí. Tôi cũng tập hát nhưng giọng “ngỗng đực” của tôi cất lên nghe “ không giống ai” lại không đúng nhịp nên bỏ mộng làm ca sĩ dù là ca sĩ “nghiệp dư” (amateur). May thay, ngày nay nhờ người Nhật sáng chế ra Karaoke nên những người dốt âm nhạc như tôi cũng dám liều lĩnh hát theo dòng chữ bên dưới màn hình.
Tuy vậy, là người miền Nam, ở trong cái nôi của,dạ cỗ hoài lang và với tiếng ru con của mẹ nên những âm điệu du dương, tha thiết đượm nét u buồn của dòng “nhạc sến” đã thấm vào từng sớ thịt nên tôi vẫn thích loại nhạc bị người ta chê là “sến” đó.
Theo tôi, mỗi dòng nhạc đều có số lượng “fan” của nó và nếu những người có trình độ thưởng thức âm nhạc cao họ có dòng nhạc “thính phòng” thì những người bình dân (chiếm số đông) cũng phải có dòng nhạc đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của họ. “Nhạc sến” với những thể điệu đơn giản, êm dịu, dễ đàn, dễ hát, lời lẽ mộc mạc, chân tình như bản chất của người miền Nam nên dễ đi vào lòng người. Vì thế trước 1975, các ca sĩ Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Hoàng Oanh, Phương Dung, Giao Linh…đã thành danh ca khi thể hiện dòng nhạc này.
Khi phân vân không biết tương lai cuộc tình hai đứa ra sao thì người con trai đặt câu hỏi:
“Em ơi nếu mộng không thành thì sao?”
(Duyên Kiếp-Lam Phương)
Tâm tình người học sinh khi mùa hè lại đến:
“Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn”
(Nỗi buồn hoa phượng-Thanh Sơn)
Mối tình nghèo:
“Tôi vốn nghèo, em cũng chẳng cao sang”
(Áo em chưa mặc một lần-Hoài Linh)
Xa nhau rồi lại tái hợp:
“Về đây bên nhau ta nối lại tình xưa.
Chuyện tình mà bao năm qua em gói ghém từng kỷ niệm”
(Nối lại tình xưa- Vinh Sử và Ngân Giang)
Và còn nhiều nữa những bản”nhạc sến” diễn tả nỗi lòng của những con người trong mọi tình huống của cuộc đời. Như vậy không lạ gì chuyện sau một thời gian dài bị cấm đoán dòng “nhạc sến” hay “nhạc boléro” lại trỗi dậy như bão táp ở Việt Nam với những chương trình truyền hình liên tiếp nhiều năm có số khán giả kỷ lục như “Solo cùng Boléro”, “Tuyệt đỉnh Boléro” của đài Vĩnh Long. Chính dòng “nhạc Boléro” này đã đưa nữ ca sĩ Lệ Quyên của miền Bắc lên hàng “siêu sao” ở Việt Nam. Những buổi trình diễn “nhạc sến” của Chế Linh, Tuấn Vũ, Như Quỳnh… ở nhà hát lớn Hà Nội chật ních người xem dù giá vé lên đến hàng triệu đồng.
Có thể nói dòng “nhạc sến” đã trở thành bất tử ở Việt Nam dù cho vật đổi, sao dời.
Huỳnh Công Ân
Montreal
12-10-2021