Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thanh Dương - ANH VÀ MẸ

15 Tháng Năm 20222:22 SA(Xem: 4622)
Nguyễn Thị Thanh Dương - ANH VÀ MẸ

Anh và Mẹ
 Nguyễn Thị Thanh Dương 

Anh va Me

 

Tôi và Sang học cùng trường đến lớp nhất. Sang mặt mũi sáng sủa và luôn ăn mặc gọn gàng sạch sẽ nên tôi thích chơi với Sang.

Nhà tôi xóm trên, nhà Sang xóm dưới chỉ cách nhau mấy khúc đường nhưng với tôi, xóm nhà Sang cũng xa lạ vì tôi chưa bao giờ đi sâu vào xóm đó.

Thỉnh thoảng đến trường, Sang hay lôi trong cặp ra chia cho tôi những món mẹ làm, khi cái bánh bò, bánh thuẫn, lúc bánh ít hay gói xôi. Tôi ăn thấy ngon và thành thói quen ngày nào đi học tôi cũng mong Sang sẽ mang cho tôi món gì đó. Hôm nào không có là tôi… buồn.

Sang hãnh diện khoe mẹ rất thương Sang, mẹ biết làm nhiều thứ bánh ngon, biết nấu cơm ngon và hào hứng rủ tôi hôm nào đến nhà chơi thì biết.

Tôi tò mò muốn biết mẹ Sang, người đàn bà tài giỏi, món nào cũng làm tôi ngon miệng, ưa thích.

Một hôm như đã hẹn, tan học tôi theo Sang về nhà để được gặp mẹ Sang và ăn bánh. Sang đã dặn mẹ trước, mẹ sẽ làm món bánh ít để đãi tôi. Tôi thích bánh ít này lắm, nhân đậu xanh trộn dừa nạo và đậu phộng rất ngon. Mẹ Sang sẽ làm bánh trước mắt cho tôi xem nên tôi càng thích thú.

Đầu hẻm vào nhà Sang có cái am. Trước cửa am có lu nước với chiếc gáo dừa cho người đi đường khát ghé vô uống. Tôi chưa bao giờ dám uống nước lu này, tôi sợ lu nước có bụi bay vào và sợ có lăng quăng trong đó. Có lần mấy đứa trò nhỏ chúng tôi đi bộ ngang qua đây, các bạn giành nhau cái gáo dừa để múc nước uống nhưng tôi thì không, dù cũng đang khát nước như các bạn. Một đứa bảo tôi con nít mà bày đặt kén chọn.

Lần đầu đến nhà Sang, quanh co qua con hẻm. Hầu hết người dân ở đây là người miền Nam. Trước sân nhiều nhà trồng hoa dâm bụt và có bàn thờ Thiên. Nhà Sang cũng thế, mảnh sân rộng có bàn thờ Thiên với bình hoa trang đỏ bên cạnh bình nhang đầy những chân nhang cây cao cây thấp. Sát mé nhà có một cây chùm ruột trái đeo đầy cây. Sang khoe ngày nào mẹ cũng thắp nhang bàn thờ Thiên vái trời cho Sang học giỏi, cho mẹ mạnh khỏe để nuôi Sang khôn lớn, bao nhiêu chân nhang là bấy nhiêu tình mẹ thương yêu Sang.

Sân rộng thế mà căn nhà gỗ thì nhỏ bé. Bước vào trong nhà, tôi ngạc nhiên và thất vọng ngỡ ngàng vì nhà Sang nghèo và mẹ Sang thì xấu quá. Đồ đạc trong nhà cũng xấu như mẹ Sang, chiếc bàn và những chiếc ghế cũ bẩn, tôi không muốn để cặp sách của tôi chứ đừng nói ngồi xuống. Gian bếp nhỏ xíu, chật chội với những nồi chảo méo mó, nắp nồi chênh vênh và rổ bát xộc xệch. Nơi này mẹ Sang đã làm ra những món ngon đây sao?

Mẹ Sang làn da ngăm ngăm đen, gương mặt choắt thô như đàn ông. Dù bà vui vẻ chào đón tôi nhưng tôi không thấy bà dễ thương chút nào. Nhìn bà trộn bột nhồi bột bằng hai bàn tay gân guốc đen sạm tôi đã thấy ghê ghê không muốn ăn bánh rồi. Nếu tôi biết trước thì những bánh trái trước đây Sang mang cho, tôi chẳng thèm ăn.

Tội nghiệp mẹ con Sang. Họ đâu biết tôi đang chê bà mẹ xấu xí dơ dáy. Tôi đang giận Sang có một người mẹ xấu mà Sang cứ khen hoài làm tôi tưởng tượng về bà toàn những điều đẹp đẽ. Sang thì hớn hở, lăng xăng phụ mẹ lấy cái này cái nọ, còn mẹ Sang thì vừa làm vừa ngọt ngào hỏi thăm tôi, kể cho tôi những mẩu chuyện làm quà. Hai mẹ con cùng vui vì tôi đến nhà.

Bánh ít chín, ăn nguội mới ngon nên mẹ Sang bỏ bịch cho tôi mấy cái mang về. Tôi vâng dạ cám ơn bà nhưng tôi sẽ không ăn những bánh ít này.

Khi ra tới ngoài sân bà chỉ cây chùm ruột âu yếm hỏi tôi:

– Con thích ăn mứt chùm ruột không? Mai mốt bác làm con ăn.

– Cháu không thích.

Bà chiều chuộng:

– Hay con ăn chùm ruột chua ngọt nha. Món này ngâm với cam thảo muối đường và ớt khô ngon lắm, bác làm cả thau bự bán vèo hết liền.

Tôi lại trả lời:

– Cháu không thích.

Sau hôm đó, mỗi lần Sang mang bánh đến trường cho tôi, tôi giả vờ nhận cho Sang vui nhưng không ăn tại chỗ mà nói để dành về nhà ăn nhưng sau đó, tôi vứt vào thùng rác.

Tôi và Sang cùng thi đậu đệ thất vào một trường trung học công lập. Hai đứa lại chung lớp chung trường suốt nhiều năm. Thời trung học chúng tôi đã lớn nên Sang không mang bánh trái trong cặp đi học và chia cho tôi nữa.

Không thích mẹ Sang nhưng tôi càng ngày càng mến Sang vì Sang học giỏi và biết Sang cũng mến tôi. Sang đẹp trai cao ráo khác hẳn người mẹ, chắc Sang giống cha! Sang có lần tâm sự chuyện buồn của mẹ: cha Sang đẹp trai con nhà giàu dưới quê, lên thành phố làm ăn thất bại lại thêm thất tình nên cha lấy mẹ để… giải sầu. Ông bỏ rơi bà, đi biệt tăm khi bà đã mang thai và người đàn ông bội bạc đó không biết rằng, ông có một đứa con trai với người phụ nữ đã hết lòng yêu thương tôn thờ ông. Mẹ Sang không oán hận cha, bà luôn nhẫn nhục và an ủi là ông không có lỗi chi vì bà không xứng với ông thôi, ông cho bà một đứa con trai ngoan và đẹp đẽ như Sang là bà sung sướng mãn nguyện cả đời rồi. Bà đặt tên con là Sang là muốn sau này nó sẽ sang giàu như cha nó.

Tuy không nói ra nhưng tôi thấy cha Sang bỏ đi là… đúng!

Tốt nghiệp trung học, Sang thi đậu vào trường đại học bách khoa dễ dàng; còn tôi thì vào học trường cao đẳng mỹ thuật mộng mơ là họa sĩ.

Khi anh ngỏ tình yêu với tôi và hẹn sang năm tốt nghiệp có việc làm anh sẽ cưới tôi. Tôi sung sướng đáp lại tình anh. Nhưng khi chúng tôi vẽ vời tương lai, anh muốn chúng tôi sẽ ở chung với mẹ thì tôi phản đối ngay. Bây giờ anh mới biết tôi không hề thích mẹ anh.

Anh cố gắng thuyết phục tôi nhiều lần rằng, mẹ và anh từ nào tới giờ luôn sống bên nhau, mẹ anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cực nhọc buôn gánh bán bưng, làm thuê trong xóm nuôi anh ăn học, anh không thể rời xa mẹ.

Thấy anh một lòng bênh vực mẹ, tôi nổi giận ném vào mặt anh những lời kiêu ngạo và cay độc, rằng mẹ anh xấu xí nên ngày xưa cha anh không muốn ở với mẹ anh, tôi cũng thế. Và tôi giận dỗi chia tay anh.

o O o

Tôi ra nước ngoài để tìm quên anh và để tìm cơ hội phát triển cho ngành hội họa mà tôi yêu thích, tưởng vài năm sẽ trở về. Thế mà đã 20 năm, tôi mới về thăm Việt Nam.

Tôi đã trải qua vài cuộc tình khác, tình yêu đầu đời của tôi với Sang cũng nhạt nhòa theo thời gian nhưng chắc chắn là tôi chưa hề quên anh. Tôi đã kinh nghiệm đời, chín chắn già dặn hơn. Tôi biết mình khó tính và quá kén chọn như lời một đứa bạn trẻ con ngày xưa đã nói. Tôi biết mình đã làm tổn thương anh nặng nề, xúc phạm đến người mẹ mà anh yêu quý. Nếu cho đi lại từ đầu, tôi sẽ làm ngược lại những gì trước kia. Tôi tò mò muốn biết về Sang sau bao năm không tin tức, nếu gặp, tôi sẽ xin lỗi Sang và có thể giúp đỡ họ chút gì đó nếu mẹ con Sang vẫn còn nghèo như xưa.

Sài Gòn cũ, xóm cũ của tôi đã thay đổi quá nhiều.

Đến xóm anh thì căn nhà nhỏ xấu của mẹ con anh đã thay đổi thành căn nhà to rộng khang trang và cũng đã thay chủ từ bao giờ. Hỏi ra mới biết mẹ con Sang đã rời khỏi đây từ lâu rồi. Tôi càng áy náy không biết họ đang phiêu bạt nơi nào, Sang còn giận tôi không?

Tôi xuống Thủ Đức thăm người chị họ. Chị Nguyên đưa tôi đến một nhà hàng nổi tiếng của quận Thủ Đức. Chị sống và lớn lên ở đây, chị thường đến nhà hàng này.

Khi chúng tôi bước vào nhà hàng đã đông người, đó là căn nhà lầu mấy tầng, những tầng trên để ở, tầng trệt kinh doanh. Trong lúc tôi xem thực đơn chọn món thì chị Nguyên kể:

– Nhà hàng nhiều món ngon, giá cả phải chăng nên lúc nào cũng đông khách.

Đồ ăn mang đến, những món đời thường mà ngon miệng quá, cá rô kho tiêu, canh khổ qua nhồi thịt, rau muống xào tỏi. Người đầu bếp nào đã nấu những món ăn này phải có năng khiếu và hai bàn tay giỏi giang bếp núc lắm đây!

Ăn xong tôi nhâm nhi chén trà hoa lài tráng miệng, nhìn ra quầy hàng, tôi bỗng giật mình khi thấy một bóng dáng quen quen, bóng dáng này, nhan sắc này không bao giờ tôi quên được dù bà đã già đi. Người phụ nữ đen đen xấu xấu mẹ của Sang đang đứng trong quầy hàng luôn tay làm đồ ăn cho khách hàng, bên cạnh bà một chị tuổi trung niên cũng luôn tay phụ bà.

Chị Nguyên nhìn theo hướng tôi, thong thả kể:

– Mẹ chồng nàng dâu đấy. Nhà hàng này một tay bà mẹ chồng giỏi giang kia làm nên. Họ về đây buôn bán khi chỉ là căn nhà cũ vách gỗ, từ một xe bán đồ ăn trước cửa thành nhà hàng to lớn ngày nay.

Tôi bồi hồi hỏi:

– Thế con trai bà ấy có phụ mẹ buôn bán không mà chỉ thấy cô con dâu?

– Anh ta là kỹ sư làm ngay thành phố này.

Tôi cảm nhận họ là một gia đình gắn bó và hạnh phúc. Mẹ Sang đã đạt được ước nguyện khi đặt tên con.

Chúng tôi gọi tính tiền và rời khỏi tiệm, khi tôi đi ngang qua chỗ quầy, người đàn bà xấu xí đã mỉm cười tiễn khách lịch sự vui vẻ:

– Cám ơn hai chị đã đến tiệm chúng tôi.

Bà không hề nhận ra tôi, con bé bà chỉ gặp một lần và bao nhiêu năm đã trôi qua.

Mẹ anh đó, vẫn là người phụ nữ xấu, vẫn nụ cười vui vẻ hiền hậu. Anh và mẹ vẫn luôn bên nhau, đứa con ngoan với người mẹ hiền. Tôi bâng khuâng tiếc nuối vu vơ, tôi đã đánh mất anh và mẹ anh chỉ vì một điều vô lý và ích kỷ của thời tuổi trẻ suy nghĩ nông cạn.

Giây phút này tôi chợt nhận ra tôi đã vẽ biết bao màu sắc cho cuộc đời mà vẫn còn thiếu sót hình ảnh tôi đã từng biết, từng gần gũi.  Mẹ anh là người phụ nữ đẹp nhất, đáng yêu nhất, người vợ bị tình phụ nhưng vẫn vị tha bao dung, người mẹ nghèo một mình lam lũ nuôi con và gây dựng cho con suốt cả cuộc đời.

Đây sẽ là nguồn cảm hứng tôi vẽ lên tranh để thay lời xin lỗi, ngàn vạn lời xin lỗi đến anh và mẹ của anh.

NTTD

 

--
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1904)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1696)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5439)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5699)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1921)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5009)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3694)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2290)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2238)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2616)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2657)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2552)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2584)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2813)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3054)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2931)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2744)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2854)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2759)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2857)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?