Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - ĐI MỸ - TRẠI TỊ NẠN BATAAN

26 Tháng Ba 202211:27 CH(Xem: 5261)
Nguyễn thị Thêm - ĐI MỸ - TRẠI TỊ NẠN BATAAN
Đi Mỹ Tựa

 

Tháng 3/1991 gia đình tôi vui mừng đón người em út lần đầu từ Mỹ về thăm gia đình. Em tôi đi hải quân và đã di tản trên chuyến tàu cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Gia đình tôi không có tin tức gì về em, ba má tôi cầm bằng em đã chết. Hàng đêm má tôi cầu nguyện nhưng với tình thương của người mẹ dành cho con, má không làm bàn thờ. Má tôi nuôi hy vọng em tôi còn sống.

Em tôi còn sống thật. Khi có đường dây liên lạc về nhà thì em đã lập gia đình và đã có một đứa con gái. Gần 20 năm trên xứ người em chưa một lần về thăm gia đình. Em tôi sợ nhiều thứ, nhất là sợ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Cho đến một đêm má tôi về báo mộng cho em rằng má tôi đã mất. Em tôi chìm ngập trong hối hận muộn màng vì má tôi quả thật đã ra đi hôm đó tại quê nhà. Lần này em về VN để tham dự giỗ đầu của mẹ và sám hối về tội bất hiếu của mình. Ngay ngày giỗ, khi đại gia đình cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ thì tôi nhận được thông báo đã có lịch bay đi định cư nước Mỹ.  Đó là một ngày đặc biệt nhất không thể nào quên. Có lẽ hương linh má tôi đã phù hộ cho tôi.

Ông xã tôi là cựu đại úy quân lực VNCH đã bị đi tù Cộng Sản (Gọi là đi cải tạo) hơn 8 năm. Nếu chúng tôi nộp đơn đi dạng HO thì gia đình tôi đi thẳng định cư ở Mỹ. Những dịch vụ giấy tờ và thủ tục khám sức khỏe... mình phải tự túc tốn rất nhiều tiền. Một mình tôi phải làm việc nuôi cả gia đình nên kinh tế eo hẹp không đảm đương nổi. 

Năm 1972 chúng tôi có xin một đứa con gái lai Mỹ trắng lúc cháu mới 4 tuổi nên chúng tôi quyết định xin đi Mỹ theo dạng con lai. 
Chương trình Amerasian Immigration Act và chương trình Amerasian Homecoming Act đưa những người con lai Mỹ trở về quê hương cha phải qua Philippine ở lại 6 tháng để học tập làm quen với văn hóa nước Mỹ. Những chi phí về khám sức khỏe và các dịch vụ khác do chính phủ Mỹ đài thọ. Chúng tôi chỉ phải trả góp tiền vé máy bay đi Mỹ. Khi đáp xuống phi trường đầu tiên ở Mỹ chúng tôi sẽ được làm thủ tục nhập cảnh tại đó. Thẻ xanh và Security sẽ gửi về tận nhà.

 

Với hồ sơ đi Mỹ theo hai dạng vừa con lai và HO nên chúng tôi được phái đoàn Mỹ chấp nhận dễ dàng. Toàn bộ gia đình tôi 7 người (có cả mẹ chồng) đều được xét duyệt đi hết. Hồ sơ giải quyết rất nhanh cũng như được chính phủ Mỹ đài thọ những chi phí trong thủ tục xuất ngoại. Đương nhiên cái khó vẫn là những cái mộc đỏ chót của chính quyền VN từ cấp thôn, xã, huyện, tỉnh... đến  các ban ngành trực thuộc... Nào là khai sinh, lý lịch, hộ khẩu, hôn thú, giấy chứng nhận của cơ quan làm việc, giấy chứng nhận không mắc nợ ngân hàng, giấy chứng nhận không thiếu thuế, giấy chứng nhận không liên quan về nhà đất, lệnh tha từ trại cải tạo, bản khai xin đi nước ngoài... phải có chữ ký của công an, chính quyền, đoàn thể.  Mặc dù tất cả giấy tờ đều là sự thật, bản chánh rõ ràng, không mờ ám khai gian, nhưng  với thủ tục rườm rà, trống đánh xuôi kèn thổi ngược khiến vợ chồng tôi cũng mệt dài dài.

Những ngày chuẩn bị lên máy bay, gia đình tôi được phái đoàn Mỹ cho ở Đầm Sen để tiện việc hoàn tất hồ sơ xuất cảnh. Ngày đó Đầm Sen mới bắt đầu xây dựng, họ  cho chính phủ Mỹ thuê để làm nơi tạm cư  cho gia đình con lai mỗi khi có hẹn với bộ ngoại vụ. Phòng ốc  sạch sẽ, ăn uống có người nấu và phục vụ đúng giờ. Xe cộ đi lại để lo hoàn tất thủ tục xuất ngoại  đều do chính phủ Mỹ đài thọ đưa đón. Cầm giấy tờ trên tay chúng tôi chính thức trở thành dân tị nạn, không còn dính dáng  nợ nần gì với nhà nước và chính quyền VN.

 

Tháng ba chúng tôi lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất để đi định cư nước Mỹ. Gia đình 7 người với mấy thùng nhôm vật dụng quần áo đem theo. Nhà có mẹ già, con dại nên tôi luôn lo cho bao tử của họ. Nghe nói mì gói rất cần nên tôi chèn thật nhiều mì gói vào trong đó. Ngộ lỡ có việc gì, người già và trẻ con cũng không sợ đói.

Chúng tôi phải đến Philippine  6 tháng trước khi chính thức được qua Mỹ. Mang tiếng là xuống phi trường Manila và đi vào thành phố, nhưng chúng tôi chỉ được nhìn Manila khi xe bus chạy qua mà thôi. Lần đầu tiên tôi thấy cái cầu xa lộ thật đẹp, tiện lợi, văn minh. Xe phóng phon phon trên đường, đưa chúng tôi đến trai chuyển tiếp để hoàn tất thủ tục. Tôi không nhớ tên nơi này, chỉ biết khá dơ bẩn và chật chội. Cái nhìn đầu tiên của cả gia đình là thất vọng và buồn.  Cả nhà loay hoay tìm chỗ nghỉ, có mấy người VN tới lân la nói chuyện và bán đồ. Tôi không có tiền Phi nên họ đồng ý đổi cho tôi hai đòn bánh tét mang theo lấy mấy đồng peso. Bây giờ tôi cũng không nhớ là bao nhiêu nhưng tôi mừng lắm vì dùng để mua nước uống cho mẹ chồng và 2 đứa con còn nhỏ.

Buổi tối chúng tôi đi tắm trong một nhà tắm công cộng. Tôi và hai đứa con gái còn đang đứng bên ngoài chờ phòng trống để vào tắm sau một ngày mệt đừ trên máy bay. Có tiếng la kinh khiếp của các cô gái vang lên. Thì ra trên những cây xà ngang là mấy tên người Phi đang nằm để rình mò nhìn. Chúng tôi la lớn để đuổi đi, nhưng cũng có người vẫn lì lợm nằm trên đó. Thế là chọn một phòng tắm không có ai nằm rình coi trộm, mấy mẹ con thay phiên nhau tắm và canh gác bên ngoài.

Các thủ tục giấy tờ và kiểm tra sức khỏe được tiến hành một lần nữa tại đây. Giấy tờ gia đình tôi hợp lệ không có gì trở ngại. Tới phần kiểm tra sức khỏe chồng tôi và hai nhóc trai đi qua hướng khác. Mẹ chồng và ba mẹ con tôi đi qua hướng bên này. Bước vào phòng, tôi và hai đứa con gái sững sờ khi nghe lệnh phải bỏ tất cả y phục để kiểm tra. Mấy mẹ con nhìn nhau sợ hãi vì lần đầu tiên phải lõa thể trước mặt người lạ dù là nhân viên y tế. Chịu thôi, đã vào đây rồi thì phải chấp hành. Mọi người cứ tuần tự đi qua thì mình cũng phải vậy. Tội nghiệp hai con gái của tôi đang tuổi thiếu nữ rươm rướm nước mắt khép nép bước đi rúm ró để che đậy thân thể của mình. Mọi người nghe đọc tên cứ thứ tự đi qua kiểm soát, họ nhìn một loạt để xem có gì khác lạ trên cơ thể để có kế hoạch điều trị khi nhập trại. Hồ sơ kết thúc trong nhiều lạ lẫm và thật xấu hổ. Con tôi ra khỏi cửa văn phòng cúi gầm mặt đi về thật nhanh. Tôi biết cháu xấu hổ. Tôi đi theo cười cười và nói:

-Con đừng mắc cỡ, má cũng muốn xem coi thử bây giờ con gái má ra sao mà cũng có thấy được gì đâu. Không có ai thấy gì hết, chỉ trừ bà kiểm tra. Đừng lo.

Chúng tôi được thông  báo ngày mai chúng tôi sẽ về trại tị nạn Bataan rất xa nơi này. Có rất nhiều người VN ở tại đây. (Một số chắc là những người vượt biên chưa được cứu xét chờ gặp phái đoàn. Một số tạm nghỉ chờ chuyến bay để đến nước thứ ba.) Họ cho biết đoạn đường về trại Bataan đi qua đường núi ngoằn ngoèo ghê rợn, kinh khiếp lắm.

Quả thật con đường về trại tị nạn thật đáng sợ trong ký ức của tôi. Đường uốn vòng theo sườn núi. Những khúc cua gấp hơn cả khúc cua đèo Hải Vân. Tài xế lái chuyên nghiệp ào ào như giỡn mặt tử thần. Biết thân mình hay say sóng, tôi đã thủ sẵn bọc nylon và ói mấy trận. Mỗi lần xe quẹo cua (cua thật gấp chỉ khoảng 45 độ) là mấy mẹ con bíu thật chặt và run. Tôi nhắm mắt luôn niệm Phật trong đầu. Đây là con đường kinh hoàng nhất trong cuộc đời của tôi. 

Xe ngừng ở bãi đất trống thật rộng. Tôi hoang mang vì quang cảnh rất kỳ lạ. Rất đông người Việt Nam ở trại đến bao quanh các chuyến xe vừa tới. Họ í ới, la lối, tìm người rất hỗn độn, náo nhiệt. Gia đình tôi chưa hết chóng mặt vì say xe trên đoạn đường tử thần thì có lệnh vào văn phòng để chọn vùng và nhận nhà. Mấy mẹ con, bà cháu gom đồ vào một góc, đứng giữ đồ mà không biết phải làm gì tiếp.

Sau này tôi mới biết, trại tị nạn Bataan Philippine, tức PRPC ( Philippine Refugee Processing Center) gần Morong tỉnh Bataan. Trại mở cửa từ năm 1980 ở phía Nam vịnh Subic và ở phía Bắc của nhà máy điện hạt nhân Westinghouse bị bỏ hoang.

bataan-trại                                                                Trại tị nạn Bataan (Hình Google)

Trại mở ra với ngân khoản của Hoa Kỳ mà số người có khi lên đến 20.000 người. Nhưng thường có mặt là hơn 10.000 người  chờ đi định cư nước ngoài. Trại có 12 vùng (nếu tôi nhớ không lầm) còn gọi là neighborhood. Mỗi vùng có ban ban đại diện do dân ở đó bầu ra để lo cho chính vùng mình. Nhà là những dãy trại liền nhau có gác. Nếu gia đình đông sẽ được bố trí ở một căn. Nếu gia đình ít người sẽ được bố trí hai gia đình ở một căn. Một ở trên gác và một ở dưới nhà. Căn nhà chỉ có một bộ ván duy nhất bằng những thanh gỗ ghép lại sơ sài. Có nhà bếp tạm nhưng tất cả vật liệu nấu nướng, đều là của cá nhân. Khi một gia đình có danh sách và có chuyến bay sẽ được xe chở đi qua trại chuyển tiếp để chờ đi định cư. Căn nhà trống đó sẽ đón một gia đình mới đến.

Hoc-lich-su-Viet-Nam-O-Bao-Tang-Ti-nan-nguoi_viet-Trai-ti-nan-Bataan_Bataan-Vietnamese-Refugee-Camps_VIETNAM-VOICE-copy-                                      Một building trong trại tị nạn Bataan (Hình lấy từ Google)

 Vì vậy, khi có xe chuyển người mới đến trại, người ta (nhất là nhóm thanh niên trong building) sẽ kéo nhau ra trạm tiếp cư để chọn mặt gửi vàng. Xem gia đình nào có vẻ thật thà thì rủ về ở nơi căn nhà bỏ trống đó. Nếu không có người đến ở, trên vùng sẽ chỉ định theo danh sách. Khi gặp gia đình hay quậy phá thì building đó cũng không yên.

Cả nhà tôi đang đứng dáo dác chưa biết làm gì thì một toán thanh niên đi đến. Các em thấy nhà tôi già trẻ có đủ, lại có hai cô con gái nên các em rủ về vùng 6. Các em nói vùng 6 là trung tâm, đi chợ cũng dễ, coi văn nghệ, trạm y tế, lớp học cũng gần và nhất là an ninh hơn mấy vùng khác. Chúng tôi chưa biết tính sao thì một em đã kéo ông xã tôi đến ghi tên và phụ chuyển đồ về.

Lần đầu đến đây nên tôi thấy đường đi quá xa, đi vòng vo hoài mà chưa tới. Trong lòng cũng hồi hộp không biết có bị gạt gẫm gì không. Lại nghĩ mấy cháu dễ thương và giúp đỡ sốt sắng, không lẽ là người xấu nên cũng bớt lo âu. Chúng tôi dừng lại ở  một dãy nhà tôn, chia làm nhiều ngăn, mỗi ngăn là một gia đình ở. Căn thứ hai bên trong trống trơn chỉ có một bộ ván gỗ tạp rộng và một cái bàn viết sơ sài đóng sát vách phía ngay cửa sổ. Các cháu nói đây là nhà của gia đình chúng tôi trong thời gian ở trại Bataan này. Gia đình tôi có tất cả 7 người nên đủ tiêu chuẩn ở trọn căn nhà, không bị ghép thêm người vào ở chung (gọi là ghép hộ). Chúng tôi được sử dụng cái gác ở trên. Cầu thang đi lên gác ọp ẹp. Tôn nóng hừng hực nhưng dù sao cũng có chỗ ăn chỗ ở.  Một building gồm 6 hộ cách ly nhau bằng một tấm vách ván.


bataan-3-1024x726                                          Đây là một căn nhà trong building ( Hình lấy từ Google)

Khi mẹ con tôi loay hoay quét dọn thì các em thanh niên đã dẫn ông xã tôi đi khai báo để kịp thời có danh sách nhận thực phẩm. Những người ở cùng building kéo tới chào hỏi làm quen, chỉ dẫn những thủ tục và cuộc sống ở đây. Họ nói nhiều lắm, mỗi người giải thích mỗi kiểu, họ tranh luận nhau ì xèo rồi giận lẫy bỏ mặt cho mẹ con tôi ngơ ngác họ trở về nhà mình. Tôi lõm bõm hiểu được là mỗi ngày sẽ nhận thực phẩm để tự nấu ăn. Nước uống, nước xài phải tự đi lấy. Mỗi người sẽ được kiểm tra học lực để gia nhập lớp học tiếng Anh ở trại. Ngoài giờ học sẽ phải làm việc công ích mấy tiếng tùy theo sự sắp đặt của ban chỉ huy trại...

Trong dãy building có một gia đình đã được lên danh sách chuyến bay, tôi đến gặp họ để điều đình sang nhượng lại nồi niêu, thùng xách nước, thùng chứa nước và các vật dụng trong nhà. Trước mắt họ cho mượn xài tạm đến khi họ đi sẽ chính thức sang nhượng. Người đến trước nhường rẻ lại cho người đến sau, cứ như thế một món đồ không đáng giá mấy lại được chuyền tay từ người này sang người khác. Cũ người mới ta, nếu không bán, không cho cũng không đem theo được.

Tôi thu xếp hai đứa con gái ở trên gác, còn 5 người chúng tôi nằm sắp lớp ngủ trên bộ ván gỗ tạp giữa nhà. Mỗi ngày nhận thực phẩm như thịt, cá và rau cải. Mỗi tuần hay nửa tháng tôi không nhớ rõ mỗi hộ được nhận các mặt hàng khô do trưởng building nhận về và phân phối.

Nói chung cuộc sống tạm đủ, không đói nhưng ai cũng phải mua thêm lương thực cho gia đình. Những gia đình đến đây đều thủ sẵn một số tiền đô để tiêu xài trong sáu tháng. Những gia đình có người thân ở nước ngoài cũng gửi tiền tiếp tế nên cuộc sống ở đây không đến nỗi quá khó khăn. Tôi bán như cho căn nhà và đất vườn nhà mình để lấy hai lượng vàng chuẩn bị cho cuộc sống tị nạn. Em tôi bên Mỹ cũng thỉnh thoảng gửi cho chị chút ít. Tuy nhiên giá cả khá đắt đỏ, nhiều vấn đề cần thiết phải chi tiêu, nên thật dè sẻn tôi mới có thể chu toàn cuộc sống cho gia đình tôi trong sáu tháng ở đây. Tôi đào một cái hố ở phía sau trồng giá để thêm chất rau xanh. Má chồng tôi thỉnh thoảng đổi gạo lấy bánh mì do người Phi bán rong hàng ngày để thay đổi bữa ăn sáng cho các cháu. Vài tuần một lần tôi cũng đổ bánh xèo, làm chả giò ăn bún... Món ăn hàng ngày vẫn luôn là cá thịt, rau cải trại cấp phát. Vì ăn uống kham khổ quen rồi nên gia đình tôi không mấy khó khăn khi hội nhập cuộc sống ở trại Bataan.

Nguyễn thị Thêm
(Còn tiếp)

 

 

 

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1894)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1685)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5385)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5653)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1914)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4945)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3687)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2286)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2232)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2610)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2655)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2547)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2568)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2804)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3051)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2923)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2741)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2846)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2753)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2851)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?