Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TRỞ VỀ DẤU YÊU XƯA

04 Tháng Mười Hai 20218:49 CH(Xem: 5591)
Nguyễn Thị Thêm - TRỞ VỀ DẤU YÊU XƯA
tựa TRỞ VỀ DẤU YÊU XƯA

Hồi còn nhỏ gia đình tôi sống ở dưới làng. Sáng sớm còn say giấc đã nghe hồi kẻng đầu tiên báo đến giờ dân phu thức dậy nấu cơm đi làm. Chúng tôi mấy đứa học trò cũng bị lôi đầu dậy học bài. Cây đèn dầu được đốt lên lù mù trong căn nhà nhỏ đủ rọi ánh sáng xuống trang vở học. Bếp lửa được mồi lên sáng bừng. Chớ gì nhóm bếp bằng mủ dây và chụm củi cao su thì bén lửa phải biết. Tiếng xách nước, tiếng vo gạo của má tôi lục đục dưới nhà bếp. Tôi ôm tập vở xuống ngồi cạnh bếp lửa cho ấm và nhờ ánh sáng để học bài. Tháng mười hai miền nam không lạnh mấy, hơi ấm bếp lửa hồng làm thú vị tuổi thơ hơn. Nói vậy cho văn hoa, chứ cây đèn dầu hôi tim đèn hay lụn và khói bay lên quyện ở vành bóng đen xì vừa hôi vừa tối. Xuống bếp ngồi học bài để má có bạn, vui khi nhìn má đi tới đi lui. Bóng má ngồi chụm lửa in trên vách đẹp như bóng thiếu phụ Nam Xương của bài học ở trường. Má chắt nước cơm ra cái chén nhỏ, bao nhiêu tinh túy của nồi cơm má ưu tiên cho cô con gái cưng siêng năng chăm học. Có đôi khi má thưởng cho miếng cơm cháy chấm nước mắm kho quẹt hay thịt kho tiêu ăn ngon ra phết.

Bên này tôi đọc to bài Sử ký thì bên nhà kế bên thằng Châu cũng đọc to lên mấy chữ Vocabulary tiếng Pháp của ông Thầy Giáo Già cho hôm qua. Hôm nay là ngày phải trả bài. Nếu không thuộc hoặc viết lên bảng sai thì sẽ bị thầy cho nằm dài xuống đất quất roi mây mấy cái tùy theo hên xui mấy lỗi.  Má nó cũng soạn thùng nghe leng keng để chuẩn bị ra điểm danh trước khi xe chở ra lô cạo mủ sớm.

Kẻng hồi hai báo tin đã đến giờ điểm dân. Tiếng chân người lũ lượt ra đường. Tiếng thùng va vào nhau, tiếng dân phu gọi nhau, nói chuyện râm ran vui một ngày bắt đầu làm việc. 

Tiếng má thằng Châu dặn dò:

- Cơm má để sẵn trong gạc măng rê, em dậy cho nó ăn rồi mới đi học nha. Nhớ thay đồ cho em đừng để nó bận cái quần ướt nước đái cả ngày sẽ bị hâm. Đi học về không được la hay đánh em. Má dìa nghe nó mét là má quánh tét đít đó... Có tiếng thằng Châu dạ... dạ. Tiếng đóng cửa và tiếng học bài lại vang lên bên đó.

.....


Chúng tôi học ở ngôi trường tiểu học đầu làng. Trường cách nhà tôi bằng vài phút đi bộ. Đứng trước nhà tôi có thể thấy ngôi trường thân yêu. Tiếng kẻng trường vang lên, tôi có thể ba chân bốn cẳng chạy tới trường để kịp sắp hàng chào cờ. Trường nằm đối diện đường lộ. Từ sân trường có thể nhìn thấy hai ngôi nhà lầu của ông chủ Tây và sếp Tây ở trên đồi cao với khoảng sân thật rộng nằm hai bên con lộ lớn đi vào lô cao su. Đi tới một chút là cái sân Tennis được bao quanh bằng hàng rào kẽm lưới mắt cá.

Mỗi kỳ lãnh lương  máy bay thả bọc tiền ở cái sân rộng có cây me tây cao to xòe bóng mát chỗ nhà ông sếp Tây. Khi ấy chỉ có ông xếp công táp làm việc trên văn phòng đứng chờ nhận tiền và một người lính cầm súng đứng bảo vệ. Máy bay lượn vài vòng rồi thả một bao tiền xuống. Khi máy bay lên cao là bao tiền đã được đem lên chiếc xe con chờ sẵn và vội vã chạy đi. Tụi tôi: học trò ở trường thấy rõ hết. Giờ ra chơi thì khỏi nói tụi tôi nhảy tưng tưng la ó vang trời. Nếu trong giờ học thì sách vở để đó mà con mắt cứ hướng ra cửa lớp mở toang hoang. Ông thầy cũng đứng yên theo dõi như học trò. Chiếc xe chạy ra khỏi sân nhà chủ, quẹo ra đường lộ để đem tiền về văn phòng. Nhóm học trò kháo nhau "Chiều nay lãnh tiền". Chúng tôi nghĩ đến thức ăn được bày bán và những trò vui trong buổi chiều họp chợ kỳ tiền. Ông thầy gỏ mạnh cái thước kẻ lên bàn kéo học trò tập trung vào bài vở. Có lẽ ông thầy cũng nghĩ lúc hết giờ dạy sẽ lên văn phòng sở lãnh lương. Bà thầy sẽ đi chợ với áo dài tha thướt và bữa ăn tươm tất buổi tối gia đình.

Mỗi tháng đồn điền cao su nơi tôi ở được máy bay thả tiền hai lần như vậy. Lần đầu vào giữa tháng gọi là "Kỳ Vay " nghĩa là  ứng trước cho dân. Lần thứ nhì vào đầu tháng từ 3  đến 5 tây sẽ lãnh lương chính thức gọi là "Kỳ lương".  Kỳ lương được trả tính bằng những ngày đi làm thật sự, có tiền thưởng và phụ cấp. Đồng thời sẽ trừ ra tiền đã tạm ứng vào kỳ vay cũng như trừ tiền mua "đồ kho" (tức là dùng sổ công nhân mua chịu thức ăn, đồ dùng ở kho hàng bán hàng giá rẻ cho công nhân của sở.)

Bạn hàng ở chợ huyện Long Thành bắt rất nhanh tin công nhân được lãnh lương. Chiều đến là xe lam, xe lôi kéo từng chuyến đem hàng vào sở. Trên "Sân điểm" rất rộng để điểm dân buổi sáng là một hội chợ thành lập cấp kỳ bán không thiếu thứ gì. Quần áo, bánh kẹo, hàng tươi, hàng khô, đồ tạp hóa, thức ăn... Có cả sơn đông mãi võ bán cao đơn hườn tán, thuốc dán, dầu cù là, thuốc nhức răng, kem đánh răng Hynos. Cũng có những chú khỉ đi xiếc, chú hề vẽ mặt và chiêng trống đánh tùng phèng để những người mãi võ đánh quyền quảng cáo thuốc.

Phải nói một số bạn hàng ngoài quận Long Thành làm ăn khấm khá nhờ những đồn điền cao su. Dân phu được Tây cấp nhà cửa đàng hoàng, xây dựng kiên cố, đường xá, nước uống, nước xài đầy đủ sạch sẽ, nhưng họ không có đất trồng trọt hoặc chăn nuôi. Những căn nhà nào ở cuối dãy thì còn có một chút đất thừa để trồng ít rau, vài dây bầu, dây bí. Nhà này cách nhà kia vài mét, phía trước nhà còn trồng được vài cây xoài, cây ổi, hàng rào là hết. Người dân sáng đi làm, chiều mới về nhà nên thịt cá, rau cải đều phải mua. Một số nhà dân cũng mở tiệm tạp hóa để buôn bán nhưng không đủ cung cấp và cũng vì thiếu vốn. Mối buôn bán lớn là từ chợ Long Thành. Sở cũng có kho để bán dầu hôi, nước mắm, đường...cho công nhân theo giá rẻ nhưng những đồ tươi  để ăn hàng ngày không có. Một số bạn hàng ngoài quận mỗi buổi chiều đem hàng vào bán cho công nhân đi làm về. Dân mua tiền mặt thì ít, mua ghi sổ thì nhiều. Cho nên những ngày lãnh lương là những ngày bạn hàng vào lấy tiền thiếu, tiền ghi sổ. Người nghèo thì lúc nào cũng có những cái ngặt nghèo khó giải thích. Công nhân cạo mủ chỉ biết làm việc. Cây cao su không cho gì ngoài mủ mà thời đó không ai biết mủ cao su Tây dùng để làm gì. Mủ được tập trung đem về nhà máy sơ chế rồi chở lên Sài Gòn xuống tàu ở Bến Chương Dương chở tuốt về Pháp. (Khoảng thời gian sau 1975 mới có vụ cắp mủ cao su để bán ra ngoài)

Cho nên bạn hàng ở ngoài quận là mối làm ăn quen biết lâu dài với dân phu. Giữa họ là cái móc xích nợ nần, ơn nghĩa một cách đau lòng. Có những người mua đồ không nghĩ đến hậu quả phải trả tiền nên thành con nợ ngóc đầu lên không nỗi. Cũng có hoàn cảnh gia đình ông chồng bài bạc rượu chè mua đồ ở kho rồi bán lại rẻ để lấy tiền nhậu nhẹt cờ bạc cho đỡ cơn ghiền. Đến kỳ lương sở trừ hết tiền vợ lấy đâu trả nợ. Cũng có những bà vợ ăn hàng quá tay, sắm sửa không tính toán nên chủ nợ vét sạch lương tháng của chồng. Có người ngày lãnh tiền là trốn mất dạng, chủ nợ vào nhà chỉ thấy bầy con nheo nhóc, hai vợ chồng không thấy đâu, đành xách sổ nợ đi qua nhà khác.

Mỗi kỳ lãnh lương như vậy cuối tuần đều có xe của sở đưa công nhân ra chợ Long Thành mua đồ về dùng. Nói chung dù cực khổ nhưng đời sống họ được trả lương sòng phẳng, tiêu chuẩn lương thực rõ ràng, vợ con có phụ cấp và có gạo. Lúc ấy hình như mỗi công nhân được lãnh 22 ký gạo hàng tháng, vợ và con cái 13 ký hoặc 9 ký tùy theo lứa tuổi. Gạo rất ngon lấy từ miền tây hay kho gạo ở Sài gòn về. Thuốc men, sinh nở hay nằm nhà thương có bệnh xá không phải trả tiền. Ngoài y sĩ và y tá chăm sóc hàng ngày, mỗi định kỳ 3 tháng có một bác sĩ người Pháp về kiểm tra, giải quyết những ca bệnh khó hơn. Nếu bệnh nặng cần  cấp cứu thì xe của sở sẽ chuyển thẳng lên nhà thương lớn ở thành phố chữa trị, mọi chi phí đồn điền lo.

Hồi tôi còn nhỏ phải định kỳ uống thuốc ký ninh. Các công nhân uống tại chỗ trước khi đi làm. Vợ con ăn theo của công nhân phải được y tá hay y sĩ trực tiếp bỏ thuốc vào miệng uống theo danh sách rõ ràng. Không ai được trốn uống thuốc, theo lệnh, trốn uống thuốc là cúp gạo nên ai cũng sợ. Nhờ vậy khi khai hoang đất rừng trồng cao su đã giảm lượng lớn người mắc bệnh sốt rét. Những thuốc chích ngừa, trồng trái được chủ Tây quan tâm và kiểm soát gắt gao để bảo vệ sức khỏe người dân.

Học sinh đi học miễn phí, mỗi ba tháng có thanh tra học kỳ người Pháp tới viếng trường khảo hạch học trò. Hồi nhỏ mỗi lần có thanh tra người Pháp tới chúng tôi sợ lắm. Nhất là khảo hạch về chính tả và văn phạm. Tiếng Pháp số ít, số nhiều, giống cái giống đực rất khó nuốt. Đứa nào trả lời sai bị lỗi là y như rằng khi Thanh Tra ra về cũng bị thầy khẽ tay hay nằm dài xuống dùng roi mây đánh đít. Vì đây là trường của chủ Tây lập ra dạy cho con em công nhân nên chúng tôi phải học tiếng Pháp từ lớp ba. Các chương trình học cũng phải theo hệ thống giáo dục của ty học chánh Biên Hòa. Chúng tôi học hết lớp nhì là được chuyển thẳng ra học lớp nhất ngoài quận.

Mỗi năm thầy thường chọn ba học sinh giỏi nhất trường theo phái đoàn của Sở đến chúc Tết Chủ và Sếp đồn điền. Vào cuối niên học mỗi lớp chọn một học sinh giỏi nhất ra quận Long Thành lãnh thưởng danh dự. Hai đứa còn lại mỗi lớp nhận phần thưởng từ chủ Tây. Lần nào phần thưởng từ sở cũng nhiều và giá trị hơn phần thưởng danh dự nhận ngoài quận.

Tôi nhớ mãi ngày gần cuối tháng 12 có một chiếc máy bay bay rà rà trên sân vận động. Từ trên máy bay người ta rải tiền xuống cho con nít lượm. Những tờ một đồng bay trắng xóa và nhẹ nhàng rơi. Chúng tôi đã được báo trước nên tập trung chờ lượm tiền. Chúng tôi chạy theo lượm tiền rơi xuống đất, bám trên cây, trên cỏ. Tờ một đồng đối với con nít giá trị lắm, có thể xé làm hai để mua năm cắc xôi hay một gói kẹo. Có lẽ ngày đó ở bên Pháp là lễ Giáng Sinh chiếc máy bay thay mặt ông già Noel đem niềm vui và quà tặng cho chúng tôi.

Sở cũng có một cái nhà lồng khá to lợp tôn rất chắc chắn để làm chợ. Nhưng bạn hàng không vào đó buôn bán mà ra ngoài sân điểm  bày hàng bán cho công nhân đi làm về. Chợ biến thành hội trường mỗi khi có tập trung lớn hay biến thành rạp hát để các đoàn cải lương về lưu diễn. Có một đôi lần đoàn mô tô bay cũng về đây biểu diễn bán vé cho dân chúng coi. Sau này thỉnh thoảng cũng có đoàn chiếu phim về chiếu những phim cao bồi hay phim có tính tuyên truyền. 

Có nhiều gánh hát đã đến trình diễn ở nhà lồng chợ làng tôi. Có gánh sau vài xuất là dọn đi lưu diễn nơi khác, có đoàn rả gánh tại chỗ. Đoàn hát bao kín xung quanh chợ bằng vải dầy hoặc bằng tôn để không ai coi cọp được. Trong chợ có sân khấu nên gánh hát chỉ chuẩn bị ghế ngồi cho khán giả. Thường các gánh hát đến diễn khoảng thời gian gần Tết hay qua Tết. Đó là mùa cao su rụng lá dân được nghỉ làm chờ cho cây hồi phục thay lá mới. Thời gian đó kéo dài tùy tình hình sức khỏe cây cao su ngoài lô. Dân nghỉ làm nhưng gạo và phụ cấp vẫn phát đủ, cuộc sống an nhàn thư thả, coi như thời gian nghỉ phép thường niên. Mấy ông hay tụ nhau đánh tổ tôm, đánh chắn. Mấy bà rủ nhau đi xem cải lương. Bọn trẻ con chúng tôi chiều nào cũng ăn cơm sớm la cà canh me để đi coi cọp.

Gánh hát về đem không khí náo nhiệt mới mẻ đến cho mọi người. Xe lam hay xe lôi quảng cáo đi vòng vòng trong làng đánh phèng la, giăng biểu ngữ giới thiệu tuồng tích, đào kép rộn ràng. Chiều đến là nam thanh nữ tú ăn diện đi xem hát. Đào kép về đây đều hát hay hết vì ai cũng thích nghe vọng cổ, nhìn áo quần đầy màu sắc và say mê với những anh kép, cô đào son phấn rực rỡ.  Thế rồi công nhân hết tiền xem hát. Cây cao su trổ lá đơm bông thành trái, cô đào chánh có bầu bỏ đoàn ở lại lấy chồng. Anh kép mùi lấy vợ, có con. Gánh hát rả đàn tan nghé, cuốn gói lên đường. Tới mùa hè nhóm học trò chúng tôi đi lượm hột cao su lấy tiền mua sách vở, bắt gặp anh kép cải lương của năm nào trong lớp áo công nhân. Đám cưới làng quê có anh kép mùi lên hát giúp vui. Những màu sắc cuộc đời dễ thương của quê tôi là dấu ấn khó quên trong trái tim người xa xứ.

Rồi một lần bao tiền do máy bay thả bị ăn cướp. người bảo vệ đơn độc không thể chống cự. Rồi thêm một lần thứ hai dù thêm người bảo vệ cũng bị lấy đi. Chủ Tây đành đem tiền vào sở bằng cách khác. Xe nào chở tiền và khi nào lãnh lương là điều bí mật không ai biết trước. Có một lần tôi và em trai đi chợ kỳ tiền. Bất ngờ nghe tiếng súng nổ, họ đã bắn ông đội và cướp số tiền ông đang phát cho dân. Mọi người chạy tán loạn, tôi lôi em tôi núp sau thùng nước đá của quán bán giải khát. Lần đó hai chị ơi sợ quá, chạy về tới nhà má đang đứng chờ. Hai chị em ôm má khóc một trận. 

Những chợ kỳ tiền sau đó giảm lượng người vào bán. Chiến tranh, cướp bóc đã xuất hiện, nơi tôi ở không còn không khí bình yên.

........

Có một điều gì rất lạ rất đáng sợ bám lấy ngôi làng yên bình của tôi. Có những người lạ mặt về hàng đêm. Một số người dân mất tích , một số thanh niên bị dẫn đi làm  du kích. Chúng tôi hết lớp ở trường làng đi ra học trường quận. Thỉnh thoảng đường bị đắp mô, cây cao su bị chặt ngáng đường, có người bị giết treo bản án trước ngực. Lính ngoài quận về đóng trong làng nhiều hơn, xét giấy tờ tùy thân kỹ hơn. Xóm tôi trở nên khác lạ, nghe nói người này làm giao liên, người kia là của mặt trận… Chúng tôi học trò đang sống hồn nhiên vô tư bỗng thấy hoảng loạn, sợ sệt. Đêm nghe tiếng chó sủa là sợ không dám ngủ. Những người có điều kiện bỏ làng đi nơi khác làm ăn. Ông thầy giáo già nghỉ dạy đem cả gia đình lên tỉnh. Bạn bè tôi một số theo gia đình rời khỏi nơi đây. Ấp chiến lược bị phá, chơ vơ những cọc nhọn với bờ đê sạt lở. Giao thông hào nước đọng cỏ mọc như rừng.

Gia đình tôi dọn nhà lên ở trên khu nhà máy. Tôi không còn nghe tiếng kẻng từ sân điểm vọng về, không còn đọc bài thật lớn để báo cho thằng Châu, con Tám, con Thành biết tôi đã thức dậy. Lên trên này có điện nên tôi không còn học dưới ánh đèn lù mù. Tôi lại  nhớ tiếng leng keng của những chiếc thùng va chạm nhau mỗi sáng sớm hay chiều về. Nhớ khói bay lên trên mái nhà quyện thành một vùng trắng dễ thương. Nhớ ngôi trường và cây roi mây của thầy giáo Lượm.

Tôi rất nhớ những ngày sống ở dưới làng, khu nhà thờ có cái gác chuông và ông trùm Võ. Mùa Giáng Sinh hang đá trang hoàng lộng lẫy với Chúa Hài Đồng thật đẹp...

.......

Hôm qua một người bạn thân sống ở Pennsylvania gọi phone về hỏi: " Mày có còn nhớ Trương Thị Giao không? Trước 1975 dạy chung với tao. Không biết giờ nó ở đâu?". Tôi trả lời là biết vì nhà Giao ở trước nhà tôi ở trên xóm Nhà Máy. Còn bây giờ Giao ở đâu tôi không biết.

 

Phải! Làm sao tôi biết được khi đã qua hơn 50 năm thay đổi. Bao nhiêu biến cố đau thương đã dàn trải trên đất nước này. Tôi rời xa làng dưới, làng trên, bỏ cả VN để làm một chuyến đi xa mãi mãi. Tôi nhớ trong một bài học trong sách Giáo Khoa Thư. Có một người thích đi du lịch, qua nhiều nơi nhiều chỗ khi trở về được hỏi "Nơi nào đẹp nhất?" Ông ta trả lời là "Quê hương đẹp nhất". Tôi cũng vậy, đã đi một số nơi, ngắm khá nhiều cảnh đẹp nhưng ghi mãi trong lòng vẫn là cái làng nhỏ ngày xưa. Nó như dấu ấn in sâu vào da thịt, vào trái tim, vào ký ức của tôi.

 

Tôi nhắm mắt lại có thể thấy con đường, ngôi trường, cây xoài, cây dừa ở sân nhà và hình ảnh lũ bạn thời thơ ấu. Nhớ đêm trăng sáng rước đèn trung thu đi vòng vòng quanh xóm ca hát vang trời. Nhớ ngôi chùa nhỏ nép mình ở cuối làng. Nhớ vị minh sư thật hiền với nụ cười từ ái. Nhớ cái chỏm vá vắt mép tai của chú tiểu nhỏ ngày xưa. Bây giờ ngài đã là một vị đại đức quyền cao chức trọng. Nhớ những ngày áo quần đồng phục đi rước kiệu mừng Chúa Giêsu sống lại. Nhớ hội đình ngày lễ kỳ yên xem các đồng nam xiên que sắt vào mặt để rước Đức Thánh Trần. Kiệu ngài rước về gần đến đình làng bỗng bay lên không. Người khiêng kiệu la chới với hô nhau phụ tay kéo lại. Những cô hầu đồng rối rít khấn cầu, chiêng trống phèn la vang rền linh thiêng. Các đồng nữ mặc đồ nhiều màu rực rỡ múa mâm đèn điêu luyện. Tất cả như chuyện vẽ vời thêu dệt nhưng là chuyện thật chính mắt tôi đã thấy. Sẽ rất nhạt nhẽo nếu nghe tôi kể lể chuyện ngày xưa, nhưng bạn ơi đó là điểm yếu, là nỗi lòng của kẻ ly hương.

 

Đất nước vẫn là đất nước VN. Tôi vẫn là da vàng mũi tẹt, vẫn nói tiếng Việt,  thích ăn nước mắm, giá sống, rau muống xào tỏi thì đừng ai chê tôi hũ lậu không thức thời hay thiếu lập trường chính trị. "Quan nhất thời, dân vạn đại" mọi sự việc trên đời đều có huyền cơ. Trên thế gian này không có gì là trường cửu. Gieo ác sẽ gặp ác. Mọi cái xấu xa rồi cũng sẽ phơi bày. Có chèo chống bóc lột đến đâu lưới trời khó thoát.

 

Bây giờ là tháng 12. Một năm sắp kết thúc, mùa Giáng Sinh sắp về. Nhà tôi đã làm cây Noel với đèn sao lấp lánh. Ngày tôi chết, Chúa sẽ không mở cửa Thiên Đàng cho tôi vào nước Chúa cùng người, nhưng Chúa sẽ mỉm cười chỉ  cho tôi con đường đi vào Cực Lạc. Tôi tin như vậy vì Ngài và Đức Phật đều nhân từ  khoan dung với những con người luôn biết yêu thương.

 

Nguyễn Thị Thêm

05/ 12/2021

 

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 573)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 664)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 457)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 610)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 582)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 775)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 764)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 996)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1079)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1003)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 862)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 996)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 816)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1708)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 775)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 718)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1718)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 974)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri