Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - NGUYÊN SA CỦA MỘT ĐỜI VÀ CỦA MỘT THỜI (2)

18 Tháng Mười Một 202112:43 SA(Xem: 6514)
GS. Nguyễn Văn Lục - NGUYÊN SA CỦA MỘT ĐỜI VÀ CỦA MỘT THỜI (2)
Nguyên Sa bài Nguyễn văn Lục. Tựa

                                                                         Phần 2




Thôi thì nói sao cho vừa. Ví người yêu như con chó ốm, như con mèo ngái ngủ thì chỉ Nguyên Sa làm được. Dễ thương chi lạ.

Thơ Nguyên Sa như một dòng sông mà bao giờ chúng ta múc cạn được một dòng sông đang tuôn chảy?

Tuy nhiên Viết lúc nào, viết cho ai, vì sao viết đã có những câu trả lời thích đáng cho từng thời kỳ.

Nguyên Sa từng thời điểm đã được ghi dấu những khác biệt.

Nguyên Sa những năm 1950 không giống với Nguyên Sa thập niên 1960.

Nguyên Sa khi cộng tác với Sáng Tạo đã hẳn không giống với Nguyên Sa trên tờ Đất Nước, nhất là tờ Trình Bày.

Nó xác định một cách công khai và rõ rệt một thái độ trí thức của người cầm bút trước hiện tình đất nước.

Nó cũng cho thấy những khác biệt riêng của một Nguyên Sa thời kỳ VNCH đến 1975 và thời kỳ sau 1975 khi ở hải ngoại.

Ở Hải ngoại Nguyên Sa viết được gì?

Ngay trong thời kỳ 1954-1975 cũng phải phân định hai thời kỳ: thời kỳ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa.

Thời kỳ Đệ I tương đối thanh bình, an lạc ý hướng viết khác. Thời kỳ Đệ II chiến tranh lan rộng, bản thân nhà thơ phải nhập ngũ, ý hướng sáng tác mang tính cách dấn thân, nhập cuộc. Tập thơ “Những năm 60” đã bị chính quyền kiểm duyệt, không cho xuất bản. Thế Nguyên, chủ nhân nxb Trình Bày đã buộc lòng in ronéo 200 bản gửi bạn bè làm kỷ niệm. Vì thế mà hiện nay những bài thơ đó còn được giữ lại.

Nhưng chính vì thế, người đọc thơ Nguyên Sa thời VNCH những năm 1954 ít biết đến thơ văn này như thể “ngoài văn chương” nếu họ không có cơ hội đọc 18 số Đất Nước, 42 số Trình Bày, 25 số Nghiên cứu Văn Học.

Và đó là sự khác biệt. Người ta không thể đòi hòi một sự thuần nhất và liên tục trong thơ ông; Thơ trước là thơ Tình, lãng mạn, mang tính cách tiểu tư sản thành thị trong một xã hội an bình.

Chiến tranh ngày một lan rộng, tiếng đại bác dội về thành phố, tâm trạng con người bất an... Thái độ sống chuyển động. Và đã đến lúc đòi hỏi nhà thơ phải có một thái độ nào đó trước thời cuộc.

Nhiều khi phải thú thực, tôi không đồng ý với Mai Thảo năm 1954 cũng là Mai Thảo những năm 1969, rồi 1975. Rồi Mai Thảo hải ngoại.

Mai Thảo hầu như suốt cả đời vẫn là Mai Thảo.

Rời bỏ nền văn chương trú ẩn

Bài viết này của Nguyên Sa, đăng trên Tạp chí Đất nước số 2, tháng 12 năm 1967. (xin ghi tóm tắt và sơ lược. Độc giả cẩn trọng, có thể tìm bản chính, vì nó cũng không dễ đọc)

Có thể nói nó như một tuyên ngôn văn học của tác giả và những người bạn đồng hành.

Thường ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật là một thái độ khẳng định nói không với dĩ vãng. Nghĩa là nói không  với cái đi trước, nói không với những tác phẩm đã có và nói không với cả chính mình. Nói không để chứng tỏ là mình mới để chứng tỏ ta đây đổi mới.

Nhưng đôi khi đó chỉ là thái độ tự lừa dối chính mình, chưa chắc đã sáng tạo được gì. Chẳng hạn khi TLVĐ thành lập đã khước từ cái cũ, chủ trương cái mới. Nhưng cái mới là cái gì? Hình như nó chưa định hình?

Đến thập niên 1960, khước từ cái cũ trở nên ồn ào, rộn ràng hơn lại phủ nhận văn nghệ tiền chiến. Những tiếng không dõng dạc, những đứng dậy, những chối bỏ, xét lại là những cựa mình ghê gớm chẳng khác gì dã thú ngủ suốt mùa đông thức dậy. (Đây là trường hợp của Sáng Tạo với Mai Thảo, theo vết chân TLVĐ phủ nhận Tiền chiến, lại đi theo vết xe đổ của TLVĐ.  NVL)

Nhưng thật ra văn nghệ là sự làm lại liên tục đó. Cái cũ cái mới đan xen nhau. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh vẫn là gia tài để lại êm dịu lắm. Nó cũng đem lại những cảm hứng sảng khoái khi gõ cửa những tùy bút của Mai Thảo, bùng cháy với tình yêu của Chu Tử hay khu vườn tuổi nhỏ của Duyên Anh.

Nghĩa là nó có chỗ đứng của nó, xác định từng thời kỳ không thể chối bỏ.

Nhưng ngày hôm nay, bắt buộc vẫn phải cựa mình, rời bỏ cái động ấm áp ấy đi tới một cuộc phiêu lưu mới. Vẫn phải nói không với dĩ vãng, không thể chấp nhận nơi trú ẩn an toàn đó. Và phải nhìn nhận ngay trong cái mới của ta đã có mầm mống của cái sáng tạo ra rồi trong một hình thức mới.

Theo Nguyên Sa, khi tờ tập san Đất Nước số một ra đời. Chúng tôi cũng đã ngồi lại với nhau bẻ gẫy nó trước khi chấp nhận nó. Và chúng ta cùng nhau tìm kiếm ra những giải đáp cho những thắc mắc lớn nhỏ đặt ra cho thời đại chúng ta. Chúng tôi cũng có những tâm trạng hoài nghi, hân hoan cũng như thống khổ.

Và phóng ra những cái nhìn bốn phía, những tiếp xúc tứ phía, ý thức về những tương quan chính trị và không thể nào đi vào chủ nghĩa  “sô vanh”.( ý nói chủ nghĩa độc tôn, một mình, một chiếu văn học. NVL)

Trong cái hoàn cảnh chính trị vệ tinh chia cực mà chúng tôi chỉ là chầu rìa này, như hoàn cảnh viện trợ, hoàn cảnh phân chia này để tìm một lối thoát.

Chúng tôi có một dân tộc và chúng tôi yêu lắm chứ. Biết cầm bút, chúng tôi biết nỗi nhục, biết mơ ước dân tộc đang ước mơ, biết hãnh diện về một niềm kiêu hãnh chưa đạt tới.

Rời bỏ nền văn chương trú ẩn, khuôn thước, rời bỏ động đá vững vàng. Hay khởi đi về trước mặt. Đi đâu? Chưa biết.

Đó là một cuộc phiêu lưu. Có thể là một khám phá, có thể là sự gục ngã trong dại khờ còn hơn trong khôn ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi trong tầm gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.


Nguyên Sa

Trong cái tinh thần ấy ra đời những bài như: Lời cầu siêu thoát cho Nguyên Quang Đại ở Khe Sanh. Nguyên Sa. Đất Nước số 5. Tháng 6-7-1968.

Tiếp theo là: Cắt tóc ăn thề

Cắt  cho ta, hãy cắt cho ta

Cắt cho ta sợi dài,

Cắt cho ta sợi ngắn

Cắt cái sợi an gian

Cắt cái sợi nói dối

Sợi ăn cắp trên đầu

Sợi vu oan dưới gáy

Sợi bè phái đâm ngang

Sợi ghen tuông đứng dọc

Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng

Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt.

Sợi nấp trong hầm

Sợi ngồi trong hố

Sợi đau xót như giây dù chẳng mở

Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng

(…) Hãy cắt cho anh,

Hãy cắt cho em

Hãy cắt cho vợ

Hãy cắt cho chồng

Hãy cắt cho con (…)

Cho cả những thằng sa đích văn nghệ rẻ tiền

Cho cả những thằng xẻo thịt non sông

Cho cả những thằng băm vằm tổ quốc

Hãy cắt tóc

Hãy cắt tóc và nhìn

Mặt quê hương đổi mới.

Nguyên Sa. Tạp chí Đất Nước. Tháng 9-10-1968

Lối làm thơ bây giờ có khác.

Không phải thơ phá thể, không phải lục bát «Nguyên Sa», cũng chẳng phải thơ tự do. Không một giọt tình. Sự lặp đi lặp lại mà không nhàm chán mà như một thúc bách, đòi hỏi. Ngôn từ như lệnh truyền. Sự chuyển tải nội dung thơ có phần sống sượng, đốp chát. Nhưng nó đáp ứng được những khát vọng thời đại của giới thanh niên trước thời cuộc.

Cái hay quyến rũ của thơ có thể để dành một bên để nói lên được cái khát vọng chua chát, cái mất mát hao hụt tuổi trẻ, mà cái sống và cái chết gần kề mà sống đôi khi chưa kịp ra lời.

Hiểu được tâm tư ấy, liệu chăng mới chia sẽ được bài thơ: Giã từ khóa đàn anh của tác giả.

·        Xin mở đầu bài viết với bài: «Giã từ khóa đàn anh». Bài này sau đó được đăng lại ở Hải ngoại kèm theo chú thích về nguồn gốc bài thơ. (Cũng đăng lại trên tờ Đất Nước số 7. Chỉ đăng bài thơ mà thôi. Đất nước có tất cả các bài thơ của Nguyên Sa trong thời chiến. NVL).

Cũng theo tác giả, trong thời gian thụ huấn ở quân Trường Thủ Đức, Khóa động viên 24. Vị chỉ huy trưởng biết ông là nhà thơ, giáo sư Triết nổi tiếng nên đã nhờ sĩ quan Tâm lý chiến tiếp xúc với ông, yêu cầu ông viết một bài để đăng trong báo của Quân trường.

Tôi thấy cần thiết phải viết tóm tắt lại giai thoại văn chương lý thú này, vì nó quá đẹp đối với lời yêu cầu của vị sĩ quan với sự trân trọng thi sĩ.

«Sĩ quan chỉ huy chiến tranh tâm lý của trường võ bị Thủ Đức cho giấy mời tôi lên. Người sĩ quan có cấp bậc hàng tá xua tay ngay khi khi tôi vừa khởi đầu chào kính, chưa kịp đọc tên họ và số quân tám số, xua tay nói thôi thôi, anh đứng dậy rời bàn làm việc tiến ra phía tôi, xiết chặt tay nói anh em cả mà, anh mời tôi ngồi xuống ghế xa lông, hỏi han về sự thích ứng của tôi với quân trường, hỏi thăm việc quản trị trường Văn học thời gian tôi đi xa này (…) Anh đưa tặng tôi tạp chí nội san của trường Võ Bị Thủ Đức. Sau chót anh nói lên điều anh muốn.

-          Chúng tôi muốn xin anh Nguyên Sa một bài thơ.

-          Cho tờ tập san của trường?

-          Vâng cho tập san của trường…

Anh thận trọng nhấn mạnh đây là chúng tôi xin thi sĩ, không phải một mệnh lệnh, xin anh thông cảm cho…

Tôi nhận lời. Tôi vẫn được đối xử như một thi sĩ, một thầy giáo dạy Triết trong trường học rất võ mà rất văn này, nơi tôi đã trở thành một người học trò đầy hào hứng tìm lại được bản chất học trò tưởng đánh mất đến ngàn năm. Không có miếng đỉnh chung gì cả. Nhưng quý hơn ngàn lần miếng đỉnh chung, những lời nói chân thành đầy tình tự anh em bằng hữu, văn nghệ, giang hồ.

Tôi nhận lời. Trần Sơn Hà và Nguyễn Đức Năng thu xếp cho tôi lên nằm bệnh xá một ngày. Bác sĩ Bao (Tên đầy đủ là Trần Văn Lâm Bao. NVL), trưởng khu bệnh xá của quân trường thân ái nói anh cứ lên đây. Chưa đầy một ngày tôi đã có bài thơ cho tờ tập san của trường (…). Tôi không trở lại bệnh xá của người bác sĩ quân y rất văn nghệ này lần nào.

Tôi có bài thơ cho tờ tập san của trường rồi “Giã Từ Khóa Đàn Anh” là bài đầu tiên tôi làm trong cuộc đời đổi khác, thời gian trước khi gắn alpha, thời gian từ một tháng rưỡi đến hai tháng sau khi nhập ngũ.

Giã từ Khóa Đàn Anh [VL1] 

Các ngươi là đàn anh của ta

Các ngươi đúng là đàn anh của ta,

Đàn anh tác xạ 

Đàn anh vũ khí mìn

Đàn anh cơ bản thao diễn.

Hãy quỳ xuống

Và hãy đứng dậy

Hãy quỳ xuống trong đêm quân trường

Hãy đứng dậy trong ngày từ giã

Hãy đứng dậy khi nghe ta gọi

Các ngươi là đàn anh của ta.

Các ngươi là đàn anh của ta

Đàn anh địa hình

Đàn anh chiến thuật

Đàn anh gác ngày

Đàn anh kích đêm

Đàn anh cười

Đàn anh khóc

Đàn anh nhớ vợ nhớ con

Đàn anh khóc trên đồng ruộng quê hương

Đàn anh buông tay mẹ già tóc trắng

Đàn anh

Các ngươi

Hãy đứng lên

Hãy nhìn về trước mặt

Hãy đằng sau quay Hãy bước đi

Và hãy nghe ta Trong bước đi

Gọi thầm Hỡi đồng hành

Đồng hành

Trong cõi chết.

Bài thơ được in ra, tập san của trường phổ biến đến các đại đội khóa sinh. Hà nói tôi không hiểu tại sao các ông ấy lại đăng bài thơ này của cụ. Kim nói không bị củ là may rồi. Không tôi không bị «củ». Cũng không bị khiển trách gì.(…)

Tôi muốn mô tả, tôi muốn chia sẽ. (… ) Tôi muốn giãi bày những cảm nghĩ, xúc động trong cõi sâu, những khía cạnh nhân bản và nhiều khi bi thảm mà những ngăn cách khóa đàn anh, khóa đàn em không xóa bỏ đi được.

Nhưng bài thơ có thể mang lại ngộ nhận.(…)

Gọi các bạn khóa đồng ngũ khóa đàn anh là «Ngươi» xưng «Ta» có thể là những ngộ nhận khác.

Vị sĩ quan phụ trách tâm lý chiến ở Thủ Đức đã đăng Giã Từ coi như chọn lựa bất trắc. Tôi nghĩ tôi có nợ anh. Tôi nghĩ nếu như tôi gặp lại, tôi phải nói với anh lời cám ơn.

(Còn tiếp)


10 Tháng Chín 2023(Xem: 2880)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3187)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3157)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2904)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2836)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2760)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3561)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2933)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3204)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3747)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3426)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2653)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2507)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4828)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7988)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2681)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8581)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5177)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2613)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.