Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - THÁNG 10 MA QUỶ

31 Tháng Mười 20218:19 CH(Xem: 5684)
Nguyễn Thị Thêm - THÁNG 10 MA QUỶ
THÁNG 10 MA QUỶ TỰA docx

        

Tôi rời khỏi Xứ Mưa một buổi chiều tháng 10. Buổi chiều Portland buồn hiu hắt. Trời Xứ Mưa như thút thít khóc sau những ngày hờn dỗi giận nhau. Cả mấy tuần nay hai vợ chồng thần mưa cãi lộn. Bà vợ đêm nào cũng khóc, mưa ầm ầm, mưa thê thảm cả đêm. Buổi sáng dậy chắc sợ chồng không vui nên bà chỉ lặng lẽ khóc thầm.

IMG_8245

 

Giận ai không dám nói nặng lời.
Lặng lẽ buồn thiu nước mắt rơi
Từng giọt lệ tuôn chàng có biết
Thầm trách tình ơi, sầu nào vơi.

 

Trời Portland thật thấp, thật buồn. Mưa cứ rỉ rả rơi xám xịt cả không gian. Buổi sáng lúp xúp dưới cơn mưa lạnh dẫn cháu đến trường. Buổi chiều lại lúp xúp dưới mưa đi rước cháu về. Một tay che cây dù to đẩy cháu nhỏ lên trường đón chị. Mặc áo thật dày, đầu trùm kín, đeo khẩu trang giống như một bà già lụ khụ.( Lại tưởng mình còn trẻ hay sao, đã chẳng già lụ khụ rồi còn gì). Cháu được cô giáo đưa ra giao tận tay, bà mang dùm cháu cái ba lô nặng trịch (vì có cái laptop ở trong. Mà cũng kỳ, nhà trường tặng cho mỗi cháu cái laptop để học, ngày nào cũng mang theo kè kè trên vai cháu nhỏ mẫu giáo. Thế mà gần hai tháng cái laptop cũng chưa hề được sử dụng lấy một lần). Trao cho cháu cây dù nhỏ mấy bà cháu lại đội mưa về nhà. Có hôm sương mù mờ mịt, cả không gian trắng xóa một màu. Sáng sớm mấy bà cháu đi học trong sương mù đẹp như trong màn ảnh.

Mù sương Portland

Chiều nay không đi rước cháu, bà lên máy bay về lại Cali, chắc cháu sẽ chờ bà đi đón. Nhớ đôi mắt cháu to đen nhìn bà cười. Nhớ cháu ghé tai bà thì thầm:'" Phòng này của hai bà cháu mình thôi nha" Buổi tối cháu chuẩn bị sẵn bộ đồ đi học cho buổi sáng. Cháu để vào cái hộp (áo đầm, áo dài tay bên trong, quần dài và vớ.) Cháu ôm hôn bà nói "Good night bà nội. I Love you!" Rồi đúng 6:30 sáng cháu vào phòng lúc bà còn ngái ngủ, bật đèn sáng trưng, lao vào giường kéo mền, lay bà dậy. " Wake up bà nội" rồi ôm lấy bà thọt lét hay dùng cái mũi cạ vào mũi bà rồi cười như nắc nẻ.
Trong vùng tôi ở, mỗi sáng đi bộ quanh xóm, lá đã đổi màu, có nơi lá rụng đầy cả lối đi rất đẹp. Tôi hay nhặt những lá đẹp nhất đem về cho cháu ép vào sách hay trang trí tranh cháu làm. 

Lá mùa thu Portland

Portland vào thu, những hàng cây hai bên đường thay áo mới. Sang cả như người đẹp trang điểm đi dự hội. Nổi bật trên nền trời là màu đỏ rực rỡ của sắc màu kiêu hãnh và chiến thắng. Có những hàng cây còn e ấp thẹn thùng như núp trong phòng the chuẩn bị thay đồ. Có lá còn xanh, có lá đã điểm vàng chen lẫn những chiếc lá vàng chói chang khoe sắc.

 

Mùa thu của những vùng có nhiều cây xanh đẹp vô cùng. Dường như vũ trụ muốn khoe với nhân gian chiếc đũa thần kỳ của mình.

 

Hôm nào lá vẫn còn xanh.
Nay ta hóa phép lá thành đỏ tươi
Lá vàng e ấp nụ cười
Rừng thu thay lá xinh tươi đất trời.

Cảnh đẹp Portland

 

 

Tôi lên phi cơ, qua cửa sổ nhìn xuống Portland lần cuối. Tạm biệt Xứ Mưa, những buổi sáng trời lạnh nằm nướng trên giường. Những buổi chiều nhìn màn mưa qua khung cửa sổ. Như một người bạn định cư lâu năm ở Portland đã nói:" Đây là xứ sở của những người tìm sự tĩnh lặng và yêu thiên nhiên. Những người trẻ năng động sẽ không thích nơi này". Chị cười và háy một bên mắt " Portland nơi những người ẩn sĩ tìm đến, trong đó có chị." Dù mưa nhiều, không gian nhạt nhòa những nước và bầu trời thật buồn tôi vẫn yêu Portland, yêu nhiều lắm. Mỗi khi đến Portland từ trên máy bay nhìn xuống một màu xanh bát ngát của rừng và đồi núi. 

Portland và Riverside

 

Tôi nhắm mắt, dựa lưng vào ghế và chợt nhớ đến ngày xưa.

 

Buổi sáng hôm đó, ngày 01 tháng 10 của 30 năm về trước, tôi thức dậy trong căn nhà mới, ngày đầu tiên tôi nhìn thấy rõ ràng nước Mỹ. Đêm qua sau chuyến bay dài, Riverside thành phố đã yên giấc. Nước Mỹ ban đêm là những con đường, cầu xa lộ và thành phố rực rỡ sáng choang đèn điện. Hai thằng con trai cũng vừa thức dậy kéo tay tôi và hỏi:" Má ơi! Đây là nhà mình, đây là nước Mỹ phải không má?" Tôi gật đầu và ôm con rơi nước mắt. Vâng thiên đường không ở đâu xa! Đây là nơi cuối chân trời mà mình rất khó khăn mới đến được.

 

30 năm tôi đã sống ở nước Mỹ. Thằng lớn vừa đủ tuổi vào lớp một. Bây giờ cháu đã có ba con và là một thiếu tá trong quân đội Hoa Kỳ đang công tác tại Đức( Ramstein Air Base, Germany.US). Mấy tháng nay với lệnh rút quân của Tổng Thống Biden tại Afghanistan. Những cuộc di tản bằng máy bay đáp xuống căn cứ liên tục. Từng đoàn người Afghanistan phờ phạc, đói rách, mệt mỏi liều chết đi tìm tự do. Lực lượng quân đội đồn trú tại đó phải vận dụng tất cả khả năng để sắp xếp cho họ ổn định.  Ăn, ở , lập thủ tục nhập cảnh và nhất là lo về sức khỏe trong lúc dịch Covid 19 vẫn đang rất nguy hiểm. Mỗi ngày con tôi làm việc hơn 12 tiếng, sáng đi sớm, tối mịt mới về nhà với đầu óc căng thẳng và thân thể mệt nhoài. Con tôi, con trai trưởng của một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa hiểu và thông cảm cho những người dân tị nạn. Cuộc tháo chạy của người dân Afghanistan đã khiến thế giới nhớ về ngày 30/4/1975 của VNCH. Do đó giúp họ hết lòng, tận sức cũng là nghĩa vụ và lòng tri ân của một người lính Mỹ gốc Việt như con tôi.

Người dân được di tản về căn cứ đa phần họ không biết nói tiếng Mỹ. Con dâu tôi (vợ cháu người Pakistan) phải bỏ dạy để vào căn cứ làm thông dịch viên thiện nguyện. Thế là buổi sáng chồng vào căn cứ làm việc, vợ ở nhà đưa con đi học, con tan học hàng xóm rước dùm. Chiều vợ vào căn cứ làm việc tới gần sáng mới về. Chồng về đón con ở nhà hàng xóm và chăm con thay vợ. Mỗi lần tôi Facetime chỉ gặp được vợ hoặc chồng. Con trai gầy đi và thật mệt mỏi. Con dâu khan cả tiếng vì ngoài thông dịch còn phải giúp giải quyết những tranh chấp nội bộ của nhóm người này. Họ nghĩ sẽ đến một thiên đường nước Mỹ đầy giàu sang và nhiều quyền lợi. Họ không ngờ họ phải đến căn cứ Mỹ tại Đức. Họ bất mãn vì cơ sở vật chất thiếu thốn phải ở tập trung trong những trại tạm cư. Món ăn không hạp khẩu vị. Quy chế nhập cảnh Mỹ nhiều thủ tục pháp lý cần thiết. Phải kiểm tra sức khỏe và chích ngừa Covid rất gắt gao. Có người phụ nữ sinh con khi trên máy bay lúc di tản. Có người sinh tại căn cứ Ramstein khi vừa đến. Có một người phụ nữ Afghanistan đã lấy tên con dâu tôi để đặt cho đứa con gái mới sinh của bà để cám ơn.

Đây là một trang báo quân đội viết về công tác đó.

https://www.ramstein.af.mil/News/Features/Display/Article/2789175/military-family-helps-evacuees-transition-to-new-life/


Thằng út tôi đến Mỹ lúc 4 tuổi. Lớn lên đi học, ra trường, đi lính Hải Quân rồi giải ngủ. Bây giờ đang làm việc và sống ở Portland với vợ và hai con gái. Không biết con tôi có còn nhớ ngày đầu tiên đứng trong nhà nhìn ra ngoài sân mà sợ. Nơi vùng tôi ở toàn người Mỹ trắng , trẻ con khá đông và là khu trung lưu lịch sự. Chỉ đi qua hơn 2 lock đường là đến trường tiểu học MOUNTAIN VIEW dành cho hai thằng nhóc. Chừng 3 lock đường là đến trường Trung học LA SIERRA cho con gái. Đi bộ một khỏi khu nhà, qua một cây đèn xanh đèn đỏ là tới chợ VONS. Sau khi hoàn tất các thủ tục các con tôi vào lớp học chính thức. Mùa tựu trường năm sau thằng út mới được vào mẫu giáo. Tôi dắt con tới trường trong niềm vui lẫn lo lắng không biết nó có thích ứng được hay không? Bây giờ, 30 năm sau tôi lại dẫn con nó đi học mẫu giáo. Cali ít mưa nhiều nắng, Portland ít nắng nhiều mưa.

 

Tháng 10 cũng là tháng sinh nhật cháu, hôm ở Portland dẫn cháu đi shopping hỏi cháu muốn quà gì? Cháu chọn một cái áo đầm để đi xin kẹo ngày lễ Halloween. Chiếc áo màu vàng rất đẹp. Tôi lại nhớ ngày Halloween đầu tiên ở nước Mỹ ( già rồi hay nhớ chuyện xưa).

madison
 

Chúng tôi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, giấy tờ chưa hoàn tất đầy đủ, đồ đạc trong nhà còn thiếu nhiều thứ. Mọi người chưa kịp thích ứng với hoàn cảnh mới, thời tiết mới thì Halloween đến.

 

Hôm ấy em trai tôi đem đến một bịch kẹo thật to, tôi ngạc nhiên không biết em mua kẹo làm gì nhiều vậy. Em nói :"Cuối tháng này ở Mỹ có lễ ma gọi là Halloween. Con nít sẽ gõ cửa nhà tới xin kẹo. Mình phải phát kẹo cho chúng nếu không nó sẽ phá" Nghe xong cả nhà hết hồn, tự dưng không cho kẹo thì bị phá. Phong tục gì kỳ lạ vậy. Em dặn nghe bấm chuông thì mở cửa cho mỗi đứa vài cục kẹo, cho hết thì đóng cửa tắt đèn, ai có bấm chuông hay gỏ cửa cũng không mở. Thì ra vậy, hèn chi tôi đã ngạc nhiên khi mấy nhà hàng xóm họ trang trí như một nghĩa trang dễ sợ. Họ giăng màng nhện chi chít những  nhện đen và gắn người nộm dị thường.

 

Tối 31 quả thật con nít thật nhiều, ăn mặc dễ sợ tới bấm chuông. Những con ma người lớn, con nít đi đầy đường vui như ngày hội. Trẻ con đứng trước cửa nói Trick or Treat rồi chìa tay xin kẹo. Mẹ chồng tôi quá sợ bà la oai oái:" Phong tục chi lạ như ri, đem ma quỷ ra làm trò đùa vào cả nhà người ta. Răng không đóng cửa lại " Bà vào phòng đóng kín cửa và dặn đừng ra đường đụng chạm với quỷ thần, người khuất mày khuất mặt không nên.

Hai thằng con thấy không khí vui quá, không có đồ hóa trang, chúng vẽ mặt vằn vện rồi cũng đi xin kẹo. Bà hàng xóm bên cạnh gỏ cửa nhà bảo tôi phải đi theo. Đừng để cháu đi một mình nguy hiểm lắm. Thế là gia đình tôi đã tận hưởng một ngày Lễ Ma thật lạ, thật vui và ý nghĩa.

 

Cách đây hai năm khi con trai tôi còn công tác ở San Antonio Texas. Tôi đến thăm con và được cùng cháu tham dự một ngày lễ của người Mễ tại đây. Tôi rất ngạc nhiên khi bước vào khu vực. Những gia đình người Mễ họ đem hình ảnh gia tộc, những đồ dùng cá nhân người chết, những tâm tình nhắn gửi của gia đình viết về người chết bày cả ra rất trang trọng. Suốt một khu vực, suốt một chặng đường lớn đi tới đâu cũng gặp ma. Họ hóa trang thành những con ma ghê sợ và nhảy múa, ca hát vang lừng. Nếu mình muốn chụp hình chung, họ cũng sẵn sàng và rất vui làm dáng đủ kiểu. Phim COCO mà tôi đã được xem có nói về phong tục này. Ngày này người sống và người chết bắt nhịp cầu để liên lạc, tưởng nhớ về nhau. Ngày này cũng có thể người chết sẽ về thăm trước khi đi siêu thoát.

 

Tháng 9/2021 ở Portland còn có một lễ hội rất long trọng và rất ý nghĩa. Đó là lễ hội "WATER LANTERN FESTIVAL" Buổi lễ cầu nguyện cho vong hồn người đã khuất và cầu nguyện cho những người đang đau yếu hay gặp chuyện không may. Buổi lễ được tổ chức ở một công viên thật lớn tên là Laurelhurst Park Off-Leash Area. Con tôi đã ghi tên trước cả tháng. Đến nơi chúng tôi sắp hàng ghi tên và nhận đèn cũng như một cái khăn thật đẹp và lớn. Từng gia đình, người ta đã ngồi từng nhóm rất đông. Chọn một chỗ an toàn, trải khăn ngồi lên, mỗi người có một cái túi nhỏ trong đó đựng vật dụng để xếp thành một cái đèn lồng. Mỗi người tự vẽ hình và viết câu mình cầu nguyện. Sau đó bật điện ở cây đèn nhỏ và đến giờ sắp hàng đem thả xuống sông. Mọi người thành kính, trang trọng cầu nguyện. Những chiếc đèn lồng sáng trưng nổi bật trên khúc sông vắng êm đềm. Tưởng nhớ, cầu nguyện và tri ân là những điều con người gửi đến người đã mất và ơn trên. Buổi lễ cho tôi nhiều cảm xúc và các cháu tôi học được bài học về lòng tri ân và tưởng nhớ.

WATER LANTERN FESTIVAL
IMG_7941

Có ma thật không? Ma có đáng sợ không?

Các bạn thì sao? Tôi tin là có ma. Tôi tin là con người ngoài thân thể tứ đại này còn có một phần rất cao quý thuộc về thần thức đó là linh hồn. Linh hồn đó trả lời cho mạng số của mỗi con người khi còn sống gọi là nghiệp. Ở tại thế gian nếu mình tạo nghiệp xấu thì khi tái sanh mình sẽ gánh trả những nghiệp đó. Cho nên mới có con người khi sinh ra ở gia đình giàu sang, có người nghèo khổ, bần cùng, có người tàn tật, bệnh đau...Con người có phúc hay họa cũng tùy vào phước hay nghiệp mình tạo ra. Ma là những vong hồn chưa được tái sinh hay vẫn còn lưu luyến trần gian vì một u uẩn nào đó. Thế giới vô hình rất mênh mông không ai có thể giải thích rõ ràng và có bằng chứng được. Do đó tin là có ma, có linh hồn hay không cũng còn là một ẩn số tùy niềm tin vào từng người, từng tôn giáo.

 

Tôi nhớ năm má tôi mất ở Việt Nam. Em tôi đang ở Mỹ, một đêm em  nằm mơ thấy má tôi về gọi và cho biết bà đã mất. Em tôi tỉnh dậy bàng hoàng và gọi về VN. Quả thật lúc đó má tôi vừa mất độ vài tiếng đồng hồ. Như vậy hương linh má tôi đã về báo mộng cho em tôi biết để thọ tang.

 

Ngày ông xã tôi mất, con người tôi u trầm và thật khó chịu. Tôi có cảm tưởng như có cái gì đè hai vai tôi thật nặng, đầu tôi không nhức nhưng như ai đó ấn mạnh xuống nặng nề. Mắt tôi lờ mờ mở không lên, người lơ tơ mơ không tỉnh táo. Hơn một tuần lễ tôi phải chịu như vậy, ai cũng nói tôi vì có tang buồn nên trông rất tệ. Tôi chợt nghĩ ra hay là hương linh ông xã tôi đang bám lấy tôi không thể rời đi. Tôi đến trước bàn thờ anh ấy, đốt hương và khấn vái : Tôi xin anh ấy đừng làm vậy sẽ khiến tôi bị bệnh và không lo được gì trong đám tang sắp tới. Anh ấy hãy đến chùa nghe kinh mỗi tối. Hãy an lòng vì tôi sẽ cố gắng hoàn tất những gì anh ấy muốn làm. Bạn có biết không? Sau khi tôi lạy xong bốn lạy là người tôi khác hẳn, rất nhẹ nhàng và mọi sự nặng nề đè trên vai, trên đầu biến mất. Tôi nói với con gái:" Ba con đã rời khỏi má và lên chùa nghe kinh"

 

Ngay từ nhỏ, tôi đã là một đứa con gái cứng đầu không sợ ma. Nhà tôi cất lên trên một gò mả. Có những mả thật to kiên cố vẫn còn nằm trước nhà, sân sau. Nhà tôi có ma và nhà dì ghẻ tôi cất kế bên cũng có ma nhưng chưa bao giờ ma làm phiền tới tôi. Ai đến nhà tôi hay nhà dì tôi ngủ lại đều bị ma nhát, ma đè đến sợ không bao giờ dám ngủ lại. Bạn bè tôi, bạn em tôi thường dùng sân sau nhà tôi để cầu cơ, xây chò hay gọi hồn ma vì rất linh thiêng và mau lên. Chứng kiến tận mắt những linh thiêng đó tôi tin là có ma, có vong hồn trong thế giới huyền bí xung quanh ta.

 

Những ngày mẹ chồng tôi còn khỏe, tôi đem nữ trang của bà hỏi xem bà có ý định cho ai khi bà mất. Tôi muốn những nữ trang của mẹ chồng tặng lại cho chị chồng và em chồng của tôi còn ở tại VN nhưng bà không chịu. Bà nói để lại cho tôi vì hai người kia bà đã cho đủ rồi. Thế rồi khi mẹ chồng tôi mất, lúc đem tro cốt bà về nhập lăng tại Quảng Trị, tôi quyết định đem tư trang mẹ chồng về tặng lại hai O làm kỷ niệm. Tôi và chồng tôi tìm hoài không ra hộp nữ trang đó. Chính tay chồng tôi để vào túi áo vest của anh ấy có mặt tôi. Vậy mà tìm không thấy, lục mọi nơi cũng không có. Sau khi hoàn tất tang sự tại quê nhà, gia đình về lại Mỹ, tôi cứ ấm ức về hộp nữ trang của mẹ chồng vô lý mà mất. Các bạn có biết không, tôi vào lại tủ quần áo, thò tay vào túi áo vest của chồng, hộp nữ trang nằm chình ình trong đó. Tôi kêu ông xã tới coi, cả nhà đều kinh ngạc và nói bà nội không cho má đem về VN. Tôi đến bàn thờ đốt hương và xin lỗi mẹ chồng. Sau này con trai tôi lấy vợ, tôi tặng lại con dâu làm quà cưới của mệ nội.

 

Ở Riverside có chùa Văn Thù một ngôi chùa nhỏ đơn sơ nhưng rất được Phật Tử tín nhiệm. Thầy Quảng Phú tuy tuổi đời còn trẻ nhưng rất có uy tín. Thầy lại có năng lực đặc biệt là giao tiếp với hồn ma. Rất nhiều câu chuyện khó tin nhưng có thật được mọi người biết đến và truyền tụng về ngôi chùa này. Thầy đã từng giúp rất nhiều người thoát ra khỏi sự quấy rối của những vong hồn không siêu thoát bám vào người . Thầy đã giúp nhiều hồn ma về chùa quy y nghe pháp, nghe kinh để chờ vãng sinh. Có một lần thầy có Phật Sự phải đi xa, giao chùa lại cho mấy Phật Tử già ở lại trông chùa. Các bà vẫn cúng sám hối và cúng vong. Thế nhưng những sai sót của các bà khi cúng vong thầy vẫn biết một cách rành rẽ. Hỏi ai nói thầy chỉ cười :" Không phải người nói, cho nên các trưởng lão đừng làm sai sót là được rồi"

 

Hôm nay là 31/10/2021, tôi ngồi trước máy viết bài này. Ngoài trời nắng đã tắt, buổi chiều ngày lễ Halloween vẫn bình thường như mọi ngày. Bên Đức gia đình thằng con đã vui chơi ngày lễ ma gửi hình về.

duy

 Năm  nay có lẽ ma nhiều hơn bao giờ hết. Bởi vì bao nhiêu người đã chết một cách đau đớn, tức tưởi, cô đơn vì con cúm Coronavirus của Tàu. Những oan hồn không siêu thoát sẽ thành những hồn ma vất vưởng tội nghiệp trong thế giới vô hình

 

Chúng ta những người còn sống ít nhiều đều có người quen, người thân, bà con đã vong mạng vì con Covid 19 này . Hãy dành một chút thời gian, một chút tĩnh lặng mà hướng về những nạn nhân cầu nguyện cho họ, những con ma có thật.

 

Đêm nay ma giả sẽ có mặt mọi nơi ở nước Mỹ. Cầu mong mọi việc bình yên để trẻ em có lại những niềm vui trong sáng theo phong tục. Những cha mẹ, ông bà có dịp hóa trang dẫn cháu đi chơi.

Đừng ai lợi dụng ngày lễ này đập phá hay giở thủ đoạn với trẻ em và những viên kẹo ngọt ngào. Cái gì cũng giá của nó, gieo nhân ác sẽ nhận quả ác. Cuộc đời ngắn ngủi hãy yêu thương nhau khi có thể.

 

Tôi sẽ thắp hương trên bàn thờ của chồng. Đêm nay chúng tôi sẽ nhảy khúc luân vũ trong giấc mơ để nhớ lại kỷ niệm ngày lễ ma đầu tiên ở nước Mỹ này.

 

Happy Halloween đến các bạn và con, cháu của tôi.

Nguyễn thị Thêm
  31/10/2021

 

 

31 Tháng Ba 2024(Xem: 917)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 627)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 572)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 584)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1175)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 873)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 911)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 945)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 738)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 911)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1056)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 996)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1119)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 713)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 943)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1021)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1258)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1197)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1464)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.