Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - ĐÊM TỊCH TỊNH: BÓNG “VỀ QUÊ”

30 Tháng Mười 202112:37 SA(Xem: 5901)
Tô Đăng Khoa - ĐÊM TỊCH TỊNH: BÓNG “VỀ QUÊ”
TÔ ĐĂNG KHOA

ĐÊM TỊCH TỊNH: BÓNG “VỀ QUÊ”


DemThoKhanhMinh

 

Kính Tặng:  Người Biết "Soi Gương" / hay là người  nhật ký của Bóng (Ký Ức Của Bóng)

 

Tôi có một duyên may được quen thân với hai tác giả có sức sáng tác rất đều đặn và bền bỉ:  Đó là Nguyễn Lương Vỵ và Nguyễn Thị Khánh Minh. Hai người là những người bạn chí thân ngoài đời. Nhưng ngoài việc tương trợ lẫn nhau lúc cần thiết và hoạn nạn, họ còn hỗ tương nhau trên lĩnh vực sáng tác.  Thật vậy, nếu như chủ đề xuyên suốt các sáng tác của Nguyễn Lương Vỵ là Âm Thanh, thì ở Khánh Minh chủ đề xuyên suốt các sáng tác của chị là Ánh Sáng. Âm thanh và ánh sáng, đó là hai thứ mà tất cả chúng ta bị vây phủ bởi, bị ném vào đó, và luôn luôn phải tương tác với hai thứ này suốt cuộc bình sinh.

Bị ném vào cuộc bình sinh, với cả một đại dương thông tin, những âm thanh và hình ảnh luôn luôn đập vào tai và mắt chúng ta, và hầu như với đại đa số, chúng chỉ sinh ra những buồn vui thương ghét bất chợt. Nhưng ở Thi Sĩ, kết quả của sự tương tác với âm thanh và ánh sáng là những thi phẩm.

Ở Nguyễn Lương Vỵ, từ lúc “Âm nhập cốt”, những tác phẩm của anh là những cung bậc thăng trầm của Âm Thanh. Đó là những Huyết Âm, Huyền Âm, Tinh Âm, được Nguyễn Lương Vỵ Hòa Âm Âm Âm Âm… trên nền của “Nốt Lặng Tịch Liêu”. Thơ ở Nguyễn Lương Vỵ là cuộc hành trình của âm thanh đi về sự tĩnh lặng của vô ngôn.

Ở Nguyễn Thị Khánh Minh, từ “Ký Ức Của Bóng”, những tác phẩm của chị là những phản xạ, khúc xạ của Ánh Sáng. Đó là những bóng những hình được sàng lọc qua giác quan thi sĩ và phản chiếu trên tấm gương nhận thức trong veo, và trái tim nhân ái. Thơ ở Nguyễn Thị Khánh Minh là cuộc hành trình của ánh sáng đi về sự tịch tịnh của màn đêm.

Ví như tất cả âm thanh đều được cảm nhận nhờ có sự tĩnh lặng, cũng vậy tất cả những bóng, những hình (và cả ánh sáng) được cảm nhận là nhờ có màn đêm.  Vì thế đọc tập thơ Đêm của Khánh Minh là theo bước chân nữ sĩ “Về Quê” của “Bóng” và “Hình”, là nhận ra mối thâm tình giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, là nhận ra vai trò của “tấm gương nhận thức” - phản chiếu “phía bên kia” của những hình do ánh sáng tạo ra, tức là Bóng.   

Tập Thơ Đêm của Khánh Minh được chia làm hai phần: Bóng Sáng - Bóng Tối, xuyên qua những chủ đề: Mẹ, Cha, Nơi Dừng Lại Của Thời Gian Vĩnh Cửu.  Cấu trúc tập thơ bao gồm hai cặp đối lập: (Bóng Sáng, Bóng Tối), (Mẹ, Cha) và Một Điểm Dừng (của thời gian vĩnh cửu). 

Sáng và tối, mẹ và cha, âm và dương... đó là cánh cửa nhị nguyên đối đãi mở ra cái muôn màu muôn vẻ của đời sống này. Sáng và tối tuần hoàn lẫn nhau cho chúng ta cảm nhận về thời gian, cho nhãn quan chúng ta cảm nhận về bóng và hình. Bóng và hình này qua giác quan thi sĩ Khánh Minh và được nữ sĩ ghi lại cho nhân thế qua thi tập Ký Ức Của Bóng. Sau đó Khánh Minh “giải thoát” cho Bóng khỏi cái tạm bợ của một cảm xúc bất chợt, thả Bóng và cảnh giới miên viễn của bầu trời Thi Ca qua tập Bóng Bay Gió Ơi. Lần này trở lại với tập thơ Đêm, Bóng “về quê” thăm lại nguồn cội của chính mình. Chính trong Đêm Bóng ẩn mình an trú trong tịch tịnh. Cánh cửa nhị nguyên sáng tối khép lại, tịch tịnh của màn Đêm hiển lộ như là một biểu tượng cho cảnh giới không có thời gian mà Khánh Minh tạm gọi là “Nơi Dừng Lại Của Thời Gian Vĩnh Cửu”

Ngay trong phần 1, Khánh Minh giới thiệu đến độc giả một khái niệm lạ: Bóng Sáng.  Đa số chúng ta quen thuộc với từ “Bóng Tối” nhưng ít khi nghe ai nói tới “Bóng Sáng”! (Đối với riêng tôi, đây là lần đầu tiên tôi được biết tới từ này: trong thi tập Đêm của Khánh Minh).

Vậy thì “Bóng Sáng” là gì? Nó được cảm nhận như thế nào?

 

Bóng trôi ra ngoài cửa sổ

Như với theo

Một cái gì đó vụt bay

Gió bay đi

Đêm bay đi

Giấc mơ bay đi

Chiếc cửa sổ bay đi

Nỗi chờ đợi cũng bay đi

 

Không còn gì

Không còn ai còn tôi

Rưng rưng

Bóng sáng

Người để lại

(Phần 1. Bóng Sáng, Bài Số 1)

 

Thú thật đoạn thơ này thú vị và khiến tôi suy nghĩ mãi không biết “Bóng Sáng người để lại” là gì?

Bóng trôi ra ngoài cửa sổ, một cái gì đó vụt bay… Tất cả đều bay đi, không còn gì, không còn cả chính tôi nhưng còn cái “bóng sáng” người để lại? 

Ý thơ rất lạ, một khái niệm mới được thiết lập “bóng sáng” như là “cái-còn-lại” của cái “không-còn-gì”, trong đó cái “không-còn-gì” bao gồm luôn cả không còn cả chính tôi!

Và đây nữa một ý tứ rất lạ cho độc giả cái nhìn đảo ngược: “Bật đêm lên”

 

Bật đêm lên

Một điểm bất ngờ

Vành trăng úp mặt hổ ngươi

Tôi ngửa mặt

Gặp gỡ

Trắng. Đen

(Phần 1. Bóng Sáng, Bài Số 8)

 

Mối liên hệ sáng-tối và sự cảm nhận về cái miên viễn của thời gian được Khánh Minh đưa vào thi ca như một thách đố:

 

Mầu rêu

Xóa hết đá xanh

Đố đêm xóa nổi

Cái vành vạnh trăng…

(Phần 1. Bóng Sáng, Bài Số 4)

 

Vẽ hoài trong đêm một vòng
Lăn hoài trên một đường cong rất mềm
Không lấm một chút nào đêm…

(Phần 1. Bóng Sáng, Bài Số 5)

 

Đố ai xóa nổi cái vành vạnh trăng? Đố ai làm lấm một chút nào đêm? Những câu hỏi đố rất tài tình như những công án Thiền Thoại Đầu khéo léo hướng tâm thức độc giả đến những bùng vỡ tri ngộ về lằn ranh của những việc khả-dĩ và bất-khả-dĩ.

Trong Thiền Học, có một câu dạy nổi tiếng của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ mà các hành giả đều thuộc lòng: “Phản Quan Tự Kỷ bổn phận sự, bất tòng tha đắc.”   Nghĩa ẩn dụ của “phản quan tự kỷ” là “soi lại để biết rõ chính mình”.  Tuy nhiên nghĩa đen của ẩn dụ này là “phản quang”, tức là bẻ cong ánh sáng! Câu hỏi ở đây là: Làm thế nào để có thể bẻ cong ánh sáng?  Nếu là một lực sĩ, người đó có thể bẻ cong một thanh sắt, nhưng không thể nào bẻ nổi một tia sáng bằng sức mạnh.  Cách duy nhất để bẻ cong ánh sáng là ứng dụng nguyên lý phản xạ của ánh sáng trên một mặt gương.

Cấu trúc căn bản của một tấm gương là một lớp thủy tinh và một lớp mạ bạc. Vai trò của lớp mạ bạc vô cùng quan trọng cho chức năng phản chiếu hình bóng của gương. Thiếu lớp mạ bạc này tấm gương sẽ không còn là gương nữa và đánh mất khả năng phản xạ ánh sáng trên bề mặt của chính nó.

Tâm thức của con người thường được ví dụ như tấm gương. Tâm nhận thức các hình sắc từ con mắt và phản xạ hình đó thành bóng (thường là ngôn ngữ) qua tấm gương soi của nhận thức. Trong đó “lớp mạ bạc” của “tấm gương tâm” chính là những kinh nghiệm nhận thức lưu trữ dưới dạng ký ức.

Vai trò của “lớp mạ bạc” của “tấm gương tâm  thức” này rất to lớn, nó quyết định thế giới này sẽ được phản chiếu ra sao.  Chính vì thế hành động “soi gương” là “tự kỷ” là tự tìm hiểu về chính mình và cũng có nghĩa là tìm hiểu về cách thức mà chính mình phản chiếu về thế giới. 

Muốn “bách chiến bách thắng” thì cần phải, “tri bỉ tri kỷ”. Muốn “tri kỷ” thì phải biết cách “soi gương”. Chúng ta hãy cùng dõi theo cách Khánh Minh “soi gương” tìm bóng qua bài thơ “Phía bên kia”

 

1.

Soi gương thảng thốt mặt mày

Mở hai con mắt không đầy được tôi

Thốt lên ngọng nghịu những lời

Bóng trong gương hỏi, tiếng người đó chăng?

 

Soi gương tìm nửa vầng trăng

Gương nhòa một bóng đêm, giăng bẫy người

Có đem theo được nụ cười

Đi qua bóng tối để trời sáng trăng?

 

2.

Soi đêm bóng hút hình sâu
Mắt kia nhìn nọ, lạ nhau mặt người
Bật lên thành tiếng đười ươi
Tàn hơi
giễu một âm cười bon chen

Soi đêm bóng tối ngòm đen
Vực lên con mắt mà lèn xanh cao
Chút kia cười rất ngọt ngào
Thốt ta tiếng nói xin chào phôi pha

Đêm tròn nở một bông hoa
Đứt lìa cuống rún khóc
òa sơ sinh
Lần theo tiếng hót bình minh
Nghe trong nắng vỡ một hình như. Quen

Mặt mừng tay bắt gọi tên

Ánh đêm sắc lẻm. Nhớ quên. Chia lìa

Thì rồi mai nọ mốt kia

Đem hình vá bóng sợ gì một-hai

 

Sau khi thành tựu việc  “soi gương” thi sĩ thành tựu việc “tri kỷ”, tức là “biết rõ chính mình” cho nên mới có sự hội ngộ vô cùng hy hữu tay bắt mặt mừng giữa “hình” và “bóng”. Và cũng từ lần hội ngộ đó, kẻ soi gương giải thoát khỏi tất cả sợ hãi: Cánh cửa nhị nguyên của “hình-bóng” và “một-hai” không còn làm cho kẻ biết “soi gương” hoảng sợ nữa:

 

Thì rồi mai nọ mốt kia

Đem hình vá bóng sợ gì một-hai

 

Sự hội ngộ “Mặt mừng tay bắt gọi tên” gia “ta-và-ta”  không phải xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà xảy ra trong bối cảnh của “Ánh đêm sắc lẻm” của sự nội quán:  Trong đó lằn ranh giữa “Nhớ” và “Quên” quyết định sự “chia lìa” hay “không chia lìa”!  Hay là nói cách khác: Chính “Nhớ” và “Quên” quyết định cái gì “Có” cái gì “Không”, cái gì “Hữu” cái gì “Vô”.

 

Đối với riêng tôi, bốn câu thơ cuối của bài “Phía Bên Kia” là bốn câu thơ xuất thần của  sự “phản quan tự kỷ”, và có giá trị rất lớn trên cả hai lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Hơn thế nữa, nó còn có thể được chiêm nghiệm thậm sâu để ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

 

Thi Tập Đêm là cuộc hành trình tiếp nối của Ánh Sáng và của Bóng sau bao nhiêu phản xạ, khúc xạ khắp chốn nhân gian nay trở Về Quê của Màn Đêm Tịch Tịnh. Rồi thì sao?

 

Thì rồi mai nọ mốt kia

Đem hình vá bóng sợ gì một-hai.

 

 

TÔ ĐĂNG KHOA

15.9.2021

(Đọc tập thơ Đêm của Nguyễn Thị Khánh Minh)

 

31 Tháng Ba 2024(Xem: 1097)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 788)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 721)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 716)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1379)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 978)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1123)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1110)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 910)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 994)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1308)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1070)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1179)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 765)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 993)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1084)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1290)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1236)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1669)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.