Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - CHUYẾN ĐI Á CHÂU CUỐI CÙNG

01 Tháng Sáu 202110:40 CH(Xem: 6941)
GS. Lê Quý Thể - CHUYẾN ĐI Á CHÂU CUỐI CÙNG


Chuyến đi Á Châu cuối cùng

image001

Chuyến đi Á Châu vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2019 có thể là chuyến đi qua nhiều nước cuối cùng của tôi.

Chuyến đi nầy tôi đã qua bốn thành phố lớn: Bắc Kinh của Trung Hoa, Sàigòn của Việt Nam, Bangkok của Thái Lan và Tokyo của Nhật Bản. Đây là những thành phố tôi đã đến và lần nầy mỗi nơi tôi dừng lại bốn năm ngày.

Trạm dừng chân thứ nhất là Bắc Kinh.

Lần đầu tiên tôi đến Bắc Kinh là tháng tư năm 2005, tôi đã đi tour mười bốn ngày của Trần Chính vòng quanh Trung Hoa từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Tây An, Quảng Châu và chấm dứt tại Hồng Kông. Ngày nay Trung Hoa có chương trình 144 giờ dừng chân tại Bắc Kinh mà không phải xin visa trước, visa sẽ được cấp miễn phí tại phi trường với điều kiện trạm đến kế tiếp phải ngoài nước Trung Hoa. Tôi muốn đến Bắc Kinh để xem thủ đô nầy thay đổi như thế nào sau 15 năm nước Trung Hoa bành trướng đủ mọi mặt. Trước hết cũng như mọi người dân Việt tôi rất căm thù chính sách bành trướng của chính phủ Trung Hoa nhưng tôi phải công nhận rằng tôi có thiện cảm với dân chúng Bắc Kinh. Sau thời gian năm ngày ở Bắc Kinh, tôi nhận ra có hai loại người Tàu trên đường phố, những người Tàu du lịch đến từ các thành phố khác vẫn có những truyền thống muôn thủa của họ, cư dân Bắc Kinh thì hoàn toàn khác hẳn. Ở khách sạn tôi được tiếp đãi rất lễ độ, ngoài đường phố các thanh niên rất sốt sắng chỉ đường khi tôi đi lạc, trên xe métro có người nhường chỗ cho tôi ngồi, tại vài khu giải trí tôi được vào miễn phí...
Cũng như dân chúng nhiều nước trên thế giới rất ghét chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ nhưng họ lại rất có cảm tình với dân chúng Mỹ và nhất là rất thích tiền đô-la Mỹ. Đối với Trung Hoa ta cũng cần phân biệt giữa chính phủ và dân chúng. Các cấp lãnh đạo Trung Hoa từ cổ chí kim đều có đầu óc bành trướng trong dòng máu của họ nên tôi không ngạc nhiên khi các nước láng giềng phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Ngày xưa Trung Hoa dùng vũ lực để xâm chiến các nước láng giềng, ngày nay họ dùng đồng tiền để thu phục cấp lãnh đạo các nước khắp năm châu và đạt được những gì họ muốn một cách rất có hiệu quả. Nhưng thôi tạm để chính trị qua một bên mà tận hưởng những gì thành phố Bắc Kinh có thể cung ứng cho tôi trong năm ngày tôi dừng chân tại đây.

Khi nói đến Trung Hoa mọi người sẽ liên tưởng ngay đến Vạn Lý Trường Thành, một kỳ quan của thế giới chỉ cách Bắc Kinh khoảng 50 cây số. Một công trình vĩ đại được xây dựng với mồ hôi và sinh mạng của vài trăm ngàn thường dân để các hoàng đế Trung Hoa có thể vững vàng bảo vệ ngai vàng của dòng họ mình chống lại hung nô phương Bắc nhưng cũng không tránh khỏi sự thống trị gần bốn trăm năm của Nguyên Mông trước đó và Mãn Thanh sau nầy. Ngày xưa Vạn Lý Trường Thành không ngăn cản được ngoại xâm phương Bắc thì ngày nay nó cũng chỉ là bức tường không có một giá trị chiến lược nào.

Thành phố Bắc Kinh đã thay đổi quá nhiều. Bắc Kinh có tất cả những gì một thành phố tân tiến phải có: đường phố rộng rải, sạch sẽ, những cao ốc với những siêu thị to lớn và vô số những cửa tiệm sang trọng với những mặt hàng từ loại bình dân rẻ tiền đến các loại cao cấp đắt tiền. Hai thứ tôi thích nhất ở Bắc Kinh là hệ thống métro và các nhạc kịch ban đêm.

Hệ thống métro của thành phố Bắc Kinh có lẽ là tân tiến nhất thế giới. Các trạm và các toa xe đều rất sạch sẽ, Các bản đồ métro giúp tôi dễ dàng tìm được chuyến xe đến nơi tôi muốn đến với giá bình dân. Các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh rất rõ ràng, các khung kính ngăn cách khách và đường rầy bảo đảm an toàn cho khách và cửa chỉ mở khi xe métro đã dừng hẳn tại trạm. Một nhân viên an ninh bước ra và khách bước xuống xe theo đường giữa và khách lên xe theo hai đường hai bên rất có trật tự. Nhân viên an ninh bước trở vào xe, xe đóng cửa và loa phóng thanh cho biết tên của trạm kế bằng tiếng Tàu và tiếng Anh. Xe vài ba phút có một chuyến nên không có cảnh chen lấn xô đẩy như ở một vài nước phương Tây.

Các nhạc kịch ban đêm thì hoàn toàn khác hẳn với những gì tôi đã xem tại các nước phương Tây. Ở đây không có những màn với những thiếu nữ gần như trần truồng mà toàn là những diễn viên nam nữ thân thể dẻo dai cộng thêm những kỹ thuật vô cùng tinh vi trình diễn trên một sân khấu rất rộng lớn. Tôi muốn nói đến các màn trình diễn kung phu của sư sãi phái Thiếu Lâm Tự, những động tác ngoạn mục của sự cân bằng, sự nhanh nhẹn và sự phối hợp vận động của cơ thể con người của các nam nữ trẻ tuổi trình diễn acrobat, những màn phóng như bay cùa mười chiếc mô tô chạy gần như bạt mạng trong một lồng cầu kích thước không quá 10m, phải có những kỹ thuật siêu đẳng mới không chạm vào nhau, không đụng vào nhau, không gây ra tai nạn.

Sáng sớm ngày thứ năm tôi bay về Sàigòn.

Trong thời gian gần đây tôi hầu như ghé Sàigòn hai lần mỗi năm để thăm con chị Năm tôi. Anh ta là bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam, sang Mỹ du học năm 1973 và có bằng Ph. D. của trường USC, là giáo sư và là trưởng khu sản phụ khoa của trường Đại Học Miami trong những năm 90. Anh ta là một trong một số rất ít bác sĩ tiên phong trong lĩnh vực thụ thai nhân tạo ở Mỹ, anh đã giúp nhiều gia đình hiếm muộn có con. Anh về hưu và chỉ muốn sống hưởng thụ ở Việt Nam.

Đêm đó sau khi ăn tối cùng cháu trai, tôi từ khu Vinhomes Central Park trên đường Nguyễn Hữu Cảnh về khách san. Khi xe taxi đến khu Nguyễn Huệ thì bị chận đường. Tôi hỏi lý do thì anh tài xế xin lỗi vì anh quên hôm nay có trực tiếp trận bóng tròn ở Bangkok. Anh đề nghị một là chạy vòng lại, hai là tôi qua phía bên kia đường để đón xe khác hay cùng nhập vào đám đông để xem trận đấu sắp bắt đầu. Vì hiếu kỳ tôi chọn giải pháp thứ ba. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy dân chúng đủ mọi lứa tuổi tụ họp trên đường phố đông như vậy. Trên đường Nguyễn Huệ từ bến Bạch Đằng đến tòa Thị chính chỉ có người và người ngồi trước sáu màn ảnh TV cao khoảng 4 thước, rộng khoảng hơn 6 thước để xem trực tiếp trận bóng tròn giữa hai đội tuyển quốc gia Việt và Thái.

Tôi đoán tất cả dân nghiền bóng tròn đang tụ họp tại đây cũng như tôi đã theo dõi nhiều trận đấu bóng tròn ở cấp siêu đẳng của các nước Âu Mỹ nhưng xem trận đấu của đội nhà vẫn có một cái gì đó thu hút mãnh liệt hơn. Tôi nhớ ngày xưa các học trò của tôi là những cầu thủ bóng tròn sơ đẳng cũng đã ghi lại cho tôi nhiều kỷ niệm khi tôi theo đội bóng của trường đi tranh giải cấp tỉnh, cấp khu. Đột nhiên tôi giật nẩy mình, mọi người cùng nhảy dựng lên và chục ngàn tiếng reo hò cùng vang lên một lượt làm tôi quay lại nhìn màn ảnh TV, một cầu thủ Việt Nam vừa xuất thần phá tung lưới của thủ môn Thái Lan. Tiếng reo hò cùng đồng loạt im bặt khi màn ảnh hiện lên cảnh trọng tài biên phất cờ việt vị, khán giả Thái Lan vỗ tay khen ngợi trọng tài sáng suốt và khán giả Việt Nam hò hét phản đối. Sau 90 phút giao tranh với không biết bao nhiêu lần reo hò và cũng như lo lắng của khán giả, hai đội huề nhau không không và tôi theo đoàn người đi bộ về khách san với một niềm vui vui trong lòng.

Ngày thứ mười tôi bay qua Bangkok.

Tôi đã đến Bangkok quá nhiều lần qua phi trường cũ Dong Muang rồi đến phi trường mới rộng lớn vô cùng tân tiến Suvarnabhumi. Sau Việt Nam, Thái Lan là nước tôi đến nhiều lần nhất. Tôi có thể nói tôi đã đi qua khắp mọi miền của đất nước Thái Lan. Về phía Nam tôi đã nhiều lần đến những khu nghỉ mát ở Pattaya, Phuket dọc bờ biển. Về phía Bắc tôi đã đến Chiêng Rai, Chiêng Mai, khu Tam giác Vàng giữa Lào Thái Miến Điện, nơi phát xuất độc dược giết hại không biết bao nhiêu thế hệ già trẻ khắp mọi nơi trên thế giới. Về phía Đông tôi đã đến Ubon trên đường qua xứ Lào để thăm vùng ngàn đảo trên sông Mékong, một con sông gần như khô cạn vì bị Tàu khống chế lưu lượng nước ở thượng nguồn. Tôi cũng đã dùng Bangkok làm trạm để qua Siam Riệp thăm Đế Thiên Đế Thích, một kỳ quan của thế giới ở  nước Campuchia.

Nước Thái Lan nhờ địa thế nằm giữa Đông Dương và Miến Điện đã trở thành nước độn giữa hai phe thực dân chủ nghĩa Pháp và Anh nên mấy trăm năm qua đã không bị chiến tranh tàn phá, đất đai lại phì nhiêu rất thích hợp cho nông nghiệp, dân chúng sống trong thanh bình. Toàn dân hầu như theo đạo Phật và họ rất tôn sùng vua và hoàng tộc. Du khách sẽ bị tù đày nếu lỡ miệng khen hay chê nhà vua và cả dòng họ của ông ta nữa, một ông vua theo tôi phải nói là thối nát, ngồi trên một đống vàng và quanh năm sống hưởng thụ tại một quốc gia Âu Châu nào đó.

Thái Lan có những ngày hội quanh năm như ngày lễ hội hoa đăng Loy Krathong với những lồng đèn thả trôi trên mặt nước hay bay bổng lên trời để tưởng nhớ đến những người thân đã quá cố. Nhưng ngày hội vui nhất là ngày lễ Songkran hay ngày lễ té nước vào những ngày đầu tháng tư dương lịch nhưng là ngày Tết đầu năm của Thái Lan. Vào những ngày nầy dân chúng tràn ra ngoài đường và tạt nước vào nhau với mục đích giúp xua đuổi những xui xẻo của năm cũ. Du khách ra đường đừng ngạc nhiên khi quay về khách sạn người ướt mèm từ đầu tới chân.

Cũng như những lần trước, lần nầy tôi rất thích những đồ ăn Thái và tự do hưởng thụ không biết bao nhiêu thú vui mà không nơi nào khác có thể có một cách công khai hợp pháp như ở Thái Lan. Phải nói đây là những tệ trạng của xã hội Thái Lan. Vì vấn đề kinh tế, vì muốn thu hút du khách nước ngoài Thái Lan đã chấp nhận những tệ trạng xã hội nầy đi ngược lại bản tính ôn hòa, tôn trọng giáo lý của người dân tôn sùng đạo Phật.

Về đêm ở Bangkok có nhiều shows giải trí rất lành mạnh đáng xem. Có hai shows mà hầu như lần nào đến Thái Lan tôi đều xem: “Bangkok ladyboy show”“Siam Niramit cultural show and dinner”. Show thứ nhất có tầm vóc quốc tế với các diễn viên xinh đẹp và hấp dẫn mặc các trang phục Âu Mỹ lộng lẩy. Show thứ hai gồm xe đưa đón, một bữa ăn tối và xem những màn trình diễn rất đồ sộ với cả mấy trăm diễn viên mặc các trang phục cổ truyền của Thái Lan, múa hát trên sân khấu rộng lớn cùng với nhiều thú vật trong đó có cả một đoàn voi.

Ngày thứ mười bốn tôi bay qua Tokyo.

Đây là lần thứ ba tôi đến thành phố rộng lớn và đông đúc dân cư nầy. Lần thứ nhất tôi đi tour qua các thành phố Tokyo, Kyoto, Osaka vào đầu tháng tư để xem hoa anh đào nở. Lần nầy tôi có một kỷ niệm đáng nhớ: sau bữa ăn tối tại công viên dưới chân lâu đài Osaka Cattle, trên đường đi về bến xe bus tôi đi lạc vào công viên với cả ngàn công nhân Nhật tụ họp dưới những gốc cây hoa anh đào vừa chuyện trò vừa uống rượu saké. Sau một lúc lanh quanh không tìm được đường, tôi quay lại lâu đài Osaka Cattle với đèn sáng trưng hiện rõ trong đêm tối và gặp ba bốn người đang đi tìm tôi, lúc lên xe bus tôi phải xin lỗi mọi người và nói trớ đi rằng men rượu saké đã giữ tôi lại không cho tôi về. Trên đường đi cô hướng dẫn cũng có dừng chân để ăn trưa tại thành phố Kobé với ý định cho khách có cơ hội thưởng thức món bò Kobé nổi tiếng, nhưng phải trả hơn 200 dollars Mỹ cho một miếng thịt bò không tới 200g thì điều đó vượt quá tiêu chuẩn cho phép của tôi, thôi để dành tiền về vùng Orange County ăn tạm phở bò Kobé vậy.

Tôi đến Tokyo vào tháng mười để xem cây lá thay màu khi trời vào thu. Lần nầy tôi có trọn một ngày để tham quan núi Phú Sĩ xinh đẹp và là biểu tượng của nước Phù Tang. Tôi cũng có đến thành phố Hiroshima cách Tokyo về phía nam hơn một ngàn cây số bằng 5 giờ đường xe lửa tốc hành. Hiroshima là nơi mà mấy chục ngàn người chết và hàng triệu người nhiễm phóng xạ vì trái bom nguyên tử “Little Boy” của Mỹ thả xuống vào cuối thời Đệ nhị thế chiến. Sau bao nhiêu năm thành phố được xây dựng lại và không còn một vết tích gì ngoài “Vòm bom nguyên tử” nằm trong “Công viên tưởng niệm hòa bình”, một kiến trúc còn đứng vững giữa một thành phố trong phút chốc đã trở thành bình địa.

Lần thứ ba nầy tôi đến Tokyo để xem đấu vật Sumo. Trước hết tôi đặt khách sạn Pearl Hotel Ryogoku, chỉ vài bước là đến trung tâm đấu trường Ryogoku Kokugikan và việc thứ hai là phải mua vé xem Sumo mấy tháng trước. Các trận đấu Sumo ở Tokyo mỗi năm chỉ có một hai tháng vào dịp nầy và vé sẽ bán hết rất nhanh. Vé gồm một buổi xem hơn mười trận đấu sumo và một bữa ăn giống hệt như bữa ăn của các võ sĩ Sumo thường dùng hàng ngày. Tuy phải trả giá vé rất đắt nhưng tôi có ghế ngồi vào vài hàng cuối trên cao của một đấu trường chứa gần mười một ngàn người.

Hai lực sĩ đô vật nặng trên hai trăm ký đứng sau hai vạch trắng đối diện nhau trong một vòng tròn đường kính không quá 5m và nhìn trọng tài làm những nghi thức rất long trọng. Khi trọng tài phất cờ khởi trận thì hai lực sĩ nhào tới nhau và cố gắng đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn. Lực sĩ nào bị đối thủ đẩy phải bước ra khỏi vòng tròn là kể như thua. Họ quay trở lại trong vòng tròn và nghe lời quyết định của trọng tài và trọng tài trao cờ chiến thắng cho lực sĩ mạnh hơn. Có trận kéo dài được vài ba phút, có trận chỉ vài chục giây đã quyết định được kẻ thắng người thua. Sau vài trận đấu lòng háo hức ban đầu của tôi cũng dần dần chìm xuống và cuối cùng ra về với một niềm hối tiếc vì đã chi một số tiền quá lớn.

Sau Tokyo tôi quay về nhà và được biết khi ghé Bắc Kinh thì dịch Covid 19 đã bắt đầu hoành hành ở thành phố Vũ Hán cách đó hơn một ngàn cây số.

Lê Quý Thể

6/2021

Chuyện bên lề: Ngày 24/2/2021 tôi đã được chích mũi vaccine thứ hai vào một buổi sáng đẹp trời tại Anaheim Convention Center. Tôi không cảm thấy một phản ứng nào khác lạ. Tuy được xem như miễn nhiễm Covid 19 nhưng hơn ba tháng qua tôi vẫn tránh ra đường vì một dịch khác cũng vô cùng khủng khiếp xẩy ra hàng ngày là dịch thù ghét những người gốc Á Châu lại thêm chuyện tên bay đạn lạc không biết đâu mà lường, chỉ trong vòng 72 giờ cuối tuần vào đầu tháng tư đã có hơn 250 vụ nổ súng trên khắp nước Mỹ làm vô số thường dân vô tội chết và bi thương. Thật không nơi nào giống như ở cái xứ Mỹ nầy!

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 567)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 654)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 442)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 601)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 569)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 703)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 706)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 950)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1067)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 850)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 988)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 804)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1680)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 764)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 703)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1698)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 964)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri