Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần Kết)

23 Tháng Năm 20212:34 SA(Xem: 7543)
GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần Kết)


SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần Kết)


Các đại nhạc hội ở Sài Gòn

 

Miền Nam trong khoảng 1956-1960 rất là yên bình. Năm 1957, nhân lễ Quốc Khánh chính quyền VNCH có tổ chức một hội chợ bên Thị Nghè. Ngỏ đi từ sở thú qua Thị Nghè có một cây cầu đúc, đêm khai mạc hội chợ người ta chen lấn, xô đẩy nhau trên cầu để vào hội chợ khiến 17 người chết và nhiều người bị thương vì dẫm đạp nhau và rơi xuống sông. Hội chợ vẫn tiếp tục mở cửa và mấy hôm sau má tôi dẫn anh em tôi đi chơi hội chợ thì thấy trên cầu chỉ còn lưa thưa người vào hội chợ, có lẽ người ta  e sợ tai nan có thể xảy ra nữa. Sau khi hội chợ chấm dứt thì khu hội chợ biến thành giải trí trường Thị Nghè, nơi có nhà hàng, trò chơi và trình diễn ca cỗ  do nghệ sĩ Lệ Liễu tổ chức.

Sau đó dù chiến tranh leo thang, tôi vẫn sống thời tuổi trẻ của mình trong hạnh phúc và hy vọng tương lai. Thời kỳ sinh viên, ngoài việc học tôi cùng các bạn đắm mình trong những cuộc vui chơi. Những ngày cuối tuần ban đêm chúng tôi đi bal, ban ngày đi dạo phố Bô Na (Bonard). Đôi khi chúng tôi đi xem đại nhạc hội.

Thời đó, đại nhạc hội là một chướng trình tạp kỷ bao gồm những tiết mục ca nhạc kịch, ảo thuật, xiếc, cải lương… Ban đầu ông bầu tổ chức là quái kiệt Trần Văn Trạch. Sau này là Duy Ngọc tại rạp Đại Nam và Tùng Lâm tại rạp Olympic.



image026

Quái kiệt Trần Văn Trạch

Ông bầu Duy Ngọc, sau năm 1975 vẫn hoạt động trong làng ca nhạc đến khi mất năm 2016. Đại nhạc hội của ông đã quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu nhiều thế hệ như tam ca AVT  (Lữ Liên, Tuấn Đăng, Vân Sơn); các nghệ sĩ cải lương Thành Được Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Hùng Cường; các ngôi sao ca nhạc Giao Linh, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền…; các nghệ sĩ kịch: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng. Người làm MC cho các buổi đại nhạc hội, thời đó gọi là hoạt náo viên nổi tiếng là Trần Văn Trạch, Ngọc Phu, Tùng Lậm..

 
image027

Bầu Duy Ngọc

 

Người ta còn nhớ thời đó có những lò đào tạo ca sĩ  mà về sau trở nên nổi tiếng trên vòm trời ca nhạc. Lò Nguyễn Đức có một lô ca sĩ họ Phương gồm Phương Hồng Loan, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc (Cẩm Hồng) hay trước đó là Hoàng Oanh< Thanh Lan và có cả nghệ sĩ hài như Thanh Hoài, Trần Tỷ. Lò Tùng Tâm giới thiệu Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Yến rồi Chế Linh, Giang Tử. Lớp nhạc Bảo Thu có Thanh Mai, Thanh Tâm sau này Kim Loan; Hoàng Thi Thơ có Sơn Ca, Bùi Thiện, Họa Mi;  Nguyễn Văn Đông đào tạo Giao Linh, Thanh Tuyền  …

image028Quái kiệt Tùng Lâm

 

 

Báo chí Sài Gòn

 

 

Miền Nam đi tiên phong trong lãnh vực báo chí. Tất cả những tờ báo đầu tiên của Việt Nam đều xuất xứ từ đây. Tờ Gia Định Báo ra đời ở Sài Gòn năm 1865 chỉ 3 năm sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ (1862).

 

Có thể nói, trước 1975 Sài Gòn là nơi mà báo chí phát triển và phong phú. Trừ một vài tờ báo là cơ quan thông tin và tuyên truyền của chánh quyền và quân đội, đa phần báo chí là của tư nhân.

image029

Ký giả Trần Tấn Quốc

 

Những người làm báo kỳ cựu ở Sài Gòn trước 1975 phải kể như các ông Nam Đình (Nguyễn Kỳ Nam) với tờ Thần Chung, Trần Tấn Quốc với tờ Tiếng Dội, Đinh Văn Khai với tờ Tiếng Chuông, bà Bút Trà với tờ Sài Gòn Mới...

Người Sài Gòn, không chỉ là người trí thức mà kể cả những người lao động đều có thói quen đọc báo mà người bình dân gọi là xem “nhựt trình”. Hình ảnh một ông công chức đeo kính trắng ngồi tréo chân trong một quán nước vừa ăn sáng, uống cà phê vừa đọc báo và một anh xích lô ngồi trên nệm xe xem nhựt trình trong khi chờ đợi khách là những gì người ta bắt gặp đây đó trong thành phố Sài Gòn.

Báo chí thời đó cung cấp đủ tiết mục khác nhau cho người đọc tuỳ theo sở thích của họ. Tin tức cho người theo dỏi thời cuộc, thể thao cho ai mê đá banh, bóng bàn, quần vợt, đua xe đạp..., kịch trường cho người thích cải lương, điện ảnh cho ai ham xem phim, nhứt là tiểu thuyết hay truyện dài đăng từng ngày (feuilleton) cho người mê đọc truyện.

 image030


Các ký giả được phân chía theo chuyên môn của họ: Kiên Giang, Nguyễn Phương, Trần Tấn Quốc ( cha đẻ giải Thanh Tâm của ngành cải lương) phụ trách trang kịch trường, Thiệu Võ, Huyền Vũ trang thể thao, Quốc Phong trang điện ảnh...Những danh xưng của các nghệ sĩ, ca sĩ, vận động viên thể thao được các ký giả đặt tên như “vua xàng xê” Minh Chí, “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “TV chi bảo” Phương Hồng Quế, “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh, “phượng hoàng” Lê Thành Các, thủ môn “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng...

image031

Nhật báo Trắng Đen

 

Nhưng thường một tờ báo ăn khách nhờ những tiểu thuyết, truyện dài từng kỳ. Tác giả đầu tiên viết tiểu thuyết feuilleton trên báo là Phú Đức với truyện trinh thám rất nổi tiếng Châu Về Hiệp Phố đăng nhiều kỳ trên báo Trung Lập và Công Luận từ năm 1926, về sau được đăng lại trên báo Thần Chung và Đuốc Nhà Nam trong những năm 60, 70. Hồi còn nhỏ tôi mê các nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn, Lệ Thuỷ, Lục Tặc trong bộ truyện này.

 

image032

Bà Tùng Long

 

Những tác giả sau này như bà Tùng Long, Dương Hà, Ngọc Linh, Hoài Điệp Tử... cũng rất ăn khách với nhứng tiểu thuyết tình cảm xã hội đăng hàng ngày trên các nhựt báo ở Sài Gòn.

 image033

Tòa soạn báo Sống

 

Với làn sóng di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam, làng báo Sài Gòn được tăng cường những nhân tố mới làm phong phú thêm món ăn hàng ngày của dân Sài Gòn. Nhiều tờ báo mới do người Bắc di cư chủ trương như Tự Do mà chủ nhiệm là Phạm Việt Tuyền, Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung và đình đám nhứt là tờ báo Sống của Chu Tử sau khi bị đình bản trở thành là Sóng Thần. Chu Tử là tác giả nhiều tiểu thuyết tình cảm ăn khách với tuổi trẻ Sài Gòn lúc đó nhứt là cuốn Yêu mô tả chuyện tình của cháu Diễm và chú Đạt, bạn của cha Diễm. Chu Tử tử nạn ngày 30/4/75 khi tìm đường rời Việt Nam.

 

Phải kể thêm những tiểu thuyết đăng báo ăn khách khác vào thời kỳ nửa đầu thập niên 70 của Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, Duyên Anh với Điệu Ru Nước Mắt, Nguyễn Thuỵ Long với Loan Mắt Nhung, Trần Đức Lai với Cậu Chó...

 

Một hiện tượng nổi bật trong làng báo Sài Gòn của những năm 60, 70 là phong trào xem truyện võ hiệp của Kim Dung. Các báo tranh nhau đặt mua báo Hồng Kông sớm nhứt để có bài mới của truyên Kim Dung đăng trên báo Hồng Kông đem dịch và đăng báo của mình hầu ra trước báo khác để câu đọc giả. Những dịch giả Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn nhờ cơn sốt truyện Kim Dung mà kiếm bộn bạc.

 

Sinh hoạt văn chương ở Sài Gòn

 

 

Văn chương miền Nam trước 1975 xét về khía canh văn phong có thể chia làm hai trường phái: văn chương trau chuốt của các tác giả gốc miền Trung và miền Bắc, văn chương miệt vườn của các nhà văn gốc miền Nam.

 

Trước 1954, nghĩa là trước làn sóng di cư của người miền Bắc vào Nam sau hiệp đinh Genève chia đôi đất nước, người ta đọc những tác phẩm của Phú Đức về trinh thám, Nam Đình về xã hội, Hồ Biểu Chánh về phong tục, Hồ Hữu Tường vừa trào lộng, vừa chính trị giả tưởng... Trong số các tác giả ấy có thể nói Hồ Biểu Chánh là người có gia tài văn chương đồ sộ nhứt. Má tôi là độc giả trung thành của nhà văn này dù bà học chưa hết bậc tiểu học vì những cốt truyện trong các tiểu thuyết của ông gần với những cảnh đời thường, tâm lý các nhân vật trong truyện giống như các hạng người trong xã hội đương thời và nhứt là lời văn bình dị như lối kể chuyện hay nói chuyện của người miền Nam.

 

Khi những nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn và nhứt là khi lớp học sinh, sinh viên gốc miền Bắc ra trường (dù tốt nghiệp hay không) nhập vào lớp đàn anh đã thành danh tạo nên một lực lượng hùng hậu các người viết văn gốc Bắc gần như thống trị môi trường văn nghệ Sài Gòn. Những Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Nguyễn Vỹ...và tiếp nối là Viên Linh, Thanh Tâm Tuyền, Thế Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long...xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn hay có các tác phẩm in thành sách.

 

Các nhà văn miền Nam tuy có mặt trên văn đàn khiêm nhường hơn nhưng cũng rất ăn khách: Sơn Nam với những câu chuyện về các địa phương miền Nam như xứ Cạnh Đền, xóm Bàu Láng..., Bình Nguyên Lộc mà tác phẩm nổi tiếng nhứt là Đò Dọc, Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, Ngọc Linh với Đôi Mắt Người Xưa...

image034

Nữ sĩ Nhã Ca

 

Các nhà văn gốc miền Trung cũng góp phần cho sinh hoạt văn chương Sài Gòn thêm náo nhiệt. Cũng nên kể ra một số khuôn mặt tiêu biểu như Võ Phiến, Võ Hồng, Trần Hoài Thư...


image035


Một hiện tượng đáng nhắc tới là các nhà văn nữ trong thời kỳ này cũng từng làm mưa làm gió trên văn đàn. Nhà văn gốc Bắc có Trùng Dương, miền Nam có Nguyễn Thị Thuỵ Vũ nhưng ba nhà văn nữ đình đám nhứt đều là gốc Huế: Nhã Ca, Tuý Hồng và Nguyễn Thị Hoàng. Đặc biệt, tác phẩm Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng trong những năm cuối của thập niên 60 đã gây bão tố trong làng văn chương và cả ngoài xã hội khi bà đã đưa chuyện tình của bà, một cô giáo (Trâm) với người học trò (Minh).

image036

Cũng trong thời kỳ này, các tạp chí, nguyệt san, tuần báo về văn nghệ như Bách Khoa , Văn, Văn Học, Khởi Hành... đưa những tác phẩm văn chương của các tác giả đến với người đọc. Tôi cũng có một số bài viết đăng trong Bách Khoa, Khởi Hành và một số nhựt báo ở Sài Gòn.

 


Tôi trở lại Sài Gòn

 

Cuốn phim đời Sài Gòn Và Tôi bị gián đoạn hơn hai năm sau ngày 30/4/1975 lúc tôi đi học tập cải tạo vì là giáo chức biệt phái. Mùa tựu trường niên khoá 1977-1978 tôi được cho dạy học lại tại trường Nguyễn Trãi quận 4, vốn là quận nhà của tôi cũng như bà xã tôi.

 

Nhưng về sau, nghề dạy học dù có mở lớp dạy thêm ở nhà cũng không giúp tôi nuôi sống gia đình một vợ hai con nên chúng tôi nghĩ ra việc mở quán nhậu vì vợ tôi có khiếu nấu nướng. Lúc đó, Việt Nam đang ở trong thời kỳ bao cấp nên số nhà hàng, quán ăn rất ít vì vậy ban đầu chúng tôi cũng tạm sống thoải mái. Nhưng sau này, vì thấy quán chúng tôi đắt khách người ta kiếm chuyện hoặc tăng thuế quá mức khi chúng tôi mở quán tư nhân hay chấm dứt hợp đồng khi chúng tôi hợp tác mở cửa hàng ăn uống dưới hình thức hợp tác xã, vì vậy chúng tôi đành phải đi ra nước ngoài.

 

Nhưng sau 22 năm xa xứ, năm 2008 tôi về hưu, hàng năm vào dịp tết tôi về Việt Nam để tìm lại hương vị mùa xuân ở quê nhà. Ngày trước tôi là người “thường trú”, bây giờ tôi là khách “tạm trú” của thành phố Sài Gòn dù đây là nơi tôi đã sống cả nửa đời người.

 

Bộ mặt Sài Gòn đã thay đổi. Thành phố lên cao hơn với những cao ốc chung cư đông hơn với làn sóng người đến từ miền Bắc, miền Trung và miền Tây và ồn ào hơn với khối xe gắn máy dày đặc trên các nẻo đường. Tôi không tìm thấy lại một Sài Gòn thân yêu, duyên dáng, lịch sự và văn minh của ngày xưa.

image037

Họp mặt với học trò cũ trường Ngô Quyền

 

Tuy nhiên, mục dích tôi trở về Sài Gòn, ngoài việc ăn tết còn để sống lại trong những thân tình của gia đình, bạn bè xưa và học trò cũ. Đó là những gì hạnh phúc và ấm áp trong buổi hoàng hôn của cuộc đời tôi.

 

Montréal, ngày 5/4/2021

 

 

 

10 Tháng Chín 2023(Xem: 2884)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3192)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3164)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2904)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2837)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2767)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3566)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2935)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3206)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3753)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3430)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2655)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2509)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4836)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 8026)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2687)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8620)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5183)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2615)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.