Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần 3)

17 Tháng Năm 20211:30 SA(Xem: 6926)
GS. Huỳnh Công Ân - SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần 3)


                                                    SÀI GÒN VÀ TÔI (Phần 3)

image001

Trường tư Sài Gòn*

 

Sau hiệp định Genève, hơn 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam làm xã hội ở đây có nhiều thay đổi.

 

Về mặt giáo dục, một số trường học trung học nổi tiếng ở Hà Nội như Chu Văn An (hậu thân của trường Bưởi), Nguyễn Trãi... và một số phân khoa đại học ở Hà Nội cũng theo làn sóng người di cư chuyển vào Sài Gòn. Vì chưa chuẩn bị kịp cơ sở nên lúc đầu trường Chu Văn An, Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm phải mượn một phần cơ sở rộng lớn của trường trung học Pétrus Ký để làm nơi giảng dạy. Sau này, trường Chu Văn An mới có trường sở riêng ở quận 5, Chợ Lớn. Trường Nguyễn Trãi cũng tạm trú ở trường tiểu học Lê Văn Duyệt ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3),mãi đến giữa thập niên 60 mới dời về quận 4.

 

Theo chân các trường học, các giáo sư và học sinh, sinh viên miền Bắc vào Sài Gòn làm đông đảo hơn lực lượng người dạy và học ở đây.

 

Số lượng các trường cấp học phổ thông (tiểu học và trung học) tăng lên. Nhưng số trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu của số học sinh quá đông nên các trường tư mọc ra như nấm. Do đó, việc mở trường tư ban đầu do các nhà giáo có điều kiện tài chánh rộng rãi nghĩ ra như các giáo sư Nguyễn Văn Khuê, Vương Gia Cần, Nguyễn Văn Phú (trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh), Trần Bích Lan (trường Văn Hoa ở đường Phan Thanh Giản)... Nhưng về sau, trường tư cũng là một hình thức kinh doanh của những nhà tư sản. Họ chỉ cần sở hữu hay thuê một căn nhà lớn nhiều phòng hay nhiều tầng để làm trường rồi mướn một người có bằng cử nhân làm hiệu trưởng để xin giấy phép của Bộ Giáo Dục mở trường trung học tư thục. Công việc còn lại là quảng cáo và mời giáo sư giảng dạy. Người ta thuê người vẻ các banderole giăng trên cao ngang đường hay những bảng thiếc đặt dọc đường đề tên trường, ngày khai giảng, danh sách giáo sư... Người ở Sài Gòn trước 1975 ai cũng biết những bảng quảng cáo các lớp luyện thi toán lý hoá của giáo sư Huỳnh Ngọc Tiếu được đặt đầy rẫy trên các đường phố. Sau 1975, tôi nghe nói bên Cali, giáo sư Tiếu cũng mở các lớp học thêm cho học sinh.

 

Phải nói thật lòng, trong thành phần giáo chức ngày xưa, đa phần là người Bắc di cư. Họ là thành phần trí thức ưu tú ở Hà Nội vào miền Nam để có môi trường sinh hoạt thích hợp hơn. Nói rộng hơn, sau năm 1954, nền văn hoá miền Nam bùng phát với sự tham gia của những người đến từ miền Bắc, đặc biệt là từ Hà Nội. Trong mọi lãnh vực văn hoá: văn chương, âm nhạc, điện ảnh, báo chí... và giáo dục người Bắc di cư cũng chiếm số đông. Trong suốt thời gian học trung học và đại học của tôi, các thầy tôi đa số là người miền Bắc di cư.

 

Như đã nói trên, tuy dạy trường công ở Biên Hoà nhưng tôi chỉ ở đó có hai ngày đầu tuần. Những ngày còn lại trong tuần, ở Sài Gòn tôi được bạn bè giới thiệu vào dạy một số trường tư. Tôi dạy trường Tân Văn ở đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ) gần chợ Đũi và Tân Việt ở đường Yên Đổ gần công trường Dân Chủ mà giám đốc là anh Nguyễn Lung. Anh Lung cũng là giáo sư toán, trước mở các cours luyện thi, sau mướn hiệu trưởng để mở hai trường đó. Nghe nói người đứng tên hiệu trưởng trường Tân Văn là luật sư Lê Đại Toàn, anh của tài tử Lê Quỳnh. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, anh Lung thường lấy xe Peugeot 403 chở chúng tôi đi ăn cơm tấm Trần Quý Cáp. Nguyễn Lung có một người vợ thật đẹp là bạn của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Sau này sau khi định cư ở Pháp, anh Lung và vợ đã thôi nhau.

 image015

Cơ sở cũ của trường Tân Văn

 

Trường Tân Văn có cơ sở là một ngôi biệt thự, cạnh trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh, có tường bao bọc chung quanh. Trong sân trường có một cây cổ thụ mà tàng cây che bóng mát cho phía dưới suốt ngày.

 

Cả hai trường Tân Văn và Tân Viêt đều có mở những lớp học ban đêm cho người lớn học để thi Tú Tài, đa số học viên là công chức và quân nhân. Sau này tôi thuê phòng học ở trường Thượng Hiền của thầy tư Kiệt để mở các lớp luyện thi Tú Tài.

 

Trong những năm cuối cùng trước ngày 30/4/75, tôi có dạy các trường tư khác như Đức Chính ở đường Bùi Viện, Saint Thomas ở nhà thờ Ba Chuông, Trương Minh Giảng, một trường ở gần chợ Bà Chiểu mà tôi quên tên và lớp đêm ở trường nữ trung học đô thị Cô Giang (trường Thälmann bây giờ) trên đường Trần Hưng Đạo. Chính ở đây tôi đã gặp người bạn đời của tôi.

 

Các phòng trà Sài Gòn

 

“Sài Gòn ta gởi cho em

Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do

Nhớ em! Ôi, thuở học trò

Này đường Nguyễn Trãi, con đò Thủ Thiêm”

(Khuyết danh)

 

Như đã nói ở phần trước, theo làn sóng di cư từ miền Bắc vào Nam, những văn nhân, nghệ sĩ của Hà Thành đã tìm đến Sài Gòn, nơi đất lành chim đậu.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã cho thấy điều đó qua câu ca “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” trong bài hát Nỗi Lòng Người Đi. Số lượng đông đảo người làm văn nghệ đến từ miền Bắc làm cho xã hội miền Nam khởi sắc hơn và nhất là thành phố Sài Gòn càng xứng đáng với danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông.

 

Những tác phẩm văn chương, những nhạc phẩm, những cuốn phim và những tuồng cải lương kinh điển của Sài Gòn trước 1975 vẫn sống mãi trong tâm hồn người Sài Gòn dù cho vật đổi sao dời. Đây là thời gian rực rỡ nhứt của văn học, nghệ thuật Sài Gòn. Thơ Nguyên Sa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”, nhạc Phạm Duy “Ta ngắt đi một cùm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”, minh tinh Thẩm Thuý Hằng, cô đào Thanh Nga là những biểu tượng không phai mờ theo thời gian của thành phố Sài Gòn.

Ánh đèn màu của Sài Gòn cũng không bao giờ tắt trong đêm cả trong thời gian chiến tranh leo thang khốc liệt. Vũ trường có đóng cửa thì người ta thay thế bằng phòng trà.

 image016

 

Một trong những phòng trà đầu tiên ở Sài Gòn là Anh Vũ ở số 43 đường Bùi Viện (phố Tây bây giờ). Ở đó, ban ngày là quán cơm bình dân cho học sinh, sinh viên và người lao động, ban đêm là phòng trà ca nhạc. Phòng trà Anh Vũ mở cửa năm 1960 và tồn tại chỉ có vài năm thì bị đóng cửa vì tình hình an ninh, nhưng đó là bệ phóng của những ca sĩ tên tuổi sau này của Sài Gòn: Thanh Thuý, Bạch Yến, Minh Hiếu, Lệ Thanh, Duy Khánh, Việt Ấn, Cao Thái, Duy Trác...



image017

Vũ nữ Cẩm Nhung trước và sau khi bị tạt acide

 

Cũng trong thời gian đó, một vụ án nổi tiếng xảy ra ở vũ trường Kim Sơn ở đường Tự Do: vũ nữ Cẩm Nhung bị vợ trung tá Thức cho người tạt acide vì ghen. Từ một cô vũ nữ xinh đẹp, Cẩm Nhung trở thành một người có một bộ mặt bị huỷ hoại tàn khốc. Trước đó ở Sài Gòn cũng có một vụ án vì ghen tương khác làm tốn bao nhiêu giấy mực trên các trang báo: vụ án cô Quờn đốt chồng...

 

Theo dòng thời gian, thời chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm vũ trường bị đóng cửa thì sau khi ông bị lật đổ, các ông tướng cho mở lại vũ trường nhưng đến năm 1968, sau biến cố tết Mậu Thân, vũ trường lại bị đóng cửa và phải chuyển sang hình thức phòng trà,

image018

Phòng trà Tự Do

 

Chúng ta phải kể tên những phòng trà nổi tiếng thời kỳ này là: Queen Bee với ban nhạc Shot Gun của Ngọc Chánh ở building Eden, Đêm Màu Hồng với ban hợp ca Thăng Long ở đại lộ Nguyễn Huệ, Tự Do với các ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu ở đường Tự Do, Maxim’s ở khách sạn Majestic và Ritz của Jo Marcel ở đại lộ Trần Hưng Đạo.

 

Tôi thường đến phòng trà Queen Bee nghe nhạc vì ở đây chỗ ngồi thoải mái và âm thanh rất hay.

 

Các Tiệm Giày ở Sài Gòn

 

Người miền Bắc vào Sài Gòn không quên mang theo nghề nghiệp cha truyền con nối của họ. Khi tôi học ở trường Chu Văn An thì bạn học tôi đa số là con của những gia đình người Bắc di cư nên tôi biết cha mẹ họ đã thành công khi lập nghiệp ở Sài Gòn. Có người là con ông chủ tiệm may Tụ Bảo, có người là con chủ nhà mai táng Tô Bia… đều là những cửa hiệu nổi tiếng ở Tân Định.

 

Nghề đóng giày cũng là lãnh vực chuyên môn của người miền Bắc. Ai là dân Sài Gòn lâu đời trước 75 mà không biết đường Lê Thánh Tôn là phố hàng giày của Sài Gòn. Tôi còn nhớ một vụ cướp của giết những người trong gia đình tiệm giày Nam Việt ở đường Lê Thánh Tôn làm chấn động cả thành phố Sài gòn không thua gì vụ án cô Quờn đốt chồng hay vũ nữ Cẩrm Nhung bị tạt acide.

 

Tuy nhiên  quận 4 hay chính xác hơn đường Hoàng Diệu quận 4 là nơi tập trung những nghệ nhân đóng giày của Sài Gòn. Họ là truyền nhân của những thợ đóng giày ở làng Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương ngoài Bắc. Không như ngày nay, người ta đến những tiệm bán giày đóng sẵn, đi thử đôi nào vừa thì mua. Ngày trước, người ta đặt giày trước bằng cách đến để được đo ni tấc bàn chân của mình và tiệm sẽ cho cái hẹn để đến thử và nếu vừa thì họ mới lấy.

 

Tiệm giày nổi tiếng nhứt ở quận 4 và cả Sài Gòn là tiệm giày Gia ở đường Hoàng Diệu. Tôi biết anh Gia chủ tiệm từ lúc còn học trung học vì em của anh tên Hà là bạn học với tôi ở trường Nguyễn Văn Khuê. Trái với Hà rất đẹp trai, anh Gia mặt rổ hoa mè. Ban đầu, tiệm của anh trong hẻm của đường Đỗ Thành Nhân (Đoàn Văn Bơ bây giờ) và sau lưng đường Hoàng Diệu. Sau này khá giả, anh mua nhà đường Hoàng Diệu để mở tiệm. Những năm sau cùng trước 1975, tiệm giày Gia có nhiều chi nhánh khắp Sài Gòn. Lúc đó ông chủ tiệm thuê các thiếu nữ đẹp, mặc áo dài để đo chân khách.


image019

Tiệm giày Sài Gòn, đường Hoàng Diệu

 

Khi bắt đầu đi dạy tôi đặt giày ở tiệm Gia. Ở trên đường ngoài tiệm giày Gia còn nhiều tiệm khác như Gia Phong, Sài Gòn, Khánh Hội… Nghe nói sau 1975, tiệm giày Gia có xuất hiện ở Cali, Hoa Kỳ nhưng sau này tôi không còn nghe ai nhắc tới. Có lẽ nghệ thuật đóng giày thủ công không thể cạnh tranh về giá cả với kỷ nghệ làm giày bằng máy móc.


Ăn uống ở Sài Gòn

 


image020

Phở Tàu Bay đường Lý Thái Tổ

Một nghề chuyên nghiệp khác của người Bắc di cư là nấu phở. Người miền Nam trước đó chỉ biết đến hủ tíu: hủ tíu của người Hoa, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Vĩnh Long hay hủ tíu Nam Vang… Sau năm 1954, cùng với sự hiện diện của những người đến từ miền Bắc, những tiệm phở của họ đem đến cho Sài Gòn một hương vị mới: phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ, Phở Hòa ở đương Pasteur, Phở Bắc đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi), phở Cao Vân đường Mạc Đĩnh Chi… Sau này theo chân người Việt định cư ở nước ngoài những thương hiệu nói trên cũng được thấy ở các thành phố lớn của Mỹ, Canada, Pháp, Úc…

 image021

Hủ tíu Thanh Xuân

Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, nếu muốn ăn phở ngon thì phải đến tiệm của người miền Bắc, muốn ăn hủ tíu hay hủ tíu mì thì phải vào tiệm nước người Tàu. Người Hoa ở Hải Phòng di cư vào Sài Gòn mang theo món mì La Cai và mì vịt tiềm ở tiệm Hải Ký Mì Gia đường Nguyễn Tri Phương (đường Lacaze thời Pháp thuộc vì vậy mới từ mì La Cai). Nhưng người Sài Gòn vẫn không quên tiệm hủ tiếu Thanh Xuân ở đường Tôn Tất Thiệp gần chùa Chà Và.

 

Là một người từng lang thang ở phố Lê Lợi vào cuối tuần tôi không quên được hai món ăn sáng khoái khẩu ở nhà hàng Thanh Bạch kế nhà thương Sài Gòn: pâté chaud và bánh mì bò kho hay bún suông ở nhà hàng Thanh Thế đường Nguyễn Trung Trực. Sau này không còn nhà hàng Thanh Thế thì tôi ăn bún suông chỗ sạp cô Mai trong chợ Sài Gòn.

 

Còn nhiều món ăn ngon khác mà người Sài Gòn không quên như bánh mì Bưu Điện, bánh mì Tòa Đô Chánh, bánh mì Nguyễn Ngọ (trên đại lộ Trần Hưng Đạo), bánh xèo Đinh Công Tráng, bánh cuốn Tây Hồ ở Đa Kao, cháo vịt Thanh Đa, bò bảy món Ánh Hồng ở Phú Nhuận, bánh bao ông Cả Cần ở ngả sáu Chợ Lớn...

Truyền thanh và truyền hình ở Sài Gòn

Năm 1939, chính phủ Pháp cho thành lập đài phát thanh Radio Sagon như là tiếng nói của nước Pháp tại Viễn Đông phục vụ cho nước Pháp trong thời kỳ thế chiến thứ 2 dưới sự điều khiển của ông Jacques LeBourgeois.

 

Ngày 9/3/1945 đài này im tiếng sau khi Nhật đảo chánh Pháp và đài này chỉ hoạt động trở lại tháng 12 năm 1945 sau khi Pháp theo chân quân đội Đồng Minh trở lại Sài Gòn. Đến năm 1950 , đài này đổi tên là đài phát thanh Pháp Á (Radio France-Asie). Ngày 27/2/1956 đài Pháp Á được giao lại cho chánh quyền của ông Ngô Đình Diệm và từ dó người ta có đài phát thanh Sài Gòn.

 

Cho đến năm 1975, tôi thích nhất là giọng nói của hai xướng ngôn viên Lệ Hồng và Văn Thiệt trên đài Sài Gòn. Đài Pháp Á và đài Sài Gòn đối với các nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, nghệ sĩ cải lương... là một môi trường giúp họ phát triển tài năng vì đã mang tiếng nhạc, lời ca, tiếng nói của họ đến người dân miền Nam.

 

image022

Vé số kiến thiết trước 1975

 

Tôi còn nhớ ngoài những mục tin tức, bình luận, ca nhạc kịch, ngâm thơ... có những chương trình đặc biệt mà khi đến giờ phát thanh ai cũng mong chờ. Chiều thứ sáu (?) dù đang ở sở làm hay ở nhà người ta mở radio để nghe xổ số và bài hát mở đầu cho buổi xổ số do nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình bày mà tới nay người dân cố cựu của Sài Gòn vẫn còn nhớ những câu như:

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà”

 image023



Tối thứ bảy, người mê cải lương được nghe trực tiếp truyền thanh một tuồng mới của một đoàn cải lương nổi tiếng của Sài Gòn. Khi nào có một trận đá banh quốc tế thì người ghiền môn túc cầu sẽ được ký giả Huyền Vũ tường thuật trục tiêp qua làn sóng điện. Lối diễn tả trận đấu của Huyền Vũ rất sôi nổi đến nay chưa ai có thể qua được. Tôi còn nhớ câu nói để diễn tả tỷ số 0-0 của hai hội banh, Huyền Vũ thường sử dụng câu: "Màn lưới đôi bên vẫn còn trinh bạch”. Lúc còn nhỏ, nhà tôi không có radio, tôi phải ngối ngoài sân nhà hàng xóm với đám con nít để chăm chú nghe tường thuật trận đá banh. Nhờ Huyền Vũ tôi quen tên những hội banh như Ngôi Sao Gia Định, AJS (sau là hội Cảnh Sát Quốc Gia), Quan Thuế, Tổng Tham Mưu… và những cầu thủ: Kane, Don, Myo Tam Lang, Rạng, Ngôn, Tư… Thời đó, nền bóng tròn của Hồng Kông là nổi trội nhứt ở Á Châu nhứt là đội Nam Hoa với cầu vương Lý Huệ Đường, Hội banh Việt Nam thường thua các hội Hồng Kông mỗi khi chạm trán với họ. Nhưng có lần hội tuyển Việt Nam phá lệ thắng hội Nam Hoa. Hôm đó dân Sài Gòn mừng vui như ngày hội, nhưng người ta không xuống đường chạy xe gắn máy ồn ào như những “fan bóng đá” ngày nay.

 

Ngày 7/2/1966, buổi phát hình đầu tiên của đài truyền hình Sài Gon lúc 19 giò tối do một phi cơ C121 của Mỹ bay trên không phận Sài Gòn phát ra. Về sau, ngày 25 tháng 10 năm 1966, trụ sở trên mặt đất đươc thiết lập tại số 9 đường Hồng Thập Tự. Lúc đầu truyền hình Sài Gòn chỉ phát hình một giờ mỗi ngày, về sau lên tới 6 giờ một ngày và nhiều hơn nếu là cuối tuần. Những năm sau đó người ta mở thêm các đài truyền hình Cần Thơ, Huế, Quy Nhơn và Nha Trang.

 image024

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa, giám đốc đài truyền hình Sài Gòn

 

Đài Sài Gòn phát trên băng tần số 9, Cần thơ tần số 7 và đài Mỹ AFVN (Armed Forces Vietnam Network) tần số 11. Những chương trình của đài Mỹ lấy từ chính quốc rất phong phú. Ba tôi đêm nào cũng thức khuya để xem đấu vật (wrestling). Tôi thích xem những phim cao bồi như Gunsmoke, Bonansa, Wild Wild West… Đứa em kế tôi thích phim chiến tranh như Combat hay Assault. Những đứa em nhỏ hơn thì xem phim hoạt họa như: Peanut, Flinstone… hay phiêu lưu Batman. Lại còn phim khoa học viễn tưởng như Lost in space, Startreck (người ta thường gọi là phim Lỗ Tai Lừa) hay gián điệp như Mission Impossible. Phim ma diễu thì có Adam Family... Tuy không hiểu hết nội dung vì phim nói tiếng Anh nhưng mọi người đều thích thú vì không cần đến rạp xi nê mà vẫn coi được phim.

 image025

Nữ xướng ngôn viên đài truyền hình Sài Gòn

 

Tuy nhiên không phải nhà nào cũng có TV. Giá một máy truyền hình lúc đó bằng mấy tháng lương bình thường. Nếu nhà không có TV thì người ta xem ké bên nhà hàng xóm. Tôi nhớ lúc còn dạy ở Trà Vinh, đám thầy giáo chúng tôi tối nào cũng đến nhà bác sáu Chẩn, giám thị trường trung học Vĩnh Bình để xem TV. Sau này trở về Sài Gòn tôi mua cho gia đình một máy truyền hình hiệu Denon 16 inch. Màn ảnh nằm trong một cái thùng gỗ có cửa. Sau năm 1975, trong thời gian khó khăn, nhà không có TV mỗi lần có tranh cúp Mondial, tôi phải sang nhà người học trò bên cạnh xem ké trận đấu.

 
(Còn Tiếp)


22 Tháng Tư 2023(Xem: 3049)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3163)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3181)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4608)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4434)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3077)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3298)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3490)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
31 Tháng Ba 2023(Xem: 3177)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
24 Tháng Ba 2023(Xem: 3260)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời
21 Tháng Ba 2023(Xem: 3497)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5430)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3727)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3804)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3083)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 2023(Xem: 2990)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 2023(Xem: 3327)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5498)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
22 Tháng Hai 2023(Xem: 3095)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 2023(Xem: 4402)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.