Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 40

28 Tháng Mười Hai 202010:44 CH(Xem: 7223)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 40

NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 40   

      


Thứ hai 14 tháng 12


Khi tất cả các trường học trên toàn nước Mỹ đóng cửa vào tháng 3 năm nay vì đại dịch cúm Vũ Hán bắt đầu bành trướng, Brett Mozarsky, sinh viên năm thứ tư ngành Hóa học ở trường Đại học tư Haverford College ở tiểu bang Pennsylvania lo ngại các em học sinh Trung học không thể tiếp thu kiến thức có hiệu quả với cách học qua màn hình.


Brett đặc biệt quan tâm đến những em học sinh Trung học là con của những bác sĩ, y tá làm việc ở các bệnh viện ở thành phố New York (tâm dịch của Mỹ vào tháng 3, tháng 4 năm nay). Khi cha mẹ của các em làm việc căng thẳng,  trên 12 tiếng mỗi ngày ở bệnh viện thì đâu còn thì giờ, và sức lực giúp đỡ con cái của họ, các em từ 11 đến 17 tuổi lần đầu tiên trong đời học online. 


Là một thành viên của "Peer-Led Team-Learning Program", các sinh viên giỏi kèm cặp các sinh viên học kém của Phân Khoa Hóa học ở Haverford College, Brett nghĩ là kinh nghiệm "dạy kèm" của anh sẽ giúp được các em học sinh Trung học học online nếu các em không hiểu bài mà không biết hỏi ai.

Brett gởi một một flyer qua email quảng cáo về “dịch vụ” dạy kèm online miễn phí của mình cho học sinh Trung học đến các bệnh viện ở New York, sau khi nghe chuyện các nhân viên tuyến đầu ở đây làm việc từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày vì bệnh viện lúc nào cũng đầy bệnh nhân nhiễm cúm Tàu.

Dịch vụ dạy kèm thiện nguyện của Brett dạy kèm bảy môn : Sinh vật, Hóa học, Vật lý, Toán, Lịch sử, English, và Spanish. 


blank

                                                                    Brett Mozarsky, Courtesy of 6abc.com


Lúc đầu chỉ có mỗi mình Brett là thầy dạy kèm. Số học sinh ngày càng đông. Tiếng lành đồn xa, có cả những học sinh con em của các bác sĩ, y tá, nhân viên các bệnh viện ở tận Florida, hay mãi bên California. Brett phải "tuyển mộ" thêm các thầy cô dạy kèm khác, đa số là bạn của anh ở Haverford College. 

Đến tháng 6, "Free for the Frontlines Tutors" đã có 50 sinh viên trẻ tình nguyện dạy kèm online cho các em học sinh Trung học. Và dịch vụ dạy kèm miễn phí này mở rộng đến cho con em của tất cả những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch: người làm ở các chợ bán thực phẩm, nhân viên Bưu điện,  nhân viên giao hàng, nhân viên vệ sinh, cảnh sát, nhân viên chữa lửa....


Đầu tháng 9, các thầy cô giáo dạy kèm thiện nguyện bắt đầu niên học mới, họ không dám nhận thêm học sinh mới nhưng vẫn thường xuyên giúp các học sinh cũ tiếp nhận kiến thức dễ dàng qua lối học qua màn ảnh còn xa lạ với học trò Trung học trở xuống.


Đó là cách các sinh viên trẻ góp phần mình vào việc chống đại dịch, và lời cảm ơn bằng hành động gởi đến các nhân viên tuyến đầu đã phải đối diện hàng ngày với nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân và cho cả gia đình.


Cuộc đời vẫn đẹp, vẫn xanh màu hy vọng ngay cả khi người ta vẫn còn ở trong đường hầm thăm thẳm tối đen của đại dịch vì có những đóng góp thầm lặng như  "Free for the Frontlines Tutors" của Brett Mozarsky và các sinh viên của Haverford College.



***


Thứ ba 15 tháng 12


Xitlali Vasquez đã phải nằm bệnh viện Nhi đồng ở Los Angeles (Children's Hospital Los Angeles) 12 ngày vì có một lúc nào đó trong tháng 5, tim của em ngừng đập vài giây. Thân nhiệt tăng cao khiến cô bé 8 tuổi ngủ mê man.

Xitlali được đưa đến bệnh viện, được điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt ICU cho những bệnh nhân đang ở tình trạng nguy kịch. Mẹ của em đứng phía ngoài, không biết làm gì hơn ngoài cầu nguyện. Các bác sĩ cho bà biết cô con gái 8 tuổi của bà sẽ bị hôn mê vài ngày nữa trước khi tỉnh lại, và em sẽ phải nằm bệnh viện một thời gian khá dài.


Xitlali là em bé đầu tiên ở Los Angeles County bị nhiễm MIS-C, một di chứng của COVID-19 với con nít, có nguy cơ tử vong.


Vô cùng may mắn, Xitlali chỉ phải nằm bệnh viện 12 ngày. Đó là những ngày cha mẹ em sống trong một cơn ác mộng. Có những lúc tưởng là cô con gái mới 8 tuổi của họ sẽ không bao giờ có thể tỉnh lại để về với gia đình. Nhưng em đã chịu một di chứng khác: tiểu đường loại 1(Type 1 diabetes).


blank

Xitlali Vasquez -  Courtesy of Allen J. Schaben / Los Angeles Times



MIS-C chỉ có ở trẻ con , bệnh đến rất nhanh, sốt cao trong 4 hoặc 5 ngày. Cùng lúc, các em sẽ bị đỏ mắt, lưỡi và môi đều đỏ lên , tay hoặc chân cũng đỏ và sưng lên, có nguy cơ tử vong nếu không mang vào bệnh viện kịp thời. 

Đến cuối tháng 12, đã có 45 em bé ở Los Angeles County bị nhiễm MIS-C như Xitlali , và đã có một em qua đời vì MIS-C, một di chứng từ COVID-19


Cũng giống như đại dịch cúm Tàu, đa số bệnh nhân tử vong là người Mỹ gốc Phi Châu, và người Mỹ gốc Latin, trẻ em thuộc hai nhóm chủng tộc này cũng chiếm đa số trong các em bé bị nhiễm MIS-C.


Ở Los Angeles, nơi có rất đông người Mỹ gốc Latin sinh sống, 73% trẻ em nhập viện vì MIS-C là các em gốc Latin. Trong khi đó, theo số liệu từ CDC, trên toàn quốc Hoa kỳ, có 40% các em gốc Latin. và 36% các em bị nhiễm MIS-C gốc Phi Châu, 24% còn lại là các em thuộc nhiều chủng tộc khác nhau.


Rõ ràng có nhiều hệ lụy gắn liền với chủng tộc, văn hóa, và màu da. Hệ lụy này dẫn đến kết quả tốt hay xấu tùy theo trình độ, sự hiểu biết của mỗi người. Không ai có thể chọn màu da, hay chủng tộc của mình, nhưng người ta có thể chọn cách sống của mình để làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn.


***


Thứ tư 16 tháng 12


Chỉ có một ông già Noel duy nhất, nhưng có đến hai website theo dõi hành trình của ông khắp trái đất. 


Trang NORAD Tracks Santa hiện hữu từ năm 1955, cũng cố truyền thống Giáng sinh và niềm tin ngây thơ của trẻ con "Yes, Virginia, there is a Santa Claus" nên hay hơn, có tính thuyết phục hơn, dù không có nhạc, nhưng có hình ảnh Santa Claus trong bộ đồ màu đỏ quen thuộc, dong ruổi trên từng phần đất của địa cầu trên cái xe gỗ có chín con  tuần lộc kéo, chạy vun vút nhanh hơn máy bay.


Không chỉ trẻ con, mà tối 24 hàng năm có nhiều người lớn đã không tin có ông già Noel từ lâu(trong đó xin tự thú có chúng tôi) vẫn theo dõi bước chân của Santa Claus trên từng nẻo đường của địa cầu. Trang này do một nhóm kỹ sư của North American Aerospace Defense Command (NORAD) thực hiện từ đầu tháng 12, thu thập các dữ kiện về con số trẻ con còn trong độ tuổi tin có ông già Noel, chỉ được mở lên cho tất cả mọi người cùng theo dõi từ ngày 23 đến tối 24 rạng sáng 25 tháng 12 hàng năm.


Đã 65 năm qua,nhiều thế hệ kỹ sư của North American Aerospace Defense Command bỏ công sức làm thiện nguyện việc này. Trước kia thì chỉ trên màn ảnh Tivi , gần 30 năm nay thì ở website https://www.noradsanta.org


Trên cùng của màn ảnh luôn có một dòng chữ với 3 yếu tố quan trọng: tên thành phố ông già Noel vừa rời,  mất bao nhiêu phút để ông có mặt ở thành phố kế tiếp, và cuối cùng là ông đã phát bao nhiêu món quà. Dĩ nhiên, chỉ có những thành phố lớn mới được có trên mặt trên NORAD Tracks Santa. Có lần bị một em bé (vẫn còn tin có ông già Noel) hỏi tại sao không thấy tên thành phố của mình trên Norad, chúng tôi đã phải nói láo để nuôi dưỡng niềm tin trẻ thơ lâu hơn:


- Vì Santa lớn tuổi nên đôi lúc ông không nhớ hết  tên tất cả các thành phố ông đã đi qua.


Christmas 2020 vì đại dịch, ông già Noel cũng phải mang khẩu trang màu xanh, nhưng chín con tuần lộc thì có lẽ được miễn nhiễm nên không bị mang facemask.


blankblank

        https://www.noradsanta.org     Christmas2020     https://santatracker.google.com

                       


Trang web thứ hai dõi theo bước chân của ông già Noel (người vẫn "mang tiếng" là mỗi năm chỉ làm việc một ngày) thuộc Google. Trang https://santatracker.google.com sinh sau đẻ muộn, vào năm 2004, chưa có kinh nghiệm nên dù có những kỹ sư giỏi của công ty kỹ thuật lớn nhất thế giới góp tay vào trang này mỗi tháng 12, có cả nhạc đệm, nhưng vẫn còn thua trang NORAD nhiều lắm. Cuối trang này cũng có những tin tức như trang NORAD : mất bao nhiêu phút để Santa Claus có mặt ở thành phố kế tiếp, và ông đã tặng cho cho các em nhỏ bao nhiêu quà. 


Trang https://santatracker.google.com/  chỉ có ông già Noel (cũng mang khẩu trang năm nay 2020) ngồi trên xe của ông, không có bóng dáng con tuần lộc nào. Và đến mỗi thành phố, Santa Claus trút quà qua ống khói trông giống như trút đi gánh nặng, làm mất hình ảnh ông già Noel vào từng nhà qua ống khói, nhẹ nhàng đặt món quà ở cạnh lò sưởi hay cây thông giáng sinh. Hình như trang này giúp người lớn ôn lại môn Địa lý hơn là giúp trẻ con có một tuổi thơ thần thánh, hồn nhiên.


Santa Claus của Google cũng mang mask màu xanh rất cẩn thận. Có lẽ vì sợ nhiễm Coronavirus, ông già Noel đã đổ quà qua ống khói, không dám chui qua ống khói vô từng nhà như trong huyền thoại?


Đã qua tuổi tin có ông già Noel hiện hữu trên đời từ rất lâu, chúng tôi vẫn hào hứng theo dõi bước chân Santa Claus vào hai ngày 23 và 24 hàng năm. Năm nay, giữa một Noel khác thường vì đại dịch, chúng tôi cứ tưởng tượng không biết trong những gói quà Santa Claus mang đến có thuốc chủng ngừa đại dịch hay không? 


Dù rất bận rộn, Bác sĩ Anthony Fauci cũng đã góp phần nuôi dưỡng niềm tin của trẻ thơ khi các em hỏi ông già Noel có đến trong đại dịch, ông Bác sĩ giỏi, đầy kinh nghiệm cũng đã phải trấn an các em bằng cách khẳng định Santa Claus đã được chính ông chích ngừa COVID-19, nên Santa Claus sẽ vẫn đến cho các em quà dù đang trong thời gian đại dịch hoành hành mạnh nhất. 



***


Thứ năm 17 tháng 12


Hai chị em song sinh Janese and Janice Cockfield bước vào tuổi 59 khi đại dịch bùng phát. 

Janice làm việc cho chi nhánh của Delta Airlines ở Atlanta, tiểu bang Georgia. Không hiểu bị lây từ ai, từ những ngày đầu tháng 3, khi Coronavirus bắt đầu hoành hành Hoa kỳ, Janice là một trong những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Mỹ.


Bà chìm trong hôn mê (coma), phải thở bằng ventilator 57 ngày trong tổng số 115 ngày ở bệnh viện và trung tâm vật lý trị liệu (rehabilitation clinic).

Trong 115 ngày, từ Miami, Florida, cách xa Atlanta 600 miles, Janese cầu nguyện hàng ngày, và theo dõi tình trạng của người em song sinh qua Facetime với sự trợ giúp của các y tá ở bệnh viện. Một trong những cô y tá ở đó đã trở thành bạn thân của Janese. Hình như ngoài thuốc men, thần giao cách cảm giữa hai chị em sinh đôi giúp Janice chiến thắng Coronavirus, quay trở lại đời sống bình thường với một số di chứng để lại, không biết bao giờ mới chấm dứt. 

Hàng năm, hai chị song sinh vẫn du lịch cùng nhau vào ngày sinh nhật của họ. Năm nay, lần đầu tiên trong đời, vì đại dịch, họ ở xa nhau vào ngày cả hai chào đời.


Cuộc chiến đấu và thắng Coronavirus của hai chị em song sinh được kể lại trên Atlanta Journal-Constitution để tạo nguồn cảm hứng cho các bệnh nhân COVID-19 và thân nhân của họ. Hai chị em cũng được phỏng vấn bởi CNN. Một ngạc nhiên bất ngờ là cuộc phỏng vấn đó tình cờ được CEO của Delta Airlines, Ed Bastian lắng nghe. Cuối cuộc phỏng vấn, ông Ed Bastian gọi điện thoại vào CNN tặng một món quà Giáng sinh đặc biệt cho nhân viên của mình, Janice Cockfield, và bà chị song sinh Janes, hai vé máy bay khứ hồi (round trip tickets)  business class đi đến bất cứ đâu trên thế giới có đường bay của Delta Airlines để kỷ niệm sinh nhật kế tiếp.


Cuối cuộc phỏng vấn, cựu bệnh nhân COVID-19 Janice cho biết:

"Khi bạn tỉnh dậy sau một cơn hôn mê kéo dài suốt hai tháng vì Coronavirus, bạn không thể di chuyển tay chân, bạn không thể bước, thậm chí bạn không thể gãi được đầu của chính mình!”


Bà Janese thì khẩn thiết yêu cầu tất cả mọi người:

"Xin vui lòng mang khẩu trang. Bạn sẽ không bao giờ muốn trải qua những gì chúng tôi đã chịu đựng , chỉ cần đeo khẩu trang"



***


Thứ sáu 18 tháng 12


Người đầu tiên ở Mỹ được chích ngừa COVID-19 vào lúc 9:20AM giờ địa phương ngày thứ hai 14 tháng 12 năm 2020 là cô Sandra Lindsay, một y tá làm việc ở phòng chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit) của Long Island Jewish Medical Center ở thành phố New York. 


blank

                                                        Sandra Lindsay -nurse , New York , US - Courtesy of  ABCNews



Chậm hơn hai tiếng đồng hồ, vào lúc 11:30 AM giờ miền Đông cùng ngày, bà cụ Gisèle Lévesque, 89 tuổi,  ở Quebec là người Canada đầu tiên được chủng ngừa đại dịch cúm Tàu. 


blank

                                        Gisèle Lévesque, 89, Canada - Courtesy of nationalpost.com



Ngay ngày hôm sau, thứ ba 15 thang 12, vào lúc 6 giờ 30 sáng, bà cụ Margaret Keenan, người sẽ mừng sinh nhật thứ 91 vào tuần này là người Anh đầu tiên được chích ngừa COVID-19. Cụ Margaret rất khỏe mạnh so với những người khác cùng tuổi 91, cho biết "Đây là món quà sinh nhật quý nhất mà tôi ao ước. Cuối cùng tôi đã có thể sắp được gặp con cháu và bạn bè trong năm 2021 sau gần một năm sống một mình".


blank

Margaret Keenan, 91, British - Courtesy of nytimes.com



Theo tạp chí Bloomberg,  cuối ngày 18 tháng 12 năm 2020 đã có 1.1 triệu người từ bốn quốc gia  được chích mũi thuốc đầu tiên ngừa COVID-19.


Vào ngày Christmas Eve, 24 tháng 12, ở Serbia , một quốc gia nhỏ ở phía Đông Nam Châu Âu,  dân số chỉ gần bảy triệu người, Thủ tướng Ana Brnabic được chích mũi thuốc ngừa Coronavirus đầu tiên do Pfizer (Mỹ) sản xuất. 


blank

               Prime Minister Ana Brnabic was vaccinated - Courtesy of rs.n1info.com



Chậm hơn một chút, ngay trước lễ Giáng sinh, Maria Irene Ramirez , một y tá 59 tuổi của một bệnh viện ở Mexico City là người đầu tiên của Mễ Tây Cơ, cũng là người đầu tiên của các nước nói tiếng Tây Ban Nha được chủng ngừa COVID-19. Bà cho biết "Đây là món quà quý giá nhất tôi nhận được năm 2020"


blank

Maria Irene Ramirez, nurse, Mexico - Courtesy of Pedro Pardo/ AFP



Tiếp theo Mexico, Chile là quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha thứ hai, ở Nam Mỹ chích mũi thuốc ngừa COVID đầu tiên cho Zulema Riquelme, một y tá 42 tuổi  làm ở phòng cấp cứu vào ngày 24 tháng 12 trong một buổi lễ nhỏ có cả sự tham dự của Tổng thống Sebastian Pinera. 


blank

Zulema Riquelme, nurse, Chile - Courtesy of Gobierno de Chile / Twitter



Ngay khi nhận được kiện  thuốc ngừa đầu tiên từ Pfizer-BioNTech vào ngày 24 tháng 12, Costa Rica , một quốc gia ở miền Trung của Châu Mỹ đã chích ngừa ngay cho người đầu tiên, cụ bà Elizabeth Castillo, 91 tuổi, một người sống ở một viện dưỡng lão.


blank

Elizabeth Castillo, 91, Costa Rica, Reuters - Courtesy of  www.bbc.com



Tất cả 27 nước trong liên minh Châu Âu (EU) sẽ nhận được những liều thuốc chủng ngừa đầu tiên từ Pfizer và cả Moderna trong 3 ngày cuối năm 27, 28, và 29 tháng 12.


Từ từ, từng quốc gia đã có những người đầu tiên được đến gần lối ra của đường hầm dài hun hút, tối đen của đại dịch. Chỉ có duy nhất một lối ra từ thuốc chủng ngừa nên tất cả mọi người phải kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt mình. Dù chưa đến phiên được chủng ngừa, những người còn lại trong đường hầm đen tối cũng đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. 


***


Thứ bảy 19 tháng 12


Tính đến trung tuần tháng 12, trên toàn thế giới, con số bệnh nhân thiệt mạng vì đại dịch cúm Tàu nhiều gấp 1.4 lần số người đã qua đời vì bệnh tim, và gấp rưỡi(1.5) số người đã từ trần vì bệnh ung thư.


Bác sĩ Joseph Varon, giám đốc bệnh viện United Memorial Medical Center ở Houston đã cảm động  gần khóc khi mở hộp thuốc chủng ngừa đầu tiên của Moderna. Ông đã trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình CNN:


"Giống như bắt được vàng, những liều thuốc chủng ngừa này quả là vô giá"


Bác sĩ Varon đã làm việc không nghỉ suốt 277 ngày từ tháng 3 khi đại dịch cúm Vũ Hán bùng phát ở Mỹ.

Ông đã chứng kiến vô số bệnh nhân vào bệnh viện vì COVID-19, không bao giờ trở về; hay thấy những bệnh nhân may mắn trở về với những di chứng nặng nề phải uống thuốc có lẽ đến suốt phần đời còn lại.


Hộp thuốc chủng ngừa có 300 doses, nhưng theo ông, sẽ trực tiếp cứu được rất nhiều nhân viên làm việc ở tuyến đầu, và gián tiếp cứu rất nhiều sinh mạng khác.

Bác sĩ kết luận :"Đây đúng là ánh sáng cuối đường hầm".


Theo tổ chức People’s Vaccine Alliance (PVA), 67 các nước nghèo, đang phát triển (trong đó có Việt Nam) chỉ có 1/10 dân số sẽ được chủng ngừa vào cuối năm 2021. Những nước này sẽ nhận được COVID vaccine qua COVAX.


Đến cuối tháng 12, COVAX (nghĩa là Vaccine for COVID) đã ký được hợp đồng mua 700 triệu liều thuốc chủng ngừa với Pfizer và Moderna. 700 triệu liều thuốc này sẽ được phân phối cho 3.6 tỷ người dân của 67 nước này.

COVAX (The COVID-19 Vaccines Global Access Facility)  được điều động bởi cả hai tổ chức chống đại dịch của thế giới (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations/ CEPI) và WHO (World Health Organization) .

Trong số các quốc gia này, Việt Nam và Brazil đang tự thương lượng mua thêm thuốc chủng ngừa ngoài số thuốc sẽ được nhận miễn phí từ COVAX .


Bill Gates và tổ chức từ thiện của ông đã hiến tặng 350 triệu dollars để mua thuốc chủng ngừa COVID tặng các quốc gia nghèo trên khắp thế giới từ tháng 5 năm nay. Đến tháng 12, khi các liều thuốc của  Pfizer, và Moderna do Mỹ sản xuất đã được chuẩn thuận,và được giao cho các quốc gia giàu có đã ứng tiền mua trước từ lúc đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ nhất thì tổ chức từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation đã tặng thêm 70 triệu để mua vaccine cho các nước nghèo. 


Hy vọng các nhà tỷ phú khác ở Mỹ và ở khắp thế giới theo gót ông Bill Gates .

Ông được xếp thứ 10 trong danh sách những người đóng góp nhiều nhất trong việc chống đại dịch.


***


Chủ Nhật 20 tháng 12


Hầu hết học sinh ở trường mẫu giáo Lynhurst Baptist Church Preschool ở Indianapolis, tiểu bang Indiana đều thuộc các gia đình nghèo. Khi đại dịch cúm Vũ Hán đến Mỹ, cuộc sống của các gia đình này lại thêm phần khốn khó, hơn một nửa ở dưới mức nghèo khổ.

Một số các bà mẹ trẻ, khi đến đón con đã nói với Renee Dixon, hiệu trưởng trường mẫu giáo, rằng họ không có tiền để mua cho con họ bất cứ một thứ gì ngoài các nhu cầu căn bản thiết yếu


Vào tháng 12, khi trường dạy các em về Lễ Giáng sinh, các em đã nhắm mắt cầu nguyện xin ông già Noel mang quà đến cho các em.

Hơn ai hết, Renee hiểu sẽ buồn và thất vọng đến thế nào cho các em nhỏ 5 tuổi khi sáng ngày 25 mở mắt ra không có món quà mà các em đã thành tâm cầu nguyện gần như mỗi ngày.


Dạy trường mẫu giáo đã 25 năm, công việc khá dễ dàng nên lương bỗng cũng hạn chế. Từ bốn năm qua, trước khi được lên chức hiệu trưởng, cô giáo Renee Dixon đã lái xe Uber ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. 


Niên khóa 2020-2021, do đại dịch, con số học trò ghi danh đi học giảm xuống chỉ còn một nửa vì cha mẹ các em mất việc làm vì ảnh hưởng của đại dịch. Một số cô giáo ở Lynhurst Baptist Church Preschool bị cắt giờ làm, tất cả mọi người đều có khó khăn về kinh tế.

Chưa kể nhiều người, kể cả Renee, đã mất người thân vì COVID-19.  Cô Hiệu trưởng Dixon cũng có đến 3 thân nhân đã bị Coronavirus cắt ngắn cuộc đời. 


Ngay cả công việc ngoài giờ, làm tài xế Uber của Renee cũng không thông suốt như trước. Cô ghi tên lái xe ngoài giờ cho cả Lyft. Cứ mỗi lần kiếm được $100, Renee lại chạy ra cửa hàng Target mua đồ chơi hay cả quần áo mùa đông cho học trò.

Cả hai công việc ngoài giờ từ cả Uber và Lyft cũng không đủ, Renee định trích cả tiền từ đồng lương Hiệu trưởng mẫu giáo của mình để mua cho đủ số quà Noel phát cho học trò.


blank
Renee Dixon, director of Lynhurst Baptist Church Preschool - Courtesy of Renee & GMA


Tuần lễ trước Giáng sinh, ngân khoản Renee thu vén được cho quà Noel của học trò chỉ có USD2,500. Khi nghe câu chuyện này, công ty Uber matching số tiền Renee kiếm được để góp phần "làm Santa Claus" cho trường Mẫu giáo Lynhurst, họ tặng thêm 2,500.


Nhờ vậy, tất cả 50 học sinh và ngay cả anh chị em của các em đều có quà Giáng sinh như lời cầu nguyện dù cha mẹ các em vẫn đang khốn khó dè xẻn từng đồng trong tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch gây ra.


Cô Hiệu trưởng Renee Dixon và công ty Uber dưới vỏ bọc ông già Noel đã nuôi dưỡng được ước mơ và niềm tin thánh thiện của học trò trường Mẫu giáo Lynhurst ở Indianapolis.


Ngay cả trong đường hầm tối đen của đại dịch, vẫn có màu hồng trong mắt trẻ thơ từ tấm lòng của người lớn.


Nguyễn Trần Diệu Hương

Christmas 2020

10 Tháng Chín 2023(Xem: 2880)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3185)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3156)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2903)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2836)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2759)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3560)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2933)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3204)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3746)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3426)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2653)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2507)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4828)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7987)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2680)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8580)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5177)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2613)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.