Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 38

12 Tháng Mười Hai 202011:49 CH(Xem: 7065)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 38

Nhật Ký "Cấm Túc" Tuần 38

Thứ hai 30 tháng 11

 

Lúc Guy Stanley Philoche lên 3 tuổi, gia đình của anh đặt chân đến đất nước của tự do và cơ hội này từ Haiti.

Như hầu hết những người tỵ nạn khác, gia đình của Guy đến Mỹ với hai bàn tay trắng, vốn liếng tiếng Anh rất hạn chế. Cậu bé Guy học tiếng Anh từ các phim hoạt họa, các chương trình giáo dục cho trẻ em trên các đài truyền hình của chính phủ.

Những nhân vật trong phim hoạt họa rất hấp dẫn đối một em bé 3 tuổi. Guy bắt đầu vẽ các hình tượng của Disneyland bằng viết chì từ lúc chưa đi học. Những bức phác họa trẻ con nhưng rất sắc sảo đó giúp gia đình  và chính Guy nhận ra thiên khiếu của mình.

 

Hai mươi năm trước, ở tuổi 23,  Guy Stanley Philoche rời Connecticut đến New York City  để theo đuổi sự nghiệp hội họa của mình. Anh khởi nghiệp ở "cái nôi của thời trang, và hội họa" của Mỹ bằng cách đến từng phòng triển lãm hội họa, và các khu chung cư cao cấp, bỏ vào thùng thư của họ một copy của họa phẩm của mình, và business card của anh.

Chỉ như thế, nhưng tài năng của anh lọt vào con mắt chuyên nghiệp của những người trong ngành hội họa, từ các họa sĩ đến những người sưu tầm, kinh doanh tranh vẽ. Anh bắt đầu có chỗ đứng của riêng mình giữa New York..

 

Người họa sĩ này không chỉ có tài năng mà còn có lòng. Mỗi một lần, Guy bán được một họa phẩm của mình với giá khá cao từ các cuộc triển lãm hội họa ở New York, anh đều trích ra một số tiền mua lại các họa phẩm của những họa sĩ không nổi tiếng đang vất vả kiếm sống. 

 


blank

 Guy Stanley Philoche with his art - Courtesy of CNN

Còn hơn thế, thỉnh thoảng Guy còn đặt một trong những họa phẩm của mình (giá trị khoảng 100 ngàn dollars) ở một góc của thành phố New York lớn nhất nước Mỹ "for free" để "tranh cho không, biếu không" bất cứ người nào may mắn tìm thấy đầu tiên. Anh gọi đó là "Hội họa cho tất cả mọi người", đặc biệt là những người yêu tranh vẽ mà không có vài trăm ngàn mua những họa phẩm của người họa sĩ tài năng này.

 

Từ khi đại dịch cúm Tàu đặt chân đến Mỹ, cuộc sống đã không còn bình thường. Cũng như nhiều ngành khác, tất cả các cuộc triển lãm hội họa từ lớn đến nhỏ bị hủy bỏ. Tranh ảnh trở thành một thứ xa xí phẩm không có chỗ đứng trong nền kinh tế u ám của thời đại dịch.

 

Guy thông báo trên Instagram từ đầu tháng 3 (khi đại dịch bắt đầu hoành hành ở Mỹ), bất cứ một họa sĩ nào bị ảnh hưởng nặng nề vì ảnh hưởng của đại dịch, gởi đến cho anh những họa phẩm tiêu biểu của họ. Guy bỏ tiền túi ra mua một số họa phẩm của các họa sĩ này để giúp họ sống còn, và tồn tại trong "thuở trời đất nổi cơn... mắc dịch".

 

Trong vòng vài tháng, Guy nhận được rất nhiều phản hồi từ các họa sĩ đang chật vật để sống từ Los Angeles, Chicago đến Luân Đôn, Tân Tây Lan... Họ gởi một số họa phẩm của họ với hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn trong đại dịch. Guy chọn mua một số họa phẩm, để giúp họ sống còn và có thể theo đuổi sự nghiệp hội họa.

 

Mới đây, Tara Blackwell,cùng tuổi với Guy, ở Stamford, Connecticut là một trong những họa sĩ được Guy giúp đỡ bằng cách mua bức "Free Speech" với giá 500 dollars. 

 

Vốn là một họa sĩ có tài, thu nhập của Tara chỉ đến từ việc bán các họa phẩm của mình. Cô hạnh phúc vừa sống với đam mê hội họa, vừa có thu nhập ổn định qua tranh gởi bán ở các cuộc  triển lãm, ở các art galleries.

 Nhưng Coronavirus phá vỡ tất cả. Các phòng triển lãm đóng cửa vì đại dịch, người bình thường không dư tiền, và người giàu có không còn tâm trí thưởng thức tranh trong tình hình kinh tế suy thoái vì COVID-19. 

 

Là một họa sĩ, Tara đã trải qua nhiều lần khó khăn vật chất khi không bán được tranh, nhưng lần này thì thời gian chịu đựng đã 9 tháng, tiền để dành đã cạn kiệt, mà tương lai thì vẫn bất định. Nên việc Guy mua bức "Free Speech" với giá $500 không chỉ là một trợ giúp vật chất đáng kể mà còn là một an ủi tinh thần không nhỏ cho Tara.

Guy còn giúp Tara bằng cách giới thiệu tranh của cô với những khách hàng quen thuộc của anh.

 

Từ tháng 3 đến nay, Guy đã chi 65 ngàn dollars mua 500 tranh vẽ của các họa sĩ đang chật vật với đời sống vì đại dịch ở khắp thế giới.

Người có lòng bao giờ cũng được đền đáp. Theo Cavalier Galleries, có những bức tranh của Guy Stanley Philoche ở đây đã bán được đến giá 160 ngàn dollars, ngay cả trong lúc đại dịch đang hoành hành Hoa kỳ.

 

Tất cả mọi người đều có thể thưởng thức tài năng của người họa sĩ vừa có lòng, vừa có tài qua một số họa phẩm của anh đang trưng bày ở Cavalier Galleries:

 

https://www.cavaliergalleries.com/artist/Guy%20Stanley_Philoche/works/

 

Trời ở rất xa nhưng thấu hiểu mọi chuyện ở trần gian và luôn có thưởng phạt công minh. Chắc chắn là như thế !

 

Thứ ba 1 tháng 12

 

Trong lúc các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia bạc tóc vì nghiên cứu thuốc chủng ngừa Coronavirus trong tình trạng khẩn cấp. Các kỹ sư mất ăn, mất ngủ vì phải tạo ra những thiết bị thích hợp, có hiệu quả kinh tế cao để có thể nhanh chóng phân phối được vaccine, thì có những người không làm được mà muốn "phỏng tay trên" sản phẩm trí tuệ của người khác.

 

Chuyện này đã là "chuyện biết rồi khổ lắm, nói mãi" của đất nước đông dân nhất thế giới ít nhất là từ cuối thế kỷ 20. Bây giờ đất nước này không đơn lẻ, mà đã có “một cộng đồng” chuyên săn lùng, tung hacker ăn cắp dữ liệu và công trình nghiên cứu vaccine, gồm các nước: China, Iran, North Korea, và Russia. 

Hackers đã vào được nơi lưu trữ dữ liệu của Liên Minh Châu Âu (European Union), đánh cắp một số tư liệu về thuốc chủng ngừa. Tất cả các nơi nghiên cứu và lưu trữ dữ liệu của COVID-19 vaccine đều được báo động về chuyện đáng xấu hổ này.

 

blank

  Courtesy of news18.com

 

Hôm nay, tổ chức Y khoa của Châu Âu (The European Medicines Agency -EMA) chính thức lên tiếng báo động về chuyện này, và nhắc nhở Pfizer ở Mỹ, và chi nhánh BioNTech ở Đức tăng cường an ninh bảo mật tài liệu về thuốc chủng ngừa. 

 

Giá mà người ta dùng sự thông minh của mình vào việc khác, ngoài việc đi ăn cắp “sản phẩm trí tuệ” thì bộ mặt của nhân loại sẽ khác đi nhiều lắm.

Phải chi có "quả báo nhãn tiền" ngay lập tức để những người xấu, những đất nước cứ "ngựa quen đường cũ" -từ cả ngàn năm qua-, phải trả giá ngay lập tức thì chắc “cộng đồng” không chịu tìm tòi mà chỉ thích "chôm chỉa công trình tim óc của người khác" sẽ diệt vong trong một thời gian ngắn.

Thứ tư 2 tháng 12

 

Đã vào tháng 12, tháng cuối năm có mùa Giáng sinh ăn nên làm ra của tất cả các cơ sở thương mại từ nhỏ đến lớn. Christmas trong lúc "thuở trời đất nổi cơn... đại dịch" cũng lặng lẽ, buồn tênh cho kinh tế toàn cầu, cho tất cả người trưởng thành.

 

Với một số các em nhỏ, dù không được đến trường, dù không được trang trí cây thông xanh bằng những ngọn đèn lấp lánh ở lớp học, và nhiều khi cả ở nhà, nhưng các em không quên là ông già Noel hiền hòa, râu tóc bạc trắng vẫn đến thăm các em mỗi năm vào ngày 25 tháng 12.

 

blank

Cards to Père Noël (from Europe Children) - Courtesy of apnews.com

 

 
Cậu bé Thomas, người Ý, đã viết cái thư đầu tiên trong đời gởi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte câu hỏi rất quan trọng trong mắt một em bé 5 tuổi:

 

"... Ông già Noel có đến năm nay không thưa ông Thủ tướng...?"

 

Bức thư đặc biệt này được Thủ tướng Giuseppe Conte dù rất bận rộn cũng thu xếp thời gian trả lời cho Thomas:

 

"...Ông già Noel có một giấy thông hành quốc tế đặc biệt, không bị bất cứ một hạn chế nào. Ông có thể đi khắp nơi để phát quà cho trẻ con khắp thế giới.

Năm nay, Santa Claus đã xác định là ông sẽ luôn luôn mang khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội ít nhất là hai mét để tự bảo vệ ông, và bảo vệ sức khỏe cho những người ông tiếp xúc..."  

 

Lá thư của được viết tiếp với ngôn ngữ chính trị của một ông Thủ tướng rất hiểu trẻ con:

 

"... Đừng quên cơ hội có thể hỏi Santa Claus thêm một món quà đặc biệt của năm nay: xin ông đem Coronavirus ra khỏi đất nước Italia, ra khỏi địa cầu.

Người lớn chúng tôi sẽ cùng nhau đuổi Coronavirus ra khỏi trái đất...."

 

"Nhớ để dưới gốc cây thông sữa nóng, bánh cookie, và cả hand sanitizer cho ông già Noel. Đó là cách để Santa Claus có thể đến nhà khác một cách an toàn cho Ông, cho tất cả mọi người"....

 

blank

Italian Prime Minister  Giuseppe Conte (via his Facebook

                     

Đây có lẽ là bức thư hay nhất trong năm 2020. Không hiểu Thủ Tướng Ý tự viết hay người chuyên viết diễn văn cho ông là tác giả, ông chỉ ký tên?

Dù ai viết đi nữa, thì tác giả của thư hồi đáp rất am hiểu tâm lý học, chỉ trả lời thư cho một em bé 5 tuổi, nhưng  được cả triệu người lớn yêu thích.  

 

Thứ năm 3 tháng 12

 

Đại dịch COVID-19 lấy đi cuộc sống bình yên của nhân loại. Nhiều hay ít, sau 9 tháng cả thế giới chịu đựng cúm Tàu hoành hành, không ai có thể nói là mình không bị ảnh hưởng cả tinh thần lẫn vật chất vì đại dịch. Dù vậy, Coronavirus vẫn không thể lấy đi hình ảnh ông già Noel ra khỏi tâm tưởng của các em bé.

 

blank

Letters to Santa (from US children) -  Courtesy of CNN

 

Hãy cùng đọc... ké một vài đoạn  thư của các em bé ở Mỹ gởi cho Santa Claus để thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các em như thế nào:

 

Nhea, một cô bé ở Florida đã tò mò hỏi và chia xẻ hoàn cảnh nhà mình với Santa:

"... Ở chỗ Ông ở có COVID không? Nếu không, thì Ông thật là may mắn.

Ba cháu nói rằng mặc dù ba đã bị mất việc làm , gia đình cháu cũng sẽ tìm một cách nào đó  đón lễ Giáng sinh..."

 

Andy, 5 tuổi, ở California, viết thư xin ông già Noel một "Nintendo Switch" cho em và đứa em nhỏ cùng chơi chung. Rồi em "tâm sự" với Santa Claus ước mơ rất hồn nhiên của mình

"... Cháu ao ước COVID chấm dứt để chúng cháu có thể được mọi người ôm trong lòng như trước kia..."

 

Alani, 9 tuổi, thì xin ông già Noel đồ chơi ráp hình Lego và một gift card (thẻ mua hàng đã trả tiền trước). Alani cũng trải lòng với Santa:

"... Năm nay rất khó khăn vì Coronavirus. Mẹ của cháu nói mẹ không thể mua cái gì để mừng lễ Giáng sinh năm nay bởi vì mẹ không còn có thu nhập như trước..."

 

blankblank

      Alani’s Letter to Santa          Courtesy of CNN                   Jonah’s Letter to Santa

 


Jonah, dù còn nhỏ nhưng trưởng thành hơn tuổi của mình đã gởi cho ông già Noel ước mơ của em (và của cả tỷ người lớn):

"... Cháu không muốn quà gì cho lễ Giáng sinh năm nay. Cháu chỉ xin Ông, nếu có thể tìm ra thuốc trị COVID-19 để cứu cả thế giới. Cháu cảm ơn Ông..."

 

Kimberly, 13 tuổi, ở Texas thì lớn hơn nhiều nên hiểu nhiều hơn về tác hại của đại dịch. Em không xin quà cho mình, mà chỉ xin quà cho ba đứa em, và cha mẹ của mình. Em gởi nỗi niềm đến Santa Claus:

"... Năm nay rất khó khăn cho tất cả mọi người vì COVID-19. Ba của cháu  là người duy nhất trong gia đình làm việc nhưng từ vài tháng nay vì COVID, ba cháu bị cắt giờ làm việc. Tiền ba cháu kiếm được ít đi, gia đình chỉ chi tiền thuê nhà, và trả các chi phí...

Ba mẹ cháu nghĩ là cháu viết thư xin quà cho chị em cháu, nhưng cháu muốn xin ông quà cho các em cháu và cho ba mẹ cháu. Cháu muốn có quà cho ba mẹ cháu để đền đáp tất cả những gì họ đã làm trong năm khó khăn vừa qua.."

 

Chắc là tất cả người lớn trên quả đất này cũng nên lắng lòng mình vài phút trong đêm Noel để cùng gởi lời cầu xin đến Santa Claus, đến Thượng đế xin hãy mang Coronavirus ra khỏi trái đất. Thành tâm và hợp nguyện ít, nhiều sẽ động đến lòng Trời.

Thứ sáu 4 tháng 12

 

Ở tháng thứ 8 mang thai, Erika Becerra ở thành phố Detroit, Michigan bị nhiễm cúm Tàu. Khởi đầu, Erika chỉ bị đau nhức cả cơ thể, và bị tức ngực. Cô tự điều trị ở nhà vì nghĩ đó chỉ là một trong những phản ứng cơ thể khi người phụ nữ mang thai. Nhưng tình hình trở nên xấu hơn, cô cảm thấy khó thở nên được mang vào bệnh viện..

 

Vì sự an toàn của cả hai mẹ con, các bác sĩ quyết định mổ đưa em bé ra ngay khi Erika vừa nhập viện vì COVID-19. Em bé ra đời sớm hơn vài tuần, nhưng rất khỏe mạnh. Ngay sau khi em bé ra đời, Erika được đặt ống nội khí quản để có thể thở bằng máy ventilator, cô không còn khả năng tự thở.

 

Không may, tình hình sức khỏe của cô càng lúc càng xấu đi. Cô chìm vào hôn mê (coma) trong phòng cách ly. Bằng một linh cảm vô hình nào đó, khi gia đình cầu nguyện qua khung cửa kính, dù vẫn còn trong coma, nước mắt của Erika ứa ra như một dấu hiệu cuối cùng để vĩnh biệt người thân.

 

Buồn thay, Erika chẳng bao giờ có dịp bồng đứa con thứ hai của mình, và em bé trai vừa ra đời không bao giờ có dịp thấy mặt mẹ.

Mười tám ngày sau khi đứa con thứ hai ra đời, Erika xuôi tay, đầu hàng Coronavirus vào ngày 3 tháng 12, ở tuổi 33, để lại ông chồng (một người làm nghề cắt cỏ) phải gà trống nuôi hai con: một bé gái mới một tuổi, và một bé trai chưa đầy tháng.

 

Erika Becerra là một trong 15,658 người Mỹ thiệt mạng vì đại dịch chỉ trong vòng một tuần, tuần lễ có nhiều người qua đời vì COVID-19 nhất ở Mỹ kể từ tháng 4 năm nay. Buồn hơn, là chỉ trong 6 ngày qua, đã có hơn 100 ngàn người phải vào bệnh viện vì COVID-19 từ Đông sang Tây của Hoa kỳ. 

 

blank

 Erika Becerra (1987-2020) - GoFundMe page

 

 
Erika không có bệnh mãn tính, và rất cẩn thận khi bắt đầu mang thai trong lúc Conavirus vừa mới đặt chân đến Mỹ.  Cô ít khi ra khỏi nhà, và luôn luôn mang mask khi rời nhà. Vậy mà không hiểu tại sao người mẹ trẻ này bị nhiễm cúm Vũ Hán?

 

Điều may mắn là cả chồng, và các con cô đều không bị nhiễm Coronavirus, tất cả đều có COVID-19 test âm tính.

 

Miguel Avilez, anh của Erika kể lại chuyện này vì anh biết Erika muốn mọi người cẩn thận hơn để thoát khỏi đại dịch.

Miguel thêm: "COVID-19 có thật. Tôi không biết tại sao có nhiều người không chịu tin điều này!"

 

Dì và là mẹ nuôi của người quá cố, bà Claudia Garcia cũng lên tiếng:

"Chúng tôi muốn mọi người đều hiểu thảm kịch mà con virus vô cùng tàn độc này để lại. Chúng tôi không muốn bất cứ người nào phải chịu nỗi đau mà chúng tôi đang trải qua"

 

Một trang gây quỹ "GoFundMe" được lập ra để giúp gia đình người mẹ trẻ không may lo tang lễ với số tiền dự trù là mười ngàn dollars. Không ngờ, hơn hai ngàn nhà hảo tâm đã góp tay vào chi phí hậu sự cho Erika (trong đó có một vài người hiến tặng một ngàn đồng mỗi người), số tiền này lên đến hơn 95 ngàn dollars chỉ trong vài  ngày.

 

Dù  góp năm đồng, hay một ngàn đồng, mỗi tấm lòng đều là một ánh lửa góp vào thắp sáng một tháng mười hai lạnh buốt, buồn thảm của gia đình nhỏ này.

 

Thứ bảy 5 tháng 12

 

Cựu Thượng Nghị Sĩ Larry Dixon về hưu 10 năm trước, sau 4 năm là Dân biểu, và 27 năm là Thượng Nghị Sĩ của tiểu bang Alabama. Ông cũng từng là Chủ tịch của Hội đồng Giám định Y khoa của Alabama suốt 35 năm liên tục (từ năm 1981 đến cuối năm 2016).

 

Khi đại dịch bùng nổ ở Mỹ, ông Dixon rất cẩn thận, luôn luôn đeo khẩu trang, và giữ khoảng cách xã hội 6 feet, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Chỉ một lần duy nhất, vào trung tháng 11, tuần lễ trước Thanksgiving, ông Dixon họp mặt với hai người bạn thân trong một cuộc họp họ vẫn gọi đùa là “prayer meeting” ở một bàn ăn ngoài trời của một quán ăn địa phương.

 

Như thông lệ, ba người bạn chuyện trò, ăn uống, và hút cigar, rồi ai về nhà nấy. Có lẽ họ đã tháo khẩu trang khi ăn, và hút thuốc, không hiểu ai đã truyền Coronavirus cho ai, nhưng hai trong số ba người đã nhiễm cúm Vũ Hán.



blank

 Larry Dixon (1942-2020) - Courtesy of the Dixon Family



Ông Dixon phải vào bệnh viện vì COVID-19 và trút hơi thở cuối cùng ngày 4 tháng 12. Lời trăn trối cuối cùng ông để lại cho người vợ đã chia xẻ ngọt bùi suốt 53 năm là “Sweetheart, we messed up. We just dropped our guard” (Mình ơi, tụi anh đã sai lầm khi quên giữ gìn!)

 

Bác sĩ David Thrasher, một người bạn thân của ông Dixon được sự đồng ý của gia đình ông đã chuyển một trong những lời trăn trối của bạn mình đến người dân Alabama:

"... We’ve got to tell people this (COVID-19) is real..." (Chúng ta phải báo cho mọi người biết COVID-19 có thật)

Ông thêm là với cái chết đột ngột do COVID-19 của cựu Thượng Nghị Sĩ Larry Dixon, hy vọng người ta sẽ nhận ra được rằng Coronavirus đã lây lan dễ dàng một cách không ngờ!

 

Đó là thảm họa của loài người năm 2020. Cầu mong sớm đủ thuốc chủng ngừa cho cả thế giới để cơn ác mộng có thật này không thể ở lâu với nhân loại.

 

Chủ Nhật 6 tháng 12

 

Năm 2020 là một năm đại họa cho nhân loại với một "new normal" (tên gọi tốt đẹp cho những điều bất bình thường).

Người lớn bắt đầu mất kiên nhẫn sau 9 tháng "cấm túc" bán phần hay toàn phần. Con nít cũng không còn nhẫn nại với việc học online. Khởi đầu, các em vui lắm vì đỡ phải dậy sớm đến trường, không bị sống trong "vòng kiềm tỏa" của các thầy cô giáo, có thể vừa học, vừa... ăn.

Nhưng dần dần, vì còn nhỏ, các em mất tập trung, không hăng say phát biểu, đặt câu hỏi như khi còn được học ở trường.

 

Nhiều lúc, các thầy cô giáo có cảm tưởng mình đang nói cho chính mình nghe, vì không nhận được một câu hỏi, hay một ý kiến nào từ học trò.

 

Diane Moon dạy lớp 6 ở Prospect Heights, Illinois đã cho biết : "Nhiều khi tôi có cảm tưởng như tôi đang nói một mình, hay đang dạy cho cái màn hình computer. Việc dạy online mất nhiều thì giờ hơn là dạy trong lớp vì tôi phải chờ học trò trả lời câu hỏi trước khi dạy tiếp, mà không em nào chịu lên tiếng như lúc học trong lớp"

 

Một vài thầy cô giáo có "sáng kiến”, cứ mỗi lần có bất cứ học sinh nào trong lớp phát biểu, thầy (cô) giáo sẽ tự dán một cái sticker nhỏ lên mặt của chính mình.

 

blankblank

           Courtesy of Krista Coletti & GMA              Courtesy of Arber Tasimi &GMA

 

Cô giáo lớp 5 Krista Coletti ở Granger, Indiana quyết định áp dụng ý kiến này vào lớp học dạng hybrid (vừa học ở nhà qua màn hình computer, vừa có một hoặc hai ngày trong tuần đến trường). Không khí lớp học hào hứng hẳn lên. Các em tranh nhau phát biểu vì muốn thấy thêm một sticker mới đính lên mặt cô giáo của mình.

 

Ngay cả những em thuộc dạng lặng lẽ, ngồi “riêng một góc... lớp”, rất tiết kiệm lời nói cũng hăng hái phát biểu trong giờ học. Lớp học vui nhộn hẳn lên, đầy sinh khí. Và các em đã tiếp thu kiến thức nhanh chóng. Các Thầy Cô thì không còn  cảm thấy "ta nhìn ta trên... màn ảnh" và độc thoại một mình.

 

Các thầy cô giáo ở khắp nước Mỹ dạy từ lớp một đến lớp 6 đều áp dụng cách dán những mẫu stickers nhỏ lên mặt mình để giúp các em có  hứng thú hơn trong việc học, nhất là cách học online trong thời đại dịch.

 

Một số thầy cô giáo bị dị ứng với các mẫu sticker, đã phải dùng những ống nhựa cài lên tóc thay cho sticker.

Mục đích cuối cùng của họ vẫn là để học trò thấy việc học từ nhà qua màn ảnh computer đỡ nhàm chán hơn, và các em sẽ tập trung nghe giảng, đặt câu hỏi về bài học .

 

Nếu thế hệ chúng tôi cũng phải học online trong một khoảng thời gian nào đó như các em bây giờ thì không chỉ "nửa chữ cũng Thầy"**, mà "một phần ba chữ cũng Thầy".

Lớn lên, nhìn lại thời nhỏ dại các em sẽ thấy quý trọng Thầy Cô hơn, nhất là những Thầy Cô phải hy sinh rất nhiều cho các em trong thời đại dịch.

 

Không chỉ có ngành giáo dục mà tất cả mọi ngành nghề, người ta đã làm đủ mọi cách để có thể thích ứng với một bình thường mới (new normal) do đại dịch gây ra.

Có những điều nhỏ nhoi, bình thường, sau 9 tháng đại dịch hoành hành, đã trở thành mơ ước lớn của rất nhiều người.

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

Đầu tháng 12 cuối năm 2020

[Nhật ký ngày thứ hai dedicated to Nhà văn Hồ Đình Nghiêm, người khuyến khích tác giả viết Nhật ký "cấm túc" từ trung tuần tháng 3]

 

**"Nửa chữ cũng Thầy" là tên một tự truyện của Nhà Văn Võ Hồng(1921-2013)

 
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2877)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3172)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3144)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2897)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2823)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2749)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2749)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3550)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2928)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3198)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3736)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3402)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2647)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2506)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4814)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7962)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2674)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8563)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5161)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2599)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.