Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 35

26 Tháng Mười Một 20201:52 SA(Xem: 7590)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 35

NHẬT KÝ "CẤM TÚC" TUẦN 35



Thứ hai 9 tháng 11


Đúng một tuần sau khi có tin vui đầu tiên giữa giờ tuyệt vọng (thuốc chủng ngừa COVID-19 do Pfizer sản xuất có  95% khả năng ngăn chận Coronavirus tấn công cơ thể con người), tin vui thứ hai lại càng có vẻ lạc quan hơn: thuốc chủng ngừa do Moderna sản xuất - đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp hơn nhiều-  có đến 94.5% tác dụng ngăn ngừa COVID-19 tấn công nhân loại. 


Pfizer đã chọn 4 tiểu bang: Rhode Island, Texas, New Mexico, và Tennessee để thử nghiệm việc chuyển vận COVID-19 vaccine với điều kiện nhiệt độ rất thấp.

Bốn tiểu bang trên được chọn vì dân số đa dạng trong lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, và cả trọng lượng. Thêm vào đó cả bốn nơi này đều có những Thành phố đông đúc dân số với đời sống cao, và những vùng ngoại ô mật độ dân số thấp, và hoàn cảnh sống khác hẳn thành thị.


Cả hai loại thuốc ngừa COVID-19 do  Pfizer và Moderna sản xuất đều sử dụng RNA(ribonucleic acid) để để kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể  chống lại Conavirus.


Quá trình thử nghiệm thuốc chủng ngừa của Moderna trên hơn 30 ngàn người tình nguyện trong bốn giai đoạn đã có kết quả rất khả quan. Đến cuối năm nay, sẽ có 20 triệu liều thuốc sẵn sàng để tiêm chủng cho các "thiên thần áo trắng", nhân viên bệnh viện, và những người lớn tuổi, những người bị bệnh mãn tính .


Một trong những sinh viên năm thứ hai của trường University of North Carolina   tình nguyện  thử nghiệm thuốc chủng ngừa COVID-19 do Moderna sản xuất cho biết cảm giác của anh :

"Tôi không nghĩ là tôi được chích placebo(một loại nước muối dược phẩm có màu trắng đục như vaccine). Sau lần chích ngừa đầu tiên, tôi cảm thấy hơi mệt mỏi và đau ở cánh tay được chích trong vòng vài ngày. Không đến nỗi nhói đau, chỉ hơi đau giống như cảm giác chích ngừa tetanus. Ngày đầu tiên sau khi chích vaccine, tôi thức dậy với cảm giác tôi bị đấm vào cánh tay được chích thuốc".


Anh khuyên mọi người nên đi chích thuốc chủng ngừa COVID-19, vì bằng kinh nghiệm của anh, không có gì phải e ngại, hay lo âu.  


***


Thứ ba 10 tháng 11


Trước đại dịch, Alissa Hogan vẫn nghĩ là Food Bank chuyên phát thực phẩm miễn phí là nơi cung cấp thức ăn cho những người homeless không có công việc, không có một nơi để quay về khi màn đêm buông xuống.

Đến khi bà mẹ góa có ba con còn trong tuổi đi học bị mất việc từ một hệ thống nhà hàng ở tiểu bang New Jersey, chưa nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ, bà không còn cách nào khác là lái xe đến xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ từ Food Bank. Alissa chợt nhận ra tầm quan trọng của tổ chức từ thiện này, và vô cùng cảm ơn các thiện nguyện viên làm việc ở đó, nhất là trong mùa đại dịch cúm Tàu.


Alissa chỉ việc ngồi yên trong xe, mở "cốp" xe (car trunk) sẵn, các thiện nguyện viên sẽ bỏ vào xe cho bà những túi trái cây, rau cải, khoai tây, bánh mì, bơ đậu phộng, thịt, trứng... Vào tháng 11, còn có những con gà tây đông lạnh để mọi người đều có thể ăn mừng lễ Tạ Ơn một cách âm thầm trong đại dịch năm nay. Nhờ các tổ chức phân phối thực phẩm miễn phí như Food Bank trên toàn nước Mỹ, bốn mẹ con của Alyssa vẫn có những bữa ăn nóng ngon lành như khi bà vẫn còn đi làm việc.


blankblank
          Austin, TX  - Courtesy of KXAN              Victoria, TX - Courtesy of  www.crossroadstoday.com

Các thiện nguyện viên luôn vui vẻ, vì khẩu trang che kín nửa khuôn mặt, người nhận thức ăn không thể nhìn thấy nụ cười cảm thông, thân thiện của họ, nhưng những hành động thoăn thoắt chuyển các túi thức ăn, và những cái vẫy tay từ biệt sau khi đã cẩn thận đóng "cốp"  xe làm người nhận thấy lòng bình yên hơn.


Không hề có sự kỳ thị, cũng không có sự phê phán khi người nhận cứu trợ lái một chiếc xe nhiều khi cũng bằng tuổi tài xế, hay ngồi trong một cái xe thể thao đời 2020. 

Với quan niệm của người Mỹ, bất cứ ai cần cũng có thể đến nhận thực phẩm ở các nơi phát thức ăn miễn phí, không có yêu cầu nào khác, không có câu hỏi. Chỉ có người thật sự cần mới đến nhận. Những người còn đủ (hoặc dư) tiền cho nhu cầu ăn uống, xin hãy nhường những phần thực phẩm "phát chẩn" cho những gia đình như bốn mẹ con bà Alissa Hogan, cho những người mà tủ lạnh đang trống rỗng.


Neil Wilson, một cựu chiến binh đã từng làm việc trong Không quân Hoa kỳ suốt 10 năm. Ông giải ngũ và làm cho một công ty cung cấp các đài phát sóng truyền hình ở Tyler, Texas đến khi ông bị mất việc vào cuối tháng 3 vừa qua vì đại dịch.

Sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp, không đủ tuổi, và tiêu chuẩn để xin được chương trình "tem phiếu thực phẩm" của liên bang, ông phải đến các nơi phát thực phẩm miễn phí để nhận thực phẩm hàng ngày.


Trong suốt thời gian đi làm, người cựu chiến binh này vẫn thầm lặng đóng góp cho tổ chức thiện nguyện cung cấp thực phẩm miễn phí hàng năm. Đại dịch làm ông đang từ vị trí “người cho” (giver/ donor) chuyển qua vị trí “người nhận” (receiver/ beneficiary)

Người cựu chiến binh đầy tự trọng này hy vọng ông sớm tìm được việc làm để có thể trở lại vị trí của “người cho” trong một tương lai rất gần. 


Thức ăn được phát hàng ngày đến từ hiến tặng của các chợ bán sỉ, bán lẻ; đến từ các tổ chức thiện nguyện, và đến từ các ngân phiếu nhỏ từ năm đồng hoặc lớn đến vài triệu hiến tặng của các cá nhân, các công ty. Trong tình hình đại dịch, nhiều người mất việc, con số người nhận thực phẩm tăng gấp trăm lần, các ngân phiếu hiến tặng được gởi về nhiều hơn. Nếu thiếu thì có tổ chức Hồng thập tự của Mỹ, hay các tổ chức thiện nguyện góp phần giúp đỡ. 


Rất buồn là vì đại dịch, tính đến tháng 11, có khoảng 54 triệu người Mỹ đã không còn khả năng mua tất cả những thức ăn cần để sống còn cho qua "thuở trời đất nổi cơn...mắc dịch".


Là một người Mỹ gốc Việt, chúng tôi luôn nhớ lời dạy từ ông bà, cha mẹ, và cả thầy cô "hạt cơm là hạt ngọc của Trời". Có lẽ trong thời đại dịch, nhiều người Mỹ Mỹ gốc Châu Âu hay Châu Phi

 đã nhận ra  bánh mì là ân huệ của của Thượng Đế, của những người có lòng...


***


Thứ tư 11 tháng 11


Là một trong số những cựu chiến binh Mỹ từ thế chiến thứ II (1939-1945) còn sống sót, cụ ông John Atwell sống một mình ở thành phố Sunnyvale ở miền Bắc California. Thỉnh thoảng, con gái của cụ (Julie, cũng là một người cao niên) ghé thăm cha. Đại dịch làm đời sống của cụ trở nên khó khăn hơn về tinh thần vì không còn ai đến thăm cụ thường xuyên như trước. Trí óc lãng đãng của một người sống gần một thế kỷ khiến cụ không nhận ra được cuộc sống vì đại dịch đang rất khác thường.


Bà Julie viết thư mô tả tình trạng của cụ với  một đài truyền hình địa phương. Tôn trọng sự đóng góp cho đất nước của "một người lính... rất già", đài truyền hình đưa câu chuyện của cụ John Atwell lên website, và mô tả tình hình của cụ, yêu cầu mỗi người có thể gởi cho cụ một tấm thiệp nhỏ mừng sinh nhật của cụ vào đầu tháng 11, trước ngày cựu chiến binh 11 tháng 11 vài ngày.


blank
Courtesy of abc7news
 

Ai cũng hiểu hiểm nguy của một người lính ngoài chiến trận, kính trọng tuổi tác, và sự cống hiến của ông cụ cho đất nước, hơn 500 tấm thiệp của những người không quen biết gởi đến nhà cụ từ khắp 51 tiểu bang của Mỹ. Một vài tấm thiệp mừng sinh nhật cụ còn đến từ những nơi rất xa như Đức, Pháp, và cả Đài Loan.


Cụ Atwell vui lắm, cụ trân trọng mở và đọc từng tấm thiệp, xếp riêng những tấm cụ thích. Mỗi tuần, vào ngày thứ tư, khi con gái của cụ đến thăm, cụ đem những tấm thiệp cụ thích đọc cho bà Julie nghe.


Đa số những người gởi thiệp cho cụ là những người có cha cũng là một người lính già (trong đó có chúng tôi). Gởi thiệp mừng sinh nhật một ông cụ cựu chiến binh cũng là một cách nhớ đến thân phụ của mình cũng đã một thời vất vả, gian nan bảo vệ cho tự do.


Vui nhất là có một ông Tướng Mỹ về hưu ở Hawaii gởi cho cụ Atwell một cái huy chương giống như huy chương ông đã tặng cho binh sĩ dưới quyền khi ông còn ở trong quân đội.


Cho đến hôm nay, vẫn còn những cái thiệp mừng sinh nhật 95 trễ của cụ Atwell vẫn tiếp tục đến nơi cụ ở. Cụ vui lắm trân trọng mở từng tấm thiệp đến từ những người không hề quen biết, thích thú  đọc từng tấm một.


Hôm nay, ngày cựu chiến binh ở Mỹ, có một người lính...rất già đã mỏi gối chồn chân, sức khỏe xuống dốc, nhưng đôi mắt ánh lên hạnh phúc vì hậu sinh chưa quên mình, chưa quên những người đã hy sinh những năm tháng thanh xuân cho hai chữ tự do.



***


Thứ năm 12 tháng 11


Cả hai Công ty Dược phẩm Pfizer và Moderna đã nộp tất cả dữ kiện (có được từ các giai đoạn thử nghiệm kéo dài vài tháng trời) chứng minh sự an toàn và tác dụng của vaccine để xin sự "chuẩn thuận khẩn cấp" từ bộ phận Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm của Mỹ (emergency approval authorization from  The United States Food and Drug Administration) .

Theo Đạo luật về Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm của Liên bang Hoa kỳ, việc phê duyệt một sản phẩm thuốc mới cần phải có đủ  bằng chứng đáng kể về hiệu quả và chứng minh về độ an toàn  của thuốc.

 
blankblank
                  Courtesy of ndtv.com                      Courtesy of theguardian.com


Đã có tin vui giữa giờ tuyệt vọng khi Bộ Trưởng Y Tế của chính quyền Liên bang cho biết vào cuối năm nay, sẽ có 40 triệu liều thuốc chủng ngừa COVID-19 từ cả hai Công ty Dược phẩm Pfizer và Moderna sẵn sàng để tiêm chủng cho 20 triệu  người Mỹ. Mỗi người cần đến hai lần tiêm chủng cách nhau 21 ngày (với thuốc của Pfizer) và 4 tuần (với thuốc của Moderna).


Hơn 40 ngàn người đủ mọi lứa tuổi,ở khắp thế giới, đã tình nguyện tham gia các giai đoạn thử nghiệm thuốc chích ngừa của  Pfizer và BioNTech. 


Cả hai vaccine đang chờ chuẩn thuận khẩn cấp của FDA đều sử dụng RNA (ribonucleic acid, một loại nucleic có trong tất cả các tế bào sống) để kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Cả hai loại chủng ngừa này này đều là vaccine đầu tiên được phép sử dụng mRNA, một phát triển mới của y học và sinh học không chỉ chống lại COVID-19 mà còn có thể mở ra một hướng mới giúp nhân loại tìm ra nhiều ra nhiều vaccine khác chống lại nhiều loại virus khác trong tương lai.

 Cả hai loại thuốc chủng ngừa sẽ giúp cơ thể con người  sản xuất một lượng nhỏ protein đột biến. Một khi hệ thống miễn dịch phát hiện ra protein này, cơ thể  sẽ bắt đầu sản xuất các kháng thể bảo vệ, chống lại Coronavirus.


Nếu hai loại thuốc chủng ngừa này chấm dứt được đại dịch, những Giáo sư hướng dẫn các công trình nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của cả Pfizer and Moderna sẽ là những ứng cử viên sáng giá nhất của các giải Nobel Y khoa, và Hóa học năm 2021.


Và nếu Coronavirus là một loại vi khuẩn sinh học được "ai đó" sản xuất vì mục tiêu hại các nước  khác, trục lợi cho nước của mình -như một giả thuyết- thì vaccine ngừa được COVID-19 sẽ làm cho hơn bảy tỷ người vui, và vài trăm người buồn.


Trước đó, vào ngày 22 tháng 10, FDA đã cho phép dùng thuốc Redemsivir (còn có tên khác là Veklury) do Gilead Sciences ở Mỹ sản xuất  như là thuốc chủng ngừa khẩn cấp.  Nhưng Redemsivir có rất nhiều hạn chế, chẳng hạn chỉ an toàn cho người trên 12 tuổi, nặng ít nhất 40kg (88 lbs), và chỉ được dùng ở các bệnh viện. Redemsivir là thuốc chủng ngừa đầu tiên được FDA của Hoa kỳ cho phép sử dụng khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang nằm bệnh viện.


Redemsivir tuy phòng ngừa được Coronavirus nhưng có rất nhiều tác dụng phụ chẳng hạn thận có thể bị tổn thương, ảnh hưởng đến áp lực của máu, và nhịp đập của tim, nên chỉ được chích cho các bệnh nhân COVID-19 đang nằm bệnh viện, mà không thể chích ngừa cho người đang khỏe mạnh. Do vậy, FDA chỉ cho phép Redemsivir dùng với tình trạng khẩn cấp EUA (Emergency Use Authorization).  


***


Thứ sáu 13 tháng 11


Không ai có thể ngờ một cậu bé mới hơn  4 tuổi lại có thể mất cả cha lẫn mẹ vì COVID-19. Raiden Gonzalez có thể là người phải chịu "đại nạn COVID-19" nặng nề nhất.

Trong vòng hơn ba tháng, vì đại dịch cúm Tàu, em mồ côi cả cha lẫn mẹ.


Ba của Raiden (Adan Gonzalez) là một tài xế lái xe truck chở hàng. Cuối tháng 5, ở chỗ làm của Adan có một người bị nhiễm COVID-19. Chỉ vài ngày sau, Adan cũng có COVID-19 test dương tính, anh bị khó thở, phải vào bệnh viện ngày 3 tháng 6. Tình hình xấu đi nhanh chóng, nhân viên bệnh viện cho gia đình biết Adan là một trong hai trường hợp bệnh nhân cúm Tàu nghiêm trọng nhất bệnh viện San Antonio, Texas. Anh qua đời ngày 26 tháng 6 ở tuổi 33 sau ba tuần phải sống với máy trợ thở.


blankblank

Adan and Mariah Gonzalez & their son Raiden   - Courtesy of Mariah’s Mom  &  abcnews.com 


Người mẹ trẻ (Mariah) mới 29 tuổi, đau đớn nhưng vẫn phải sống vì con. Không ngờ Coronavirus không tha gia đình nhỏ này, mẹ của Raiden cũng nhiễm cúm Tàu vào đầu tháng 10 và qua đời nhanh chóng chỉ vài giờ sau khi bệnh trở nặng vào ngày 5 tháng 10.


Cậu bé mồ côi được bà ngoại nuôi dưỡng, vẫn đến nơi giữ trẻ ở trường, nơi người mẹ ngắn số của cậu đã dạy Tiểu học ở đó. Các thầy cô giáo, và nhân viên của ngôi trường nhỏ vẫn còn sửng sốt trước cái chết đột ngột của Mariah, hiểu hoàn cảnh côi cút của Raiden, nên em được đặc biệt chăm sóc chu đáo.


Raiden sẽ đón sinh nhật thứ 5 vào ngày 28 tháng 11 sắp tới với rất nhiều quà từ bà ngoại, và từ các cô giáo ở trường. Nhưng chắc chắn không một món quà nào có thể thay thế được cha mẹ của Raiden!


***


Thứ bảy 14 tháng 11


Một nhân viên của tiệm " Woodville Pizza Bar" ở miền Nam Úc đã tung tin thất thiệt làm 1.7 triệu người Úc bị lockdown lần thứ hai.

Lần "lockdown" này khá ngắn, chỉ vỏn vẹn 6 ngày, nhưng cũng rất nghiêm nhặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập " (ngay cả không được ra khỏi nhà để đi tập thể dục, khi đi chợ chỉ được đi một mình và phải đi chợ gần nhà nhất,  trường học, và tất cả các cơ sở thương mại không thiết yếu bị đóng cửa trở lại.  Còn hơn thế nữa, khoảng bốn ngàn người bị quarantine, cấm túc tại chỗ trong 14 ngày. 


Nhưng chỉ hơn một ngày sau, sau khi truy tìm những giao tiếp xã hội xuất pháp từ tiệm Woodville Pizza Bar để dập tắt nguồn lây lan mới bộc phát, người có trách nhiệm ở miền Nam nước Úc phát hiện tình hình không đến nỗi nguy ngập như dự tưởng ban đầu, mà là do một nhân viên làm ở đây khi giao “pizza to go” cho khách, đã "vui miệng nói đùa một cách nghiêm chỉnh" là trong nhà bếp có một nhân viên làm bánh pizza vừa có COVID-19 dương tính.


blank
      Courtesy of CNN

Thế là do "false alert", lệnh lockdown mới bước sang ngày thứ 3, được hủy bỏ ngay lập tức, trở lại mức báo động thấp hơn như trước.

Với tình hình đại dịch hiện nay trên thế giới, chính quyền Nam Úc đã làm đúng, vì thà báo động lầm còn hơn không cẩn thận, để nhiều người phải mất mạng vì COVID-19.


Tưởng cũng nên biết, Úc đang bước vào giữa mùa Xuân ở Nam bán cầu, Coronavirus không có thêm vây cánh để hoành hành.


Trong khi tất cả các nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp, Ý ,Bỉ, Anh, Ba Lan, và Tây Ban Nha, đang bị COVID-19 tấn công nặng nề thì ở Châu Mỹ, biên giới  của ba quốc gia : Canada, Hoa Kỳ, và Mễ Tây Cơ sẽ tiếp tục đóng cửa đến 21 tháng 12. 

Mexico vừa có số người thiệt mạng vì COVID-19 lên đến con số hơn một trăm ngàn, chỉ sau các nước Mỹ, Brazil, và Ấn Độ .


CDC (Centers for Disease Control and Prevention) dự đoán tất cả người Mỹ sẽ được chủng ngừa vào mùa hè năm tới. Cầu mong các viện bào chế có đủ thuốc chủng ngừa cho toàn thế giới vào cuối năm 2022. 


blank
Courtesy of CNN

Từ bây giờ đến thời điểm đó, vẫn phải luôn cẩn thận đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hai mét, và tránh những tiếp xúc trực tiếp không cần thiết để giữ an toàn cho chính mình và người chung quanh.


***



Chủ Nhật 15 tháng 11


Cho đến lúc thân sinh của mình nằm ở bệnh viện ở Iowa, nơi Bridget Otto làm việc với tư cách một y tá trong ICU thì cô mới hiểu rõ tâm trạng của thân nhân các bệnh nhân COVID-19.


Vào cuối tháng 9, thân sinh của cô Bridget phải vào bệnh viện vì nhiễm Coronavirus. Vốn là một nông dân rất khỏe mạnh, ông Otto siêng năng làm việc mỗi ngày, thoăn thoắt leo lên, leo xuống các bồn chứa các loại ngũ cốc, lái xe máy cày chạy từ cánh đồng này qua cánh đồng khác hàng ngày không mỏi mệt . Vậy mà, chỉ vì bị cúm Tàu, ông phải nằm bất động mê man trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit), thở bằng máy trợ thở suốt một tháng.


Cho đến bây giờ, hơn hai tháng trong bệnh viện, được sự chăm sóc tận tâm của các Bác sĩ, y tá, và ngay cả con gái của mình, ông Otto vẫn còn phải thở với sự giúp đỡ của ống oxygen, và chưa  nhận biết ngày lễ Tạ Ơn đang đến rất gần.



blankblank

Courtesy of Bridget Otto & CNN


Bridget đã gởi lời nhắn nhủ đến tất cả mọi người:

"Tôi chỉ muốn người ta biết rằng có một sự chịu đựng rất thật, rất đau đớn cả từ bệnh nhân, và thân nhân của họ. Coronavirus đã gây ra thảm trạng này.

Không phải "nếu bạn sẽ bị nhiễm COVID-19 một ngày nào đó" mà là "khi nào thì sẽ đến phiên bạn là nạn nhân của COVID-19".


Cô y tá trẻ đã tạ ơn ơn trên đã giữ lại cho Cô thân phụ của mình.


Thanksgiving năm nay, ngoài những lời tạ ơn vẫn có mỗi năm, mỗi ngày, chúng tôi sẽ có lời tạ ơn Thượng đế về sức khỏe của mình, của những người thân yêu. 

Trong ánh nến lung linh của buổi tiệc Thanksgiving khác thường trong thời đại dịch vào tối thứ năm 26 tháng 11 năm nay, xin cùng góp phần cầu nguyện cho nhân loại sớm khống chế được Coronavirus, để tất cả mọi người cùng được trở lại đời sống bình thường mà cho đến bây giờ người ta mới thấy cái bình thường đó đáng được trân quý vô cùng.



blank blank         
Courtesy of  mdanderson.org



Nguyễn Trần Diệu Hương

 Kính tạ ơn Ba Mẹ và quý Thầy Cô 

 Sincere thanks to all who once gave me a helping hand

10 Tháng Chín 2023(Xem: 2879)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3179)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3154)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2900)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2827)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2756)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2751)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3559)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2933)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3204)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3741)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3421)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2651)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2507)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4822)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7969)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2678)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8568)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5171)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2602)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.