Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Văn Lục - TIẾNG HẮT HƠI CỦA ÔNG NGHỊ KỲ

12 Tháng Chín 202012:16 SA(Xem: 11933)
Nguyễn Văn Lục - TIẾNG HẮT HƠI CỦA ÔNG NGHỊ KỲ
Tiếng hắt hơi của ông Nghị Kỳ

 

Trong làng tôi có ông Nghị Kỳ. Từ hồi tôi còn nhỏ đã nghe râm ran nói ông nổi tiếng về tiếng hắt hơi. Nổi tiếng chỉ vì tiếng hắt hơi đã lan truyền truyền từ đời cha đời ông cho đến đến chúng tôi.

 Vì thế, ông đã để lại cho đời không phải danh vọng, tiền bạc hoặc vợ nọ con kia, hoặc tiếng hung ác như một số nhà giàu trong làng như các ông Nghị Năm, Nghị Sáu. Riêng nhà Nghị Năm chiếm một dinh cơ cũng đến hai ba mẫu ruộng, dinh cơ nhà ngang, dãy dọc san sát. Chung quanh nhà lại có tường đá xây tổ ong cao quá đầu người. Trên bờ tường lại có các mảnh thủy tinh để đề phòng trộm cướp. Kiên cố như vậy xét ra cũng bằng thừa, vì kẻ ăn người làm lúc nào cũng cả trăm người trộm cướp cũng không dám héo lánh. Chúng chỉ dám làm ăn ở những nhà giàu bậc trung thôi. 

Nhưng nhiều người trong làng vẫn kính nể ông Nghị Kỳ lắm vì chức Nghị. Vì trong làng giàu gì ông cũng có vai vế như các Nghị Năm, Nghị Sáu. Mặc dầu chức Nghị không phải quan tước gì,  

Nói ông nổi tiếng vì chức Nghị cũng đúng. Nhưng đúng mà lại không đúng. Có thể người ta nể ông vì cả hai thứ trên. Thật ra chức Nghị chỉ là chức mua. Ai có tiền thì cũng có thể mua được. Nhà nước bảo hộ Pháp vào những năm chiến tranh thứ nhứt 1914-1918 cần nhiều tiền để chi phí cho chiến tranh thế giới. Họ bắt các thuộc địa đóng góp tiền bạc để bỏ vào công khố. Các quan thuộc địa mới nghĩ ra việc bán quan tước để lấy tiền.

Vì thế, các chức tước như ông Nghị, ông Bá có từ thời Pháp thuộc. Sau này, trong văn chương Vũ Trọng Phụng có nói đến ông Nghị Hách. Đến thời Việt Nam Đệ nhị Công Hòa thì không biết tại sao lại có thêm các ông Nghị gật, Nghị vỗ tay. 

Còn ở trong Nam thời Pháp thuộc đã xuất hiện các ông Hội đồng “quỳ”. Quỳ là chỉ biết “oui” khi tây nó nói. Các ông Hội Đồng ở trong Nam tiếng là được chỉ định, nhưng thật ra đều phải chạy tiền. Trên các ông Hội đồng có các Phủ hay Đốc phủ giữ chức chủ quận. Bên cạnh Phủ thì có phủ hàm, quận hàm do mua mà có được. Chẳng biết các chức nghị trên qua các thời kỳ có quan hệ gì với nhau không?

Cũng vậy, bên Thiên chúa giáo người ta cần tiền để xây cất nhà thờ thì giáo phận cũng bắt chước Tây thuộc địa bán tước Hậu.

Nếu Nghị là tước cho ngoài đời thì Hậu là tước dành cho nhà đạo. Mua bao nhiêu tiền để được các tước này thì nay cũng khó mà biết được. Bên Thiên chúa giáo thì rõ ràng không dùng chữ bán. Mà dùng chữ cúng giống như bên chùa. Chẳng hạn cúng cho nhà thờ hai mẫu ruộng chân nhất đẳng thì được chức Hậu. Chỉ biết chắc một điều là khi có tước Hậu thì trong nhà thờ, ông Hậu bà Hậu có ghế ngồi riêng, có khắc tên trên bảng đồng. Và không ai có quyền được ngồi vào ghế đó, dù họ vắng mặt. Lúc nhỏ, tôi đã thử ngồi trộm trên các ghế đó. Thực tình tôi không thấy có cảm giác gì khác biệt cả. Nó không êm hơn mà cũng không cứng hơn ghế thường. Tôi có hơi thất vọng. Hóa cho nên cái danh vọng nó không nằm ở chỗ cái ghế ngồi mà nó nằm ở cái bảng đồng nhỏ xíu bằng hai đốt ngón tay gắn trên tựa của ghế quỳ. Hai đốt ngón tay đó trị giá bằng hai mẫu ruộng chân nhất đẳng, nếu không nói phải là thứ ruộng mật điền.

Tôi dần vỡ lẽ ra giá trị ở đời này nằm ở chỗ nào? Và người ta chết hay sống, tranh dành nhau, cấu xé dẫm đạp lên nhau cũng chỉ vì những loại bảng đồng như thế. Ngoài ra, lúc chết thì cha xứ có bổn phận làm lễ cầu hồn cho họ trong các dịp lễ giỗ. Phúc lạc đời sau ra sao qua các lễ giỗ cầu hồn có được hưởng nhan thánh Chúa hay không thì quả tình không ai biết được. Khi người ta còn sống thì không cách nào biết được, vì chưa chết. Còn khi người ta chết rồi có biết được thì oái ăm lại không cách gì thông báo cho người còn sống.

Và có lẽ đó là bi kịch lớn nhất trong đời một người giữa cái sống và cái chết.

Cũng chỉ vì con mắt của Chúa và của người thế gian có lẽ không cùng một tầm nhìn. Vì thế điều mà thế gian cho là phải, là danh giá vị tất đã được Chúa nhìn nhận. Cho nên, đừng tưởng rằng cứ có tước Hậu là mua được vé vào cửa Thiên đàng. Thật ra đường lên Thiên đàng là con đường có nhiều tiếng thất vọng và những tiếng thở dài. Tưởng được chọn mà bị loại bỏ. Tưởng được vinh danh hóa ra ở lại chốn lưu đày. Vì thế, Tây Phương đã có câu: Hỏa ngục là nơi đầy những kẻ thiện chí. (Le chemin de l’enfer est pavé des hommes de bonne volonté).

Điều này cùng lắm chỉ có Chúa biết và người đó biết.

Nhưng trước mắt người dân làng thì với tước Hậu ít ra sẽ được mọi người kính nể. Một điều người ta thưa cụ Hậu, hai điều bẩm không dám cụ Hậu.

Đã thế, khi có dịp đình đám, giỗ chạp thì được mời ngồi chiếu trên cùng với các quan viên trong làng. Đi đâu thì vác ô, phe phẩy cái quạt. Ra điều phong lưu nhàn tản lắm. Tuổi chưa tới 50 đã được kính cẩn gọi bằng cụ Hàn, cụ Nghị, cụ Hậu.

Ấy là chưa kể được miễn truyện sai dịch, sưu thuế.

Việc mua bán quan tước như thế thật ra cũng chả có gì đáng trách cả. Kẻ xấu miệng không được thì chê bai, dè bỉu. Thử cho họ xem có hoan hỉ nhận không?  Dân làng thì đa phần nghèo làm sao nộp tiền cho hàng xứ? Không lẽ để nhà thờ rếch rác coi sao được. Chỗ Chúa ở thì ít ra cũng phải khang trang đàng hoàng hơn một chút cho phải phép. Người ta bỏ tiền mua cho là mừng vì cả hai bên đều có lợi.

Riêng các chức Nghị ngoài đời thì kể từ khi có chính phủ bình dân Pháp vào năm 1936 đã có nhiều thay đổi? Bộ trưởng thuộc địa Pháp là Marius Boutet đã đánh điện cho toàn quyền Pasquier đòi hỏi ông này phải cải cách nhiều thứ (1). Và những cải cách đó chỉ thực sự có lợi cho bọn đệ tam quốc tế như cánh Trần Văn Giầu, Nguyễn Văn Tạo. Bọn này nhân dịp đó làm mưa làm gió trong Nam giết hại Tạ Thu Thâu và tiếp theo là những cái chết của Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm. Và cuối cùng là cái chết của Huỳnh Phú Sổ, lãnh tụ Việt Nam độc lập Vận động Hội và Phật giáo Hòa Hảo.

Nhưng biện pháp cải cách ấy chỉ thực sự có hiệu lực đối với trong Nam mà không có ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vì thế, người ta chỉ được nghe biết các chức tước ấy ở trong Nam mà không có ở ngoài Bắc. 

Trở lại câu truyện ông Nghị Kỳ thì dù ông đã quá vãng từ mấy chục năm mà người trong trong làng hễ có dịp là thế nào cũng nhắc tới ông.

Như vậy chắc ông phải làm được việc gì hữu ích lắm cho làng?

Thật ra trong dân gian ít ai biết đầy đủ về quá khứ của ông Nghị Kỳ. Theo người đời, ông chẳng làm điều gì tốt mà cũng chẳng làm điều gì xấu. Tiếng tăm ông để lại cho đời chỉ vì cái tật hắt hơi quá đặc biệt của ông. Trên đời này dễ chỉ có mình ông là hắt hơi như thế. Không có đến người thứ hai.

Tiếng hắt hơi của ông để lại tiếng cho đời đến sau này con cháu dòng họ vẫn không ai cắt nghĩa được, tại sao ông lại hắt hơi như thế?


 image002

 Đó là tiếng than dài của kẻ hận đời, kẻ bất đắc chí. 
Nguồn: Wikimedia Commons 


Dì Phó Đang.

 
Câu chuyện dì phó Đang có liên hệ trực tiếp với dòng họ của tôi. Tôi có hai bà dì. Một là dì Phó Tuẫn. Hai là dì Phó Đang. Tôi không biết nhiều về bà dì thứ nhất, chỉ biết tới dì Phó Đang. Chữ phó không ám chỉ chức tước gì. Đơn giản là chỉ nghề nghiệp như thợ mộc, thợ nề…

 Dì tôi trời bắt tội, số phận hẩm hiu bị mù cả hai mắt. Theo tôi được nghe kể lại thì dì tôi không bị mù từ sơ sinh. Bằng chứng là cái tên bà Phó Đang là tên chồng của dì. Dì có chồng đàng hoàng trước khi bị mù mắt. Có thể ông Phó Đang đã mất từ lâu và dì ở vậy… Con cái cũng không có. Tôi chỉ có thể nói có một điều chi bí mật mà dì không tiện nói ra về chuyện mù hai con mắt.

Nhưng tôi linh cảm được là chắc hồi còn trẻ, dì phải đẹp qua khuôn mặt còn phảng phất một nét thanh tú, mặc dù nay nhan sắc đã phai tàn. Giọng nói của Di dễ cảm lòng người. Tính nết dì lại đôn hậu, thật thà. Nhất là tôi chưa bao giờ nghe dì than thân trách phận. Cái nét đẹp ấy với cái tính của dì hẳn là lôi cuốn người khác lúc còn trẻ. Dì phải trội vượt hơn nhiều người. Nhiều cô gái cùng trang lứa hẳn là có ghen ghét so bì nay có được dịp trả cái hận đó.  Thói đời thường như vậy. 

Dì tôi ở cách nhà tôi chừng một cây số nên tôi thường tới nghe dì trò chuyện. Gọi là nhà chứ thực sự chỉ là một túp lều tạm che mưa nắng. Túp lều nằm ẩn núp sau một vài ngôi mộ hoang mà vôi gạch xây từ lâu, sụt lún và gần như hoang phế qua những trận lụt. Muốn vào nhà phải đi qua những ngôi mộ hoang và lớp cỏ gianh mọc cao tới đầu người. Đứng từ ngoài đường cái sẽ không nhìn thấy túp lều. 

Khung cảnh chung quanh thật hoang sơ và cô quạnh. Chỉ có một người sống bên cạnh những ngôi mả gần như hoang phế, không ai bén mảng tới. 

Có lẽ dì tôi đã làm quen với cảnh này và một vài lần, tôi đến đột ngột, nghe thấy dì như đang nói chuyện với ai đó, lẩm bẩm một mình. Dì nói một mình:

"Ông có sống khôn, chết thiêng, xin hãy cầu bầu cho tôi trước mặt Chúa."
Thấy tôi đến. Dì im bặt. Có thể dì quen biết với một người trong những ngôi mộ ấy. Tạm gọi là ông X đi. Tôi hơi rởn tóc gáy vì như thể dì đang nói chuyện với một đầu lâu đã chết… Âm dương cách biệt mà như thể là gần gũi có thể tỏ bày tâm sự với ông X. Hay ông X, chính là ông Nghị Kỳ? Người đã chết từ lâu?  Tôi không dám nghĩ xa hơn nữa với trí óc còn non của một đứa trẻ. Thế giới của dì quả là một thế giới bí mật lại có sức lôi cuốn tôi để mong được nghe dì kể chuyện. Dì kể chuyện có duyên và hấp dẫn lắm, gợi trí tò mò của tôi… Chẳng hạn dì kể về kỳ tích của cha già Tích trong xứ với tiếng hừm hừm mỗi khi cha ra cử hành lễ. Cả nhà thờ đang đọc kinh nghe tiếng hừm hừm đều im bặt… Ông quản giáo được dịp vung roi quất vào những đứa trẻ đang ngủ gà ngủ gật Nhưng chiếc roi ngưng lại khi ông Trùm xứ ngồi gần đó cũng đang ngáy khò khò. Quả là chiêc roi cũng có mắt. Nói rồi dì cười khanh khách.

Tôi nghe mà rất thích câu chuyện bởi vì tôi vừa sợ vừa không ưa gì cha xứ. Phần tôi, tôi biết chắc rằng, khi còn nhỏ, tôi ghét ai thì Chúa đồng tình. Nếu có hỏi được Chúa. Chúa sẽ đồng tình: Cha cũng đồng ý với con như vậy.

Tôi xin nhắc là sự phán đoán và cảm nghiệm của trẻ con về người lớn thường là không sai. Trẻ con ghét ai thì thực sự cái người lớn đó đáng ghét như vậy. 


 Lần khác, mẹ tôi sai tôi mang một giỏ đồ ăn cho dì vào khoảng sẩm tối. Tôi sợ đi một mình bèn rủ chị lớn đi cùng. Trên trời ánh trăng rằm sáng vằng vặc. Hai chị em len lỏi giữa các ngôi mả quen thuộc. Qua cửa phên dậu khép hờ. Dì ngồi bất động trên chõng tre, tiếng cầu kinh rân rang đọc kinh cầu hồn. Thoạt đầu giọng dì chậm rãi, lời cầu kinh như van nài, năn nỉ ỉ ôi Chúa: Lạy Chúa tôi ơi Chúa đã phán lời Tao là Chúa Cả… Càng về sau, dì đọc hối hả, nhịp đọc mỗi lúc một nhanh như hối hả, tiếng nọ đuổi tiếng kia đến như không kịp thở. Đầu dì bắt đầu lắc lư như lên đồng. Hầu như dì đã thoát xác không còn là Dì. Dì đang ở một thế giới mù khơi diệu vợi. Nó gợi hình ảnh như một cuộc hy sinh của con dê tế thần gánh tội thiên hạ. Tất cả tội lỗi thế gian này hầu như đổ trên đầu dì chỉ vì cái tội xinh đẹp. Nào Dì có tội tình gì? Cho đến khi dì thốt lên câu chót của bài kinh cầu hồn: "Khi nay và trong lâm tử. Amen.”

 Chị em chúng tôi rất đỗi kinh ngạc đến nỗi không thể nói ra lời trước cảnh huyền bí như ma thuật giữa cõi tục và cõi tiên đến rợn người… Sau một hồi, dì như thấm mệt, mồ hôi vã ra, dì trở lại con người bình thường. Như dì vừa qua một cơn mê. Dì mù nhưng tai thính nên nghi có người. Dì hỏi vọng ra cửa: Hóa đấy hở con? Chị tôi thưa: dạ thưa dì con đến đưa đồ ăn cho dì. Dì cười trơ cả hàm răng cái còn, cái mất. Hai tay giơ ra phía trước quờ quạng để được vuốt tóc chị tôi trông đến là thương. Phải chăng đây là hạnh phúc đích thực của dì. Mái tóc bạc rẽ ngôi tươm tất trông đến là đẹp lão. Sau một hồi chị em tôi trở về. Ánh trăng đã mờ tối… Chúng tôi thầm lặng buồn bã chẳng ai nói với ai một lời. Một nỗi buồn mênh mang khó tả như một nuối tiếc hay một mất mát.

Phần tôi, kinh nghiệm về cõi người và cõi ma rất là bình thường. Nhiều khi chỉ là thần hồn nát thần tính. Còn nhớ, mỗi buổi sáng nghe tiếng chuông hiệu, tôi vội vã đến nhà thờ. Đến lối vào nhà thờ có một bãi rộng, lát gạch bát tràng bên cạnh là cây hoa ngọc lan, cành lá xum xoe tạo bóng mát, tỏa mùi hương thơm thoang thoảng... Dân làng đi chợ, làm ruộng về hay đi vào nhà thờ rồi vào xóm trong thường dừng chân chuyện vãn.

Trên đường vào nhà thờ, phải đi qua một con đường gạch, lát bổ cau (viên gạch xếp sống lưng thay vì xếp ngang… Lối đi  rộng khoảng thước rưỡi. Những viên gạch au lên mầu gạch đỏ thẫm, nhiều chỗ nhẫn thín.  Phía bên phải là rãnh nước đồng thời là lối dành cho trâu bò, sau đó là bụi trúc… Xa một chút là cơ dinh nhà Nghị Năm, tường đá ong cao quá đầu người. Bên phải là một cái đầm. Nghe nói khi có trận vỡ đê sông Đáy, nước xoáy và tạo nên một vùng trũng tạo thành một cái ao. Khi có cơn mưa rào tạnh thì tiếng cóc, tiếng ễnh ương kêu ì ọp. Tôi sợ và rảo bước đi cho nhanh. Nhưng đến một lúc thì ù té chạy đến khi đến sân nhà thờ thở dốc ra. Nhiều lần sau, tôi phải đợi có người lớn rồi theo đi cùng… Chỗ ao chuông là dễ có ma lắm. Lần khác, mẹ tôi và và tôi rửa chân ở cầu ao thì bất chợt có khúc củi mục đen tự nhiên trôi vào bờ. Mẹ tôi lấy nước vừa vẩy trên khúc củi mục vừa nói: khôn thiêng thì xin đi ra... Khúc củi mục trôi ra xa dần như thể hồn hồn ma hiểu ý mẹ tôi nên đi ra xa.

Phần cuộc sống của dì thật đáng tội nghiệp. Mẹ tôi có tốt cách mấy thì cũng trong vòng bất đắc dĩ. Tôi còn trẻ, nhưng mỗi lần mang cơm cho dì thì tôi cũng có dịp nhận ra cơm dành cho tá điền, cơm cho dì phó Đang và cơm của gia đình tôi. Của đáng tội, cơm cho Dì chỉ nhỉnh hơn chút cơm dành cho tá điền. Thay vì chỉ có mấy quả cà dầm tương, vài con cá khô… chút rau luộc. Phần cơm của dì có thêm chút cá kho mặn, vài con tép rang, đĩa muối vừng. Sang lắm phiên chợ có thêm đia thịt kho mặn. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi nghĩ đến bữa cơm dành cho gia đình tôi. Thường thì cũng có thịt cá mỗi ngày. Nào là cá quả nấu cháo ám thì là. Khi thì cá rô rang muối ăn với cơm nếp. Đó là món ăn tôi thích nhất. Rồi còn canh cua rau đay. Nhất là món nhộng rang bùi và ngon.  Ngày phiên chợ thì sang hơn có thể có đĩa lòng heo chấm mắm tôm… Khi có bánh đúc, đậu phụ chiên chấm mắm tôm. Mùa nào thức nấy. chả thiếu thứ gì.

 Nội chỗ ở của dì cũng nhếch nhác chả ai chịu dòm ngó… một cái ổ rơm tứ thời bát tiết nhất là mùa đông gió bấc, mưa phùn lạnh thấu xương. Phên nứa gió lùa vào như nhà trống… Cạnh đó là một cái chõng tre. Một chiếc áo bông như cái mền rách không đủ ấm cho tấm thân già. Ăn uống thiếu thốn. Nhất là cô quạnh một mình. Mối liên hệ với bà con, họ hàng người sống dần teo lại như thân xác dì cũng teo tóp lại… Người sống thì kể như đã chết chỉ còn người chết trở thành bầu bạn. Đối với dì tôi, người chết là tất cả lẽ sống đời dì. Nơi chỗ để tựa, để được vỗ về an ủi. Ông X là một trong những lẽ ấy. Và rất có thể ông X chỉ là kẻ vô danh được dì coi như trong vòng thân cận.

Nhưng có điều mỗi khi nói đến ông Nghị Kỳ, Dì tôi mỗi lần kể lại thì như bị hưng phấn, cuốn hút vào câu truyện không dứt ra được. Dì như bị thất thần. Lúc đó dì như không còn là dì. Chỉ khi nào kể xong, dì mới trở lại bình thường và rơi vào cái thăm thẳm của thế giới mù lòa.

Sau đó, dì trở về trạng thái bình thường. Mặt dì sau đó như tảng đá vô tri, vô cảm. Một cái buồn như mênh mông vô hạn. Cái buồn lạnh đó lây lan tức khắc sang tôi. Tôi cảm thông được nỗi buồn ấy và thương cảm dì. Và tôi hứa với lòng mình là sau này, tôi sẽ ngồi nhớ lại cái khuôn mặt lạnh băng như khối băng của dì để viết về tuổi con gái của dì đã sống ra sao? Tôi đâm thù ghét lây lan sang người khác.

Nhưng bây giờ thì tôi sẽ viết lại cái tiếng hắt hơi của ông Nghị Kỳ theo lời kể của dì tôi.

Theo dì tôi, bất thần ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ ngồi im lặng. Đang nói, đang cười, ông tự nhiên im bặt. Như đã đến giờ rồi. Ông bỏ dở câu truyện. Đã đến lúc của ông rồi. Ông ngồi như bất động như sắp sửa toan tính làm một điều gì quan trọng. Hai mắt ông mở to nhìn ra phía trước một cách chăm chú như thất thần. Nhưng có vẻ như ông không nhìn thấy gì. Ông cứ ngồi như thế một lúc, như tập trung tinh thần. Rồi thình lình, như có một tiếng sấm vang rền trong ngồi nhà gạch. Nó làm như rung chuyển cả ngôi nhà.

Dì kể như chuyện thật, sống động, nghe có vẻ khó tin cũng phải tin. Nhưng có nhiều điều không lý giải được.

Đàn gà đang kiếm ăn ngoài sân chạy te tác, xô dạt tung hai cánh lên kêu quang quác. Lũ chim sẻ đậu trên mái ngói nhà chíu cha chíu chít vội bay vụt lên không rồi sà xuống đậu ở một cây vối gần đó. Trong nhà, mọi người đang làm việc đều dừng tay. Khung dệt vải không kêu chạp chạp, lắc cắc đều đều nữa. Tiếng cối giã gạo ngoài đầu hiên không gõ nhịp thình thình nữa.

Tất cả rơi vào sự thinh lặng kỳ lạ.

Chừng độ một phần mười của thời khắc. Không chờ, không đợi thì tiếp theo có tiếng hắt hơi lần thứ hai … Tiếng hắt hơi lần thứ hai này cường độ âm thanh có phần nhỏ hơn tiếng đầu rồi tiếp theo tiếng thứ ba. Nhỏ hơn nữa. Sau đó là hết.

Sau những tiếng hắt hơi long trời lở đất mọi việc như trở lại bình thường. Đàn chim sẻ như quên truyện vừa xảy ra lại sà xuống tiếp tục chí chóe. Tiếng giã gạo với tiếng cối chày lại rơi lại thình thịch, đều đều.

Cuộc sống trở lại cái bình thường như thể trước đó chưa có truyện gì xảy ra.

Tôi có hỏi dì tôi khi nào thì ông Nghị Kỳ hắt hơi và trong một ngày thì hắt hơi mấy lần? Dì tôi kể lại cho biết ông chỉ hắt hơi một lần mà thôi và thường xảy ra vào lúc chính ngọ. Ông có thể hắt hơi như thế đúng thời khắc. Đến độ người dân trong làng cứ nghe tiếng hắt hơi thì biết đã chính ngọ rồi.

Phần tôi, khi nghe dì tôi kể từng chi tiết nhỏ nhặt về tiếng hắt hơi này, tôi bị ám ảnh không ít. Tại sao lại hắt hơi có giờ giấc như vậy?  Tại sao dì tôi lại nhớ đến thuộc lòng như thế? Nhất là hắt hơi như thế để làm gì? Tôi tò mò hỏi đi hỏi lại dì tôi, kèo nèo dì tôi cắt nghĩa, dì tôi chỉ nhe răng cười. Cái cười có vẻ như thích thú vì biết được ý nghĩa của việc hắt hơi ấy. Tôi có phần ác cảm với ông Nghị Kỳ cho là tính nết bất thường, muốn ra oai với mọi người.

Tôi xin nhắc là sự phán đoán và cảm nghiệm của trẻ con về người lớn thường là không sai. Trẻ con ghét ai thì thực sự cái người lớn đó đáng ghét như vậy.

Tôi có thể đã nhận xét đúng tất cả về thế thái nhân tình. Về lẽ hơn thua, về miếng đỉnh chung.

Chỉ có một điều là ý nghĩa của việc hắt hơi này là gì.

 
image004


 

Cho mãi đến khi dì tôi mất, có dịp hỏi mẹ tôi về mối liên hệ giữa dì và ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ. Mẹ tôi lần đầu buồn rầu kể lại sự thật về số phận của dì như sau. Ông bà ngoại sinh được ba người con gái. Mẹ tôi là chị cả, thứ đến bà Phó Tuẫn, rồi đến dì Phó Đang. Khi còn trẻ, dì Phó Đang được coi như xinh đẹp, nết na nhất làng. Dì và ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ đã phải lòng và yêu nhau.  Trai tài gái sắc. Hai bên gia đình đã định ngày cưới hỏi. Ngày đám cưới, bên đàng trai mang sính lễ sang đàng gái. Nhưng vì chưa đến giờ như đã định, ông bà ngoại tôi nhất định không mở cửa bắt chờ. Nhà trai vốn danh tiếng và giàu có chờ lâu sốt ruột, có ý coi thường họ nhà gái. Tự ái nổi lên, họ nhà trai quyết định hủy cuộc hôn nhân, kéo nhau ra về, quẩy gánh sính lễ về thẳng một lèo, để lại đau thương và tủi nhục cho dì tôi. Và không ngờ cả ông Nghị Nguyễn Bá Kỵ cũng chung số phận.

Dì buồn phiền, tủi nhục cứ héo dần đi đã đôi phen tính trầm mình, nhưng vì theo Thiên chúa giáo nên không dám quyên sinh, khóc đến mù hai đôi mắt. Sau đó dì được gán ghép vội vã cho ông Phó Tuẫn mang về làm vợ lẽ. Phần ông Nghị Nguyễn Bá kỳ sau dở hóa khùng, dở điên, không chịu lấy ai mặc dầu nhiều đám manh mối. Ông sinh tật cứ hắt hơi như thế để trút hết cái oán hận người đời vào tiếng hắt hơi. Tiếng hắt hơi đó là tiếng than dài của kẻ hận đời, kẻ bất đắc chí.

Nó chẳng liên quan gì đến cái muốn ra oai, hám danh, hám lợi của người đời.

Viết vài dòng này để tạ tội với dì tôi đã một thời mù đôi mắt vì tình lụy và nhất là tạ tội với ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ vì tôi đã hiểu lầm ông. Hắt hơi là tình hận chứ không phải muốn hù dọa, khoe danh.

Chỉ có một điều, tôi quên khuấy hỏi mẹ tôi, cái ngôi mộ của ông X, phải chăng chính là mộ phần của ông Nghị Nguyễn Bá Kỳ mà dì tôi thường trò chuyện với cái đầu lâu?

Nguyễn văn Lục


 

editor_ Posted on October 23, 2019 Posted in Con Người & Sự KiệnNguyễn Văn Lục 


© 2008-2019 DCVOnline 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

 

Nguồn: DCVOnline biên tập minh họa và phụ chú. Bài đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 2/7/2008. Bài này đã chỉnh sửa ngày 8-9-2020 theo tầm nhìn lại như một thử nghiệm sức khỏe. Nguyễn văn Lục 

DCVOnline | (1) Trong thời gian Toàn quyền Pierre Pasquier tại chức ở Đông Dương từ 1928 đến khi qua đời ngày 15 janvier 1934, không có Bộ trưởng bộ thuộc địa Pháp nào tên là Marius Boutet.

Danh sách Bộ trưởng Hải ngoại và Thuộc địa (Liste des ministres français de l’Outre-mer et des Colonies):

Có một bộ trưởng Thuộc địa Pháp tên Maurius Moutet tại chức trong giai đoạn 1936-1938. Giai đoạn này, Toàn quyền Đông Dương là René Robin | juillet 1934 – septembre 1936 và Jules Brévié | septembre 1936 – 23 août 1939.

Nguồn: http://dictionnaire.sensagent.leparisien.fr và Liste des gouverneurs de l’Indochine française

 

 



09 Tháng Ba 2024(Xem: 565)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 570)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 656)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 605)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 573)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 710)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 757)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 965)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 856)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 812)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1692)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 767)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 712)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1709)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 968)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri