Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kim Oanh - CHUYẾN XE CUỐI CÙNG

05 Tháng Chín 202011:30 CH(Xem: 8485)
Kim Oanh - CHUYẾN XE CUỐI CÙNG


CHUYẾN XE CUỐI CÙNG


blank
(Cây kiểng Ba Má để lại)


Hai năm qua rồi mà sao lòng tôi vẫn chưa nguôi, cũng giờ này ngày ấy chiếc xe nhè nhẹ lăn trong khu phố nhỏ.

Má tôi muốn được nhìn những cánh hoa muôn màu của những căn nhà chung quanh trong khu phố, má đau nhiều lắm không biết sẽ ra đi lúc nào nhưng sao má vẫn thấy cuộc đời muôn sắc thắm vậy hở má? Ước gì con cũng được an vui, hạnh phúc như cuộc đời má dù chỉ là một góc nhỏ thôi. Ước thế thôi chứ má có biết con đang an lành bên má không hỡi má ?!.

- Hoa này đẹp không má?
- Hoa nào cũng đẹp cả con, mỗi hoa có vẻ đẹp riêng, giống như sáu đứa con gái của má, mỗi đứa có một vẻ đẹp khác nhau vậy.

Má thế đó, cho dù ngày nay tuổi các con đã bước qua con số bốn đầu cả rồi, má lúc nào cũng ước ao, con mình như những đóa hoa còn xuân sắc.
- Oanh ơi, dừng xe lại đi con.
Xe dừng lại, má nhìn cánh hoa tươi cười rạng rỡ:
- Con thấy không, người ta nói hoa búp là hoa đẹp vậy mà hoa này nở rộ rồi mà có thua gì hoa búp đâu hở con!
Má ơi, con hiểu má muốn nói gì với con rồi, nhưng con làm sao xoay chuyển được cuộc đời của con đây hở má! Tôi vờ vô tình như không hiểu những gì má muốn nhắc nhở cùng tôi..
- Đi nhe má?
Không đợi má trả lời tôi tiếp tục cho xe lăn đi.

Đi bên má chiều nay sao tâm hồn tôi đau xót quá, chưa hết vòng khu phố nhỏ má dường như sắp mệt, nhưng tôi cố gắng tìm những cánh hoa khác để xua tan đi cơn mệt, đang hằn lên gương mặt má tôi.
- Oanh ơi, cái cổ má mỏi quá con, thôi về đi con.
Tôi tựa sát vào thành xe lăn.
- Má tựa đầu vào ngực con nè.
Thế là vừa đi tôi vừa nương theo xe má.
- Con nhỏ này nhanh trí, má thấy đỡ rồi đó. Bởi vậy má nói với ba con hoài “Con Oanh nó giống Mình lẹ làng” và suốt con đường đi hôm ấy hình ảnh ba lại được má nhắc hoài…
- Con biết không, hồi xưa má về với ba con, má chỉ là cô gái mới vừa 15 tuổi cái tuổi còn ngây thơ khờ dại, chưa biết gì là khôn khéo với người ngoài. Vậy mà ông bà nội của con thương yêu dạy bảo má, với lời nói nhẹ nhàng, má còn nhớ có hôm nọ má nấu canh, ông nội ăn xong khẽ nói:
- Con ơi, canh hơi cứng.
- Thưa tía, con hầm lâu lắm sao còn cứng hở tía?
Ông nội cười xòa và bảo:
- Tía nói cứng nghĩa là mặn đó con, thôi không sao đâu.
Và xoay qua bà nội, ông con nói:
- Con nó còn nhỏ, từ từ tía má sẽ chỉ dạy thêm.

Ông bà con là người nhân từ đức độ, kẻ trên người dưới đều một lòng quý mến.Trong gia đình ông bà không cho gọi người giúp việc là “Người làm” mà gọi là “Anh em bạn”, cho dù ông đang ăn cơm mà tá điền đến nhà, ông con bỏ đũa đứng lên, hai tay chấp trước ngực để chào đáp lại. Ông bà con là điền chủ giàu có lắm ruộng vườn cò bay thẳng cánh ở vùng Phú Hữu.

Năm nào thất mùa lúa là năm đó ông bà nội không thu một hột lúa nào của tá điền, mà còn trích ra thóc gaọ để giúp đỡ dân nghèo qua cơn khốn khó. Ngoài ra ông còn học về thuốc Nam để trị bệnh cho dân nghèo những khi đau yếu, bệnh tật.

Ruộng vườn bao la bao nhiêu thì tình thương nhân ái của ông bà nội con cũng bao la bát ngát bấy nhiêu. Cũng vì được trọng nể đức độ ấy mà dân làng đã bầu ông con là ông Bang Biện trong làng.
Thời ấy dân làng phải băng đồng lội ruộng đi dự phiên chợ Giồng Ké, thuộc xã Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long, thấy dân làng quá cơ cực trong hai buổi đi chợ về, ông đã cho đấp con đường với hai hàng cây trâm bầu thật mát để người dân đỡ vất vả. Nhớ ơn ông, người dân làng đã gọi đó là Lộ Ông Bang, trong truyện Hồ Biểu Chánh đã có lần nhắc đến đó con biết không.
Các con ngày nay được no cơm ấm áo, nhờ vào phúc đức của ông bà để lại nhe con, hãy cố gắng sống ”Mình ăn hết người ta ăn còn”.


Tiếp nối ông nội, thì ba con là người con hiếu thảo, một người chồng chung thủy, một người cha mẫu mực, đối với bà con lối xóm tốt bụng hiền lương y như ông bà con vậy.


Ba con thương yêu má hết lòng. Năm ông ngoại con mất sớm, bà ngoại con mới vừa 40 tuổi, má là chị hai trong gia đình, có năm đứa em thơ dại, ba con đã bảo bộc, hiếu thảo với bà ngoại và thay mặt má nuôi dưỡng chăm lo sự nghiệp cho dì và các cậu con nên người. Ngày đầu tiên về làm vợ, ba con để trên đầu giường quyển sách “Cách học làm vợ và nuôi dạy con”. Bao nhiêu đó má biết ba con là người chồng rất tế nhị. Ba con chưa một lần la rầy má, chuyện gì không vừa ý ba con luôn lựa lời nhỏ nhẹ bảo khuyên. Ai nói gì oan ức má nói ba sao không đính chính, ba mỉm cười nói: “ Chỉ cần một mình Mình hiểu anh là đủ rồi”. Má vừa kể chuyện, tay vừa xoay xoay chiếc cà rá một cách âu yếm thiết tha. Má cười nói:
- Con có biết, chiếc cà rá này là kỷ vật của ba tặng kỷ niệm khi má mang thai con, con là đứa con thứ chín trong gia đình đó con. Ba con là người cha chu toàn, hết lòng dạy dỗ các con nên người. Không có ba thì mười đứa con không được như ngày nay đâu con.

blank
(Di vật của Ba Má)
Ba thế này ba thế đó… và trong ánh mắt má chan hòa, thương nhớ xa xăm, tôi đã nghe nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Vậy mà lần nào nghe, tôi vẫn thấy thật hay như câu chuyện cổ tích diệu kỳ và má tôi là Nàng Tiên trong chuyện thần tiên đời nay của thế giới mới mẻ này.

Ba đã mất đi năm năm rồi, má vẫn còn thấy như ba đang bên cạnh má, má nói chuyện với tôi mà tâm hồn như đang trò chuyện cùng ba.
- Ba má về với nhau hơn sáu mươi năm rồi chứ ít ỏi gì, thế mà như còn xuân vậy hở má!.


Má nghe tôi nói má cười sung sướng:
- Ờ ba con ổng tốt lắm, trọn đời này không có người thứ hai, ổng thương má đến ngày nhắm mắt. Trước khi nhắm mắt ba con còn lo cho má: “Ba đi rồi má con ở với ai?” Chị Phượng con trả lời: “Ba đừng lo chúng con đông mà ba”. Ba vẫn chưa yên lòng: “Nhưng má con ở với đứa nào?” Chị con vội nói: “Ba yên tâm má ở với con”, Ba con yên lòng nhắm mắt ngủ… và ngủ bình yên trong yêu thương an lạc. Ba con là một người chồng trọn tình trọn nghĩa.


Thật vậy, đó là sự thật! Sống với gia đình suốt hai mươi hai năm, tôi chưa một lần nghe ba má cãi nhau, tôi rất tự hào về ba má tôi. Người đã cho tôi một tuổi thơ tràn đầy thương yêu và thật đẹp, thật hiền hòa như bài hát Kỷ Niệm của nhạc sĩ Phạm Duy, mà mỗi lần nghe ca sĩ Thái Thanh hát, lòng tôi mãi dạt dào hoan ca, hạnh phúc:
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Mẹ tôi ngồi đan áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng im im
Trong đêm mùa khô ráo….



Những lời ca này, tôi có thể hình dung lại được một mái gia đình đầm ấm, điển hình là mái ấm của gia đình tôi, khi tôi còn bé tí teo.Tuy giờ đây lưu lạc phương này, tôi vẫn sống mãi trong niềm hạnh phúc vô biên mà ba má đã ban tặng cho cuộc đời tôi.


Xe lăn về gần đến nhà, tôi không muốn đi nhanh, từ từ cho xe chậm lại để được nghe những lời thiết tha của một mối tình già thủy chung son sắt, mỗi lần nhắc đến đôi mắt má vẫn còn long lanh, tha thiết, chẳng hề phai.
- Thôi đẩy má về đi con má mệt rồi.
- Mai đi nữa nhe má?
- Ờ, để coi mai má khoẻ thì đi.


Đưa má vào nhà, nhìn má ăn cơm khi ánh nắng chiều xuyên qua khung cửa tạo một vệt nắng hắt lên mái tóc bạc phơ, tôi thấy tâm hồn mình quặn thắt, ánh nắng yếu ớt, má tôi giờ cũng yếu ớt và tâm hồn tôi cũng chẳng khác gì ánh nắng kia. Nhưng tôi cố tạo một vẻ bên ngoài cứng cỏi lắm. Nhưng má ơi, má có biết từ lúc đẩy má trên chiếc xe lăn, nước mắt con đã chực ứa rồi, con không biết hai mẹ con mình có còn được dạo phố ngắm hoa nữa không hỡi má?


Hôm sau ngày 24 -9 -2002 tôi đi làm lại, sau những ngày xin nghỉ phép để chăm sóc má. Nhưng má lại lên cơn đau, hai em tôi đưa má vào bệnh viện, tôi rời sở làm về thẳng bệnh viện thăm má.
- Oanh về rồi hả con?
- Dạ, con mới về.
- Xoa lưng cho má được không con, má mỏi quá!


Tôi xoa nhè nhẹ lưng cho má, nhưng mắt má thất thần, gương mặt hằn nét đau đớn, nhưng má vẫn chờ tôi về, muốn tôi vuốt ve lần cuối cùng trên chiếc lưng má. Ngày nào rời quê nhà, tôi là người cuối cùng xa ba má, rồi giờ đây tôi lai là người cuối cùng má xa rời tôi. Con cháu đến đông đủ bên cạnh má, lo âu vì Bác sĩ cho biết là má sẽ ra đi bất cứ lúc nào.


Má nói đêm qua nằm mơ thấy ba cất nhà mới và đón má về với ba. Thế rồi má nhắm mắt ngủ… và từ từ ngủ… bình yên trong niềm đau đớn vô cùng của chúng tôi.
Nước mắt chúng tôi rơi… nhưng không thành tiếng vì muốn má được ngủ thật bình yên, ngủ giấc ngủ ngàn thu… trong tĩnh lặng và cùng ba đi tiếp con đường mới đầy yêu thương vĩnh cữu như kiếp này ba má nhé!!!
Lời trăn trối cuối cùng trước khi nhắm mắt, má tha thiết ước mong một điều: “Các con phải thương yêu đùm bọc cho nhau,và ba đâu má đó, hãy chôn ba má cùng một nấm mồ”.
“Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách”. Ba má tôi đã trọn đời thủy chung và một lòng tôn kính lẫn nhau, từ khi gặp gỡ cũng như lúc qua đời.
Ngày cùng má đi dạo phố cũng là ngày cuối cùng tôi được hạnh phúc bên má, cũng là chuyến xe cuối cùng tôi được cùng má ngắm hoa.

blank
(Ba Má ngắm sen)
Má ơi! Đêm nay con viết những dòng chữ này gửi đến má với tất cả niềm thương nhớ sâu thẳm của con… Má ơi, vườn con giờ nhiều hoa nở lắm, và má có biết chăng có một đóa hoa vừa sống lại trong khu vườn của con không?! Một đóa hoa héo tàn mấy mươi năm, một đóa hoa mà má hằng mong ước nó sẽ xinh tươi rực rỡ dù bao bão tố phong ba. Hoa đã được hồi sinh đó là một trong sáu đóa hoa xinh tươi của má, má có biết chăng hỡi má?! Xin má hãy giúp con tưới đóa hoa này để mãi mãi nó luôn tươi đẹp nhe má!
Thương yêu tha thiết gửi về má đêm nay. Đêm nay chính là ngày cách đây hai năm má đã ngủ yên, giấc ngủ êm đềm để gặp lại ba nơi miền cực lạc.
Phúc cho con một đời được làm con của ba má!
Kim Oanh
Kỷ niệm ngày giỗ thứ hai của má
Úc Châu 24-9-2004
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1894)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1682)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5382)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5652)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1911)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4945)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3686)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2285)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2231)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2609)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2654)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2547)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2568)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2803)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3049)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2917)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2737)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2843)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2752)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2851)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?