Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Lê Kim Oanh - Trịnh Văn Kiều - KỶ NIỆM THỜI ÁO TRẮNG

11 Tháng Mười Hai 200912:00 SA(Xem: 95147)
Lê Kim Oanh - Trịnh Văn Kiều - KỶ NIỆM THỜI ÁO TRẮNG

 

Kỷ Niệm Thời Áo Trắng

nusinh

 

Tôi dắt xe xuống đò cùng với 2 cô bạn thân—Mỹ Quế và Kim Hoa. Hôm nay là ngày giỗ Bác trai-Ba của Mỹ Quế, lại cũng là dịp nghỉ Hè cho nên Mỹ Quế đến rủ chúng tôi đạp xe sang nhà Quế ở Bến Đò Trạm Tân Ba ăn giỗ Bác trai

Mỹ Quế, Kim Hoa và tôi là 3 đứa bạn thân từ Đệ Thất đến Đệ Tứ (Mỹ Quế, Kim Hoa dân Biên Hòa, đất đỏ màu mỡ. tui là gái Hà Thành chính cống di cư 1954). Thế mà ba đứa chúng tôi rất thân nhau, đi đâu cũng bộ ba Hoa-Oanh-Quế, ngay cả những Mùa Hè, chúng tôi cũng rủ nhau ghi tên học các lớp Hè để có dịp gặp gỡ cho đỡ nhớ nhau.

Muốn đến nhà Quế thì có hai cách: Đi qua đò hoặc đón xe Lambretta, cũng có thể đạp xe qua ngã Chợ Đồn đi lên huớng Tân Uyên, Tân Ba nhưng rất xa.

Chúng tôi xuống đò ở Bến Đò Trạm cùng hướng lên núi Bửu Long, Bắt đầu từ chợ Biên Hòa, đạp xe lên hướng Tân Lại (Tân Thành) trước khi lên tới núi Bửu Long, đến Ngã Ba, qua Dốc Lò Nồi, sở dĩ gọi là Dốc Lò Nồi là vì hồi đó có con dốc nhỏ, người ta làm nồi đất nấu ăn và nhiều nhất là những cái nồi đất nhỏ để làm đồ chơi cho trẻ con, có lần mẹ tôi mua cho cô em Út một bộ nồi đất đủ cỡ để chơi bán hàng, những chiếc nồi nhỏ rất xinh, tôi tuy lớn mà cũng chơi ké với Út nữa, nhưng chính yếu là họ đúc những cái lò đất để làm bếp vì hồi đó lò gas, lò điện rất đắt nên ít gia đình có phương tiện mua xài, và cũng chưa được thịnh hành. Vì thế người ta thường dùng nồi, trách, bếp bằng đất để nấu ăn mà thôi, nên mới gọi là Dốc Lò Nồi, tên nghe chẳng thanh tao tí nào, nhưng cũng quen rồi, rất bình dị, "có sao nói vậy".

Từ bờ sông bên này sang bờ bên kia rất gần, đò chỉ khua mái chèo một tí là sang tới bờ ngay, tuy sợ ngã xuống nước nhưng chúng tôi lại thích phương tiện này hơn. Ngồi trên đò, nghe tiếng gió vi vu, lùa tóc bay bay và hai tà áo trắng, thơ mộng làm sao! Nhất là được nghe tiếng sóng vỗ vào hai bên mạn thuyền thật vui tai, cùng ngắm dòng Đồng Nai hiền hòa chạy dài dọc suốt tỉnh lỵ, len qua lau lách, vài khóm lục bình trôi lững lờ trên mặt sông, những đóa hoa màu tim tím thật đẹp, Nhìn những cánh lục bình trôi êm đềm, lênh đênh theo làn nước, đùa nhau trôi trên mặt sông, thật vô tư và bình thản, tôi rất yêu màu tím, đồng phục của chúng tôi là áo dài trắng, nhưng quai nón của tôi lúc nào cũng phải là quai nón tím cà, tím Huế hay tím than. Tôi thường hay cột chiếc quai nón thả dài hai bên, khi đạp xe thì gió thổi tung bay tà áo cột sau xe và hai bên quai nón cũng phất phơ theo gió. Ôi màu tím hoa lục bình đẹp sao là đẹp! Đẹp như những lời trữ tình trong bài "Ngàn Thu Áo Tím".

Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím

Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến

Chiều xuống áo tím thường thướt tha

Bước trên đường gấm hoa. Ngắm mây chiều lướt xa.

Nhưng rồi:

Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím

Sầu thương cho em, mơ ước chưa kịp đến...

Có lẽ anh chàng nào đó thấy màu tím buồn nên không muốn cho người yêu dùng màu tím sợ cho cuộc tình đôi lứa chăng? Khó hiểu....

Hoa Lục bình giản dị, dễ thương nên đều được nhiều người ưa thích, nhà Thơ Ngô Thiên Tú đã ca tụng Lục Bình như sau:

Lục bình trôi nổi trên sông

Bềnh bồng theo nước mênh mông tháng ngày

Lang thang lạc lõng miệt mài

Về đâu chẳng biết nơi nao bến bờ

Phất phơ dưới gió lững lờ

Lênh đênh dưới ánh trăng mờ nhấp nhô

Thẫn thờ theo sóng đổ xô

Lục bình trôi dạt theo dòng đời buông

Thương thay những cánh lục bình

Buồn cho thân phận cuộc đời ly hương...

Hoa Lục Bình mong manh giản dị như những cô thôn nữ đang tuổi xuân thì, thẹn thùng trong nắng hạ, làm mê đắm lòng người, nhà Thơ Hoàng Hương Trang cũng bị mê hoặc bởi sắc tím màu hoa, bà đã sáng tác bài thơ: Xuân Viết Cho Nhau dưới đây:

Mình đã xa nhau trót nửa đời

Đã mòn con mắt ngóng về khơi

Đã ru điệu hát nghìn xưa ấy

Tình cũng theo mùa con nước trôi

Đám lục bình nở hoa tim tím blank

Theo gió về xa đến thuở nào

Xuân đã vơi rồi, xuân khép kín

Anh cũng như bèo, dạt phương nao?

Nhánh cây tình trổ nhiều lá mới

Lá vẫn phơi sầu trên nắng hanh

Một thuở nào xa anh đã tới

Rồi cũng vô tình như lá xanh

Con đường đá sỏi mình từng đi

Từng hẹn hò xưa, từng thầm thì

Tình chết rồi, đường rêu đã phủ

Một thoáng ngậm ngùi thương tiếc chi?

Đó là hoa lục bình trôi lững lờ trên dòng sông Đồng Nai mà chúng tôi thường được nhìn ngắm trong những lần đi đò sang nhà Mỹ Quế, tôi còn nghe người ta nói hoa Lục Bình nấu canh, xào hay làm rau sống chấm với mắm cho món ăn quê nội (mắm và rau) cũng ngon, nhưng tôi chưa được thưởng thức.

Con đò nhỏ đưa chúng tôi sang bờ sông bên kia, từ bến đến nhà Quế cũng không xa, chỉ qua 2 hàng cây bằng lăng với những cánh hoa cũng màu tím xen nhụy vàng, chen trong đám lá xanh mướt, bằng lăng phủ rợp một khúc sông, bến đò cũng nhờ tàn bằng lăng phủ nên rất mát.

Bằng Lăng soi bóng ven hồblank

Xuân đi Thu đến bao giờ nở hoa

Hoa ơi có phải vì ta

Mà hoa tím cả trời xa trời gần

Chúng tôi vừa vào đến nhà đã thấy Bác gái (mẹ Quế) bày sẵn các món ăn trên bàn, nhìn thấy chúng tôi, bác gọi

Các con về tới rồi hả? Vô đây mau, thức ăn còn nóng đó, Bác chừa đầy đủ hết nè

Tôi vừa đói bụng, vừa tham ăn, nhìn mâm cỗ thịnh soạn nhà Quế mà chảy nước miếng. Ôi chao! Toàn là những món tôi thích thôi, nào là gỏi gà xé phay trộn với hành tây, rau răm, chả giò nóng, thịt luộc, cà ri gà, canh chua, cá kho, thịt kho tàu, bún, bánh hỏi, thịt quay, thôi thì không sao kể xiết, món nào cũng thơm ngon, bày biện tươm tất trong những cái chén, dĩa trạm trổ đủ kiểu thật đẹp mắt, cả nhà khách khứa, Bác gái và các anh chị đã dùng cơm xong, đó là phần của chúng tôi mà Bác gái đã chu đáo để dành, đang đói bụng, thế là cả ba chúng tôi cùng xúm lại ăn uống vui vẻ, bác gái ngồi nhìn chúng tôi ăn, Bà tủm tỉm cười, bác còn quay lại bảo tôi

Oanh nhớ ăn nhiều nhiều nhe con, trông con ốm lắm đó, phải ăn cho no đủ để lấy sức học hành.

Má đừng lo, Oanh ăn nhiều hơn con đó má, Quế trả lời hộ tôi

Ừ, thì má dặn vậy mà, má sợ nó ngại không dám ăn mạnh miệng đó thôi

Trời, Kim Oanh mà Bác nói nó ngại hả Bác? Nó ăn nhiều nhất trong 3 đứa đó Bác—Kim Hoa vừa cười, vừa nói,

Trong 3 đứa thì Bác thấy Oanh ốm và nhỏ con nhất đó

Tại dáng con như vậy đó Bác ạ, Bác không sợ con ăn hết phần ăn của Quế sao?

Thôi, ba đứa cứ ăn cho no đi nghen, bác có chừa bánh ít, bánh bò, chè xôi nước nữa đó, ăn cơm xong thì nhớ lấy chè, bánh ra ăn tráng miệng nghen

Cám ơn Bác, tụi con chỉ thích trái cây trong vườn của Bác thôi

Ối, trái cây thì thiếu gì, ăn xong ra vườn thích trái nào thì hái vô mà ăn...

Cơm nước xong, mới có 12:00 giờ trưa, vừa đúng Ngọ, chúng tôi rủ nhau ra sau vườn nhà Quế hái trái cây, và cũng không quên đem theo 1 dĩa muối ớt đỏ tươi thật cay, phải nói là tôi mê nhất là mảnh vườn đầy cây ăn trái của nhà Quế. Vườn rất rộng, trồng đủ các loại cây ăn trái, xoài, ổi, đu đủ, chôm chôm, măng cụt, mít, thanh long, cam, quít, vv, nhưng đặc sản ở Biên Hòa là Bưởi, tôi thích nhất là vườn Bưởi của nhà Quế, bưởi thanh, bưởi ổi, bưởi đường, bưởi da láng, v.v..

Em đi ngang đó, gần đường

Sao không ghé lại nói còn hay không

Nhớ ngày cây bưởi đâm bông

Mùi thơm hoa bưởi ngàn năm vẫn còn...

Đẹp làm sao! Những cánh hoa nho nhỏ màu trắng trinh nguyên, hoa bưởi có mùi thơm rất lạ ngan ngát mùi hoa Ngọc Lan xen lẫn mùi nồng ấm của hoa hồng, sự pha trộn đó mà hoa bưởi có mùi thơm dịu dàng và rất đặc biệt, nhờ vào mùi thơm này mà người ta đã dùng hoa bưởi để chế gia vị thêm vào các món ăn tráng miệng như bánh trái, xôi, chè và dùng để ướp trà nữa, mẹ tôi cũng có 1 chai nước hoa bưởi, không biết mẹ mua ở đâu, mà mỗi lần Mẹ làm món thạch chè, thì mẹ luôn luôn nhỏ vài giọt hoa bưởi vào từng chén chè cho thơm.

Chúng tôi lang thang trong vườn bưởi nhà Quế, đến hàng cây bưởi da láng, thì Kim Hoa chợt la:

A! Trái này nè Quế, mình thấy trái này chắc chắn là ngon rồi đó, da vàng tươi cuống cũng tươi nè

Thế là Quế hái xuống, chúng tôi đến ngồi dưới bóng mát cùng nhau chia xẻ nhưng múi bưởi đậm đà, dôn dốt, chua chua ngọt ngọt, vừa chấm muối ớt, vừa suýt xoa, ngon sao là ngon, chỉ một thoáng là 3 đứa chúng tôi đã ăn hết nguyên 1 trái bưởi.

Không biết vì sao mà hồi đó đứa nào cũng ốm nhom mà ăn thì không ai bằng, tôi nhớ Mẹ hay ví "Gầy là thầy cơm", nhưng tôi có thích ăn cơm đâu? Tôi chỉ thích ăn quà thôi.... Ba đứa chúng tôi vừa thanh toán xong trái bưởi thì no quá, Kim Hoa leo lên cái võng móc giữa 2 cây bưởi nằm đong đưa, còn tôi và Mỹ Quế thì chụm đầu vào nhau đọc tiểu thuyết...

Chúng tôi lại hẹn nhau sang Cù Lao Phố chơi, hôm đó chỉ có tôi và Quế, hai đứa đạp xe thả dọc qua Cầu Gành rồi rẽ vào Cù Lao, nơi đây, chúng tôi có chị bạn học chung Đệ Ngũ, nhưng chị đã nghĩ học lên xe hoa, sở dĩ chúng tôi vẫn thường xuyên sang Cù Lao, trước là để thăm chị rồi được thưởng thức món cơm rượu, xôi vò là món ăn gia truyền của gia đình chị, cả gia đình đều sống nhờ vào lợi tức bán cơm rượu và xôi vò, ai qua Cù Lao đều không quên ghé lại mua vài chén cơm rượu và mấy gói xôi vò đem về, nhà chị là một căn nhà ngói 3 gian, 2 trái, 1 cái bếp thật rộng, có 1 cái sạp to trên sạp chứa đầy những thau cơm rượu trắng tinh và mấy thúng xôi vò thơm ngon mùi lá dứa và béo ngậy mùi nước dừa. Tôi không biết ăn cơm rượu, tôi mua 1 đĩa xôi, 1 chén cơm rượu, rồi múc hết cơm rượu qua chén của Quế, phần tôi thì lấy nước cơm rượu chan với xôi vò mà thôi, món ăn này thật khoái khẩu, nó tương tự như món chè hoa cau, xôi vò mà Mẹ thường nấu ở nhà.



Chúng tôi đạp xe đi khắp nơi, sang Chợ Đồn nơi có hàng đầu cá bánh canh, Phở Kiều Oanh ở Biên Hùng, Quán Tuyết Hồng với thịt bò 7 món, mắm nêm pha thơm phức. Cháo lòng Huỳnh Của trên đường Quốc Lộ I, hướng đi lên Trường Ngô Quyền, và cũng không quên ghé Tân Hiệp Quán của cô bạn thời Đệ Ngũ Phan Lệ Nga ăn các món bún thịt nướng, bún mắm, v.v và vui nhất là mì Chú Mừng trong cái hẻm rất kín đáo, gần Tiệm Chụp Hình Phạm Lung.blank

Hai đứa gọi 2 tô mì hoành thánh, quán chỉ để vài cái bàn, và ghế nhỏ thôi, gọi mì xong chúng tôi ngồi nhìn ông chủ lăn bột cán thành từng vắt mì cho chúng tôi, người ông bé tí xíu mà tay ông thật lanh lẹ, trông ông rất hom hem nhưng mì do ông nấu thật ngon và đậm đà, sợi mì nhỏ và dòn rụm. Khi ông mất thì người con trai của ông đứng trông coi tiệm, anh này mập, người rất tròn trịa, anh ở trần, đứng lăn bột cán mì, mỗi động tác của anh làm cho bụng của anh rung rinh theo, trông rất buồn cười. Bao năm rồi, không biết bây giờ quán mì trong hẻm đó còn không?

Năm chúng tôi thi vào lớp Đệ Thất, kết quả dán ở trường Ngô Quyền cũ (trước là trường Nữ Công Gia Chánh, đối diện nhà Thương Chính). Khi nhập học thì Trường mới khai trương trên đường Quốc Lộ I, kế bên trường Kỹ Nghệ, gần đài Kỷ Niệm và Cổng I Phi trường Biên Hòa.

Vì Trường mới cất, nên hãy còn rất đơn sơ, chỉ mới có 1 dãy lầu hai từng, đằng sau là viện Dưỡng Lão. Các lớp học, bàn ghế còn mới tinh, giữa sân trường chỉ mới có cái cột cờ đứng thẳng, trước cửa lớp có một hàng cây dương, để khuyến khích tinh thần ganh đua của học sinh, nhà Trường chia cho mỗi lớp 1 khoảnh đất chung quanh 1 cây dương, và để cho chúng tôi tự ý trồng tỉa, trang hoàng làm sao cho đẹp, lớp nào trang hoàng bồn bông đẹp nhất thì sẽ được thưởng. Thế là chúng tôi cùng nhau hùn tiền đi mua cây kiểng, đá về làm thành 1 bồn hoa trồng chung quanh cây dương. Lớp nào, lớp nấy tự lo chăm sóc vườn hoa nho nhỏ của mình, hy vọng sẽ được trúng giải. Không biết bây giờ, những bồn hoa tâm huyết của chúng tôi ngày đó đã ra sao rồi?

Tôi và Mỹ Quế hay đi chơi, cho nên chúng tôi không may vào áo mà chỉ dùng kim gúc cài vào thôi, khi đi chơi thì lấy cất vào cặp, vì sợ người ta thấy chúng tôi thì nhận ra là học sinh Ngô Quyền, có lần tôi vô ý không cài phù hiệu trả lại trên áo, thế là bị Bà Giám Thị bắt được, tôi phải lên văn phòng ngồi chép bài mất mấy tiếng đồng hồ, và một lần nữa tôi bị bắt quả tang mang guốc cao gót lên lớp nữa....

Tuy Bà rất nghiêm khắc, nhưng Bà rất thương chúng tôi, có lẽ Bà cũng biết "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" chúng tôi tuy có hay nghịch ngợm, nhưng rất chăm chỉ học hành, cho nên Bà chỉ ra oai cho chúng tôi sợ mà tuân theo kỷ luật, chứ thật ra Bà rất tốt và thương chúng tôi lắm, Bà chỉ ở trường Ngô Quyền khoảng 1 năm thì Bà xin đổi trở về Saigon, Bà Giám Thị Giàu lên thay thế từ đó.

Vào những ngày cận Tết, chúng tôi lại thi đua làm bích báo: viết chuyện, làm thơ, tự thuật, chuyện vui học trò, v.v.... Những ngày Tất Niên thì thảnh thơi lắm Thầy, Cô cho nghỉ ngơi để sửa soạn ăn Tết. Chúng tôi cùng nhau góp tiền đi chợ mua kẹo, bánh, mứt, hạt dưa, trái cây, nước ngọt, v.v... đem vào lớp, vừa ngồi nhai nhóp nhép vừa bày trò vui chơi. Mấy ngày này Thầy Cô rất dễ dãi, cho chúng tôi tự do vui đùa, giải trí, đứa lên kể chuyện vui, đứa thì ca hát, Mỹ Quế làm thơ rồi tự lên đọc thơ của mình, Lôi Thị Phụng thánh thót bài "Tiếng Xưa" của Dương Thiệu Tước, trong tiếng vỗ tay reo vui của các bạn, tôi thì còn đang mơ màng thả hồn theo từng lời:

Hoàng hôn lá reo bên thềm

Hoàng hôn tơi bời lá Thu

Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh

Bâng khuâng phím loan vương tình...


Buồn não nuột, "Hoàng hôn mà tơi bời lá Thu", rồi "phím loan vương tình", không buồn sao được! Bất chợt Mỹ Quế húc tay tôi:

Oanh, tụi nó yêu cầu bồ hát kìa, kiếm bài mà hát đi, ai cũng đóng góp rồi, còn bồ thì ngồi đó mà mơ

Sao lại kêu mình, Quế hát đi

Thôi nha, mình làm và đọc bài thơ của mình rồi, tới phiên bồ đó, từ sáng tới giờ ngồi cắn hạt dưa không hà

Tui đành phải đứng lên, mắc cở quá đi thôi? Hát bài gì bây giờ? “Tiếng Xưa”-Lôi thị Phụng hát hay quá nhưng buồn, Tết thì nên hát bài gì tươi tươi một tí chứ (lại dị đoan).

A tôi chợt nhớ ra rồi: "Hoa Soan Bên Thêm Cũ" của Tuấn Khanh, bài hát mà tôi hay nghêu ngao trong nhà, có lần bị mấy anh chàng Không Quân ở trọ nhà kế bên lén nghe được, chẳng biết có hay không mà họ cũng vỗ tay quá chừng, (chắc an ủi…)

Đoạn này tôi thích nhất, tôi say mê:

Anh nhé! mình thương nhau muôn đời

Anh giữ gìn biên cương xa vời

Đừng buồn khi xa em anh nhé!

Thăm em đôi ngày rồi anh đi...

Tôi thở phào nhẹ nhõm lẫn trong tiếng vỗ tay thân thương, cổ võ của bạn bè lớp Tứ 2, thuở đó.

Chúng tôi thích nhất vào dịp Tất niên là được nghe cô Hoàng Hương Trang (giáo sư dạy hội họa của chúng tôi) ngâm thơ, hay sao là hay, cô chính là nhà Thơ Hoàng Hương Trang thường ngâm thơ trong mục Thi Văn Tao Đàn trên đài phát thanh mỗi tối thứ Tư, vì thế mà vào ngày Tất Niên chúng tôi nhất định phải yêu cầu để nghe cho bằng được những bài Thơ của cô mà do chính cô ngâm cho chúng tôi nghe nữa, ấm cúng và hay làm sao! Rồi Thầy dạy nhạc Lê Hoàng Long, tác giả bài hát nổi tiếng «Gợi Giấc Mơ Xưa» cũng bỏ thì giờ dạy cho chúng tôi ngâm nga những nốt nhạc trữ tình, thật thơ mộng. Nhớ sao là nhớ!

Tuy ham chơi nhưng chúng tôi cũng rất ham học, năm đó 3 đứa chúng tôi: Mỹ Quế, Kim Hoa và tôi đều thi đậu Trung Học Đệ Nhất cấp với Hạng Bình Thứ, lúc đi xem bảng kết quả mà mắt tôi hoa lên vì tưởng mình nhìn lầm.

Lên đến Đệ Tam thì bắt đầu chia Ban, Kim Hoa, Lôi Thị Phụng, và các bạn khác theo Ban B, Tôi, Mỹ Quế, Lê Thị Dung, Trương Thị Kim Phụng, Trần Thị Hóa, v.v. theo Ban C. Năm đó là năm đầu tiên Trường Ngô Quyền mở thêm Ban C, nên có rất ít học sinh, chỉ có một lớp Tam C thôi cho nên Pháp và Anh Văn cũng như nam, nữ phải học chung, mới đầy lớp, tới giờ sinh ngữ thì chia riêng, rồi còn phải học cùng buổi với Nam sinh nữa, vì thế mà chúng tôi những bạn bè thời Trung Học Đệ Nhất Cấp rất ít có dịp gặp lại nhau.

Trong lớp Tam C chỉ có khoảng 40 học sinh, lâu quá nên tôi không nhớ hết, chỉ nhớ được vài người bạn thân và ngồi gần thôi: Châu Mỹ Quế, Nguyễn thị Hồng Nga, Lê Thị Ánh Tuyết, Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Thanh Tân, Trương thị Kim Phụng, Trần Thị Hóa, v.v. Phía nam sinh, thì cũng khoảng 20 nguời, nhưng từ từ các chàng bỏ học theo nghiệp binh đao, ra đời làm việc, hoặc đổi chỗ ở, đổi trường, tôi chỉ nhớ được vài người, mà bây giờ nếu có gặp mặt chắc cũng chẳng nhận ra.

A, đúng rồi, tôi chợt nhớ có một anh chàng cùng lớp rất đặc biệt, anh chàng có mái tóc chải bóng loáng mà vào một dịp Tất Niên, anh thật can đảm, dám xung phong đứng lên hát "Về Đâu Mái Tóc Người Thương":

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em blank

Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm

Thầm ước nhưng nào đâu dám nói

Khép tâm tư lại thôi

Đường hoa vẫn chưa mở lối…

Cứ sau mỗi câu thì anh lại ngân dài như xuống 6 câu, tôi ghé tai bảo Quế

- Anh chàng đang xuống 6 câu kià Quế! Mùi y chang nghệ sĩ Hữu Phước vậy đó

- Con khỉ, người ta có vợ và sắp làm Ba rồi đó, đừng chọc ghẹo người ta tội nghiệp.

- "Hồn lỡ sa vào đôi mắt em" rồi thì phải cưới chớ sao?


Hai đứa chúi đầu vào nhau cười khúc khích. Từ đó tôi đặt tên anh là "kép mùi", nhờ đặc điểm nầy nên tôi nhớ mãi tới bây giờ.

Chuyện vui buồn thuở học trò của chúng tôi dưới mái Trường Ngô Quyền ngày xưa dài hơn những thiên tiểu thuyết, không sao kể cho hết được. Chúng tôi rất hồn nhiên vui đùa, ngoài việc học và chia sẻ vui buồn, trong tình thầy trò, bè bạn. Chúng tôi chỉ thích vui chơi, chứ chưa hề vướng bận một chút ưu tư, luyến ái nào cả. Trong khi vài cô bạn cùng lớp, đã có người bỏ học lập gia đình, có con; người thì có người yêu tung tăng ngày cuối tuần, chúng tôi, tuy cũng có những lúc xao xuyến bâng khuâng nhưng chưa hề dám nghĩ đến những điều đó, chỉ sợ sẽ bị phân tâm mà xao lãng việc học hành...

Thời gian thấm thoát qua mau, sau kỳ Thi Tú Tài, thì chia tay mỗi đứa một ngả. Quế & Kim Hoa lên Saigon học và trở thành nhà giáo, tôi vẫn ở BH đi làm và lập gia đình với người yêu. Rồi vì cơm áo, gạo tiền, bạn bè cùng lớp xa dần, chúng tôi ít liên lạc với nhau, mỗi đứa một nơi, một nghề nghiệp, tôi mất liên lạc với các bạn cũ từ đó, lâu lâu bất chợt gặp lại được một hai người bạn cùng lớp, vài ba câu thăm hỏi về bạn bè, gia cảnh rồi thôi, mỗi người một ngả.

Khi lập gia đình rồi, ai nấy đều bận bịu với bổn phận làm vợ, làm mẹ. Cũng vì quá bận rộn cho nên chúng tôi cũng từ từ quên hết những ngày xa xưa đầy ắp kỷ niệm. Dẫu có gặp lại nhau, cũng chỉ nhìn nhau mà ngậm ngùi. Những ngày xưa thân ái trong tà áo trắng đã xa xôi, bây giờ, đầu hai thứ tóc, với nhiều nếp nhăn hiện trên nét mặt, ra đường thì đều được chào hỏi bằng Bác, Cô, Dì, Chú, vv. "Còn đâu nữa bóng dáng thơ ngây xinh xinh ngày nào?".

Sau mấy chục năm xa rời mái trường Ngô Quyền yêu dấu, khi tìm về hỏi thăm những người bạn cũ thì các bạn tôi bây giờ, người còn kẻ mất, lưu lạc khắp bốn phương trời. Kẻ nơi quê xa, lâu lâu xin được địa chỉ, số phone của một cô bạn cũ là tôi tìm cách liên lạc gọi phone, email, viết thư, v.v. và từ người này, tôi tìm kiếm ra người khác. Tôi đã tìm lại cũng khá đông các bạn ngày xưa và tôi rất luyến ái những tình cảm với các bạn thân thương của tôi thật nhiều.

Vì thế, năm nào cũng vậy, dù xa hay gần, hàng năm cứ mỗi mùa Giáng Sinh hay Tết Dương Lịch, tôi nhất định không quên gởi Thiệp chúc đến tất cả các bạn của tôi, những người mà tôi đã tìm được, chỉ mong giữ mãi mối liên lạc mật thiết nầy. Mặc dù, mấy chục năm nay, tôi rất ít cầm bút viết, tất cả văn kiện thư từ tôi đều vào computer đánh máy cho nhanh, nhưng, những tấm thiệp Noel, những cánh thiệp Xuân của tôi thì luôn luôn phải do chính tay tôi ngồi viết, đó là lòng ưu ái chân thành nhất của tôi mong gởi đến các bạn thân thương một chút tình bằng hữu thâm giao...

Cách đây hơn một năm, tôi may mắn đã tìm lại được hai cô bạn thân (Kim Họa hiện đang ở Úc và Mỹ Quế đang ở Long Thành, Đồng Nai), hai người bạn hay tâm tình và đã cùng tôi vui chơi nhiều nhất trong những năm tháng dưới mái trường Ngô Quyền, bạn tôi Châu Mỹ Quế, Phan Kim Hoa. Ôi! Thật bất ngờ, lòng tôi xao xuyến bồi hồi như thuở mới biết yêu... Tôi phone về nói chuyện với Quế (hiện đang ở Long Thành), rồi Kim Hoa phone cho tôi, chúng tôi tâm tình với nhau cả tiếng đồng hồ, biết bao nhiêu vui buồn tâm sự, thăm hỏi chuyện chồng con, nghề nghiệp, chưa đủ, tôi và Mỹ Quế còn hò hẹn trao nhau những lá thư hàng tuần qua đường giây internet, Quế kể cho tôi nghe về cuộc sống bên nhà, tôi kể cho Quế nghe, chuyện xứ người, vui không kể xiết.... Lòng tôi miên man nhớ đến bài hát "Bên Bờ Đại Dương" nghe xao xuyến lạ thường:

Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương

Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung

Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang

Vượt núi rừng già Trường Sơn

Vào tới ruộng ngọt phương Nam...

Nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu, dưới mái trường xưa, con đường ngập lá vàng rơi, nhớ chúng mình một thời rong chơi. Cuộc đời đổi thay, chúng ta mỗi người mỗi ngả, đối với tôi, đời sống thế nào? Ngày tháng phôi pha, xứ người xa lạ, lòng luôn ngóng về quê hương, nhớ từng nơi ngày đó chúng tôi đã đi qua, nhưng bây giờ cảnh cũ không còn và các bạn xưa cũng không còn, biết lưu lạc nơi nao?

Năm 2001 tôi trở về một chuyến thăm lại Biên Hòa sau mấy chục năm xa cách, ghé ngang ngôi trường yêu dấu, nhưng tất cả đều thay đổi, không còn hình ảnh ngôi trường ngày xưa của chúng tôi nữa, hàng phượng vĩ buồn hiu hắt, cổng trường sơn màu khác, hàng chữ Trường Trung Học Ngô Quyền lại thay bằng Trường Trung Học Phổ Thông Cấp gì gì đó...

Ngôi trường dấu yêu của chúng tôi ngày xưa không còn nữa, đúng ngần ngừ vài phút rồi ngậm ngùi bỏ đi, xe nước đá trước cổng trường bây giờ cũng xa lạ, ngao ngán tôi không buồn vào thăm khu chợ nhỏ mà ngày xưa trước khi vào lớp chúng tôi hay ghé ăn quà sáng, hay mua những gói xôi, gói me ngào đem vào lớp để ăn vụng, những dấu yêu thuở nào bây giờ đã bay xa, tôi nắm tay chồng tôi—Anh (cũng là một Cựu Học Sinh Ngô Quyền).

- Anh ơi! Trường của mình bây giờ xa lạ quá, lạnh lẽo làm sao! Buồn quá anh à.

- Thời gian mà em, mấy chục năm rồi làm sao mà không thay đổi, thôi mình về.

Các con đường chung quanh trường cũng đều được tô phết, sửa đổi thành những bộ mặt mới, tôi ghé ngang qua thăm căn nhà cũ của chúng tôi ngày xưa, thì càng hoang vắng, đìu hiu, rêu phong phủ kín bờ tường. Ôi, căn nhà dấu yêu, ngày xưa nơi chúng tôi đã lớn bây giờ như thế đó sao!

Từ đó đến nay, tôi chưa về lại lần nữa, và nghe đâu bây giờ còn thay đổi nhiều hơn, khó mà nhận diện được thành phố Biên Hòa của những ngày tháng cũ nữa, và nhất là ngôi trường Ngô Quyền thân mến lại càng xa hơn....Thôi thì về một lần cho biết.

Lại một mùa Xuân nữa sắp sang, hơn 32 năm nơi xứ người, bao nhiêu vật đổi sao dời, chúng tôi đang sống trên một đất nước tự do, nuôi đàn con, ăn học xong thì mình cũng đang đi lần vào tuổi già. Thời tiết nơi đây thay đổi từng mùa nên thời gian qua mau, Thu vàng vừa chớm, lá vàng rơi rớt đầy song cửa, Trời đã bắt đầu lành lạnh rồi.

Nhìn những mùa Thu đến rồi đi, lòng tôi bồi hồi nhớ lại những Mùa Thu xưa nơi quê xa, những ngày cuối Thu hay đi nhặt lá bàng rơi trong gió heo may, rồi sang Đông khoác lên người chiếc áo len trắng mẹ đan ra ngoài chiếc áo dài màu Thiên Thanh vào mỗi ngày Thứ Hai để làm Lễ Chào Cờ. Ngày tháng dần trôi, bước vào mùa Xuân với mai vàng rực rỡ, đàn én bay cao, sân trường ngập nắng ấm mùa Xuân, áo trắng tung bay khắp nẻo:

Nắng soi bóng dừablank

Vành nón nghiêng che mái đầu,

Em ngây thơ qua cầu,

Làm tim anh ngẩn ngơ sầu…

Bao nhiêu cuộc vui đã tàn, ngày tháng trôi nhanh, Hè đến bên hàng phượng vĩ, tiếng ve sầu nỉ non, ai oán tiếc thương cho những ngày Hè ngắn ngủi.


Hôm nay ngồi ghi lại những dòng kỷ niệm ngày xa xưa, ôn lại trong tâm tư những dĩ vãng của một thời son trẻ, nhớ những buổi chèo thuyền sang Tân Ba với Thầy Nguyễn Thất Hiệp, Thầy Nguyễn Thế Văn, (năm đó 2 thày hướng dẫn lớp chúng tôi) thầy thương chúng tôi như con, nên chúng tôi gọi hai thầy là Má Văn & Má Hiệp, và cũng không khỏi ngậm ngùi thương tiếc các thầy cô đã khuất, thầy Phan Văn Dật, cô Vương Chân Phương, Bà Giám Thị Giàu, Thầy Soái, Thầy Huân, v.v. nhớ những chuyện vui buồn thi cử, nhớ những cuộc tình học trò trẻ thơ, những tờ giấy pulure màu xanh trau chuốt. Ôi! Bao nhiêu mộng đẹp ngày xanh nay còn đâu nữa, có chăng chỉ là những dư âm nhạt nhòa...


Các bạn thân thương của tôi ơi! Giờ này, chúng ta, mỗi người một ngả, kỷ niệm nào buồn bằng kỷ niệm đã qua, chợt nhớ đến bài hát mà tôi yêu nhất ở tuổi học trò ngày đó: "Giây Phút Tạ Từ". Trong đó có một đoạn gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm...

Xin đừng ai hỏi rằng, vì sao tôi xếp áo thư sinh giã từ

Khi tuổi đang còn xanh, và khi tình vừa chớm cho ước vọng phôi pha

Cầu xin đẹp tình hôm nay, và xin ngọc ngà tương lai

Và trong tương đó, có chúng mình không ngăn cách không lìa đôi

Xin chớ hỏi lòng nhau nữa. Vì biết nói sao cho vừa

Mai mốt mình xa xôi quá, mong sao thời gian kia sẽ không phai tình chúng ta

Giây phút tạ từ này đây. Một đời xin người ghi lấy,

Tôi với bước ra sân trường, không quay nhìn đôi mắt thoáng dưng dưng lệ buồn...

 

VA, November 15, 2009

Lê Kim Oanh & Trịnh văn Kiều

07 Tháng Tư 2012(Xem: 124866)
Thầy kính yêu của con, thầy trò ta đã không gặp lại nhau hơn bốn mươi năm qua. Nhưng qua trang web NQ, con đã gặp lại hình ảnh của Thầy.
06 Tháng Tư 2012(Xem: 152525)
Video này được thực hiện dưới dạng Playlist, gồm 10 bài hát : * Buồn * Buồn chi nữa em * Chủ nhật buồn * Có những nỗi buồn * Em loài hoa buồn ...
05 Tháng Tư 2012(Xem: 139803)
Với tôi, âm nhạc là tri kỷ, là ngôn ngữ của hồn, là liều thuốc của con tim, là nguồn sống và là... tất cả. Xin cám ơn đời, cám ơn người đã cho tôi có được niềm đam mê tuyệt vời ấy.
30 Tháng Ba 2012(Xem: 157670)
THÁNG TƯ NẮNG - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ : Thúy An
23 Tháng Ba 2012(Xem: 149157)
Trong lúc sống nay đây mai đó ở Sài Gòn, tôi đã từng "được" Công An hỏi thăm và đưa về ngủ ở trong bót để làm quen với muỗi vài lần.
23 Tháng Ba 2012(Xem: 163349)
# Tiêu đề: Giấc sầu # Artist: Ngô Càn Chiếu # Composer: Ngô Càn Chiếu # Harmonist: Ngô Càn Chiếu # Lyricist: Ngô Càn Chiếu
23 Tháng Ba 2012(Xem: 155966)
Hình thành từ tình thân ái nên buổi tiệc đã trở thành cuộc họp cảm động của bạn bè nhiều khóa nhắc lại kỷ niệm một thời áo trắng Ngô Quyền.
23 Tháng Ba 2012(Xem: 129799)
Hằng năm, cứ vào cuối mùa đông, khi thời tiết bắt đầu ấm dần thì hoa anh đào nở rộ báo hiệu mùa xuân chớm sang. Cũng vào thời gian nầy, lễ hội hoa anh đào được tưng bừng tổ chức ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
17 Tháng Ba 2012(Xem: 138167)
Cô cười! Vẫn nụ cười ngày xưa, nhưng không còn héo hắt nữa! Đã ánh lên sắc hồng của tình thương, của tình Cô trò và của những kỷ niệm ấm áp ngày xưa!
16 Tháng Ba 2012(Xem: 168823)
* Artist: Ngô Càn Chiếu * Composer: Ngô Càn Chiếu * Harmonist: Ngô Càn Chiếu * Lyricist: Ngô Càn Chiếu
14 Tháng Ba 2012(Xem: 167070)
NỖI ĐAU MUỘN MÀNG - Nhạc Ngô Thụy Miên - Phạm Tấn Phước trình bày
12 Tháng Ba 2012(Xem: 255995)
Thơ Tưởng Dung - Nhạc Phạm Chinh Đông- Hòa Âm: Cao Ngọc Dung – Ca sĩ: Thùy An
10 Tháng Ba 2012(Xem: 155498)
Hiện giờ Adelaide đang là chớm thu. Để nhớ lại một mùa hè đã qua và để chào đón mùa thu, Hạnh Phạm xin được chia sẻ cảm xúc của mình ...
02 Tháng Ba 2012(Xem: 151445)
Có rất nhiều điều anh chị em tôi đã chia sẻ với nhau trong lần gặp gỡ này. Chia sẻ để cảm thấy gần gũi nhau hơn, thương mến nhau hơn ...
02 Tháng Ba 2012(Xem: 131634)
Đầu tuần vừa qua, tôi có nhận được tin nhắn do Nghiêm Thái Bình chuyển đến, với nội dung thông báo mời dự họp mặt cựu Hướng đạo sinh Biên Hòa, tổ chức vào sáng Chủ nhật 26/02/2012
01 Tháng Ba 2012(Xem: 122141)
Hơn 40 năm trước, Hắn rời trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa rất sớm. Vừa học xong lớp Đệ Lục, chưa qua tuổi 15 Hắn đã nuôi mộng giang hồ,
01 Tháng Ba 2012(Xem: 137193)
Tôi chỉ kịp nghĩ mình như chim non se sẻ, vừa chớm đủ lông đã phải chập chững vỗ cánh, rời tổ ấm và bay về cuối phương trời xa.
24 Tháng Hai 2012(Xem: 164876)
# Artist: Ngô Càn Chiếu # Composer: Ngô Càn Chiếu # Harmonist: Ngô Càn Chiếu # Lyricist: Ngô Càn Chiếu
24 Tháng Hai 2012(Xem: 136453)
Riêng tôi, cảm nhận sự vô thường trong nhân thế, cảm nhận cuộc đời sắc sắc không không. Thắp 3 nén hương cho ấm mộ bạn mình cũng ấm thêm tình bằng hữu.
22 Tháng Hai 2012(Xem: 151336)
Nét ngây thơ non trẻ của những học sinh Trung học Ngô Quyền Biên Hòa dạo nào được thay thế bằng nét chững chạc, từng trải theo năm tháng.