Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - ÂM NHẠC MIỀN NAM VIỆT NAM TRONG TÔI

27 Tháng Tư 202012:08 SA(Xem: 10473)
Phan Phú Hiệp - ÂM NHẠC MIỀN NAM VIỆT NAM TRONG TÔI

Tôi từng có một thời niên thiếu như thế (2)

(Giai đoạn 1959- 4/1975)

Âm nhạc miền nam VN trong tôi

Phan Phú Hiệp Ngô Quyền khóa 15, 1970-1977

 

Thời niên thiếu của tôi được hạnh phúc sống gần 16 năm trong thể chế VNCH văn minh & nhân bản. Tôi đã từng có được một nước Việt Nam như thế, là " Hòn ngọc của viễn đông " mà các nước lân bang luôn ngưỡng mộ, và mơ ước để trở thành người dân ở đó. Như cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng ước ao vào những thập niên 60s.

Thật vậy, chính thể VNCH là biểu tượng cho một nền văn minh và văn hóa rực rỡ.

Một trong những điểm son đó là âm nhạc miền nam.

Ngày xưa, thời niên thiếu tôi từng biết đến những nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác những bản nhạc bất hủ nghe hoài, nghe mãi mà vẫn thấy hay. Trong ký ức của tôi, những bài hát nào thời ấy cũng tuyệt vời và có sức gợi nhớ bao kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu. Những tác phẩm âm nhạc thời ấy là một vườn hoa đầy hương sắc với vô số bản nhạc đủ thể loại được phát hành, trong số đó có hàng trăm tác phẩm là ca khúc vượt thời gian vẫn toả sáng đến tận ngày nay, và có lẽ, sẽ tồn tại mãi trong một tương lai bất tận. Đa số nhạc miền nam thời ấy đều chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng hòa bình chứ không hề sắt máu và chất chứa hận thù.

Kho tàng âm nhạc vô giá và đồ sộ ấy không bao giờ có thể diễn tả hết được.

Do vậy, tôi chỉ hoài niệm lại một số rất ít bản nhạc đã đến với tôi lúc còn niên thiếu và còn mãi đọng lại trong tâm khảm của tôi đến tận ngày nay.

... Vào những năm 1966-1967, hàng ngày trên đường đi học từ nhà đến trường tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa), tôi vẫn thường nghe văng vẳng bên tai từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông Tin: 

"Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo. Làn mây xanh vây quanh ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin ...♪.” (Ngày hạnh phúc -Lam Phương)

Giai điệu nhẹ nhàng và ca từ mượt mà của bài hát đã in sâu vào ký ức tuổi thơ của tôi về một xã hội thanh bình nhân ái, đầy ắp tình yêu thương và lạc quan về tương lai tươi sáng của dân tộc.

Ở bậc tiểu học, trong giờ sinh hoạt học đường, thầy cô dạy những bài hát nhắc nhở chúng tôi ý thức trách nhiệm của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường:

"Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao ♪ ". (Học sinh hành khúc -- Lê Thương).

image001

Trong giờ học thể dục, có bài hát khuyến khích học sinh hăng say rèn luyện thể chất như:

"Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba. …♪ " (Khỏe vì nước—Hùng Lân).

Chúng tôi cũng được học hát những bài hát hồn nhiên trong sáng dễ thương của tuổi thơ: bài dân ca Trống cơm, Thằng Cuội (Lê Thương), hoặc bài hát nổi tiếng nhân dịp Tết Trung Thu:

" Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...♪ " (Rước đèn tháng tám - Văn Thanh).

Có những bài hát vun đắp cho học sinh lòng yêu nước thương nòi, phải có ý thức bảo vệ giang sơn: "Cái nhà là nhà của ta. Công khó ông cha lập ra. Cháu con phải gìn giữ lấy. Muôn năm với nước non nhà .... ♪ “(Nhà của ta).

Ở bậc trung học, trong sinh hoạt cuối giờ vào những năm lớp 7, lớp 8, các giáo sư dạy nhạc thường cho chúng tôi hát đồng ca bài Việt Nam - Việt Nam. Cả lớp chúng tôi, vừa vỗ tay vừa hát say sưa, từng lời ca của bài hát như thấm đẫm vào bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng tôi. Do vậy, dù thời gian qua nhanh thời cuộc đổi thay, nhưng đọng lại trong tôi theo năm tháng vẫn là những câu hát văng vẳnog bên tai:

"Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời. Việt Nam hai câu nói bên vành nôi. Việt Nam nước tôi.

…. Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi. Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người ♪ “(Việt Nam - Việt Nam - Phạm Duy)


Có bài hát đã khơi dậy cho chúng tôi lòng yêu nước mạnh mẽ khi đứng trước hiểm họa xâm lăng của giặc thù:

Vào tháng 1/1974, Tàu cộng hung hăng xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hải quân VNCH đã chiến đấu oanh liệt trước sự tấn công hung hãn của kẻ thù, để rồi cuối cùng vì sức cô thế yếu, HS đã mất vào tay giặc. Không khí sôi sục căm thù bọn bành trướng Trung cộng đã lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Lúc ấy, chúng tôi là những nam sinh lớp 9 của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.

Lòng yêu nước thiết tha thấm nhuần trong ý thức của chúng tôi - vốn đã được trui rèn qua việc học hành dưới nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng của VNCH - đã trỗi dậy mạnh mẽ và trào dâng một cách tự phát: Vào một ngày học gần tết Giáp Dần sau sự kiện mất Hoàng Sa, trong lúc tạm nghĩ tại chỗ để chờ đợi giáo sư cho giờ học kế tiếp, một bạn trong lớp bất ngờ xướng lên một đoạn trong bài Hội Nghị Diên Hồng: 

"Toàn dân nghe chăng? Sơn Hà nguy biến. Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến? Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân.  Hỡi đâu tứ dân?

“Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ??"

Cả lớp  đồng thanh dõng dạc hô to “Quyết Chiến". Rồi đồng ca tiếp:

Quyết chiến luôn, Cứu nước nhà, nối chí dân hùng anh.

Một bạn hỏi tiếp:"Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh"

Cả lớp hưởng ứng "Hy sinh”. Rồi cùng đồng ca đến hết đoạn cuối, vang dội cả hành lang & dãy lớp lân cận. Hào khí "Sát Thát " dâng lên ngút trời. Lòng yêu nước nồng nàn đã khơi dậy trong chúng tôi một tâm trạng háo hức noi gương tiền nhân, muốn làm một việc gì đó cho quê hương đất nước trước hiểm họa ngoại xâm, dù cho tuổi đời còn rất trẻ 14-15.

image003

Lòng yêu nước thời chúng tôi không những có từ các bài hát ở học đường mà còn qua những lời ru của mẹ thuở còn nằm nôi: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời ♪" (Tình ca—Phạm Duy).

Âm nhạc miền nam cũng đã đề cao chữ hiếu trong truyền thống đạo đức xã hội Việt Nam: đó là lòng biết ơn công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành: "Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu. Ai ơi hãy nhớ năm xưa. Những ngày còn thơ. Công ai nuôi dưỡng...♪ " (Ơn nghĩa sinh thành - Dương thiệu Tước).

Hoặc luôn nhớ về sự hy sinh vô bờ bến, mênh mông như biển cả của mẹ hiền, để khi nghe lại, trong lòng cảm thấy bùi ngùi với cảm xúc dâng trào khi nhớ về mẹ:" Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào.♪."   (Lòng Mẹ - Y Vân).

Xuân về tết đến, trong không khí tươi vui, rộn ràng đón năm mới, bài hát Ly Rượu Mừng - Phạm Đình Chương, lại vang lên khắp nơi gửi lời chúc đến với mọi giai tầng trong xã hội có cuộc sống tươi đẹp nhiều hứa hẹn trong năm mới:

"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó ..♪ .."

Và năm mới với niềm mong ước lớn nhất là đất nước được hòa bình, gia đình sum họp:

"Chúc non sông hoà bình, hoà bình. Ngày ấy quê hương yên vui. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. đợi anh về trong chén tình đầy vơi...♪ "

Quả thật tính nhân bản của bài hát đã làm rung động trái tim của bao thế hệ người VN mỗi khi xuân về, cho nên có thể nói đây là bài Nhạc Xuân kinh điển và tiêu biểu của người miền nam VN thời ấy.

image005

Nhưng những ngày xuân yên bình ở hậu phương rộn rã niềm vui, có những bài hát giúp chúng tôi không quên về những anh chiến sĩ ngoài tiền đồn xa xôi: "Ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm. Có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm.♪. " (Ngày đầu một năm-  Anh Chương). Và ở nơi xa xăm heo hút ấy, người con chiến sĩ day dứt nhớ về mẹ già và tha thiết gửi lời nhắn:"Con biết bây giờ mẹ chờ em trông. nhưng nếu con về bạn bè thương mong. ...♪ " (Xuân này con không về - Trịnh Lâm Ngân). Đi giữa bom đạn của chiến tranh, người lính VNCH vẫn lạc quan yêu đời, không quên gửi lời chúc Xuân đến mọi người và người yêu nơi hậu phương: "Ngày đầu Xuân chúc non nước thanh bình, ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình. Và mồng ba anh chúc cho đôi mắt em xinh.♪."  (Đầu xuân lính chúc - Hoài Linh & Tấn An).

Trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, dòng nhạc của Trần Thiên Thanh đã cho tôi biết yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ người lính VNCH về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của các anh với những ca khúc bất hủ: Biển Mặn, Rừng lá Thấp, Thư của lính, Tâm sự người lính trẻ, Người ở lại Charlie ...

Dù trong khói lửa chiến tranh, tôi cũng từng được nghe những bài hát thể hiện khát vọng hòa bình, mơ ước một cuộc đời tốt đẹp khi chiến tranh kết thúc: "Mai đây Hòa Bình. Ta về ngắm lại dòng sông xưạ. Đồng hoang xơ xác hai bên. Sẽ mai này thơm mùi lúa chín. ♪ " (Hòa bình ơi, Việt Nam ơi - Trầm tử Thiêng)

Ở vào tuổi mới lớn trong thời kỳ chiến tranh, dòng nhạc ban Phượng Hoàng đã đem đến cho chúng tôi luồng sinh khí mới, lạc quan tin yêu vào cuộc sống với lòng bao dung nhân ái:

"Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầụ.♪." (Tôi Muốn - Lê Hựu Hà)

Và nhắc nhở tuổi trẻ chúng tôi luôn lạc quan, vững vàng bước qua mọi thử thách của cuộc đời: "Cười lên đi em ơi. Dù nước mắt rớt trên vành môi. Hãy ngước mặt nhìn đời. Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười. ♪." (Hãy ngước mặt nhìn đời - Lê Hựu Hà).

Có người nói: "Âm nhạc là những gì lắng đọng còn lại sau khi người ta đã quên hết mọi thứ."

Thật vậy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cuộc sống vô thường vật đổi sao dời, tôi đã quên đi nhiều thứ, nhưng không thể nào quên được những bài hát mượt mà, êm ả, nhân ái của miền nam VN. Những tác phẩm âm nhạc miền nam ngày ấy vẫn miệt mài làm nhân chứng cho sự khác biệt giữa hai phạm trù đối nghịch: văn minh và man rợ, giữa lòng nhân ái bao dung và bạo tàn sắt máu, giữa yêu thương và thù hận. Tính nhân bản của nền âm nhạc ấy ngày nay đã kết nối tâm hồn của những người dân ở cả hai miền Nam Bắc vốn khác biệt ý thức hệ và sẽ còn tồn tại mãi theo thời gian.

Ngày xưa, thời niên thiếu của tôi đã từng được âm nhạc miền nam gieo vào trong dòng máu và nhịp đập trái tim mình đầy tràn những tình cảm yêu thương, để có được “Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai. ♪ “không thể nào quên của tôi.

San Jose - Mùa đại dịch Covid-19 - April 2020
Phan Phú Hiệp

 

 

 

 

12 Tháng Tư 2024(Xem: 554)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 397)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 447)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 648)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1170)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 835)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 773)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 753)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1481)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1117)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1203)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1167)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1007)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1071)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1367)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1122)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1225)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 829)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1046)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1127)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.