Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - THÁNG TƯ VÀ ĐẠI DỊCH

11 Tháng Tư 20204:30 CH(Xem: 10707)
Nguyễn Thị Thêm - THÁNG TƯ VÀ ĐẠI DỊCH
Tháng Tư và Đại Dịch

 

 

Bây giờ là những ngày đầu tháng tư. Như TT Trump đã tuyên bố. Đây là hai tuần lễ thương khó của nước Mỹ. Dịch Virus Vũ Hán sẽ lên đến cực điểm. Người dân phải hết sức bình tỉnh và nên ở nhà để tránh lây nhiễm.

 

Chúng tôi, những người già đang ở nhà, cháu cũng ở nhà vì không thể đến trường. "Người già và trẻ con" Những người không làm ra sản phẩm mà xã hội phải cưu mang. Người già sự đóng góp thuộc về quá khứ, Trẻ con sự đóng góp thuộc về tương lai. Chúng tôi cám ơn nước Mỹ, người Mỹ và tất cả những ai đang trên tuyến đầu chống dịch cho bà cháu tôi được ăn no, ngủ kỹ.

 

Dịch bệnh hiện nay thật kinh khủng. Nó đã đi qua mọi quốc gia trên thế giới. Nơi nó ra đời là Wuhan bên Trung Quốc, trong phòng thí nghiệm vũ khí sinh học hay tại một ngôi chợ bán thú vật rất dơ dáy, dã man nhất thế giới tại Vũ Hán. Dù nói thế nào cha đẻ của Virus này cũng là Trung Cộng.

 

Bi kịch của thế giới là Virus Vũ Hán giết người không gươm dao, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt giàu nghèo, không hình không dạng. Phải dùng kính hiển vi đặc biệt trong phòng thí nghiệm mới thấy được nó. Giống như chỉ con mắt của Tôn Ngộ Không mới thấy được yêu ma qua hình dạng một con người thường. Tính đến ngày hôm nay 10/4/2020 thế giới có hơn 1.607.912 người nhiễm bệnh. 95.813 người chết, đó là tính theo con số báo cáo chính thức. Nếu mà các nước Cộng Sản báo báo trung thực thì con số còn kinh hoàng hơn.

 

Con Virus Vũ Hán chết tiệt này ác thật, nhưng từ cái ác mà ta thấy ra được nhiều thứ, hiểu được nhiều điều, rút ra được nhiều bài học.

 

 Mình lấy bản thân mình soi rọi trước nha.

 

Lâu nay mình vốn coi thường hơi thở. Hơi thở nó đến tự nhiên từ ngày mở mắt chào đời. Nó không hình dạng, không đòi hỏi bổ sung, nó như của trời cho nên ta không chú ý nhiều đến nó. Ta chú ý trái tim, máu, nội tạng và tứ chi.

 

Ăn để mà sống cho nên loài người chú ý ăn uống:  Ăn ngon, ăn sang, ăn để tẩm bổ, ăn để thỏa mãn sự khoe khoang giàu có. Mấy ông đặt nặng vấn đề sinh lý nên nghĩ ra nhiều loại thuốc, loại rượu để: "Ông uống bà khen" Các cô các bà chú ý da mặt, sắc đẹp và ba vòng thân thể. 

 

Còn sống là còn thở. Do đó con dịch vật Vũ Hán nó chọn cái tâm điểm là hơi thở (từ phổi) để tấn công. Nó đến và trú quân ở chỗ kín đáo nhất, khó tìm nhất là ngay ngã ba quốc tế để nghỉ chân và từ từ xuống phổi. Tới đây nó nằm im phục kích. Nó sinh sôi nẩy nở (Giống như VC nằm vùng) Vài ngày khi đội quân bạch cầu mệt phải nghỉ ngơi. Nó lập tức ba mặt tấn công. Người bệnh sốt, ho, mệt và phổi bị bao vây tứ phía, Lúc đó người bệnh không thể thở, sức ép vô hình khiến cơ thể như bị nén lại, ngộp hơi, lồng ngực như muốn nổ tung.

 

Bây giờ mới thấy thở không phải trời cho, tự nhiên mà là của mình, mình phải chiến đấu với virus để có thể thở. Thở được là đã sống, là chiến thắng kẻ thù. Đánh lui quân địch thì tự khắc hết sốt, hết ho, hết nhức đầu, thèm ăn, nghe được, nếm được. Thở được dễ dàng là bệnh nhân toàn thắng.

Tập thở

 

Bây giờ mọi người đều phải ở nhà để khỏi bị lây lan. Ta không thể ra ngoài vậy thì hãy vào trong. Hãy dành cho mình thời gian suy gẩm và hít vào thở ra. Tự tại, an nhiên , không bị tác động quá nhiều vào con số.

  

Ta quý từng hơi thở.
Hơi ra vô mỗi ngày.
Hít sâu đưa xuống dưới.
Thở mạnh đưa ra ngoài.
 
Hơi thở không hề khó
Do mẹ cha sinh ra.
Nhưng quý hơn tất cả.
Không thở ta thành ma.
 


Dịch Virus Vũ Hán lệnh cách ly và ở tại chỗ được ban ra.

Cha mẹ già trên 65 tuổi được chỉ định "nên ở nhà". Bởi vì người già hệ miễn nhiễm rất yếu lại có nhiều bệnh. Khả năng lây bệnh rất cao, khi đã bị nhiễm Virus Vũ Hán thì khó phục hồi. Xe hú còi đi vào bệnh viện, phần lớn vài tuần đi ra bằng xe tang, không về nhà mà thẳng ra nhà hỏa táng hoặc nghĩa địa.


Thường khi cha mẹ đã già, con cái đều có sự nghiệp, có gia đình riêng. Đây là lúc ta xem con cái nghĩ gì đến cha mẹ.

Những đứa con có hiếu, gọi hỏi thăm cha mẹ hàng ngày, thăm hỏi sức khỏe, dặn dò hơn thiệt:

 - "Ba Má phải ở trong nhà, không được ra đường. Thức ăn tụi con sẽ tiếp tế. Cần gì thì phone"

Thế là hai vợ chồng già cứ đi ra đi vào; - Càng nhìn nhau, càng yêu nhau mãi - 

 
Ly cà phê sáng bà pha
Ông uống ông khen thật đậm đà
Cơm trưa bà nấu ngon vừa miệng.
Cơm tối ăn xong, ngồi uống trà.
 
Hoặc:
 
Bà ơi! Bà có khỏe hay không?
Ngồi xuống đây có vợ có chồng.
Con cái bây giờ riêng tư cả.
Tình già gắn bó như ước mong.
 

Có tiếng cửa garage mở. Con trai khuân vào bao nhiêu là thức ăn. Con dâu mở tủ lạnh, lột hết những bọc ngoài vất đi, ngăn nào thức ấy đầy đủ cho cha mẹ. Xong chúng ra sân, chào và xách bịt rác vất đi. Chúng gọi phone nói ba má cần thêm món gì thì gọi. Tụi con đi về. Love Mom. Love Dad.

 

Không cần văn chương sáo rỗng, không cần ôm hôn thắm thiết mà đã nói lên tất cả tấm lòng tri ân và hiếu kính cha mẹ. Lòng già cũng ấm áp, virus cũng bỏ chạy xa ba thước.

 

Mấy đứa con vô ơn thì khỏi nói, không hề quan tâm gì cả. Mặc cha mẹ tự lo, tự đi chợ, tự nấu ăn. Mình thủ thân mình. Nếu chúng ở xa thì đành chịu, mà ở gần có thể tới lui thì thật mũi lòng. Uổng công sinh dưỡng dạy dỗ.

 

Cũng có những cặp vợ chồng khắc khẩu, thời kỳ cao điểm cấm trại ở tại nhà. Mỗi ngày hai vợ chồng ra vô ngó mặt, nhưng không thể đi ra ngoài xả hơi thì thật khó chịu. Ông la bà nói nhiều, cãi bướng. Bà nói ông độc tài, ngang như cua, chướng khí kỳ đời. Một người bạn tôi trong hoàn cảnh đó đã nói: "Không cãi, coi như không thấy, không nghe , nhịn để dĩ hòa vi quý". Tôi lại nghĩ đến hình 3 con khỉ ở chùa. Bịt mắt, bịt tai và che miệng. Nếu trời sinh ra một cặp tương khắc mà vẫn sống với nhau đến bạc đầu thì thật quý. Trong họ  tình yêu tiềm ẩn và nếu thiếu đi người bên cạnh, họ sẽ đau khổ và buồn nhớ nhiều hơn.

 

Ông nói rằng không, bà rằng có.
Thiếu một người lại nhớ, giận, thương.
Ông nói bà là hoa Cãi sau vườn.
Bà nói Hoa Cẩm Chướng ông ươm đã nở
 
Ông với bà hai người nặng nợ.
Nói vài câu là cãi om trời.
Thời cách ly, ngồi ngó nhau thôi.
Phòng đóng cửa, mạnh ai nấy ở.
 

 Trong thời kỳ bị dịch bệnh phong tỏa, những người biết dùng internet thường có cuộc sống phong phú và bớt tẻ nhạt hơn. Ngồi ở nhà có thể gọi phone, face time  cho con cháu, nói chuyện với bạn bè, tìm hiểu thời cuộc cho cuộc sống bớt căng thẳng.

Tuy nhiên với mạng lưới toàn cầu phát triển, rất nhiều Youtube, Face Book... thông tin trái chiều được phát tán, người ta không biết đâu là tin thật, tin giả. Quần chúng bị nhiễu loạn và những người xấu, những nguồn tin bất chính dễ dàng xâm nhập.

Cho nên  chúng ta cũng nên biết giới hạn, suy luận và chọn lựa tin tức. Tốt nhất chỉ đến với những người, những nguồn tin chính thức đáng tin cậy.

 

Không nói đến vấn đề thu mua hàng hóa tích trữ,  người dân còn giành giật nhau từng cuộn giấy vệ sinh. Chúng ta còn bắt gặp rất nhiều chuyện vui mùa dịch bệnh nói lên một thời kỳ đặc biệt của xã hội. Thí dụ như hình photoshop những người phụ nữ mang bầu sau mùa dịch cúm vợ chồng phải ở nhà. Hình đôi tình nhân tỏ tình và xin cưới bằng một cuộn giấy vệ sinh.  Hình cô dâu mặc áo cưới bằng giấy đi cầu để chứng tỏ mình giàu có. Hình bọn cướp chận xe để uy hiếp tài xế phải giao nộp giấy đi cầu...

 

Điều đó nói lên tinh thần khủng hoảng của con người khi lo sợ cái chết đến gần. Giấy lau tay, hand sanitizer, gạo hay thức ăn tích trữ thì hợp lý. Nhưng giấy đi cầu khan hiếm thì là điều không giải thích được..

 

Đối với người Mỹ họ không có thói quen mang khẩu trang như người VN hay người Nhật, cho nên trong mùa dịch, mọi người vẫn đi ra mua thức ăn bình thường, miễn tránh nói chuyện và không đứng gần nhau. Hiện nay, để an toàn hơn, chính quyền ra lệnh người dân nên mang khẩu trang khi ra ngoài. Do đó nhiều câu chuyện, hình ảnh về khẩu trang xuất hiện trên mạng xã hội. Áo ngực phụ nữ làm khẩu trang, vớ làm khẩu trang, giấy, quần lót, khăn tay làm khẩu trang. Khẩu trang được thực hiện với rất nhiều kiểu, nhiều hình thức. Nhất là những hình ảnh bảo vệ toàn thân khi ra ngoài như bao rác, thùng giấy, thùng nhựa, áo mưa... Thật cũng có, châm biếm cũng có, tạo được niềm vui và nụ cười để giảm bớt căng thẳng.

 

Có một bà đi chợ, mang khẩu trang, bao tay rất kỹ lưỡng Sau khi đẩy hàng hóa ra xe nhà, bỏ hết vào cốp, đóng cốp lại cẩn thận. Lột bao tay và khẩu trang quăng vào xe đẩy và đẩy trả lại chợ. Ôi! Đôi bàn tay lại nắm ở thành xe đẩy.

 

Có một anh mang khẩu trang, bao tay đi chợ. Phone reo. Anh lột bao tay, thò tay vào túi lấy phone ra, kéo khẩu trang xuống để nói chuyện. Quen tay, vừa nói vừa lựa trái cây.

 

Có một chị đi chợ, mang khẩu trang. Đang lựa rau sống chợt mũi ngứa ngáy, chị kéo khẩu trang xuống và ngoáy mũi. Xong, đeo khẩu trang lại và lựa rau tiếp.

 

Có rất nhiều người đi chợ, cũng mang khẩu trang, bao tay nhưng trả tiền mặt. Tiền thối lại lấy ra, bỏ vào ví và đồng tiền đó qua tay không biết bao nhiêu người.

 

 Vào tháng này những đồng tiền trợ giúp của chính phủ sẽ đến tận tay người dân. Đó là sự nỗ lực của những người điều hành đất nước, một nước Mỹ phi thường.

 

Chúng ta, những người công dân nước Mỹ phải thấy hãnh diện và thực lòng cám ơn đất nước này. Bởi vì  sự đóng góp của chúng ta cho nước Mỹ không là gì so với những chính sách, sự giúp đở mà quốc gia này đem lại cho những người tị nạn như ta.

 

Bản thân tôi chân thành cám ơn đội ngũ Bác Sĩ, Y Tá và những nhân viên làm việc tại các bệnh viện. Họ là những chiến sĩ trên tuyết đầu chống dịch. Họ hy sinh cho chúng ta được sống. Trong khi chúng ta được ở nhà yên lành, được bao nhiêu ưu đãi của chính phủ thì họ làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thiếu thốn. Mạng sống của họ thí phát cho may rủi. Con cái họ thiếu sự chăm sóc khi phải ở nhà. Trong khi nhiều người đến Costco, siêu thị vơ vét hàng hóa về tích trữ, thì họ không có thời gian để đi chợ, hay đứng sắp hàng chờ tới lượt mình. Tôi nghĩ các cửa hàng phải có chính sách ưu tiên cho những người làm việc ở bệnh viện.

Xin cám ơn những ân nhân, những nhà hàng VN đã có ý kiến tặng những xuất ăn cho đội ngũ BS và Y tá các bệnh viện. Những bà mẹ, các chị gò lưng trên bàn máy để may những khẩu trang đem đến các bệnh viện, các nhà dưỡng lão trong thời kỳ khẩu trang khan hiếm. Việc làm tuy nhỏ nhưng nghĩa cữ to lớn. Một hành động tri ân và đóng góp rất đẹp và chân thành.

Trên các trang mạng xã hội đã post nhiều những tấm gương, những hành động đẹp của cá nhân, tập thể, công ty, đại công ty, xí nghiệp, đại xí nghiệp, triệu phú, tỷ phú, doanh nhân, cơ quan từ thiện cùng tiếp tay sản xuất bao tay, kit thử nghiệm, y cụ, thuốc men và những công trình nghiên cứu bạc triệu, bạc tỷ để góp phần đưa nước Mỹ và thế giới vượt qua đại nạn thế kỷ này. Xin cúi đầu tri ân và kính phục.

Nước Mỹ và thế giới sẽ vượt qua tất cả để đứng lên làm lại. Bài học được rút ra trong trận đại dịch này là đừng tin vào Trung Cộng. Hãy tự tin vào chính mình và sản xuất tất cả những mặt hàng cần thiết. Một phần loại được sự thao túng thị trường hàng giá rẻ tại Trung Cộng. Một phần chặt đứt vòi bạch tuộc của đế quốc Tàu đang muốn nuốt chửng thế giới. Bài học hôm nay là qua việc làm bẩn thỉu của Trung Cộng, Thế Giới Tự Do hãy cảnh giác và đoàn kết lại để xây dựng một khối đoàn kết thật sự.

Mặc dù đến ngày hôm nay nước Mỹ đã có 468.895 người nhiễm bệnh với 16.697 người chết. Nhưng chúng ta không nên tuyệt vọng. Hãy tin tưởng Tống thống Trump và đội ngũ phụ tá sẽ tận lực đem lại sự ổn định cho đất nước.

Chúng ta hãy nhìn lại những gì mà ông già ngoan cố 74 tuổi này đã làm cho tổ quốc. Tôi không dám bàn về chính trị, bởi vì tôi là một bà già nhà quê có biết gì đâu mà nói. Nhưng khi nhìn TT bây giờ, gương mặt đầy nét ưu tư, những đường nhăn đã xuất hiện, đôi mắt sâu thêm tôi thật lo cho ông. Cầu nguyện cho ông đầy đủ sức khỏe, vững vàng trong đối sách và đưa nước Mỹ vượt qua mọi thử thách.

Những gì Tổng Thống làm vì đất nước, lo cho dân trong mấy tháng gần đây đủ thấy ông yêu nước Mỹ ngần nào. Những quyết định, những chính sách của ông đều hướng tới ổn định tình hình, giải quyết cấp bách những khó khăn rào cản, lo cho người bệnh, giảm số người tử vong. Những đảng đối lập, những người chống Trump, ghét Trump hay miệt thị Trump hãy vì mạng sống của người dân mà đặt tổ quốc lên trên, hợp tác với ông để chống dịch. Đó là sự đứng đắn, thẳng thắn của người làm chính trị, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri.

Trước mắt phải đặt trọng tâm là sinh mạng người dân Mỹ trước dịch họa. Cùng TT giải quyết những tồn động khó khăn, phải vạch rõ âm mưu và đối phó với kẻ thù nước Mỹ và Thế Giới Tự Do. Bầu cho ai trong tháng 11 là do dân chúng nhận xét và đánh giá. Việc làm vì dân, vì nước là kết quả của mùa bầu cữ năm nay.

 

Tôi không phải là người có đạo, nhưng khi nhìn bức ảnh Đức Giáo Hoàng một mình đi trước tòa thánh vắng người, lòng tôi chùng xuống kính phục tận đáy lòng. Người giống như Chúa vai mang thập tự hy sinh vì con chiên, đau lòng vì hiểm họa đất nước. Ngài không thể làm gì được trước đại dịch, Ngài chỉ biết cầu nguyện, hiến dâng đời mình xin Chúa rũ lòng thương xót nhân loại, tha thứ những lỗi lầm của con người.

Tháng này là mùa chay của người công giáo. Chúa đã chết và Chúa đã sống lại. Mọi thứ chúng ta hãy tin tưởng vào ơn cứu rỗi. Dịch bệnh sẽ qua. Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.

Đức Giáo Hoàng

 

Tháng tư cũng là tháng mà tất cả những người VN tị nạn Cộng Sản đều không thể quên. 45 năm đã trôi qua. Năm nay tháng tư đến với nước Mỹ, người chết kinh hoàng như 45 năm trước tại VN. Người chết trên đường, xác nằm dài trên đại lộ. Bao nhiêu người đã chết không tang chế lễ nghi, không bà con đưa tiễn. Chết thật nhanh, chết mà không tin rằng mình ra đi cấp kỳ như thế.  Bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu gia đình mất mát, chia lìa.

Bây giờ ngồi trong nhà trốn dịch Vũ Hán, tôi có cảm giác như ngày xưa trốn trong hầm vì sợ pháo kích. Ngày xưa người VN tìm cách leo lên phi cơ bay lên trời. Trèo lên tàu để trốn ra biển đông. Người VN đi tìm cái sống trong cái chết cận kề. Kẻ tác động và đầu tư vào cuộc chiến tại VN là Tàu cộng. "Mật ước thành đô " là văn kiện đã đem ra ngã giá và đổi chác. Tàu cộng không bao giờ để mình phải chịu thiệt thòi. 45 năm trôi qua, mọi bí mật được phơi bày đã vạch mặt kẻ thù của dân tộc VN.

Bây giờ kẻ đem Virus Vũ Hán gieo rắc cho toàn thế giới cũng chính là Trung Cộng. Ngày xưa là vũ khí chiến tranh, bây giờ là vũ khí sinh học. Trung Cộng đang trong kế hoạch thôn tính VN vào năm 2020. Cũng vậy, năm nay Trung Cộng muốn dùng con Virus Vũ Hán để nắm quyền sinh sát thế giới, làm chủ toàn cầu.

Nói tới những âm mưu, những thủ đoạn bẩn thỉu của Trung Cộng thì tôi không đủ giấy, không đủ tài liệu và không đủ khả năng để phơi bày. Các bạn cứ vào các trang mạng xã hội trong Google mà tìm. Tin chắc tài liệu sẽ cho bạn sáng mắt sáng lòng về người anh môi hở răng lạnh, về ông bạn láng giềng bốn tốt.

Mới đây nhất, trong cao điểm nạn dịch đang hoành hành khắp nơi trên toàn thế giới, tàu Trung Quốc đâm thẳng và nhận chìm tàu đánh cá VN tại vùng Hải Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa nước ta.

Nhà nước VN đã gửi đi công hàm phản đối.

 

Nguyễn Thị Thêm.

 

 


22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1888)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1677)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5373)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5647)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1908)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4943)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3679)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2280)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2227)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2539)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2554)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2541)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2565)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2796)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3045)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2908)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2730)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2841)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2749)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2849)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?