Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - LÀM MẸ

16 Tháng Tám 20191:35 CH(Xem: 13824)
Nguyễn Thị Thêm - LÀM MẸ
Làm Mẹ


Tháng bảy, mùa Vu Lan về.

Trong trái tim người con Phật, chữ hiếu đặt hàng đầu.

Ngày tôi còn bé, chừng tám hay chín tuổi đã quy y Tam Bảo. Sư Cô đặt tên cho tôi là Kim Ngộ. Tôi lên chùa tụng kinh mỗi tối. Cuối tuần chị em dẫn nhau lên chùa làm công quả, ăn, ngủ, tụng kinh, nghe Pháp. Hết giờ kinh sám hối mới về nhà.

Sư Cô dạy chúng tôi về giáo lý nhà Phật, nhất là dạy về chữ hiếu đối với cha mẹ. Cho nên hồi nhỏ chúng tôi thật ngoan. Cha mẹ không phải lo lắng hay phiền hà gì nhiều. Mỗi năm rằm tháng 7 chùa cúng Vu Lan chỉ tụng kinh và nghe Pháp. Không có tổ chức nghi thức Bông Hồng Cài Áo hay tặng hoa cho các bà Mẹ lớn tuổi như bây giờ. Chúng tôi yêu kính và vâng lời cha mẹ vì nghe kinh, biết công khó của mẹ 9 tháng cưu mang khổ cực. Mẹ cha làm lụng vất vả lo cho con không quản thân mình. Má tôi là dấu ấn tốt đẹp nhất trong cuộc đời của hai chị em tôi.

 

Ngày rằm tháng Bảy
Lên chùa nghe kinh
Cha mẹ dưỡng sinh
Công ơn như biển.

 

Chùa làng ngày xưa nhỏ xíu. Bắt đầu là tranh tre, vách đất. Sau được lợp tôn, nền  tráng xi măng sạch sẽ, rộng rãi hơn một chút. Chùa chỉ có vườn sau với nhiều cây ăn trái, rau quả Sư Cô trồng để thọ dụng. Chánh điện chỉ tượng Phật Thích Ca ngồi thật hiền hòa trên bục cao. Các vị Phật Quan Âm, Thế Chí, A Di Đà cũng không lớn nhưng rất đẹp và uy nghi trong con mắt của chúng tôi lúc bấy giờ. Ở dưới tượng thờ rộng như một căn hầm là nơi chứa ngọa cụ, cũng là nơi chúng tôi hay trốn vào đó ngủ trưa.Trong trí óc non nớt, ngủ dưới chân Phật sẽ được Phật phù hộ thông minh, học giỏi.

Phía trước chùa là hai tượng hộ pháp rất uy nghi. Mấy đứa trẻ hay nghịch phá đi ngang qua phải cúi đầu không dám lộng hành. Gần cỗng chùa có một cái am nhỏ cúng cô hồn. Sư Cô hay để trái cây ở đó vào buổi sáng hay buổi trưa. Tới tối Sư Cô ra đốt hương, cô hồn sống xung quanh chùa đã lấy mang đi mất. Sư Cô chỉ cười, có gì ở chùa thì mang ra để tiếp.

 

Sư Cô không mong cầu chùa lớn Phật nhiều. Chỉ ước có một nơi yên bình tu tịnh. Tiếng chuông chùa vang xa, kêu Phật Tử đã đến giờ lễ Phật. Hãy hướng về Tam Bảo làm lành, lánh dữ. Sư Cô cũng chỉ vài bộ đồ cũ mèm, rách đâu vá đó. Chỗ ngủ cũng chỉ một cái giường tre nhỏ, trải chiếu lác. Mùa nhập hạ, kiến, muỗi tha hồ rũ nhau tới tấn công. Sư Cô nói người tu không quan trọng cái ăn, cái mặc, chỗ nằm.

Tiếng Đại Hồng Chung thời tuổi thơ đã đi theo tôi để nhắc nhở mình là đệ tử Phật. Hãy sống thiện lành và noi theo giáo pháp Như Lai.


Ngôi chùa nghèo của tuổi thơ đã tan nát sau một lần bị pháo kích. Thời gian trôi qua. Sư Cô bổn mạng của tôi viên tịch. Cha mẹ tôi cũng đã qua đời. Theo vận nước thăng trầm tôi cũng bị muôn vàn cực khổ. Cuộc sống đói no hằng bữa như mọi người dân miền Nam hiền hòa. Trôi nổi thăng trầm cả chục năm tôi không đi chùa, không biết gì đến kinh kệ. Tôi chỉ giữ lòng tâm niệm “Làm lành, lánh dữ, Phật tại tâm”

 

Trời còn thương những người lính VNCH tù đày lao lý. Nhờ sự vận động ráo riết của những ân nhân có lòng. Chương trình HO đã mở ra để gia đình chúng tôi tìm lại cuộc sống tự do của mình. Tôi ở trên đất nước này gần 28 năm, ngần ấy thời gian để tôi nhận nơi này là quê hương thứ hai, yêu thương và gắn bó. Chùa Phật Tuệ và chùa Văn Thù gần nhà là nơi tôi thường đến lạy Phật, nghe Pháp.

 

Ngày lễ Vu Lan quỳ trước Chánh Điện tụng kinh Vu Lan Báo Hiếu. Nghe thầy giảng về Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. Thấm nhuần phụ mẫu thâm ân. Rưng rưng nhớ về cha mẹ. Cảm thấy mình chưa tròn chữ Hiếu. Cảm thấy ăn năn. Muốn được báo đền thì cha mẹ không còn.

 

Bây giờ Mẹ đã lên trời.
Mây che đỉnh núi bên đời lưu vong.
Ngày rằm tháng Bảy hương xông.
Mẹ ơi! Khói tỏa lưng tròng mắt cay.
 

Cha mẹ quy tiên, lại nhớ thuở  hiện tiền. Nhớ những ngày mẹ oằn đôi gánh bán buôn xuôi ngược. Cha làm lụng vất vả ngoài đồng hay nơi công xưởng. Những ngày đói khổ mà vui. Một củ khoai lùi nơi góc bếp cũng ngon quá là ngon. Bữa ăn trời mưa gió “Bão lụt miền Trung” mẹ cho ăn bốc cơm dĩa với miếng thịt sườn ngon tới bây giờ. Nhớ mẹ đầm đìa nước mắt đón con từ cõi chết trở về. Nhớ vòng tay ôm mẹ long le vì mẹ quá gầy sau cơn bệnh.

 

Mẹ ơi! Mẹ là ánh trăng rằm theo dõi những bước con đi. Mẹ là dòng sông Đồng Nai hiền hòa chơn chất ngọt lịm yêu thương. Mẹ là sương sớm lấp lánh dưới ánh mặt trời trên những bông hoa. Mẹ là Phật Quan Âm. Mẹ nằm trong trái tim con, trong máu huyết con luân lưu trong cơ thể. Mẹ mất đi nhục thân nhưng mẹ vẫn hiện tiền trong từng thế hệ.

 

Người ta thường nói tại sao hay kể về sự hy sinh của người Mẹ mà quên đi công khó người cha. Nhưng công bằng mà nói. Nếu mười người cha trong nghịch cảnh thì họa hoằn mới có một hai người hy sinh ở vậy lo cho con khôn lớn. Nhưng nếu nói về người mẹ thì tỷ lệ đó hoàn toàn chênh lệch. Rất nhiều rất nhiều người mẹ đã vì con bỏ quên xuân sắc. Vì con ở vậy tần tảo ngược xuôi. Sự hy sinh của người mẹ thật không thể so bì hay đem ra đong đếm.

Bây giờ tôi không còn trẻ mà đang rong ruỗi  trên chặng đường gai góc nhất của đời người. “Con đường đến điểm hẹn hò” Đứng trên đầu dốc cuộc đời nhìn lại. Đây đó những hòn đá to lớn nặng nề chặn kín lối đi. Thì ra mình cũng đã bỏ nhiều công sức, đã tận lực mà con đường sao vẫn chưa được bằng phẵng, trơn tru.

 

Kìa là tôi của thuở còn con gái. Kìa là tôi của ngày mới lấy chồng. Kìa là tôi ngày đầu làm mẹ. Con bé dễ thương nhỏ xíu ra đời khi chồng vẫn còn đóng quân ở một tiền đồn xa xôi không thể về thăm. Kìa là tôi ôm con đứng ở gốc cây bàng đầu làng ở chợ Câu Nhi Quảng Trị tiễn chồng đi “Học Tập Cãi tạo” Đi tù không có bản án cũng chẳng biết ngày về. Kìa là tôi vội vã chân thấp chân cao, quần xăn tới gối, quăng vội hai  bó lúa vào sân đội lấy cục đường thẻ ăn buổi lỡ chạy về cho con bú. Con bé ốm nhom đen thui vùi vào ngực mẹ. Giọt sữa lẫn mồ hôi ấm áp đời con. Kìa tôi với con trâu bầu giữa cánh đồng co ro trong cái lạnh cắt da miền Trung. Và kìa tôi đang oằn oại trên bàn sinh khi 10 năm không sinh nở. Đứa con trai đầu tiên sau khi chồng đi tù Cộng Sản trở về. Cháu ra đời trong tiếng reo mừng rỡ của nội và cha, còn tôi như từ trong cõi chết trở về. Và kìa tôi với cái bụng vượt mặt đang lầm lũi trên chiếc xe đạp giữa rừng cao su bạt ngàn. Kìa là tôi mệt lã nằm lăn trên những thảm lá vàng cao su mà thương quá đời mình. Tôi đó, tôi đang sống cho con, cho chồng. Tôi đang gượng vui gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận một người mẹ.

 

 Nhưng tôi đã làm tròn bổn phận mình chưa? Tôi có xứng đáng được con tôi xem là một mẹ hiền không? Tôi có được con tôi trên con tàu chiến, giữa biển khơi nhìn vầng trăng trên bầu trời mà nhớ mẹ không? Tôi không biết. Thật lòng tôi không biết rõ ràng. Chỉ biết mình đã tận lực. Chỉ biết điều gì mình làm được cho con trong khả năng mình tôi đã cố gắng.

 

Con gái tôi tội nghiệp không được vòng tay mẹ ấp yêu nuông chìu. Con được bà nội cho bú nước cháo thay sữa mẹ khi tôi cả ngày ngoài đồng nắng cháy. Con tôi phải gánh nặng mấy chữ “Con ngụy quân, ngụy quyền” để lớn lên. Con tôi đi học phải làm người xấu, dấu trong cặp vài lít đậu xanh nhà trồng đem bán để mua vỡ học. Luật “Quản lý thị trường” ngăn sông cấm chợ đã khiến tôi làm một người không thành thật. Khiến con tôi ma mảnh dối trá. Làm một nhà giáo, một người mẹ như vậy có xứng đáng hay không? Tôi không biết, tôi không còn cách nào khác. Bởi vì những luật lệ khốn nạn đó hại cả thế hệ Việt Nam.

 

Con tôi không được ăn sang mặc đẹp để lớn lên và trưởng thành. Cái nghèo và sự đói khổ đã dạy tôi tiết kiệm. Những ngày mới đến Mỹ định cư, garage sale là nơi tôi hay tìm đến cuối tuần. K Mart là cửa hàng khi chúng tôi đã khá hơn một chút. Rồi thì con tôi lên đại học, chúng ra trường có vợ có chồng. Người làm mẹ như tôi nương theo con, dìu theo ông chồng để vui hạnh phúc nhỏ nhoi.

 

Tôi không tin rằng con tôi sẽ nghĩ về tôi với những lời hoa mỹ như tôi nghĩ về mẹ của mình. Tôi còn hiện hữu, tôi còn sức khỏe để làm chút việc nhà cho con gái. Tôi còn nấu cho con trai những thức ăn ngon chúng thích. Tôi còn chạy vui đùa với cháu nội những ngày tới thăm. Dưới mắt chúng tôi là một bà nội yêu cháu. Một người mẹ còn khỏe mạnh chúng yêu thương. Một người mẹ mà các con năn nỉ mời về thăm viếng. Rưng nước mắt khi tôi tạm biệt chia tay.

Vậy là đủ, vậy là tôi đã mãn nguyện. Còn những ngày về sau thì tùy duyên. Tùy những thiện căn, phước báo hay nghiệp mạng tôi phải gánh lấy.

 

Vu Lan! Có phải chăng những người mẹ già như chúng ta đang nhìn ngược về con cái và đánh giá xem chúng đối xử với chúng ta ra sao? Chúng ta đang bi quan vì một xã hội Tây Phương không coi trọng công sinh dưỡng? Chúng ta thấy con cái làm việc quá nhiều không có thời giờ để mắt tới ta? Chúng ta sợ một ngày sẽ cô đơn héo hắt trong nhà dưỡng lão?

Đành thôi! Hãy nghĩ đây là đất nước văn minh, người già chúng ta đã có sự phục vụ y tế tốt nhất thế giới. Chúng ta được xã hội tôn trọng và tạo điều kiện dễ dàng trong sinh hoạt. Chúng ta có tiền hưu trí, có tiền già. Chúng ta được tự do sử dụng đồng tiền ta có. Chúng ta được luật pháp bảo vệ.

Nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật là “Ở đây con cái không bắt buộc phải nuôi dưỡng cha mẹ.”


Vậy thì ở Việt Nam thì sao? Cám ơn nền giáo dục nhân bản VNCH đã dạy cho học trò hai chữ Hiếu Nghĩa. Có hiếu với cha mẹ và có nghĩa với những người xung quanh. Dù đi tới đâu, dù thay đổi thế nào trong tâm hồn người dân miền Nam vẫn giữ được cốt lõi tốt đẹp ấy.

Khác với chủ nghĩa Cộng Sản, trẻ con được dạy phải yêu ông Lê Nin ở tuốt bên Nga hơn cả mẹ cha. (Mặc dù hiện tại tượng Lê Nin đã bị dân Nga giựt xập, những chủ thuyết CS đã bị vất vào thùng rác.). Hiện trạng con cái bất hiếu hành hung, mắng chưởi cha mẹ đầy dẫy trong xã hội VN hiện nay. Đáng buồn là chỗ đó.

 

Người Mẹ từ trong vô lương kiếp đã mắc nợ con cái. Không có một ai  chịu cực, chịu khổ, chịu thiệt thòi, chịu hy sinh không cần hồi báo như cha mẹ. Dù con cái có tật nguyền, có làm điều gì xấu xa nhất, cha mẹ vẫn yêu thương và bao dung. Vì từ trong huyết quản luân lưu trong cơ thể chúng là máu huyết của mình. Mình đã tạo ra chúng trên cõi đời này và mình phải chịu trách nhiệm.

 

Tôi có một người bạn năm nay trên 70, nhưng hàng ngày vẫn lo lắng chăm sóc đứa con bị bệnh tâm thần. Đôi khi bị con lên cơn đánh cha bầm cả mặt mày, bạn tôi vẫn vui vẻ và yêu thương con. Từ lúc cháu còn bé, cho tới nay đã trên 40 tuổi mà vẫn không thể trưởng thành, vẫn ngu ngơ khù khờ như một đứa trẻ con. Bình thường chịu uống thuốc thì lặng lẽ ít phá. Nhưng khi lên cơn thì không chịu uống thuốc, đập phá bất cứ vật gì ở gần. Cha mẹ can ngăn thì đánh đấm túi bụi không nương tay. Bạn tôi mang niềm ân hận là con không được như người khác là tại mình. Mình đưa nó ra cuộc đời này với đầu óc bất bình thường là mình có lỗi với nó. Mình phải thương yêu chăm sóc nó hơn những đứa con khác. Tôi nhìn thân thể gầy nhom của bạn với những vết bầm trên người mà thấy mình vô cùng có phước.

 

Mùa Vu Lan năm nay tôi không đi chùa Lạy Phật mà đi thăm con xa nhà. Tôi giải thích cho con tôi về ngày lễ Mẹ và lễ cài hoa hồng của Phật Giáo. Con gái, con dâu tôi đều là những người mẹ trẻ. Ước mong sao con cái chúng hiểu được những vất vả hy sinh của Cha Mẹ mà sống tốt, học giỏi, ngoan ngoản.

 

Bởi vì chữ Mother bao gồm nhiều ý nghĩa thật tuyệt vời mà Howard Johnson đã viết:

 
M is for the million things she gave me
O means only that she’s growing old
T is for the tears she shed to save me
H is for her heart of purest gold
E is for her eyes, with love-light shinning
R mean right, and right she’ll always be
Put them all together, they spell “Mother”, a word that means the world to me.
(Howard Johnson)
 


Xin cầu nguyện cho các bà mẹ quá vãng được siêu sinh Tịnh Độ.

Nguyện xin ơn trên gia hộ cho các bà mẹ hiện tiền đầy đủ sức khỏe, nghị lực để sống an vui cùng con cháu.

 

                                                                                             Nguyễn Thị Thêm.

                                                                                                Vu Lan 2019

28 Tháng Giêng 2024(Xem: 963)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1064)
Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè,
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 963)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 2024(Xem: 1296)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 2189)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
11 Tháng Giêng 2024(Xem: 1000)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.
02 Tháng Giêng 2024(Xem: 1365)
Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng: - Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.
31 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1178)
Đọc tới đây ông xã tôi bảo, Tiễn Vong là Vong cả thế giới năm qua, sao em tiễn vong Chiều Nay dài thế. Vậy đó, hễ nói tới xứ đó là em không kiềm được cảm xúc tuôn trào, huyết áp tăng cao
25 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2119)
Tôi hôm nay trong lòng rất vui Giáng Sinh đến rồi rộn rã nơi nơi Ngày mai con về gia đình sum họp Nâng ly chúc mừng hạnh phúc đầy vơi.
24 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1947)
trong suốt 21 năm tồn tại của miền Nam còn rất nhiều phim hay khác của Âu, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ và Việt Nam nữa mà chúng ta may mắn được sống ở vùng đất tự do nên có cơ hội thưởng thức
23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1539)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1625)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1578)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1643)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2062)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2285)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1940)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1788)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1876)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1833)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau