Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Kiêu Bạc - THƠ BỐN CÂU (DÒNG THƠ TIẾP NỐI)

06 Tháng Tám 20199:26 SA(Xem: 10769)
Trần Kiêu Bạc - THƠ BỐN CÂU (DÒNG THƠ TIẾP NỐI)


THƠ BỐN CÂU 

(DÒNG THƠ TIẾP NỐI)


ThoBonCau

Giai thoại Thơ Đường Trung Quốc có kể chuyện “Bốn Câu Là Đủ Ý”: Có một chàng thư sinh trẻ tên Tố Vịnh quê ở Lạc Dương đến Tràng An dự kỳ thi Hội.

Đề thi được ra là “Chung Nam vọng dư tuyết” (dịch nghĩa: Núi Chung Nam ngắm tuyết còn sót lại). Thí sinh phải làm bài thơ năm chữ tả cảnh gồm sáu vần trong mười hai câu.

Tố Vịnh suy nghĩ và trầm ngâm, sau cùng chỉ viết ra bốn câu như sau:

(phiên âm Hán Việt)

Chung Nam âm lĩnh tú

Tích tuyết phù vân đoan

Lâm biểu minh tễ sắc

Thành trung tăng mộ hàn.

(dịch nghĩa)

 Đỉnh phía Bắc núi Chung trơ trụi

Mây và tuyết thường đọng lại

Phía ngoài rừng ngày sáng rỡ

Trong thành thì giá buốt hơn.

Viết xong, Tố Vịnh đứng lên nộp bài. Quan chủ khảo xem, ngạc nhiên hỏi: Sao không làm trọn mười hai câu? Tố Vịnh cười nói: “ Khi làm thơ viết văn, đáng đi thì đi, đáng dừng thì dừng. Ý tôi đã hết, há có thể lải nhải viết bừa cho đủ số câu?”

Theo trường qui, với bài thơ thiếu tám câu, Tố Vịnh sẽ bị đánh rớt. Nhưng quan chủ khảo sau khi thấy lạ, đọc kỹ bài thơ thì thấy dù chỉ bốn câu, thí sinh đã tả cảnh rất hay, từ ngọn núi đến rừng cây, từ ngày sáng đến chiều tà qua cái lạnh khi tuyết xuống. Ý thơ toàn vẹn, quả là thơ hay!

Ông cảm kích bèn tâu Vua, đề nghị phá lệ, cho Tố Vịnh đỗ Tiến Sĩ. Việc đó thành một giai thoại trong thi cử ở Trung Hoa. Sau nầy bài thơ của Tố Vịnh được tuyển vào Đường Thi Tam Bách Thủ, thành một kiệc tác được lưu truyền dài lâu. 

(theo Hoài Anh/ Giai Thoại Thơ Đường và Tác Giả/ Nhà Xuất bản Văn Nghệ 2002)

“Bốn Câu Là Đủ Ý”, tôi suy nghĩ hoài! Vâng, thì không cần nhiều, chỉ cần bốn câu thôi!

Tôi sẽ đưa ra vài bài bốn câu, không dám cho là Tứ Tuyệt vì dù muốn tạo ngạc nhiên hay gây ra cái mới ở câu cuối vẫn thấy đâu đó ý thơ còn vụng về, luật thơ chưa thể chỉnh như thơ cổ, và việc gây thỏa mãn cho người đọc chắc không thể chu toàn, nên chỉ dám mạo muội gởi đi như sau: (có trích vài đoạn 4 câu từ các bài thơ của chính tác giả)

NGHỊCH LÝ

Có giọt mưa làm lòng đau như cắt

Khi tạnh rồi mưa xoa dịu cơn đau

Có sợi nắng tưởng ấm thêm hạnh phúc

Nắng tắt rồi vết thương lại thêm sâu!

BI QUAN

Vừa uống vài hơi hết nửa chai

Chưa làm xong việc đã hết ngày

Nợ chưa trả hết, đời sắp hết

Mưa rớt và giây đã ướt vai!

LẠC QUAN

Uống đã mềm môi mới nửa chai

Làm xong việc lớn chưa hết ngày

Đời sống còn lâu còn trả nợ

Mưa rớt cả đời chẳng ướt vai!

GIỖ MÁ

Hôm nay giỗ má con buồn lắm

Một chút khói hương gởi quê nhà

Má đi trong cõi xa ngàn dặm

Xin về cho ấm đứa con xa!

MỘT MÌNH

Tôi chỉ mình tôi chỉ một tôi

Có khi trăng đậu lúc trăng rơi

Rồi trăng lại mọc vầng trăng khác

Tôi lại mọc thêm những ngậm ngùi!

THƠ KHÔNG CHẾT

Có lần mình định đâm thơ chết

Đem xác thơ vùi lấp bến sông

Tưởng như thơ hoá thành tro bụi

Mà chỗ chôn thơ nở đoá hồng!

BIÊN HOÀ

Đêm soi bóng em một mình đơn chiếc

Ngày theo anh lắng tiếng gọi Biên Hoà

Rồi hôm nào mình xa cách thật xa

Em một nửa anh Biên Hoà một nửa!

NHỚ MẸ

Trời đêm đã mọc sao Mai

Ngủ đi, sao Mẹ thức hoài đêm thâu

Thức chi đèn lụn dầu hao

Khuya nay Mẹ thức càng lâu càng buồn!

SÀI GÒN - CALI

Cali mùa nầy trời còn lạnh đêm đêm

Phố vắng im đêm đen còn đặc quánh

Tâm hồn vắng hoe mắt còn trông ngóng

Một phía xa nơi có chút Sài Gòn!

BÁN MÁU 1

Bán đi một lít máu tươi

Có ai thấy nỗi ngậm ngùi xót đau

Nửa phần cho Mẹ dãi dầu

Nửa cho con nhỏ sáng màu tương lai!

BÁN MÁU  2

Làm ơn mua máu giùm tôi

Máu nầy giá rẻ như đời khổ qua

Gởi theo giọt máu chảy ra

Tạ ơn người bỏ tiền mua máu nghèo!

BỆNH KHÓ CHỮA 1

Đi đâu cũng phải có “nhà”

Lơ mơ mấy chữ cũng là “nhà thơ”

Mặc cho người đọc hững hờ

“Nhà” ta cứ dựng, “thơ” ta cứ làm!

BỆNH KHÓ CHỮA 2

Đi đâu cũng vác “cái nhà” theo

Khoe với người dưng biết bao điều

“Nhà văn”  “nhà báo” “nhà thơ” khủng

Mở cửa mỗi nhà thấy vắng teo!

CÔ ĐƠN

Có một ngày vô vị đã qua

Chẳng thấy thương ai chẳng nhớ nhà

Máu đọng trong tim như ngưng chảy

Chỉ thấy quanh mình những xót xa!

KHÔNG PHẢI NHƯ Ý MÌNH

Cầm tay muốn xé bài thơ

Bỗng nghe quá khứ ngây thơ hiện về

Thấy diều bay bổng trên đê

Thấy em còn giữ lời thề thương anh!

HUẾ

Muốn cầm tay Huế giữ thật lâu

Thì thầm tai Huế một đôi câu

Mai mốt có đành chia tay Huế

Thương tiếng “ dạ thưa” đến bạc đầu!

TIỄN MẸ

Ngày nào tiễn Mẹ đi xa

Đêm đêm nhớ tóc Mẹ già như sương

Quỳ bên ảnh Mẹ đêm trường

Mong qua tay áo Mẹ nương hồn về!

GẶP LẠI TIẾNG NƯỚC TÔI

Gặp lại tình cờ tiếng Việt Thân quen

Trong khốn khó quê người còn lời gọi

Con sông quê cho tôi vay tiếng nói

Bên nầy bán cầu tôi nợ đến kiếp sau!

GẠO 

Còn vài nhúm gạo cầm hơi

Mẹ chia mỗi đứa chén vơi chưa đầy

Chén không Mẹ giữ trong tay

“Mẹ không đói”, tay Mẹ gầy run run!

TÀ ÁO MỘNG MƠ

Đêm khuya nghĩ tới quê nhà

Nhớ hoài nhớ mãi một tà áo bay

Áo bay từ thuở thơ ngây

Bay từ tuổi trẻ đến ngày già nua!

BỤI NHỚ

( tặng BT)

Đêm nào mình cùng vui bên nhau

Muội nói “phải chi…” đến bạc đầu

Giờ “phải chi…” nhớ thành hạt bụi

Để huynh và muội mãi thương nhau!

MƯA HUẾ

Hỏi nhỏ khi mô trời mưa tạnh

Huế buồn khẽ nói biết khi mô?

Có lẽ mưa tuôn không dứt hạt

Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ!

HỎI

Hỏi giọt mưa vất vả

Còn trong như mắt em?

Hỏi nắng đầy trên má

Có đậu trên môi mềm?

GOÁ PHỤ 1

Người trăm năm không hề quay lại

Tưởng như đời kết án chung thân

Nửa đường đi mình em trôi nổi

Vắng người gương lược cũng phân vân!

GOÁ PHỤ 2

Đêm đêm thức trắng cùng năm tháng

Chỉ thấy gió lay bóng một mình

Đôi bóng ngỡ còn in trên vách

Tắt đèn chỉ một bóng chênh vênh!

THĂM MỒ MẸ

Ước ao thường lại thăm mồ Mẹ

Để lau bia mộ sạch hoài hoài

Lau xong nhìn rõ mình trong đó

Thấy lại Mẹ hiền trong phút giây!

THỨC GIẤC ĐÊM KHUYA

Nửa khuya buồn tỉnh giấc

Lòng xao động câu kinh

Sao mắt đầy nước mắt

Khóc mãi cho riêng mình!

PHẢI CHI

Phải chi đừng vội nói yêu nhau

Để mãi tình yêu mới bắt đàu

Tình chẳng bao giờ thêm đoạn cuối

Thì có lo gì chuyện bể dâu?

PLEIKU

Ngủ say còn gối mộng Pleiku

Thấy cát bụi leo dốc sương mù

Gặp dã quỳ vàng bay theo gió

Uống rượu cần say khướt câu thơ!

NHỚ LẰN ROI CỦA ME

Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi

Nhớ lằn roi Mẹ nhớ không nguôi

Con vẫn đi theo đường Mẹ dẫn

Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người!

TÓC

Bây giờ cắt tóc trả bao nhiêu

Nếu chín mười Đô quả thật nhiều

Sao không để vậy cho đỡ tốn

Tóc dài tiết kiệm được tiền tiêu!

TRƯƠNG CHI MỴ NƯƠNG

Sông khuya ai thổi khúc Mỵ Nương

Có phải Trương Chi thả sáo buồn

Một khối u tình trên sóng nước

Ngàn sau còn vọng tiếng yêu thương!

QUÁ KHỨ

Anh không còn đầu móng ngựa

Em không tóc thả đuôi gà

Tìm nhau ngày thơ sót lại

Chỉ thấy cánh diều bay qua!

MƯỜI NĂM

Mười năm tưởng tóc còn hương

Mà hồn bồ kết thả buồn trôi đi

Tình trăm năm tưởng quay về

Mười năm tình đã phân ly dặm ngàn!

CHIA XA

Tay không còn nắm chặt tay nhau

Tình xa cho nỗi nhớ cấu cào

Trầu hết xanh như từng xanh lá

Cau còn cay đắng những buồng cau!

LỜI BA DẶN LÚC RA PHI TRƯỜNG

Ba về một bóng Ba thôi

Con đi một bóng chim trời cô đơn

Trăm khe vạn suối ngàn non

Mong con giữ mãi tâm hồn quê hương!

MỘT MÌNH

Còn một mình với tay không

Thèm bàn tay ấm hương nồng đêm qua

Sài Gòn giờ của người ta

Cali mình vẫn vào ra một mình!

KHÔNG BAO GIỜ

Không bao giờ đánh mất

Ly nước ngọt lung linh

Trong veo qua ánh mắt

Lòng ta hoá thuỷ tinh!

DÒNG NƯỚC XANH BÍCH THUỶ

Dặn lòng anh sẽ ngồi yên chỗ

Say ngắm màu xanh nước ngọt mềm

Thương đã tô xanh trong đáy mắt

Nhớ buộc nhau hoài hai trái tim!

KHÓC

Khi Mẹ mất, nhớ người tôi khóc

Mẹ đã mang nỗi nhớ xuống mồ

Ngồi một mình mồ côi cô độc

Nỗi nhớ ùa về ướt đẫm khăn sô!

PHÂN NỬA

Buổi đầu hai đứa chung nhau

Đến khi tình cạn nỗi sầu chia đôi

Chia nhau hai nửa cuộc đời

Một bên khóc một bên cười được không?

LỜI TẠM BIỆT

Một bài thơ chỉ bốn câu

Mà mang theo đủ sắc màu đổi thay

Xin dừng ngọn bút nơi đây

Ngày sau nối tiếp cho đầy túi thơ!

TRẦN KIÊU BẠC--
.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41540)
Nếu tôi phải làm một tuyển tập những truyện ngắn hay nhất ở hải ngoại sau năm 1975, trong số các tác phẩm được chọn, nhất định phải có truyện ngắn “Tự truyện một người vô tích sự” của Nguyễn Xuân Hoàng.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53961)
Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày.
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 55717)
Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39856)
Riêng Nguyễn Thế Hùng, đây là lần gặp lại sau 43 năm, khi bè bạn rời ghế học của trường trung học Ngô Quyền, để bước chân vào giảng đường đại học.
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41938)
Cái ranh giới giữa hiện tại và quá khứ nhỏ quá, mỏng quá, nhanh quá, nhanh còn hơn một cái chớp mắt. “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 43844)
Dù biết rằng vui mừng có giới hạn nhưng đau khổ vô bờ bến. Ước chi… ước chi…sương đã tan và nắng đã lên ở cuối đường.
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 52551)
Biết cùng ai chia sẻ sự suy nghĩ riêng mình, chỉ biết nhìn lên bầu trời âm u bên kia đồi, để rồi ước mong, mong một ngày nắng lên...
25 Tháng Mười 2013(Xem: 66636)
Cảm ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị,...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 49332)
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi...
17 Tháng Mười 2013(Xem: 36422)
Dường như đã thành người nhà dù màu da có khác, tiếng nói có khác, phong tục có khác mà sao thật quyến luyến vô cùng.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 56110)
Nhớ điều này nha anh Hoàng, như anh đã viết năm nào. “Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại.”
14 Tháng Mười 2013(Xem: 55275)
Xem lịch mới biết hôm nay là ngày đầu thu. Từng mùa thu đến, từng mùa thu đi. Đến rồi đi, đi rồi lại đến như bao kiếp người luân lạc trên dòng đời chảy miên man.
12 Tháng Mười 2013(Xem: 43397)
Tôi lại nghĩ. Chỉ có mấy quyễn sách long bìa, rách gáy, tôi còn không nở vứt đi, thì làm sao tôi có thể yên tâm mĩm cười bỏ cái thân nhục dục này xuôi tay nhắm mắt. Thì ra, nói một chuyện mà thực hành không phải dễ dàng.
11 Tháng Mười 2013(Xem: 52004)
VÌ EM LÀ NỖI NHỚ - Nhạc và Lời: Ngô Càn Chiếu - Hòa âm: Ngô Càn Chiếu - Ca sĩ trình bày: Ngô Càn Chiếu Vì em là nỗi nhớ Là Sài gòn nắng ấm bình minh Bên phố phường rôn rã thanh âm Là ngựa xe trong ngày đang đến
10 Tháng Mười 2013(Xem: 63933)
Xin cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cho một người bạn văn chương của tôi. Anh là một homo literatus với ý nghĩa đáng trân trọng của nó.
08 Tháng Mười 2013(Xem: 42616)
Tôi được biết nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi anh là giáo sư dạy môn triết tại trường Pétrus Ký. Lúc ấy, anh Hoàng tuổi ngoài hai mươi, còn trẻ lắm.
03 Tháng Mười 2013(Xem: 60206)
Nhớ anh, tôi thèm đọc một cuốn sách. Tôi tìm chữ, tìm tôi cũ trong những ngày tháng miệt mài viết bài gửi cho anh. Những ngày thân thiết vô cùng. Những ngày của chữ, của Văn …
03 Tháng Mười 2013(Xem: 46160)
Có làm cha làm mẹ, tôi càng biết quý trọng, mang ơn và thông cảm những nỗi khó khăn của những người đã ra công dạy dỗ mình và giờ đây là con cái mình từ truyền trao kiến thức cho tới uốn nắn tính tình.
02 Tháng Mười 2013(Xem: 62555)
Biết được tin tức thầy, em mừng rỡ lắm. Gặp được thầy lại càng vinh hạnh hơn. Bàn chân "trần" của thầy chắc có lẽ cũng dừng chân nơi bến đỗ "trung học Ngô Quyền" để cùng đồng liêu theo dõi nhịp thở của học trò.
28 Tháng Chín 2013(Xem: 49673)
Thì ra tôi đã già rồi. Già thật rồi nên cứ loay hoay nhìn về quá khứ. Hãy cho tôi một nụ cười. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ