Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - HUYẾT ÂM, TINH ÂM, HUYỀN ÂM VÀ “NỐT LẶNG TỊCH LIÊU” TRONG THI CA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

09 Tháng Năm 201910:08 CH(Xem: 11876)
Tô Đăng Khoa - HUYẾT ÂM, TINH ÂM, HUYỀN ÂM VÀ “NỐT LẶNG TỊCH LIÊU” TRONG THI CA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

HUYẾT ÂM, TINH ÂM, HUYỀN ÂM
VÀ “NỐT LẶNG TỊCH LIÊU” TRONG THI CA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

 

Tô Đăng Khoa

 

 
nguyen_luong_vyNhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ


Năm 1973 tập san Văn Chương của Joseph Huỳnh Văn đăng bài thơ Âm Nhạc của Nguyễn Lương Vỵ viết năm 1970 (lúc ông mới 18 tuổi). Bài thơ gây tiếng vang lớn vào thời đó và như là một tiên tri cho sự hòa nhập có một không hai giữa Nguyễn Lương Vỵ và Âm: “Âm nhập cốt”

 

ÂM NHẠC

 

Ghi trên nền nhạc giao hưởng số 5 của Ludwig Van Beethoven

 

Âm nhập cốt

Âm binh phiêu hốt tiếng tru

Ta tru một kiếp cho mù mắt

Mù lệ đề thơ để nhớ đời

À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt

Ta dắt hồn ta túy lúy chơi!

 

Âm nhập cốt

Âm vàng mấy gót hồ ly

Vạn kỷ cung thương còn réo rắt

Còn ru ta mãi quãng đời xanh

À ơi! Ai hát ngoài phuơng Bắc

Chờ nhau tinh đẩu sáng long lanh

 

Tiếng đá ngân nga chìm giếng lạnh

Sói đầu mây bạc áng thiên tinh

Ô hô! Quan tái đà xao xuyến

Giọt máu năm xưa bỗng tượng hình

 

Lâng lâng tinh khí xuất luân hồi

Nguyệt thở thơ bay rợp nắng đồi

Khuya khoắt ta nằm trong lá mới

Dìu nhau hoan lạc quỷ nương ơi

 

Quỷ nương cốt đá ta cốt mây

Ôm ấp ngàn thu sương chớp vây

Trống mái uớt dầm cung bậc chín

Reo suốt thinh không đợt sóng gầy

 

Thạch cầm vỡ

Ngàn năm thơ thẩn với âm vang

Ta ôm trời đất sầu vô hạn

Thương nhớ Thanh Xuân mộng úa tàn

À ơi! Dâu bể chưa khô cạn

Chưa dứt tâm tư vọng ngút ngàn…

 

03.1970

 

Quả thật như vậy, nếu phải tìm một chữ để nói tới cõi Thi Ca của Nguyễn Lương Vỵ, thì có lẽ chữ đó phải là chữ “Âm”.  Xuyên suốt gần 50 năm, từ lúc “âm nhập cốt,” Nguyễn Lương Vỵ trước sau như một, “mần thinh mần thơ”, tận hiến của đời mình cho Tinh Âm, Huyền Âm của Thi Ca, mà theo ông, là để tri ân Thi Ca đã cứu rỗi cuộc đời ông.

 

Giữa những “ngất gió loạn bùng” của cuộc đời, Nguyễn Lương Vỵ vẫn “lỳ đòn chờ âm rung”.  Không biết có phải nhờ hai đức tính cao quý này, tức là “lỳ đòn” và “kiên khổ” trong “sự chờ đợi” đến “nát tan tri ngộ”, mà một “cú nhảy sau cùng” đã được thành tựu một cách viên mãn: Tâm hồn của Nguyễn Lương Vỵ đã trở về Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ của nó. Ví như âm nhạc được cảm nhận nhờ những nốt lặng, cũng vậy, những huyết âm, tinh âm, huyền âm trong thi ca của ông được tri ngộ nhờ chúng được cưu mang và phát tiết từ tâm hồn cô độc tịch mịch của chính tác giả.

 

câu thơ nay kiên khổ

lì đòn chờ âm rung

chờ nát tan tri ngộ

chờ ngất gió loạn bùng

một cú nhảy sau cùng…

 

(Năm Chữ Năm Câu, bài số 38)

 

Đọc thơ của Nguyễn Lương Vỵ, tôi hay có cảm giác rùng mình ớn lạnh, đôi khi nổi gai óc; tôi bàng hoàng thảng thốt trước “sức thấy sức nghe” của Thi Sĩ Người-Ma. Cái thấy và cái nghe của Nguyễn Lương Vỵ rất lạ thường:

 

Mẹ băng huyết giữa đồng

Đứa em chưa kịp tượng

Trôi tuốt ngoài thinh không

Chập chờn con bướm lượn...

 

(Chiều Câm)

 

Hay là:

 

thấy và nghe máu vỡ

mái đình nằm nghiến răng

điện thờ nhang nín khói

tổ tiên tơ nhện giăng

một nùi không dám hỏi…

 

thấy và nghe bóng rung

bóng sân bừng bóng ngọ

bông bụt đỏ bập bùng

bóng mẹ gầy như gió

gió thổi nhòe chân dung…

 

thấy và nghe bóng hiện

chèo bẻo hót nghiêng chiều

nghiêng vai đời lỗi hẹn

bông gòn bay quá nhiều

bóng in trên thềm rêu…

 

(Năm Chữ Năm Câu, bài số 24-26)

 

Tôi cảm nhận được những huyết âm (âm thanh của nước mắt và máu), những tinh âm, và những huyền âm của vũ trụ này. Những tượng số trong ngôn ngữ được Nguyễn Lương Vỵ tận tình hòa âm với chính kinh nghiệm xương máu của cuộc đời ông, và được thi triển qua bút pháp rất mực tài hoa, nhưng lại vô cùng đơn giản và gần gũi với đời sống. Những con âm dàn ra bài thơ một cách tự nhiên, được phơi bày trên “nền của sự tịch mịch” tạo nên một tác động ma quái lạ thường.  Những hình ảnh “mái đình nằm nghiến răng”, “điện thờ nhang nín khói” rất lạ, và rờn rợn.

 

Đôi khi bài thơ chỉ là tiếng ré đau xé lòng, nhưng tác dụng của nó là sự thanh lọc, lau sạch để trở về Tịch Mịch.

 

Ta nuốt huyết tươi âm

Nguyên âm

Lau sạch

Vết thương tâm…

 

(Huyết Âm # 8)

 

Sống ở đời, va chạm nhiều, không ai trong chúng ta không có những “vết thương tâm”. Nhưng cách thức mà Nguyễn Lương Vỵ chăm sóc “vết thương tâm” của chính mình thật độc đáo: Ông “nuốt huyết tươi âm, ré nguyên âm, lau sạch vết thương tâm”.  Bài thơ là một “Tinh Tâm” của con người, tức là tiếng ré của khổ đau nhân thế. Sau tiếng ré, vết thương tâm được lau sạch. Tiếng ré cũng rơi vào Tịch Mịch, tâm lại sạch làu không tỳ vết. Bài thơ ngắn, nhưng bài học để lại thật lớn và ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

 

Có lúc Thi Sĩ lại tự mình “Độc ẩm huyết âm”:

 

Độc ẩm huyết âm nghe tinh âm

Mắt nguyên âm bừng ánh lửa câm

Đó đây có ai vừa thở hắt

Vừa bay theo sông núi rì rầm

 

Độc ẩm huyết âm thấy tiếng hót

Tiếng ca hoàng yến rót vơi đầy

Vũ trụ thì xanh và…vắng ngắt

Còn ta rêu bám tiếng cười…ngây!!!

 

Độc ẩm huyết âm lưng thẳng đứng

Câu thơ hứng chí múa xanh xương

Cốt tủy hòa thanh bay tám hướng

Mười phương bướm gáy rách tinh sương

 

(Vết thương ta ủ trong tiền kiếp

Mỗi chữ oan khiên hóa núi ngồi

Giọt huyết bơ vơ lơ láo nhịp

Lầm bầm cho đỡ nhớ

Vậy thôi!!!)

 

(Huyết Âm # 22)

 

Bài thơ Huyết Âm #22 là một ví dụ về mối liên hệ huyền nhiệm những những  huyết âm, tinh âm, huyền âm và “nốt lặng tịch mịch” trong thơ của Nguyễn Lương Vỵ.

 

Độc ẩm huyết âm nghe tinh âm

Mắt nguyên âm bừng ánh lửa câm

Đó đây có ai vừa thở hắt

Vừa bay theo sông núi rì rầm

 

Hình ảnh mọt người đang ngồi “Độc ẩm huyết âm nghe tinh âm”, ngồi ôn lại những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt (huyết âm-âm thanh của máu và lệ), và nghe ra cái “tinh âm” (tinh âm, âm thanh tinh túy của kiếp người) của sự thống khổ của thân phận người. Chỉ một câu thơ Nguyễn Lương Vỵ đã cảm ứng được cái phần cốt lõi cũa sự hiện hữu con người trên cõi đời này từ cổ chí kim.

 

Nổi thống khổ “huyết âm” quá lớn, ngôn ngữ cũng đành bất lực: “Mắt nguyên âm bừng ánh lửa câm”. Lửa “huyết âm”, ánh lửa câm thiêu đốt tâm can, nhưng ngay lập tức, chỉ trong một hơi thở hắt, nỗi khỗ cũng tan biến theo sông núi rì rầm.

 

Thi Sĩ cười ngây, làm thơ theo phong cách “con chim đến từ xứ lạ, ngứa cổ hát chơi”(ý thơ của Xuân Diệu):

 

(Vết thương ta ủ trong tiền kiếp

Mỗi chữ oan khiên hóa núi ngồi

Giọt huyết bơ vơ lơ láo nhịp

Lầm bầm cho đỡ nhớ

Vậy thôi!!!)

 

Hơn ai hết, có lẽ Nguyễn Lương Vỵ là người nếm cái hương vị cô độc đến tận cùng. Ông đã tự mình đẩy cái cô độc đó tới tận bờ của “Tịch Mịch Uyên Nguyên” và an trú tâm hồn mình ở chốn đó. Chính sự lặng thinh đó là nền tảng cho Huyết Âm thăng hoa thành Tinh Âm và Phơi Bày trong cõi Thi Ca của Nguyễn Lương Vỵ như là những Huyền Âm.  Vì thế, muốn đi vào cõi thơ của Nguyễn Lương Vỵ, đọc giả cũng cần có một chút trãi nghiệm về âm thanh của máu và lệ, và quan trọng hơn hết là biết chú tâm vào nhửng “nốt lặng tịch mịch” trong thơ của ông.

 

Nốt lặng đó có thể đến từ một “bụi ớt ở quê nhà” trong ký ức lem nhem nào đó của chính chúng ta:

 

HỌC LẶNG THINH

 

Tưởng nhớ một bụi ớt ở quê nhà

 

I.

 

cuối đời cố gắng học lặng thinh

ngồi im nghe thơ lắng trong kinh

phương bối ngân dài xanh địa phủ

đài sen rung nhẹ trắng thiên tinh

hợp tấu chúng sanh bay rạng rỡ

hòa âm vũ trụ cháy lung linh

cảm động bóng chim chuyền bụi ớt

đỏ au tiếng hót bỗng rùng mình.

 

II.

 

bỗng rùng mình câu thơ gửi lại

vài âm lục trúc rụng trên đồng

chùm bông nắng lụa nồng hương tóc

búp lá mưa trăng ấm tấc lòng

trùng hiện từng giây bưng mặt hỏi

khắc ghi vạn thuở siết tay mong

mới hay rõ một trong tâm tưởng

thinh lặng trào lên giọt máu hồng.

 

III.

 

giọt máu hồng ngát hương máu tươi

thơ không đủ gọi đã lâu rồi

nhân gian vốn ảo hóa huyễn mộng

quán trọ vẫn rình rang tuồng đời

mồ côi mồ cút trời thương đất

không đến không đi ma nhớ người

chậc lưỡi làm chi cho rách việc

học lặng thinh và lặng thinh thôi...

 

(10 Bài Thơ Đường Luật, Tác Phẩm Chưa In)

 

mới hay rõ một trong tâm tưởng

thinh lặng trào lên giọt máu hồng

 

giọt máu hồng ngát hương máu tươi

thơ không đủ gọi đã lâu rồi

 

Vậy đó, Huyền Âm tượng số của Thi Ca cũng không đủ gọi Huyết Âm, cũng không chứa nổi Tinh Âm.  Đành vậy, như Thi Sĩ vẫn cứ làm thơ:

 

Đầu cổ độ cố nhân lùa ẩn ngữ

Đuôi tân thanh rung trận gió sơ đầu

 

Hay là:

 

Tri ân thi nhân ngồi lau cổ độ

Chữ nén huyền âm Tượng Số ngân dài

 

Chính vì thơ không đủ gọi, không đủ sức chuyên chở Tinh Âm cho nên nó cần có “độ nén”.  Những bài thơ của NLV hầu hết đều có đầy đủ các yếu tố trong câu thơ trên:  Chúng có độ “nén” của một nội lực rất thâm hậu trong từng con chữ, có sự hiện hiện của những “huyền âm”, những “Tượng Số”, và quan trọng hơn cả là khi phối trí lại với nhau trong cái toàn thể của âm vận Thi Ca Việt thì chúng tạo nên độ “ngân dài” trong tâm thức của độc giả.  Chính “độ ngân dài” này là thước đo đích thực về giá trị các tác phẩm Thi Ca Tư Tưởng trước thử thách khắc nghiệt của thời gian và sự quên lãng.  

 

Hoàng hôn muôn thế kỷ sau

Dứt khoát

Thơ

Còn

Đỏ

Au…

 

(TUYỂN TẬP THƠ 4-HUYẾT ÂM)

 

Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực

Thâm âm thâm u từ lâu nay

 

Những thâm âm thâm u, những Huyền Âm Tượng Số, những Tinh Âm, Huyết Âm Thống Khổ của nhân loại, về hội tụ trong cõi Thi Ca Nguyễn Lương Vỵ, trong bối cảnh của vũ trụ Tịnh Mịch Im Lạng. Sự phối trí đó luôn cho đọc giả như tôi những cái rùng mình toát lạnh mồ hôi khi đọc thơ của Nguyễn Lương Vỵ. Hình ảnh của bà mẹ, trong Huyết Âm Mẹ, một bài thơ hay và cảm động mà mỗi lần đọc tôi đều bị rùng mình ớn lạnh:

 

HUYẾT ÂM MẸ 

 

1.

 

con về bên mẹ nghe huyết âm

nghe tủy xương réo rắt mưa dầm 

vết hằn năm tháng bâng khuâng hỏi

bao nhiêu ly tán với ly tan

 

2.

 

nhớ không hết nấm mồ viễn xứ

chân đã run và lưng đã còng

nụ cười dúm dó lòng chưa nhẹ

mẹ vẫn ngồi khắc vợi thương mong

 

3.

 

mẹ vẫn ngồi lẩm bẩm một mình

chiều sẫy thai trời đất động kinh

lửa bầm hơ tạm cơn mê sảng

than cháy tê nhòa câu vãng sanh

 

4.

 

mẹ vẫn ngồi nhẫn nha chuyện cũ

hơn trăm lần chỉ một chuyện thôi

vườn hoang nhà trống đồng trơ rạ

lá khóc đưa ma quạ oán trời

 

5.

 

con về bên mẹ thấy da mồi

thấy vườn sương tưởng khói nhang trôi

nhện giăng cành ổi nao lòng giếng

chuồn chuồn lúng liếng giậu mồng tơi

 

6.

 

nhớ không hết gò tranh dốc sỏi

màu thu đông tội lắm đất cằn

sắc xuân hạ thương dùm nhau với

những sầu đau chia sớt cho chăng

 

7.

 

mẹ vẫn ngồi tươi rói nhìn con

tròn chín mươi tuổi hạc còn... son

nên con mãi dại khờ bên mẹ

ôm bàn tay nắng ấm ngập hồn

 

8.

 

mẹ vẫn ngồi chiều hôm chưa tắt

mà đèn khuya hiu hắt đâu đây

bão trong tim nhịp đời se thắt

câu hát bay lên nhạc rụng đầy

 

9.

 

con về bên mẹ nghe huyết âm

nghe tủy xương réo rắt mưa dầm

vết hằn năm tháng không còn hỏi

một đóa bông trời đỏ lặng câm

 

Vu Lan, 08.2016

(Kỷ niệm chuyến về Việt Nam, mừng Mẹ đại thọ 90 tuổi).

 

(*) Trích trong tập thơ Huyết Âm của tác giả, ấn hành năm 2008.

 

Năm mươi năm mần thinh mần thơ, làm bạn với cô liêu, “ré” nguyên âm để lau sạch vết thương cho chính mình và cho cả nhân thế. Kể từ lúc “âm nhập cốt”, chấp nhận ném cuộc đời mình tận hiến cho Thi Ca, Người Ma, Nguyễn Lương Vỵ đã đem cái Huyết Âm (âm thanh của máu và lệ) chuyễn hóa chúng thành Tinh Âm và Huyền Âm của ngôn ngữ Thi Ca. Chính ông đã Hòa Âm Âm Âm Âm chúng lại với nhau để tự mình di về miền Tịch Mịch Câm Lặng:

 

HÒA ÂM ÂM ÂM ÂM...

 

A A A

U U U

Vô tận A

Vô tận U

 

Ảo âm chôn bóng đò mù

Tinh âm sấp ngửa sặc sừ

Hòa âm ấm lạnh A U

 

UUU

AAA

Gió bạt tai

Âm rền máu

 

Mẹ đẻ đỏ loe tiếng khóc

Càn khôn tìm về ngay chóc

Vũ trụ đùn ngay một bọc!

 

Âm âm âm

AAA

UUU

Câm câm câm

 

Chỉ biết tri âm là đây

Ngáp dài một cái tròn đầy

Xương tàn cốt lụi òa bay

 

A A A

U U U

Hú mù A

Hú mù U

 

Chỉ biết tri tình ấm lạnh

Hòa âm suốt kiếp chưa tạnh

Lù đù suốt kiếp chơi mạnh…

 

12.2004

 

Thoạt kỳ thủy là Âm, sau đó là có (A) và không (U), và sau cùng là Câm!

 

Âm âm âm

AAA

UUU

Câm câm câm

 

Xin Cám ơn Thi Sĩ Nguyển Lương Vỵ. Xin cảm tạ Huyết Âm, Tinh Âm, và Huyền Âm, và sau hết xin cùng với Thi Sỹ Nguyễn Lương Vỵ cảm tạ Cô Liêu. Bởi không có Cô Liêu, sẽ không có Huyết Âm, Tinh Âm, và Huyền Âm gì cả.

 

CẢM TẠ CÔ LIÊU

 

I.

 

cuối đời xin cảm tạ cô liêu

mần thơ được nhiêu mừng bấy nhiêu

khuya khoắt đèn khêu thêm bóng lạ

sớm hôm nắng ướt đẫm hương yêu

máu xương xa lắc kêu thương mãi

thân xác già nua nhắc nhớ nhiều

quê nhà niên thiếu nằm nghe đất

dế gáy rân ứa mật chín chiều.

 

II.

 

ứa mật chín chiều rung chín mận

hôn hoàng mấy bận đỏ hoàng hôn

truông mây thao thức hồn lau sậy

cánh gió u hoài giọng nước non

ma hú chiên đàn lay bóng mộ

quỷ tru bích huyết lạnh oan hồn

quê nhà nay vẫn rền trong ngực

một chớp trùng sinh một chấm son.

 

III.

 

một chấm son một tuyệt mênh mông

mần thơ suốt kiếp với phiêu bồng

cuống rốn sinh ly mang tiếng khóc

hình hài tử biệt gửi hư không

cảm tạ cô liêu tiêu tán nợ

tri ân câm điếc thiết tha mong

quê nhà hay nẻo xanh u mộng

mím chi sao mắt bỗng lưng tròng...

 

 

Tô Đăng Khoa

Calif., 5.2019

 

28 Tháng Mười 2011(Xem: 113253)
Mùa Thu là mùa lá rụng, nhìn lá rụng để nghĩ đến cuộc hành trình của Lá, và nhớ đến những tình cảm ắp đầy yêu thương của đời người.
19 Tháng Mười 2011(Xem: 140068)
TRÁI THÔNG KHÔ- Thơ Đào Duy Bình - Nhạc Đắc Thọ – Phạm Tấn Phước trình bày
14 Tháng Mười 2011(Xem: 131455)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
09 Tháng Mười 2011(Xem: 132070)
Rồi tôi sẽ phải sống cho quen dần với những ngày, những tháng đầy nỗi ngậm ngùi, trống vắng như thế này cho đến bao giờ?
07 Tháng Mười 2011(Xem: 123453)
Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ những mùa Thu ở Biên Hòa, tuy không nai vàng ngơ ngác nhưng rất vui và khó quên.
07 Tháng Mười 2011(Xem: 131553)
Khi những chiếc lá xanh bắt đầu đổi màu và những cơn gió lạ buổi chiều xô đi cái nóng hâm hấp của mùa Hè là chúng ta cảm nhận mùa Thu đã về.
01 Tháng Mười 2011(Xem: 107421)
Từ khoảng cách rất xa của nửa vòng trái đất, tất cả chúng em, những học trò của Cô xin gửi lời cầu nguyện cho Cô được bình yên ở cõi vĩnh hằng .
20 Tháng Chín 2011(Xem: 125047)
... mừng hôn nhân với hạnh phúc tuyệt vời luôn bền vững đến với hai cháu Đông Phương và Quang Vinh.
17 Tháng Chín 2011(Xem: 121110)
Màu tím man mác buồn của một loài hoa mộc mạc ngày nào không biết có còn vương vấn trong lòng ai một hoài niệm đã xa rồi hay không!?
10 Tháng Chín 2011(Xem: 103058)
Sau lễ cưới tổ chức ở nam Cali vào ngày 10/9/2011 xong, gia đình bạn sẽ tổ chức lễ ra mắt hai cháu với bà con, họ hàng, thân hữu ở quê hương Biên Hòa một tuần lễ sau.
31 Tháng Tám 2011(Xem: 104256)
Tôi viết mấy dòng này như là lời cảm ơn gửi đến Ban Chấp Hành hội Ái-Hữu cựu học sinh Ngô Quyền, ban Tổ-chức, và những khuôn mặt đầy nhiệt tình, thiện chí ...
26 Tháng Tám 2011(Xem: 104663)
Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao.
24 Tháng Tám 2011(Xem: 113853)
khi viết lại những dòng này, dư âm ngày hội ngộ vẫn ẩn hiện đâu đây , hình ảnh của bản nhạc "một thời áo trắng" vẫn còn đây...
21 Tháng Tám 2011(Xem: 101974)
giọng cười của anh Nguyễn Hữu Hạnh, dáng nghệ sĩ điêu luyện cũa anh Võ Đình đang bắt giọng cho thầy cô và các bạn cùng hát bản nhạc "Về lại trường xưa thân ái“
15 Tháng Tám 2011(Xem: 109357)
Mang “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn “nhiệm vụ” trao tặng quí thầy.
12 Tháng Tám 2011(Xem: 113273)
Mỗi thành viên của Đại gia đình Ngô Quyền là một cánh én mang lại mùa xuân hạnh ngộ khi đến với nhau...
12 Tháng Tám 2011(Xem: 121817)
Những ngày sinh hoạt với HAIHCHSNQBH cho tôi cảm giác đầm ấm trong tình đồng nghiệp và tình thầy trò. Cám ơn Hội đã cho tôi cơ hội hưởng được thời gian tuyệt vời đó.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 118840)
Ý Thơ: Hà Thu Thủy Nhạc: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Đỗ Hải Ca Sĩ: Thanh Duyên
06 Tháng Tám 2011(Xem: 108192)
Từ quê nhà, cách nửa vòng trái đất xa xăm, tôi xin kính lời chúc đại hội thành công viên mãn... Rồi kỷ niệm 60 năm, ai còn ai mất? Xin hãy trọn cuộc vui. Thời gian ơi! xin chậm lại.
06 Tháng Tám 2011(Xem: 124682)
Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.