Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương VI)

06 Tháng Năm 201911:45 CH(Xem: 11375)
GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương VI)




Chương 6 - Tui tr trong thi chinh chiến

 Ân_Thầy HUỲNH CÔNG ÂN


Cuối năm 1967, tôi đang dạy học ở trường trung học công lập Vĩnh Bình, Trà Vinh thì nhận được lệnh gọi nhập ngũ khóa 27 sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Cùng có lệnh gọi như tôi có anh Trần Kim Hoàng dạy Lý Hóa, anh Nguyễn Văn Tâm dạy Anh Văn bên trường công lập và anh Văn Tường dạy Quốc Văn  bên trường bán công. Biết rằng, làm trai trong thời loạn thì nhiệm vụ phải bảo vệ quê hương, nhưng đang làm thầy giáo sống êm đềm cạnh bảng đen, phấn trắng và với sự kính yêu của học trò, nay phải từ giã môi trường thân thương đó lên đường cầm súng xông vào lửa đạn, làm sao tôi không tránh khỏi nỗi buồn.

Trước ngày lên đường trở về Sài Gòn để trình diện nhập ngũ, mỗi lớp có tôi dạy đều tổ chức tiệc tiễn đưa hay đêm lửa trại từ giã tôi.  Buổi chia tay nào mà không đầy nước mắt, nhứt là các em nữ dễ cảm xúc vì các em đều biết: xưa nay chinh chiến mấy ai về!

Nhưng có quyến luyến nhau đến mấy thì giờ phút xa cách nhau cũng phải đến.  Một ngày gần Noel năm 1967,  tôi lấy chiếc xe Honda 67 chở ba: Hoàng, Tưởng và tôi từ Trà Vinh về Sài Gòn. Tôi và Hoàng đi nhập ngũ còn Tưởng về Sài Gòn nghỉ phép.

Có một sự bất công trong việc sắp xếp gọi nhập ngú các người trong ngành giáo dục thời đó. Khi bộ Quốc Phòng đưa công văn sang Bộ Giáo Dục để chọn số giáo sư nhập ngũ thì những vị có thẩm quyền ở Bộ Giáo Dục  lý luận rằng: nên cho nhập ngũ những người trẻ tuổi nhất vì họ chưa nắm những chức vụ quan trọng trong ngành và những người lớn tuổi nhứt vì nếu không thì họ sẽ quá tuổi động viên. Rốt cuộc rồi thì những người ở lứa tuổi lưng chừng không phải đi học sĩ quan vì đến khi ông Trần Văn Hương lên làm thủ tướng, ông ban hành sắc lệnh cho động viên tại chỗ các giáo chức thì mấy ông ở tuổi lưng chừng đó chỉ đi học 9 tuần cơ bản quân sự ở các Trung Tâm Huấn Luyên binh sĩ rồi trở về dạy học lại. Năm đó tôi mới 23 tuổi nên lọt vào danh sách nhóm trẻ tuổi nhất  phải học khóa sĩ quan và ra đơn vị. Một số vị giáo sư lớn tuổi như các thầy Võ Thế Hào, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Bích Lan... thì rơi vào nhóm già nhứt đi học sĩ quan. Sau 1975, nhóm trẻ nhứt và già nhứt phải bị đi tù cải tạo vì là sĩ quan, còn những ông "lưng chừng" đó, khỏi phải đi vì mấy ông ấy chỉ là "binh nhì".

Tôi trình diện tại sân vận đông Cộng Hòa ở quận 5. Khi các chiếc xe GMC chở đám tân binh chúng tôi di chuyển trong thành phố để lên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Và Nhập Ngũ thì tội nghiệp các anh cảnh sát đứng gác trên lộ trình của những xe này bị các anh em tân binh trút sự bất bình nhứt thời của họ bằng cách ném các vỏ lon nước ngọt, mẫu bánh mì hay gói xôi đang ăn dỡ vào người. Những người sắp cầm súng ra mặt trận cho rằng những anh cảnh sát được ân huệ ở lại hậu phương an toàn còn họ phải sắp sửa đối diện với cái chết. Tôi nghỉ rằng trong một xã hội phải có sự phân công, nhiệm vụ những anh cảnh sát là giữ an ninh ở hậu phương, thiếu mấy anh đó cũng không được dù cũng có những sự chạy chọt để được vào cảnh sát khỏi đi lính tác chiến.

Đến Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ, sau khi điểm danh, chúng tôi được phát chiếu, mùng, mền và các đồ dùng cần thiết khác rồi được chỉ định khu ở. Mỗi dãy phòng ở gồm nhiều giường sắt hai tầng. Nhóm thầy giáo chúng tôi ở những dãy phòng gần nhau. Buổi chiều, theo tiếng kẻng chúng tôi tập họp ăn cơm ở nhà bàn. Tôi không thể nào nuốt trôi chén cơm màu hơi xanh vì được thêm vitamin với món cá mối tanh tanh. Tôi đành bỏ đi và vào câu lạc bộ ăn cơm sườn. Tôi tự trách sao mình không thể thích ứng với hoàn cảnh sống mới. Vào đây tôi vẫn nhớ tới dĩa bò kho thơm phức ở quán Thanh Bạch trên đại lộ Lê Lợi hay tô bún suông nóng hổi ở nhà hàng Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực ở Sài Gòn hoặc tràng nem nướng ngon tuyệt của bà bán gánh trước nhà hàng Lạc Viên ở Trà Vinh.

Buổi tối các tân binh ngồi quây quần nhau trên giường ca hát hay đánh bài. Đi đâu họ đều mang theo cái mền mà trại phát cho mình. Có anh bị mất cái mền, thì tiếp sau đó có người khác bị mất và sự mất mát nầy trở thành dây chuyền. Anh nào bị mất mền thì sẽ đánh cắp mền của người nào lơ đễnh. Nếu ai mất mền đi báo cáo với trại thì sẽ bị nhốt. Đó là kỷ luật quân đội. Được vài người đến trước cho biết chuyện này nên tôi giữ kỷ chiếc mền của mình, Có anh ngồi đánh bài nhưng không quên lót chiếc mền dưới đít mình cho chắc ăn.

Ngày hôm sau, mọi người được gọi đi khám sức khoẻ.  Một ông bác sĩ  và một anh y tá quân y khám từng anh tân binh trần truồng như nhộng. Anh y tá cân sức nặng, đo chiều cao và vòng ngực, còn ông bác sĩ thì nhìn và nắn bóp khắp nơi trên người anh lính mới. Nếu một người không có bệnh hoạn gì nhưng chỉ số pignet trên 30 thì được miễn dịch. Anh Tâm rơi vào trường hợp đó nên hôm sau anh trả lại trại các đồ dùng cá nhân được cấp và nhận giấy miễn dịch ra về. Còn Hoàng, Tường và tôi ở lại chờ chuyển về trường bộ binh Thủ Đức.

Vài hôm sau, người ta đọc danh sách những tân binh được chuyển lên trường bộ binh Thủ Đức thụ huấn khóa 27 sĩ quan trừ bị. Tất cả những người còn lại là khóa sinh thặng dư của khóa 27, được trả về đời sống dân sự chờ đi khóa sau. Tôi và Hoàng nằm trong số người đó. Tôi đinh ninh rằng mình sẽ đi khóa 28.

Tôi về nhà nghỉ ngơi định sau Tết sẽ trở xuống Trà Vinh. Nhưng trong đêm giao thừa, Việt Cộng bất chấp lệnh hưu chiến mà hai bên đã giao ước bất thần tấn công vào một số thành phố và tỉnh lỵ của Việt Nam Cộng Hòa. Qua đêm mồng một, Quan, em kế tôi đi chơi khuya về cho tôi biết có những tiếng súng nổ chen lẫn với tiếng pháo ở gần bộ tư lệnh Hải Quân ở Bến Bạch Đằng. Sáng hôm mồng hai Tết, mọi người thức dậy trong tiếng súng nổ ở nhiều nơi trong thủ đô: Dinh Độc Lâp, tòa Đại Sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát, Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Ban đầu quân Việt Công ở thế thượng phong nhờ yếu tố bất ngờ: đa số các  đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ỷ y lệnh hưu chiến nên đã dễ dãi làm ngơ cho các quân nhân về nhà ăn Tết với gia đình.

Nhưng dần dần mọi người tìm cách trở về đơn vị, tiếp sức với đồng đội đẩy lui những mũi tấn công của Việt Cộng  Chúng phải co cụm vào một số nơi và quân ta bao vây và cẩn thận tiêu diệt từng tên. Ở mặt trận Chợ Lớn, Việt công rút vào ẩn núp trong chùa Ấn Quang. Do hiếu kỳ tôi theo chân của toán Biệt Động Quân xem trận chiến tại đây.

Cuối cùng Việt Cộng phải tháo chạy ra khỏi thủ đô để lại số lớn đồng bọn chết và bị bắt. Tất cả các mũi tấn công của Việt Cộng vào các tỉnh lỵ và quận lỵ trên khắp lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đều bị đẩy lui chỉ trừ ở cố đô Huế chúng cố thủ cả tháng trời và đã thảm sát hơn 3000 người ở đó trước khi rút lui.

Tháng 4 năm 1968 tôi được gọi vào học khóa 2/68 sĩ quan trừ bị. Tháng trước, khóa 1/68 đã được triệu tập và Trần Kim Hoàng đã tham dự khóa đó.Vậy là sau khóa 27, các khóa kế tiếp được đặt tên là khoá 1/68. khóa 2/68. khóa 3/68... Với cường độ ác liệt của chiến tranh, lệnh tổng động viên được ban hành và hầu như mỗi tháng đều có một khóa sĩ quan trừ bị. Lối huấn luyện sĩ quan trừ bị cũng thay đổi. Thay vì vào thẳng trường Bộ Binh Thủ Đức, các khóa sinh phải học giai đoạn 1 cơ bản quân sự 9 tuần như một người lính tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rồi mới được chuyển lên trường Bộ Binh Thủ Đức học giai đoạn 2. Lúc học giai đoạn 1, chúng tôi được gọi là khóa sinh dự bị sĩ quan.

Tất cả khóa sinh khoá 1 được tập trung thành tiểu đoàn Nguyễn Huệ, còn khóa 2 chúng tôi đông hơn được chia thành 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn Trần Bình Trọng và tiểu đoàn Gia long. Tôi ở tiểu đoàn Trần Bình Trọng và đại đội 3, sĩ quan cán bộ là trung úy Bình mà mọi người gọi là Bình ngọng. Đại đội được xếp thứ tự theo chiều cao của từng người. Tôi là người cao nhứt trong đại đội đáng lẽ mang danh số 1 nhưng gì anh Đàm, một người tốt nghiệp Cao Học Hành Chánh được cử làm khóa sinh đại đội trưởng nên anh ta mang danh số 1, còn tôi mang danh số 2. Anh và tôi ngủ chung một cái giường sắt hai tầng, anh ở tầng trên còn tôi ở tầng dưới.  Trong đại đội tôi có một anh bạn đồng nghiệp là Nguyễn Thành Hải, tốt nghiệp cùng khóa 65 với tôi, dạy môn quốc văn ở trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá. Anh ấy nhỏ con nên đứng hàng cuối cùng trong khi tôi đứng ở hàng đầu.

Công việc đầu tiên, sau khi được phát quân trang và quân dụng, của các khóa sinh là lên kho vũ khí lãnh súng.  Vì một nửa quân số có công tác khác nên tôi nằm trong một nửa quân số còn lại phải vác một mình hai khẩu garant M1 nặng trĩu. Về tới doanh trại, tôi gần như muốn xỉu. Rồi thì 9 tuần huấn luyện quân sự của chúng tôi bắt đầu. Mỗi môn học: tác xạ, tháo ráp súng, lựu đạn, mìn claymore, địa hình, bò hỏa lực, đoạn đường chiến binh, cận chiến, hành quân dã trại, trực thăng vận, tác chiến trong thành phố... được một sĩ quan huấn luyện viên giảng dạy và một hoặc hai hạ sĩ quan biểu diễn. Khi vừa chấm dứt bài học thì anh hạ sĩ quan biểu diễn lôi trong thùng đạn đại liên  trên xe honda ra nào là nước ngọt, xôi, kẹo, bánh bán cho khóa sinh chúng tôi ăn uống. Mỗi khi một cá nhân hay tập thể vi phạm quân kỷ thì bị phạt nhảy xổm hoặc hít đất, nhưng chúng tôi sợ nhứt là bị phạt "chà láng".

Số là phía trước doanh trại của mỗi đại đội có một giao thông hào đã được các khoá sinh nào trước đó đào sẵn để phòng thủ. Khóa sinh bị phat phải dùng ga men dùng đựng thức ăn của mình chà thành của giao thông hào láng coóng như xi măng mới được tha. Một ngày tháng 5 năm 1968, không nhớ tôi vi phạm kỷ luật gì mà bị phạt chà láng giao thông hào trước đại đội tôi. Lúc đó nhằm đợt tổng công kích đợt 2 của Việt Cộng vào Sài Gòn, tôi đứng dưới giao thông hào vừa chà láng vừa nhìn về hướng Sài Gòn trông thấy những cột khói bốc cao ngất trời mà lo lắng không biết gia đình mình có được bình an không vì có tin Việt Cộng về tới Tân Quy Đông , bên kia sông hướng Nhà Bè đối diện với quận 4 và đang giao chiến với quân ta.

Chúng tôi đang học giữa khóa thì tất cả khóa sinh 1/68 đàn anh của chúng tôi ở tiểu đoàn Nguyễn Huệ mãn giai đoạn 1 lên đường vào trường bộ binh Thủ Đức. Trần Kim Hoàng có sang gặp tôi để từ giả. Đồng thời lúc đó có tin đồn, khóa chúng tôi sẽ có phân nửa đậu lên trường bộ binh học sĩ quan và phân nửa rớt  sẽ ra Nha Trang học khóa hạ sĩ quan ở quân trường Đồng Đế. Mọi người rất hoang mang, lo lắng vì tin đồn còn cho biết tiêu chuẩn đậu rớt căn cứ vào điểm môn tác xạ. Riêng tôi, sự lo lắng càng nhiều hơn vì bẩm sinh thể lực không bằng những người khác nên kềm khẩu súng garant không được chặt chẽ vì vậy bắn không được chinh xác.

Những ngày thi cuối khóa tới, tôi không lo môn nào khác chỉ lo môn tác xạ. Tôi  tác xạ bên cạnh Đàm, khóa sinh đại đội trưởng. Đàm biết sự lo lắng của tôi nên hứa sẽ bắn qua bia của tôi. Đúng như anh đã hứa, khi trông thấy tôi bắn bia trật nhiều quá  nên anh đã bắn giúp tôi vài phát vào bia của tôi. Nhưng tôi vẫn lo lắng không biết mình có đủ điểm bắn không.

Buổi tối ngày mãn khóa, tình hình ở hai tiểu đoàn khóa sinh Trần Bình Trong và Gia Long rất căng thẳng. Chúng tôi được lệnh tập trung ngoài sân chờ lệnh. Trung úy Bình cầm một tờ giấy đọc tên những khóa sinh được nói là phải mang quân trang tham dự một cuộc di hành. Những người không có tên ở lại chờ lệnh. Linh tính cho tôi biết là ai có tên là được đi học sĩ quan ở trường bộ binh, những người còn lại trong đó có tôi, sẽ đi học hạ sĩ quan. Sau khi những người may mắn đi rồi thì những người xấu số bắt đầu nổi loạn. Quân cảnh được phái tới rất đông, Đại tá Lê Ngọc Triển đích thân xuống trấn an đám loạn binh nhưng vô hiệu. Cuối cùng, quân cảnh phải áp giải chúng tôi về trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương.

Tại đây chúng tôi làm một đêm không ngủ và có người đưa sáng kiến là trút tất cả quân trang trong sac marin bày cả lên giường để người ta không thể ép buộc chúng tôi di chuyển được. Gần sáng thì quân cảnh tiến vào  phòng áp tải từng người ra xe GMC mặc dù mọi người lấy muỗng gỏ vào ga men báo động.

Cuối cùng, chúng tôi cũng bị chở ra phi trường Tân Sơn Nhứt để đưa ra quân trường Đồng Đế, Nha Trang. Vì số khóa sinh qúá đông nên việc chuyên chở ra Nha Trang kéo dài tới chiều. Sau một giờ bay, chúng tôi tới thành phố duyên hải. Từ phi trường gần biển đến quân trường Đồng Đế, xe chạy qua những quang cảnh rất đẹp.  Nhưng người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! Khi xe chạy vào cổng quân trường Hạ Sĩ Quan, tôi trông thấy bức tượng người lính bằng  đồng đen gây trong tôi ấn tượng những ngày gian khổ sắp tới. Trong quân đội, hạ sĩ quan là cầu nối giữa sĩ quan và binh sĩ và cấp chỉ huy thấp nhứt nhưng gần nhứt với người lính với nhiệm vụ tiểu đội trưởng. Hạ sĩ quan vừa là người chỉ huy vừa là người trực tiếp chiến đấu. Do đó việc huấn luyện một hạ sĩ quan đòi hỏi sự khổ công chịu đưng trong thời gian học tập của khóa sinh.

Trường sở khang trang nằm dưới bóng những hàng cây thông, cây bàng đầy bóng mát. Phía sau trường là một dãy núi chắn ngang, thấp thoáng bức tượng người chiến binh đứng trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô, tạo thành một khung cảnh thật hùng tráng. Vì dãy núi trông từ xa như hình một thiếu nữ năm xỏa tóc nên sau này khi vào học ở đây tôi được nghe truyền tụng hai câu thơ mà ai đó đã đặt:

Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,

Em nằm xỏa tóc đơi chờ anh.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi được sắp xếp chỗ ở, tắm giặt. Chiều hôm đó chúng tôi tập họp ở Vũ Đình Trường, để nghe Đại Tá Lê Văn Nhật, Chỉ Huy Trưởng Trường nói chuyện. Đại Tá Nhật nhiệt liệt chào mừng chúng tôi, những tân khóa sinh Hạ Sĩ Quan bằng một bản nhạc hùng do Ban Quân Nhạc của Trường hòa tấu. Đại Tá Nhật cho biết trường hợp của chúng tôi đang được Tổng Cục Quân Huấn và Bộ Tổng Tham Mưu cứu xét, và ông tin tưởng rằng đa số chúng tôi sẽ tiếp tục theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại đây. Buổi nói chuyện của vị Đại Tá Chỉ Huy Trưởng gây được nhiểu hy vọng cho chúng tôi .

Vài hôm sau chúng tôi được gọi lên đại giảng đường của quân trường để nghe cựu trung tướng Tôn Thất Đính, dân biểu trưởng khối quốc phòng hạ viện nói chuyện. Những tràng vổ tay vang lên khi tướng Đính loan báo Quốc Hội đã can thiệp để vớt điểm bắn cho chúng tôi. Tổng cuộc quân huấn đã  đồng ý chỉ đánh rớt một số khóa sinh tương đương quân số một đại đội phải học khóa hạ sĩ quan, số khóa sinh còn lại được học khóa sĩ quan.

Ngày hôm sau, chúng tôi được phân phối thành 5 đại đội: đại đội 334 học khóa hạ sĩ quan, 4 đại đội cón lại là 335, 336, 337 và 338 học khóa sĩ quan. Tôi được xếp vào đại độ 335 mà sĩ quan cán bộ đại đội trưởng là trung úy Xuân. Tôi có hai người bạn đồng nghiệp là anh Nguyễn Thành Hải, dạy Quốc Văn và anh Nguyễn Thành Tương, dạy Lý Hóa bị xếp vào đại đội 334. Nhờ vậy, sau năm 75 hai anh khỏi phải đi tù cải tạo.

Việc giải quyết trường hợp của chúng tôi tạo tiền lệ cho các khóa sinh viên sĩ quan trừ bị sau này. Không còn có việc đánh rớt khóa sinh để buộc họ phải theo học khóa hạ sĩ quan, mà tất cả đều học khóa sĩ quan, xen kẻ một khóa lẻ học ở trường bộ binh là một khóa chẵn mà phân nửa học ở trường bộ binh, phân nửa còn lại học ở trường Đồng Đế.

Bốn đại đội sinh viên sĩ quan chúng tôi lập thành tiểu đoàn 1 Sinh Viên Sĩ Quan do một vị thiếu tá làm sĩ quan cán bộ. Bốn tuần huấn nhục bắt đầu. Đi đâu từ hai người trở lên đều phải đếm bước chạy. Trước khi vào nhà bàn để ăn thì đại đội phải chạy vài vòng quanh vũ đình trường. Ngoài ra những bài học tuột núi, đi dây tử thần, vượt sông, tấn công lên đồi... là những bài học cam go của chúng tôi.

Ngày chuẩn bị gắn alpha, chúng tôi phải làm một cuộc hành quân chinh phục Hòn Khô. Tôi phải vác cây trung liên Bar leo núi. Khi lên tới đỉnh Hòn Khô thì tôi suýt ngất xỉu vì kiệt sức. Tối đó, tiểu đoàn1 SVSQ làm lễ gắn alpha cho các khóa sinh. "Quỳ xuống các khóa sinh dự bị sĩ quan, Đứng lên các sinh viên sĩ quan". Khẩu lệnh đó cùng bản Hồn Tử Sĩ vang lên trang nghiêm làm tôi lạnh người nghỉ tới những tháng ngày xông pha trong vòng lửa đạn sắp tới.

Tiếp tục những ngày huấn luyện của 12 tuần còn lại, mỗi ngày chúng tôi phải chạy đều bước và hát những bản hùng ca theo tiếng hô một hai của sinh viên cán bộ đại đội trưởng mỗi khi đi học hay đi ăn:

 

"Ngày bao hùng binh tiến lên.

B cõi vang lng câu quyết chiến ..."

" Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn,

Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.., "

"Đây phù hiu trưng H Sĩ Quan

Lò luyn thép tân tiến nht Vit Nam..."

"Trường Hạ Sĩ Quan nung chí người trai,

Một trời thép súng nở hoa tươi cười..."

Chúng tôi chỉ được thoải mái khi đi ứng chiến ban đêm. Có đêm chúng tôi giăng lều nằm ở nhà thủy tọa, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào. Có đêm chúng tôi nằm trên đồi Rù Rì để làm mồi cho muỗi cắn.

Cuối tuần, chúng tôi được vài giờ phép để ra thành phố Nha Trang. Có người thì vào quán cà phê Thiện ở đường Độc Lập để trồng cây si cô ngồi caisse, người Sài Gòn đẹp như tranh vẽ. Có người đi xả xú báp ở khu Phước Hải . Có người ra bờ biển nhìn sóng vỗ bờ.

Rồi thì khóa học cũng chấm dứt. Khóa 2/68 sĩ quan trừ bị Đồng Đế mãn khóa tháng 11 năm 1968. Mọi người theo hạng thứ của kết qủa thi mãn khóa  lần lượt lên chọn đơn vị. Đa số về Địa Phương Quân, một số ít về các đơn vị chuyên môn và Biệt Động Quân, Tôi và Âu Dương Ư, người bạn đứng cạnh tôi cũng vác trung liên như tôi trong hàng đầu của Đại Đội. chọn về Sư Đoàn 9. Khẩu lệnh để hàng quân chào kính cấp chỉ huy không giống các quân trường khác: "Nghiêm! Súng chào... bắt. Trung liên lên vai."

Đường bộ từ Nha Trang về Sài Gòn lúc đó không an ninh nên tôi ra phi trường Nha Trang mua vé  của Air Vietnam để về nhà. Tôi được một tuần nghỉ phép trước khi trình diện đơn vị. Tôi cùng Âu Dương Ư  đi xe đò xuống Sa Đéc, nơi đóng bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Anh Bạch Ngọc Hòa, bạn học của tôi  ở trường Nguyễn Văn Khuê gởi tôi và Ư ở tạm nhà đại úy Dũng , trưởng phòng 1 của Sư Đoàn 9, là em họ của anh. Hòa đang học khóa sĩ quan không quân chung với Quan, em kế tôi. Sau này khi sang Mỹ học bay, Hòa rớt về bay nên về Việt Nam sớm hơn và học khóa không phi hành. Em tôi ở lại học tiếp khóa trực thăng , khi về nước làm hoa tiêu trực thăng ở sư đoàn 3 không quân và bị bắn rớt máy bay mất tích trong mặt trận An Lộc năm 1972. Thế mới biết mỗi người có số phận khác nhau.

Vài bữa sau, tôi và Ư trình diện đại tá Trần Bá Di, tư lệnh sư đoàn 9 để được bổ nhiệm về đơn vị. Ư được đưa về trung đoàn 15, vùng trách nhiệm là  Cao Lãnh và Châu Đốc, còn tôi về trung đoàn 16, hoạt  động ở Vĩnh Long và Sa Đéc. Tôi chia tay Ư đi Vĩnh Long nhận đơn vị. Sau này, tôi được tin Ư bị thương ở bụng và được về làm tại bộ tư lệnh quân khu 4 ở Cần Thơ.

Bộ chỉ huy trung đoàn 16 đóng ở ngả tư Long Hồ, nằm bên nầy sông phía Vĩnh Long cách thị xã Vĩnh Long hơn 10km. Qua cầu, phía bên kia sông là chợ Ngả Tư, đối diện chợ bên kia đường, sát mé sông là đồn cảnh sát của một ông thượng sĩ nổi tiếng sát cộng mà tôi quên tên. Ông có một chiếc tàu sắt nhỏ nhưng có trang bị ống phóng hỏa tiễn. Ông đã tiêu diệt rất nhiều Việt Cộng và chúng đã treo giá đắt cái đầu của ông. Về sau tôi được nghe tin ông tử trận vì bị Việt Cộng phục kich..

Trung đoàn trưởng trung đoàn 16 là trung tá Huỳnh Văn Chính. Sau này ông lên đại tá và về làm tỉnh trưởng Rạch Giá. Năm 2015, tôi sang Houston dự buổi tiệc hội ngộ đồng hương Trà Vinh thì có gặp đại tá Chính ở đó. Ông vẫn còn sỏi dù đã cao tuổi.

Ngày hôm sau, tôi được đưa về tiểu đoàn 3, hậu cứ ở xã Phước Hậu. Trên tỉnh lộ từ  Vĩnh Long đi Trà Vinh,  khoảng nửa đường Vĩnh Long và ngả tư Long Hồ có một ngả ba  tên là cua Long Hồ, nếu quẹo mặt người ta  đi vài trăm thước sễ tới chỗ đóng quân của tiểu đoàn 3. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 là đại úy Sầm Long, tiểu đoàn phó là đại úy Bùi Văn Ba. Ông Ba sau lên làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 thay đại úy Long và sau cùng ông là quận trưởng kiêm chi khu trưởng Vũng Liêm. Sau 1975, Việt Cộng đã trả thù ông Ba bằng cách cột đá vào người ông quăng xuống sông.

Đại úy Long cho tôi về đại đội 3 mà đại đội trưởng một  thiếu úy mà tôi quên tên, nguyên là một giáo viên tiểu học ở Mỹ Tho bị động viên, đại đội phó là chuẩn úy Cao Đình Đại cùng khóa 2/68 với tôi nhưng học ở trường bộ binh Thủ Đức, mãn khóa trước tôi vài tuần nên về đơn vị trước tôi. Sau này khi nói chuyện với Đại tôi mới biết anh của Đại là Cao Đình Vưu tức là nhà văn Cao Thoại Châu, giáo sư Quốc Văn trường Nguyễn Đình Chiểu và chị dâu là Dương Thị Lớn, hiệu trưởng trường nữ trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, về sau làm thanh tra ở Nha Trung Học.

Tôi tham dự cuộc hành quân đầu tiên bằng trực thăng vận vào quận Tam Bình, một quận mất an ninh nhứt của tỉnh Vĩnh Long, đó là nguyên quán của người vợ tương lai của tôi sau này. Khi tôi vừa nhảy từ trực thăng xuống thì tôi thấy một toán Việt Cộng bỏ chạy tán loạn từ những đống rơm vào vườn dừa phía sau chúng. Chúng tôi đuổi theo nổ súng, Trận đánh đó giúp chi khu Tam Bình giải tỏa được áp lực nặng nề của địch trước đó.

Rồi, tôi quen đần với những lệnh hành quân bất ngờ từ trung đoàn đưa xuống tiểu đoàn của tôi. Thường, mỗi lần hành quân trong phạm vi tỉnh Vĩnh Long thì quân xa chở chúng tôi từ hậu cứ của tiểu đoàn đến Cầu Mới, ở đó chúng tôi chờ trực thăng đến bốc đi. Nếu hành quân tăng cường cho trung đoàn 14 ở Trà Vinh thì chúng tôi chờ trực thăng ở Càng Long còn nếu hành quân ở Sa Đéc thì chờ trực thăng ở  xã Trường An, trên quốc lộ  1 giữa bến Bắc Mỹ Thuận và thị xã Vĩnh Long. Hành quân xong, tiểu đoàn tôi tìm đi bộ ra quốc lộ hay tỉnh  lộ  để quân xa chở trở về căn cứ. Thời gian hành quân thường kéo dài hai ba ngày. Bởi vậy chúng tôi ước ao mình là địa phương quân sướng hơn, chỉ đi hành quân trong ngày.

Lần hành quân ở Nha Mân, Sa đéc để  lại cho tôi một kỷ niệm khó quên. Đêm đóng quân tại đó, tôi ngủ trên một chiếc võng giăng giữa hai cây có tấm đấp nhưng muỗi ở đây chắc là có cây kim chích dài hơn muỗi nơi khác nên chúng chích tôi xuyên qua tấm đấp làm suốt đêm tôi không thể chợp mắt.

Ở miền tây, chiến trường không ác liệt như miền đông và miền trung nhưng đi hành quân vất vả hơn nhiều vì phải lội sình, có nơi sình lầy cao lên khỏi đầu gối, Chúng tôi lội khoảng vài trăm thước thì đã mệt nhoài. Nếu lúc đó gặp địch thì rất là nguy hiểm, chúng tôi sẽ là mồi ngon cho chúng tác xạ.

Tôi làm trung đội trưởng nên có một lính truyền tin và một lính tà lọt đi theo. Anh lính truyền tin mang theo máy PRC 10 để liên lạc với đại đội, còn thằng lính tà lọt để lo nấu nướng, giăng võng và đào hầm cho tôi. Thiếu úy  đại đội trưởng có vẻ không thích tôi vì anh ta biết trong ngành giáo dục ngạch trật anh ta kém tôi nên có ý muốn đì tôi. Nhưng tôi cũng thuộc loại lính ba gai nên đâu ngán anh ta. Có một lần đại đội tôi đánh đuổi bọn Việt Cộng chạy vào rừng dừa, anh ta bảo tôi dẫn trung đội vào vào rừng dừa truy kích chúng. Tôi từ chối và nói: "Thiếu úy muốn truy kích chúng thì đi, tôi không làm vì chỉ có một trung đội tôi vào đó nướng quân sao?".  Anh ta giận lắm nhưng không làm gì được tôi.

Đêm Noel năm 1968, tiểu đoàn tôi nằm ngoài đồng án binh bất động theo lệnh hưu chiến nhưng sẵn sàng tác chiến nếu địch vi phạm lệnh hưu chiến. Tôi năm trên võng kế bên hai tay cố vấn Mỹ, một trắng, một đen. Tôi chỉ lên mặt trăng tròn và nói với hai người cố vấn Mỹ: "Không lâu, người của mấy ông sẽ lên trên đó." Hai người cố vấn này thường nói với tôi: "Trong tiểu đoàn này, chúng tôi chỉ nói chuyện được với ông".

Những ngày không hành quân tôi và Đại lấy xe honda chạy ra thị xã Vĩnh Long chơi. Chúng tôi thường ăn uống ở trên lầu nhà hàng Bungalo cạnh bờ sông. Những anh quân cảnh tiểu khu Vĩnh Long đi kiểm soát trông thấy chúng tôi thì lơ đi như không thấy. Họ không muốn đụng chạm với lính tác chiến.

Đầu năm 1969, tiểu đoàn tôi mở một cuộc hành quân trong quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long để giải tỏa áp lực địch chung quanh đồn địa phương quân Giáp Nước và đóng lại đó để yểm trợ  việc xây cất lại đồn sau khi đồn bị Việt Cộng pháo kích và tấn công làm thiệt hại nặng nề. Trung đội tôi đóng trước một căn nhà mà người ta đã bỏ đi. Theo chiến thuật tôi ra lệnh cho trung đội không ai dược ở trong nhà. Tất cả chúng tôi ra ngoài sân cạnh mé sông. Thằng tà lọt của tôi đã đào cho tôi, nó và thằng truyền tin mội cái hầm lớn đủ cho ba người.

Thằng mang máy cho tôi biết, đám tiền đồn báo cáo địch đang kéo tới rất đông và họ đã xin rút về và sẽ vượt qua sông để về phòng tuyến của mình. Một lát sau tôi nghe tiếng người lội nước về phía mình. Tôi dặn lính của tôi không được khai hỏa. Không bao lâu, súng địch từ bên kia sông bắn qua dữ dội. Bên ta đáp trả tức khắc. Tôi vẫn ngồi trên cái nón sắt  cạnh miệng hầm, tay cầm cây colt.

Bỗng tôi cảm thấy nóng rát ở vai và và thắt lưng và ngất đi nhưng vẫn còn nghe một tiếng nổ lớn. Tôi tỉnh lại ngay sau đó và thấy mình ngồi bẹp dưới hầm bên cạnh thằng mang máy. Ở phía trên có tiếng ai đó rên la. Thằng mang máy nói với tôi: " Em bị trúng đạn rồi chuẩn úy ơi, chuẩn úy xem  mặt em có sao không?".  Tôi rọi đèn pin soi mặt nó chỉ thấy bị trầy trụa sơ sài. Tôi an ủi nó: "Mày chỉ bị thương nhẹ thôi". Tôi rờ vào vai và lung mình thấy có máu. Thì ra Việt Cộng đã thổi một trái B40 trúng trụ bàn ông thiên cạnh hầm tôi làm thằng Ê mang súng M79 đứng bên phải tôi lãnh đủ một mảnh ngay đầu đang rên la. Còn tôi và thằng máy ngồi trên miệng hầm bị những mãnh nhỏ và sức ép của B40 đẩy chúng tôi văng xuống hầm. Y tá đại đội chạy lại băng bó cho chúng tôi.

Hai bên đấu pháo với nhau một hồi rồi tiếng súng im bặt. Địch và ta không ai dám mạo hiểm sang sông ban đêm nên có lẽ địch đã rút lui. Trời dần sáng, đại úy Bùi văn Ba (thay cho đại uý Sầm Long), tiểu đoàn trưởng cũng bị thương nên tiểu đòan gọi trực thăng tải thương chở đại úy Ba, tôi và thằng Ê về quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

Đến phòng cấp cứu quân y viện Phan Thanh Giản, tôi được nằm trên giường, còn thằng Ê vẫn nằm trên cáng cứu thương chờ  xếp loại. Tôi được giữ lại tại phòng cấp cứu chờ xem  các vết thương có chạm đến nội tạng hay không, còn Ê được đưa ngay vào phòng mỗ. Sáng hôm sau, khi thức dậy tôi tò mò xem sổ trực thì thấy ghi binh nhứt Nguyễn Văn Ê từ trần sau khi mỗ đầu. Tôi không ngạc nhiên vì ngoài mặt trận nếu một binh sĩ  bị thương ở đầu thì phần chắc khi mỗ sẽ chết. Kỷ thuật giải phẫu mở hộp sọ lúc đó có xác xuất thành công rất nhỏ.

Về phần tôi, người ta thấy bụng tôi không bị căng cứng chứng tỏ nhưng mảnh B40 nằm trong người tôi không chạm đến một cơ quan nào của nội tạng nên tôi được chuyển xuống khu vực ngoại khoa. Ở đây, mỗi sáng  y tá xuống xức thuốc, thay băng cho tôi. Trong thời gian tôi ở quân y viện Phan Thanh Giản, tôi gặp anh Tăng Kịa, dạy chung với tôi ở trường trung học Vĩnh Bình cũng nằm điều trị ở đây.

Một buổi chiều, đang ngồi ngoài sân bệnh viện xem phim thì có loa gọi tên tôi lên phòng tiếp tân gặp người nhà đến thăm. Thì ra là má tôi. Má tôi kể rằng đêm qua bà không ngủ được mà trong lòng cứ lo âu, đến sáng bà đi xe đò xuống đơn vị tôi. Tại đây bà hỏi ông thượng sĩ  thường vụ muốn gặp con bà. Ban đầu, ông thượng sĩ nói dối là tôi theo tiểu đoàn hành quân chưa về, sau đó thấy vẻ thiễu não của má tôi ông nói thật là tôi bị thương đang nằm tại quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Vì vậy bà xuống đây. Tôi cho mẹ tôi biết rằng tôi chỉ bị thương nhẹ để bà bớt lo.

Sau hơn một tuần điều trị ở bệnh viện Phan Thanh Giản, tôi được cho về. Bệnh viên cho tôi 21 ngày phép, sau đó sẽ được tái khám tại đơn vị. Tôi đi xe đò qua Vĩnh Long rồi vào phi trường xin quá giang máy bay về Sài Gòn. Tôi chờ nhiều tiếng đồng hồ, các máy bay của Mỹ không còn chỗ, đến trưa tôi thấy có một chiếc C123 của không quân đáp xuống, Hai anh pilot rất ga lăng, đưa tay đỡ các cô ca sĩ trong biệt đoàn văn nghệ trung ương xuống trong đó tôi nhận ra có nữ ca sĩ Giao Linh. Khi đoàn nghệ sĩ  lên xe jeep đi rồi tôi tiến tới hai anh hoa tiêu xin quá giang về Sài Gòn không quên cho biết tôi đã bị thương và vừa xuất viện. Họ đồng ý và tôi leo lên phi cơ.

Phi cơ bay lên và đáp xuống phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh để đón một đơn vị biệt cách dù về Sài Gòn.  6 năm sau, cuối tháng 6 năm 1975 tôi là nột trong nhóm tù cải tạo bị đưa đến đây giam giữ. Tôi theo theo hai anh hoa tiêu xuống đất, trông thấy  các anh biệt cách dù quân phục đầy bụi đỏ đang đứng theo hàng ngũ nghiêm trang. Một lát sau hai anh hoa tiêu nói với tôi, đơn vị này không về Sài Gòn vì vứa có lệnh hành quân mới. Thế là chiếc phi cơ to lớn với hai hoa tiêu và một hành khách duy nhứt là tôi cất cánh bay về phi trường Tân Sơn Nhứt.

Vè Sài Gòn nghỉ  21 ngày xong, tôi về ban quân y trung đoàn 16 trình diện để tái khám. Trung úy bác sĩ quân y cho phép tôi nghỉ thêm 21 ngày khi tôi cho ông biết tôi đã có sự vụ lệnh biệt phái về bộ Giáo Dục dạy học lại. Ông ta nói: "Tôi cho ông nghỉ thêm để chờ sự vụ lệnh biệt phái  xuống tới đơn vị ông để ông về đời sống dân sự an toàn. Có nhiều người sắp nhận sự vụ lệnh biệt phái mà đi vào hành quân bị ngủm củ tỏi đó.". Tôi cám ơn ông bác sĩ tốt bụng.

Tôi trở về hậu cứ tiểu đoàn cất quân trang và ra thị xã Vĩnh Long ở chơi với các bạn đồng nghiệp dạy ở trường Tống Phước Hiệp để chờ sự vụ lệnh đến đơn vị. Khi nhân được sự vụ lệnh tôi về Sài Gòn trình diện bộ Giáo Dục. Ở đây trả tôi về trường trung học Vĩnh Bình. Sẵn dịp tới bộ Giáo Dục, tôi nộp đơn xin thuyên chuyển  về những trường gần nhà: trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, trung học Nhà Bè, Gia Định và một trường nào đó gần Sài Gòn mà tôi đã quên tên.

Tôi xuống Trà Vinh dạy nốt những tháng cuối của niên khóa 1968-1969. Trong 3 tháng hè năm 1969 tôi đi gác thi và chấm thi. Đầu niên khóa 1969-1970 tôi trở về Trà Vinh dạy học không bao lâu thì có sự vụ lệnh thuyên chuyển về trung học Ngô Quyền, Biên Hòa.

Tôi về Biên Hòa dạy được hai niên khóa 1969-1970 và 1970-1971 thì đến cuối năm 1971 tôi bị dính líu vào một vụ xô xát giữa tôi và một vài người bạn với một chính trị gia có nhiều thế lực nên bị trả về bộ Quốc Phòng. Hôm trình diện ở phòng quản trị Bộ Tổng Tham Mưu tôi được cho chọn một đơn vị trong số các tiểu khu và sư đoàn. Tôi chọn về tiểu khu Biên Hòa.

Hiệu trưởng trường Ngô Quyền lúc bấy giờ là ông Phạm Đức Bảo, ông ấy dẫn tôi vào gặp trung tá Thành, trưởng phòng 3 tiểu khu gởi gấm. Tôi được đưa về đại đội 3/463 địa phương quân đóng tại cầu Đồng Nai, trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa

Đại đội trưởng đại đội 3/463 là đại úy Đỗ Văn Nhuận, đại đội phó là thiếu úy Phong cùng khóa 2/68 với tôi nhưng học ở Thủ Đức và hai thiếu úy: Hoàng khóa 3/68 và Phước khóa sau nữa. Đại đội tôi chia nhau đóng hai bên đầu cầu: bộ chỉ huy nằm về phía Sài Gòn nên danh hiệu truyền tin là Sài Gòn. Bên kia cầu về phía Tam Hiệp có khoảng một trung đội đóng ở đó danh hiệu truyền tin là Cogido vì có nhà máy giấy Cogido ở phía đó. Tôi về không bao lâu thì thiếu úy Phong được đổi về tiểu khu. Trong số 3 sĩ quan còn lại, tôi thâm niên hơn nên được cử làm đại đội phó. Tháng 4 năm 1972 đúng 2 năm sau ngày mang lon thiếu úy, tôi được tự động lên trung úy.

Trách nhiệm chính của đại đội tôi là gìn giữ an ninh cho cây cầu chiến lược Đồng Nai này vì đây là cửa ngỏ của thủ đô nếu cây cầu này thất thủ có nghỉa là ta đã bỏ ngỏ cho địch tiến vào Sài Gòn. Phía đầu cầu bên Sài Gòn doanh trại của đại đội tiếp giáp bên phải với xã Long Bình thuộc  quận Thủ Đức, tỉnh Gia Đình và bên trái là xã Tân Vạn, tỉnh Biên Hòa. Phía bên kia cầu, bên trái là một trung đội của chúng tôi, bên phải là Bộ Chỉ Huy Vùng 3 Sông Ngòi của Hải Quân. Phía dưới cầu, có một hành lang đi từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia ngang qua các chân cầu. Ở mỗi chân cầu, hành lang được mở rộng ra đủ cho 3 người lính ngủ và canh gác ở đó ban đêm.  Ở vòng rào của đại đội nhứt là phía giáp với xã Long Bình  đặt những vọng gác, đây là phía nặng nhứt về mặt an ninh vì ban đêm Việt cộng thường mò về thu thuế các lò gạch ở đây. Dưới cầu lúc nào cũng có một chiếc giang thuyền nằm yểm trợ cho đại đội chúng tôi.

Quen tác phong ở đơn vị tác chiến, hàng đêm tôi thường đi tuần tra các vọng gác quanh chu vi phòng thủ. Do đo tôi khám phá sự sơ hở  ở các vọng gác, Có nhiều lính gác ngủ trong phiên trực của họ. Tôi cho họ ăn vài gậy để không quên nhiệm vụ. Ngủ gục khi gác nhiều nhứt là thằng Năm, đêm nào nó cũng uống rượu say mèm rồi ngủ trong phiên gác. Nó là thằng bị ăn đòn của tôi nhiều nhứt. Nhưng nó không oán tôi, mỗi lần câu được nhiều tôm thì đem bán cho tôi để tôi nhậu với các bạn sĩ quan đồng đội.

Nhưng tôi không làm cho thằng Năm bỏ cái thói quen nhậu nhẹt trước phiên gác của nó. Hậu quả của thói quen này đã làm nó mất mạng. Một đêm, đang ngủ tôi nghe một tiếng nổ lớn phía dưới cầu, tôi ngồi choàng dậy, chụp cây colt để ở đầu giường mở cửa chạy ra ngoài. Phòng ngủ tôi là phòng của cố vấn Mỹ để lại nằm ở trên đồi, tôi nhìn xuống dưới thấy đông người dứng nhốn nháo trước sân văn phòng đại đội. Tôi chạy xuống dưới. Trung sĩ Thêm thường vụ đại đội cho biết là tiếng nổ phát ra ở vọng gác chân cầu giữa. Đại úy Nhuận cho ca nô chở một toán lính ra đó xem sao. Một lát sau, ca nô chạy vào và thằng lái ca nô gọi y tá đem hai băng ca xuống mé sông. Người ta khiêng hai cái băng ca để  giữa sân. Thăng Năm nằm bất động trên một chiếc băng ca, Trên chiếc băng ca thứ hai, thằng Chẩy đang oằn oại. Thằng lái ca nô nói, theo thằng thứ ba gác chung một chân cầu cho biết hồi hôm thằng Năm nhậu say, đến phiên gác thì nó ngủ vùi, khi thức dậy nó rút chốt trái lựu đạn MK3 định ra mé sông liệng xuống để đề phòng đặc công Việt Cộng đặt mìn phá cầu. Khi bước ngang chiếc võng của thằng Chẩy, nó bị vấp té nên buông tay làm lưu đạn phát nổ. Năm chết tại chỗ và thằng Chẩy bị thương ở hai chân. Đại úy cho thằng Lý truyền tin báo cáo nội vụ cho tiểu khu và cho tài xế đại đội lấy xe dodge 4 chở Năm và Chẩy đi bệnh viện.

Mỗi sáng, tôi cho tập họp đại đội trong sân để các trung đội báo cáo tình hình và quân số. Xong tôi cho trung sĩ Thêm, thương vụ đại đội phân công tác cho các trung đội. Thường thì nhiệm vụ chính của chúng tôi là canh gác cầu. Thỉnh thoảng, trên tiểu khu ra lệnh cho đại đội tôi cử một sĩ quan dẫn một trung đội lên xe GMC của tiểu khu, đi hộ tống đoàn quân xa chở tân binh đi thụ huấn ở quân trường Vạn Kiếp, hay đi tiếp tế các chi khu, hoặc đi lãnh đạn ở căn cứ Long Bình hay thành Tuy Hạ. Tôi và các sĩ quan trong đại đội thay phiên nhau dắt lính đi. Còn nếu không có công tác gi thì tôi xuống câu lạc bộ của đại đội sát mé sông uống cà phê, ăn hủ tíu hay đánh bi da. Hạ sĩ Lý và đại úy Nhuận là hai tay đánh bi da rất cừ. Tôi là tay đánh bi da thuộc hạng xoàng nhưng nhờ hạ sĩ Lý mách nước nên tôi thường thắng thượng sĩ  Lộc và thiếu úy Tuấn, mới đổi về đại đội, trong những trận đánh cá độ uống bia.

Một đêm, tôi vào quán nhậu ở xã Tân Vạn của một ông thượng sĩ làm ở Trung Tâm Quản Trị Trung Ương ở Sài Gòn. Rượu vào lời ra, tôi bị một đám người làm việc ở văn phòng xã Tân Vạn gây sự. Thế cô, tôi lấy xe lambtretta chạy về đại đội Qua khỏi cầu Bà Lồ, ngang một vọng gác của nghĩa quân Tân Vạn, tôi vì uống nhiều bia nên mất thăng bằng ngã xe. Mấy anh lính nghĩa quân biết mặt tôi chạy ra đỡ xe tôi lên. Khi chạy về đại đội, tôi khám phá ra rằng mình đã mất khâu súng colt. Tôi nghi là cái đám nhậu hồi nãy thừa lúc tôi say nên lấy súng của tôi. Tôi gọi ba thằng lính, tôi chở một thằng trên xe lambretta của tôi, hai thằng kia đèo nhau trên một chiếc xe honda. Chúng tôi trở lại quán nhậu mang theo 3 khẩu M16.

Tới quán, tôi gọi thượng sĩ chủ quán ra hỏi đám người ở xã Tân Vạn đâu rồi. Bọn người đó thấy tôi trở lại với lính và súng ống, họ hoảng hốt chạy ra cửa sau dông mất. Tôi và mấy đệ tử trở về đại đội.  Nhưng khi đến cầu Bà Lồ thì nghĩa quân gác ở đây đã kéo dây thép gai chặn đường. Thì ra, xã trưởng Nguyễn Thanh Đ. đã ra lệnh cho toán nghĩa quân ở cầu Bà Lồ chặn không cho chúng tôi về đại đội. Tôi ra lệnh mọi người xuống xe và núp vào tường nhà dân ở gần đó chỉa súng về hướng trụ sở xã Tân Vạn và cầu Bà Lồ.  Tôi lấy súng của một thằng lính bắn chỉ thiên và gọi toán nghĩa quân ở cầu Bà Lồ kéo hàng rào kẽrm gai để chúng tôi qua cầu. Nhưng toán nghĩa quân ở đây không động tĩnh gì hết. Tôi định cho bắn vào chốt canh của cầu thì thấy có một tên nghĩa quân bước ra kéo hàng rào qua một bên. Chúng tôi lên xe chạy về đại đội. Đại úy Nhuận hầm hầm đứng chờ tôi ở cửa văn phòng, Thấy tôi ông nói: "Ông làm gì mà gây sự với xã Tân Vạn? Nhờ ông chủ tịch xã gọi điện tôi mới biết. Tôi nói ông ấy bảo cầu Bà Lồ để cho ông qua. Nếu không, ông với ba thằng lính có chống nỗi cả đám nghĩa quân của xã Tân Vạn hay không?". Tôi biết mình có lỗi, làm thinh đi thẳng lên phòng.

Nghe nói buổi sáng hôm sau, trong buổi họp ở tòa tỉnh, bà dân biểu Nguyễn Thị L., chị của xã trưởng Nguyễn Thành Đ. báo cáo với tỉnh trưởng sự việc đêm qua ở xã Tân Vạn. Tôi lãnh đủ 30 ngày trọng cấm. Còn về khẩu súng mất, tôi không dám báo cáo vì sợ bị phạt thêm. Tôi cho lính tôi rao rằng ai lấy súng tôi cho chuộc lại sẽ được trả 5.000 đồng. Vài ngày sau, toán nghĩa quân ở cầu Bà Lồ hẹn tôi ra quán ăn gần đó để trả lại súng cho tôi. Thỉ ra, khi tôi bị ngã xe, toán nghĩa quân thừa lúc tôi say, ăn cắp súng của tôi. lúc ra đỡ tôi và dựng xe lên.

Có những buổi chiều ở cầu Đồng Nai, tôi, đại úy Nhuận và vài sĩ quan trong đại đội xách theo một chai Hennessy, lấy ca nô chạy qua Chợ Đồn, neo ca nô ở cầu jetty rồi leo lên một nhà hàng ven sông Đồng Nai để thưởng thức món đặc sản đầu cá lóc hấp.

Đầu năm 1973, sau hiệp định Ba Lê, với trách nhiệm là một đại đội phó chính trị tôi được đại úy đại đội trưởng giao công tác phân tích bản văn hiệp định cho binh sĩ trong đại đội am hiểu và truyền xuống cho họ biết nhiệm vụ một người lính trong tình hình mới. Và để cho tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ một cán bộ chiến tranh chính trị của đơn vị, tháng 8 năm 1973, tiểu khu Biên Hòa cử tôi đi học một khóa  ở trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Nhưng khóa học chưa khai giảng thì tôi nhận được sự vụ lệnh biệt phái trở về Bộ Giáo Dục và tôi trở lại trường Ngô Quyền dạy học.

Tuy thời gian mặc áo lính ở Biên Hòa giữa mùa chinh chiến, ngắn ngủi và không phải xông pha trong lằn tên mũi đạn như lúc ở sư đoàn 9 bộ binh miền Tây những năm 68-69, nhưng tôi cũng không thẹn lòng khi đã làm tròn trách nhiệm của một người lính ở mặt trận miền Đông.

10 Tháng Chín 2023(Xem: 2876)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3164)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3136)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2888)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2817)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2741)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2749)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3545)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2925)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3192)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3727)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3393)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2646)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2504)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4810)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7955)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2672)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8557)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5148)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2597)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.