Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TIẾNG ĐÊM

28 Tháng Tư 20198:24 SA(Xem: 17481)
Nguyễn Thị Thêm - TIẾNG ĐÊM
Tiếng Đêm


 

 

Nghe như tiếng côn trùng khóc ngoài nghĩa địa. Những âm thanh của tiếng đêm thật khó chịu và dai dẵng. Nhắm mắt lắng nghe tiếng tim đập trong lồng ngực. Hít thật sâu, thở thật dài. Không nghĩ ngợi gì hết. Tâm chú ý tập trung ở ngay chỗ tiếp giáp giữa môi trên và mũi. Không nghe gì hết nghe chưa. Không chú ý hơi thở, không chú ý gì hết. Thả lỏng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng.

 

Nghe như có tiếng đại hồng chung ngân nga. Có dáng Sư Cô đang thư thả đi ra ngoài sân. Con chó chạy theo. Trời mùa này thật lạnh. Con chó đã được mặc một cái áo khoác che kín bộ lông vàng. Sư cô ngắm những chậu lan ngoài nhà khách. Bàn tay Sư Cô nâng những cánh hoa vừa hé nụ. Thật đẹp, cả dáng người lẫn hoa. Từ ngày Sư Cô về đây phụ Thầy lo Phật sự, ngôi chùa đã khác. Có sinh khí, có màu sắc. Có thêm tượng  Phật Quan Âm đứng thật hiền hòa trước hội trường. Có thêm 18 vị La Hán ngồi rải rác khắp sân chùa. Có thêm những lối đi dễ thương và những tiểu cảnh nho nhỏ đầy nghệ thuật. Những viên đá như có hồn khi được xếp dựng đứng thật công phu và được Sư Cô viết lên những câu kinh ngắn bằng thư pháp.

 

Không biết ông thầy bằng cách nào mà quen biết Sư Cô rồi bảo lãnh qua đây? Ông thầy người Huế, Sư Cô cũng người Huế, chắc là đồng hương, đồng khói. Sư Cô là một người trí thức, tu học từ thuở bé và tốt nghiệp Đại học Phật Giáo gì đó ở Việt Nam. Mỗi lần Sư Cô thuyết pháp là Phật Tử rất thích vì học hỏi được rất nhiều giáo pháp. Sư Cô nói chậm rãi, từ tốn nhưng tâm điểm rõ ràng. Giọng Huế nhỏ nhẹ Sư Cô thật dễ thương và đáng kính. Từ ngày về chùa, Sư Cô ốm và đen ra vì vất vả. Cả một sân chùa rộng mênh mông bao nhiêu là việc. Những viên đá về được chất thành đống ở sân trước. Mỗi ngày một chút, lưng còng xuống vì nặng, đá đã thành đường đi, thành tiểu cảnh, thành một công trình.

 

Có Sư Cô chuột cũng giảm bớt và từ từ mất hẳn. Ngày xưa, kéo hộc tủ ra là cả bầy chuột con nằm một đống đỏ hỏn. Chuột chạy khắp nơi dễ sợ. Thầy không cho bẫy, cũng không cho giết. Chỉ tụng kinh và thỉnh họ nhà chuột dời nhà. Nhưng cái chánh là không có người dọn dẹp vệ sinh trước sau. Ông thầy lo ngoài vườn đã mệt phờ người, mặt nám đem, da mốc cời quên cả ăn trưa, ăn tối. Cơm, rau luộc, nước tương Thầy ăn hoài không ngán. Chị Phật Tử gần chùa nóng ruột qua nấu cơm dùm Thầy.  Ông thầy từ chối hoài không được đành Mô Phật chấp nhận và hồi hướng công đức.

 

Sư Cô qua Mỹ diện tu học mà thật ra qua Mỹ để hành đạo. Lúc Sư Cô mới đến chùa, cũng có tiếng xầm xì. Không biết có chính trị, chính em hay đem theo nghị quyết gì gì đó không. Nhưng lần lần rồi cũng êm bởi vì Sư Cô cực quá là cực. Chùa nghèo xơ nghèo xác. Thầy không dám mở máy lạnh vào mùa hè, mở máy sưởi vào mùa đông. Trên đồi cao lồng lộng, gió rít từng cơn lạnh ngắt. Ông thầy co rúm trong chiếc áo ấm cũ mèm khoác ngoài bộ đồ tu vàng khè bạc màu mưa nắng. Phật Tử chung tay đóng tiền điện mỗi tháng cho Thầy khỏi lo lắng tội nghiệp.

 

Sư Cô nghĩ ra cách nấu thức ăn bán để có tiền trang trải. Sư Cô thật khéo tay và giỏi. Thức ăn chay ngon và đẹp được các Phật Tử bỏ mối dùm ở các tiệm nail, văn phòng  quen biết. Từ lúc có tiền ra tiền vô, Thầy không nhận tiền đóng góp hàng tháng cho chùa. Nhà bếp được thu vén sạch sẽ vệ sinh. Sư Cô sắp đặt đâu ra đấy gọn gàng. Chuột, kiến, dán tìm đường khác sinh sống. Mỗi khi có lễ lớn Sư Cô làm rất nhiều món ăn chay để chật cả tủ lạnh để bán. Ngày Tết, Sư Cô làm những bình hoa rất đẹp để Phật Tử mua về trang trí trong nhà. Hoa đẹp, giá mềm ai cũng thỉnh vài ba chậu.

 

Từ lúc có Sư Cô về chùa, Thầy lập một cái cốc riêng ở cuối vườn để ở. Muốn đi qua cốc phải băng qua chánh điện. Cái cốc nhỏ xíu kín đáo và yên tịnh. Hình như các chú Phật Tử đã gắn cho ông một máy điều hòa nho nhỏ để ông thầy không bị quá lạnh khi mùa đông. Ông thầy sống đơn giản, không quan tâm mấy đến chuyện ăn, ở. Thế nào cũng đủ. Thầy nói: "Người tu mà đừng chú ý, câu chấp quá nhiều về vật chất". Ông kể chuyện tu học ở Ấn Độ trời lạnh gấp bao nhiêu lần ở đây, cái cốc tí xíu trống trơn. Hai chân trần tê buốt mỗi khi đi thiền hành. Ông kể chuyện bên Ấn Độ, chuyện xuất gia của Phật và của chính ông. Ông cười và chạy giỡn với bầy trẻ ngoài vườn té lăn cù. Ông thương trẻ con và hết sức chiều chuộng. Ông không rào đón, môi mép. Không tụng kinh ngân nga, kéo dài hay hình thức quá đáng. Ông tu theo lối thiền của Nam Tông, nhưng lại hành đạo theo Bắc Tông. Ông cười Đạo phải nhập thế để Phật Tử quay về chánh pháp. Phải có chùa để người ta đến đây và đánh thức ông Phật của chính mình. Cái chùa nghèo này có tên "Chùa đậu phọng"

 

Lại không ngủ được, cái đầu vẫn vơ nghĩ đến chuyện chùa chiền, Thầy, Sư Cô. Cái đầu như mấy con khỉ không yên nhảy nhót lung tung. Nhắm mắt lại, không chú ý gì hết, hướng về hơi thở, thả lỏng, thả lỏng, thả lỏng...

 

Chiếc ghe nhẹ nhàng trôi trên dòng sông. Gió thổi mát rượi, hai bên bờ cây cối sum xuê. Thật êm đềm và hạnh phúc. Chiếc ghe tấp vào bờ. Cầu tre nối liền bến đổ. Hai chân tự dưng không thể bước xuống. Cố gắng nhấc chân lên thật nặng nề. Sao lại thế này. Sao không thể cử động. Sợ quá, sợ quá!.

Vị sư già nắm tay dìu xuống. Bàn tay ông mềm và ấm. Ngôi chùa nhỏ bên bờ sông yên tịnh. Đôi mắt ông thật hiền và từ bi. Ông dẫn vào chánh điện, chánh điện sơ xài vài tôn tượng, hoa, trái nhà quê đơn giản. Ông bảo :

- Con quỳ xuống Lễ Phật đi.

Hai chân tự dưng không còn tê. Nhẹ nhàng như chưa bao giờ biết đau nhức là gì. Quỳ xuống, cầm cây nhang ông đưa. Ngước mắt nhìn lên tượng Phật Thích Ca. Trong đầu không biết phải khấn hay xin điều gì. Mà tại sao phải xin. Mỗi người tự mình đang trả nghiệp của mình mà. Xin ông Phật cũng đâu có giúp gì được. Không lẽ mình làm nhiều điều ác rồi mình đi chùa đốt nhiều nhang, đọc nhiều kinh là ổng xóa hết hay sao? Ổng đâu có rảnh mà nghe bao nhiêu triệu người xin xỏ.

 

Tay cầm nhang nhắm mắt lại niệm Phật. Niệm hồng danh đức Thích Ca, A Di Đà, Quan Âm. Thầy đánh chuông. Tiếng chuông ngân vang lan tỏa nhẹ nhàng. Tiếng chuông cảnh tỉnh. Tiếng chuông đưa về ngôi chùa nhỏ ngày xưa còn bé. Có tiếng cười giòn giả của chú tiểu nhỏ với cái vá đàng trước dài nghéo vào vành tai. Có tiếng má kêu dậy đi học, có tiếng thùng leng keng buổi sáng dân phu dậy sớm đi làm. Khói bốc lên cao quyện ấm áp trên những mái nhà tranh. Thầy hỏi :

- Con từ đâu đến?

Ô hay tôi từ đâu đến? Và đây là đâu? Tôi đến đây từ lúc nào? Ngoài bến, chiếc ghe không còn, trên tay không túi xách, không tiền bạc. Tôi từ đâu lạc đến chỗ này và tôi sẽ đi đâu?

Ánh mắt nhà sư hiền quá, nụ cười đôn hậu. À! Thì ra nụ cười của ba tôi. Nụ cười hiền nhất và ấm áp nhất. Tôi muốn nhào tới nắm lấy tay ông mà khóc. Kể cho ông nghe tôi đang bơ vơ. Tôi đang sống hay tôi đã chết, tôi đang thức hay tôi đang ngủ. Tôi đang nằm mơ hay đây là sự thật.

 

Tôi quỳ xuống trước ông, đầu cúi xuống. Tôi kể cho ông nghe về ba tôi. Một vị tăng già tội nghiệp. Bước thiền hành chậm chạp, nặng nề. Những bước chân nhiều vấp ngã vì ái dục. Bài kinh mỗi ngày học không biết ông có thuộc hay không. Bữa cơm chay thanh đạm cháo rau có làm ông nhớ tới những bữa cơm gia đình quây quần đông vui con cháu. Tôi nhớ ba tôi. Tôi thương ba tôi quá. Tôi bất hiếu không kề cận bên ông trong những ngày cuối đời... Bàn tay Sư Ông xoa nhẹ đầu tôi:

- Con hãy cầu nguyện.

Cầu nguyện. Phải rồi! Cầu nguyện chứ không xin xỏ. Tôi lại quỳ xuống, chấp tay nhìn lên chánh điện. Đôi mắt Quan Thế Âm như soi rõ nội tâm tôi. Nhành dương liễu trên tay người lay động.

Tôi cầu nguyện cho mọi người biết yêu thương, tha thứ, biết vừa đủ không tham lam. Cầu nguyện cho người Trung Cộng trá hình công nhân rời khỏi đất nước tôi. Cho Đức Thánh Trần hiển linh vung gươm chém đứt đường lưỡi bò. Trả lại sự yên bình trên biển, đất liền cho quê hương VN.

Tôi cầu nguyện cho những bệnh nhân ung thư không còn đau đớn. Tôi cầu nguyện giường bệnh rộng ra, rộng ra... để ba người nằm không chật chội, xuôi ngược khó chịu. Cầu nguyện cho những người gian ác, tham lam tỉnh ngộ thấy được sự vô thường của đời người. Ăn cũng chỉ một cái miệng, mặc chỉ một bộ đồ, chết chỉ một áo quan. Có đánh đổi lương tri, bóc lột, tham nhũng thật nhiều thì khi chết cũng không thể đem theo tiền bạc, nhà cao cửa rộng. Cầu nguyện cho thức ăn không bị tẩm hóa chất. Cầu nguyện cho rượu, bia hóa nước lã. Cầu nguyện cho con người lấy lại lương tri và nhân tính. Không cướp giựt, ấu đả chém giết lẫn nhau. Cầu nguyện...

Khi tôi ngẩng đầu lên vị sư ông đã đi đâu mất. Cả không gian thơm mùi hương trầm. Tâm hồn tôi nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi như thấy ba tôi cười mãn nguyện. Thấy mẹ tôi nhìn tôi âu yếm. Thấy anh ấy... Ông xã tôi đang đi về hướng tôi. Chiếc áo trắng thư sinh học trò và nụ cười nửa miệng. Anh ấy đi bình thường không khòm lưng, không khập khểnh. Tôi đưa tay ra. Sao bàn tay, cánh tay tôi tê dại. Tôi vươn ra phía trước để chạy tới trước anh ấy. Hai chân lại bất động. Tôi la lên.

 

Tôi giật mình thức giấc. mệt mõi rã rời.

Đồng hồ trên đầu nằm chỉ 4:45 am.

Trời đã gần sáng. Ngày chủ nhật cuối cùng của tháng tư đen 2019.

 

Nguyễn Thị Thêm.

23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1978)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2006)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1930)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1980)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2406)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2657)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2201)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2141)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2240)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2200)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2286)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1883)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5848)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 6171)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2340)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5470)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4133)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2660)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2652)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 3046)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi