Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Oanh Trịnh - TÂM SỰ NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

27 Tháng Tư 201811:26 CH(Xem: 15958)
Kiều Oanh Trịnh - TÂM SỰ NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

tamSuNguoiTuCaiTao.

 

 

Anh cầm tờ giấy ra trại “Tù” không biết nên buồn hay vui? Lòng anh chùng xuống nghĩ đến thân phận mình.

 

Đáng lẽ hôm nay phải là một ngày vui nhất của anh, một ngày thật hạnh phúc mà đang có biết bao nhiêu người bạn, người tù đều mong ước, ngày anh được thoát khỏi trại tù tăm tối mà họ, những kẻ “thắng cuộc” gọi là “Trại Cải Tạo”. Nhưng với anh…? Anh không biết khi ra khỏi đây thì cuộc đời anh sẽ đi về đâu?

 

Anh nhớ lại cách đây vài tháng, vợ anh, người vợ đầu ấp, tay gối mười mấy năm của anh đến thăm và báo cho anh biết là cô đã nhờ người lo cho anh được ra sớm và đồng thời cũng báo cho anh biết, đây cũng là lần chót cô đến thăm anh…

 

Anh không thể nào ngờ được, vì muốn có người nuôi 3 đứa con nên anh được ra sớm và vợ anh đã làm đơn ly dị, giao con cho anh để về làm vợ tên Cán Bộ cao cấp. Lòng dạ đàn bà thật nham hiểm. Nhớ lại lời Mẹ anh nói bên tai khi anh đem cô về giới thiệu với gia đình… bây giờ anh nghiệm lại thì rất đúng…

 

Dĩ vãng hiện về:

 

Anh là người con thứ tư trong gia đình có 5 anh em, trên anh có anh Cả Hùng, chị Ngọc, anh Hưng, và cậu em Út Nam thua anh 4 tuổi. Ba anh là công chức làm việc trong tòa Lãnh Sự Pháp ở Hà Nội, nên được bốc vào Nam 1954 trên chuyến bay cùng chung với 1 số gia đình khác mỗi gia đình đều được chính phủ cấp cho 1 cư xá.

 

Vào Nam lúc anh vừa đúng 10 tuổi, nơi đây anh sống vui vẻ hồn nhiên dưới mái ấm gia đình có cha, mẹ, anh, chị em và chung quanh còn có thêm những đứa bạn đồng trang lứa, những bữa cơm xum họp gia đình, quây quần bên mâm cơm thanh đạm mà ngọt lịm tình thương yêu. Nhớ mãi những buổi trốn ngủ trưa đi theo bọn thằng Long, thằng Khoa vào rừng bắn chim hay xuống đồng vớt cá lia thia, rồi leo trèo lên cây hái trộm me, ổi xoài xanh đem về rủ mấy đứa con gái cùng trại đâm muối ớt, nước mắm đường tụm năm, tụm ba vừa ăn, vừa suýt soa mùi vị chua, cay, ngọt bùi, đùa vui tíu tít.

 

Trong nhóm có một cô bé nhỏ nhắn xinh xinh mà anh rất quý, mỗi lần có những món ăn ngon, anh thường để dành riêng cho cô, cô nhỏ hơn anh 2 tuổi, học dưới anh 2 lớp. Cô kém về môn toán nên thường hay sang nhờ các anh Hùng, Hưng chỉ dạy thêm cho cô. Khi các anh vắng nhà thì anh giúp cô những gì anh biết. Ba Mẹ cô cũng là bạn thân của ba mẹ anh, nhà cô lại toàn con gái nên cô xem các anh như những người anh. Khi các anh Hùng, Hưng lên Sài gòn học, thì anh được thay thế, nên có dịp gần gũi cô nhiều hơn. Năm đó anh vừa 16 và cô 14. Anh bắt đầu để ý đến cô từ lúc nào cũng không rõ, chỉ biết rằng, hôm nào vắng cô là anh nhơ nhớ, nhà cô ở phía bên kia, cách nhà anh một con suối nhỏ. Mỗi lần muốn sang nhà anh cô phải đi vòng qua con đường đất đỏ rất xa, nhưng vì cô sợ đi qua cây cầu gỗ mong manh, nên cô ít dám sang nhà anh, biết cô sợ nên anh tình nguyện băng ngang cây cầu đến dậy cô học.

 

Thời gian dần trôi, tuổi trẻ lớn dần, cô bé trở thành thiếu nữ đôi mươi, duyên dáng, cô bắt đầu biết e thẹn, ngại ngùng nên không còn nhờ anh kèm toán nữa. Anh và cô ít gặp nhau, lâu lâu chạm mặt, cô ửng hồng đôi má, chỉ gật đầu chào anh rồi lẩn đi lối khác. Cứ mỗi lần gặp cô, anh thấy cô lạ hẳn, hai lúm đồng tiền trên má cô dường như sâu thêm và nụ cười với hàng răng khểnh càng làm duyên thêm khuôn mặt thon dài, và nhất là đôi mắt mí lót, tuy hiền dịu nhưng có nhiều nét tinh nghịch. Cô không đẹp sắc sảo, không có sức quyến rũ vồn vập như những cô bạn anh quen, nhưng ở cô có sự nhẹ nhàng và duyên dáng như một thỏi nam châm, khiến người đối diện dễ bị lôi cuốn. Hình như anh đang si tình cô bé Dung (Thu Dung là tên của cô) rồi.

 

Riêng cô, thì rất vô tư, dường như cô chỉ xem anh như một người anh, thật khó hiểu, cứ thế mà anh ngấm ngầm giữ mãi tình cảm thầm kín không dám bộc lộ, tự mình anh cứ âm thầm thương yêu cô, nhưng khi thấy cô vô tình anh đâm ra bực dọc. Và rồi như muốn thử lòng cô nên anh đã tìm quen thêm vài cô bạn gái khác để xem cô có “ghen” không? Nhưng cô vẫn dửng dưng, bình thản.

 

Ngày Ba cô mất, cô đang sửa soạn thi Tú Tài I. Anh sang phụ cô tiếp khách đến viếng đám tang. Thấy cô khóc như mưa, anh an ủi khuyên nhủ:

 

- Bé đừng buồn, đời ai rồi cũng qua cảnh này. Bác đã yên nghỉ bình an. Bé phải ráng học để vui lòng Bác nơi chín suối, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày thi của Bé rồi đấy nhé

 

Nghe nhắc đến ngày thi cô lại khóc to hơn. Nhìn những giọt nước mắt của cô mà anh xót xa, thương cô quá. Anh ôm cô vào lòng vuốt ve, cô gục đầu vào vai anh mà sướt mướt

 

Ba em mất rồi anh Tuấn ơi! Bây giờ chỉ còn mình Mẹ em thì làm sao Mẹ lo cho chúng em được.

 

Cứ thế mà cô gục mặt lên vai anh khóc như mưa… Cô thật bé bỏng, anh chẳng biết làm gì hơn chỉ biết để mặc cho cô khóc, nước mắt cô thấm ướt cả vai anh…

 

Thắm thoát mùa thi đã đến, thi xong cô cũng không đi xem kết quả. Anh tự đạp xe đến trường lấy kết quả cho cô, cô đậu rất cao, anh mừng rỡ cầm bảng kết quả đem về, lòng anh vui vô tả, vui hơn cả khi đi xem kết quả kỳ thi cho chính mình … Thế mà anh vẫn không dám tỏ tình, cô ngây thơ quá. Anh biết chắc chắn là anh đang yêu cô bạn gái bé nhỏ này của anh từ lâu lắm rồi, nhưng anh không biết làm sao để tỏ tình với cô.

 

Rồi gia đình cô dọn ra khỏi cư xá. Mẹ cô mua nhà ở gần chợ. Gia đình anh thì dọn về Sàigòn, bận rộn, anh bù đầu vào việc học hành… Thời gian đi vào quên lãng, rồi tuổi thơ trôi qua.

 

Chiến tranh lan dần, anh tự nguyện đăng vào Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngày đi, anh lặng lẽ không dám đến từ biệt cô, chỉ đến khi nhà trường cho phép thân nhân đến thăm thì anh mới gửi giấy báo về nhờ chị Ngọc rủ cô lên thăm anh. Chắc cô giận nên không đến. Cô gửi cho anh 1 lon guizgo thịt chà bông và ít món ăn khô cùng 1 lá thư chỉ vỏn vẹn…

 

Anh Tuấn ơi! Sao anh đăng lính mà không từ biệt em? Lúc này em bận học bài thi nên em không có dịp ghé thăm hai bác và các anh chị được. Giờ mới nhận được tin thì anh đã đăng vào lính rồi. Em đang phải học thi, bài vở nhiều quá, nên không đi thăm anh được. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe. Khi nào có dịp về phép anh nhớ ghé thăm em nhé. Em biếu anh hộp chà bông do em làm.

Chúc anh vui khỏe.

Bé Dung

 

TB:

À, em quên báo cho anh biết lúc này môn toán của em khá hơn nhiều rồi đó anh, chắc tại không có các ông anh ở gần chỉ dạy nữa nên em phải tự cố gắng hết dám ỷ y nên hiểu được nhiều rồi anh ạ…

 

Thế rồi từ đó anh và cô bặt tin nhau. Anh ra trường đổi về Vĩnh Bình, cô thi đậu vào ĐH Văn Khoa. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, anh mải mê đời lính, bận rộn hành quân, lâu lâu về phép anh có ghé nhà cô nhưng không gặp. Anh buồn bã trở về đơn vị và sống buồn vui đời lính, anh viết thư cho cô mấy lần, nhưng đều xé bỏ.

 

Rồi được tin cô lấy chồng, Ba Mẹ và anh, chị của anh đều đến dự tiệc cưới của cô, nghe Mẹ kể cô rất hạnh phúc, vợ chồng cô thật xứng đôi, vừa lứa. Anh cũng biết chồng cô, cùng học một trường nhưng khác lớp. Một anh chàng điển trai, con nhà khá giả, và lịch lãm. Anh mừng cho Cô đã tìm được người chồng như ý, và cũng buồn cho thân phận anh vì quá tự tin đã để mất đi một người con gái mà anh đã dành trọn mối tình đầu cho cô. Cũng chỉ vì anh trân quý cô như một viên ngọc pha lê sáng ngời nên anh đã không dám tỏ tình để bây giờ anh mất cô vĩnh viễn…

 

Anh nhờ chị Ngọc mua tặng vợ chồng cô một món qùa cưới và ký tên của anh với hàng chữ: “Chúc vợ chồng em luôn luôn hạnh phúc”.  Từ đó anh vùi đầu vào các cuộc hành quân lùng địch, anh bị thương ở bàn tay phải, không cầm súng được, anh đổi về làm việc văn phòng điều hành ở Quận Vĩnh Bình, rồi anh kết hôn, vợ anh là một người con gái miền Tây rất đẹp. Mối tình đầu thầm kín của anh cũng trôi dần theo năm tháng, tuy lâu lâu lòng anh cũng dậy lên một chút tình nhớ về cô bạn nhỏ ngày xưa. Và mỗi khi về phép anh đều được nghe một vài chuyện về gia đình cô để được biết, cô rất đang hạnh phúc, vợ chồng cô đã có 3 mụn con gái… Riêng vợ chồng anh thì lại sinh 3 chàng con trai. Có lúc anh chợt có ý tưởng ngộ nghĩnh, ước gì sau này vợ chồng anh được làm sui gia với vợ chồng cô thì vui biết mấy…

 

Rồi biến cố 30 tháng Tư đổ ập vào lãnh thổ miền Nam, bọn Cộng Sản tràn vào như một bọn cướp nước, chúng lùa tất cả các quân nhân, cán chính của VNCH vào trại tù cải tạo. Anh cũng bị chung số phận. Chúng đưa anh vào những trại tập trung xa nhà mất biệt. Mấy tháng sau mới cho gia đình đến thăm. Vợ anh lần nào đến thăm anh đều đi với 1 người đàn ông mà cô bảo là anh họ, anh ta là cán bộ cao cấp, chuyên lo về quản giáo các trại tù Cải Tạo ở Vĩnh Bình. Nhưng rồi vợ anh thưa dần sự thăm viếng, và chị Ngọc lại phải gánh phần đi nuôi đứa em trai tù đày. Có lẽ sợ anh buồn nên chị Ngọc chỉ nói là cô Thắm (vợ anh) bận buôn bán, nhưng anh cũng linh cảm rằng, vợ anh và người đàn ông kia đang dan díu với nhau, cô nàng đem 3 con trai của anh về cho ba mẹ và chị Ngọc nuôi, cô ấy hiện đã có mang với tên cán bộ. Lòng anh tan nát, không thể ngờ được, người đàn bà đã có với anh 3 mặt con, lại có thể nhẫn tâm bỏ rơi cha con anh trong hoàn cảnh này, anh đang tù tội, ba mẹ anh thì già yếu, cả nhà anh bây giờ chỉ trông cậy vào lương công nhân của chị Ngọc, bữa no, bữa đói, bây giờ còn phải gánh thêm việc thăm nuôi anh và nuôi 3 đứa con của anh nữa, làm sao chị Ngọc lo nổi. Anh xót xa, thương chị Ngọc đã bỏ phí tuổi xuân, sống độc thân để lo cho gia đình.

 

Hôm nay được ra tù, đáng lẽ anh phải vui mừng mới đúng, nhưng lòng qúa ngao ngán. Nhớ lại lần viếng thăm cuối cùng Thắm có nói:

 

- Anh Tư Tần sẽ lo cho anh ra khỏi đây, khi về anh nên cố làm người công dân tốt, em nghĩ anh nên đi vùng Kinh Tế mới lao động, vừa rất tốt cho sức khỏe của anh lại được Nhà Nước gìúp đỡ, rồi anh sẽ sớm được trả quyền công dân?

 

- “Quyền Công Dân”? Tôi có làm gì đâu mà mất quyền Công Dân? Tại sao phải đi vùng Kinh Tế mới?

 

Vợ anh lặng thinh ra về rồi từ đó bặt tin. Hôm nay cầm tờ giấy ra trại, anh ngẩn ngơ. Anh đi bộ ra đường cái đón xe về nhà. Ngày về đáng lẽ phải vui, nhưng khi bước chân vào nhà, căn nhà thật tiêu điều, đồ đạc trống rỗng, ba anh gầy hom hem người chỉ còn da bọc xương, ông đang ngồi trên chiếc ghế ọp ẹp trước sân, thấy anh bước vào, nhưng ông vẫn dửng dưng như người không quen biết, đôi mắt lạc lõng, xa xăm. Vừa lúc Mẹ anh ở trong nhà bước ra, nhìn thấy anh bà ôm chầm rồi òa lên khóc:

 

- Thằng Tuấn về rồi ông ơi! Ông không thấy con về sao mà ngẩn người ra thế? Khổ thân con tôi tàn tạ qúa.

 

Ông Trung đưa cặp mắt lờ đờ nhìn cậu con trai vừa mới ra tù Cải Tạo, chép miệng thở dài:

 

- Ở trong tù đã khổ, về nhà còn khổ hơn. Sắp chết đói hết cả lũ rồi đấy….

 

Từ ngày được thả về, Tuấn chả tìm được việc làm, nhà 8 miệng ăn, bố mẹ già yếu, anh mới ra tù, lại bị quản chế, cậu em kế anh (Nam) học được 3 chứng chỉ Luật thì miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, trường Luật đóng cửa, Nam nửa Thầy nửa thợ cũng chỉ làm vài việc vặt vãnh khi có người cần viết vài tờ đơn đòi nhà, cửa, thù lao cũng chả được bao nhiêu… Chỉ có chị Ngọc thì may mắn xin được vào làm công nhân cho một xưởng may nhưng lương lậu rất khiêm nhường mà phải quán xuyến cả một gia đình. Bao nhiêu gánh nặng đè lên vai chị. Thương chị anh chả biết làm sao.

 

Sáng nào anh cũng dậy thật sớm, bụng đói đi bộ ra Cầu Ông Lãnh hay Cầu Kho đứng chờ hễ có người cần khuân vác thì anh nhận việc hầu kiếm được chút tiền phụ vào gia đình. Khổ nỗi, những năm tháng tù tội, ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe anh cũng không có, bụng lại đói, anh không có sức nên thu thập cũng chẳng đủ đâu vào đâu. Nhiều lúc khiêng bó mía mà anh muốn xỉu, anh phải cố gắng lắm mới chất nổi bó mía lên xe ba bánh cho chủ. Những lúc như thế, nước mắt anh tuôn như mưa. Anh oán hận đời, oán hận bọn Cộng Sản đã thôn chiếm miền Nam khiến gia đình anh tan nát như thế này.

 

Nhớ lại những ngày vàng son thanh bình thuở trước mà anh không khỏi ngậm ngùi. Nhìn lại hoàn cảnh gia đình anh bây giờ tàn tạ mà lòng anh tan nát. Một hôm có người bạn thân ở Vũng Tàu, đang lo tổ chức 1 chuyến vượt biên, thấy hoàn cảnh của anh quá khó khăn, nên anh bạn giúp cho anh 1 chỗ trên chiếc ghe nhỏ khoảng 30 người. Anh nghĩ nếu anh ra đi thì gia đình anh càng khổ thêm vì không có ai phụ chị Ngọc nuôi cha mẹ già và 3 đứa con của anh. Cuối cùng anh gửi đứa con trai lớn của anh lúc đó vừa 15 tuổi.

 

Hôm đó vào 1 ngày mưa bão, anh ngại ngùng không dám cho con đi, nhưng Thuần (bạn anh) nói là phải đi vào lúc thời tiết như thế này mới tránh được bọn Công An tuần tra. Anh hồi hộp giao thằng bé cho bạn mà ruột đau như cắt. Không biết quyết định của anh khi cho con vượt biên như thế này đúng hay sai? Con đi rồi, anh nóng lòng trông ngóng. Sau 1 tuần thì tin đưa về chiếc thuyền con của bạn anh ra khơi gặp bão đánh chìm và cả thuyền hơn 30 người đã vùi chôn vào lòng biển sâu, trong đó có đứa con trai lớn nhất của anh. Anh gục đầu chết lặng. Hối hận vì đã đưa con vào chỗ chết. Anh buồn bã, ân hận, nản chí, hận thù, bao nhiêu cay đắng dồn dập đổ vào gia đình anh. Ba anh qua đời, không bao lâu sau đó Mẹ anh cũng theo chân ông. Gia đình anh càng túng quẩn, anh vẫn không có việc làm.

 

Một hôm vợ cũ của anh về thăm con, nhìn bà ta cười cợt vô tư bên người đàn ông kia mà anh giận sôi ruột, nhưng nghĩ lại thân phận mình lúc này chỉ biết cắn răng nhịn nhục. Người đàn bà thật vô tình, không hề buồn khi nghe tin con chết vì vượt biên, và càng vô tình hơn khi chính bà ta đưa cho anh tờ giấy, bảo anh ký tên bằng lòng đi “Vùng Kinh Tế Mới” xa tít mù khơi. Anh căm hờn nhìn 2 người, anh không thể ngờ tại sao lại có người đàn bà độc ác như thế. Anh còn phải nuôi 2 đứa con trai còn nhỏ (10 và 8 tuổi) mà họ nỡ đuổi anh đi. Bà ta hứa hẹn:

 

- Anh nên nghe theo chính sách của nhà nuớc, đây là việc tốt cho anh thôi. Lên đó anh có ruộng nương cày cấy thu hoạch lúa gạo về nuôi gia đình. Các con thì tôi sẽ gửi tiền hàng tháng cho cô Ngọc lo cho chúng. Anh lo thân anh là đủ. Lâu lâu anh vẫn về thăm gia đình được mà.

 

Căm hờn, nhìn người đàn bà gian ác, anh giựt tờ giấy ký đại. Tuần sau anh vác túi ra đón xe lên Trảng Bom rồi đi bộ hết 1 ngày mới đến 1 khu rừng âm u.

 

Nơi đây có vài căn nhà lá lèo tèo, mong manh, vách đất. Phía cổng vào có 1 căn nhà gạch 3 gian có treo 1 lá cờ máu và 1 tấm bảng đỏ kẻ chữ vàng "Ủy Ban Nhân Dân Vùng Kinh Tế Mới", vài tên Bộ Đội nón cối đang đứng ngoài sân hút thuốc, anh lầm lũi bước thì nghe tiếng gọi:

 

- Anh kia, có phải anh đi nhận đất “Kinh Tế Mới" không? Đưa giấy tờ đây xem nào

 

Anh lầm lừ móc túi đưa cho hắn tờ giấy "Chấp nhận Đi vùng Kinh Tế Mới" mà Mụ Thắm bắt anh ký hôm nào…

 

Họ làm giấy tờ rồi dắt anh vào 1 căn chòi nhỏ, mái lá vách đất, 1 chiếc giường tre ọp ẹp, ít vật dụng thô sơ, chắc của một người nào đã ở trước rồi trốn đi nên còn để lại 1 ít đồ dùng cá nhân. Họ cho anh ở đây và chỉ anh ra khu rừng bảo anh tự lo phát rừng, khai phá trồng tỉa hoa màu tự sinh sống … Chung quanh căn chòi anh ở cũng có vài chục căn chòi khác, chắc họ đã sống ở đây lâu rồi vì anh nghe có tiếng trẻ con khóc và tiếng ru con văng vẳng đâu đây, nhưng vườn tược thì khô cằn, đầu cổng có cái giếng để mọi người ra gánh nước về xài.

 

Trời nắng gay gắt, không một ngọn gió, cánh rừng mênh mông. Anh phải bắt tay vào việc chặt cây đốn củi ngay ngày hôm sau. Anh sống lầm lũi một thân, một mình, ban ngày anh vất vả, cố thu dọn cho đủ một mảnh vườn để trồng tỉa hầu kiếm hoa màu, huê lợi sinh sống. Ban đêm mệt lả, nhưng không tài nào ngủ được vì muỗi rừng vo ve, cái mùng nhỏ xíu cũng không ngăn nổi bọn muỗi đói bu đen nghịt ở ngoài. Trời ban đêm nóng như lò lửa. Cứ thế mà anh phải sống hết ngày này sang ngày khác trong căn chòi nhỏ, một mình lầm lũi như một bóng ma.

 

Dần dần anh quen được vài người bạn trong vùng cùng cảnh ngộ như anh, bị lấy nhà đuổi về đây sinh sống, phải đem cả gia đình con cái theo. Anh may mắn hơn là căn nhà của ba mẹ anh thì cũ, đồ đạc trong nhà cũng chẳng còn gì, phần anh còn mấy đứa con nhỏ dại, nên mụ vợ của anh còn tí lương tâm, chỉ bắt mình anh ký giấy về đây thôi. Lâu dần thành quen, nhờ có bạn bè nên anh bớt cô độc, tuy cuộc sống vẫn cơ cực, rừng khô, cỏ cháy, đất cằn cỗi, anh chả trồng tỉa gì được, chỉ còn cách lên rừng đốn củi đem ra chợ gần đó bán, lấy tiền mua chút lương thực cho mình.

 

Nhưng rồi củi ở gần cũng hết dần, anh phải đi sâu vào phía trong tìm củi về bán. Càng ngày càng khốn khó, chỉ một miệng ăn mà anh nuôi không nổi, áo quần tơi tả. Anh buồn tủi, nhớ đến hai đứa con dại còn đang ở nhà chờ anh làm ra tiền gửi về nuôi chúng ăn học. Mà thân anh còn không xong thì anh còn lo được cho ai?

 

Rồi thì nghe gia đình người bạn ở gần sửa soạn đi Mỹ theo diện H.O. anh càng tủi cho thân phận mình hẩm hiu, lại càng oán hận người vợ cũ. Phải chi cô ta đừng lãnh anh ra, biết đâu giờ này anh cũng thuộc diện H.O. như người ta, cha con anh chắc chắn sẽ có cuộc sống an lành, đầm ấm ở xứ Tự Do … Cứ thế mà anh sống một mình nơi rừng khô, nước độc ngày này sang ngày khác, chẳng biết tương lai về đâu? Lòng oán hận người vợ bạc tình đã đồng loã với tình nhân đưa anh vào con đường cùng tận không có ngày mai. Càng ngẫm nghĩ anh càng nhớ lại lời Mẹ anh nói ngày xưa, khi lần đầu tiên anh đưa người đàn bà này về ra mắt gia đình. Mẹ anh buồn bã lắc đầu:

 

- Con nhất định cưới thì Ba Mẹ đành chịu, chứ con bé này có con mắt lẳng lơ lắm. Mẹ sợ đời con sẽ không được hạnh phúc.

 

Nhưng anh nào có nghe, vì anh đang giận cô bạn nhỏ đã bỏ anh đi lấy chồng, để rồi ngày nay anh phải điêu đứng trong tay người đàn bà mất nết này. Âu cũng là số phận của anh. Chắc kiếp trước anh đã mang nợ bà ta, nên kiếp này anh phải trả… Đêm đêm nằm trong căn chòi nhỏ, ngậm ngùi nhớ lại những ngày xưa cũ, anh chỉ biết thở dài, chua xót.

 

Sống lầm lũi một mình cho đến 1 hôm, anh bỗng dưng thấy mệt mỏi lạ thường, anh lên cơn sốt, người nóng như lửa. Anh nằm liệt, khô cả cổ họng, không thể ngồi dậy rót nổi một ly nước uống… Người anh vật vã toát mồ hôi, anh nằm bất tỉnh. Cũng may vừa lúc có anh bạn gần nhà ghé sang thấy anh như thế vội vực anh lên văn phòng và nhờ họ đưa anh đi trạm y tế. Anh được chẩn bịnh đã nhiễm bệnh Sốt Rét trầm trọng, cần phải đưa về nhà thương trên Tỉnh gấp. Anh nhờ người bạn về nhà báo tin … Chị Ngọc đến đón anh về mà không đưa anh vào nhà thương được vì nhà không có tiền đóng tiền nhà thương. Mà đào đâu ra tiền để chữa bệnh cho anh đây? Chẳng còn cách nào hơn chị Ngọc đành chạy tiền mua thuốc ký ninh cho anh uống cầm chừng vậy.

 

Anh bất lực, không giúp gì được cho gia đình, lại thêm gánh nặng trên vai người chị với căn bịnh ngặt nghèo. Nghe tin bạn bè anh người thì được gia đình bảo lãnh, kẻ thì đi theo diện H.O. qua Mỹ mà anh thấy số anh sao mà lận đận qúa! Bao nhiêu câu hỏi dập dồn cứ quay cuồng trong đầu óc anh:

 

- Phải chi không có ngày 30 tháng Tư hắc ám, thì mọi người đâu có phải nghèo đói như thế này

 

- Phải chi người đàn bà kia đừng lãnh anh ra tù sớm thì có lẽ giờ này anh và các con của anh cũng như bao nhiêu người bạn tù cải tạo khác đã an cư, lạc nghiệp, sống ở Hoa Kỳ rồi.

 

Anh tủi nhục nghĩ về thân phận mình, chỉ muốn chết cho xong, nhưng nghĩ đến các con, anh đành ôm lòng để sống. May mắn Trời thương, từ khi về nhà, không biết có phải nhờ những viên thuốc hay nhờ tinh thần phấn đấu mà đẩy được căn bệnh ngặt nghèo. Anh khỏe dần và rồi tìm được việc làm cho một chiếc tàu đánh cá từ Phú Quốc chở cá về Vũng Tàu, và rồi họ tổ chức vượt biên. Thấy anh chịu khó và thương hoàn cảnh của anh nên họ đã cho anh và 2 con trai cùng đi theo, hẹn khi nào đến được nơi định cư mới trả tiền… Sau 1 tuần lênh đênh trên biển cả, cha con anh đến được Mã Lai và rồi được định cư ở Mỹ. Những năm đầu sống nơi đất khách thật vất vả, anh vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm lo 2 đứa con thật khó khăn nơi xứ lạ, quê người, nhưng cũng quen dần, anh đã thích nghi với hoàn cảnh. Nhờ những năm phụ làm thợ máy dưới tàu nên anh tự tạo cho mình nghề sửa chữa máy móc, xe cộ, anh xin vào làm cho 1 hãng xe hơi, nhờ quen việc, anh tự mở 1 cái garage nho nhỏ lãnh sửa xe. Tiệm sửa xe ngày càng đông khách, anh phải mướn thêm người, rồi anh sang thêm 1 tiệm xăng. Các con anh lớn dần và đều học hành thành tài.

 

Anh bảo lãnh chị Ngọc và em Nam sang Mỹ. Chị Ngọc vẫn độc thân. Anh truyền cho Nam nghề sửa xe và hai anh em thay phiên nhau trông coi tiệm. Anh mua một căn nhà lớn, cả nhà cùng quây quần sống chung. Rồi Nam và các con trai của anh lập gia đình, ra riêng, chỉ còn hai chị em anh ở trong căn nhà rộng thênh thang.

 

Anh thu vén bán căn nhà lớn dọn về một chung cư 3 phòng ngủ đủ chỗ cho chị em của anh sinh sống, có cộng đồng, sân chơi tennis, hồ bơi, nhà nghỉ mát, v.v... Anh cũng bớt làm việc để dành thời gian dắt chị Ngọc đi chơi để bù lại những ngày chị đã cực khổ với gia đình và cha con anh…

 

Một hôm, trong một tour đi Cruise về Carribean anh gặp lại gia đình cô bé Thu Dung năm nào. Thật bất ngờ khi nhìn thấy cô đang bước chậm bên cạnh chồng, nhìn thấy anh cô cũng ngờ ngợ. Bất chợt cô kêu lên:

 

- Anh Tuấn phải không? Không ngờ em được gặp anh ở đây?

 

Quay sang người đàn ông cô gọi

 

- Anh ơi! Lại đây em giới thiệu.

 

Đây là Khanh, ông xã của em, còn đây là anh Tuấn, người anh tinh thần và cũng là Thầy giáo kèm toán cho em ngày xưa mà em thường kể cho anh nghe đó… Anh Tuấn đi với ai? Chị nhà đâu?

 

Cô hỏi tới tấp làm anh không kịp trả lời:

 

- Anh đi với chị Ngọc, không có bà xã, chuyện dài lắm khi nào có dịp anh sẽ kể cho em nghe. Hân hạnh gặp Khanh và thật bất ngờ được gặp các em ở đây…

 

Rồi thì bao nhiêu chuyện xưa cũ kể ra… gia đình Dung đang sinh sống ở California, nghe anh nói anh cũng ở Cali cô rất mừng. Thế là 2 gia đình lại có dịp gần gũi như xưa. Vợ chồng Dung rất chân tình quý mến chị em anh như người thân trong nhà, anh cũng ấm lòng. Nơi xứ lạ quê người mà tìm được một người thân quen, hiểu mình từ thời thơ ấu rất khó.

 

Từ đó anh an phận sống bên người chị đáng kính, chị Ngọc. Cuối tuần anh chở chị đến Chùa làm công quả. Riêng anh, cũng giảm bớt việc làm, để dành thời gian đi chơi, thăm các con, cháu. Cuộc đời anh kể ra cũng hạnh phúc lắm rồi. 

 

Nhiều lúc ngồi bâng khuâng quay lại cuốn phim dĩ vãng, anh vừa bàng hoàng vừa xót xa. Anh không hiểu sao đời anh lại lắm thăng trầm đến thế, và nhất là chuyện nhân duyên của anh thì quá lận đận.

 

Ngồi ngẫm lại mối tình câm của anh với Dung rồi cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Thắm người vợ thay lòng của anh mà anh thật buồn. Chung quy là số phận, là cuộc đời và vận nước đã đưa anh qua những ải khổ đau.

 

Anh hận Cộng Sản, giá như không có ngày 30 tháng 4, 1975 thì gia đình anh đâu có tan nát, anh đâu có mất đi đứa con trai lớn nhất của anh vào lòng biển cả, và vợ anh cũng đâu bị tên Cán Bộ cướp mất, nếu Cộng Sản không thôn tính miền Nam thì gia đình anh đâu có những ngày bữa đói, bữa no, áo quần tơi tả, và anh đâu mắc phải cơn bệnh sốt rét rừng tưởng chết, và còn nhiều, nhiều nữa…

 

Nếu Cộng Sản không vào thôn tính Miền Nam thì làm gì có những tên cán bộ cao cấp vào bốc hốt tiền bạc của dân Miền Nam rồi còn cướp vợ con những người lính của chế độ cũ bị chúng bắt nhốt vào Tù Cải Tạo, vì CS vào xâm chiếm miền Nam nên mới có hàng đoàn người mạo hiểm vượt biển rồi bỏ thây dưới lòng biển sâu trong đó có con trai của anh… biết bao nhiêu điều xẩy ra cũng do bàn tay đẫm máu của bọn Cộng Sản tham tàn, ác độc.

 

35 năm xa xứ niềm đau ray rứt gậm nhấm tâm hồn anh, nghĩ về quê Hương với muôn vàn nỗi nhớ. Anh mong một ngày khi không còn bóng dáng bọn Cộng Sản tham tàn, đất nước thanh bình thật sự, anh sẽ quay về, mua lại mảnh đất xưa nơi gia đình anh đã sống, anh sẽ ở đó để ôn lại những kỷ niệm xa cũ của một thời thơ mộng. Bước trên những con đường một thời làm anh ngẩn ngơ mỗi chiều tan học chung đường về cùng cô bạn nhỏ mà anh thầm yêu. Mối tình đầu của anh sống mãi theo anh suốt quãng đường dài, bao ngày tháng trôi nhanh theo vật đổi, sao dời mà tình yêu đơn phưong vẫn còn sống mãi trong tim anh…

 

Hôm nay, lại là ngày 30 tháng Tư, ngày Quốc Hận, hàng năm cứ đến ngày này thì lòng người hải ngoại đồng sôi sục, oán giận, căm hờn bọn cướp nước. 43 năm chiếm miền Nam rồi mà họ chưa làm được điều gì tốt lành cho dân. Người ta vẫn tìm cách trốn chạy ra nước ngoài, người trong nước bất mãn đều bị bắt nhốt. Cán bộ thì thi nhau tham nhũng, chúng đang bán dần đất đai cho bọn Tàu vào cai trị, dân khổ kệ dân, họ lo ôm tiền trốn ra nước ngoài hưởng thụ. Một đất nước mục nát. Càng nghĩ càng xót thương cho hơn 90 triệu dân đang sống trong cảnh đọa đày.

 

Cầu mong cho mảnh đất quê Hương mau chóng yên lành thoát vòng Cộng Sản để người dân được an cư, lạc nghiệp, chung tay xây dựng cho nước Việt Nam được phú cường, thịnh vượng, và anh sẽ được về sống an bình nơi ấy hầu gửi nắm xương tàn trên mảnh đất Quê Hương, để được nghe gió chiều vi vút, êm ả một dòng sông Quê Mẹ an bình. Mộng ước của anh thật giản dị mà rất khó thực hiện…

 

 

Kiều Oanh Trịnh

Viết theo tâm sự 1 người anh tinh thần

 

*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức:
 LIÊN KHÚC SÀI GÒN NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN - Tưởng Niệm 30-4-1975
Kiều Oanh thực hiện youtube






22 Tháng Tư 2023(Xem: 3018)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3136)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3154)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4571)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4413)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3057)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3290)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3463)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
31 Tháng Ba 2023(Xem: 3157)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
24 Tháng Ba 2023(Xem: 3235)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời
21 Tháng Ba 2023(Xem: 3478)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5413)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3698)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3775)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3060)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 2023(Xem: 2975)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 2023(Xem: 3316)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5480)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
22 Tháng Hai 2023(Xem: 3084)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 2023(Xem: 4382)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.